Ngôi Nhà Quái Dị

Chương 17

Có bầu không khí căng thẳng trong phòng của cha tôi.

Ông ngồi sau bàn làm việc. Chánh thanh tra Taverner nghiêng người ra khung cửa sổ. Luật sư Gaitskill ngồi trong ghế dựa dành cho khách, có vẻ phật ý.

“…muốn có sự tin tưởng đặc biệt,” ông chua chát nói.

“Dĩ nhiên, dĩ nhiên.” Cha tôi nhẹ nhàng nói. “Charles đó à, con đến đúng lúc lắm. Một diễn biến đáng ngạc nhiên đã xảy ra.”

“Chưa từng có tiền lệ,” Gaitskill nói.

Rõ ràng đã có chuyện gì làm rối bời tận thâm tâm ông luật sư nhỏ bé. Sau lưng ông, Chánh thanh tra Taverner cười toe toét với tôi.

“Cho phép tôi tóm tắt nhé?” cha tôi nói. “Sáng nay ông Gaitskill vừa nhận được một liên lạc khá kỳ lạ. Từ ông Agrodopolous, chủ nhà hàng Delphos. Ông này rất già, người gốc Hy Lạp. Khi còn trẻ, ông được Aristide Leonides giúp đỡ và kết bạn. Ông luôn vô cùng nhớ ơn người bạn và nhà hảo tâm Aristide và dường như ông được sự tin cậy và tín nhiệm của ông Aristide.”

“Tôi không bao giờ tin ông Leonides lại là có tính nghi ngờ và bí mật đến thế,” Gaitskill nói. “Dĩ nhiên, ông ta thuộc thế hệ già – có thể nói là lẩm cẩm.”

Cha tôi nhẹ nhàng: “Gaitskill, ông biết đấy, khi về già, đầu óc anh lại nhớ những ngày trẻ trung và bạn bè thời tuổi trẻ của mình.”

“Nhưng các công việc làm ăn của Leonides ở trong tay tôi đã hơn bốn mươi năm,” Gaitskill nói. “Chính xác là bốn mươi ba năm sáu tháng.”

Taverner lại cười toe toét.

“Thế chuyện gì đã xảy ra?” tôi hỏi.

Gaitskill định nói, nhưng cha tôi chặn lại.

“Ông Agrodopolous nói rằng ông ấy tuân theo các chỉ dẫn của ông bạn Aristide Leonides. Vào khoảng một năm trước Leonides đã tín nhiệm giao cho ông một bì thư có niêm phong. Ông Agrodopolous đã giao ngay cho ông Gaitskill sau khi ông Leonides chết. Trong trường hợp ông Agrodopolous chết trước, con trai của ông ấy, cũng là con trai đỡ đầu của Aristide, sẽ thực thi đúng theo các chỉ dẫn. Ông Agrodopolous xin lỗi đã đưa phong thư đến trễ, ông giải thích ông bị bệnh viêm phổi và chỉ mới biết ông bạn già mất chiều hôm qua.”

“Toàn bộ việc này hết sức không chuyên nghiệp!” Gaitskill nói.

“Khi luật sư Gaitskill mở phong bì niêm phong và đọc hiểu nội dung, ông quyết định đó là nhiệm vụ của ông…”

“Trong hoàn cảnh này,” Gaitskill nói.

“Hãy cho chúng tôi xem nội dung. Nó là một di chúc, được ký và chứng nhận hợp pháp, nằm trong một bì thơ niêm kín.”

“Di chúc sau cùng có bị thay đổi không?” tôi hỏi.

Mặt ông Gaitskill hơi tím tái.

“Đây không phải là cùng một di chúc,” ông ta quát tháo. “Không phải là di chúc do ông Leonides bảo tôi làm. Di chúc này do chính tay ông ấy viết ra, một việc rất nguy hiểm cho bất cứ người bình thường nào. Có vẻ ý định của ông Leonides là biến tôi thành một kẻ hoàn toàn ngu ngốc.”

Chánh thanh tra Taverner cố gắng tiêm một mũi thuốc xoa dịu vào cơn thịnh nộ đầy cay đắng.

“Ông Gaitskill ơi, ông ta đã quá già,” Taverner nói. “Khi già người ta trở nên kỳ cục, ông biết mà – không phải điên, dĩ nhiên, mà là hơi lập dị.”

Gaitskill khịt mũi.

“Ông Gaitskill gọi điện thoại cho chúng ta,” cha tôi nói, “và cho chúng ta biết nội dung chính của di chúc. Ta bảo ông ấy đến đây và mang theo cả hai tài liệu. Ta cũng điện thoại cho con, Charles.”

Tôi không hiểu tại sao tôi cũng bị gọi. Theo tôi, dường như đó là một thủ tục bất thường với cả cha tôi lẫn Taverner. Thực tế chuyện ông Leonides để lại tài sản như thế nào đâu phải là việc của tôi.

“Có phải là một di chúc khác?” tôi hỏi. “Ý tôi là: ông ấy phân chia tài sản một cách khác?”

“Quả đúng như vậy,” Gaitskill nói.

Cha nhìn tôi. Chánh thanh tra Taverner rất cẩn trọng không nhìn tôi. Tôi mơ hồ cảm thấy khó chịu thế nào ấy…

Có cái gì đó đang diễn ra trong đầu hai người họ – mà tôi không hay biết.

Tôi nhìn Gaitskill dò hỏi.

“Không liên quan đến tôi. Nhưng…” Ông đáp. “Việc phân bổ di chúc của ông Leonides, dĩ nhiên, là một bí mật. Tôi thấy nhiệm vụ của mình là trình bày các sự kiện cho cảnh sát có thẩm quyền và được họ hướng dẫn thủ tục liên quan,” ông ngừng lại, “có thể nói chúng tôi cần hiểu, chuyện giữa anh và cô Sophia Leonides?”

“Tôi mong sẽ cưới cô ấy,” tôi nói. “Nhưng cô ấy không đồng ý hứa hẹn vào lúc này.”

“Rất đúng,” Gaitskill nói.

Tôi không đồng tình với ông ta. Nhưng giờ không phải là lúc để tranh cãi.

“Qua bản di chúc này,” Gaitskill nói tiếp, đề ngày 29 tháng 11 năm rồi, ông Leonides, sau khi để lại cho bà vợ một trăm ngàn bảng, còn toàn bộ tài sản, bất động sản và tài sản cá nhân, giao hết cho cô cháu lớn Sophia Katherine Leonides.”

Tôi há hốc mồm. Tôi có mong đợi chuyện gì đi nữa cũng không phải là chuyện này.

“Ông để lại tất cả cho Sophia,” tôi nói. “Kỳ lạ quá. Lý do gì?”

“Ông ấy trình bày rất rõ ràng các lý do trong bức thư này,” cha tôi nói. Ông nhặt tờ giấy để trên bàn trước mặt ông lên. “Ông Gaitskill, ông không phản đối cho Charles đọc bức thư này chứ?”

“Tôi nằm trong tay các ông,” Gaitskill lạnh lùng nói. “Bức thư ít ra cũng cung cấp lý giải – và có thể là (dù tôi nghi ngờ điều đó) một lời xin lỗi theo cách ứng xử kỳ lạ của ông Leonides.”

Ông Già đưa bức thư cho tôi. Thư viết tay bằng mực rất đen, chữ viết thể hiện tính cách và cá nhân của người viết. Đó hoàn toàn không phải là một bức thư viết kỹ lưỡng, mà chữ viết mang tính cách của thời đã qua thì đúng hơn, nắn nót và có giá trị thông tin.

Gaitskill thân mến,

Ông sẽ ngạc nhiên khi nhận bức thư này, và có thể bực mình. Nhưng tôi có những lý do để xử sự mà theo ông có thể là một cung cách giấu giếm không cần thiết. Từ lâu tôi là kẻ tin vào cá nhân. Trong một gia đình (tôi đã nhận thấy hồi còn nhỏ và không bao giờ quên) luôn cần một người có tính cách mạnh mẽ và thường rơi vào một người biết chăm lo và chịu gánh vác hơn tất cả những người khác trong gia đình. Trong gia đình tôi, tôi là người đó. Tôi đến London, lập nghiệp ở đây, chu cấp cho mẹ tôi và các ông bà già ở Smyrna, cứu một trong những người anh em thoát khỏi bàn tay của pháp luật, giải phóng em gái thoát khỏi một đám cưới không hạnh phúc và v.v… Chúa đã rất nhân từ cho tôi một cuộc sống dài lâu, và tôi có thể trông nom và chăm sóc các con tôi và các con của chúng. Nhiều đứa đã rời bỏ tôi (chúng đã chết). Số còn lại, tôi rất sung sướng mà nói, đang sống dưới mái nhà tôi. Khi tôi chết, gánh nặng mà tôi đang mang sẽ truyền lại cho một đứa nào đó. Tôi đã phân vân trong việc phân chia tài sản cho những người thân của tôi sao cho công bằng – nhưng làm như thế hậu quả là sẽ không công bằng. Người ta sinh ra vốn không như nhau – để bù trừ cho sự bất bình đẳng tự nhiên của Thiên nhiên, người ta phải tái lập cân bằng. Nói cách khác, ai đó là người kế thừa của tôi, nam hay nữ, phải nhận lãnh trách nhiệm lo cho những người còn lại của gia đình. Sau khi nhận xét kỹ lưỡng, tôi không thấy đứa con trai nào phù hợp với trách nhiệm đó. Đứa con trai thân thương, Roger, không có khiếu kinh doanh, và tư chất quá bốc đồng nên không khả năng suy xét tốt. Thằng con Philip lại quá thiếu tự tin nên không làm được gì ngoài rút lui khỏi cuộc sống. Thằng cháu trai lớn, Eustace, còn rất nhỏ và tôi cho rằng nó không có phẩm chất cảm nhận và phán đoán cần thiết. Nó rất lười biếng và rất dễ chịu ảnh hưởng ý kiến của bất kỳ ai mà nó gặp. Chỉ có cháu gái lớn của tôi, Sophia, theo ý tôi, dường như có đủ những phẩm chất tin cậy mà tôi cần. Nó có đầu óc, khả năng phán đoán, can đảm, suy nghĩ công bằng và không thành kiến, tôi cho rằng nó có tâm hồn quảng đại. Tôi phó thác phúc lợi của cả gia đình – và phúc lợi của em vợ tôi, Edith de Haviland, sự tận tụy của dì ấy khiến tôi vô cùng biết ơn – cho nó.

Điều này giải thích cho văn bản đính kèm đây. Điều sẽ khó giải thích hơn – đúng hơn là giải thích với ông, ông bạn già của tôi – là sự đánh lừa mà tôi đã làm. Tôi cho rằng khôn ngoan là đừng gây suy đoán về việc phân chia tài sản, và tôi không có ý định để cho gia đình tôi biết Sophia là người thừa kế của tôi. Vì hai con trai của tôi đã có số tài sản đáng kể dành cho chúng rồi, tôi không cảm thấy sự phân chia thừa kế của tôi sẽ đặt chúng vào vị thế xấu hổ.

Để tránh sự tò mò và suy đoán, tôi nhờ anh lập cho tôi một bản di chúc. Bản di chúc này tôi đã đọc to cho cả gia đình cùng nghe. Tôi đặt bản di chúc lên bàn, để lên đó một tờ giấy thấm và bảo hai người làm đến. Khi họ đến, tôi kéo tờ giấy thấm lên một chút, để lộ phần dưới của bản di chúc, tôi ký tên và bảo hai người làm cùng ký. Tôi cần phải nói tôi và hai người làm đã ký vào bản di chúc đính kèm ở đây chứ không phải bản di chúc do ông soạn mà tôi đã đọc to.

Tôi không thể hy vọng được ông thông cảm cho lý do khiến tôi giở trò đánh tráo này. Tôi chỉ biết xin ông tha lỗi cho tôi vì đã giấu ông việc này. Một lão già khú đế thích giữ gìn các bí mật nhỏ nhoi của riêng mình. Cảm ơn, ông bạn già của tôi, vì sự tận tụy mà ông đã luôn dành cho các công việc của tôi. Nói với Sophia rằng thôi rất thương nó. Bảo nó chăm lo gia đình thật tốt và che chở cho họ không bị tổn hại.

Chân thành cảm ơn.

Aristide Leonides.

Tôi đọc tài liệu rất đáng chú ý này với sự quan tâm mãnh liệt.

“Thật kỳ lạ,” tôi nói.

“Qua đỗi kỳ lạ,” Gaitskill lên tiếng. “Tôi xin lặp lại, tôi tưởng ông bạn già Leonides đã rất tín nhiệm tôi.”

“Không đâu, Gaitskill ạ,” cha tôi nói. “Ông ta là một kẻ lừa đảo bẩm sinh. Ông ta thích làm việc theo cách quái dị, tôi có thể nói vậy.”

“Đúng đó sếp,” Chánh thanh tra Taverner nói. “Ông ta là tay lừa đảo có một không hai.” Taverner nói đầy cảm xúc.

Gaitskill vẫn không nguôi giận. Ông ấy bị tổn thương nghề nghiệp sâu sắc.

“Chuyện này là một đòn nặng,” Taverner nói tiếp. “Một hãng cực kỳ uy tín, Gaitskill, Calhum & Gaitskill. Đã không trung thực với hãng. Khi ông lão Leonides làm công việc đáng ngờ này, ông không hề giao cho hãng Gaitskill, Calhum & Gaitskill. Ông ta có cả nửa tá hãng cố vấn pháp luật khác nhau làm việc cho ông ta. Ôi, ông ta đúng là một kẻ lừa đảo.”

“Và không nên làm như thế khi lập di chúc,” cha tôi nói.

“Chúng ta đều ngốc nghếch,” Taverner nói. “Giờ mới nghĩ ra, người duy nhất có thể giở trò với bản di chúc chính là lão già đó. Quả là chúng ta không nghĩ lão ta muốn làm thế!”

Tôi chợt nhớ đến nụ cười kẻ cả của Josephine khi nó nói: “Cảnh sát có ngu không chứ?”

Nhưng Josephine không có mặt trong buổi đọc di chúc.

Và dù đứng nghe lén ngoài cửa (tôi bắt đầu hoàn toàn tin chuyện đó!) nó khó có thể đoán được ông nó đang làm gì. Vậy thì sao lại có vẻ kẻ cả? Con nhỏ đã biết điều gì nên mới bảo cảnh sát là ngu ngốc? Hay chẳng lẽ chỉ để lên mặt ta đây?

Chợt nhận ra sự im lặng trong căn phòng tôi ngẩng phắt lên – cả Taverner và cha tôi đều đang nhìn tôi. Không hiểu có gì trong cung cách của hai người họ khiến tôi vụt nói một cách thách thức:

“Sophia không biết gì về chuyện này! Hoàn toàn không biết gì.”

“Không à?” cha tôi hỏi.

Tôi thật không hiểu đó là câu hỏi hay một sự nhất trí.

“Cô ấy sẽ vô cùng ngạc nhiên!”

“Thế à?”

“Ngạc nhiên à!”

Một chút im lặng. Bỗng chuông điện thoại trên bàn của cha tôi reo lên chói tai.

Cha tôi nhấc máy lên – lắng nghe rồi nói: “Đúng, nối máy cho cô ta.”

Ông nhìn tôi.

“Cô bạn gái của con. Cô ấy muốn nói chuyện với chúng ta. Khẩn cấp.”

Tôi đón lấy ống nghe.

“Sophia?”

“Charles, anh đó phải không? Chuyện – Josephine!” Giọng nàng hơi suy sụp.

“Josephine làm sao?”

“Em nó bị đập vào đầu. Chấn thương não. Tình trạng trầm trọng… Người ta nói con bé có thể không hồi phục…”

Tôi quay sang Taverner và cha tôi.

“Josephine bị đập đầu,” tôi nói.

Cha tôi lấy ống nghe từ tay tôi. Ông nói rành rọt lời ông đã nói:

“Cha đã bảo con để mắt đến con bé đó rồi…”