Ngôi Sao Định Mệnh

Chương 5

Bà khẽ gượng cười vuốt tóc cô như thuở cô còn lên năm sáu, bà nói:

– Thôi má về.

– Dạ, má cố giữ gìn sức khỏe nghen má, cả ba nữa.

– Ờ! Con cũng thế mà cố chịu đựng lo cho tròn bổn phận của mình.

– Con biết rồi má.

– Má về đây.

Ngân ứa nước mắt vì cái dáng lầm lũi của mẹ xa dần ngoài cổng. Má ơi!

Cũng vì con mà ra, nên ba má mới khổ tâm như thế, con chưa trả được hiếu cho ba má ngày nào mà đã làm cho ba má đau buồn vì con, không biết đến ngày tháng nào con mới chuộc lạI được lầm lỗi này với ba má.

– Cô Hai!

Ngân chùi nước mắt rồi quay lại khi nghe tiếng người giúp việc gọi:

– Có chuyện gì?

– Dạ, cơm nước xong rồi, sao cô không giữ bà lại ăn cơm.

Ngân buồn tủi lắc đầu:

– Má tôi chầc cũng không muốn ở lại đâu, thôi vào lo dọn cơm cho cậu chủ ăn đi.

– Dạ?

Ngày tháng lại qua đi. Ngân ngỡ ngàng khi nhận ra người khách đến thăm mình, cô kêu lên:

– Mai à!

– Ừ, mình không làm phiền bạn chứ?

– Ơ không, vào nhà đi.

– Tùng ra sao rồi?

Ngân thở dài:

– Cũng thế thôi!

– Bao giờ mới đưa Tùng đi chữa trị.

– Ba má mình đang lo thủ tục, vào ngồi mình lấy nước bạn uống.

– Cho mình ly nước lọc được rồi. Mình muốn đến thăm bạn nhưng công việc cứ dồn dập mãi, bạn có bệnh không sao thấy bạn xanh xao quá vậy?

– Không, dạo này Mai ra sao, ông xã có tốt với bạn không?

– Tốt! Anh ấy lo cho mình dữ lắm.

Nét mặt của Mai rạng rỡ hẳn lên trong câu nói có phần tự hào ấy, Ngân chạnh lòng, cô thoáng tủi phận:

– À, Ngân này, mình có ít quà cho bạn đôi lúc mình cũng thấy áy náy cũng vì bạn đi dự cưới của mình mới xảy ra tai nạn cho Tùng.

– Mai đừng nghĩ vậy, chuyện xui rủi lúc nó tới thì tới đâu có ai lường trước.

– Chắc là bạn khổ tâm lắm phải không, số bạn thật đen, anh Tùng đâu rồi?

– Anh ấy ngủ trong phòng.

– Ờ, nè. Ngân chợt thoáng lo, thật sự cô cũng không muốn gặp lại ai, nhất là Mai cô bạn “phổi bò” muốn nói gì nói, chẳng kiêng dè tế nhị gì, Mai lại hay nhắc đến chuyện của cô. Không muốn để cho Tùng nghe được. Ngân vội ngăn Mai lại khi thấy Mai ra chiều bí ẩn.

– Mình không muốn nhắc lại chuyện cũ, cái gì đã qua thì hãy để cho nó qua đi, bây giờ mình chỉ lo cho anh Tùng, nếu như Mai có lòng đến thăm thì mình cám ơn.

Mai sượng mặt vì hiểu Ngân muốn nói gì, cô nhăn mày:

– Trời ơi! Bồ nói gì vậy, mình đâu có hồ đồ mà đến đây nói chuyện của Kiệt nữa.

–!!!

Mai bịt miệng bẽn lẽn:

– Xin lỗi, mình xớn xác quá, đã nói không nhắc đến Kiệt nữa mà cứ nhắc.

Ngân ngao ngán thở ra, Mai càng cố phân bua thì càng mắc sai lầm:

– Rõ là mình hồ đồ mình chỉ định cho bạn cái địa chỉ để bạn đưa Tùng đi khám thôi, kỳ vừa rồi mình và ông xã có qua Nhật, mình nhớ đến bạn nên mới hỏi dò được cái địa chỉ này, bệnh viện đó nổi tiếng lắm, toàn là bác sĩ giỏi về phẫu thuật chỉnh hình, bạn bàn vớI gia đình đưa anh Tùng sang đó xem sao?

– Vậy à?

– Ừ, coi như mình trả nợ bạn, chứ không mình áy náy lắm, cứ nghĩ vì bạn đi dự cưới mình nên mới xảy ra chuyện.

– Cám ơn Mai nhiều lắm nghe, để mình cho ba má mình biết.

– Muốn chắc ăn thì lên mạng để biết rõ thông tin hơn thôi mình về đây.

– Ừ? Mai về.

– Ráng nghe, ráng chịu đựng rồi mọi chuyện sẽ qua, bạn cũng có được cái mà bạn muốn có, đừng để lỡ cơ hội.

– Cám ơn Mai.

– Thôi mình cho bạn hay vậy thôi, mình về!

Ngân tiễn chân Mai ra cửa lúc quay vào thì cô đã đối mặt với ánh mắt hoài nghi dò xét của Tùng:

– Cô ta đến làm gì vậy?

Không hiểu sao Ngân chợt thấy lo sợ cô ấp úng đáp:

– Cô ấy đến thăm anh.

Tùng cười gằn:

– Thăm tôi?

– Dạ phải.

– Thăm tôi sao không chờ gặp tôi mà lén lén lút lút ra về vội thế?

– Đâu có.

– Đâu có là sao? Cô ta lại đến đem tin tức cho cô chứ gì?

Ngân lo sợ lắc đầu:

– Đâu có!

– Hừ!

Tùng lăn chiếc xe lại trước mặt Ngân, ánh mắt của anh khiến cho Ngân khiếp sợ:

– Còn chối ư? Cô ta nói gì? Hẹn hò giúp cô phải không? Hừ, cô chỉ mới nghỉ làm có ít ngày thì đã có người đến liên lạc ngay với cô.

Ngân cuống quýt phân trần:

– Không đúng, anh đừng nghi ngờ em thật ra Mai có nói gì với em đâu.

– Còn không? Cô ta bảo cô đừng bỏ lỡ cơ hội thì sẽ có cái mà cô muốn có mà, chẳng phải điều cô muốn là được ở cùng với nhân tình của cô sao?

Ngân đau khổ lắc đầu, cứ mỗi lần Tùng nổi cơn ghen là cô lại khiếp sợ đến chẳng biện bạch gì được cho mình, thái độ của cô càng khiến cho Tùng thêm tức giận hồ nghi:

– Không có, Mai chỉ đến thăm anh thôi, em biết mỗi lần gặp Mai là anh lại nghi ngờ em, em rất sợ rồi!

– Có tật thì giật mình nếu đường hoàng thì cô không phải lo sợ núp lén tôi, cô đi đi, đi mà giữ lấy cơ hội cho mình.

– Em đã nói là không phải như anh nghĩ mà.

– Tôi không nghĩ mà tôi nghe thấy nhìn thấy, tại sao lúc nào cô cũng muốn làm cho tôi điên lên như vậy? Đồ phản trắc.

Ngân bị mắng oan thì ấm ức kêu lên:

– Em không có, không có!

Thái độ phản kháng của cô làm cho Tùng nóng thêm, xem cô ta kìa còn dám trợn mắt nạt lại anh nữa? Phải, giờ thì anh là kẻ tàn tật làm sao mà cô ta không coi thường không khinh dễ anh, hừ!

Tùng mím chặt môi, gầm gừ nhìn Ngân trông mặt anh lầm lì đến ghê người, trong khi Ngân thì vẫn uất ức biện minh cho mình:

– Tại sao lúc nào anh cũng nghĩ xấu cho em? Đến cả bạn bè em cũng không dám gặp, đi chợ mua sắm em cũng vội vội vàng vàng cho mau về sớm kẻo sợ anh nghĩ em hẹn hò, làm cái gì em cũng nghĩ đến anh, anh còn muốn em phải làm sao nữa.

– Tôi muốn cô đừng lừa gạt tôi, suốt cuộc đời này cô chỉ chăm chắm lừa gạt tôi, cô có biết điều đó làm cho tôi rất căm phẫn hay không?

– Nhưng em không có, chỉ tại anh tự suy diễn rồi gán ép cho em.

– Tôi tự suy diễn ư? Tôi đâu có điên, đã bao nhiêu lần cô dối gạt tôi rồi, tôi có nói sai cho cô đâu, cô '”già mồm” chối tội, hành động ấy của cô càng chứng minh rõ ràng bản chất gian xảo của cô, đồ cái thứ đàn bà hư!

– Phải?

Ngân như trái bóng bị căng hơi vỡ bùng ra, cô quát lại Tùng:

– Phải, em là một thứ đàn bà hư, bởi vì một lần hư hỏng mà suốt đời em bị anh nghi ngờ mắng nhiếc, em đã ân hận cố sữa đổi nhưng chẳng được gì, chính anh đã làm cho em không còn thấy mình mang tội nữa, em đám yêu và dám chịu đựng, còn anh thì sao? Anh dám yêu mà không dám chấp nhận em, anh là một gã đàn ông nhỏ mọn, hèn yếu một kẻ cố chấp hẹp hòi.

– Bốp!

Chiếc gạt tàn bay thẳng vào trán Ngân, Ngân lảo đảo ôm mặt, cô đau đớn nhìn trừng trừng Tùng. Tùng vẫn lạnh lùng nhìn máu từ vết thương trên trán của Ngân chảy ra, không một chút thương xót, hay hốt hận, nỗi căm phẫn đã dập tắt mọi cảm xúc lẫn tình yêu mà anh dành cho Ngân.

– Anh! Ngân nghẹn ngào kêu lên. Anh độc ác lắm, càng ngày anh càng độc ác, anh đánh em đi đánh cho hả cơn ghen hờn vô lý của anh, em không biết có khi nào anh ngồi nghĩ lại hành động của mình không, anh có thấy ân hận có thấy thương xót cho em, có thấy mình thật thô lỗ vũ phu, anh có thấy hổ thẹn vì đánh chửi một người đàn bà yếu đuối luôn muốn sửa đổi và phục tùng anh.

–!!!

Tiếng khóc của Ngân làm cho không khí căn phòng nặng nề ngột ngạt hơn:

– Em có lỗi gì chứ khi cố làm vừa lòng anh, em đã bỏ lại quá khứ sau lưng, em đã cố quên, nhưng anh không cho em quên, lúc nào anh cũng gợi lại quá khứ của em, cũng bắt em nhớ tới nó, tại sao anh không rộng lượng một chút cho em một cơ hội để làm lại từ đầu, anh luôn dồn ép em, anh lấy điều đó làm vui hay để chứng tỏ anh là một người đàn ông?

Tùng ôm đầu kêu lên:

– Cô im đi!

– Thật ra trong lòng anh đang nghĩ gì, anh muốn em phải ra sao! Em đã không còn kiêu hãnh, không cả sự tự trọng, em đã như một thứ rác rưởi trong mắt anh rồi, còn thứ tệ hại nào mà em chưa nhận lấy đâu, tại sao anh cứ muốn hành hạ em mãi như thế?

– Tôi... tôi hận cô, vì cô mà tôi mất tất cả tình yêu sự nghiệp tương lai và cả niềm tin vào chính mình, cô nhìn đi, cô nhìn tôi đi, tôi có còn là tôi không, càng đánh mắng cô tôi càng thấy mình tệ hại, tôi kinh tởm chính mình nhưng tôi không đặng đứng được, cứ mỗi lần thấy cô vui, cô cười là tôi như điên lên vì nghĩ có người khác đem lại niềm vui cho cô, nhưng khi cô buồn cô khóc thì tôi lại vật vã đau lòng tôi tự nguyền rủa mình chán ghét khinh bỉ chính mình, tôi không đủ sức chịu đựng lại càng không thể giải thoát cho chính mình và cho cô!

Tùng ôm đầu rên rỉ:

– Tại sao cả hai chúng ta lại lâm vào tình cảnh thảm thương này! Chẳng phải vì cô sao? Cô nói đi!

Ngân thẫn thờ lặng đi. Là lỗi tại cô, đúng là lỗi tại,cô, nhìn anh ấy xem, ngày xưa anh ấy là một thanh niên to cao rắn rỏi tràn đầy sức sống, lúc nào cũng tươi cười sôi nổi, thế mà giờ đây trông anh ấy kìa, gầy gò xanh xao, hai mắt lúc nào cũng đầy tràn một nỗi buồn chán tuyệt vọng, trở thành một kẻ tàn phế gắn liền cuộc đời trên chiếc xe lăn. Chính vì cô! Tất cả 1à vì cô.

Ngân bất khóc, căn phòng chỉ còn mỗi tiếng khóc vật vã của Ngân vang lên không gian như cô đọng lại, bóng đêm đã lan dần và phủ trùm lên vạn thế nhưng Ngân và Tùng vẫn bất động, cả hai như đã hóa đá, Tùng rũ người trên chiếc xe lăn, cái bóng của anh đổ dài trên nền gạch lạnh, lẻ loi cô độc, anh rất muốn đến bên Ngân, đỡ cô đứng lên, nói với cô những lời dịu dàng âu yếm, nhưng anh lại không thể.

Không biết cô ấy đang nghĩ gì, cô ấy đã ngồi như thế rất lâu rồi, vết thương đã thôi chảy máu chưa. Bạch Ngân. Anh yêu em nhưng tình yêu ấy giờ đã biến thành nỗi căm hận, càng hận em thì lòng anh càng đau khổ.

Chúng ta cứ mãi dằn vặt nhau rồi biến cuộc sống của chúng ta thành một chốn địa ngục, giờ thì anh không xa em, bởi vì anh đã trở thành kẻ tàn phế anh sống dựa vào em bao ngày qua, anh đã quen có em lo lắng chăm sóc cho anh, cho nên anh rất sợ, sợ mất em, sợ em bỏ anh đi, anh đã trở thành một kẻ ích kỷ, càng sợ mất em anh càng hung hăng dự tợn, anh là một kẻ không ra gì, anh hối hận lắm, anh muốn đến xin lỗi em dìu đỡ em nhưng lại sợ em biết được nhược điểm của anh, anh không muốn để lộ cho em biết sự hèn yếu của mình.

Ngân nén đau gượng đứng dậy, dường như Tùng đã ngủ gục trên xe, căn phòng mờ mờ trong ánh sáng từ bên ngoài hắt vào, Ngân với tay mở đèn, mấy hôm nay cô đã cho Hoa nghỉ làm, nên tất cả mọi việc cô tự làm lấy.

Cô bước vào bếp, rồi giật mình khi nhìn vào tấm gương trước mặt, một gương mặt phờ phạc xanh xao, với đôi mắt lơ láo thất thần, vết thương trên trán đã khô máu dính bết vào tóc, trông cô thật ghê khiếp, chính cô cũng không nhận ra cả mình, cô bần thần tự nhủ:

Mày đó sao Ngân! Trông mày thảm quá, chính mày còn không thể nhận ra mày! Cuộc sống này đã quá sức chịu đựng của mày rồi, nó không phải dành cho con người, nó là một chốn địa ngục, nó là cuộc sống dành cho ma quỷ.

Ngân chán chướng tuyệt vọng, cô đứng lặng đi thật lâu trước hình dạng của mình, đầu cô trống rỗng không còn chút cảm xúc nào, cô bật cười, nụ cười méo mó khiến cho gương mặt của cô trở nên dị dạng khó coi.

Sống để làm gì chứ? Tại sao không tìm cho mình một lối thoát, phải, tại sao mình không nghĩ đến điều đó, cuộc sống này quá ư nặng nề, quá ư mệt mỏi, mình đã không còn chịu đựng được nữa! Tình yêu, hận thù, khinh ghét bấy nhiêu đó cũng đủ rồi, còn gì mà mình chưa nếm trải? Chẳng còn gì dành cho mình nữa! Chẳng còn gì? Đủ rồi! Đủ lắm rồi.

Ngân lẩm bẩm như một người điên, cô không rõ cô về phòng bằng cách nào, và cũng không rõ mình ngủ thiếp đi tự lúc nào, cho đến khi cô tỉnh dậy thì mặt trời đã lên cao, cô bật dậy định thần rồi chạy ra ngoài. Không thấy Tùng đâu căn nhà trống vắng, gió dập vào cánh cửa khép hờ cô chợt thấy mơ hồ, một nỗi lo sợ khó tả ập đến, cô chạy băng ra bãi biển, vừa lúc cô nhận ra ngoài bãi biển có điều khác thường, có rất nhiều người tụ tập nhốn nháo trên bờ cát.

– Kìa! Cô ta đến kìa! May quá!

– Đỡ anh ta vào nhà đi.

Ngân hốt hoảng khi nhận ra chiếc xe lăn quen thuộc của Tùng và lúc có người lớn tiếng gọi cô:

– Chồng chị té xuống biển nè, đưa anh ấy về nhà đi, thật khổ.

– Chậc! Bị tật nguyền như thế mà ra đây làm gì không biết, may mà có người đở lên kịp.

Tùng ướt sũng ngồi rũ trên xe như một cái xác không hồn, Ngân biết không phải là anh bị ngã xuống nước mà là do anh cố tình đi tìm cái chết, cô chợt thấy sợ, cái sợ chạy khắp người cô khiến cho cô như run lên cô chụp lấy anh rồi lay gọi:

– Anh không sao chứ, anh Tùng! Anh nhìn em đi.

Người đàn ông đứng bên lên tiếng:

– Anh ấy không sao, có lẽ chưa tỉnh hồn, để tôi giúp cô đưa anh ấy về nhà, ở ngoài đây gió mạnh lắm, không khéo anh ấy lại bị cảm lạnh đó.

Ngân vẫn chưa hoàn hồn cô xấp ngữa chạy theo chân người đàn ông tốt bụng, chẳng mấy chốc mà cô đã đỡ được Tùng lên giường, từ lúc cô gặp anh đến giờ anh vẫn không hề nhìn cô, cũng chẳng hề lên tiếng, anh cứ như cái xác mặc cho ai làm gì thì làm.

Ngân cám ơn người đàn ông rồi khép cửa lại sau khi tiễn ông ta ra cổng, Tùng nằm bất động trên giường cô kéo chăn đắp cho anh rồi thở dài lên tiếng:

– Sao anh lại làm thế?

–!!!

– Nếu lỡ như có điều gì xảy ra cho anh em làm sao đối mặt với gia đình?

–!!!

– Thật ra anh muốn gì nữa? Sao anh không nói đi? Muốn đánh muốn chửi gì cũng được anh đừng đi chết như vậy được không?

–!!!

– Anh hành hạ em chưa đủ sao?

Hừ, Ngân tức giận đứng dậy khi thấy Tùng vẫn nằm im bất động:

– Được rồi, có muốn chết thì lần sau cho em theo với, em cũng muốn chết đây, em không biết anh còn bày trò gì nữa! Đồ ác độc.

Ngân vừa dứt tiếng, thì đã nhận ra tiếng kêu lo lắng của bà Toàn vang lên:

– Tùng! Con sao rồi! Trời ơi! Con sao rồi Tùng.

Ngân ngạc nhiên đứng nép sang một bên, cô không ngờ bà lại hay tin nhanh thế:

– Trời ơi! may mà má có linh tính nên chạy sang đây thăm con, nếu không làm sao má biết chớ!

Đến lúc này thì Tùng mới hé mắt nhìn bà:

– Má, con không sao?

– Sao con lại bất cẩn thế! May mà con không sao, cám ơn trời Phật?

Nói rồi bà quay sang Ngân trách:

– Còn cô nữa, cô làm gì mà để cho nó ngã xuống biển như vậy, thật vô tích sự, cô muốn để cho nó chết lắm phải không?

– Thưa má, con không biết là anh ấy đi ra biển.

– Hừ! Không biết vậy chứ cô làm gì mà không biết?

Tùng cau mày cản mẹ:

– Thôi má, không phải tại cô ấy là do con bất cẩn, con muốn nằm yên một chút, mọi người có thể ra ngoài được không?

Bà Toàn liếc xéo Ngân, đáp lại chăn cho con rồi mới quay ra. May mà hôm nay bà sang thăm con trai, nếu không chắc bà cũng không biết sự việc xảy ra cho Tùng như thế, vừa tới đầu ngõ bà đã nghe hàng xóm cho biết, tim bà như thắt lại vì sợ bà cất tiếng gọi Ngân:

– Ngân à!

Ngân đặt ấm nước xuống bàn rồi thở dài lau tay bước lên, cô biết điều gì đang chờ mình phía trước rồi. Bà Toàn dằn xấp tiền lên bàn rồi cao giọng nói:

– Đây là tiền chợ tháng này, cô mua đồ về tẩm bổ cho thằng Tùng, tôi thấy nó ốm quá, lại xảy ra sự việc hôm nay, làm sao mà nó chịu nỗi!

– Dạ vâng!

– Từ nay cô cẩn thận một chút.

– Dạ vâng?

– Tôi giao con tôi cho cô là tôi mong cô hãy xem nó như sinh mạng của cô, tôi không muốn tôi giao trứng cho ác! Cô hiểu không?

– Con biết!

– Ba thằng Tùng vừa giúp cho ba của cô kí xong hợp đồng xây dựng khu nhà ở cho công nhân hãng giày, bấy nhiêu đó cũng đủ cho cô hết lòng với con trai tôi chưa?

Ngân cúi đầu cảm kích:

– Con cám ơn ba má, con sẽ lo cho anh Tùng.

– Chuyện xảy ra hôm nay tôi không muốn mắng chửi cô, dù sao thì con tôi cũng đã bình an. Không bao lâu nữa tôi sẽ đưa nó đi chữa bệnh cô hãy liệu mà xử sự.

Từ sau lần chết hụt Tùng có vẻ trầm lắng hơn, anh không nói không cười, nhưng tính tình thì càng lúc càng cộc cằn nóng nảy,chuyện gì không bằng lòng thì anh đập phá hất đổ chẳng cần biết đến cảm nhận của Ngân, anh xem cô còn tồi tệ hơn cả một thứ tôi tớ mạt hạng.

Căn nhà lúc xưa đẹp đẽ xinh xắn là thế, giờ thì như một nấm mồ hoang, không còn thứ gì nguyên lành trong tầm tay của anh. Bà Phong đặt giỏ trái cây lên bàn rồi mới lên tiếng gọi Ngân:

– Ngân ơi!

Tùng đang ở trong phòng nghe tiếng bà, anh dợm đóng cửa lại thì bà Phong đã xuất hiện trước cửa, bà lên tiếng hỏi nên Tùng đành đối mặt với bà:

– Con khỏe không Tùng?

– Anh lạnh nhạt đáp:

– Má mới qua!

– Ờ, má có đem một ít trái cây cho con, hôm nọ má nghe nói con bị ngã con không sao chứ?

– Con không sao.

Bà không đến nỗi vô tâm vô ý mà không nhận ra thái độ lạnh nhạt của Tùng đối với mình, bà thở dài rồi ngồi xuống ghế kế bên, bà nói:

– Con cứ ở mãi trong phòng không tốt cho sức khỏe đâu, để má kêu con Ngân đưa con ra ngoài đi dạo cho thoải mái.

– Không cần đâu.

– Con giận má à?

–!!!

– Má biết quan hệ vợ chồng của con không tốt, má cũng không muốn thế, lúc nào má cũng mong cho tụi con được hạnh phúc, chuyện xui rủi xảy ra âu cũng là số phận, con hãy bỏ qua cho nó được không?

–!!!

– Đời người ngắn ngủi lắm, nhất là đời của một người con gái có được bao năm hạnh phúc đâu, chỉ vì một phút nông nỗi mà nó phải trả giá bằng chính hạnh phúc cả đời mình, má biết bây giờ nó thật lòng thật dạ với con, nếu như con còn thương nó, thì hãy cho nó một cơ hội, đừng cố chấp, đừng nghĩ đến dĩ vãng nữa.

Bà thở dài trước sự im lặng của Tùng.

– Là người ai mà không có lầm lỗi, không nhiều thì ít, chẳng lẽ vì một lần lầm lỗi mà phải suốt đời chịu nhục chịu tủi, bỏ đi cả đời mình hay sao? Má là người đẻ ra nó, má xót xa lắm khi thấy con gái mình càng ngày càng tiều tụy khổ sở, má xin con hãy rộng lượng một chút, đánh kẻ chạy đi chớ có ai đánh kẻ chạy về, con hãy mở cho nó một con đường, má tin nó sẽ tận tụy với con, đến suốt đời nó.

– Má à, con mệt lắm, con muốn ngủ.

– Tùng? Má biết con là người biết nghĩ, con hãy nghe lời má, má biết con còn thương Ngân, đừng làm cho cả hai đều đau khổ.

Tùng ngồi ôm đầu không trả lời bà, thái độ không muốn nghe của anh khiến cho bà đành đứng lên bỏ ra ngoài:

– Má về, má mong là con hãy nghĩ lại, vì con Ngân mà cũng vì bản thân con, đừng để phải hối tiếc nghen con.

Huyền tỉnh dậy khi trời còn tờ mờ tối, cô thu dọn nhà cửa rồi bắt tay vào làm điểm tâm cho Tùng:

– Anh Tùng, dậy đi anh!

Không có tiếng trả lời, Huyền đẩy cửa vào phòng, căn phòng trống rỗng, Tùng đã ra ngoài tự bao giờ, Huyền khoác chiếc áo rồi chạy ra bờ biển, quả như cô dự đoán, chiếc xe lăn đơn độc giữa bờ cát trắng vắng vẻ, cái lạnh của buổi sớm mai làm cho cô khẽ rùng mình, cô khép chặt hai tà áo rồi lên tiếng gọi Tùng:

– Anh dậy từ bao giờ mà ra đây sớm thế?

Tùng không quay lại, anh nói:

– Lúc trời vừa sáng, em chưa đi dạy à?

– Làm điểm tâm cho anh xong mà chẳng thấy anh đâu, em phải chạy đi tìm, về thôi anh, ở ngoài này lạnh quá.

– Em về trước đi, lát anh về.

– Anh lại muốn bỏ bữa ăn sáng à?

– Không có đâu.

– Vậy thì để em đưa anh về.

Nói rồi không chờ Tùng có đồng ý hay không, Huyền đẩy chiếc xe về nhà, Tùng chau mày cằn nhằn:

– Em lúc nào cũng độc tài! Anh chỉ muốn ngắm biển một lúc cũng không được!

– Biển thì có gì mà ngắm, nước mênh mông, toàn là gió và sóng ngăm mãi anh không chán sao?

– Không, mỗi lần ngồi ngắm mặt nước phẳng lặng hiền hòa ấy, anh lại thấy lòng thanh thản.

– Có thật là thế không?

–!!!

– Anh giấu ai chứ sao giấu được em, từ lâu em chỉ muốn đi anh đi khỏi nơi này, nó chỉ gợi nhớ cho anh mà thôi.

– Anh không đi đâu cả!

– Biết, em biết anh cứng đầu, không ai bảo ban anh nổi.

Tùng phì cười:

– Đúng là giọng điệu cô giáo, may mà anh không phải là học trò của em.

Huyền nhướng mày cười:

– May hay rủi chưa biết à!

– May là cái chắc rồi, à hôm nay anh Hưng không đến đón em à?

– Hôm nay anh ấy dạy tiết đầu, em dạy hai tiết cuối không trùng giờ, nên không đi chung.

– Anh thấy anh ấy tốt với em lắm.

– Nè! Lại muốn nói gì đây!

– Vun vén cho em thôi mà.

– Không cần anh lo.

– Anh nói thật, em cứ quanh quẩn bên anh mãi chẳng hay ho gì đâu, lấy chồng cho anh yên tâm.

– Cũ xì! Cứ nói mãi! ở bên anh như thế này cũng hạnh phúc lắm rồi.

– Em còn cứng đầu hơn cả anh.

– Mới sáng sớm nói chuyện gì khác đi.

– Chuyện gì?

– Chuyện anh đi chữa đôi chân, hôm nọ bác có nói với em, sao anh không chịu đi?

– Để làm gì?

– Anh nói lạ chưa, lành lặn không muốn lại muốn ngồi mãi trên chiếc xe lăn như thế này à?

– Đi để rồi còn tuyệt vọng hơn đó à?

Huyền thở dài:

– Anh phải kiên nhẫn một lần không được thì hai lần, sao anh lại nản chí như thế, đôi chân của anh đâu phải chữa trị một lần là được đâu.

Tùng lắc đầu:

– Anh không muốn tái diễn lại cảnh cũ.

– Em không phải là chị ấy!

– Huyền! Đừng nói nữa được không.

Huyền đành thôi, khi thấy Tùng nhăn mày đau khổ:

– Thôi được nhưng dù sao em cũng quyết bắt anh đi.

– Chúng ta nói chuyện ấy sau vậy anh đói rồi về nhà mau lên.

Huyền liếc Tùng:

– Hừ! Giờ thì đã biết đói rồi đó à?

– Anh đâu phải gỗ đá vả lại em nấu ăn là số một.

– Trời ơi! Hôm nay chắc em trúng độc đắc quá!

Tùng cũng bật cười theo Huyền:

– Được anh khen còn hơn cả trúng số đó em.

– Biết! Cứ làm như mình là chúa trời không bằng, lẹ mau về nhà ăn xong em đưa anh đi cắt tóc cạo râu, trông anh gớm ghiếc quá, tối nào em cũng nằm mơ thấy ác quỷ hiện hình hết.

Tùng bật cười:

– Miệng lưỡi của em càng ngày càng ghê gớm.

– Miệng lưỡi ở ngoài còn bụng dạ bên trong mới đáng sợ.

– Anh xấu bụng lắm à?

– Tự anh biết, lúc nào cũng lầm lì, cứ cười như bây giờ có phải tốt hơn không!

– Hì hì! Thì ra cứ cười là tốt bụng, anh đâu có biết, vậy từ đây về sau anh cứ hì hì, hì hì mãi được không?

Huyền bật cười theo Tùng, trông anh khôi hài thật đáng ghét, phải chi lúc nào anh cũng vui như vậy có phải hơn không?

Bà Toàn chờ mãi mới thấy tiếng xe của Huyền về đến, bà ngóng ra rồi tươi cười hỏi cô:

– Con mới đi dạy về đó à?

Huyền gật chào bà rồi thưa:

– Bác mới đến à, sao không cho con biết để con về sớm.

– Sao lại làm phiền con như thế, bác đến thăm con và thằng Tùng, Huyền này, bác có mua cho mấy xấp vải. để con may áo dài.

– Bác tốn kém làm gì, lần trước bác mới cho con mấy bộ.

– Chậc, đi dạy thì phải ăn mặc cho đẹp, như thế mới có ấn tượng với học trò.

Tùng đi ra, anh mỉm cười góp chuyện:

– Má nói phải đó, lúc xưa còn đi học cứ hễ cô giáo nào đẹp là bọn anh rất thích và cũng rất nghe lời, em nên nghe lời má ăn mặc cho thật đẹp học trò mới nể.

Huyền đỡ xấp vải trên tay bà Toàn cô nói lời cám ơn trong khi bà Toàn thì trìu mến nhìn cô, thật ra có mua thêm nhiều vật quý giá hơn bà cũng vui lòng mua cho cô, bằng vào những gì mà cô làm cho con trai bà, làm sao mà bà tiếc với cô điều gì. Trong thâm tâm của bà từ lâu, bà rất mong kết hợp cô với con trai mình nhưng không tiện mở lời, dù sao thì con trai của bà cũng là kẻ tật nguyền, phải chi mà thằng Tùng nó chịu đi chữa trị thì hay biết mấy, tới lúc đó bà sẽ không ngần ngại tác hợp cho hai đứa. Con bé vừa khéo léo vừa thật lòng.

– Má!

Bà Toàn giật mình:

– Má làm gì mà thừ người ra như vậy, cho Huyền mấy xấp vải mà má tiếc vậy sao? Cũng đúng thôi, con cũng thấy tiếc huống hồ là má.

Bà Toàn nạt con:

– Cái thằng nói tào lao?

– Hì hì, chứ sao má ngối như người mất hồn vậy?

Bà Toàn âu yếm nhìn con trai thật hiếm khi bà mới thấy nó vui vẻ, cợt đùa như lúc này, bà thật biết ơn Thu Huyền, tất cả đều nhờ công lao chăm sóc của cô. Nghĩ rồi bà mới lên tiếng:

– Má đang nghĩ không biết lúc nào con khỏe mạnh lại, không biết má vui cỡ nào.

– Má lại nữa, cái gì mà không biết, với không biết.

– Tùng à, ba má đã lo xong thủ tục cả rồi cuối tháng này là con đi.

– Má!

– Má đã bàn với cả cô Huyền, cô ấy cũng đi với con.

– Má nói sao, Huyền đi với con à?

Tới lúc này Huyền mới lên tiếng:

– Dạ phải, em xin hai bác cho em theo anh sang bên đó để chăm sóc cho anh.

– Sao được chứ?

– Sao lại không! Tuần sau là kết thúc năm học rồi, ba tháng hè em đi với anh, vừa lo cho anh lại vừa được đi du lịch, anh đừng nói là không cho em đi nhé, coi như công lao em lo cho anh mấy năm nay, cũng đâu có đáng phải không?

Tùng trầm ngâm không nói:

– Con còn suy nghĩ gì nữa, có bệnh thì phải chạy chữa, chẳng lẽ suốt đời con cứ ngồi trên chiếc xe lăn này sao?

– Má? Con không muốn thất vọng thêm lần nữa.

– Không có đâu, lần trước bởi vì ba má nóng vội không tìm hiểu trước nên mới đưa con đến bệnh viện đó, lần này ba con đã tự sang bên ấy, tìm hiểu và đưa cho họ xem hồ sơ bệnh án của con, họ chắc chắn là sẽ chữa trị cho con thành công, nghe má đi Tùng, còn nước còn tát, còn hy vọng thì cần phải nắm lấy.

– Phải đó anh, ai cũng lo cho anh, cho dù có mười phần trăm hy vọng thì anh cũng phải nắm bắt sao lại buông trôi bỏ lỡ chứ.

– Anh không muốn tuyệt vọng thêm lần nữa, cái cảm giác ấy đau khổ lắm em hiểu không.

– Không có đâu em tin chắc lần này anh sẽ khỏe mạnh, tin em đi, em luôn ở bên anh mà.

Huyền nắm tay Tùng siết mạnh như muốn truyền thêm cho anh sự lạc quan lần này cô quyết không để cho Tùng cãi lời cô.

Bà Toàn vui mừng ra về khi biết là Tùng đã đồng ý đi trị bệnh, bà cảm kích nắm tay Huyền xúc động nói:

– Cám ơn con rất nhiều, nhờ có con mà thằng Tùng nó mới được như ngày nay, bác không hiết nói sao vì những gì mà con dành cho con trai bác.

– Bác đừng nói vậy khiến con áy náy.

– Con tốt quá! Con thật tốt! Thằng Tùng nó tu mấy kiếp mới gặp được con!

Huyền tiễn bà Toàn về rồi mới quay vào:

– Huyền này!

Huyền quay lại, cô đang dọn chiếc ly uống nước mà bà Toàn đã dùng lúc nãy. Cô nhướng mày hỏi Tùng:

– Có gì không anh, chờ em dọn dẹp xong đã.

– Ừm!

– Sao? Có gì nào?

Tùng chờ cho Huyền ngồi rồi mới đưa cho cô xấp tiền:

– Em cầm đi, lúc nãy má đưa đó.

Huyền chau mày?

– Sao lại đưa cho em?

– Không đưa cho em thì đưa cho ai, em lạ quá, cứ mỗi lần thấy tiền lại dị ứng.

– Không phải nhưng bác cứ đưa tiền như vậy em ngại lắm.

– Em kỳ khôi mớI đúng, má đưa tiền chi dụng cho chúng ta là chuyện bình thướng có gì mà em ngại, chẳng lẽ để em nuôi anh sao?

– Sao lại nói thế!

– Từ đầu bảo em nghĩ dạy ở nhà cho khỏe em cứ nàng nặc đòi đi dạy.

– Anh nói lạ ghê, tự nhiên kêu em ở nhà để hai bác cho tiền xài dị ôn không!

– Em ở đây chăm sóc cho anh thì ba má lo cho em là đúng.

– Đúng cái gì? Em đâu phải bảo mẫu của anh, cũng chẳng phải người đi làm công để kiếm miếng ăn.

– Ơ kìa! Huyền, anh không có ý đó.

– Em biết tlền bạc dễ làm hỏng mất tình cảm, em không muốn mình bị ảnh hưởng, em ở đây với anh, coi như chúng ta làm bạn với nhau, em không lệ thuộc vào đồng tiền của ba má anh, mà lo lắng áy náy sợ mình phục vụ anh không thỏa đáng, còn anh cũng không ra vẻ ông chủ đày ải em.

– Anh mà dám sao?

– Là em nói đúng theo sự phân tích tâm lý của các nhà tâm lý học, anh không thấy chúng ta sống như thế này chẳng phải trong sáng sao?

Tùng chau mày nhăn nhó:

– Lại giở sách ra, em biết là anh không thuộc bài mà, nói gì thì nói cất tiền đi mai hai đứa mình đi ăn tiệm một bữa, em là chúa rắc rối.

– Xì! Mới có hơi tiền đã xài xể người ta.

– Lại đổ tiếng ác, em họ Trần chứ có phải họ Đỗ đâu.

– Lại xách mé đụng chạm tới cả họ tộc người ta.

Tùng phì cười:

– Thôi không dám nói nữa, nói ra cái gì cũng bị em bẻ cong đi, may mà cổ của anh chưa bị em bẻ.

– Cổ anh thì em chỉ bóp thôi.

– È! Nói rồi Huyền thè lưỡi trêu Tùng cả hai bật cười như hai đứa trẻ.