ôi mua vé đi Brussels và Amsterdam vào tháng tư năm ngoái, mục đích chính để kịp xem hội hoa ở vườn Keukenhof Hà Lan, không phải vì thủ đô nước Bỉ. Không may đến đúng ngày đi lại bệnh một trận liệt giường, tôi nhận được email từ anh Dũng đang học cao học ở Brussels – bạn của một người bạn của Thiêm bạn tôi (tôi thích nhất du học sinh Việt Nam những mối quan hệ xa lơ xa lắc): “Tiếc quá em không qua được với Thiêm kì này. Hà Lan đang mùa hoa tulip nở rộ đẹp lắm, còn Brussels thì vẫn… xấu như mọi khi”.
Bợi vậy tôi không trông đợi gì nhiều ở thủ đô nước Bỉ khi cuối cũng cũng đến đây sau mấy tháng chờ đợi. Quả thật từ Gare du Nord đến ký túc xá trường đại học nơi bạn bè anh Dũng cho tôi “tá túc” mấy ngày, trông Brussels không có vẻ gì hứa hẹn. Thành phố đầy những tòa nhà màu xám, lại có rất nhiều công trình đang xây dở dang với giàn giáo gạch đá cần cẩu ngổn ngang khắp nơi.
Không được biết đến nhờ cảnh đẹp nhưng Brussels nổi tiếng thế giới về ẩm thực, đặc biệt là bia, sôcôla và sò. Dân du lịch vẫn truyền miệng nhau phải ăn cho bằng được “Mussels in Brussels”. Sau những ngày du lịch ba lô “lang bạt”, bữa sò hấp bia ngon lành với những sinh viên Việt Nam ở chung khu nhà anh Dũng làm tôi tỉnh táo hẳn và nằng nặc đòi đi thăm thành phố ngay. Nhưng mọi người chẳng có vẻ gì hào hứng: “Thôi để mai đi, tối rồi em nghỉ cho lại sức. Ở Brussels có gì đâu mà nôn nóng đi xem!”.
Những gì tôi đọc được về Brussels và vẻ thờ ơ của những người bạn sống ở đây làm tôi thật sự ngạc nhiên khi dạo quanh thành phố vào ngày hôm sau. Rõ ràng kiến trúc xưa của Brussels không kém chút nào so với những nước láng giềng, đặc biệt sách Rough Guide rất đúng khi cho Grand Place ở trung tâm Brussels là quảng trường thành phố cổ xưa được bảo trì tốt nhất châu Âu. Ngước mặt nhìn tòa tháp cao ngất thiết kế tinh xảo đẹp như mơ, xung quanh là những ngôi nhà xưa hoa tươi mọc đầy trên bệ cửa sổ và trong những chậu hoa san sát hàng rào gỗ, tôi há hốc miệng bảo anh Dũng đang đứng cạnh: “Trời, vậy mà ai cũng nói Brussels xấu lắm!”.
Tên của thủ đô nước Bỉ (Brussels trong tiếng Anh, Bruxelles trong tiếng Pháp, cũng là ngôn ngữ chính thức ở đây) bắt nguồn từ Broekzele, nghĩa là “ngôi làng trên đầm lầy”. Từ thế kỉ thứ 6 trở đi, dưới thời hoàng gia Habsburg thành phố phát triển nhanh như thổi và cùng với The Hague thay phiên làm thủ đô của Liên hiệp Vương quốc Hà Lan trước khi thành thủ đô của nước Bỉ độc lập vào thế kỉ 19. Ngày nay, có người rất tinh tế cho rằng Brussels là hiện thân của Bỉ: khiêm tốn, tự tin những không bao giờ cố gây ấn tượng. Với trụ sở chính của Liên minh châu Âu EU và khối NATO đặt ở đây, có lẽ Brussels bị “mang tiếng” là trung tâm nhàm chán và quan liêu cũng vì vậy. Tôi buồn cười nhớ lại năm ngoái, lúc nước Anh đang sôi sục bầu cử thủ tướng. Đảng bảo thủ Conservative kêu gọi “Nếu bạn không muốn Brussels sai bảo, hãy bỏ phiếu cho Conservative” để thu hút những cử tri nào cho rằng nước Anh mất đi bản sắc riêng do lệ thuộc quá nhiều vào EU. Tương tự, khi Hà Lan theo gót Pháp không thông qua Hiến pháp châu Âu (European Consitution) của EU, một anh chàng Hà Lan đã phát biểu trên diễn đàn của BBC: “Là người châu Âu đích thực không có nghĩa rằng chuyện gì cũng nghe lời Brussels”.
Nhưng tôi thấy tiếc cho những ai bỏ qua Brussels trong chuyến du lịch vòng quanh nước Bỉ. Grand Place là trung tâm thương mại của Brussels từ thời Trung cổ, mặc dù chỉ có tòa tháp Hôtel de Ville và một guildhouse (nhà dành riêng cho thợ thủ công làm nghề ở châu Âu thời xưa) thoát khỏi mưa bom suốt 36 tiếng đồng hồ của Pháp vào năm 1695. Hôtel de Ville không phải khách sạn như nhiều người lầm tưởng mà là tòa thị chính với kiến trúc bên ngoài gợi nhớ đến tháp đôi Sagranda Familia ở Barcerlona hoặc Stephansdom ở Vienna, nhưng bên trong khác hẳn với những căn phòng tráng lệ. Đặc biệt nhất là văn phòng chính quyền thành phố từ thế kỷ 16, dát vàng qua mấy trăm năm vẫn còn lộng lẫy, sàn lát gỗ sồi chạm ngà voi và trải thảm sờn. Thú vị hơn cả Hôtel de Ville kiểu Gothic là những guildhouse được xây lại vào thế kỉ 18 sao khi bị Pháp đánh bom, với những tháp thon thả chạm khắc đủ hình tượng độc đáo. Ngày nay, nhiều guildhouse trở thành những nhà hàng, quán cà phê sang trọng như muốn nhắc du khách nhớ đền thời vàng son của Bỉ.
Phía Nam quảng trường, trên đường Charles Buls là tấm plaque mạ vàng – một trong những tác phẩm theo trường phái Nghệ thuật Mới (Art Nouveau) đầu tiên của thành phố. Cạnh đó là bức tượng nằm, tạc nữ anh hùng thế kỉ 14 Everard’t Serclaes, du khách đến đây ai cũng sờ tay vào tượng để lấy may. Tôi cũng bắt chước sờ tay vào tượng xem thử năm nay có khá hơn năm trước đi du lịch bị đạo chích châu Âu chôm mất balô không.
Chúng tôi tản bộ đến khu phố Rue du Chêne và Rue de l’Étuve, anh Dũng kéo tay tôi, chỉ: “Đây, niềm tự hào của Brussela chỉ có bấy nhiêu đây thôi”. Xung quanh góc phố nhỏ đông đúc người cạnh những hiệu bán bánh quế, sôcôla và đồ lưu niệm, tượng chú bé Manneken Pis trông thật ngộ nghĩnh. Dù ngày nay đó chỉ là một bản copy của bức tượng gốc được Jerome Duquesnoy tạc vào những năm 1600s và đặt tại đây (đã bị mất trộm mấy lần) và Manneken Pis đã có mắt khắp thế giới, nhưng Brussles vẫn là nơi mọi người tìm đến xem hình ảnh buồn cười này.
Tôi rất thích khu phố phía sau lưng Grand Place, có những quán ăn ngoài trời che dù trắng đầy dân địa phương ăn uống rôm rả, những nghệ sĩ lang thang chơi đàn guitar và accordion. Khác xa với London, Paris, Amsterdam..., luôn rộn rã khách du lịch lôi vali xềnh xệch khắp nơi hay ngó nghiêng chụp ảnh, Brussels là thủ đô duy nhất tôi từng đến có nét địa phương rất đáng yêu mà chỉ có những vùng quê xa xôi còn giữ lại được. Dường như tôi là người lạ duy nhất trên con đường này. Mỗi lần tôi đưa máy ảnh lên, những người đang ăn uống lại ngưới lên nhìn, cười khúc khích, có người còn vẫy tay chào, hay sửa lại tóc tai, như thể lần đầu tiên thấy khách du lịch vậy. Một anh chàng phục vụ còn vui vẻ vẫy tay gọi tôi từ xa, khoe trong quán có vẽ hình trên tường đẹp lắm, vào chụp đi. Điều này làm tôi yêu Brussels như yêu những người địa phương vui tính chất phác ở một ngôi làng nhỏ.
Brussels được ưu ái gọi là thủ đô của châu Âu (Capital ò Europe) do trụ sở EU đặt ở đây và do vị trí địa lý thuận lời kết nối những thành phố khác của cựu lục địa. Vì thế Bỉ cũng lấy tên gọi ấy để làm chiến lược marketing du lịch. Nhưng mỗi lần nghĩ về Brussels, tôi không nhớ về một thành phố lớn với những tòa nhà chọc trời hay những đại lộ đầy xe ngang dọc mà nhớ hồn địa phương trên món bánh Waffle mới ra lò còn ấm nóng, vừa mềm vừa giòn, trên phủ lớp đường caramel, chocolate đun chảy và dâu tươi đỏ mọng hoặc kem tươi mới quết, trắng muốt mịn màng béo ngậy trông ngon lành không thể tả; những ngôi nhà cổ hoa nở đầy trên khung cửa sổ; những người dân thành phố mà đối với khách du lịch hồn nhiên như hàng xóm ở quê. Và tôi trìu mến gọi Brussels bằng cái tên tôi đặt: ngôi làng thủ đô...