Ngôi nhà của Matriona

Lời người dịch

Không cần phải đợi đến một trăm năm sau mới có thể khám phá được những phép lạ của thiên tài. Với một tác phẩm của Solzhenitsyn như “Ngôi nhà của Matriona” hay “Vì đại cuộc”, ta phải gật đầu nhìn nhận là ông rất xứng đáng với ngôi vị mà người ta đã dành cho ông trên diễn đàn quốc tế, mà cụ thể là Giải Nobel văn chương năm 1970.

Solzhenitsyn là một nhân chứng đã kể lại một cách trung thực những gì ông đã thấy, nghe, sống trong môi trường của một xã hội được mệnh danh là thiên đường cộng sản.

Ông không chỉ trích, phê bình, nhưng khi đọc truyện của ông, ta sẽ phát giác ra là những lời lẽ đượm vẻ khách quan của ông còn bén nhọn, hùng hồn gấp mười, gấp trăm lần những lời phê bình, chỉ trích trực tiếp.

Solzhenitsyn không đưa ta đến những thế giới xa lạ, Solzhenitsyn đem ta trở về với đời sống thường ngày, trong đó bao nhiêu vấn đề tế nhị luôn luôn âm ỉ, gây ra xung đột giữa nhiều ý thức hệ mâu thuẫn. Phải chăng chỉ ở làng Talnovo mới có một Matriona, một Faddéi? Hay chỉ ở một thành phố nào đó của nước Nga mới có một Lydia Guéorguievna hay một Fédor Mikhéévitch?

Qua hai câu chuyện này, người dịch chỉ mong sao có thể mang lại cho độc giả một cơ hội để nghiền ngẫm, để thấm thía cái số phận làm người mà chỉ trong sự thống khổ, trên bước gian nan mới có thể bật lên được thành tiếng thổn thức gây niềm thông cảm.

Khi đặt bút xuống để làm công việc này, người dịch đã có cảm tưởng là mình đang dấn thân vào một cuộc mạo hiểm, mà hậu quả tệ hại nhất là có thể mình sẽ phản bội một tác giả mà mình yêu thích cho đến độ muốn cho mọi người cũng yêu thích như mình.

Tuy nhiên, chính trong tinh thần của Solzhenitsyn mà người dịch đã mạnh dạn cầm bút, tương tự như đám học trò của Fédor Mikhéévitch đã hăng hái bưng từng viên đá để xây ngôi trường của họ trong “Vì đại cuộc”.

Một nhà văn trẻ lỗi lạc Nga đã có lần tâm sự với dịch giả Léon Robel như sau: “Sau Solzhenitsyn, ta sẽ không còn có thể viết như ta đã từng viết trước đây”. Người dịch xin nhường cho độc giả quyền thẩm định câu nói đó.

Sài Gòn, ngày 24 tháng 5 năm 1974

Nguyễn Văn Sơn

Vài hàng về Solzhenitsyn

Chiều ngày 13 tháng 12 năm 1974, một chiếc Aero’lot TU 154 của hàng không dân sự Nga đã hạ cánh xuống phi trường Rhein-Main của thành phố Frankfurt, Tây Đức, và đậu ở cuối bãi. Từ nơi cửa ra hạng nhất, một người đàn ông năm mươi lăm tuổi với hàm râu quai nón đã bệ vệ bước ra.

Đó là Alexander Solzhenitsyn, vừa bị chính quyền Xô Viết tuyên án lưu đày biệt xứ và đem vất ở Tây Đức vì “đã có những hành động không thích hợp với một công dân Cộng hòa Xô Viết”.

Hai mươi bốn giờ trước đó, bảy nhân viên cảnh sát mặc thường phục đã bắt ông tại nhà để đưa ông đến Biện lý của thành phố Mạc Tư Khoa. Họ đã xô đẩy ông vì ông muốn mang theo một chiếc áo choàng thật dày để mặc cho ấm. “Để làm gì? Anh sẽ được thả ngay!”. Nhưng họ đã đưa ông đến khám đường Lefortovo, ở đó người ta đã lột hết quần áo của ông và bắt ông mặc một bộ đồng phục tù nhân.

Bị khép vào tội đại nghịch, Solzhenitsyn đã từ chối không trả lời một câu hỏi nào. Ngày hôm sau, ông Phó Tổng biện lý Mikhail Malgerov đã ký một trát đặc biệt của Hội đồng Tối cao Xô Viết tước hết quyền công dân của ông và tuyên án lưu đày biệt xứ ông. Sau đó, sáu nhân viên cảnh sát mặc thường phục đã đưa ông ra phi trường Mạc Tư Khoa, mà không cho ông biết là sẽ đưa ông đi về đâu. Chỉ khi nhìn qua cửa kính phi cơ thấy tấm bảng của phi trường “Frankfurt am Main”, Solzhenitsyn mới biết là mình đang ở trên đất Tây Đức.

Nguyên nhân của bản án lưu đày này là sự phát hành tại hải ngoại những tác phẩm của Solzhenitsyn, trong khi tại Nga, chính quyền từ chối không cho ông xuất bản.

Với bản án lưu đày đó, sự nghiệp của đại văn hào Xô Viết Solzhenitsyn đã đạt được tuyệt đỉnh danh vọng. Sự nghiệp của ông đã khởi đầu với tác phẩm nói về trại tập trung mang tựa đề: Một ngày trong đời của Ivan Denissovitch, một công trình mà chính nhật báo Pravda đã liệt vào hàng đại siêu phẩm. Nikita Kruschev đã từng là người đỡ đầu của ông, và sự phát hành tác phẩm Một ngày… là một phần ý muốn truất phế Staline của ông. Nhưng đến khi Kruschev bị hạ bệ, Solzhenitsyn đã phải trải qua trong mười năm ròng rã những sự va chạm đau thương càng ngày càng trầm trọng với chính quyền Xô Viết. Những tác phẩm kế tiếp của ông bị cấm xuất bản và ông thường xuyên bị báo chí Xô Viết chỉ trích quá đáng cốt để giảm uy tín ông.

Tuy nhiên, sách của ông vẫn được phổ biến rộng rãi nhờ phương pháp Samizdat (tự phát hành lấy), và trở nên những cuốn tiểu thuyết thuộc loại bán chạy nhất ở Tây phương. Cũng trong thời gian đó, ông trở thành nhà lãnh đạo tinh thần của “phong trào dân chủ” đối lập. Giải thưởng Nobel văn chương năm 1970 được trao cho Solzhenitsyn và đã làm cho chính quyền Xô Viết càng phẫn nộ, vì phần thưởng đó đã biến Solzhenitsyn thành một đại văn hào quốc tế mà họ không thể bịt miệng được nữa. Sự thách đố cuối cùng và không thể tha thứ được của Solzhenitsyn được ghi nhận từ lúc ông cho phép xuất bản tại Ba-lê tác phẩm Quần đảo Goulag. Trong quyển này, ông kể lại, với đầy đủ tài liệu, sự thống trị bằng phương pháp khủng bố của Lenin và Stalin. Tác phẩm này được coi như là nhân chứng của một xã hội Xô Viết trong đó “tự do” là một danh từ xa lạ.

Sanh năm 1918 tại Kirlovodsk (Nga), Alexander Isaievitch Solzhenitsyn lớn lên ở Rostov-sur-le Don, miền Nam nước Nga. Vừa học xong (Toán học và Vật lý học tại Đại học Mạc Tư Khoa, ngoài ra còn học hàm thụ Sử, Triết và Văn chương), thì Đệ nhị Thế chiến bùng nổ: binh sĩ trong quân chủng Kỵ binh, sau đó sĩ quan Pháo binh, vinh thăng đại úy và nhiều lần được ban thưởng huy chương. Tháng Giêng năm 1945, ông bị bắt vì đã viết trong một bức thơ những nghi ngờ về khả năng quân sự của Staline. Bị kết án (mà không được xử) tám năm lưu đày trong một trại tập trung, ông trở thành thợ hồ (giống như nhân vật chính trong Một ngày trong đời của Ivan Denissovitch). Năm 1953, ông được thuyên chuyển đến một làng ở Kazakhstan trong ba năm, ông tự khám phá bị một chứng bệnh ung thư nhưng sau đó, chứng bệnh tự nhiên biến mất. Được trả tự do năm 1957, ông trở thành giáo sư vật lý ở Riazan. Tháng Mười năm 1971, người ta thấy xuất hiện ở Ba-lê quyển tiểu thuyết cuối cùng của ông viết bằng Nga ngữ: Tháng Tám năm 1914.

Sau Một ngày trong đời của Ivan Denissovitch, nhiều đề tài khác cũng được đăng trong Novi Mir, trong số đó có Ngôi nhà của Matriona xuất hiện tại Pháp năm 1963, và nhiều bài khác xuất bản năm 1971, với tựa đề Zacharie I’Escarcelle. Hai quyển tiểu thuyết, một viết năm 1959, Tầng đầu địa ngục, một được hoàn tất khoảng năm 1967, Trại ung thư, bị cấm ở Nga và xuất hiện cùng lúc ở Pháp, là nơi chúng nhận được “giải thưởng của tác phẩm ngoại quốc hay nhất” năm 1968, giải thưởng này chỉ dành đặc biệt cho hai tác phẩm vừa kể.