Ngôi Nhà Quái Dị

Chương 2

Hơn hai năm sau tôi mới trở về Anh Quốc. Hai năm ấy thật không dễ chịu chút nào. Tôi viết thư cho Sophia và được nàng hồi âm khá đều đặn. Thư chúng tôi gửi cho nhau không phải là thư tình mà là trao đổi giữa hai người bạn thân về suy nghĩ và quan niệm sống cũng như bàn luận chuyện đời. Tuy nhiên tôi biết tình cảm giữa chúng tôi ngày càng bền bỉ và sâu đậm, và tôi tin rằng Sophia cũng nghĩ thế.

Tôi trở về nước Anh vào một ngày tháng 9 khá u ám. Bầu trời xao xác gió, lá trên cây ửng vàng trong ánh sáng chiều hôm. Từ phi trường, tôi gửi điện tín cho Sophia.

Vừa về tới. 9 giờ tối nay mình dùng bữa tại nhà hàng Mario nhé. Charles.

Khoảng hai tiếng sau, khi đang đọc tờ Times, lướt qua mục Chào đời, Kết hôn và Cáo phó, mắt tôi bỗng chạm phải cái tên Leonides:

Vào ngày 19 tháng 9, tại nhà Ba Đầu Hồi ở Swinly Dean, ông Aristide Leonides, phu quân bà Brenda Leonides, đã từ trần thọ 88 tuổi. Trân trọng báo tin.

Ngay phía dưới có một tin khác:

Con cháu nhà Leonides vô cùng đau đớn báo tin: Ông Aristide Leonides bất ngờ từ trần tại nhà Ba Đầu Hồi, Swinly Dean. Tang lễ được tổ chức tại nhà thờ Saint Eldred, Swinly Dean.

Tôi thấy hai bản cáo phó này khá kỳ lạ. Dường như do lỗi của tòa soạn mà tin bị trùng lắp. Nhưng mối quan tâm chính của tôi là Sophia. Tôi vội gửi cho nàng bức điện thứ hai:

Vừa hay tin ông nội em từ trần. Thật đau buồn. Cho biết bao giờ anh có thể gặp em. Charles.

Tôi nhận điện tín của Sophia lúc 6 giờ tại nhà thân phụ tôi. Điện tín viết:

Sẽ đến Mario lúc 9 giờ. Sophia.

Ý nghĩ gặp lại Sophia khiến tôi bồn chồn lo lắng. Thời gian trôi qua chậm chạp đến bực mình. Tôi đến nhà hàng Mario sớm hơn giờ hẹn hai mươi phút, còn nàng chỉ đến trễ năm phút.

Khi gặp lại một người xa cách đã lâu nhưng hình bóng họ luôn hiện diện trong tâm trí ta, bao giờ ta cũng thấy xúc động. Lúc Sophia bước qua cánh cửa xoay, cuộc gặp giữa chúng tôi dường như chỉ là hư ảo. Nàng mặc bộ đồ đen, và lạ lùng thay điều đó lại làm tôi giật mình. Hầu hết phụ nữ khác cũng mặc trang phục đen – nhưng tôi luôn đinh ninh trong lòng đó là màu tang chế – và tôi ngạc nhiên vì Sophie cũng mặc trang phục đen để thể hiện sự buồn đau – thậm chí cho người thân của mình.

Chúng tôi dùng cocktail – sau đó đi tìm bàn cho mình. Chúng tôi luống cuống nói huyên thuyên – hỏi thăm sức khỏe những người bạn cũ hồi còn ở Cairo. Một cuộc trao đổi không tự nhiên nhưng lại giúp chúng tôi vượt qua những phút ban đầu ngượng nghịu lúng túng. Tôi chia buồn về việc ông nàng qua đời, và Sophia lặng lẽ trả lời cái chết đó ‘quá đột ngột’. Sau đó chúng tôi trở về trạng thái hồi tưởng. Tôi băn khoăn vì cảm nhận có điều gì đó khác hơn là sự bỡ ngỡ của lần gặp lại theo lẽ thường. Có gì đó không ổn, dứt khoát là không ổn với Sophia. Có khi nào nàng sắp nói mình đã tìm được người đàn ông khác, rằng tình cảm nàng dành cho tôi ‘hoàn toàn là nhầm lẫn’?

Không hiểu sao tôi vẫn nghĩ chuyện đó sẽ không xảy ra – mà tôi cũng không biết là chuyện gì nữa, tuy vậy chúng tôi vẫn tiếp tục nói chuyện gượng gạo.

Thình lình, khi người bồi bàn mang cà phê đặt lên bàn và cúi đầu rút lui thì mọi việc nhanh chóng trở lại như xưa.

Nơi đây Sophia và tôi đang ngồi cạnh nhau, như chúng tôi từng ngồi bên chiếc bàn nhỏ trong nhà hàng ngày ấy.

Những năm xa cách dường như chưa bao giờ hiện hữu.

Sophia,” tôi gọi.

Nàng đáp ngay, “Charles!”

Tôi hít một hơi thật sâu mà thấy nhẹ cả người.

“Tạ ơn Chúa, mọi việc đã qua rồi,” tôi nói. “Có chuyện gì giữa chúng mình vậy em?”

“Có thể do lỗi của em. Em quá ngốc nghếch.”

“Nhưng giờ thì ổn rồi chứ?”

“Vâng, giờ đã ổn rồi.”

Chúng tôi nhìn nhau mỉm cười.

“Em yêu!” Tôi nói. Rồi tiếp: “Bao giờ thì em đồng ý kết hôn với anh?”

Nụ cười nàng vụt tắt. Cái gì đó không ổn quay trở lại.

“Em không biết,” nàng đáp. “Em không dám chắc lúc nào có thể kết hôn với anh, Charles ạ.”

“Sophia! Sao vậy em? Có phải vì em cảm thấy anh là người xa lạ? Em có cần thời gian để làm quen lại với anh không? Phải chăng em đã có người khác? Không,…” Tôi ngưng bặt. “Anh là một gã khờ. Anh chẳng là gì cả.”

“Không phải thế đâu.” Nàng lắc đầu.

Tôi chờ. Rồi nàng khẽ nói:

“Là cái chết của ông nội em.”

“Chỉ vì ông em qua đời à? Nhưng tại sao? Có gì khác đâu cơ chứ? Không phải ý em muốn nói – chắc là em không nghĩ vậy – vấn đề tài sản chứ? Ông không để lại tí nào, phải không? Nhưng em yêu, chắc chắn…”

“Không phải chuyện tiền bạc đâu anh.” Nàng thoáng hé nụ cười. “Em nghĩ anh muốn ‘đi guốc trong bụng em’ như người xưa thường nói. Suốt đời mình, ông em không để tài sản của mình suy suyển một đồng nào anh ạ.”

“Thế thì là gì?”

“Charles, em nghĩ ông em không phải là qua đời. Em cho rằng có thể ông bị giết…”

Tôi trố mắt nhìn nàng.

“Nhưng – em nói gì mà lạ! Sao em lại nghĩ thế?”

“Em đâu có nghĩ. Là do từ đầu bác sĩ đã nghi ngờ. Ông ấy không chịu ký giấy chứng tử. Sắp tới sẽ có cuộc khám nghiệm tử thi. Rõ ràng họ thấy có gì đó không ổn anh ạ.”

Tôi không tranh cãi với nàng. Sophia là người thông minh, mọi kết luận của nàng đều có thể tin cậy. Thay vào đó, tôi sốt sắng nói:

“Các nghi vấn của họ có thể sai bét. Nhưng giả sử họ đúng thì điều đó ảnh hưởng gì đến anh và em nào?”

“Trong một số hoàn cảnh nào đó thì có đấy anh. Anh ở trong ngành ngoại giao, nên về việc vợ con cũng có điều khác người ta đấy. Thôi, đừng nói nữa, em xin anh. Em biết thể nào anh cũng nói chuyện này và em hiểu anh đã nghĩ chín chắn – và về lý thuyết thì em hoàn toàn đồng ý với anh. Nhưng em là người rất kiêu hãnh. Em muốn cuộc hôn nhân này sẽ tốt đẹp cho cả hai ta chứ không bên nào phải chịu thiệt thòi hay hy sinh vì tình yêu. Và như em đã nói, có thể mọi chuyện sẽ ổn…”

“Em muốn nói ông bác sĩ – có thể đã sai lầm?”

“Ngay cả khi ông ta không nhầm lẫn thì cũng không thành vấn đề – đằng nào cũng có người giết ông nội.”

“Em định nói gì vậy Sophia?”

“Thật là tồi tệ khi nói thế. Nhưng suy cho cùng thì nên trung thực anh ạ.”

Nàng chặn không cho tôi nói. “Thôi nhé, Charles, em sẽ không nói gì thêm nữa. Em đã nói quá nhiều. Nhưng tối nay em quyết đến gặp anh là để anh hiểu cho em. Chúng ta không thể yên tâm làm gì cho đến khi sự việc được sáng tỏ.”

“Ít ra em cũng nói cho anh biết chuyện đó chứ.”

Nàng lắc đầu. “Em không muốn.”

“Nhưng – Sophia…”

“Không đâu, Charles. Em không muốn anh quan tâm gia đình em từ góc độ của em. Em muốn anh nhìn gia đình em với cái nhìn khách quan không thiên vị.”

“Vậy anh phải làm thế nào?”

Nàng nhìn tôi, một cái nhìn tinh quái với đôi mắt xanh long lanh sáng.

“Anh sẽ có được cái nhìn đó từ cha anh,” nàng đáp.

Lúc ở Cairo tôi đã nói cho Sophia biết cha tôi là Trợ lý ủy viên cảnh sát của Scotland Yard, và giờ ông vẫn còn làm ở đó. Nghe nàng nói mà tôi thấy lạnh cả sống lưng.

“Sự việc tệ hại đến thế cơ à?”

“Em nghĩ vậy. Anh có thấy người đàn ông ngồi một mình ở bàn gần cửa không – cái anh chàng bảnh trai trông giống một cựu chiến binh đang ra vẻ thản nhiên ấy?”

“Có, anh có thấy.”

“Tối nay khi em lên tàu ở Swinly Dean thì anh ta cũng ở trong sân ga.”

“Ý em là anh ta theo em đến đấy?”

“Vâng. Em cho rằng cả hai chúng ta đều bị – nói thế nào nhỉ? – bị theo dõi anh ạ. Họ đã nói bóng gió là chúng em không nên ra khỏi nhà. Nhưng em đã quyết đi gặp anh.” Nàng hất nhẹ chiếc cằm thanh tú như thách thức. “Em đi ra bằng cửa sổ buồng tắm và tụt xuống theo đường ống nước.”

“Em yêu!”

“Nhưng cảnh sát thì tinh nhuệ lắm, và tất nhiên lại có bức điện tín em gửi cho anh. Không sao cả – giờ chúng ta đang ở bên nhau… Nhưng từ nay trở đi hai chúng ta phải tự mình xoay xở.”

Nàng dừng lời rồi lại nói thêm:

“Không còn nghi ngờ gì – tình yêu của chúng ta thật bất hạnh.”

“Không có gì nghi ngờ cả,” tôi nói, “em đừng nói bất hạnh. Anh và em đã từng trải qua thế chiến, đã thoát qua cái chết cận kề – và anh không gì lạ khi thấy cái chết bất thần của một ông lão – vậy, ông bao nhiêu tuổi?”

“Tám mươi bảy.”

“Báo Times có đăng. Ông mất ở cái tuổi già, và bất cứ bác sĩ đa khoa đáng kính nào cũng sẽ chấp nhận.”

“Nếu như anh biết ông em, anh sẽ phải ngạc nhiên về cái chết bất thường của ông,” Sophia nói.