Người Cát

- IV -

Người ta không thể tưởng tượng được những gì kỳ lạ và tuyệt diệu đã xảy đến với người bạn khốn khổ của tôi, người sinh viên trẻ tuổi Nathanael, mà hôm nay tôi có nhiệm vụ phải thuật lại những sự việc đã xảy đến với chàng. Một ngày nào đó, ai lại không cảm thấy lồng ngực chứa tràn những tư tưởng lạ lùng? Ai lại không cảm thấy một sự sục sôi trong tâm tư làm cho máu chảy mạnh trong huyết quản, làm cho làn da má cháy phừng? Cái nhìn của bạn hình như đang tìm những hình ảnh ma quái trong vũ trụ và lời nói của bạn thoát ra những âm thanh đứt quãng. Bạn bè xúm xít xung quanh một cách vô hiệu quả để chất vấn bạn về nguyên nhân của sự đau khổ kia. Người ta muốn áp dụng màu sắc chói lọi, bóng đen và ánh sáng rực rỡ để mô tả những gương mặt mơ hồ kia. Người ta muốn ghi lại với loạt chữ đầu tiên tất cả những gì tuyệt diệu, cao siêu, những gì ghê tởm u uất, những gì sung sướng khoái lạc đã phát hiện dưới vẻ mặt âm u, với ước vọng có thể làm giật mình độc giả như một luồng điện nhưng mỗi danh từ diễn tả đem ra áp dụng đều là lạt lẽo, nhạt màu, khô động. Người ta tìm và người ta tìm mãi, người ta mấp máy đôi môi, người ta thì thầm lẩm rẩm. Những chất vấn của bạn bè, như cơn gió đêm, đến làm thức dậy trí tưởng tượng sùng sục và sức tưởng tượng kia dần dần cạn dần và tắt nghĩm. Nhưng nếu là nhà hội họa khéo léo và bạo dạn, người ta sẽ ghi ra bằng những nét nhanh chóng, một sự phác họa của các hình ảnh nội tâm ấy và như vậy chúng ta có thể dễ dàng un lại dần dần những màu sắc dễ biến kia để đưa độc giả vào giữa một thế giới tâm hồn chúng ta dã tạo ra.Đối với tôi, phải thú nhận như vậy, không ai hỏi tôi về câu chuyện của người thanh niên Nathanael, nhưng người ta biết rằng tôi là một trong những tác giả, khi để bắt đầu ở trong nội tâm mà tôi vừa mô tả, đã hình dung được rằng những kẻ xung quanh tôi, cho đến cả loài người trên quả đất đều nôn nóng muốn biết nhân vật kia đã chứa những gì trong tâm hồn?Tính chất lạ lùng của sự việc xảy ra làm tôi chú ý cho nên tôi băn khoăn để bắt đầu kể câu chuyện một cách hấp dẫn và khác lạ “Ngày xưa …” Sự bắt đầu đẹp đẽ nầy có thể làm cho nhẹ nhàng bớt đoạn nhất của câu chuyện: “Trong thành phố nhỏ của S… có một người..” hay là đi ngay vào đề như sau: “Nó hãy cút đi! … Sinh viên Nathanael ré lên, đôi mắt hớt hãi đầy cả giận dữ và sợ sệt, khi người bán phong vũ biểu Giuseppe Coppola…” Đúng thế, tôi đã bắt đầu viết như vậy, khi tôi tưởng nhìn thấy một sự gì hài hước trong tia mắt lạc lỏng của sinh viên Nathanael. Quả thật, câu truyện không có chút gì là hài hước cả. Ngòi bút tôi không nặn được ra một câu nào có thể phản ảnh được sức lóe sáng của hình ảnh nội tâm kia. Cho nên tôi quyết định không bắt đầu gì cả. Mong rằng độc giả hãy lấy ba bức thư mà bạn Lothaire tôi đã có nhã ý trao cho tôi, xem như là họa đồ của bức tranh mà tôi cố gắng, trong khi kể lại, làm sống động ít nhiều. Có lẽ tôi sẽ thành công như những nhà hội họa chân dung lão luyện, trong việc ghi nhận một nhận vật nào đó bằng cách ghi lại nét truyền cảm nhất của nhân vật ấy và làm sao cho nhận thấy nhân vật kia giống mà không cần phải nhìn thấy trước kiểu mẫu, làm sao gợi lên được kỷ niệm của một nhân vật mà chúng ta chưa hề biết đến vật ấy bao giờ; và cũng có lẽ tôi có thể làm cho độc giả tôi tin rằng không có gì kỳ dị và điên rồ bằng cuộc sống thật sự và người thi sĩ phải bằng lòng rút ra một sự phản chiếu hỗn hợp y như phải nhìn cuộc sống ấy qua một miếng kính đục vậy.Và khi mới bắt đầu, để cho độc giả hiểu rõ những điều cần phải hiểu, và để làm sáng tỏ những bức thư trên, tôi phải nói thêm rằng không bao lâu sau cái chết của cha Nathanael, Clara và Lothaire mồ côi và là bà con xa với gia đình Nathanael, được mẹ của Nathanael đem về gia đình. Clara và Nathanael cảm thấy một sự trìu mến giữa nhau trên quả dất, tưởng không ai phải có gì để phản đối. Đôi nam nữ thanh niên hứa hôn với nhau, khi Nathanael lìa thành phố quê hương để theo đuổi học hành tại Goetingue. Trong bức thư cuối cùng, Nathanael đang ở vào giai đoạn này, đang theo học lớp vật lý tại nhà giáo sư nổi danh Spalanzani. Bây giờ tôi có thể tiếp tục kể mạnh dạn câu truyện hơn, nhưng hình ảnh của Clara hiện lên quá rõ ràng, quá linh động ở tâm trí tôi khiến tôi không thể quay nhìn đi nơi khác. Luôn luôn tôi phải nhìn nàng khi nàng nhìn tôi với nụ cười dịu dàng. Clara không đẹp; những kẻ phê bình về sắc đẹp đàn bà đã lầm tưởng như vậy. Clara không đẹp nhưng những nhà kiến trúc chiêm ngưỡng sự trinh bạch của những đường cong trên thân hình nàng, những nhà hội họa nhận thấy lưng nàng, đôi vai và lồng ngực của nàng được cấu tọa một cách có lẽ quá mức tinh khiết chăng, nhưng tất cả mọi người đều say mê về suối tóc của nàng, suối tóc mây kia nhắc đến suối tóc của Madeleine de Corregio và nhất là làn da của nàng, quả thật là xứng đáng với Battoni. Một trong những kẻ chiêm ngưỡng nói trên, huyền hoặc hóa sự việc, đã ví đôi mắt của nàng với làn nước hồ Ruisdael mà ở đấy phản chiếu lên nền trời xanh biếc, những cánh hoa tươi thắm và sức nóng sôi sục của ban ngày. Các thi nhân, nhạc sĩ còn đi xa hơn nữa! Họ bảo: “Các bạn nói gì Hồ, Gương? Chúng ta có thể nào ngắm người thiếu nữ kia mà cái nhìn của nàng không làm nẩy ra từ hồn của chúng ta những âm điệu, những hòa điệu thiêng liêng không? Clara có một tâm hồn thơ mộng nhạy bén và linh động của một trẻ em vô tội vui vẻ, có một quả tim đàn bà dịu dàng và tế nhị, có một sự thông minh sâu sắc và một nhận định sáng suốt. Những tâm hồn nông cạn, tự đắc không bao giờ thành công được bên nàng, vì mặc dù vẫn giữ tính chất im lặng và giản dị, cái nhìn thông suốt của người thiếu nữ kia, nhất là nụ cười mỉm kiêu hãnh hình như muốn nói rằng “Hỡi những bóng đen đáng thương, các người hy vọng muốn tỏ ra là những gương mặt cao thượng, đầy cả sinh khí nhựa sống? - Do đó, người ta đã phê bình Clara là con người lạnh lùng, tầm thường, nghèo nàn về cảm xúc. Nhưng nhiều kẻ khác, nhìn đời thấu đáo hơn, đã say đắm về người thiếu nữ thùy mị và kín đáo kia. Tuy nhiên, cũng không ai yêu nàng bằng Nathanael, người sinh viên đang nghiên cứu Khoa học và Nghệ thuật với rất nhiều năng khiếu và kiên tâm. Clara cũng yêu Nathanael với tất cả tâm hồn; những cuộc chia ly đã gây cho nàng những mối khổ đầu tiên. Với bao nhiêu là sung sướng, nàng đã ngã vào đôi tay của Nathanael khi chàng trở lại quê nhà và mỗi lần về, chàng đều có báo trước cho Lothaire biết như trong bức thư chàng gởi cho Lothaire trên. Điều mà Nathanael hy vọng đã xảy đến. Từ phút gặp vị hôn thê của mình, Nathanael quên hẳn cả nhà luật sư Coppelius, cả bức thư đã làm chàng bực bội, tất cả những niềm lo âu của chàng đều tiêu tán. Tuy nhiên, khi viết cho Lothaire rằng gương mặt của tên Coppola ghê tởm đã gây một ảnh hưởng xấu trong tâm tư chàng, Nathanael đã xét rõ thật lòng mình. Ngay từ những ngày đầu mới về nhà, người ta nhận thấy Nathanael hoàn toàn thay đổi phong độ. Chàng mãi miệt với những mơ tưởng đen tối và tỏ ra một thái độ lạnh lùng. Đối với chàng, cuộc sống chỉ còn là mộng mị và linh cảm chàng thường hay nói đến số phận của những con người, những con người tưởng lầm rằng được tự do, kỳ thật đã bị bao vây ràng buộc bởi muôn nghìn sức mạnh vô hình và con người chỉ là trò chơi của những sức mạnh kia, con người không thể nào thoát ra khỏi được những quyền lực ấy. Chàng còn đi xa hơn nữa, quyết cho rằng chỉ những kẻ điên rồ mới tin ở những tiến bộ trong nghệ thuật và khoa học, mới tin ở những tiến bộ nằm trong sức mạnh tinh thần. Theo chàng, chỉ có sự phấn khởi của tâm hồn mà thôi, và thiếu điều kiện nầy, người ta không thể nào sáng tạo được gì cả và sự phấn khởi kia không phải xuất phát từ tâm hồn mà là từ một nguyên tắc bên ngoài, nguyên tắc mà chúng ta không phải là chủ động. Clara cảm thấy một sự xa cách sâu đậm đối với những tư tưởng huyền bí kia nhưng một cách vô hiệu quả, nàng đã cố gắng phản đối lại. Chỉ đến khi Nathanael chứng mình với nàng rằng Coppelius chính là cái nguyên tắc nguy hại đã ràng buộc chàng từ lúc mà chàng nấp sau tấm màn để nhận xét, và kẻ thù ma quái kia làm xáo động nguồn hạnh phúc của chàng một cách tàn ác, Clara bổng nhiên trở nên nghiêm nghị và trả lời Nathanael: “Phải, Nathanael, Coppelius là một nguyên tắc thù nghịch đã phá rối hạnh phúc của chúng ta, nếu như anh không chịu xua đuổi nó ra khỏi tư tưởng anh; sức mạnh của nó, chính là sự hèn nhát của anh”.

Nathanael tức giận thấy Clara chối từ sự hiện diện của con quỷ, qui lỗi cho sự yếu ớt của tâm hồn chàng nên chàng muốn trình bày tất cả những lý thuyết về khoa huyền bí của thuật ma quỷ cốt xác định lập trường của mình, nhưng Clara chấm dứt cuộc tranh luận, với vẻ mặt vui tươi, bằng cách dứt ngang lời nói của chàng bằng một câu nói băng quơ, làm cho Nathanael buồn thiu thỉu. Do đó, chàng nghĩ rằng những tâm hồn lạnh nhạt chứa đựng những bí mật kia mà không hay biết và chính Clara thuộc về loại nầy nên chàng tự hứa với mình sẽ không sơ sót một phương thế nào để có thể hướng dẫn nàng vào những bí mật kia. Qua sáng mai, trong khi Clara lo dọn bữa ăn sáng, Nathanael đến gần nàng và bắt đầu đọc những đoạn của những sách nói về các khoa huyền bí. Sau một vài phút chú ý, Clara nói: “Nhưng, anh Nathanael ạ, anh sẽ nói như thế nào, nếu em nhìn anh như một nguyên tắc ám hại, một nguyên tắc gây ảnh hưởng đến ấm cà phê em đang chế? Vì nếu em từ bỏ thì giờ để nghe anh đọc và nhìn anh trong đôi mắt như anh muốn, nước cà phê của em sẽ trào ra ngoài tro, và trong buổi sáng nay, mọi người đều không có gì để điểm tâm vậy”.

Nathanael đóng mạnh sách lại, vụt chạy qua phòng một cách giận dữ. Ngày trước, chàng đã sáng tác rất nhiều nghệ thuật nhiều câu truyện hay ho và sống động và Clara cũng đã lấy làm sung sướng thích thú được nghe đọc những câu truyện ấy; nhưng từ dạo sau nầy, những sáng tác của chàng trở nên âm u, vô nghĩa, không ai hiểu nổi và qua sự im lặng của Clara, cũng dễ nhận thấy rằng nàng không thưởng thức một chút nào! Đối với Clara, không có gì nguy hiểm bằng sự buồn bực. Đôi mắt nàng, lời nói nàng biểu lộ ngay sự buồn chán hoặc một sự âm u mệt mỏi không thể che dấu được; và những sáng tác của Nathanael trở nên rõ ràng quá sức buồn tẻ. Thái độ của Nathanael chống lại sự lạnh lùng, sự thiết thực của vị hôn thê, hai tính chất nầy càng ngày càng tỏ rõ ra nơi nàng và Clara không còn thể che dấu được sự bất bình của mình, sự bất bình mà người yêu đã gây ra cho nàng bằng những huyền hoặc đen tối và chán mứa. Cứ thế, một cách không ai hay biết, đôi tâm hồn ngày càng xa nhau. Cuối cùng, Nathanael luôn luôn nuôi tư tưởng rằng cũng do chính Coppelius phá rối cuộc sống của chàng, tiến đến chỗ dùng Coppelius làm đề tài cho một trong những bài thơ chàng sáng tác. Nathanael đóng vai chính trong bài thơ kia với Clara, hai người gắn bó bằng một mối tình dịu dàng và trung thành; nhưng, một bàn tay đen thỉnh thoảng dang ra trên hai người và cướp mất một vài niềm vui của họ. Cuối cùng, đến khi hai người đứng trước bàn thờ để làm lễ thành hôn, tên Coppelius gớm ghiếc hiện ra và rờ vào đôi mắt huyền nhung của Clara, đôi mắt tức khắc vụt vào lồng ngực của Nathanael và xuyên qua lồng ngực ấy bằng sức nóng của hai cục than đỏ cháy. Coppelius nhảy vào người chàng và bắt quăng chàng vào một vòng lửa tròn, vòng lửa xoáy tít với sức nhanh của vũ bão để dần đưa chàng vào những tiếng thì thầm âm u, náo động. Đó là một cơn nỗi dậy giống như lúc phong ba quật lên những làn sóng trắng xóa, những làn sóng nhô lên, lắng xuống trong sự chống báng hùng hổ với sức gió tựa như những vị thần đen xẫm đầu tóc trắng phau. Từ những tiếng rên, tiếng la, tiếng ồn ào man rợ kia, thoát ra âm thanh của Clara: “Anh không còn thể nhìn được em sao?” “Coppelius đã lợi dụng anh. Không phải đôi mắt em cháy trong lồng ngực anh đâu, đó là những giọt nóng hổi của máu thoát từ tim anh. Em vẫn còn giữa đôi mắt. Hãy nhìn em đây!” Bỗng nhiên, vòng lửa tròn không còn xoay nữa, những tiếng ồn cũng êm dần. Nathanael nhìn thấy vị hôn thê của mình nhưng đó là một cái hình hài thoát nhục đang nhìn chàng với vẻ mặt thân yêu, với đôi mắt trong sáng thường ngày của Clara.

Trong lúc sáng tác bài thơ trên, Nathanael rất điềm nhiên và suy tưởng rất nhiều. Chàng gọt giũa vần thơ và vì thích hình thức cân đối trong các vần các vế, nên chàng cứ phải sửa đi sửa lại mãi cho đến lúc bài thơ trở nên thật trong sáng, thật nhịp nhàng. Nhưng, khi chàng đã hoàn thành công việc và đọc lại những vần kia, một sự ghê tởm xâm chiếm lấy chàng và chàng ré lên, sợ hãi “Cái tiếng nói gì mà ghê rợn đã vang lên!” Tiếp đó, chàng nhận ra là mình đã sáng tác được những vần thơ tuyệt diệu và chàng nghĩ rằng tâm hồn lạnh nhạt của Clara chắc phải bừng sôi khi nghe đọc lên bài thơ này, mặc dù chàng không ý thức sự cần thiết phải làm cho tâm hồn kia sống lại và cũng không ý thức về sự thỏa mãn được nhét vào tâm hồn ấy những hình ảnh ghê gớm và những linh cảm tác hại đối với mối tình của hai người.

Nathanael và Clara đang đứng trong khu vườn sau nhà., Clara rất vui vẻ bởi vì từ ba ngày qua, Nathanael bận rộn làm thơ nên chàng không phá rối nàng với những mộng mị và những ảo giác của chàng. Còn Nathanael hôm nay đã trở lại ăn nói rất tươi tắn và hình như được vui vẻ hơn thường ngày. Clara nói với chàng “Rốt cuộc, em lại được anh lại hoàn toàn! Anh đã thấy rõ chưa, chúng ta đã xua đuổi ra khỏi hẳn tâm trí chúng ta tên Coppelius rồi phải không? Nathanael nhớ đến những vần thơ trong túi áo, liền lấy ra và bắt đầu đọc, Clara đoán trước được những gì buồn tẻ như thường lệ, nhưng nàng vẫn cố ráng chịu đựng. Nàng bắt đầu ngồi im lặng, đan áo. Nhưng những đám mây càng lúc càng chồng chất trước mắt nàng, khiến nàng phải bỏ áo đan xuống và nhìn thẳng vào Nathanael. Chàng vẫn tiếp tục đọc thơ, đôi má ửng đỏ, những giọt nước mắt chảy từ khóe mắt xuống. Cuối cùng, khi chấm dứt, âm thanh của chàng tắt lịm và chàng ngã vật trong một niềm xao xuyến sâu xa. Chàng cầm lấy tay Clara, đọc lên nhiều lần tên nàng và thở ra. Clara ôm đầu chàng vào người và nói với chàng bằng một giọng trầm trầm: “Nathanael, anh yêu dấu của em, Nathanael, hãy đốt đi câu chuyện điên rồ và vô lý ấy!”

Nathanael đứng vụt dậy, đẩy Clara và hét lên “Hãy xa ta ra con người máy khốn kiếp, hạ cấp!” và chàng bỏ chạy. Clara khóc nức nở. Nàng kêu “A! Hắn không bao giờ yêu ta cả, vì hắn không hiểu ta” và nàng bắt đầu than vãn. Lothaire bước vào khu vườn, Clara bắt buộc phải thuật lại sự việc vừa xảy ra. Lothaire yêu em gái với tất cả tâm hồn, mỗi lời nói của nàng càng làm cho Lothaire tức tối thêm và sự bất bình mà chàng đã có sẵn đối với Nathanael, nhất là đối với những mơ mộng kỳ quái của người sinh viên ấy giờ đây nhường chỗ cho một sự công phẫn cực độ. Lothaire chạy đi tìm Nathanael và mắng Nathanael một cách thậm tệ về sự cư xử đối với Clara, sự mắng nhiếc nầy làm cho Nathanael hăng say, không còn thể chịu đựng lâu hơn nữa. Những tiếng mắng nào là “hề, vô nghĩa, điên, thác loạn, quái thai” được đối lại bằng cái cười khỉnh “tâm hồn duy vật, tầm thường, hạ cấp” Cuộc so tài trở nên không thể tránh được. Hai người quyết định qua mai, đến sau khu vườn và theo thủ tục văn học, hai đối thủ sẽ tranh tài nhau bằng những trường kiếm. Cả hai từ giã nhau với vẻ mặt tăm tối. Clara đã nghe được một phần của sự cãi vả ấy; nàng đoán được sẽ phải xảy ra những gì. Khi đến địa điểm của cuộc so tài, Lothaire và Nathanael vừa cởi áo một cách im lặng, đứng đối diện nhau, nhìn nhau bằng những tia mắt sáng quắc giết người, thì Clara mở nhanh cánh cửa khu vườn, xong vào giữa hai người,

- Khi các anh đánh nhau thì hãy giết em trước đi. Các anh ghê sợ quá! Giết em đi. Ô! Giết em đi” Các anh muốn rằng tôi phải sống sau cái chết của các anh tôi hoặc sau cái chết của người yêu tôi!

Lothaire bỏ rơi vũ khí và sụp mi mắt im lặng; nhưng Nathanael cảm thấy bừng dậy nơi người tất cả ngọn lửa của ái tình; chàng nhìn thấy Clara như trước kia chàng đã nhìn: gươm rơi từ tay chàng và chàng sụp xuống đôi bàn chân của Clara – “Em có thể tha thứ cho anh không Clara, em yêu dấu của anh, mối tình duy nhất của anh? Hỡi anh Lothaire! Anh có quên được những lầm lỗi của tôi không?”

Lothaire ngã vào đôi tay của Nathanael. Cả ba người ôm nhau khóc rưng rức và họ nguyền sát vai nhau mãi mãi do tình yêu và tình bạn. Đối với Nathanael, hình như chàng được vơi nhẹ một sự nặng trĩu đã làm chàng đuối sức và chàng đã tìm lại được một chỗ nương tựa để chống lại những ảnh hưởng tai hại đã làm đen tối cả cuộc đời chàng. Sau ba ngày hưởng hạnh phúc chung với những thân yêu, chàng lại đi Goettingue và phải ở tại đấy một năm, sau đó mới về ở luôn tại thành phố quê hương. Người ta dấu mẹ Nathanael về những sự việc có dính líu đến Coppelius vì người ta biết rằng bà không thể nghĩ tới mà không khỏi sợ hãi con người mà bà đã qui cho là nguyên nhân của cái chết chồng bà.