Ngôi nhà nhỏ trên thảo nguyên

Chương 12

Hôm sau, bố đem về cho mẹ nhiều cọng rơm vàng sạch bóng cắt từ nhiều bó lúa mạch. Mẹ bỏ hết vào một thùng nước để ngâm giữ cho mềm. Rồi, ngồi trên chiếc ghế kế bên thùng nước, mẹ bện những cọng rơm lại.

Mẹ lấy nhiều cọng rơm, kết lại ở một đầu và bắt đầu bện. Các cọng rơm dài ngắn khác nhau nên khi gần hết một cọng mẹ lại đặt tiếp một cọng mới và tiếp tục bện.

Mẹ bỏ đầu rơm đã bện rơi trong thùng nước và tiếp tục làm cho tới khi miếng rơm bện dài nhiều bộ. Mẹ dành trọn thời giờ rãnh rỗi trong nhiều ngày để bện rơm.

Mẹ lấy bảy cọng rơm nhỏ nhất làm thành một dải viền nhẵn nhụi, thanh mảnh, cầu kì, với chín cọng rơm lớn hơn, mẹ làm thành một dải viền lớn với những vết khía dọc theo các cạnh và những cọng rơm lớn nhất, mẹ bện thành một dải viền lớn nhất.

Khi các cọng rơm được bện xong, mẹ dùng kim với sợi chỉ trắng dài và khởi từ đầu một dải viền cứ khâu tròn hoài để giữ nó phẳng phiu sau khi khâu. Đây là một miếng thảm nhỏ và mẹ bảo là chóp của một chiếc nón.

Rồi mẹ xiết chặt một cạnh của dải viền hơn và khâu vòng quanh. Dải bện được thu vào và thành các cạnh nón. Chiếc nón đủ cao, mẹ lại thả lơi dải viền khi khâu vòng quanh và dải viền nằm thẳng thành vành nón.

Khi vành nón đủ rộng, mẹ cắt dải bện và khâu một phía cực nhanh tới nỗi nó không kịp bật các nút bện ra.

Mẹ khâu nón cho Mary và Laura bằng dải bện thanh mảnh nhất, tỉ mỉ nhất. Nón của bố và mẹ được bện rộng hơn và có khía. Đó là chiếc nón cho ngày chủ nhật của bố. Sau đó, mẹ làm thêm cho bố hai chiếc nón với những dải bện thô, lớn nhất để dùng hàng ngày. Khi làm xong một chiếc nón, mẹ đặt lên tấm ván hong khô, nắn hình cho thật xinh xắn và chiếc nón sẽ giữ nguyên hình dáng mẹ làm vào lúc nó khô hẳn. Mẹ có thể bện những chiếc nón rất đẹp. Laura thích ngắm mẹ và học cách bện rơm để sẽ làm một cái nón nhỏ cho Charlotte.

Ngày đang thu ngắn dần và đêm thấm lạnh hơn. Một đêm, Jack-Sương-Mù đi qua và buổi sáng xuất hiện rải rác những màu sáng giữa đám lá xanh trong khu rừng Big Woods.

Dọc theo hàng rào sắt, cây su-mác đưa cao những chùm trái nhỏ đỏ sậm trên những tàng lá nhuốm màu vàng lửa. Trái xồi đang rụng xuống và Laura cùng Mary đã có những chiếc ly, dĩa nhỏ bằng trái xồi trong các ngôi nhà tưởng tượng của mình. Hạnh đào và hồ đào rải đầy mặt đất rừng Big Woods và đám sóc bận rộn với việc chạy nhốn nháo khắp nơi, thu lượm những hạt nhỏ về tồn trữ cho mùa đông trong các hốc cây.

Laura và Mary theo mẹ đi nhặt gom hạnh đào, hồ đào và hạt phỉ. Hạt được phơi khô dưới nắng rồi đập tách vỏ lấy nhân cất trên gác mái dành cho mùa đông.

Thật thú vị khi gom những trái hạnh đào tròn lớn hoặc những hạt hồ đào nhỏ hơn và những hạt phỉ li ti đầy trên cành trong các bụi rậm. Vỏ hạn đào đầy ứ chất nước thơm nức và nêm cũng thấy ngon khi Laura thường dùng răng để ngắt cuống cho chúng rời ra.

Lúc này ai nấy đều bận rộn, vì hết thảy rau trong vườn cần được gom cắt. Laura và Mary giúp lượm những củ khoai đầy bụi đất khi bố đào lên hoặc lôi những khóm cà-rốt vàng dài thượt, những búi củ cải tròn với chóp đỉnh đỏ tía hay giúp mẹ nấu bí làm mứt.

Với con dao phay, mẹ xả đôi những trái bí lớn màu vàng rực, mẹ cào sạch hạt ở phía trong, cắt thành những miếng dài và gọt vỏ. Laura giúp mẹ cắt những miếng dài này thành các miếng vuông nhỏ.

Mẹ đặt hết những miếng vuông này vào một bình sắt trên lò, chế nước và canh chừng suốt ngày trong lúc bí được hầm sôi từ từ. Tất cả nước và nước bí đều phải bốc hơi hết nhưng không được để bí bị cháy.

Bí biến thành một khối dầy, sậm màu và bốc mùi thơm trong bình. Nó không sôi giống nước mà nổi thành những bong bóng bất ngờ nổ ra để lại một lỗ hổng bị san lấp tức khắc. Mỗi lần một bong bóng nổ, hương vị bí nóng hổi, đậm đà lại toả ra.

Laura đứng trên một chiếc ghế coi chừng bí cho mẹ và khuấy đều bằng chiếc môi gỗ. Cô nắm chiếc môi bằng cả hai tay và khuấy rất cẩn thận vì, nếu bí bị cháy thì không còn mứt bí nữa.

Bữa trưa, cả nhà ăn món bí hầm với bánh mì. Các cô đặt món bí trên dĩa theo những hình dạng thật xinh. Bí có màu đẹp, nhuyễn và mềm rục dưới lưỡi dao của các cô. Mẹ không bao giờ cho phép các cô chơi đùa với thức ăn và các cô phải luôn luôn ăn thật khéo gọn mọi món ăn được bày trước mắt, không bỏ lại trong dĩa một chút nào. Nhưng mẹ cho các cô được xếp đặt món bí hầm sậm màu, đậm đà thành những hình thù xinh đẹp trước khi ăn.

Những lần khác, các cô có món bánh quẫn bằng bí nướng cho bữa ăn trưa. Vỏ ngoài cứng đến nỗi mẹ phải lấy lưỡi rìu của bố để cắt trái bí làm nhiều miếng. Khi các món bí đã được nướng trong lò hấp, Laura thích trét bơ lên phần cùi mềm bên trong rồi múc lớp thịt vàng hung ra khỏi vỏ để ăn.

Lúc này, vào bữa ăn tối thường có món bắp tróc vỏ với sữa. Đây cũng là món ăn ngon. Ngon tới nỗi Laura nhấp nhỏm chờ đợi ngay lúc mẹ bắt đầu tróc vỏ. Phải mất hai hoặc ba ngày mới xong món bắp tróc vỏ.

Ngày đầu tiên, mẹ lau dọn và lấy hết tro ra khỏi lò nấu. Rồi mẹ đốt củi gỗ sạch và giữ tro lại. Thứ tro củi gỗ này được cho vào một túi vải nhỏ.

Đêm đó, bố mang về một mớ trái bắp có hạt thật lớn. Bố nẩy bỏ những hạt nhỏ ở trên đầu. Sau đó, bố nẩy những hạt bắp còn lại vào một chiếc chảo lớn cho tới khi đầy chảo.

Sáng sớm hôm sau, mẹ đổ hết số hạt bắp này cùng với túi tro vào một bình sắt lớn. Mẹ đổ đầy nước vào bình và nấu sôi rất lâu. Cuối cùng, những hạt bắp bắt đầu phồng lên, phồng lên, phồng lên mãi cho tới khi lớp vỏ nứt ra và tróc đi. Khi vỏ bắp tróc đầu hết, mẹ kéo chiếc bình nặng nề ra ngoài. Mẹ đổ đầy nước suối vào chiếc bồn giặt đã được cọ sạch rồi lấy bắp ra khỏi bình ngâm vào trong bồn.

Mẹ xắn cao ống tay áo bằng vải hoa lên tới cùi chỏ, quì gối bên chiếc bồn/ hai bàn tay mẹ chà xát cho tới khi vỏ bắp tróc ra nổi lềnh bềnh trên mặt nước.

Mẹ trút nước đó ra ngoài rồi lại lấy nước suối từ các thùng gỗ đổ đầy vào bồn. Mẹ tiếp tục quơ tìm và chà xát từng hạt bắp giữa hai bàn tay rồi lại thay nước cho tới khi tất cả hạt bắp đều tróc vỏ và được rửa sạch.

Mẹ có vẻ duyên dáng với những cánh tay trần trắng tròn trĩnh, má mẹ ửng đỏ, mái tóc mượt bóng lên trong lúc mẹ mân mê chà xát những hạt bắp trong nước.

Mẹ không để văng một giọt nước lên áo. Cuối cùng, khi bắp tróc vỏ xong, mẹ đổ tất cả những hạt mềm mại, trắng tinh vào một chiếc vại lớn trong phòng ăn. Thế là, các cô đã có món bắp tróc vỏ ngào sữa cho bữa ăn tối.

Đôi khi các cô ăn bắp tróc vỏ trong bữa điểm tâm với si-rô trường khế và đôi khi mẹ còn chiên những hạt bắp mềm trong mỡ heo. Nhưng, Laura thích nhất là bắp tróc vỏ ngào sữa.

Mùa thu thật là vô cùng kì thú. Có thật nhiều việc để làm, nhiều món để ăn, nhiều thứ mới mẻ để xem ngắm. Laura chạy lăng xăng, nói luôn miệng từ sáng tới tối.

Một buổi sáng sương mù, một cỗ máy xuất hiện trên đường. Cỗ máy do bốn con ngựa kéo và có hai người đàn ông ngồi ở trên. Lũ ngựa kéo cỗ máy này thẳng ra ngoài đồng, chỗ bố, chú Henry và ông nội cùng ông Peterson đang chất lúa mì thành đống.

Sau cỗ máy còn có thêm hai người đàn ông khác điều khiển một cỗ máy nhỏ hơn.

Bố gọi mẹ báo cho biết những người đập lúa đã tới. Bố vội vã ra đồng với mọi người. Laura và Mary xin phép mẹ rồi chạy ra đồng theo bố. Các cô có thể xem nếu cẩn thận không làm cản lối.

Chú Henry cưỡi ngựa tới và cột ngựa vào một cội cây. Rồi bố và chú đóng tất cả những con ngựa khác, tám con tất thảy, vào cỗ xe nhỏ. Họ đóng mỗi cặp ngựa vào đầu một cây dài chĩa ra từ cỗ máy. Một cây sắt dài đặt dưới đất từ cỗ máy này tới cỗ máy lớn.

Về sau Laura và Mary hỏi thì bố nói cỗ máy lớn là máy tách hạt, cây sắt dài là cần xoay và cỗ máy nhỏ là mã lực. Cần đóng tám con ngựa vào nó để khởi động nó là cỗ máy tám mã lực.

Một người ngồi trên cỗ máy mã lực và khi mọi thứ đã sẵn sàng, ông ta lên tiếng thúc cho lũ ngựa bắt đầu chạy. Lũ ngựa chạy xoay tròn quanh ông ta, mỗi cặp kéo một cây dài và nối theo cặp đi trước. Do chạy vòng quanh nên chúng rất cẩn thận bước qua chiếc cần xoay bằng sắt đang nhào lộn trên mặt đất.

Sức ngựa kéo giữ cho chiếc cần xoay xoay đều và tác động vào chiếc máy tách hạt đặt bên cạnh đống lúa mì.

Toàn thể cỗ máy nổ như sấm rền vang động ầm ĩ. Laura và Mary nắm chặt tay nhau tròn mắt nhìn từ một phía đồng. Từ trước tới giờ các cô chưa hề thấy một cỗ máy nào. Các cô cũng chưa hề nghe thấy một thứ tiếng động rền vang như thế.

Bố và chú Henry đứng trên đồng lúa hất tung từng bó lúa xuống một tấm ván. Một người đàn ông đứng ở tấm ván, cắt đứt dây buộc và nhồi tất cả các bó lúa vào một hố trống ở đầu cỗ máy tách hạt.

Hố trông giống như miệng của cỗ máy với hàm răng dài bằng sắt. Hàm răng này đang nhai. Chúng nhai những bó lúa và chiếc máy nuốt đi. Rơm được thổi tung ra ở đầu kia cỗ máy và các hạt lúa tuôn chảy ra một bên.

Hai người đàn ông làm việc cực nhanh, đạp chân trên rơm, nhồi thành một đống. Một người như ánh chớp đưa túi hứng đám hạt lúa đang tuôn xuống. Những hạt lúa trút đầy cấp kì vào một thùng cân nửa giạ và người đàn ông đặt ngay vào đó một thùng cân trống khác trong lúc trút thùng cân kia vào túi bao. Ông ta trút rất kịp lúc để đưa thùng cân trống vào dưới vòi trước khi thùng cân ở đó đầy tràn.

Mọi người đều làm việc với tốc độ cao nhất nhưng cỗ máy vẫn đeo sát họ. Laura và Mary căng thẳng tới mức nghẹt thở. Các cô nắm chặt tay nhau, trố mắt nhìn.

Lũ ngựa chạy vòng vòng thật đều. Người đàn ông điều khiển ngựa vung chiếc roi vun vút và hét:

- Chú ý! John! Không cần cố vượt quá!

Crắc! Chiếc roi bay lên.

- Cẩn thận, Billy! Nhẹ thôi, con trai! Không được đi, nhưng nhanh thế chẳng ra sao!

Cỗ máy tách hạt ngốn các bó lúa, rơm vàng óng bay ra thành một đám mây vàng, hạt lúa trút xuống thành dòng nâu vàng trên vòi chảy trong lúc mọi người hối hả. Bố và chú Henry liệng các bó lúa xuống với mức nhanh cuối cùng. Vỏ trấu và cọng rơm bay mù mịt.

Laura và Mary đứng coi rất lâu. Rồi các cô chạy về nhà, lo giúp mẹ làm cơm trưa cho tất cả đám người đang làm việc.

Một chảo lớn cải bắp và thịt đang sôi trên lò, một xoong đậu lớn và một chiếc bánh Johnny đang nướng trong lò bếp. Laura và Mary bày bàn ăn cho những người đập lúa. Các cô bày bánh mặn với bơ, những chén bí chiên, mứt bí, mứt dâu khô và bánh qui, phô-mai, mật và các bình sữa.

Rồi mẹ bày tiếp khoai tây luộc, cải bắp, thịt và đậu hấp, bánh Johnny, bánh quẫn bằng bí nướng và châm trà.

Laura luôn thắc mắc lí do khiến loại bánh mì bằng bột bắp lại được gọi là bánh ngọt Johnny. Rõ ràng nó không phải là bánh ngọt. Mẹ cũng không biết tại sao ngoại trừ một điều là các binh sĩ miền bắc thời nội chiến thấy dân chúng miền nam hay ăn loại bánh này nên gọi tên nó như thế. Binh sĩ miền bắc lúc đó vẫn gọi binh sĩ miền nam là quân phiến loạn Johnny. Có lẽ họ gọi loại bánh mì miền nam này là bánh ngọt chỉ để đùa vui.

Mẹ còn được nghe có người gọi loại bánh này là bánh ngọt đi đường. Mẹ không hiểu lí do, vì nó không hẳn là loại bánh dùng tốt cho một chuyến đi xa.

Buổi trưa, những người đập lúa về ngồi bên bàn ăn chất đầy các món ăn. Những không có thứ gì quá nhiều vì mọi người đã làm việc cực nhọc và đều rất đói.

Khoảng giữa buổi chiều các cỗ máy tách hạt xong và mấy người chủ máy đi khỏi Big Woods đem theo những bao lúa trả công cho họ. Họ tới một nơi gần đó cũng có những người hàng xóm chất đống lúa và muốn nhờ họ tách hạt.

Đêm đó, bố rất mệt, nhưng hết sức vui. Bố nói với mẹ:

- Henry, Peterson, ông nội và anh họp lại đập lúa bằng néo liền hai tuần cũng chỉ bằng ngang chiếc máy đó làm một ngày hôm nay. Mình không đập ra nhiều hạt mà còn không đập sạch hạt được.

Bố tiếp:

- Chiếc máy đó là một sáng kiến vĩ đại. Những người khác cứ giữ cách làm việc cũ nếu họ muốn, nhưng anh dứt khoát theo sự tiến bộ. Mình đang sống trong một thời kì vĩ đại. Khi nào còn trồng lúa mì, anh còn gọi đem máy đến tách hạt, nếu thấy có một chiếc máy ở gần.

Bố quá mệt đêm đó nên không nói chuyện với Laura nhưng Laura rất tự hào về bố. Chính bố đã khiến những người khác cùng gom lúa lại và đưa về cỗ máy tách hạt, một cỗ máy diệu kỳ. Mọi người đều vui vì cỗ máy đã tới.