ôi cứ nhớ hoài câu chuyện cổ tích Andersen “những bông hoa của bé Ida” ai đó kể cho nghe từ thời xa xưa lắm. Câu chuyện về bé gái tên Ida buồn vì hoa héo trong bình, anh sinh viên mới bảo hoa mệt vì ban đêm, khi trời tối mịt và tất cả mọi người đã ngủ, chúng đi dự vũ hội hoa và nhảy múa suốt đêm trong tòa lâu đài bên ngoài cổng thành phố.
Đêm ấy sau khi đặt những bông hoa đã tàn vào nôi búp bê, Ida cứ trằn trọc mãi, rồi không nén được tò mò, em rón rén bước vào phòng đặt nôi búp bê và thấy một cảnh tượng tuyệt vời: đèn đắt hết nhưng căn phòng sáng huyền ảo nhờ ánh trăng xuyên qua cửa sổ hắt xuống sàn. Tất cả những chậu hoa tươi đều rỗng không, ngay cả những bông hoa héo của em đã tươi trở lại, hòa cùng lũ hoa tulip khiêu vũ trên sàn, còn bông lily vàng đang ngồi chơi đàn piano cứ như một thiếu nữ xinh đẹp ấy…
Tôi không còn nhỏ như Ida để tin câu chuyện của anh sinh viên về những bông hoa dự vũ hội trong một lâu đài châu Âu tráng lệ. Nhưng thỉnh thoảng tôi cũng vu vơ ước một lần nằm mơ thấy những bông hoa ôm nhau nhảy múa trên sàn trong ánh trăng chiếu xuyên qua cửa, được thấy ông búp bê bằng sáp mắng những búp bê giấy: “Tại sao lại nhồi những điều vớ vẩn như vậy vào đầu trẻ con kia chứ?” như ông luật sư nhăn nhó với anh sinh viên khi anh kể Ida nghe câu chuyện về những bông hoa khiêu vũ.
Song tôi đã cảm nhận được cảm giác ngớ ngẩn ấy khi thấy những giỏ hoa tươi tắn trên một quán rượu ngày đầu tiên ở London. Đến giờ, dù đã trở lại biết bao lần nhưng lúc nào đi ngang quán rượu ấy tôi vẫn không khỏi bồi hồi nhớ. Nhớ cả lúc tôi ngờ nghệch hỏi anh bạn người bản xứ đi cùng khi thấy hoa mọc khắp nơi trên phố và trên bệ cửa sổ những ngôi nhà ven đường: “Vậy chứ trồng nhiều hoa không sợ người ta bẻ trộm sao?”.
Ở châu Âu không ai bẻ trộm hay phá hoa cả, ngay cả trong những khu phố mất an ninh nhất với đầy rẫy nạn móc túi hay trộm xe hơi. Phải chăng vơi hoa, người ta nâng niu, nương nhẹ hơn? Mà không nâng niu sao được, hoa mỏng manh quá, xinh xắn quá, cái đẹp của tạo hóa, của cây chắt chiu qua bao mùa mới đậu được những búo mơn mởn như vậy, tần nhẫn sao đành.
Vẫn biết đó là hoa xứ người ta nhưng sao tôi yêu quá chừng. Những ngày năm trước, buổi sáng dậy sớm đi bộ tới trường cách nhà gần bốn cây số, mấy cây táo trụi lá qua mùa đông đầy sương mù và giá rét nước Anh “một sớm kia rất hồng” (°), hoa nhỏ xíu mỏng tang rung rinh chào tôi, để rồi đến tháng tám, tháng chin đậu trái lúc lỉu đỏ au cho người chút ngọt lành. Trên đường tôi đi mỗi sớm băng qua công viên đầy những bông hoa có cái tên ngộ nghĩnh hoa cốc bơ (butter - cup) mọc hoang, vàng óng tròn xoe nở trên cỏ xanh mướt còn ướt sương đêm, thỉnh thoảng tôi hay ngắt một vài bông kẹp trong những ngón tay đi cùng để trước khi vào lớp cất vào balô đeo vai. Một ngày nọ tôi băng qua công viên đến trường như thường lệ, thấy người ta mang xe đến xén cỏ định kì, lũ hoa cốc bơ của tôi bị dứt khỏi đất mẹ nằm rạp mình vẫn còn vàng rực rỡ, tôi buồn thiu khi nghĩ chỉ ngày hôm sau những bông hoa bạn đường sẽ héo úa tàn tạ. Nhưng cỏ cắt đi rồi lại mọc lại sau nhưng cơn mưa phùn, cốc bơ lại nở tròn xoe chào tôi mỗi sáng đến trường “Nè, có thấy hoa châu Âu đẹp chưa?”.
Tôi yêu hoa xứ lạnh bằng một tình yêu như một ông cậu thương cháu nhỏ nhưng không biết bày tỏ tình cảm làm sao, chỉ biết ngắm nhìn đứa bé không chán mắt rồi vụng về vuốt bàn tay cục mịch lên hai mà bầu bĩnh mịn màng. Mỗi lần thấy hoa thơm ngát bên những ngôi nhà có mái đầu hồi đặc trưng Amsterdam, khoe màu trên những gánh hàng hoa Paris, rung rinh trên những cửa sổ nhà xưa gạch bong từng mảng bên những con kênh đào Venice, cuống quýt nở tràn ra cả đường trên phố đi bộ Barcelona, tô điểm những quán cà phê ngoài trời nắng nhạt ở Brussels, hay tươi rói bên trong hàng rào sơn trắng đặc trưng vùng Scandinavia ở Sigtuna… tôi lại thấy tim mình đập rộn lên trong lồng ngực. Nhưng cũng như ông cậu vụng về nọ, tôi là người ngoại đạo với hoa, chỉ biết ngắm hoa không chán mắt rồi lấy những ngón tay khẽ khàng chạm nhẹ, không biết phải khen, phải cưng, phải yêu hoa thế nào mới đúng.
Tôi không nhớ hết tên hoa ở những nước châu Âu tôi đã đi qua, đã sống hững ngày, những tháng năm rất thật; những thủy tiên, diên vỹ, lily, dạ lan hương, uất lim hương, tử đinh hương, oải hương, hoắc hương, păng-xê, giọt tuyết, mimosa, kim ngân, phong lữ…Những bông hoa thay nhau nở hoài làm níu chân người dù “trăng tàn nguyệt tận” (°). Những cái tên xa lạ tưởng chừng ở đâu đâu, mà quả thật, hoa này nở ở đâu đâu chẳng phải quê mình, nhưng sao tôi nhớ, tôi thương khi hoa tàn như bé Ida thương những bông hoa heo úa trong bình mới lấy hộp gỗ đặt vào, rủ hai người anh họ chôn hoa xuống đất. Và những ngày hè Sài Gòn nắng đổ lửa, tình cờ lật những câu thơ đăng báo hồi 16, 17 tuổi “Níu vào mùa cũ. Chỉ thấy lạnh bàn tay. Những cơn mưa cũng đã thành quá khứ…”, tự nhiên tôi da diết nhớ những bông hoa cũng đã thành quá khứ ở xứ lạnh năm nào. Những bông hoa “nở hết trong hoàng hôn đợi gió vô thường lên” (°) của xứ người ta…
(°)Đóa hoa vô thường - Trịnh Công Sơn