Người Cô Độc

Chương 11

Siêu thị vẫn còn mở cửa cho đến nửa đêm. Nó sáng chói rực rỡ một cách lạ kỳ, gọi mời những kẻ cô độc đến trú ẩn khỏi bóng đêm.

Bạn có thể dành hàng giờ ở đây, phân vân không biết nên chọn thứ gì để ăn. Có quá nhiều các nhãn hàng, quá nhiều món ăn đựng trong các hộp kim loại sáng lóa, tất cả trong số chúng đều hứa hẹn mang lại cho bạn một bữa ăn ngon lành. Mọi thực phẩm trên giá kêu gào gọi tên bạn, “Hãy chọn tôi, chọn tôi”. Sự tranh đấu giữa bọn chúng với nhau có thể khiến bạn cảm thấy mình được cần, thậm chí là được yêu. Hãy cẩn thận, khi về đến căn phòng trống của mình, bạn sẽ nhận ra rằng sự mời mọc giả dối của những dòng quảng cáo ghi trên nhãn đã làm bạn lóa mắt và giờ đây chúng đã biến mất, thứ còn lại với bạn chỉ đơn thuần là vỏ hộp, giấy bọc và đồ ăn.

Nơi chói lòa rực rỡ này không phải là chỗ trú ẩn cho George. Vì tất cả những vỏ chai, vỏ hộp kia đều gợi lên một nỗi nhớ khủng khiếp về những lần mua sắm, chuẩn bị và ăn uống cùng Jim. Chúng đâm vào tim ông đau nhói mỗi khi ông đẩy chiếc xe chở đồ của mình đi qua. Liệu chúng ta có bao giờ thực sự cảm thấy đơn độc nếu chúng ta không bao giờ ăn tối một mình?

Không, hôm nay ông sẽ không ăn một mình, chẳng phải vậy là quá nguy hiểm sao? Chẳng phải nó là ngưỡng cửa bước vào con đường từ dùng bữa ngay tại quầy bán hàng, uống rượu ở quán bar cho tới uống ở nhà mà không ăn gì, tới cảm giác chán nản, phải dùng thuốc để có thể chìm vào giấc ngủ, rồi cuối cùng sốc thuốc mà chết? Nhưng tại sao ta phải can đảm? Có còn ai trông cậy vào ta, còn ai bận tâm đến ta nữa?

Ông đang trở nên ủy mị hơn từng phút, cố chọn giữa cá bơn halibut, cá mú, thịt thăn bò và bít-tết. Tất cả bọn chúng đều khiến ông buồn nôn, rồi đột nhiên ông giận dữ. Thức ăn chết tiệt. Cuộc sống chết tiệt. Ông muốn bỏ mặc xe chở đồ của mình mà bỏ đi, cho dù nó đã đầy ắp đồ đạc.Nhưng làm vậy sẽ khiến các nhân viên cửa hàng phải vất vả xếp lại đồ, mà một trong số họ lại rất dễ thương. Ông có thể tự mình bỏ lại đồ lên kệ, nhưng như vậy thật cực quá. Ông thấy uể oải, chỉ muốn về và nằm mãi trên giường của mình cho đến khi một căn bệnh nào đó tìm đến ông.

Ông đẩy chiếc xe đến quầy, trả tiền và ra về. Trên đường ra bãi đỗ xe, ông dừng lại ở bốt điện thoại, ông quay số.

“A lô?”

“Chào, Charley.”

“Geo!”

“Có trễ quá để anh thay đổi ý định không? Về tối nay. Hồi sáng khi em gọi, anh tưởng anh có hẹn, nhưng họ vừa gọi lại cho anh...”

“Dĩ nhiên là không sao rồi.” Bà thậm chí chẳng buồn nghe lời bào chữa dối trá của ông. Sự phấn khích của bà ngay lập tức truyền đến ông qua những đường zíc zắc của sóng âm, nhanh hơn cả lời nói của bà. Trong phúc chốc, Geo và Charley được kết nối với nhau, tạo thành một cặp may mắn nữa của buổi tối này, giữa những người đang lang thang cô độc. Nếu có nhân viên cửa hàng nào đang nhìn ông, họ sẽ thấy khuôn mặt ông sáng ngời lên sau cửa kính, tràn đầy khấn khởi như một người đang yêu.

“Có cần anh mang gì đến không? Anh đang ở siêu thị.”

“Ồ không, không cần đâu, cảm ơn anh, Geo. Em có cả đống đồ ăn ở đây rồi. Dạo gần đây em lúc nào cũng trữ quá nhiều. Em nghĩ có lẽ vì...”

“Anh sẽ ghé qua sau một chốc nữa. Phải tạt qua nhà một chút trước đã. Hẹn gặp lại em.”

“Ôi Geo, thật tuyệt quá đi! Au revoir![27]”

[27] Au revoir (tiếng Pháp): Hẹn gặp lại!

Tâm trạng của ông lại thay đổi một lần nữa trước cả khi ông kịp tống hết đồ vào trong xe. “Ta có thực sự muốn gặp cô ấy?” ông tự hỏi chính mình. “Điều khỉ gió gì khiến ta muốn làm như vậy?” Ông hình dung ra buổi tối mà đáng lẽ ông sẽ trải qua ở nhà một mình, tự chuẩn bị đồ ăn từ những thứ ông đã mua, rồi nằm trên ghế sô pha gần giá sách mà đọc cho đến khi chìm vào giấc ngủ. Mới đầu, đây trông có vẻ thực sự là một viễn cảnh hấp dẫn, hợp lý. Nhưng chỉ sau vài giây, George nhận ra sự thiếu vắng làm cho nó trở nên ý nghĩa và mãn nguyện hơn. Trong viễn cảnh đó, không còn có Jim ngồi đối diện với ông phía bên kia của chiếc ghế sô pha, cũng cầm một cuốn sách khác trên tay; hai người bọn họ chăm chú vào cuốn sách của mình nhưng vẫn hoàn toàn ý thức được sự hiện diện của người kia.

Về tới nhà, ông cởi bộ vét ra và khoác lên mình chiếc áo ka ki, quần vải din màu xanh nhạt, giầy da và áo len cổ chui (Đôi lúc ông nghi ngờ gu ăn mặc này của mình, chẳng phải nó mang lại cảm giác ông đang cố mặc như thanh niên sao? Nhưng Jim thường nói, ông trông rất đẹp khi mặc như vậy, rằng ông trông giống như Rommel trong thường phục. George thích như vậy).

Khi ông sẵn sàng để ra khỏi nhà thì có tiếng chuông cửa. Có thể là ai vào giờ này? Bà Strunk!

(Mình đã làm gì để bà ta phải ghé qua than phiền đây?)

“Ồ, chào buổi tối.” (Rõ ràng là bà ta đang hồi hộp và ngượng ngùng, bà nhận thức rất rõ về việc vượt qua cây cầu để bước vào sào huyệt của kẻ thù.) “Tôi biết hơi gấp, nhưng tôi... ừm, chúng tôi... định hỏi ông nhiều lần rồi. Ừm... Tôi biết ông rất bận, nhưng cũng lâu rồi chúng ta không ngồi cùng nhau. Nên chúng tôi tự hỏi, không biết ông có thời gian để ghé qua làm vài ly với mọi người?”

“Ý bà là, ngay bây giờ?”

“Đúng vậy. Chỉ có hai vợ chồng chúng tôi ở nhà.”

“Tôi thực sự rất lấy làm tiếc, nhưng tôi phải ra ngoài bây giờ.”

“Ồ. Tôi cũng đã sợ rằng ông sẽ không có thời gian. Nhưng...”

“Không không, nghe này,” George nói, “Tôi rất muốn ghé qua chơi. Thực sự rất muốn. Nhưng tôi có việc phải đi.” Và ông thực sự đã nói thật, ông cực kỳ bất ngờ, vui thú và cảm động.

“Ồ phải. Dĩ nhiên rồi. Không sao.” Bà Strunk không tin ông. Bà mỉm cười buồn bã. Bỗng nhiên nó trở nên thật quan trọng rằng George phải thuyết phục được bà.

“Tôi rất muốn ghé nhà ông bà chơi. Mai được không?”

Mặt bà dài ra. “Ngày mai thì... tôi e là mai không được tiện lắm. Mai chúng tôi có vài người bạn từ Thung lũng ghé thăm, và...”

Và họ có thể nhận ra tôi là một người đồng tính, và ông bà sẽ thấy xấu hổ, George nghĩ thầm. Được thôi.

“Tôi hiểu rồi,” ông nói. “Vậy hẹn ông bà dịp khác, sớm nhé?”

“Dĩ nhiên rồi,” bà nồng nhiệt tán thành, “sớm...”