Người Cát

VỊ THẦN LINH CỦA EM BÉ SAKI

Công lên mười tuổi. Sau khi khám sức khỏe, thầy thuốc quyết cho rằng Công chỉ còn có thể sống năm sáu năm nữa là nhiều. Thày thuốc là một người rất hiền lành và gần như là một kẻ chán đời. Người ta cũng chẳng để ý gì mấy đến lời quyết đoán của ông ta. Nhưng Bà Rậu thì trái hẳn. Khi được biết tin trên, bà tỏ vẻ rất quan trọng.

Bà Rậu với Công là hai chị em con chú con bác. Bà còn là người đỡ đầu và nuôi dưỡng Công nữa.

Đối với đứa trẻ, Bà Rậu choáng hết ba phần năm của cuộc sống: nhưng đó là một sự kiện cần thiết, một niềm đau xót và một sự thật: hai phần năm còn lại của cuộc đời, Công dành cho nếp sống riêng tư, một cuộc sinh hoạt mơ màng theo  muốn. Công cảm thấv trước rằng một ngày nào đây, em sẽ ngã gục dưới sức chịu đựng quá quắt của bao niềm đau khổ mà em không thể tránh được: bệnh hoạn, thiếu tình thương và sự nhẫn tâm của người chị cùng họ. Đáng lẽ ra, em đã ngã gục từ lâu rồi nhưng nhờ nếp sống cô đơn đã tạo nên được cho em một lối sống mơ màng riêng rẽ.

Bà Rậu không bao giờ tự thủ nhận rằng bà ta đã khinh rẽ Công, ngay trong những giờ phút sám hối của Bà. Bà cũng không bao giờ chịu nhận rằng mỗi lần đàn áp được người em cùng họ, mỗi lần cấm đoán được những ý muốn của Công là mỗi lần bà cảm thấy hả dạ, toại nguyện.

Công ghét cay ghét đắng người chị đỡ đầu ấy, nhưng em cố sức che đậy sự công phẫn của em. Những thú vui, do em đã tạo nên được cho cuộc sống, ngoài sự hay biết của bà Rậu, càng trở thành đậm đà thâm thúy. Bà Rậu không bao giờ tham gia được vào cuộc sống mơ màng của em. Đối với nếp sống này, Bà Rậu chỉ là một vật ghê tởm, một kẻ phá hoại đáng khinh.

Nhà Bà Rậu có rất nhiều cửa sổ ngó ra cảnh vườn buồn tẻ. Trong vườn xơ xác một vài cây có trái mà Công không bao giờ được rờ đến. Cây vẫn nở hoa kết quả nhưng suốt một mùa chỉ kết được năm bảy quả héo hon và nếu có hái hết để đem ra chợ bán, chắc chả ai dám mua quá giá vài đồng.

Tuy thế, cuối góc vườn, một cái trại bỏ trống, núp sau một đám dâm bụt đìu hiu là địa diễm như dành riêng cho Công để em sinh hoạt với tâm tư của mình. Nơi đó, Công sống liên kết với một đạo binh ma quái thân yêu bày ra do trí tưởng tượng của em, tưởng tượng qua nhiều câu chuyện đời xưa được nghe kễ lại hoặc giả hiện lên do sức hình dung của một tâm hồn sớm biết cảm xúc.

Ngoài ra, Công còn có thêm hai người hạn thân thật sự bằng da bằng thịt: một con gà mái rụng gần hết lông mà Công thường gọi là «Mẹ Đổng». Người bạn thứ hai của Công nằm trong một cái lồng lớn làm bằng song sắt và song củi: đó là con rắn hổ mang quanh thân hình trên một đống rơm của cái lồng ấy. Con vật nầy do một người bạn của Công đã lén lút mang đến cho em để đổi lấy ít tiền mà Công đã lâu ngày dành dụm được.

Công cảm thấy một tình cảm lẫn lộn, một cảm giác sợ hãi lẫn cả sự kính nễ đối với con vật thân hình dài, lanh lẹ với những cái răng ghê sợ khi miệng hả ra: đó là tất cả gia tài sự nghiệp của Công. Sự hiện diện của con vật tại túp lều tâm tư này là cả một sự bí ẩn, một niềm vui ghê gớm mà Công phải che dấu, nhất là làm thế nào cho bà ‘‘Thiên Lôi’’ kia không biết đến. Công thường gọi là bà ‘‘Thiên Lôi’’ khi nói đến người chị họ là Bà Rậu.

Và một hôm, Công cũng đã tìm ra được một cái tên ghê gớm mà đẹp đẽ gán cho con vật mến yêu: ‘‘Thần Mang’’. Cũng từ ngày đó, con rắn hổ mang kia trở thành một vị thiên thần để cho Công thờ phụng.

Bà Thiên lôi của Công cũng là một kẻ tu hành. Mỗi tuần bà ta đi nhà thờ một lần. Bà dắt Công theo nhưng em không hưởng ứng chút nào và cũng không thấy cảm xúc một tí gì về lối hành đạo của bà.

Trái lại, mỗi ngày thứ năm, trong sự im lặng sâu kín của trại vườn bỏ trống, giữa nền đất xông mùi hôi mốc, Công đã thờ phụng một cách thành khẩn ‘‘Thần Mang’’ xem như một vị thần linh đáng kính đáng tôn. Tùy theo mùa, xung quanh lồng rắn, những hoa đỏ hoặc những nhánh keo tây được trưng bày làm cho lồng trở thành một cái khóm đầy hoa lá. Trong những dịp lễ lớn, khắp nền của trại còn được rải một lớp hạt đậu xanh và muốn cho lễ vật làm vừa lòng vị thần linh, theo ý nghĩ của Công, những hạt đậu xanh kia phải được lấy trộm của Bà Rậu. Những cuộc lễ lớn như vậy không nhất thiết phải cử hành vào những ngày nhất định và thường được Công tổ chức vào dịp mà trong nhà Bà Rậu có xảy ra một biến cố nào đó. Một lần, Bà Rậu bị đau răng ghê gớm. Bệnh này kéo dài ba ngày tiếp. Trong ba ngày đó, Công mài miệt cử hành lễ thờ phượng Rắn hổ mang và em tin chắc rằng chính do Rắn thần đã bắt Bà Rậu đau răng, khiến bà không còn cách gì để ám hại em được.

Con gà mái già không bao giờ được Công cho tham gia vào cuộc lễ tôn sùng mà em đã dành riêng cho Rắn thần. Đã từ lâu, em đinh ninh rằng con gà mái kia không thể chịu được sự rửa tội và nếu để cho nó tham gia vào buổi lễ, sự mầu nhiệm sẽ mất đi.

Công chưa có một ý niệm gì về đạo lý nhưng vì thấy Bà Rậu cho rằng đạo lý rất đáng tôn thờ nên em cũng tìm chỗ để tôn thờ nhưng chỉ biết tôn thờ một sự gì đáng tôn thờ.

Bà Rậu khám phá ra được bí mật của cái trại tâm tư kia. Bà ta khám phá ra được địa điểm của khu vườn, nơi đã làm cho Công say mê.

- Thằng nhỏ nầy hỏng, không thể cho nó mải miệt với góc vườn đó bất kỳ lúc nào.

Và một buổi mai, trong bữa ăn sáng, Bà Rậu cho Công hay rằng con gà mái già ‘‘mẹ đồng’’ đá bán rồi, người mua sẽ bắt đem đi nội trong ngày.

Nói xong, bà ta nhận xét Công bằng đôi mắt húp và cận thị. Khi báo tin nầy cho Công, bà ta chờ đợi đứa trẻ nói lên công phẫn hoặc giả ré khóc, tuyệt vọng. Bà ta cũng đã chuẫn bị sẵn trong bụng những lời mắng nhiết thậm tệ đồng thời cũng không quên chuẩn bị thuốc men cho đứa bé bẩm thọ quá yếu ớt kia. Trái hẳn với những dự đoán của bà, nghe bà ta nói xong, Công thản nhiên không đáp một lời: em không có gì đáng phải nói.

Một sự gì đã hiện lên trên nét mặt lầm lì của Công khiến bà Bậu trong giây lát cảm thấy hối hận, một sự hối hận giả tạo, giả tạo vì sau buổi trưa đó, đáng lẽ chỉ uống nước trà qua loa thôi, bà ta lại cho dọn bánh đậu xanh ngọt cốt để đãi Công ăn. Thường thường, Công rất thích thứ bánh kia, thứ bánh mà trước đó, bà Bậu bảo rằng ăn vào có hại cho sức khỏe. Nhưng hôm nay, Công không thèm nhìn đến bánh. Nhận thấy Công không muốn ăn, Bà ta lại thốt lên:

- Tao tưởng mầy thích thứ bánh nầy lắm chứ?

Công trả lời:

- Chỉ đôi khi thôi.

Đêm ấy, trong túp trại thân yêu, một sự thay đổi mới diễn ra trong lễ cúng vị Rắn thần. Trong khi thì thầm khấn vái trước lồng Rắn, lần đầu tiên, Công cầu xin một việc:

‘‘Thần Mang ơi! Hãy giúp ta một việc!’’. Việc gì đó không được Công giải thích rõ ràng, Một vị thần linh rất hiểu rõ hơn em việc ấy là việc gì rồi. Công cố nén một tiếng nấc và ngước nhìn một cách tuyệt vọng về khoảnh đất trống, nơi mà thường ngày, gà mái già ung dung chậm rãi bươi đất tìm mồi. Công quay nhìn về cái thế giới mà em ghê tởm: thế giới của bà Rậu.

Và mỗi đêm, trong bóng tối thân yêu của gian phòng, mỗi buổi xế trưa, trong gian trại tâm tư của khu vườn, Công lặp đi lặp lại sự cầu mong của em:

- ‘‘Thần Mang ơi! Hãy giúp ta một việc!’’

Mặc dù đã bán gà mái già của Công đi rồi, Bà Rậu vẫn còn thấy Công cứ tiếp tục lúc nhúc ngoài xó vườn một mình cho nên Bà quyết định đích thân đi khám phá tận nơi.

Bà hỏi Công:

- Mầy nhốt vật gì trong cái lồng kín ở trại ấy? Chắc là mầy định nuôi heo nái phải không? Tao sẽ đập tan tất cả những thứ ấy cho mầy xem!

Công mím chặt đôi môi và Bà ‘‘Thiên Lôi’’ ra ngay tận trại, quyết tâm thực hiện ý định phá tan cái lồng làm bằng song sắt và song củi kia.

Buổi xế hôm đó rất lạnh: Công được lệnh không được rời khỏi nhà. Qua khung cửa sổ của phòng ăn, Công còn nhìn thấy cánh cửa vào của mái trại thân yêu hiện ra sau đám dâm bụt. Công núp nơi cửa sổ để theo dõi hành động của kẻ thù. Em nhìn thấy bà Rậu bước vào trại rồi khuất bóng. Em hình dung bà sắp sửa mở lồng rắn và quan sát bằng đôi mắt cận thị của bà cái ổ rơm mà trong đó có ‘‘Thần Mang’’ đang quanh thân hình nằm không nhúc nhich. Bà ‘‘Thiên Lôi’’ còn muốn lục lọi tìm tòi trong đống rơm ấy nữa chăng?

Một lần chót, Công thì thầm khấn vái, nhưng em không còn tin được rằng sự cầu khẩn kia được thỏa nguyện. Em đoán chắc rằng một phút sau đó, Bà Rậu lại sẽ trở ra với nụ cười nham hiểm mà Công ghét tột cùng, và một hay hai giờ sau, người làm vườn của bà ta cũng sẽ bắt rắn kia đi, bắt vị thần linh của Công lúc bấy giờ chỉ còn là một con vật tầm thường như bao nhiêu những con rắn khác.

Công biết trước rằng bà ‘‘Thiên Lôi’’ bao giờ cũng thắng còn em thì phải dần dần lâm bịnh nặng hơn, càng ngày em càng phải bị dày vò, dày vò cho đến ngày mà cuộc sống không còn quan trọng nữa và cuối cùng lời tiên đoán của thầy thuốc thật quả không sai.

Sự thất bại đã gây nên một nổi buồn đốt cháy lòng Công. Bỗng nhiên, Công bắt đầu cất cao giọng hát, âm thanh vang lên đầy khiêu khích, tràn nộ khí, em hát mấy câu hát sau:

- ‘’Thần mang vùnq cựa quậy uốn mình

- Tư tưởng nó đầy sát khí, bộ răng nó trắng bạch.

- Kẻ thù nó cầu xin hòa bình nhưng hắn quyết mang đến sự chết chóc.

- ‘‘Rắn thần’’! Con vật sao mà uy nghi, ghê gớm !

Sau đó, đột nhiên, Công dừng hát. Em đi gần lại khuông cửa sổ. Nhìn ra, cánh cửa trại vườn vẫn còn để mở như lúc ban đầu. Thời gian chậm rãi trôi qua. Thì giờ đi rất chậm nhưng vẫn trôi qua.

Công nhìn những con chuồng chuồng kim bay lượn trên thảm cỏ khô héo, cố đếm đi đếm lại tính ra cho được bao nhiêu con nhưng mắt không rời nhìn cánh cửa của trại.

Người vú già mang trà và bánh đậu xanh vào, đặt lên bàn. Công vẫn đăm đăm nhìn qua khung cửa sổ. Im lặng, Công theo dõi và chờ đợi. Một tia hy vọng thoáng hiện và lớn dần; ngọn lửa của chiến thắng bắt đầu phừng lên trong đôi mắt em, đôi mắt thơ ngây từ lâu nay chỉ biết chịu đựng sự chiến bại não nề.

Công bắt đầu hát lại những câu hát trên, nhưng chỉ hát rất khẻ. Một cảm xúc kỳ dị tràn ngập cả tâm linh. Em đã được toại nguyện. Công Lý đã biểu hiện ra trước mắt: con vật dài, uốn mình lướt rúc qua đám dâm bụt, con vật đã thoát ly khỏi đống rơm nằm. Đôi mắt của nó, khi gặp ánh sáng, chớp lên lia lịa, người ta còn nhận thấy rõ màu nâu của làn da có lấm tấm những chấm đen, cái đầu dẹp hình tam giác ngất ngưỡng hẳn lên khỏi mặt đất.

Công quì xuống. Rắn hổ mang lướt bò xuống tận bờ suối ở cuối góc vườn, thè lưỡi uống nước rồi quay trở lại, uốn mình bò qua cầu gỗ. Tiếp đó, con vật rúc qua đám dâm bụt và bò trở vào trại âm u. Đấy là tất cả hành động, tất cả sự di chuyển của Thần Mang.

Vú già có gương mặt hồng hào nói với Công:

- Trà pha đã đậm rồi. Bà đi đâu rồi, cậu Công?

Công trả lời:

- Chị tôi vừa ra ngoài trại vườn.

Trong lúc vú già chạy ra trại để tìm mời Bà Rậu vào dùng chè và bánh, Công vội tay lấy một chiếc bánh.

Trong khi trịnh trọng lột miếng giấy dầu gói chiếc bánh ‘‘Công rất thích ăn thứ bánh nầy’’ thì Công nghe những tiếng la và sau đó xảy đến một sự vắng lặng nặng nề. Rồi những tiếng la ré hoảng hốt lại tiếp tục vang lên. Công nhận ra giọng la của người vú già và hình như những tiếng la nầy vang từ nhà bếp để vọng đáp lại những tiếng kêu cầu cứu xuất phát từ trại vườn đến. Tiếp đó Công nghe tiếng chân người chạy hấp tấp vang lên thình thịch từ ngoài vào. Sau một phút im lặng, tiếng khóc nức nở cũng vang lên một lần với hơi thở hổn hển của một kẻ đang mang một vật nặng.

Một giọng nói thì thầm:

- Ai sẽ báo tin nầy cho thằng nhỏ ấy hay. Tôi quả thật không còn đủ can đảm.

Trong lúc người ta đang bàn bạc với nhau về vấn đề thông báo cho Công biết sự việc xảy ra thì Công vẫn thản nhiên bóc miếng giấy gói của một chiếc bánh đậu xanh khác.

H.H.MUNRO-SAKI