Ngôn Ngữ Cơ Thể - Body Language

Chương 3: Điều kỳ diệu của nụ cười và tiếng cười

Điều gì làm cho biểu tượng này trở thành một trong những

biểu tượng có sức lôi cuốn nhất thế giới

Bob đưa mắt nhìn chằm chằm khắp phòng rồi dán mắt vào một người phụ nữ quyến rũ có mái tóc màu nâu. Dường như cô ấy đang mỉm cười với anh. Không bỏ lỡ cơ hội, Bob nhanh chóng băng ngang qua căn phòng rồi bắt đầu trò chuyện với cô gái. Cô ta có vẻ ít nói nhưng vẫn mỉm cười với anh, vì thế Bob kiên trì bắt chuyện. Một người bạn gái của Bob ung dung đi ngang qua và nói khẽ: “Quên đi, Bob… cô ta đang nghĩ anh là một kẻ ngốc đấy!” Bob sững sờ. Nhưng người phụ nữ đó vẫn đang mỉm cười với anh cơ mà! Giống như hầu hết đàn ông, Bob đã không hiểu được hàm ý tiêu cực của nụ cười mím chặt môi và không để lộ răng của phụ nữ.

Bà tôi thường bảo, khi gặp người mới quen các cháu hãy “vui vẻ”, “nở nụ cười thật tươi”, và “để lộ hàm răng trắng như ngọc trai” vì theo trực giác, bà biết nụ cười sẽ gây được thiện cảm với người khác.

Vào đầu thế kỷ 19, các cuộc nghiên cứu đầu tiên về nụ cười được nhà khoa học người Pháp Guillaume Duchenne de Boulogne thực hiện bằng cách dùng xung điện và chẩn đoán điện để phân biệt nụ cười vui thích thực sự với các kiểu cười khác. Guillaume đã phân tích đầu của những người bị hành hình bằng máy chém để nghiên cứu cơ chế hoạt động của các cơ mặt. Sau khi kéo các cơ mặt theo nhiều góc cạnh khác nhau nhằm ghi nhận những cơ nào tạo ra kiểu cười nào, ông phát hiện ra hai bộ cơ sau đây điều khiển nụ cười: cơ lớn ở xương gò má chạy hai bên mặt được nối với các khóe miệng và cơ mắt. Các cơ lớn ở xương gò má kéo miệng ra và sau đó để lộ răng và làm má nở rộng, trong khi các cơ mắt kéo ra sau, làm cho mắt híp lại và hằn lên “vết chân chim”. Việc tìm hiểu những cơ này rất quan trọng bởi vì các cơ lớn ở xương gò má được điều khiển một cách có ý thức. Nói cách khác, chúng được dùng để tạo ra những nụ cười giả tạo khi con người giả vờ vui thích, cố ra vẻ thân thiện hoặc nhượng bộ. Riêng cơ mắt hoạt động độc lập với ý thức và bộc lộ những cảm xúc thật. Vì thế, nơi đầu tiên để kiểm tra sự chân thật của nụ cười là tìm những nếp nhăn ở khóe mắt.

Nụ cười tự nhiên tạo ra những nếp nhăn đặc trưng quanh mắt – những người không chân thật chỉ cười bằng miệng.

Ở nụ cười vui thích, không những khóe môi bị kéo lên mà cả các cơ quanh mắt cũng thu lại, trong khi nụ cười giả tạo thì chỉ có môi mỉm cười.
Các nhà khoa học có khả năng phân biệt nụ cười chân thật và nụ cười giả tạo bằng cách ứng dụng Hệ thống ghi mã các hoạt động của gương mặt (FACS) do giáo sư Paul Ekman thuộc Đại học California và tiến sĩ Wallace V Friesen thuộc Đại học Kentucky phát triển. Vì những nụ cười chân thật được tạo ra một cách vô thức nên chúng trông rất tự nhiên. Khi bạn thấy vui thích, các dấu hiệu truyền đến phần “xử lý cảm xúc” của não, làm các cơ quan quanh miệng cử động, hai má được nâng lên, tạo ra nếp gấp mắt và làm cho lông mày hơi hạ xuống.

Các nhà nhiếp ảnh yêu cầu bạn nói “Cheese” bởi việc phát âm từ này giúp kéo các cơ lớn ở xương gò má ra sau. Nhưng nên nhớ rằng điều này tạo ra nụ cười giả tạo và làm cho các bức ảnh trông không thật.

“Vết chân chim” cũng có thể xuất hiện ở những nụ cười giả tạo tinh vi. Lúc này, hai gò má chụm lại làm cho đôi mắt hơi khép lại và nụ cười trông như thật. Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu để nhận biết nụ cười này với nụ cười chân thật, phần thịt giữa lông mày và mí mắt – tức là nếp che mắt – di chuyển xuống và đuôi lông mày hơi hạ thấp.

Mỉm cười là dấu hiệu phục tùng

Mỉm cười là cười thành tiếng thường được xem là dấu hiệu cho biết người nào đó đang vui. Khi chào đời chúng ta khóc, rồi bắt đầu mỉm cười lúc 5 tuần tuổi và biết cười thành tiếng vào giữa tháng thứ 4 và thứ 5. Trẻ con nhanh chóng nhận ra rằng, khóc thu hút sự chú ý của chúng ta và cười giữ chúng ta ở lại với chúng. Một cuộc nghiên cứu gần đây với loài tinh tinh – loài động vật linh trưởng gần con người nhất – cho thấy, nụ cười còn phục vụ cho một mục đích sâu xa hơn.

Để tỏ thái độ hung hăng , tinh tinh nhe răng nanh hàm dưới, cảnh báo rằng chúng có thể cắn. Ngay cả con người cũng thực hiện điệu bộ đó khi họ trở nên hung hăng bằng cách hạ thấp hoặc đưa môi dưới ra phía trước, bởi vì chức năng chủ yếu của môi dưới là làm vỏ bọc giấu hàm răng dưới. Con tinh tinh có hai kiểu cười: đầu tiên gương mặt nhượng bộ dùng để thể hiện sự phục tùng đối với người thống trị. Trong kiểu cười này – được gọi là “gương mặt sợ hãi” – miệng của tinh tinh mở ra, để lộ hàm răng dưới, các khóe miệng bị kéo ra sau và hạ xuống giống như điệu cười của con người.

Kiểu cười kia là “khuôn mặt khôi hài”. Răng nhe ra, các khóe miệng, khóe mắt bị kéo xếch lên và tạo âm thanh tương tự như tiếng cười của con người. Trong cả hai trường hợp, nụ cười đều được dùng làm điệu bộ phục tùng. Nụ cười thứ nhất diễn tả:

“Tôi không phải là mối đe dọa vì bạn thấy đấy, tôi chẳng khác nào một đứa trẻ tinh nghịch”. Ảnh trên bên trái là khuôn mặt tinh tinh khi lo lắng hoặc sợ bị tấn công hay gây thương tích. Lúc này, cơ xương gò má của nó kéo các khóe miệng ra sau theo đường nằm ngang hoặc hướng xuống và các cơ ở mắt không di chuyển. Một người suýt bị xe buýt đụng phải trên đường cũng có nụ cười lo lắng như thế. Bởi vì nó là phản ứng sợ hãi, họ gượng cười rồi nói: “Chà… tôi suýt chết đấy!”.

Nụ cười của con người cũng có từng mục đích như các loài động vật linh trưởng. Nụ cười báo hiệu cho người khác biết rằng bạn không đáng sợ và yêu cầu họ chấp nhận bạn ở bình diện cá nhân. Việc thiếu vắng nụ cười giải thích tại sao nhiều nhân vật có tính cách thống trị như Vladimir Putin, James Cagney, Clin Eastwood, Margaret Thatcher, Charles Bronson dường như lúc nào cũng trông như đang cáu bẳn hoặc hung hăng – đơn giản là vì họ không muốn trông có vẻ mềm yếu.

Vui vẻ, phục tùng hay sắp xé xác bạn?

Các nghiên cứu trong phòng xử án cho thấy người nói lời xin lỗi kèm theo nụ cười sẽ nhận được hình phạt nhẹ hơn so với người không cười. Vì vậy, những lời bà dạy rất đúng đắn!

Tại sao nụ cười dễ lan truyền?

Điều đáng chú ý về nụ cười là khi bạn mỉm cười với ai đó thì nụ cười ấy sẽ khiến họ mỉm cười đáp lại bạn, thậm chí khi cả hai bên cùng cười giả tạo.
Cuộc thử nghiệm do giáo sư Ufl Dimberg thuộc trường Đại học Uppsala, Thụy Điển tiến hành đã cho thấy, suy nghĩ tiềm thức của con người trực tiếp điều khiển các cơ mặt. Bằng cách sử dụng thiết bị thu thập tín hiệu điện từ các sợi động cơ, ông đã phân tích hoạt động của cơ mặt ở 120 người tình nguyện khi họ xem những bức ảnh chụp các gương mặt vui vẻ và giận dữ. Những người này được yêu cầu phản ứng lại những gì nhìn thấy bằng cách tạo ra gương mặt khó chịu, mỉm cười hoặc bình thản. Đôi khi, họ được yêu cầu cố gắng tạo ra vẻ mặt đối lập với hình ảnh họ nhìn thấy – mỉm cười với những bức ảnh cau mày hay ngược lại. Kết quả cho thấy những người tham gia không kiểm soát được hoàn toàn các cơ trên mặt. Với bức ảnh chụp một người giận dữ, yêu cầu họ cau mày đáp trả thì dễ những khiến họ cười lại rất khó. Cho dù những người tình nguyện cố kiểm soát các phản ứng tự nhiên của họ nhưng sự co giật của các cơ trên mặt đã cho thấy họ đang lặp lại y hệt những biểu hiện/nét mặt mà họ nhìn thấy, ngay cả khi họ cố làm khác đi.

Giáo sư Ruth Campell thuộc trường University College London tin rằng có một “nơ-ron phản chiếu” trong bộ não kích hoạt các bộ phận biết nhận biết các gương mặt, biểu hiện hay nét mặt, đồng thời tạo ra hiệu ứng phản chiếu tức thì. Nói cách khác, cho dù có nhận ra hay không thì chúng ra cũng tự động sao chép những biểu hiện trên gương mặt mà chúng ra nhìn thấy.

Đây chính là lý do tại sao mỉm cười thường xuyên là yếu tố quan trọng cần có trong kho ngôn ngữ cơ thể của bạn, ngay cả khi bạn không muốn. Việc bạn mỉm cười ảnh hưởng trực tiếp đến thái độ của người khác và cách họ đáp lại.

Khoa học đã chứng minh rằng bạn cười càng nhiều thì người khác càng có phản ứng tích cực hơn đối với bạn.

Trong hơn 30 năm nghiên cứu quy trình mua bán và thương lượng, chúng tôi đã phát hiện ra rằng mỉm cười vào thời điểm thích hợp, chẳng hạn như trong giai đoạn thăm dò ban đầu của cuộc thương lượng sẽ tạo ra phản ứng tích cực từ cả hai phía. Điều đó sẽ đem lại những kết quả mỹ mãn giúp đạt được doanh số bán hàng cao hơn.

Nụ cười đánh lừa bộ não như thế nào?

Bạn có nhận ra nam diễn viên này không?

Khả năng giải mã nụ cười có vẻ như đã được “cài đặt” sẵn bên trong bộ não và trở thành một công cụ hỗ trợ có tính sống còn của con người. Bởi vì về cơ bản, mỉm cười là một dấu hiệu phục tùng, nó giúp người ta nhận ra người lạ đang tiếp cận có thái độ thân thiện hay hung hăng. Vào thời xa xưa, những người không được trang bị khả năng nhận biết này đều bị tiêu diệt.

Khi nhìn bức ảnh ở trên, bạn có thể sẽ nhận ra đây là nam diễn viên Hugh Grant. Lúc được yêu cầu miêu tả những cảm xúc của nam tài tử này, đa số mọi người đều cho rằng anh ta đang thoải mái và vui vẻ bởi vì rõ ràng gương mặt trong ảnh đang mỉm cười. Nhưng lúc quay ngược bức ảnh theo đúng hướng, người ta lại thấy hoàn toàn khác.

Chúng tôi đã cắt dán mắt và nụ cười của Grant để tạo ra gương mặt dễ sợ này. Nhưng bạn thấy đấy, bộ não của bạn không những có thể nhận biết nụ cười ngay cả khi gương mặt bị đảo lộn mà còn có khả năng phân biết nó với các bộ phận khác trên gương mặt. Điều đó chứng tỏ nụ cười có tác động mạnh mẽ tới chúng ta.

Tập cười giả tạo

Như chúng tôi đã nói, đa số mọi người không thể phân biết một cách có ý thức nụ cười giả tạo với nụ cười chân thật. Hầu hết chúng ra đều hài lòng nếu ai đó mỉm cười với chúng ta – bất kể là chân thật hay giả tạo. Vì nụ cười làm tiêu tan hết ngờ vực nên nhiều người quan niệm một cách sai lầm rằng đó là điệu bộ ưa thích của những người nói dối. Cuộc nghiên cứu của Paul Ekman cho thấy khi người ta cố ý nói dối thì hầu hết mọi người, đặc biệt là đàn ông, sẽ mỉm cười ít hơn mọi khi, do họ nhận thấy việc mỉm cười thường được gán với lời nói dối. Nụ cười của người nói dối xuất hiện nhanh hơn nụ cười chân thật và giữ lâu hơn, như thể họ đang đeo mặt nạ.

Ở nụ cười giả tạo, một bên gương mặt dường như cử động mạnh hơn bên kia, vì cả hai bên não đều cố làm cho nụ cười có vẻ chân thật. Nửa vỏ não chuyên về các biểu hiện trên gương mặt nằm ở bán cầu não phải gửi các tín hiệu đến nửa trái cơ thể. Kết quả, những cảm xúc giả tạo trên gương mặt được thể hiện ở phía bên trái nhiều hơn bên phải. Trong nụ cười chân thật, do cả hai bán cầu não điều khiển hai bên gương mặt nên chúng hoạt động đồng bộ.

Những kẻ buôn lậu ít mỉm cười hơn

Vào năm 1986, Cục Hải quan Úc nhờ chúng tôi đưa ra một chương trình nhằm làm răng các vụ bắt giữ hàng lậu và ma túy nhập lậu vào Úc. Cho đến lúc đó, các nhân viên thực thi pháp luật cẫn cho rằng những người đang nói dối hoặc đang chịu áp lực cười nhiều hơn. Sau khi phân tích một bộ phim về những người yêu cầu được nói dối, chúng tôi thấy điều ngược lại. Khi người ta nói dối, họ mỉm cười ít hơn hoặc gần như không mỉm cười, bất kể thuộc nền văn hóa nào. Ngược lại, những người vô tội và nói thật tăng tần số mỉm cười khi họ thành thực. Vì mỉm cười có nguồn gốc từ sự phục tùng nên những người vô tội cố gắng xoa dịu những người buộc tội họ, trong khi những người nói dối chuyên nghiệp ít cười và ít bộc lộ các dấu hiệu cơ thể khác. Tương tự, khi một chiếc xe cảnh sát dừng kế bên xe bạn tại giao lộ, cho dù bạn không phạm luật thì sự hiện diện của cảnh sát cũng đủ khiến bạn có cảm giác mình đã phạm luật nên bạn bắt đầu mỉm cười. Điều này cho thấy điệu cười giả tạo là điệu bộ có ý thức, do vậy, cần phải xem xét nó trong ngữ cảnh xuất hiện.

Năm điệu cười phổ biến

Đây là phần tóm tắt và phân tích 5 điệu cười phổ biến mà rất có thể bạn nhìn thấy mỗi ngày:

1. Nụ cười mím chặt môi

Đây là điệu bộ hai môi khép chặt kéo dài ra hai bên gương mặt theo một đường thẳng và không để lộ răng. Kiểu cười này truyền tải một thông điệp rằng người cười đang có một bí mật hoặc đang giữ kín một ý kiến, thái độ và họ sẽ không chia sẻ với bạn. Đây cũng là điệu cười ưa thích của những phụ nữ không muốn để lộ rằng họ không thích ai đó. Rõ ràng các phụ nữ khác đều hiểu đó là dấu hiệu từ chối nhưng đa số đàn ông lại không hiểu điều này.

Nụ cười mím chặt môi cho thấy cô ấy có một bí mật và sẽ không chia sẻ bí mật đó với bạn

Chẳng hạn một phụ nữ có thể nói về một phụ nữ khác kiểu như: “Cô ta là một người rất có năng lực, biết rõ mình muốn gì” rồi cười mím chặt môi, chứ không bộc lộ suy nghĩ thật sự của mình rằng: “Tôi nghĩ cô nàng là một ả chảnh chọe hung hăng!” Nụ cười mím chặt môi cũng thường xuất hiện trên những tờ tạp chí đăng hình các doanh nhân thành công với thông điệp là: “Tôi có những bí quyết thành công và các bạn phải cố đoán xem đó là những bí quyết gì.” Trong nhiều cuộc phỏng vấn, đàn ông có khuynh hướng đề cập về những nguyên tắc khi thành công nhưng hiếm khi tiết lộ chi tiết chính xác rằng họ đã thành công như thế nào. Ngược lại, người ra luôn nhìn thấy Richard Branson hãnh diện mỉm cười thật tươi, để lộ răng và sẵn lòng giải thích chính xác về sự thành công của ông ta. Nhưng nói cho cùng, đa số mọi người thường không làm như thế!

2. Nụ cười méo xệch

Nụ cười này thể hiện những cảm xúc trái ngược ở một bên gương mặt. Trong hình A bên dưới, não phải nâng lông mày bên trái, các cơ xương ở gò má trái và cả gò má trái lên để tạo ra một kiểu cười ở phía trái gương mặt. Trong khi đó, não trái lại kéo chính xác cơ này ở phía trên bên phải xuống để tạo ra cái cau mày giận dữ. Khi bạn đặt gương nghiêng một góc 90o ở giữa tranh minh họa A để phản chiếu mỗi bên gương mặt, bạn sẽ nhìn thấy hai gương mặt hoàn toàn khác nhau với những cảm xúc trái ngược. Hình phản chiếu nửa bên phải gương mặt (bức ảnh A) để lộ bức ảnh B có nụ cười toe toét, trong khi hình phản chiếu nửa bên trái gương mặt (bức ảnh C) để lộ cái cau mày giận giữ.

Nụ cười méo xệch này là dấu ấn riêng biệt của văn hóa phương Tây và đó là nụ cười cố ý. Thông điệp duy nhất mà nó chuyển tải chính là sự mỉa mai.

3. Nụ cười trễ hàm xuống

Đây là nụ cười được tập luyện. Khi cười, hàm dưới được hạ xuống tạo cảm giác như đang cười hoặc bông đùa. Đây là nụ cười ưa thích của nhân vật Joker trong phim Batman, Tổng thống Bill Clinton và nam diễn viên Hugh Grant. Họ dùng kiểu cười này để tạo những phản ứng vui vẻ nơi khán giả hoặc để giành được nhiều phiếu bầu hơn.

4. Nụ cười nhìn nghiêng và mắt hướng lên

Đầu hướng xuống và nhìn nghiêng trong khi mắt hướng lên với nụ cười mím chặt môi, người mỉm cười mang dáng vẻ trẻ con, tinh nghịch và kín đáo. Nụ cười có vẻ e lệ này khiến đàn ông ở khắp nơi ngơ ngẩn, bởi nó đánh thức bản năng thích che chở của người đàn ông và khiến họ muốn bảo vệ, chăm sóc người phụ nữ. Đây là một trong những kiểu cười mà Công nương Diana đã sử dụng để mê hoặc trái tim của mọi người.

Nụ cười này làm cho nam giới muốn bảo vệ bà, còn phụ nữ thì muốn giống như bà. Không có gì đáng ngạc nhiên khi đây là nụ cười quen thuộc trong kho vũ khí tán tỉnh, hấp dẫn đàn ông của phụ nữ vì dưới mắt họ, nụ cười nhìn nghiêng mắt hướng lên rất quyến rũ và ẩn chứa tín hiệu “gọi mời” mạnh mẽ. Hiện nay, Hoàng tử William cũng sử dụng kiểu cười này. Nó không những có tác dụng chiếm được tình cảm của người khác mà còn gợi họ nhớ về Công nương Diana.

5. Nụ cười toe toét của Tổng thống Mỹ George Bush

Trên mặt của Tổng thống George W Bush luôn luôn xuất hiện nụ cười tự mãn. Ray Birdwhistell đã phát hiện ra rằng việc mỉm cười rất phổ biến trong tầng lớp trung lưu ở Atlanta, Louisville, Memphis, Nashville và Texas. Người Texas mỉm cười nhiều hơn phần lớn những người Mỹ khác đến nỗi mà ở đây, nếu người nào không mỉm cười thì có thể sẽ bị thắc mắc là có phải anh ta “đang tức giận về điều gì đó” hay không. Tổng thống Bush cũng là người Texas. Không như ở New York, một người mỉm cười có thể sẽ bị hỏi là: “Có chuyện gì mà vui thế?” Tổng thống Jimmy Carter cũng là người miền Nam nên ông mỉm cười suốt. Điều này từng khiến người miền Bắc lo lắng vì sợ rằng ông biết điều gì đó mà họ không biết.

Hãy luôn mỉm cười. Mọi người sẽ tự hỏi là bạn đang có chuyện gì vui vẻ. Tại sao tiếng cười là liều thuốc bổ?

Tương tự nụ cười, khi tiếng cười được tạo thành như một phần bản chất cố hữu trong con người bạn, nó sẽ lôi cuốn bạn bè, cải thiện sức khỏe và kéo dài cuộc sống. Khi chúng ta cười thành tiếng, mọi cơ quan trong cơ thể đều nhận được ảnh hưởng tích cực. Chúng ta thở nhanh hơn, cơ hoành, cổ, dạ dày, mặt, vai được vận động. Không chỉ thế, tiếng cười còn làm tăng lượng oxy trong máu., giúp phục hồi, cải thiện sự tuần hoàn máu và làm giãn các mạch máu trên bề mặt da. Đó chính là lý do tại sao người ta đỏ mặt khi cười thành tiếng. Ngoài ra tiếng cười cũng có thể làm giảm nhịp tim, nở động mạch, kích thích sự ngon miệng và đốt cháy calori.

Nhà thần kinh học Henri Rubenstein phát hiện ra rằng một phút cười liên tục có thể tạo đến 45 phút thoải mái sau đó. Giáo sự William Fry thuộc trường Đại học Stanford cho biết, 100 tiếng cười sẽ cung cấp cho cơ thể bạn một bài tập aerobic tương đương với 10 phút tập trên máy tập đa năng. Đây là lý do tại sao tiếng cười sảng khoái rất tốt cho bạn xét theo quan điểm y học.

Càng lớn tuổi, chúng ta càng nghiêm nghị hơn với cuộc sống. Người lớn cười trung bình 15 lần một ngày; còn những đứa trẻ chưa đến tuổi đi học cười trung bình 400 lần một ngày.

Tại sao bạn nên coi trọng tiếng cười?

Nghiên cứu cho thấy cười thành tiếng hay mỉm cười ngay cả khi tâm trạng không được vui đều làm tăng các xung điện ở “vùng vui vẻ” thuộc bán cầu não trái. Trong một cuộc nghiên cứu về tiếng cười, giáo sư tâm lý và tâm thần học Richard Davidson thuộc trường Đại học Wiscosin ở Madison đã gài máy ghi điện não (EEG) vào những người tham gia nghiên cứu để đo hoạt động sóng não, rồi cho họ xem những bộ phim hài. Khi họ mỉm cười, “vùng vui vẻ” của họ rung loạn xạ. Ông đã chứng mình được rằng việc cố ý tạo ra nụ cười và tiếng cười làm cho hoạt động não tiến đến trạng thái vui vẻ.

Giáo sư tâm lý Arnie Cann thuộc Đại học Bắc Carolina đã khám phá rằng sự hài hước có tác động tích cực đến việc giảm căng thẳng. Giáo sư Cann đã tiến hành cuộc thử nghiệm với những người có triệu chứng tiền trầm cảm bằng cách chia họ ra làm 2

nhóm và cho xem video trong hơn 3 tuần. Kết quả, nhóm xem băng hài có sự cải thiện về tình trạng bệnh nhiều hơn nhóm xem băng không hài. Ngoài ra ông còn phát hiện ra rằng những người có vết loét cơ thể cau mày nhiều hơn những người không có. Nếu bắt gặp tình trạng cau mày, bạn hãy tập đặt tay lên trán khi nói chuyện để tránh tình trạng này.

Tại sao chúng ta vừa cười vừa nói, nhưng con tinh tinh thì không?

Giáo sư tâm lý Robert Provine thuộc trường Đại học Maryland, thành phố Baltimore phát hiện tiếng cười của con người khác với tiếng cười của người anh em họ của chúng ra thuộc họ linh trưởng. Tinh tinh cười như đang hổn hển với chỉ một âm thanh được phát ra mỗi khi thở ra hay hít vào. Tỷ lệ 1-1 giữa chu kỳ hít thở và phát âm khiến đa số các động vật này không thể nói được. Khi con người bắt đầu đi thẳng lưng, phần thân trên thoát khỏi việc gánh chịu sức nặng của cơ thể, điều này cho phép con người điều chỉnh hơi thở tốt hơn. Kết quả là chúng ta không những ngăn được việc thở ra như tinh tinh mà còn điều chỉnh hơi thở để phát ra tiếng nói và tiếng cười. Tinh tinh cũng có thể có khái niệm về ngôn ngữ nhưng không thể phát ra từ ngữ. Có thể nói, nhờ đi thẳng lưng nên con người dễ dàng hơn trong việc tạo ra âm thanh, bao gồm cả tiếng nói lẫn tiếng cười.

Liệu pháp tiếng cười

Tiếng cười kích thích “chất giảm đau tự nhiên” và “chất làm tăng hưng phấn”, được gọi là endorphin, giúp giải tỏa căng thẳng, phục hồi cơ thể. Khi Norman Cousins được chẩn đoán mắc chứng bệnh cứng khớp, một dạng suy nhược cơ thể, bác sĩ nói với ông rằng bệnh tình của ông vô phương cứu chữa và ông sẽ phải sống trong đau đớn cho đến chết. Cousins bèn thuê một phòng ở khách sạn và thuê tất cả những phim ông ta tìm thấy như Airplane và The Three Stooges của nhóm hài The Marx Brother,..v.v rồi xem đi xem lại chúng, cười thật nhiều và thật to. Sáu tháng sau khi ông tự điều trị bằng liệu pháp tiếng cười, các bác sĩ vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện căn bệnh của ông đã biến mất. Ông đã hoàn toàn khỏe mạnh! Kết quả đáng ngạc nhiên này dẫn đến sự ra đời cuốn sách Anatomy of an Illness (Giải phẫu một căn bệnh) của Cousins và vai trò của chất endorphin bắt đầu được nghiên cứu trên quy mô lớn. Endorphin là chất tiết ra từ não khi chúng ta cười. Nó có thành phần hóa học tương tự như morphin hay heroin và có tác dụng an thần đối với cơ thể, đồng thời tăng cường hệ miễn dịch. Điều này giải thích vì sao những người vui vẻ hiếm khi bị bệnh và đau khổ, còn những người hay than thở thì dường như lúc nào cũng có bệnh.

Hãy cười cho đến lúc không còn cười được nữa

Theo quan điểm tâm lý học và sinh lý học, tiếng cười và tiếng khóc có quan hệ mật thiết với nhau. Hãy nghĩ đến lần gần đây nhất, khi ai đó kể cho bạn nghe một câu chuyện dài làm bạn cười đau ruột và gần như không kiểm soát được bản thân. Bạn cảm thấy thế nào sau đó? Bạn cảm giác tê rần toàn thân phải không? Não của bạn đã tiết ra chất endorphin đưa vào cơ thể khiến bạn có cảm giác “ngây ngất”, đây chính là cái cảm giác mà người nghiện trải qua khi dùng ma túy. Những người không may gặp phải điều bất hạnh trong cuộc sống thường tìm đến ma túy và rượu bia để có được khoái cảm này. Rượu bia đè nén sự ức chế khiến người ta cười nhiều hơn, và điều này làm cho chất endorphin được tiết ra. Đây là lý do tại sao đa số những người dễ thích nghi cười nhiều hơn khi họ uống rượu, trong khi những người không vui ngày càng trở nên chán nản và thậm chí là hung dữ.

Thông thường người ta uống rượu bia và sử dụng ma túy để cố cảm nhận những điều mà người vui vẻ cảm nhận trong điều kiện bình thường.

Paul Ekman đã phát hiện ra một trong những lý do khiến chúng ta chú ý vào những người đang mỉm cười hoặc cười thành tiếng vì nụ cười và tiếng cười thật sự tác động đến hệ thần kinh độc lập của chúng ta. Chúng ta mỉm cười khi nhìn thấy gương mặt mỉm cười và điều này làm cơ thể tiết chất endorphin. Ngược lại, nếu xung quanh chúng ta toàn là những gương mặt đau khổ, ủ rũ thì có thể, chúng ta cũng sẽ phản ánh y hệt những biểu hiện trên gương mặt họ và trở nên buồn rầu, chán nản.

Làm việc trong môi trường không vui sẽ có hại cho sức khỏe của bạn. Kết cấu của chuyện cười

Điểm quan trọng của những câu chuyện cười là tại điểm nút của câu chuyện sẽ xảy ra điều gì đó thật thảm hại hoặc đau đớn. Trên thực tế, kết thúc bất ngờ của câu chuyện làm đầu óc chúng ta “sợ hãi”, và lúc đó chúng ta cười hệt như âm thanh của một con tinh tinh đang cảnh báo với những con khác về mối nguy hiểm sắp đến. Cho dù biết rõ truyện cười thường hư cấu nhưng tiếng cười của chúng ta vẫn tiết ra chất endorphin để làm giảm căng thẳng như thể chuyện đó có thật. Trường hợp chuyện cười là chuyện thật, có thể chúng ta sẽ bật khóc, lúc này cơ thể chúng ta tiết ra chất endorphin. Tiếng khóc thường là bước nối tiếp sau một trận cười. Điều này lý giải tại sao khi gặp một chấn động lớn về tâm lý, như khi nghe tin về cái chết, người không thể chịu đựng nổi thường bắt đầu cười. Và khi đối diện với sự thật thì tiếng cười trở thành tiếng khóc.

Phòng cười

Vào những năm 80 của thế kỷ 20, nhiều bệnh viện ở Mỹ đã đưa ra khái niệm “phòng cười”. Dựa trên trải niệm của Norman Cousins và những công trình nghiên cứu về tiếng cười của tiến sĩ Patch Adams, các bệnh viện đã dành riêng một căn phòng chứa đầy truyện cười và phim hài. Các nghệ sĩ hài và các chú hề thường xuyên tới đây. Hàng ngày, bệnh nhân được đưa đến phòng cười theo từng đợt từ 30 đến 60 phút. Kết quả thật ấn tượng! Sức khỏe của họ được cải thiện đáng kể và thời gian trung bình phải nằm viện của mỗi bệnh nhân cũng được rút ngắn lại. Nhờ có phòng cười mà các bệnh nhân dùng ít thuốc giảm đau đi, và họ trở nên dễ gần hơn. Vì vậy, có thể nói hiện nay y học rất coi trọng tiếng cười.

Cười nhiều giúp sống lâu!

Mỉm cười và cười thành tiếng là một cách giao tiếp

Robert Provine đã phát hiện rằng xác suất cười thành tiếng trong các tình huống giao tiếp nhiều gấp 30 lần so với khi cô đơn. Ông nhận thấy chỉ có 15% tiếng cười là xuất phát từ những câu nói đùa, phần còn lại liên quan đến việc thiết lập mối quan hệ. Trong cuộc nghiên cứu của Provine, lúc cô đơn, những người tham gia thường độc thoại hơn là cười. Ông đã ghi hình khi họ đang xem một video clip hài hước trong ba tình huống khác nhau: xem một mình, với người lạ cùng phái và với người bạn cùng phái.

Chỉ có 15% tiếng cười của chúng ta liên quan đến những lời nói đùa. Tiếng cười có liên quan nhiều hơn tới hoạt động giao tiếp.

Mặc dù không có sự khác biệt về mức độ hài hước mà những người tham gia cuộc nghiên cứu cảm nhận về video clip nhưng khi xem một mình, họ cười ít hơn rất nhiều so với khi xem với cùng một người khác, bất kể đó là bạn bè hay người lạ. Tần số cũng như thời gian cười trong trường hợp có người xem cùng nhiều hơn và dài hơn đáng kể so với trường hợp chỉ xem một mình. Người ta cười thường xuyên hơn trong quan hệ xã giao. Những kết quả này chứng tỏ càng giao tiếp nhiều người thì người ta sẽ càng cười thường xuyên hơn và mỗi lần cười sẽ kéo dài hơn.

Sự hài hước làm tăng doanh số

Giáo sư về ngành tiếp thị học, bà Karen Machleit thuộc Khoa Quản trị Kinh doanh trường Đại học Cincinnati phát hiện rằng nếu thêm một chút hài hước vào các mẩu quảng cáo thì doanh số bán hàng sẽ tăng lên. Bà nhận thấy sự hài hước làm gia tăng khả năng tin tưởng của khách hàng vào lời quảng cáo và người chào hàng. Chính vì thế mà mẩu quảng cáo hài hước cùng với một người nổi tiếng thường dễ được đón nhận hơn.

Miệng luôn trễ xuống

Trái với động tác kéo các khóe miệng lên để biểu lộ niềm vui sướng là việc hạ cả hai khóe miệng xuống tạo ra hình ảnh miệng trễ xuống. Biểu hiện này được bộc lộ ở những người đang cảm thấy không vui, buồn rầu, chán nản, tức giận hay căng thẳng. Không may là nếu ai đó giữ những cảm xúc tiêu cực này lâu dài thì các khóe miệng sẽ bị trễ xuống mãi mãi.

Thường xuyên trễ miệng xuống có thể làm cho người thực hiện có vẻ ngoài giống một con chó bun. Các cuộc nghiên cứu cho thấy người ta thường tránh xa, ít tiếp xúc bằng mắt và tránh né những người có biểu hiện này mỗi khi họ đi về phía chúng ta. Nếu bạn phát hiện điệu bộ miệng trễ xuống đã và đang len lỏi trong kho tàng nét mặt của bạn thì hãy tập mỉm cười thường xuyên. Điều đó không những giúp bạn tránh khỏi bộ dạng trông giống như một con chó giận dữ mà còn khiến bạn cảm thấy lạc quan hơn trong cuộc sống. Ngoài ra, cách này sẽ giúp bạn tránh làm trẻ con sợ hãi hay bị người chung quanh đánh giá là một gã khọm già quạu quọ.

Phụ nữ nên mỉm cười

Cuộc nghiên cứu của Marvin Hecht và Marianne La France thuộc trường Đại học Boston đã cho thấy, nhân viên cấp dưới mỉm cười nhiều hơn khi có mặt cấp trên hoặc những người quan trọng trong các tình huống thân mật hoặc xã giao, trong khi những người cấp trên thường chỉ mỉm cười với nhân viên cấp dưới trong các tình huống thân mật mà thôi.

Cuộc nghiên cứu này cũng cho thấy phụ nữ mỉm cười nhiều hơn nam giới trong những tình huống kinh doanh và giao tiếp. Điều này khiến phụ nữ trông có vẻ lệ thuộc hoặc yếu đuối khi chạm trán với những người đàn ông không cười. Một số người khẳng định rằng phụ nữ mỉm cười nhiều hơn là do yếu tố lịch sử khi họ bị nam giới đặt vào vị trí phụ thuộc. Nhưng các cuộc nghiên cứu khác đã phát hiện rằng vào độ 8 tuần tuổi, các bé gái mỉm cười nhiều hơn các bé trai. Vì thế, mỉm cười có thể là điệu bộ bẩm sinh chứ không phải được tiếp thu về mặt xã hội. Lời giải thích khả dĩ chấp nhận được là điệu bộ mỉm cười xuất phát từ yêu cầu cho con bú và nuôi dạy con của người phụ nữ. Điều này không có nghĩa là phụ nữ không thể có quyền hành như đàn ông, nhưng việc mỉm cười quá nhiều khiến phụ nữ trông có vẻ kém oai hơn.

Việc phụ nữ mỉm cười quá nhiều có lẽ là một điệu bộ thuộc về bản năng.

Tiến sĩ tâm lý xã hội học Nancy Henley thuộc trường Đại học California ở Los Angeles đã mô tả nụ cười của phụ nữ là “biểu hiện xoa dịu” và có khả năng làm nguôi giận những người đàn ông có quyền hơn. Nghiên cứu của bà cho thấy trong những tình huống giao tiếp, thời gian phụ nữ mỉm cười chiếm 87% trong khi đàn ông chỉ có 67%, khả năng họ cười đáp trả nụ cười của người khác phái cao hơn đến 26%. Một cuộc thử nghiệm sử dụng 15 bức ảnh của những người có gương mặt vui vẻ, buồn và không vui không buồn để 257 người tham gia đánh giá sức hấp dẫn của họ. Kết quả, phụ nữ có vẻ mặt buồn bị coi là kém hấp dẫn nhất. Bức ảnh của những phụ nữ không mỉm cười được giải mã là dấu hiệu không vui, trong khi ảnh của những người đàn ông không mỉm cười thì lại được xem là biểu hiện thống trị. Bài học dành cho phụ nữ ở đây là trong lĩnh vực kinh doanh, nên ít mỉm cười khi giao thiệp với những người đàn ông thống trị hoặc chỉ cười đáp lại tùy theo số lần mỉm cười của họ. Ngược lại, nếu đàn ông muốn gây ảnh hưởng hơn đối với phụ nữ, họ cần mỉm cười nhiều hơn trong mọi ngữ cảnh.

Tiếng cười trong tình yêu

Robert Provine phát hiện rằng trong thời gian tìm hiểu, phụ nữ cũng là người cười nhiều nhất, chứ không phải đàn ông. Tiếng cười trong những ngữ cảnh này được sử dụng như một dấu hiệu thể hiện mức độ gắn bó của cặp nam nữ trong mối quan hệ đó. Nói đơn giản, người đàn ông làm cho người phụ nữ cười càng nhiều thì cô ấy càng thấy anh ta quyến rũ. Chính khả năng chọc cười người khác được xem là biểu hiện nam tính và phái nữ thường thích phái nam có cá tính mạnh mẽ, trong khi nam giới lại thích những phụ nữ nhu mì. Ngoài ra, Provine cũng phát hiện cấp dưới cười để xoa dịu cấp tên và cấp tên chọc cười cấp dưới – nhưng không tự chọc mình cười – là một cách để họ duy trì quyền hành của mình.

Các cuộc nghiên cứu cho thấy phụ nữ cười với những người đàn ông mà họ cảm thấy lôi cuốn, còn đàn ông bị lôi cuốn bởi những phụ nữ cười với họ.

Điều này giải thích tại sao phẩm chất có óc hài hước gần như đứng đầu danh sách những tiêu chuẩn được phụ nữ mong đợi ở người đàn ông. Khi một người phụ nữ nói: “Anh ấy thật vui tính – chúng tôi đã cười với nhau cả đêm” thì điều đó có nghĩa là cô ta đã dành cả đêm để cười và anh ta đã dành cả đêm để chọc cười cô ta!

Khi người đàn ông khen người phụ nữ có óc hài hước thì ý anh ta không phải là cô ta biết nói đùa mà là tiếng cười vì những câu nói đùa của anh ta.

Ở mức độ sâu sắc hơn, dường như đàn ông hiểu được giá trị của óc hài hước nên họ dành khá nhiều thời gian bông đùa với những người đàn ông khác nhằm nâng cao địa vị bản thân.

Nhiều đàn ông cũng trở nên bực bội nếu bị một người đàn ông khác chiếm diễn đàn và nói đùa huyên thuyên, đặc biệt là khi có mặt phụ nữ mà nhất là họ cũng đang cười. Có khả năng đàn ông sẽ nghĩ “kẻ phá bĩnh” không những là một kẻ ngốc mà còn là người chẳng có gì thú vị – bất kể sự thật là anh này đã làm cho tất cả những phụ nữ có mặt ở đó cười phá lên. Nam giới cần hiểu đối với đa số phụ nữ, những người đàn ông hài hước trông có vẻ hấp dẫn hơn. Rất may là bạn có thể đọc sách để trở nên hài hước.

Tóm tắt

Thông thường khi bạn mỉm cười với người khác thì họ gần như luôn mỉm cười đáp lại. Điều này tạo ra những cảm xúc tích cực cho cả bạn và người đó. Các cuộc nghiên cứu chứng tỏ rằng khi bạn chú ý mỉm cười thường xuyên đến độ biến nó thành thói quen thì hầu hết các cuộc gặp mặt sẽ diễn ra suôn sẻ hơn, kéo dài hơn, mang lại kết quả lạc quan hơn và mối quan hệ được cải thiện đáng kể.

Chứng cứ cho thấy một cách thuyết phục rằng nụ cười và tiếng cười góp phần xây dựng hệ thống miễn dịch, bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tât, làm lành các vết thương, tạo ra ý tưởng hay, dạy tốt, thu hút nhiều bạn bè hơn và kéo dài cuộc sống.

Ngoài ra, sự hài hước còn giúp phục hồi cơ thể.