Bệnh viện nằm hiên ngang trên ngọn đồi cong im lìm, nhô lên từ những bãi cỏ dốc và những bụi hoa sặc sỡ, bên vệ đường cao tốc. Nó như một lời nhắc nhở đến những kẻ lữ hành lái xe ngang qua - đây là điểm cuối của con đường. Tuy nhiên, nó cũng có mặt tốt đẹp riêng của nó. Nó cao sừng sững đón mọi cơn gió thổi vào từ biển, mà chắc hẳn là có không ít cửa sổ phòng bệnh từ đó bạn sẽ được nhìn thấy đại dương, thấy mũi Palos Verde và thậm chí thấy cả đảo Catalina trong tiết trời đông sáng.
Các cô y tá ở quầy lễ tân cũng rất thân thiện. Họ không làm phiền bạn với hàng đống những câu hỏi. Nếu bạn biết số phòng mình muốn đến thăm, bạn thậm chí không cần phải xin phép, mà cứ thế lên thẳng phòng.
George đứng trong thang máy một mình. Thang dừng lại ở tầng hai, một nam y tá da màu đẩy vào một bệnh nhân đang nằm sấp trên chiếc giường di động. Anh nói bà ta sắp phải phẫu thuật, nên họ phải xuống tầng trệt, nơi có các phòng mổ. George kính cẩn đề nghị được ra khỏi thang máy để tránh làm phiền, nhưng cậu y tá trẻ (người có những cánh tay rắn chắc rất gợi cảm) nói ông không cần phải làm như vậy. Nên ông cứ đứng đó, như đang dự tang lễ của một người xa lạ, lén lút nhìn trộm bà bệnh nhân như thể bà là nạn nhân đã được chuẩn bị sẵn cho nghi lễ tưởng nhớ. Bà có vẻ nhận thấy điều này và cũng đồng tình, nên hoàn toàn thoải mái trong sự bằng lòng. Mái tóc bạc của bà trông thật đẹp, nó chắc hẳn mới vừa được uốn cong.
Thang máy dừng một lần nữa, họ đã tới tầng trệt. Cửa mở ra.
“Ta có nên ra luôn không?” George tự hỏi chính mình.
Cái thân thể tội nghiệp đang co rúm lại trước không khí, mùi và cảm giác mà nơi này mang lại. Nó mò mẫm chồm lên giãy giụa đòi tháo chạy. Chạy khỏi cái viễn cảnh sẽ bị u mê bởi những loại thuốc họ đưa cho, khỏi bị đâm chọc bởi các ống tiêm, bị cắt gọt bởi những con dao sắc nhỏ, khỏi những điều không thể tượng tượng nổi sẽ xảy đến với nó, cái thân thể xác thịt trần tục. Cho dù là để chữa trị và khiến nó khỏe hơn đi nữa, thì nó cũng sẽ không bao giờ có thể quên, có thể tha thứ. Không gì có thể trở lại như cũ được nữa. Nó sẽ đánh mất niềm tin vào chính nó.
Jim thường không thôi phàn nàn và rên rỉ mỗi khi anh bị cảm lạnh hay lỡ tay làm mình bị chảy máu. Nhưng đến phút cuối của cuộc đời, anh đã may mắn - lần duy nhất may mắn thực sự đáng giá. Chiếc xe tải đã đâm vào xe của anh một cách bất thình lình và mãnh liệt; anh đã không cảm thấy chút gì, đã không phải giãy giụa trước khi từ bỏ cõi trần. Và họ chưa bao giờ phải đưa anh đến nơi như thế này dù chỉ một lần. Những gì còn sót lại của anh đều vô ích cho các hoạt động khoa học của họ.
Phòng của Doris nằm ở tầng trên cùng. Hành lang vắng không một bóng người. Cửa phòng của Doris đang mở toang, tấm mành che đặt trước giường. George liếc qua đầu tấm mành trước khi bước vào. Doris đang nằm ngoảnh mặt ra cửa sổ.
George đã quen dần với vẻ bề ngoài của Doris. Nó không còn khủng khiếp với ông nữa, vì ông đã mất đi cảm giác để nhận thức được sự thay đổi. Đối với ông, Doris vẫn mãi là như vậy. Cô là một loài sinh vật khác - một con ma-nơ-canh nhăn nheo vàng bủng, với cánh tay và đôi chân gầy gò tong teo, thân xác khô cằn và cái bụng rỗng, nằm co ro bên dưới tấm ga giường. Điều gì đã xảy ra với con thú hoang tàn kiêu ngạo trong cô gái đó? Với cái thể xác lõa lồ ưỡn ẹo, khêu gợi chào mời đã từng nằm dưới tấm thân trần trụi của Jim? Với cái của báu ngàn vàng tham lam không ngừng đòi hỏi trong thân thể thanh xuân bóng bẩy của tuổi trẻ, yêu cầu George phải tránh ra, cúi chào và đầu hàng trước đặc quyền nữ nhi của nó, và dúi sự trái lẽ thường của ông vào tủi nhục. Ta là Doris. Ta là phụ nữ. Ta là con khốn của tự nhiên. Nhà thờ và đạo luật của cả bang, của cả nước tồn tại để ủng hộ cho ta. Ta đòi hỏi quyền bản năng sinh học của ta. Ta yêu cầu được có Jim.
Đôi khi George tự hỏi, liệu trong những ngày xa xưa ấy, có bao giờ ông đã ước chuyện này sẽ đến với cô ta?
Câu trả lời là không. Không phải vì George không thể trở nên ác độc đến thế, mà vì Doris hồi đó không chỉ là Doris, cô còn là phụ nữ, là kẻ thù, đang đòi hỏi phải có Jim.
Chẳng ích gì khi hủy diệt một Doris, hay một nghìn Doris nếu như đặc quyền tự nhiên của phụ nữ với đàn ông vẫn còn tồn tại và là duy nhất. Cách duy nhất để chiến đấu với bọn họ là đầu hàng, là để Jim tự do đi cùng cô ta tới Mexico trong kì nghỉ đó. Bằng cách thúc giục anh hãy thỏa mãn mọi sự tò mò, sự tự hào hão huyền và nhục cảm, đánh cược rằng anh sẽ trở về (và anh đã) nói rằng, cô ta thật ghê tởm, không đời nào anh làm như vậy lần thứ hai.
Chẳng phải em sẽ ghê tởm gấp bội sao, Jim, nếu em nhìn thấy cô ta vào lúc này? Liệu em có thấy nỗi kinh hãi dâng trào khi nghĩ rằng, có thể ngay từ ngày đó, cái thân thể mà em vuốt ve và hôn trong thèm khát, cái thể xác mà em quan hệ bằng cả tấm thân trần trụi tràn đầy nhục dục đã mang trong mình mầm mống của sự mục nát này? Em đã thường rửa vết thương cho những chú mèo hoang một cách ân cần, không ngại ôm những con chó già bệnh tật hôi hám vào lòng; nhưng bất chấp những bản tính tốt đẹp, trong em vẫn tiềm ẩn một nỗi sợ trước những bệnh tật của con người và những kẻ tàn tật. Anh biết, Jim ạ. Anh có thể cảm nhận được nó. Em chắc chắn sẽ từ chối đến thăm cô ta. Em sẽ không đủ sức ép mình phải làm việc đó.
George bước qua tấm bình phong và tiến vào căn phòng, chỉ tạo ra tiếng động vừa đủ để Doris quay đầu lại, nhìn thấy ông mà không hề ngạc nhiên. Có lẽ đối với cô ta, sự phân cách giữa hiện thực và ảo ảnh đã trở nên quá mỏng manh. Những bóng hình cứ lúc ẩn lúc hiện. Nếu có ai đó chọc mũi tiêm vào người thì cô ta có thể chắc đó là y tá. George có thể là George hoặc là ai đó khác. Cô ta sẽ xử sự như thể đó là George. Tại sao không? Đằng nào cũng chẳng có gì quan trọng.
“Xin chào,” cô ta nói. Đôi mắt xanh sáng rực rỡ trên khuôn mặt bệnh vàng bủng của cô.
“Chào Doris.”
Đã khá lâu kể từ khi George thôi không mang hoa hay quà đến cho cô nữa. Mọi thứ ông mang từ bên ngoài vào căn phòng này chẳng còn ý nghĩa nữa, thậm chí chính bản thân ông. Với cô giờ đây căn phòng này là tất cả, nơi cô miệt mài với cái chết.
George ngồi xuống bên cạnh và cầm tay cô. Nếu hai tháng trước mà ông làm điều này thì sẽ thật là giả tạo kinh tởm (Một trong những ký ức nhục nhã cay đắng của ông là khi ông hôn lên má cô. Có phải nó xuất phát từ sự căm phẫn và thù hằn? Hay vì ông thích bị tra tấn? Ôi bất kể là gì đi nữa, thì ông cũng đã hôn lên má cô, ngay sau khi ông phát hiện ra Jim đã lên giường cùng với cô ta. Jim cũng có mặt ở đó khi ông làm vậy. Lúc ông rướn người tới để hôn cô ta, cặp mắt Jim lộ ra vẻ hoảng hốt và sợ hãi, như thể anh sợ ông đang sắp sửa cắn bổ vào cô như một con rắn hung dữ). Nhưng giờ đây, ông cầm tay Doris không phải vì giả tạo hay vì thương hại, mà vì nó là cần thiết để có thể thực sự giao tiếp công bằng với cô, ông đã nghiệm ra điều này sau những lần viếng thăm trước. Nhờ nắm tay cô mà ông cảm thấy đỡ bối rối trước sự bệnh tật của cô; về mặt thể trạng, tôi cũng giống như cô, chúng ta đang đi chung trên một con đường, tôi sẽ sớm đi theo cô. Cũng nhờ đó mà ông không cần phải hỏi cô những câu hỏi thăm nuôi, cô khỏe không, cô thấy thế nào, có đỡ không?
Doris cười yếu ớt. Có phải cô mừng khi thấy ông ghé thăm?
Không. Có vẻ như cô cười với vẻ hài hước. Cô nói chậm rãi nhưng rành mạch, “Hôm qua tôi đã làm náo loạn cả lên.”
George cũng mỉm cười, chờ đợi để nghe câu chuyện đùa.
“Có phải hôm qua không nhỉ?” Doris lại nói, cũng với giọng đó nhưng là cho chính cô. Đôi mắt cô không còn nhìn ông nữa. Chúng trông bối rối và có chút sợ hãi. Thời gian chắc hẳn đã trở thành một mê cung kì quái đối với cô ta; và mê lộ thì có thể thay đổi trong phút chốc từ khôi hài đến đáng sợ.
Đôi mắt cô lại bắt gặp ông trở lại, sự bối rối đã trôi qua. “Tôi đã thét ầm lên. Họ có thể nghe thấy tiếng tôi từ tận cuối hành lang. Họ phải vội vàng đi tìm bác sĩ đến.”Doris mỉm cười. Hóa ra đây là trò đùa đó. “Có phải vì lưng của cô?” George hỏi. Sự cố gắng để giữ không cho lòng thương hại lộ ra trong giọng nói của mình khiến ông nghiêm nghị một cách bất thường như thể một người đang cố ngăn không nói giọng địa phương buồn cười nào đó. Doris chẳng để tâm đến câu hỏi của ông. Cô bất chợt hỏi, đôi lông mày hơi cau lại. “Mấy giờ rồi?”
“Gần ba giờ.”
Im lặng hồi lâu. George cảm thấy mình phải nói gì đó, bất cứ điều gì.
“Hôm trước, tôi có đi dạo ra bến tàu chơi. Đã mấy năm rồi tôi không ra đó. Cô biết không, họ đã đập bỏ sân trượt patin cũ. Chẳng phải đáng tiếc sao? Cứ như thể họ không thể chịu nổi việc cứ để mọi việc tồn tại mà không thay đổi. Cô có còn nhớ cái lều mà các cô hay tới để được đoán tính cách từ chữ viết không? Nó cũng đã biến mất.”
Ông dừng lại trong chốc lát, cảm thấy bất an.
Ký ức có thể trở lại chỉ bằng mánh khóe thô thiển như vậy không? Có vẻ là có thể. Ông đã chọn ký ức về bến tàu tình cờ như thể bạn chọn tấm bài ngẫu nhiên trong bộ bài của ảo thuật gia, nhưng hãy để ý, tấm bài đó được chọn có dự tính trước. Đó là thời điểm George và Jim đang trượt patin lần đầu khi họ gặp Doris (Cô ta đi cùng cậu thanh niên tên Norman, mà cô đã đá ngay sau đó). Họ cùng đi xem bói chữ viết. Bà thầy bói nói Jim có tài năng âm nhạc và Doris có khả năng khiến cho những điều tốt đẹp nhất ở mỗi người hiện ra. Cô ta có nhớ? Dĩ nhiên cô ta phải nhớ. George liếc nhìn cô lo âu. Cô ta cứ nằm đó nhìn đăm đăm lên trần nhà, cô cau mày dữ hơn.
“Khi nãy anh bảo mấy giờ rồi?”
“Gần ba giờ. Kém 4 phút nữa.”
“Anh ngó dùm ra hành lang xem có ai không?” Ông đứng dậy, đi đến cửa và ngó ra ngoài. Nhưng trước khi ông tới nơi, cô đã sốt ruột hỏi cay nghiệt. “Sao?”
“Không có ai cả.”
“Con y tá chết tiệt đó biến đâu rồi chứ?” Cô ta gay gắt càu nhàu, vẻ nóng lòng, tuyệt vọng.
“Để tôi đi tìm cô ta nhé?”
“Nó biết tôi phải được tiêm vào lúc ba giờ. Bác sĩ đã dặn như vậy, nhưng nó chẳng thèm quan tâm cái quái gì cả.”
“Tôi sẽ đi tìm cô ta.”
“Con khốn đó sẽ không tới cho đến khi nó sẵn sàng.”
“Tôi chắc là tôi sẽ tìm được cô ta.”
“Không! Anh cứ ở lại đây.”
“Được rồi.”
“Ngồi lại xuống đây đi.”
“Được rồi.” Ông lại ngồi xuống. Ông biết cô ta muốn ông nắm tay cô. Ông chìa tay ra. Cô ta ghì chặt lấy nó bằng một sức mạnh lạ kì. “George...”
“Sao vậy?”
“Anh sẽ ở lại đây cho đến khi cô ta tới chứ?”
“Dĩ nhiên rồi.”
Cô ta bóp chặt tay ông hơn. Không có cảm xúc hay sự giao thiệp gì trong đó. Không phải cô ta đang nắm một sinh vật đồng loại, tay ông chỉ đơn thuần là vật để cô ta ghì lấy. Ông không dám hỏi cô về cơn đau. Ông sợ sẽ giải phóng một nỗi kinh hoàng ghê gớm, một nỗi sợ hữu hình, có thể sờ tới và bốc mùi ngay tại đây, trong căn phòng, giữa hai người bọn họ.
Nhưng ông không khỏi tò mò. Lần trước, cô y tá nói với ông rằng dạo gần đây Doris năng gặp linh mục (cô ta theo đạo Công giáo). Và hiển nhiên, trên chiếc bàn cạnh giường kia có một cuốn sách bằng giấy nhỏ, lòe loẹt và dễ thương như tấm thiệp Giáng sinh: Đàng Thánh giá. Nhưng khi con đường nhỏ dần lại bằng chiều rộng của chiếc giường này, khi bạn không còn nhận ra điều gì trong cuộc sống của chính mình, thì bạn có dám coi khinh bất kể sự dẫn lối nào? Có lẽ Doris đã ngộ ra điều gì đó về hành trình trước mặt của cô ta. Giả sử là vậy đi nữa và giả sử George dám hỏi cô đó là điều gì, thì cô cũng chẳng bao giờ nói cho ông biết. Bởi vì nó chỉ có thể được diễn tả bằng ngôn ngữ riêng của nơi cô đang đi tới. Và ngôn ngữ đó không thực sự có nghĩa trong thế giới hiện tại của chúng ta.
Cô y tá đã đi đến ngưỡng cửa, mỉm cười. “Thấy chưa? Hôm nay tôi đến đúng giờ nhé.” Tay cô ta bưng khay kim và ống tiêm.
“Tôi sẽ ra về vậy,” George vừa nói vừa đứng dậy.
“Ồ, ông không cần phải làm vậy,” cô y tá nói, “ông có thể đứng đợi ở ngoài, chỉ mất một giây thôi mà.”
“Đằng nào tôi cũng có việc phải đi,” George nói, cảm thấy tội lỗi như bất kỳ người nào khác mỗi khi rời phòng bệnh. Không phải vì bản thân Doris khiến ông thấy tội lỗi. Cô ta có vẻ như đã hết hứng thú nói chuyện với ông. Cặp mắt cô ta đang dán chặt vào mũi kim tiêm trên tay cô y tá.
“Cô dạo này hư lắm nhé,” cô y tá nói. “Chúng tôi không thể nào ép cô ăn bữa trưa của mình được, có phải không?”
“Tạm biệt, Doris. Gặp lại cô vài hôm nữa.”
“Tạm biệt, George.” Doris không thèm liếc nhìn ông, giọng điệu cô ta đã hoàn toàn khác. Ông đang rời bỏ thế giới của cô và vì lẽ đó, ông không còn tồn tại. George nắm lấy tay Doris và bóp nhẹ. Cô ta không thèm phản ứng lại, mà chỉ đăm đăm theo dõi mũi kim tiêm sáng lóa đang di chuyển lại gần cô hơn.
Có phải ý cô ta là vĩnh biệt? Có thể, sớm thôi. George bước ra ngoài căn phòng, ngoái lại qua đỉnh của chiếc màn che để ngắm cô ta một lần nữa, cố ghi nhớ chút ký ức vào tâm trí ông, để ý thức được giây phút cuối cùng ông nhìn thấy cô ta còn sống, hay ít nhất là khả năng xảy ra của nó.
Không có gì. Không chút nghĩa lý gì. Ông không thấy gì cả.
Khi bóp nhẹ bàn tay Doris hồi nãy, George đã nhận thấy được điều gì đó: rằng chút vết tích cuối cùng còn lại của cô gái tên Doris, người đã cố cướp Jim khỏi tay ông đã biến mất, ra khỏi con ma-nơ-canh nhăn nhúm này, mang theo cả chút căm ghét cuối cùng. Miễn sao khi còn dù chỉ một giọt nhỏ của sự hờn ghét, George sẽ vẫn có thể tìm thấy trong cô ta chút gì còn sót lại của Jim. Bởi vì đã có thời, khi họ dung dẻ cùng nhau trong kỳ nghỉ ở Mexico đó, George cũng đã ghét Jim gần như không kém gì ông ghét cô ta. Nó đã trở thành mối ràng buộc giữa ông và Doris. Giờ đây nó đã vỡ nát. Lại thêm một phần nữa của Jim tuột mất khỏi ông mãi mãi.