Nghìn lẻ một ngày

Chương 9 (C)

 NGÀY THỨ NĂM MƯƠI TƯ.

Khi mọi người làm chứng đã có mặt đông đủ trong phòng viên chánh án, người thợ nhuộm Usta Oma cất lời:

- Thưa ngài chánh án, tôi đồng ý gả con gái tôi làm vợ chính thức của ngài, bởi tại ngài cứ một mực đòi tôi phải gả nó cho ngài. Nhưng tôi tuyên bố trước tất cả các vị có mặt ở đây, là tôi chỉ đồng ý với điều kiện một khi ngài nhìn thấy mặt cháu và không hài lòng, và ngài có muốn từ bỏ cháu, thì ngài phải cho cháu một nghìn đồng xơcanh vàng, bằng đúng số tiền ngài vừa đưa cho tôi.

- Ông đã muốn thế thì, viên chánh án nói- ta thề với ông như vậy, thề trước tất cả các vị có mặt ở đây, ông bằng lòng rồi chứ?

Người thợ nhuộm đáp vâng, rồi ký tên xong ra về ngay, nói ông sẽ cho người đưa cô dâu đến đây ngay tức khắc.

Tất cả những người làm chứng giải tán ai về việc nấy. Chỉ còn lại viên chánh án một mình ở nhà. Hai năm trước, lão đã cưới con gái một thương gia thành phố Batđa, cho đến lúc này hai người vẫn sống hoà thuận với nhau. Người vợ hay tin chồng muốn lấy cô vợ mới, nổi giận bảo chồng:

- Thế nào, ông muốn hai cái đầu cùng đội một cái mũ ư! Hai bàn tay đeo một chiếc găng ư! Hai lưỡi kiếm đút trong một cái vỏ hả! Hai người đàn bà cùng chung một ngôi nhà sao? Ôi, đồ bạc tình! Tôi yêu thương ông đến thế, mà gái này vẫn còn trẻ chán chứ. Ông đã muốn thế thì tôi nhường chỗ luôn cho con mụ ấy, tôi sẽ về ở với cha mẹ tôi. Ông hãy tuyên bố khước từ tôi đi, và trả tôi đủ món hồi môn, sau đấy chúng ta chẳng còn nhìn mặt nhau nữa.

- Tự bà nói ra trước như thế là tốt- viên chánh án đáp.- Đỡ cho tôi phải làm cái việc không vui là báo tin bà biết tôi lấy vợ mới.

Nói xong, lão mở hòm lấy ra một túi tiền đựng năm trăm đồng xơcanh vàng trao tận tay người vợ: Bà hãy cầm lấy, trong cái túi này là khoản tiền hồi môn của bà. Bà hãy cầm lấy và mang theo tất cả tư trang quần áo của bà. Ta đuổi bà ra khỏi nhà. Một lời, hai lời, ba lời, ta đuổi bà ra khỏi nhà. (Câu phải bắt buộc đọc, như luật định). Và để cho song thân bà không nghi ngờ gì về chuyện ta chối bỏ vợ, ta sẽ trao cho bà một tờ giấy viết tay có chữ ký của ta, kèm theo chữ ký của quan phó chánh án, theo đúng như luật định.

Lão nói sao làm vậy. Người vợ cầm số tiền và mảnh giấy trở về nhà bố mẹ đẻ.

Bà vợ chính thức vừa ra khỏi nhà, lão chánh án sai bày biện thật sang trọng một căn phòng để tiếp đón người vợ mới. Người nhà mang vào trải một tấm thảm bằng nhung, nhiều chiếc ghế có đệm gấm thêu kim tuyến, ngân tuyến. Lại có cả những chiếc lư trầm toả mùi thơm ngát phòng tân hôn. Mọi việc đâu vào đấy mà chưa thấy cô dâu. Viên chánh án sốt ruột, liền gọi viên cảnh sát trưởng vốn trung thành với mình, bảo y: „Đáng ra người ta yêu quý phải có mặt ở đây rồi. Cái gì làm cho nàng còn nấn ná lâu như vậy ở nhà bố mẹ? Sao ta cảm thấy thời gian chờ đợi dài dằng dặc thế này!“.

Sốt ruột muốn được nhìn ngay người vợ mới, viên chánh án sắp sai người nhà đến tận nhà người thợ thuộm Usta Oma thúc giục, chợt nhìn thấy có người công nhân khuân vác mang một cái hòm bằng gỗ thông đến, trên hòm phủ tấm vải xanh. Chánh án hỏi:

- Anh bạn mang gì đến cho ta đấy?

- Trình ngài,- người mang hàng đặt cái hòm xuống đất và nói.- Đây là cô dâu. Ngài chỉ có việc lật chiếc khăn phủ bên trên ra, và ngài sẽ thấy cô dâu xinh đẹp như thế nào.

Viên chánh án cất chiếc khăn phủ và nhìn thấy trong hòm một cô gái người thấp loắt choắt, khuôn mặt dài ngoằng và đầy ghẻ lở, đôi mắt sâu hóm đỏ hơn lửa. Cô nàng dường như không có mũi, bên trên miệng chỉ có một cái hốc giống như mõm cá sấu có hai cái lỗ trông rất khủng khiếp. Lão không thể nhìn lâu cái vật ấy mà không kinh tởm, vội lấy tấm khăn phủ lại như cũ rồi hỏi người mang hàng:

- Anh muốn ta làm gì với con vật khủng khiếp này?

- Thưa ngài, đấy là con gái của thầy Usta Oma làm nghề thợ nhuộm. Ông ta có nói với tôi, ngài rất yêu cô này cho nên xin hỏi cô ta về làm vợ.

- Trời đất! -viên quan chánh án kêu lên.- Lẽ nào một người đàn ông lại có thể cưới một con quỷ thế kia về làm vợ?

Vừa lúc ấy, người thợ nhuộm đoán thế nào viên chánh án cũng ngạc nhiên liền thân hành tới nơi. Viên chánh án bảo:

- Đồ khốn nạn, anh cho ta là người như thế nào? Anh cả gan chơi cho ta một trò nhục nhã đến vậy sao. Anh dám chơi ta như vậy, hẳn anh đã biết ta là người xưa nay chẳng bao giờ không biết cách lấy hận trả hận chứ? Ta là người có đủ quyền tống những kẻ như anh vào ngục tối nếu ta muốn. Anh không sợ ta nổi cơn thịnh nộ sao, hỡi anh chàng khốn kiếp kia? Anh hãy mang cái vật khốn kiếp kia về nhà ngay, và hãy gả cô con gái kia của anh cho ta, cô con gái xinh đẹp tuyệt trần ấy. Nếu không, anh sẽ biết ngay, làm cho quan chánh án phải nổi giận là tội to như thế nào.

- Bẩm quan lớn,- Usta Oma đáp- xin ngài chớ doạ nạt tôi, tôi van ngài đấy, xin ngài chớ nổi giận. Tôi xin thề trước Đấng tạo hoá đã ban ánh sáng cho tất cả chúng ta, rằng tôi không có đứa con nào khác ngoài con bé này. Tôi đã chẳng trăm nghìn lần thưa với ngài nó chẳng xứng với ngài đâu. Ngài đã nhất quyết không muốn tin lời tôi, vậy bây giờ ngài còn trách ai nữa.

 NGÀY THỨ NĂM MƯƠI LĂM.

Câu nói của người thợ nhuộm làm viên chánh án hiểu ra. Lão nén giận nói với ông:

- Thầy Usta Oma à, sáng nay có một cô con gái xinh đẹp tuyệt trần đến đây tìm ta, bảo nàng là con gái của thầy. Thầy cứ rêu rao với mọi người con gái của mình là một con quỷ, để chẳng có ai muốn đến hỏi nàng làm vợ, chứ thật ra con gái thầy rất đẹp.

- Bẩm quan lớn- người thợ nhuộm nói- con bé xinh đẹp đó ấy chắc chắn là một con lừa bịp. Chắc hẳn ngài có một kẻ thù nào đã giương cái bẫy này để hại ngài đó.

Viên chánh án cúi gục đầu, trầm ngâm một lát rồi ngẩng lên nói:

- Đúng là ta vừa gặp chuyện không may. Thôi đừng nói tới chuyện ấy nữa. Ta nhờ ông đưa con gái ông trở về nhà, ông giữ lấy nghìn đồng xơcanh vàng mà ta đã biếu ông. Nhưng ông chớ nên đòi hỏi gì thêm nữa, nếu ông muốn chúng ta còn là bạn bè.

Cho dù trước đây viên quan toà này từng thề trước những người làm chứng theo như luật định rằng ông sẽ còn phải trả thêm một nghìn xơcanh nữa, trong trường hợp người con gái của Oma không làm vừa lòng mình. Ông thợ nhuộm biết điều, không dám buộc quan chánh án phải giữ lời. Ông biết vị quan toà này là người rất hay thù hằn, nếu làm mất lòng ông ta, rồi ông ta sẽ dễ dàng tìm ra cơ hội làm hại mình. Ông nghĩ với số tiền nhận được như thế đã là quá đủ, liền đáp:

- Kính thưa ngài, tôi vâng lời ngài. Nhưng muốn cho cháu được về nhà, trước hết xin ngài hãy vui lòng tuyên bố khước từ người vợ này hẵng.

- Quả vậy, ta không có ý quên chuyện đó đâu. Ông hãy tin chắc đâu vào đấy ngay.

Quả nhiên, lão chánh án sai người tìm viên phó của mình đến, và việc đuổi người vợ ra khỏi nhà được tiến hành theo thủ tục. Xong xuôi mọi việc, người thợ nhuộm Usta Oma xin cáo từ. Ông lại nhờ người khuân vác chuyển cái hòm đưa con gái Quỷ dạ xoa trở về nhà như cũ.

Câu chuyện ấy chẳng bao lâu mọi người dân trong thành phố đều hay biết. Mọi người ai cũng cười chê, ai ai cũng cho rằng quan chánh án bị một vố như vậy là đáng đời.

Tuy nhiên, chúng tôi vẫn chưa cho thế là đủ. Chúng tôi còn muốn đi xa hơn nữa. Nhờ có ngài Muaphac giúp đỡ, tôi tìm cách yết kiến được Đấng thống lĩnh các tín đồ. Tôi nói rõ mình là ai và kể lại toàn bộ câu chuyện. Đương nhiên, như các vị thừa rõ, tôi không bỏ qua chi tiết nào có thể làm bật rõ hơn tính xảo trá của viên quan chánh án. Hoàng đế chăm chú lắng nghe tôi rồi nhẹ nhàng trách tôi:

- Chàng hoàng tử, tại sao ngay từ đầu chàng không nghĩ đến chuyện nhờ ta? Có thể chàng lấy làm xấu hổ về sự bất hạnh của mình chăng. Nhưng chẳng có gì phải hổ thẹn cả, nếu chàng đến ra mắt ta trong bộ áo quần của một con người khốn cùng. Chẳng phải là người trên trần thế ai muốn giàu khắc được giàu, ai muốn nghèo sẽ chịu nghèo mãi hay sao? Chỉ có Thượng đế mới có thể quyết định số phận chúng ta. Có gì mà hoàng tử phải e ngại, e mình ăn mặc rách rưới cho nên không được hoàng đế đón tiếp phải chăng. Không đâu, chàng hãy biết rằng ta yêu mến và quý trọng quốc vương Ben-Ortoc phụ thân của chàng lắm. Giá như chàng ngỏ lời nhờ ta trước, thì triều đình này đã là một nơi tạm trú an toàn cho hoàng tử ngay từ đầu.

Hoàng đế còn vỗ về tôi nhiều điều khác. Người ban cho tôi một chiếc áo chầu. Đồng thời người tháo luôn chiếc nhẫn nạm kim cương đẹp đang đeo ở tay ban cho tôi. Tiếp đó, vua sai người mang đến mời tôi uống một thứ nước trái cây ướp lạnh tuyệt vời.

Tôi lạy cảm tạ vua và xin cáo từ. Trở về đến nhà nhạc phụ, tôi đã thấy để sẵn ở đấy sáu cái túi lớn bằng gấm Ba Tư đựng đầy vàng và bạc, hai tấm vải thêu nổi, một con tuấn mã thuần nòi Ba Tư rất đẹp đã thắng yên cương sang trọng.

Ngoài những thứ đó ra, hoàng đế lại cho nhạc phụ Muaphac tôi trở lại làm thống đốc thành Batđa như cũ. Để trừng phạt viên chánh án đã mưu đồ lừa dối nàng Zermut và phụ thân của nàng, vua cách chức viên quan toà ấy, kết tội tù chung thân, bắt sống suốt đời trong ngục tối. Đã thế, ngài còn truyền lệnh bắt lão phải chung sống với cô con gái Quỷ dạ xoa của ông thợ nhuộm Usta Oma.

Mấy ngày sau cuộc hôn lễ của chúng tôi, tôi phái một người về Muxen tâu trình phụ vương tôi biết tất cả những việc đã xảy ra từ ngày tôi rời khỏi triều đình của ngài, đồng thời xin phép được trở về ngay cùng với người mà tôi vừa cưới làm vợ. Tôi nôn nóng chờ đợi người phái đi quay trở lại.

Nhưng than ôi! Người ấy chỉ mang lại cho tôi những tin tức vô cùng buồn bã. Anh báo cho tôi rõ, đức quốc vương Ben-Ortoc, sau khi hay tin bốn nghìn tên cướp Bêđuin tấn công và đánh tan tác đoàn tuỳ tùng bảo vệ tôi, người tin hẳn tôi không thể nào còn sống sót. Vì quá đau buồn, phụ vương tôi lâm bệnh và qua đời. Hoàng thân Amađêtdin Zenghi một người anh em họ của tôi hiện đang trị vì xứ Muxen. Hoàng thân là một người công minh và có tài trị nước, được nhân dân tin phục. Tuy vậy khi dân chúng hay tin tôi hãy còn sống, mọi người hết sức mừng vui. Đích thân hoàng thân Amađêtdin viết một bức thư sai phái viên mang về cho tôi, khẳng định lòng trung thành của hoàng thân, và bày tỏ ông rất nôn nóng muốn được nhìn tôi trở về kinh đô để trao lại chiếc vương miện. Ông nguyện làm một người phò tá hàng đầu của triều đình.

Tin tức nhận được khiến tôi quyết định phải mau mau trở về Muxen. Tôi vào triều xin phép cáo biệt Đấng thống lĩnh các tín đồ. Người ban cho tôi ba nghìn người ngựa rút từ đội quân cấm vệ, tháp tùng tôi về tận nước nhà.

Vậy là sau khi ôm hôn ngài Muaphac và bà nhạc mẫu, tôi rời thành phố Batđa cùng với nàng Zemrut quý yêu. Nàng vô cùng buồn bã và có lẽ không sống nổi khi phải xa cha mẹ, nhưng nhờ có tình yêu đối với tôi, nàng cũng cảm thấy khuây khoả được phần nào.

  NGÀY THỨ NĂM MƯƠI SÁU.

Đường trở về Muxen, mới đi được chừng một nửa, thì những người của đội tuỳ tùng được phái đi lên trước thám thính phát hiện ra một đạo binh đang hành quân về phía chúng tôi. Lúc đầu tôi tưởng đây lại là bọn cướp người Bêđuin. Ngay tức khắc tôi ra lệnh dàn quân sẵn sàng chiến đấu, thì lại được báo cho biết đạo binh ấy không phải là quân trộm cướp, không phải là kẻ thù, mà chính là quân đội của quốc vương Muxen, do Amađêtdin Zenghi đích thân dẫn đầu đi nghênh đón chúng tôi. Về phía hoàng thân, khi được biết trước mặt mình là những ai, ông vội tách ra một đội binh nhỏ cùng các quan chức chính của triều đình Muxen, vội đi lên trước ra mắt tôi. Hoàng thân nói với tôi những lời y như trong bức thư đã gửi trước, nghĩa là rất kính cẩn, rất thần phục. Tất cả những đại thần đi theo đều bày tỏ sự trung thành với tôi và thề sẽ phục vụ hết lòng.

Cho dù tôi vẫn có lý do để nghi ngờ, để nghĩ người anh em họ của mình có thể mượn cớ tôn vinh tôi, để rồi bày mưu tính kế sát hại, và tiếp tục làm vua xứ Muxen, tôi vẫn không tỏ ra mình thiếu tin cậy, cho dù trong lòng có thoáng chút lo âu. Tôi cho đội tuỳ tùng mà hoàng đế đã cử đi bảo vệ tôi quay trở về, và phó thác số phận mình vào tay hoàng thân Amađêtdin.

Nhưng chẳng bao lâu tôi hối hận ngay về sự nghi kỵ của mình. Hoàng thân không có chút mưu đồ đen tối nào, mà chỉ nghĩ làm sao tôn vinh và bày tỏ lòng trung thành đối với tôi. Chúng tôi vừa đến Muxen, toàn thể nhân dân nhìn thấy tôi đều vui mừng khôn xiết. Hội hè vui chơi diễn ra suốt ba ngày liền. Ban đêm các phố xá trang hoàng cờ đèn rực rỡ, thành phố tưng bừng thâu đêm suốt sáng.

Không chỉ có trang hoàng làm đẹp thành phố, người ta còn bày ra trước các cửa hiệu lớn những chiếc mâm đầy cơm rang thập cẩm đủ màu sắc, cùng những cái vò đựng đầy nước hoa quả ép. Người qua đường tha hồ ăn uống thoả thích. Ở các ngã tư, các quảng trường, nhân dân nhảy múa theo nhịp trống cơm và trống cái. Đầy đường các khất sĩ đi lại nườm nượp để nhận thức ăn người dân dâng hiến. Nhân dân theo tiếng đàn ca, tiếng xập xoã, tiếng kèn đồng diễu qua trước cửa cung điện của tôi. Mọi người ngước lên nhìn tôi ngồi cùng nàng Zemrut trên ban công, và cùng cất tiếng tung hô: Cầu xin Thượng đế ban phước lành cho nhà vua! Cầu xin Thượng đế cho nhà vua luôn luôn được chiến thắng!

Ngoài những vinh dự ấy, tôi còn nghĩ cách làm sao cho người vợ yêu của tôi, nàng Zemrut vui thích hơn nữa. Tôi sai mang vào phòng riêng của nàng những vật quý hiếm và đẹp đẽ nhất. Tôi chọn trong đám cung nữ của phụ thân tôi để lại hai mươi lăm phụ nữ người nước ngoài xinh tươi đến hầu hạ nàng. Những cô gái ấy thành thạo trong việc đàn ca xướng hát. Họ biết chơi nhiều loại nhạc cụ. Họ nhảy múa nhẹ nhàng và xinh đẹp như những nàng tiên. Tôi còn ban cho nàng một toán hoạn nô mười hai người do một viên trưởng người da đen dẫn đầu, những người này nổi tiếng có nhiều tài nghệ mua vui cho người khác.

 NGÀY THỨ NĂM MƯƠI BẢY.

Vậy là tôi trị vì đất nước. Tôi sống hạnh phúc với nàng Zemrut và nàng cũng rất yêu chồng. Giữa những ngày hạnh phúc ấy, một hôm có một tu sĩ trẻ tuổi đến ra mắt triều đình tôi. Do trí thông minh và tính hài hước, tu sĩ nói năng rất khéo léo và đầy trí tuệ làm cho các quan đại thần trong triều ai cũng mến yêu. Tu sĩ theo họ dự các cuộc đi săn, cùng uống rượu với họ. Không có cuộc vui chơi nào của họ vắng mặt tu sĩ.

Nhiều người nói với tôi, đây là một chàng trai biết cách trò chuyện rất thú vị. Mọi người đều tâng bốc đến mức tôi cũng nảy ra ý muốn gặp và chuyện trò cùng người tu sĩ ấy xem sao. Khi gặp tu sĩ, tôi thấy người ta không phải quá lời; thậm chí chàng có vẻ thông minh hơn nhiều so với tôi hình dung. Chuyện trò với chàng hết sức thú vị. Tu sĩ ấy cũng giúp tôi bỏ một định kiến sai lầm. Một hôm, tôi ngỏ ý muốn trao cho tu sĩ một chức vụ quan trọng ngang các đại thần bậc nhất trong triều đình. Chàng từ tạ, nói mình đã nguyện sẽ không bao giờ nhận một công vụ có quyền lực nào, suốt đời sẽ sống một cuộc sống tự do, thoải mái chẳng phụ thuộc vào ai. Chàng nói mình coi thường mọi vinh hoa phú qúy, luôn luôn hài lòng với những gì Thượng đế ban cho. Bởi Thượng đế lúc nào cũng quan tâm đến mọi sinh linh, Người ban cho ai những gì thì ta phải hài lòng với chừng ấy, không nên mong ước được hơn.

Tôi khâm phục con người coi thường mọi vinh danh tài lộc trên đời, càng thêm quý trọng chàng ta. Mỗi lần tu sĩ vào triều, tôi luôn cho tìm gọi đến để cùng nhau đàm đạo. Dần dà tôi thấy giữa mình và tu sĩ có một mối tình cảm bạn bè đặc biệt thân thiết, tu sĩ ấy gần như trở thành người được tôi sủng ái nhất.

Một hôm trong một chuyến đi săn trong rừng, tôi đi tách đoàn săn ra, ngồi nghỉ riêng một nơi. Ở gần tôi lúc ấy chỉ có chàng tu sĩ. Chàng kể cho tôi nghe về các chuyến đi của mình trước đây. Hoá ra mặc dù còn trẻ tu sĩ này cũng đã du ngoạn khá nhiều nơi. Chàng nói cho tôi nghe nhiều điều kỳ thú mà chàng đã từng chứng kiến trong một lần đi sang Ấn Độ. Lần ấy, chàng có quen một bậc tu sĩ Balamôn rất cao niên. Chàng nói:

- Đấy là một con người vĩ đại, ngài biết rất nhiều bí ẩn của trời đất. Đối với vị tu hành ấy, hình như thiên nhiên không còn có gì là không hiểu thấu. Tôi rất quý trọng ngài. Khi cụ qua đời, có tôi bên cạnh. Vị tu hành già cũng rất yêu tôi. Vì vậy trước khi trút hơi thở cuối cùng, cụ bảo: „Ta muốn truyền cho con một bí quyết để sau này con mãi nhớ đến ta, với điều kiện con không được truyền lại cho bất kỳ ai khác“. Tôi hứa với vị tu sĩ Balamôn lão thành và ngài đã dạy cho tôi bí quyết.

Tôi hỏi:

- Loại bí quyết gì vậy, hở tu sĩ? Phải chăng đó là bí quyết có thể làm ra vàng?

- Không, tâu bệ hạ,- tu sĩ đáp.- Bí quyết này còn quý hơn rất nhiều: Đấy là cách làm cho một thi thể đã chết rồi hồi sinh trở lại. Không phải kẻ này có quyền năng trao trả lại cho một người vừa qua đời linh hồn người ấy vừa trút bỏ, chỉ có Thượng đế mới làm nên chuyện thần kỳ ấy. Nhưng tôi có pháp cho linh hồn mình nhập vào một thi thể không còn hơi sống nữa. Khi nào hoàng thượng thích, tôi sẽ làm việc ấy để ngài tự mắt xem.

- Ta rất hài lòng. Vậy nếu ông đồng ý, hãy làm điều ấy ngay bây giờ.

Ngẫu nhiên xui khiến thế nào, vừa lúc ấy có một con hươu cái chạy ngang qua. Tôi bắn một mũi tên, nó gục ngã. Tôi nói với tu sĩ:

- Bây giờ chúng ta hãy xem ông có thể làm con vật này hồi sinh trở lại.

Hoàng thượng sẽ được hài lòng ngay. Xin ngài hãy chú ý nhìn điều sắp xảy ra.

Tu sĩ vừa dứt lời, tôi nhìn thấy thân xác chàng ta ngã xuống, nằm im không động đậy, trong lúc ấy con hươu cái nhẹ nhàng đứng lên. Các vị hẳn hiểu tôi ngạc nhiên biết chừng nào. Chuyện xảy ra trước mắt như vậy, mà tôi vẫn như chưa muốn tin vào mắt mình. Lúc ấy con hươu cái đến cạnh tôi, đưa mõm liếm bàn tay tôi, sau khi nhún nhảy đùa chơi mấy bước, nó lại gục ngã xuống chết như cũ. Vừa lúc ấy thân thể tu sĩ đang nằm dài trên đất, hồi tỉnh trở lại. Rất thú vị về bí quyết kỳ lạ ấy, tôi yêu cầu tu sĩ hãy truyền cho tôi. Chàng đáp:

- Tâu bệ hạ, tôi rất tiếc không thể nào đáp ứng mong muốn của bệ hạ. Bởi tôi đã hứa với vị cao tăng Balamôn là sẽ không truyền bí quyết ấy cho bất kỳ ai hay biết, giờ đây tôi không thể không giữ lời hứa với cụ.

Tu sĩ càng từ chối, càng kích thích tôi hiếu kỳ muốn nắm lấy bí quyết. Tôi nài nỉ:

- Anh chớ nên từ chối lời ta yêu cầu. Ta hứa sẽ không để lộ bí quyết ấy cho với bất kỳ ai khác rõ. Ta xin thề có trời đất chứng giám, chẳng bao giờ ta dùng bí quyết ấy nhằm mục đích xấu xa.

Tu sĩ suy nghĩ một lát rồi đáp như sau:

- Tôi không dám không đáp ứng yêu cầu của một đấng quân vương mà tôi vô cùng kính trọng như bệ hạ. Tôi đành khuất phục trước lời khẩn khoản của ngài. Hơn nữa, ngày trước tôi chỉ hứa với tu sĩ Bàlamôn thôi, chứ không phải bị ràng buộc vào một lời thề thiêng liêng không được phép vi phạm. Vậy tôi sẽ nói để hoàng thượng rõ bí quyết của tôi. Ngài chỉ cần nhớ kỹ trong lòng hai tiếng, khi cần thiết, ngài thầm đọc hai tiếng ấy thôi, đọc thầm thôi, không thốt ra lời, ngài có thể làm cho một xác chết hồi sinh.

Tu sĩ bảo thầm cho tôi biết hai tiếng thần kỳ ấy. Vừa nắm được bí quyết, tôi muốn thử nghiệm xem sao. Tôi thầm nhẩm hai tiếng diệu kỳ ấy để chuyển linh hồn tôi vào trong thi thể con hươu cái. Và thế là ngay tức khắc, tôi mang hình dạng con vật ấy. Nhưng niềm vui thích của tôi chuyển ngay sang thành nỗi đau kinh dị. Bởi khi linh hồn tôi vừa chuyển sang hình dạng con hươu cái thì tên tu sĩ khốn kiếp kia chuyển linh hồn của nó vào thi thể của tôi. Nhanh chóng chụp lấy chiếc cung của tôi bên cạnh, y chuẩn bị phóng một mũi tên định hạ sát tôi, may sao hiểu ra ý đồ đen tối của y, tôi vội vàng co chân chạy trốn. Tu sĩ vẫn bắn theo mũi tên, may không trúng đích.

 NGÀY THỨ NĂM MƯƠI TÁM.

Thế là bỗng nhiên tôi phải chung sống với các dã thú trên núi, trong rừng. Hạnh phúc xiết bao, giá khi phải mang lốt một con vật, tôi không chỉ mất hình dạng con người mà còn mất luôn cả trí khôn thì tôi đã đỡ phải đau khổ vì không sao dứt nổi khỏi đầu óc bấy nhiêu chuyện đau buồn.

Trong khi tôi mang theo nỗi bất hạnh ghê gớm của mình lang thang trong rừng rậm, thì tu sĩ chiếm đoạt ngai vàng xứ Muxen. Điều làm cho tôi còn đau khổ hơn nữa là y mặc nhiên trở thành chồng của nàng Zemrut. Y để lại cái thân xác tu sĩ của y trong rừng. Hài lòng đã mang được hình hài của tôi, y hưởng mọi hạnh phúc của một nhà vua đang trị vì.

Tuy nhiên, y vẫn sợ tôi nắm được bí quyết, rồi một ngày nào đó sẽ tìm cách trở lại kinh thành, y ra lệnh giết chết tất cả những con hươu cái trong vương quốc. Để khuyến khích người dân làm việc ấy, y ban chiếu chỉ công bố bất kỳ ai mang đến nộp xác một con hươu cái, sẽ được thưởng ba mươi đồng xơcanh vàng. Nhân dân cả xứ Muxen hy vọng kiếm được tiền, thi nhau mang cung tên xục xạo khắp rừng rậm đồng hoang, hễ trông thấy con hươu cái nào là bắn hạ ngay tức khắc.

May mắn cho tôi không phải lo gặp tai nạn ấy vì một hôm, nhìn thấy xác một con hoạ mi vừa mới chết ở một gốc cây. Tôi dùng bí quyết làm con chim hồi tỉnh. Dưới hình dạng mới này, tôi bay về hoàng cung, nơi kẻ thù của tôi đang ngự trị. Tôi lẫn vào vầng lá um tùm một cây to trong vườn ngự uyển. Cây ấy mọc không xa cung riêng của hoàng hậu. Đỗ trên cành cây, buồn đau cho số phận của mình, tôi cất tiếng hót khổ đau. Cứ sáng sáng, khi mặt trời vừa mọc, tất cả chim chóc trong vườn mừng vui nhìn thấy ánh sáng thái dương trở lại, con nào con nấy cất tiếng hót líu lo chào mừng ngày mới. Riêng phần mình, chẳng chút quan tâm đến ánh sáng rực rỡ một ngày vừa rạng, tôi vẫn chìm đắm trong nỗi buồn. Đôi mắt hướng về phòng riêng hoàng hậu Zemrut, tôi cất tiếng hót não nề, những tiếng sầu thương tới mức làm hoàng hậu chú ý và đến gần bên cửa sổ. Tôi tiếp tục cất tiếng hót, càng xúc động càng đau đớn hơn, như thể nàng có thể hiểu ra tâm trạng của tôi lúc này. Nhưng hỡi ôi! Hoàng hậu lại tỏ ra thích thú nghe chim hót. Không những không chút buồn phiền vì lời than ai oán của

tôi, bà lại còn cười gọi một cung nữ, cô này vội đến bên cửa sổ cùng hoàng hậu nghe chim hoạ mi hót.

Tôi không bay ra khỏi vườn ngự uyển cả ngày hôm ấy cũng như những ngày hôm sau. Và sáng nào tôi cũng đến cất tiếng hót ở cùng một nơi ấy. Hoàng hậu Zemrut cũng không quên theo thói quen đến bên cửa sổ, và hình như trời đất xui khiến hay sao, nàng nảy ra ý kiến muốn bắt tôi. Hoàng hậu bảo một người hầu:

- Ta muốn các người bắt con chim hoạ mi kia cho ta. Các người hãy đi tìm những người chuyên bẫy chim, bảo họ cố làm sao bắt sống nó mang về đây cho ta. Ta thích con chim này lắm, ta yêu quý nó đến phát điên lên.

Lệnh hoàng hậu tức khắc được tuân theo. Nhiều người chuyên nghề bẫy chim thành thạo được mời đến hoàng cung. Họ chăng những tấm lưới của họ lên cạnh vành lá cây tôi thường đỗ. Và vì chính bản thân tôi không muốn thoát khỏi lưới của họ, tôi hiểu người ta muốn bắt tôi, không cho tôi còn được tự do trên cành cây, là để tôi được trở thành nô lệ của hoàng hậu mình, tôi tự sa vào bẫy.

Vừa bắt được tôi, ôm tôi trong đôi bàn tay nàng, hoàng hậu tỏ ra vui mừng. Nàng vuốt lông tôi và nói:

- Con hoạ mi xinh xắn, con hoạ mi đáng yêu, ta muốn ta là đoá hoa hồng của mày. Ta đã bắt đầu cảm thấy yêu thương mày vô hạn.

Nói đến đây nàng hôn tôi, và tôi nhẹ nhàng đặt cái mỏ của mình lướt trên đôi môi nàng. Nàng cười phá lên:

- Con chim tinh quái này, hình như nó nghe được lời ta nói hay sao.

Sau khi vuốt ve tôi một hồi, tự tay hoàng hậu bỏ tôi vào một cái lồng chim đan bằng những sợi vàng mà một viên hoạn nô vừa ra phố mua về.

Mỗi ngày, hễ hoàng hậu thức giấc là tôi bắt đầu cất tiếng hót. Mỗi lần nàng đến gần lồng, muốn cho tôi ăn một thứ gì đấy hoặc muốn vuốt ve bộ lông chim, tôi không những không tỏ ra sợ hãi mà còn giương đôi cánh tỏ ý mừng vui và chìm cái mỏ nhỏ xíu của mình ra ngoài lồng. Hoàng hậu ngạc nhiên thấy tôi sao chóng quen người đến vậy. Đôi khi nàng cho tôi ra khỏi lồng, thả cho bay tự do trong phòng. Lần nào tôi cũng bay đến bên nàng, để được nàng vuốt ve. Nhưng hễ có một nàng cung nữ nào muốn dơ tay bắt tôi thì tôi mổ thật dữ dội vào tay cô ấy. Cách thức ấy làm cho hoàng hậu ngày càng thêm thú vị, nàng thường nói chẳng may tôi chết đi thì nàng sẽ rất buồn bã, vì nàng cảm thấy rất quý rất yêu con chim nhỏ này.

Điều đau khổ lớn nhất của tôi là khi tu sĩ đến thăm hoàng hậu. Thật là một cực hình cho tôi! Cho đến bây giờ tôi vẫn không làm sao hết căm phẫn khi nghĩ lại cảnh tượng ấy. Mỗi lần tu sĩ đến âu yếm hoàng hậu, bộ lông tôi xù lên, tôi quay cuồng như điên dại trong chiếc lồng. Đôi khi hoàng hậu cùng với tên tu sĩ ấy đến cạnh lồng chim, và y bắt chước nàng đưa tay vuốt ve tôi, tôi mổ vào tay y thật mạnh. Nhưng nỗi căm hờn của tôi chỉ làm cho cả hai người cảm thấy thú vị hơn và phá ra cười với nhau.

Hoàng hậu có nuôi trong phòng một con chó cái nhỏ mà nàng cũng rất thích. Một hôm, con vật ấy chết trong khi đang sinh nở. Lúc ấy chỉ có mình tôi và con chó cái trong phòng. Tôi nảy ra ý muốn thử nghiệm một lần thứ ba nữa bí quyết của mình. Tôi tự nhủ: “Giờ đây ta nên chuyển linh hồn vào thân thể con chó kia. Ta muốn xem hoàng hậu sẽ buồn rầu như thế nào khi thấy con hoạ mi của nàng đã chết.”

Tôi chẳng hiểu sao tôi nảy ra cái ý tinh nghịch ấy. Tôi cũng không dự đoán sự thay hình đổi dạng này rồi sẽ dẫn đến việc gì. Nhưng bởi bí quyết ấy là một bí ẩn của trời đất, tôi cứ thực hành một cách ngẫu nhiên.

 NGÀY THỨ NĂM MƯƠI CHÍN.

Khi hoàng hậu quay trở về phòng, việc đầu tiên là nàng đi đến cạnh lồng chim. Nhìn thấy con hoạ mi đã chết, nàng hét lên một tiếng làm tất cả các cung nữ hoảng hốt chạy xúm lại:

- Có việc gì vậy, tâu hoàng hậu? Có điều gì không hay vừa xảy ra với bà?

Hoàng hậu nước mắt như mưa:

- Các ngươi không thấy ta đang tuyệt vọng đây sao. Con chim hoạ mi của ta chết rồi! Con chim yêu quý của ta, người chồng bé bỏng của ta! Tại sao chim vội ra đi? Thế là ta không còn được thưởng thức tiếng hót của mi, ta không còn được nhìn thấy mi. Ta đã làm gì khiến trời trừng phạt ta khắt khe đến thế này.

Hoàng hậu tỏ ra buồn phiền, những nàng hầu cố gắng hết sức vẫn không sao khuyên giải được, lại còn làm cho nàng có vẻ như buồn bã thêm lên. Một cung nữ vội vàng chạy đến báo cho tu sĩ biết, hoàng hậu đang có việc không vui. Y vội vàng đến ngay và nói với nàng rằng, một con chim chết thì có gì phải buồn phiền đến vậy. Cái chết của một con chim con thì có gì chẳng bù đắp được. Bởi hoàng hậu đã thích hoạ mi như vậy, thì ta sẽ sai người chăng bẫy, bắt về cho nàng muốn bao nhiêu có bấy nhiêu con. Nhưng mặc cho tu sĩ nói gì thì nói, chẳng làm sao khuyên giải được nàng Zemrut. Nàng than thở:

- Thôi, tâu hoàng thượng, xin ngài chớ khuyên giải em nữa, ngài chẳng làm được việc ấy đâu. Em hiểu là em qúa yếu đuối, sao đi buồn bã như vậy trước cái chết của một con chim con. Tự em cũng nghĩ giống như ngài, thế mà không hiểu sao em cứ buồn phiền không sao tả xiết. Em quý con chim nhỏ này lắm, hình như nó hiểu mọi thái độ cử chỉ của em, hình như nó biết đáp lại tình cảm của em đối với nó. Mỗi lần những người hầu của em đến gần thì nó tỏ ra hung dữ lắm; trong khi em vừa đến chìa tay ra thì nó đã nhảy ra cho em bắt. Hình như nó cũng có tình cảm đối với em, nó thường nhìn em vẻ buồn bã và trìu mến. Đôi khi hình như nó rất khổ vì không thể thốt ra được ra lời để biểu đạt tình cảm của nó với em. Em nhìn rõ điều ấy qua đôi mắt nó. Ôi, em không thể nghĩ đến chuyện ấy mà không buồn, con chim bé nhỏ đáng yêu của ta ơi, ta mất mi mãi mãi rồi.

Nói đến đấy hoàng hậu lại tuôn nước mắt, tưởng như không có gì làm cho nàng khuây khoả được. Lúc ấy tôi đang nằm trong một góc, cho mấy con chó con bú tí. Tôi nghe rõ rất cả những lời nàng nói. Tôi quan sát mọi người mà không ai để ý đến tôi. Tôi linh cảm một điều gì đấy thuận lợi cho mình đây trong nỗi đau của bà. Tôi linh cảm tên tu sĩ, để an ủi hoàng hậu, sẽ sử dụng bí quyết của nó, và linh cảm của tôi quả không sai. Tu sĩ thấy hoàng hậu không sao nghe lời khuyên giải, mà hẳn y cũng yêu thương nàng lắm nên cảm động trước những giọt nước mắt của nàng. Thế là không cần khuyên bảo thêm nữa, y lệnh cho những người giúp việc hoàng hậu ra hết khỏi phòng, để lại riêng mình y cùng với nàng. Lúc này nó mới nói hoàng hậu, ngỡ ngoài hai người không có ai nghe:

- Thưa bà, cái chết của con chim hoạ mi khiến bà buồn bã đến vậy thì ta sẽ làm cho nó hồi sinh trở lại, bà chớ nên buồn phiền nữa. Rồi bà sẽ trông thấy nó tỉnh lại ngay cho mà xem. Ta hứa sẽ trả lại cho bà con chim. Và mỗi sáng thức dậy bà sẽ lại nghe tiếng nó hót, bà sẽ có niềm vui được vuốt ve nó.

Hoàng hậu nói:

- Tâu bệ hạ, hình như ngài cho em là một con ngớ ngẩn hay sao. Ngài cố làm cho em hy vọng sáng mai sẽ nhìn thấy con hoạ mi của mình sống trở lại. Đến mai, ngài sẽ nói chuyện thần kỳ ấy sẽ diễn ra sang mai kia, và cứ lần lữa ngày này qua ngày khác như vậy, ngài nghĩ rồi em sẽ dần quên con chim nhỏ của em. Hay là ngày có ý định sai người tìm cho em một con chim khác, bỏ vào lồng thay chỗ con hoạ mi kia để em đỡ buồn phiền?

- Không, không phải vậy đâu, hoàng hậu của ta ạ,- tu sĩ đáp.- Không phải một con chim khác mà chính con hoạ mi đang nằm bất tỉnh trong lồng kia, nó chết đi khiến bà buồn rầu đến vậy, thì chính nó sẽ trở lại hót cho bà nghe. Ta sẽ cho nó một cuộc sống mới, và rồi bà sẽ tha hồ yêu thương nó, rồi bà sẽ thấy nó vẫn rất tha thiết muốn làm vừa lòng bà. Bởi chính ta sẽ nhập hồn vào xác con chim ấy, để rồi sáng sáng ta cho nó sống lại và làm vui lòng hoàng hậu. Ta có khả năng làm nên điều thần diệu ấy, -tu sĩ nói tiếp, -đấy là một bí quyết ta nắm được. Nếu bà vẫn chưa tin, nếu bà quá sốt ruột muốn được nhìn thấy con hoạ mi của bà sống lại ngay lúc này, thì ta có thể cho nó hồi sinh tức khắc.

Hoàng hậu không đáp. Qua sự lặng im ấy, tên tu sĩ ngỡ là nàng không tin. Y liền ngồi xuống chiếc trường kỷ và thầm niệm hai tiếng thần chú, chuyển linh hồn nó vào xác con chim. Tấm thân của nó, hay đúng hơn hình hài của tôi, ngả dài trên ghế. Cùng lúc, con chim hoạ mi bắt đầu cất tiếng hót trong lồng trước sự vô cùng kinh ngạc của hoàng hậu. Nhưng nó cất tiếng hót chẳng được bao lâu. Bởi nghe nó vừa cất tiếng, tôi vội từ bỏ thân xác con chó cái, nhập ngay vào hình hài của chính mình. Việc đầu tiên của tôi là chạy vội đến chiếc lồng chim, lôi cổ con chim ra bóp chết luôn. Hoàng hậu hỏi:

- Ngài làm gì vậy, tâu hoàng thượng? Sao ngài đối xử với con hoạ mi của em tàn tệ như vậy? Nếu ngài đã không muốn nó sống thì cần gì phải cho nó hồi sinh.

Tôi chẳng mấy quan tâm lời hoàng hậu nói. Tôi thốt lên:

- Tạ ơn trời đất, thế là xong! Thế là ta trừng trị được tên khốn nạn đã phản trắc ta.

Lúc nãy hoàng hậu rất đỗi ngạc nhiên thấy con hoạ mi sống trở lại thì giờ đây nàng còn kinh ngạc hơn khi nghe tôi thốt những lời vừa rồi. Nàng hỏi:

- Tâu hoàng thượng, có chuyện chi khiến ngài xúc động đến vậy? Những lời ngài vừa nói có nghĩa gì, em thật không hiểu.

Tôi thuật lại cho nàng nghe tất cả những việc đã xảy ra thời gian qua. Tôi để ý thấy trong khi nghe chuyện, thỉnh thoảng nàng lại biến sắc rùng mình. Khi thì nàng lại đỏ mặt lên hổ thẹn sao mình đã không chung thuỷ với chồng cho dù vô tình, khi thì nàng tái mặt như xác chết vì đớn đau tức giận. Hoàng hậu không chút nghi ngờ tôi đích thực là hoàng tử Falala, bởi trước đó nàng đã biết người ta đã tìm thấy xác tên tu sĩ trong rừng, và mọi người đều rõ lệnh độc ác của y cho giết chết tất cả những con hươu cái trên đất nước này.

 NGÀY THỨ SÁU MƯƠI.

Sau khi kể cho nàng Zemrut nghe đầu đuôi câu chuyện lạ lùng đến vậy, chẳng bao lâu tôi hối tiếc ngay. Đáng ra tôi chỉ nên nói với nàng có một đạo sĩ phép thuật cao cường nào đấy đã dạy cho tôi bí quyết làm cho một sinh vật chết có thể hồi sinh, chứ không nên kể lại cái trò đểu cáng tên tu sĩ gây ra cho tôi và cho cả hoàng hậu. Giá nàng không biết câu chuyện ấy thì tốt biết chừng nào, giá được vậy thì hẳn nàng còn sống đến nay. Nhưng điều tôi vừa nhỡ nói ra với các vị chứng tỏ tôi lại nhầm lẫn nữa rồi. Chẳng lẽ chúng ta không biết tất cả hoạ phúc xảy ra cho mọi người trần thế đều đã được định trước trên thiên đình hay sao.

- Thưa các vị, hoàng tử Falala nói tiếp với vua Timuatat, hoàng hậu Enma và hoàng tử Calap,- hoàng hậu của tôi tức là tiểu thư con gái ngài Muaphac ngày trước, rất buồn phiền vì nàng đã mang lại hạnh phúc cho một tên khốn nạn, nàng đã thật lòng âu yếm nó, và chuyện ấy khiến nàng băn khoăn sầu thảm đến mức không ai có cách gì làm cho nàng khuây nguôi. Tôi cố gắng biện bạch cho nàng nghe, sở dĩ nàng có lần không chung thủy với tôi, chẳng qua do không biết rõ mà thôi. Tội ấy là tội tên tu sĩ và nó đã chịu đền tội, nó đã bỏ mạng rồi.

Song mặc cho tôi nói gì thì nói, mặc cho tôi bày tỏ yêu đương nàng hết mực, chẳng có cách gì làm cho nàng quên nguôi sự việc đáng ghê tởm ấy. Nàng ngã bệnh, và chẳng bao lâu qua đời trong vòng tay tôi. Trước khi lâm chung nàng còn một lần nữa xin tôi tha thứ cho về một lỗi lầm mà thật ra đâu phải do nàng gây nên.

Sau khi hoàng hậu của tôi qua đời, và tôi đã làm mọi lễ nghi cần thiết mai táng nàng thật trọng thể, tôi cho mời hoàng thân Amađêtdin Zenghi đến và bảo:

- Em trai của anh ơi, anh không có con. Vì vậy anh muốn nhường ngôi vua xứ Muxen này cho em. Anh truyền ngôi báu cho em, anh khước từ không trị vì nữa, anh muốn sống những ngày còn lại trong cảnh ẩn dật.

Hoàng thân Amađêtdin vốn yêu quý tôi thật lòng, cố tìm mọi cách khiến tôi thay đổi ý định. Nhưng tôi bảo trước chàng mọi việc đều vô ích thôi:

- Hoàng thân ạ, ta đã quyết rồi, ta truyền ngôi vua cho hoàng thân. Hãy ngồi lên ngôi báu của vua Falala. Ta hy vọng rồi hoàng thân sẽ may mắn, hạnh phúc hơn ta. Nhân dân cả nước từ trước đến nay đều hiểu rõ tài thao lược của hoàng thân, nhân dân đã từng có dịp hưởng niềm vui được hoàng thân ngự trị. Về phần ta, ta đã chán mọi vinh hoa phú quý. Ta sẽ tìm đến một xứ sở xa xôi hẻo lánh sống như một con người bình thường. Ở nơi ấy ta không phải chăm lo việc triều chính hàng ngày. Ta sẽ có thời gian khóc than nàng Zemrut, ta tha hồ hồi tưởng những ngày hạnh phúc từng chung sống với nàng. Nuôi dưỡng kỷ niệm về những ngày hạnh phúc ấy sẽ là công việc chính trong cuộc sống thường nhật của ta sau này.

Vậy là tôi giao cho Amađêtdin Zenghi chiếc vương miện xứ Muxen, rồi lên đường hướng về thành phố Batđa. Tôi chỉ cho mấy người giúp việc theo hầu. May mắn tôi đến được thành phố ấy có mang theo nhiều vàng bạc châu báu. Tôi tìm đến nhà ngài Muaphac. Ngài cũng như bà nhạc mẫu tôi vô cùng ngạc nhiên thấy tôi đột ngột đến thăm. Hai người càng ngỡ ngàng hơn nữa khi biết tin con gái mình đã qua đời, đứa con họ vô cùng yêu quý. Tôi vừa kể lại tất cả câu chuyện đã xảy ra thời gian qua vừa tuôn nước mắt, khiến hai ông bà nhạc của tôi cũng không cầm được nước mắt.

Tôi chẳng nấn ná lâu ở thành phố Batđa. Gặp một đoàn người rất đông đảo hành hương về thánh địa Mêcca, tôi tháp tùng họ. Sau khi làm xong nghĩa vụ tín đồ của tôi ở chốn thiêng liêng ấy, tình cờ tôi gặp một đoàn người Tarta vừa từ xứ ấy về đây hành hương tại Mêcca. Tôi lại tháp tùng họ, định cùng họ về xứ Tartari. Đi ngang qua thành phố này, tôi thấy phong cảnh ở đây dễ chịu, tôi dừng chân và định cư luôn ở đây.

Tôi sống ở nơi này tính đến nay gần được bốn mươi năm. Trước mắt mọi người dân, tôi là một khách ngoại quốc xưa kia từng làm nghề thương mại. Tại đây tôi sống cuộc đời thật sự ẩn dật. Hầu như tôi không tiếp khách bao giờ. Nàng Zemrut luôn luôn hiện diện trong trí óc tôi, và tôi cảm thấy lạc thú khi thường xuyên hồi tưởng đến nàng.