Ngọc Tuyền Thảm Sử Truyện Full

- I -

Năm Nhâm Ngọ (1786), vua Thái Đức cử Nguyễn Huệ làm Tiết Chế thủy quân đánh Bắc Hà. Nhờ tài thao lược của Vũ văn Nhậm và Nguyễn Hữu Chỉnh, đại quân của Nguyễn Huệ đã chiến thắng vẻ vang, quân của Đoan Nam Vương không còn manh giáp.

Huệ và Chỉnh vào chầu vua, lấy danh là diệt Trịnh phò Lê. Vua phong Huệ làm Uy Quốc công và gả Công chúa Ngọc Hân cho Huệ. Lê Hiến Tôn đang ốm, vì bị kích thích quá, nên sau khi cử hành hôn lễ cho Công chúa, vua băng hà. Hoàng Tự Tôn Duy Kỳ lên thay, lấy tên là Lê Chiêu Thống.

Nguyễn Huệ vốn không ưa Chỉnh là một tên gian hùng, xảo quyệt, rất nguy hiểm. Một đêm tháng Tám, Nguyễn Huệ mật truyền cho quân thủy bộ bất ngờ rút lui về Nam, cố ý mượn các phần tử còn lại của họ Trịnh và dân Bắc Hà trừ Chỉnh. Bị bỏ rơi một cách tàn nhẫn, Nguyễn Hữu Chỉnh căm tức vô cùng. Biết rằng mình ở trong vòng nguy hiểm, Chỉnh về Nghệ An hiệp cùng anh rể là Nguyễn Khuê lo chiêu binh và thao luyện quân sĩ. Sau khi đạo tinh binh đã thuần thục, một lần nữa, Chỉnh kéo quân về phong tỏa Thăng Long. Các hổ tướng của Trịnh Bồng đều vỡ mật, trước vó ngựa kiêu hùng của Chỉnh.

Hữu Chỉnh vào chầu vua. Vua phong Chỉnh làm Bình Chương quân quốc. Con của Chỉnh là Nguyễn Hữu Du được phong tước Bái Đình Hầu.

Bước một bước đến đài vinh quang, Chỉnh tự phụ mình có tài hơn thiên hạ. Các việc quân quốc, Chỉnh đều tự quyết, xem thường cả các quan. Hành động của Chỉnh vô cùng tàn ác, xem như mình có trọng quyền sanh sát trong tay, bất chấp cả phép vua luật nước.

Chỉnh cho thâu chuông đồng ở các chùa về đúc tiền. Chùa nào giấu diếm hay từ chối thì tất cả sư sãi trong chùa bị đem ra hành xử với những hình phạt thật là ghê tởm.

Một hôm, quân sĩ về báo có một ngôi chùa giấu mất chuông, quân sĩ đã tìm khắp nơi mà vẫn không tìm ra. Chỉnh nổi giận, ra lệnh bắt tất cả sư sãi trong chùa tra vấn. Một vị sư già, hai vị tăng trẻ và hai chú tiểu bị tra tấn đủ cách mà vẫn một mực kêu oan.

Chỉnh nổi giận thét to:

- Nếu không đem giấu, vậy chớ chuông biến đi đâu?

Vị sư gia từ tốn đáp:

- Chuông đã bị đánh cắp trước mấy ngày.

- Ai thèm đánh cắp chuông làm gì? Đã tu hành sao lại còn gian dối?

- Bần đạo không hề nói dối.

Hữu Chỉnh mỉm cười nham hiểm:

- Vậy thì chuông đâu đem hiến cho triều đình làm việc công ích. Bằng không, tất cả bọn người sẽ bị trừng phạt đích đáng.

Hai vị tăng cúi đầu kêu oan. Hai chú tiểu khiếp sợ, mặt không còn chút máu. Riêng sư già vẫn bình tĩnh chờ đợi cơn thịnh nộ của bạo quyền.

Hữu Chỉnh ra lệnh:

- Quân sĩ đâu, đem mấy cây mía ra đây.

Lập tức, năm tên quân đem vào năm cây mía, phủ phục chờ lịnh.

Hữu Chỉnh thản nhiên thét to:

- Thi hành.

Năm tên quân đem năm cây mía đặt trên đầu năm nhà tu, rồi từ từ róc mía với năm lưỡi dao thật sắc. Những lát mía từ từ rơi xuống và chỉ vài phút nữa năm lưỡi dao sắc sẽ róc gọn năm mái đầu trọc lóc.

Hữu Chỉnh trợn mắt hỏi:

- Nào, các ngươi có chịu khai chưa?

Vị sư già ung dung đáp:

- Mô Phật, bần đạo không hề nói dối.

Vị sư vừa dứt lời, bốn tiếng thét ré lên một lượt. Năm lưỡi dao đã róc vào đầu năm nhà tu, máu túa ra nhuộm đỏ cả mặt mũi nạn nhân. Bốn tiếng thét của hai vị tăng và hai chú tiểu, riêng sư già vẫn điềm nhiên niệm: “Nam mô A Di Đà Phật”. Rồi sư già nhìn thẳng vào mặt Chỉnh, giọng vẫn hiền hòa:

- Bần đạo xin quan nhân bớt đi sâu vào tội nghiệt. Ai gieo nhân nào thì sẽ gặt quả nấy. Hôm nay quan nhân đã gieo gió, ngày mai quan nhân sẽ gặt bão.

Hữu Chỉnh cười nhạt:

- Ta mong sẽ gặt được bão, vì đời ta chỉ thích những cơn bão tố, và rất ghét cuộc đời phẳng lặng như nhà tu. Giờ đây, ta giải thoát cho các ngươi sớm về chốn Tây phương cực lạc mà bọn ngươi mong ước.

Vị sư già cúi đầu, miệng không ngớt niệm:

- Nam mô Tây phương Cực lạc Thế giới, Đại từ đại bi, tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật. Nam mô A Di Đà Phật...

Tiếng niệm Phật của sư già như đem lại niềm tin thiêng liêng của Đạo pháp, hai vị tăng cũng nối tiếp cất giọng ngân nga:

“Nam mô đại từ đại bi Quan thế Âm Bồ tát...

Nam mô đại lực Địa thế Chí Bồ tát...

Nam mô đại thánh Địa tạng Vương Bồ tát...

Nam mô thanh tịnh Đại hải Chúng Bồ tát...”

Giọng niệm đến đây thì năm thân xác cũng vừa gục xuống. Họ đã chết trong niềm tin tưởng vô biên, làm cho kẻ sắt đá nham hiểm như Chỉnh cũng không khỏi ngạc nhiên, xao xuyến...

Hành vi động ác của Hữu Chỉnh vang động khắp nơi, làm cho nhân dân căm thù oán ghét. Có kẻ lén viết hai câu nầy ở Đại Hưng Môn:

“Thiên hạ thất tự chung, chung thất nhi đỉnh an tại;

Hoàng thượng phần vương phủ, phủ phần nhi điện diệt không”.

Có nghĩa là:

“Thiên hạ mất chuông, chuông mất đỉnh còn sao được.

Hoàng thượng đốt phủ, phủ đốt thì điện cũng tan”.

Hữu Chỉnh càng ngày càng lộng quyền, càng ngày càng đi sâu vào tội ác. Lời khuyên của vị sư già trước khi chết, không cảnh tỉnh được một hung thần mang nhiều tham vọng, muốn khuynh loát triều đình và xây phú quý trên xương máu đồng bào. Trong dân gian có những câu đồng dao truyền rằng:

“Nam mô đức Phật Như lai,

Vắng chuông chiêu mộ đã hai tháng rày.

Ai đem thằng Nhắng về đây,

Chuông chùa bị cướp, hại lây sư già”.

Các quan trong điều đa số đều oán ghét Chỉnh. Tuy biết vậy, Chỉnh vẫn cứng rắn làm việc theo ý mình, vì Chỉnh tự nghĩ: “Phải cứng mới đứng đầu gió”. Trong lúc đó thì dân chúng truyền miệng câu ca dao nầy đến tai Nguyễn Huệ:

“Ai đem con sáo sang sông,

Để cho con sáo sổ lồng nó bay...”

Nguyễn Huệ biết dân chúng quá khổ sở dưới bạo quyền của Hữu Chỉnh, nên đâm ra phiền tránh cả mình. Dân chúng làm sao hiểu được kế hoạch thâm sâu của một bậc anh hùng quán thế? Huệ chỉ mỉm cười, im lặng...