Người A Rập kinh ngạc không thể nào tả xiết, khi nhận ra có đủ chứng cứ để ngờ nàng Repxima dám phạm một tội ác tày trời đến vậy. ông thốt lên:
- A, người đàn bà khốn nạn! Chị bày tỏ lòng biết ơn người ta cho chị ẩn náu trong nhà bằng cách ấy ư? Làm sao chị nỡ làm đổ máu con trai ta? Đứa bé vô tội này đã làm gì mày, đến nỗi mày giết nó khi nó còn đang nằm trong nôi? Thật đồ bất nhân độc ác! Ta làm ơn cho mày để rồi được mày trả ơn thế này ư?
Nói chưa dứt lời, ông lại tuôn nước mắt khóc như mưa, tuyệt vọng vô cùng. Tên Calit liền nói:
- Thưa ông chủ quý mến, sao ngài lại dùng những lời lẽ nhẹ nhàng như vậy với mụ đàn bà khốn kiếp kia? Sao ngài chỉ bằng lòng trách mắng mụ thôi? Ngài phải cầm lấy con dao găm này đã làm đổ máu con trai ngài, đâm trúng trái tim con mụ. Nếu ngài ngần ngại không muốn tự tay trả thù, xin để việc ấy cho tôi. Cho phép tôi được trừng trị con mụ tay đã vấy máu trẻ em này!
Nói xong, tên da đen cầm cây dao găm, định xông tới đâm chết nàng Repxima. Nàng quá ngỡ ngàng, không hiểu tại sao người ta lại bảo nàng phạm một tội ác khủng khiếp đến thế, cứ ngẩn người, miệng câm như thóc, không thốt nên lời.
Người đàn bà không còn đủ sức mở miệng thanh minh, tên nô lệ sắp đâm lưỡi dao vào ngực nàng thì người Ả Rập giữ tay y lại.
- Ngài làm sao vậy?- Tên Calit nói với ông- Sao ngài ngăn không cho tôi giết mụ đàn bà không biết thế nào là cái ơn được người khác cưu mang cho trong cơn hoạn nạn? Xin ngài chớ ngăn cản tôi, xin hãy để tôi làm cho mặt đất bớt đi một con quỷ dữ. Nếu ta không giết chết nó ngay, đế nó được sống, rồi nó sẽ gây nên những tội ác khác.
Y vừa nói vừa giương cao lưỡi đao lần thứ hai, định đâm một nhát thật mạnh giết chết luôn nàng Repxima, thì lần thứ hai, lại bị người Ả Rập ngăn lại. Mặc dù đang cơn tuyệt vọng, mặc dù có đủ dấu hiệu để có thể nghi ngờ người đàn bà này, ông vẫn khó tin nàng là thủ phạm. Ông muốn nghe nàng nói thế nào trức sự việc thế này. Ông hỏi tại làm sao nàng nỡ giết chết cháu bé. Nàng đáp mình hoàn toàn kkhông ay biết gì hết về chuyện này. Nói xong, tuôn ta khóc thảm thiết quá, đến nỗi người ăn trộm cũng mủi lòng. Tên da đen nhìn thấy thái độ ấy của ông, mặc dù hai lần bị ông ngăn lại, y vẫn lăm lăm muốn đâm chết nàng. Người Ả Rập khó chịu trước thái độ quá lăng xăng của y, liền lệnh cho y đi nới khác. Ông nói:
- Đi, đi, Calit. Sao chú hăng hái quá vậy? Ta không muốn giết chết người đàn bà này. Ta vẫn tin chị vô tội, dù có những chứng cứ để nghi ngờ.
Vợ người ăn trộm, cho dù vô cùng đau đớn trước cái chết của đứa con trai, vẫn không thể nào tin nàng Repxima có thể gây tội ác ấy. Chị nói với chồng:
- Tốt hơn là chúng ta đuổi người đàn bà này ra khỏi nhà, đừng làm gì chị ấy. Không nên giết chết người ta khi mình chưa thật chắc đấy là thủ phạm.
Người Ả Rập đồng tình, và nói với nàng Repxima:
- Cho dù chị vô tội hay là sát nhân, chúng ta cũng chẳng thể cho phép chị ở trong nhà này nữa. Mỗi lần vợ ta nhìn thấy chị, sẽ lại nhớ đến cháu bé, làm sao chịu đựng nổi. Chị ra khỏi nhà này ngay. Chị muốn đi đâu tìm nơi ẩn náu tuỳ ý. Chị hẳn hài lòng về thái độ tự kiềm chế của ta. Đã không giết chết chị, ta sẽ còn cho chị một số tiền nhỏ để tạm sống qua ngày.
NGÀY THỨ CHÍN TRĂM CHÍN MƯƠI HAI.
Nàng Repxima ngợi ca sự công bằng của người ăn trộm. Nàng nói trời đất quá công minh cho nên mới khiến cho ông không nghĩ nàng là thủ phạm. Tiếp đó, Repxima cảm tạ hai ông bà đã cưu mang cho những ngày vừa qua. Nhưng khi người ăn trộm đưa cho một cái túi đựng một trăm đồng xơcanh, nàng không nhận mà nói:
- Xin ngài hãy giữ lấy số tiền của ngài. Tôi đã phó thác thân mình cho Định mệnh. Định mệnh sẽ quyết định cuộc đời tôi
- Không,- người ăn trộm đáp - Ta muốn chị phải cầm số tiền này. Rồi không phải vô ích cho chị đâu.
Nàng đành nhận số tiền, và sau khi xin vợ người ăn trộm chớ giận mình, nàng bước ra khỏi túp lều hai vợ chồng người A Rập.
Suốt ngày hôm ấy, nàng bước đi không nghỉ. Chập tối, đến trước cổng một thành phố không mấy xa bờ biển. Nàng gõ cửa một ngôi nhà nhỏ bên đường. Một bà cụ già ra mở cửa, hỏi nàng muốn gì.
- Thưa mẹ,- nàng Repxima nói với bà - con là một người xứ khác, con vừa đặt chân đến thành phố này, không quen biết ai ở đây. Con xin mẹ mở lòng nhân hậu cho con được nghỉ nhờ nhà mẹ tối nay.
Bà cụ già đồng ý, đưa nàng đến một căn phòng nhỏ. Nàng Repxima lấy trong túi ra một đồng xơcanh, đặt vào tay bà chủ nhà và nói:
- Mẹ ơi, mẹ hãy cầm lấy, con nhờ mẹ chịu khó đi kiếm thức gì về hai mẹ con ta cùng ăn tối.
Bà cụ già đi ra, lát sau quay trở lại mang theo một ít quả chà là cùng bánh khô và nước ngọt. Hai mẹ con cùng ăn tối với nhau. ăn xong, nàng Repxima kể những chuyện xảy ra trong đời mình cho bà cụ nghe, bà cảm động lắm. Sau đó hai người đi nghỉ.
Ngày hôm sau, người vợ của thương gia Temim ngỏ ý muốn được đi tắm. Bà cụ dẫn nàng đến nhà tắm. Trên đường đi, gặp một người đàn ông hai tay bị trói quặt đằng sau, có sợi dây tròng sẵn ở cổ. Một tay đao phủ dẫn người đàn ông ấy ra pháp trường; đằng sau có nhiều dân chúng chạy theo xem. Nàng Repxima hỏi người đàn ông này phạm tội ác gì. Có người cho biết người đàn ông ấy mắc một món nợ không trả được. Theo tục lệ của thành phố này, người nào vay nợ mà không trả được nợ, đều phải bị treo cổ. Nàng Repxima hỏi:
- Ông này nợ bao nhiêu?
Ông ta nợ sáu mươi xơ canh- một người dân đáp.- Nếu bà chịu trả hộ món nợ ấy, bà sẽ cứu ông ta khỏi chết.
- Rất sẵn lòng,- nàng Rexepma vừa nói vừa rút túi tiền ra- Tôi trả nợ cho ai bây giờ?
Người ta vội báo cho quan chánh án đang đi theo tội nhân ra pháp trường biết, có một bà nhận trả món nợ giúp người mắc nợ. Quan án cho mời người chủ nợ đến. Nàng Repxima đếm, trao đủ sáu mươi đồng xơcanh. Người mắc nợ được trả tự do ngay tức khắc. Tất cả dân chúng có mặt, ai cũng ngợi ca tấm lòng hào hiệp của người phụ nữ, ai cũng muốn biết rõ nàng là ai. Thành ra, đáng lẽ đến nhà tắm công cộng như dự định, nàng đành cáo biệt vội bà cụ chủ nhà, hấp tấp ra khỏi thành phố, tránh sự hiếu kỳ của dân chúng.
NGÀY THỨ CHÍN TRĂM CHÍN MƯƠI BA.
Trong thời gian ấy, người đàn ông vừa thoát chết đi tìm người đã làm ơn cho mình để cảm tạ. Người ta mách cho biết, người phụ nữ đã đi ra khỏi thành phố, người ấy liền hỏi nàng đi đường nào và cố đuổi theo cho kịp.
Đến bờ một cái giếng nước ngọt thì người đàn ông đuổi kịp nàng Repxima. Nàng đang dừng chân ngồi nghỉ một lát ở đấy Anh cúi chào hết sức kính cẩn, và xin tự nguyện làm nô lệ cho nàng để bày tỏ lòng biết ơn. Nàng nói:
- Không, tôi không muốn ông phải trả giá đắt đến thế việc tôi làm giúp ông. Chẳng phải đấy là ân huệ gì to tát lắm như ông nghĩ đâu. Không phải do thương yêu ông nên tôi cứu sống ông, ấy là vì tôi nghĩ đến lòng trắc ẩn của Đấng tối cao.
Trong khi nàng nói, người đàn ông chăm chú nhìn. Thấy nàng xinh đẹp quá chừng, anh ta bỗng đem lòng yêu quý.
Anh tỏ tình với nàng ngay tức khắc. Nghĩ chẳng có lúc nào tốt hơn lúc này để giãi bày lòng mình cho nàng thấy, anh ta quỳ xuống trước nàng Repxima và tuôn ra những lời đằm thắm vô cùng cuồng nhiệt. Nhưng người vợ chung thuỷ của thương gia Temim đã không thích thú thấy một người đàn ông cầu xin mình chút tình, lại đùng đùng nổi giận. Nàng đối xứ với người đàn ông này nghiêm khắc không kém với tên da đen kia.
- Tên khốn nạn,- nàng mắng- mày đã biết giá không có ta, lúc này mày không còn sống trên đời này nữa, thân mày đã móc lên giá treo cổ rồi, thế mà mày còn hòng làm xúc phạm danh dự của ta. Mày còn dám láo xược tuôn ra những lời xằng bậy.
- Thưa phu nhân xinh đẹp - người đàn ông ấy nói- tôi nghĩ chẳng có gì xúc phạm đến danh dự bà, khi tôi giãi bày tấm lòng yêu thương nồng cháy của tôi do thoạt nhìn thấy bà mà có. Có gì xúc phạm lắm đâu, khi tôi chỉ nói vẻ đẹp của bà làm cho tôi đắm say?
- Im mồm ngay, đồ vô lại,- Nàng Repxima quát- chớ nghĩ ta để lọt vào tai những lời mèo mỡ của mày. Mày đừng hòng che giấu động cơ xấu xa sau những lời đường mật, ta đã nhìn thấu rõ tâm can mày. Hãy cút đi ngay, chớ để ta phải hối tiếc tại sao đã làm phúc cho mày.
Thái độ của người thiếu phụ khiến người đàn ông hiểu, không có gì để hy vọng nữa ở nàng. Y đứng lên, không nói gì thêm, và lặng lẽ đi về phía bờ biển. Thấy một chiếc tàu vừa neo tạm ở đấy cho đoàn thuỷ thủ ghé lên bộ giải lao. Đấy là những nhà buôn thành phố Basra, sắp xuống tàu khởi hành làm một chuyến đi xa, về đảo Xêrenđip. Anh chàng tiến đến gần, nói với người thuyền trưởng:
- Tôi có một con nô lệ cực kỳ xinh đẹp, tôi muốn bán nó đi vì nó không chịu để cho tôi yêu. ông muốn mua, tôi bán rẻ cho. Nó đang ngồi nghỉ bên bờ cái giếng kia, cách đây có mấy bước chân. Tôi bán rẻ cho ngài, tôi chỉ đòi lấy ba trăm đồng xơcanh thôi.
- Ta nhận mua theo giá ấy,- thuyền trưởng đáp- miễn là nó còn trẻ và đẹp đúng như lời anh nói.
Thoả thuận giá cả với nhau xong, người đàn ông kia đưa viên thuyền trương đến bên cái giếng. Nàng Repxima sau khi hành lễ, đang quỳ đọc kinh. Viên thuyền trưởng vừa nhìn thấy mặt nàng, đã rút ra luôn ba trăm đồng xơ canh đặt vào tay người đàn ông. Anh này đút túi, quay gót trở lại, đi về phía thành phố.
NGÀY THỨ CHÍN TRĂM CHÍN MƯƠI TƯ.
Người vừa bỏ tiền ra mua tiến đến gần nàng Repxima và nói với nàng:
- Hỡi người thiếu phụ nhan sắc tuyệt vời kia! Ta rất hài lòng việc ta vừa làm. Mắt ta từng trông thấy không biết bao nhiêu nữ nô lệ xinh đẹp, trong đời ta dễ đã mua bán tới một nghìn đứa, nhưng thú thật, ta chưa nhìn thấy ai có sắc đẹp hơn cô. Mắt cô long lanh hơn ánh sáng mặt trời, thân hình cô vô cùng hấp dẫn.
Câu nói ấy làm nàng Repxima rất đỗi ngạc nhiên. Nàng càng kinh ngạc hơn khi người đàn ông ấy chìa tay cho nàng cầm và nói tiếp:
- Thôi em ơi, hãy đi cùng ta, ta sẽ cho em sống với ta trong căn buồng đẹp nhất phía đầu lái của con tàu. Tàu ta sẽ ra khơi ngay trong chốc lát. Chúng ta hãy cùng nhau làm một chuyến đi xa, sang đảo Xêrenđip. Chừng nào trỏ về thành phố Basra, em sẽ là chủ nhân ngôi nhà của ta và tất cả tài sản của ta. Bởi ta quyết định sẽ không bán lại em cho bất kỳ ai khác. Nếu ta mua lại em từ tay chàng trẻ tuổi ấy, mà em không muốn yêu, là để cho em trở thành người đàn bà hạnh phúc nhất trên đời. Ta sẽ yêu em, ta sẽ chiều em mà không bất cứ người tình nào có thể làm được thế đối với người yêu.
Nàng Repxima sốt ruột không muốn nghe hết những lời chối tai. Nàng bực bội ngắt lời viên thuyền trưởng:
- Ông nói gì lạ vậy? Tôi chưa bao giờ là người nô lệ. Tôi là một người tự do, chẳng ai có quyền mua bán.tôi cả.
Vừa nói nàng vừa thẳng cánh hắt bàn tay người đàn ông chìa ra.
Viên thuyền trưởng này vốn là một người thô bạo và tàn nhẫn. Y rất bực mình khi nàng đáp lại theo cách ấy những lời ngọt ngào của y. Y trở mặt ngay tức khắc, và nói với nàng Repxima với một giọng khác xa lúc nãy:
- Con bé này quá quắt nhỉ! Mày dám nói với ông chủ của mày giọng lưỡi ấy hay sao? Tao đã bỏ tiền ra mua mày, tao là chủ nhân của mày. Mày hài lòng hay mày phản đố, tao cũng mang mày đi khỏi nơi đây.
Nói xong, y đưa hai tay chộp lấy nàng, rồi mặc cho nàng giãy giụa kháng cự, y vẫn cắp nàng đi y như con chó sói cắp một con cừu non đi lạc bầy. Mặc cho người đàn bà gào la giằng xé, y bế bổng nàng xuống tàu, và trong chốc lát chiếc tàu giương buồm ra khơi.
Viên thuyền trưởng để yên cho nàng Repxima được mấy ngày. Rồi thấy cho dù y cố gắng chiều chuộng đến bao nhiêu, nàng vẫn cứ khăng khăng không lay chuyển, y bắt đầu sốt ruột. Y lệnh cho nàng phải chiều ý mình. Thuyền trưởng biết dịu ngọt không xong, chỉ còn cách dở trò hung bạo. Một hôm, hai người đang giằng co, người đàn ông cố tình cưỡng ép, người đàn bà ra sức kháng cự; đột nhiên trời đang yên biển đang lặng bỗng nổi lên một cơn bão tố dữ dội bất thường. Gió mạnh đến mức quật gãy hết cột buồm, giật đứt mọi dây dợ, thổi tung các cánh buồm. Các thủy thủ không chống chọi nổi, đành bó tay bất lực, để mặc cho con tàu giật dờ trước sóng dữ. Cuối cùng, viên hoa tiêu cũng rời bỏ vị trí luôn. Y hô to cho mọi người cùng rõ:
- Hỡi các hành khách trên tàu! Những ai trong đời từng gây nên tội lỗi, hãy mau mau cầu nguyện xin trời đất xá bớt tội cho trước khi về thế giới bên kia. Hãy nhanh nhanh lên, không chậm trễ. Tất cả chúng ta sắp bỏ mạng tới nơi rồi.
Quả nhiên, báo táp mỗi lâu mỗi mạnh thêm, con tàu không chịu nổi gió to sóng cả, chìm luôn xuống đáy biển sâu.
NGÀY THỨ CHÍN TRĂM CHÍN MƯƠI LĂM;
Tất cả mọi hành khách cũng như đoàn thuỷ thủ trên tàu đều mất mạng, trừ có hai người: nàng Repxima và viên thuyền trưởng. Họ bám được vào hai tấm ván, và được sóng đánh giạt vào bờ ở hai nơi cách xa nhau.
Vợ chàng thương gia Temim dạt vào bờ một hòn đảo khá đông dân cư, đặt dưới quyền cai trị của một nữ hoàng. Lúc xảy ra bão tố, tình cờ trên bờ đảo có đông người tụ tập. Nhìn thấy cảnh tượng, mặc dù sóng gió rất dữ, nàng Repxima vẫn ôm tấm ván nổi, nhẹ nhàng đáp vào bờ yên ổn như được ai dắt, mọi người chứng kiến đều cực kỳ ngạc nhiên, coi đây là một chuyện thần kỳ. Người ta vội xúm đến vây quanh nàng, thi nhau hỏi han. Nàng Repxima đành thực tình kể những chuyện không may của mình, và xin mọi người vui lòng cho nàng một nơi trú ngụ trên đảo, để nàng có thể sống bình yên những ngày còn lại. Những người dân đảo thấy xinh đẹp quá chừng, nói năng rất mực thông minh và tỏ ra vô cùng đức hạnh, liền cho nàng một nơi tạm trú. Nàng Repxima sống ờ đấy mấy năm, hằng ngày chăm lo đọc kinh cầu nguyện.
Dân đảo hết sức kính phục cuộc sống khắc khổ của nàng. Mọi người một mực đồn đại về người phụ nữ từ xứ khác trôi giạt vào đây và về đức hạnh của nàng. Chẳng bao lâu, nàng được họ tin cậy coi như một bậc truyền giáo. Những ai sắp cớ một chuyến đi xa hoặc định bắt tay làm công việc hệ trọng nào đó, đều không quên đến xin trước ý kiến nàng; và sau đấy đạt được kết quả tốt như mong muốn. Tóm lại, nàng được tất cả mọi người dân trên đảo kính mến, coi chẳng khác một bà thánh. Nữ hoàng ngự trị đảo ấy cũng rất thân thiết và quý mến nàng Repxima. Nữ hoàng tin, nếu giao đất nước này cho người này cai quản, thì dân tình rồi sẽ được nhờ hơn, vì vậy và tuyên bố nàng là người thừa kế của mình. Tất cả mọi người dân trên đảo đều hoan nghênh, cho đấy là một quyết định sáng suốt.
Bà nữ hoàng ấy rất cao tuổi, chẳng bao lâu sau qua đời.Thoạt đầu nàng Repxima cố tạ từ, nhất quyết xin không nhận làm người đứng đầu đảo quốc. Song dân chúng ai ai cũng ép, và đúng là mọi người có lý. Nàng Repxim mang lại cuộc sống hạnh phúc cho mọi người dân, đến nỗi người ta trở lại ca ngợi cơn bão đã làm đắm tàu, nhờ có cơn bão ấy, dân chủng mới có được con người này làm bà vua.
Sau khi lên ngôi, nàng Repxima tập trung hết trí lự vào việc nước. Nàng chọn những người thanh liêm và nhìn xa trông rộng phong làm đại thần. Đặc biệt nàng rất chú ý luôn mang lại công bằng cho tất cả mọi người dân. Lúc nào rỗi rãi việc công, nàng lại đọc kinh cầu nguyện. Nàng chăm lo thực hiện phép nhịn ăn đúng như giáo luật định. Càng được mọi người trọng vọng, nàng càng tỏ ra khiêm nhường kính sợ Đấng tối cao. Người nào trên đảo đau ốm đều chạy đến với nàng, nhờ nàng cầu nguyện giúp cho để mau qua cơn bệnh hoạn.
Thấy nữ hoàng của mình làm nên lắm chuyện diệu kỳ, dân chúng trên đảo đều theo nhau bỏ tục thờ Thần Lửa, và lần lượt quy theo đạo Hồi. Nữ hoàng Repxima liền cho thiết lập các luật thánh [Luật dựa trên giáo lý trong Kinh Coran của Hồi giáo (PQ)], xây dựng nhiều thánh đường trên nền những đền thờ ma giáo nay trở nên tàn phế.
Nữ hoàng cũng cho xây dựng nhiều nhà thương làm phúc dành cho những người nghèo khó; tạo lập các quán lưu trú để khách nước ngoài sau này đến đảo có nơi ghé chân.
Nàng dùng những số tiền lớn chăm lo trang bị và vận hành các thiết chế công cộng ấy. Các nhà thương làm phúc trên đảo dần dần nổi. tiếng, tới mức ngày càng có nhiều bệnh nhân từ đủ các nước trên thế giới kéo đến xin chữa. Họ còn nghe đồn nữ hoàng có nhiều phép lạ có thể giúp chữa lành mọi căn bệnh hiểm nghèo, thành ra càng lũ lượt đổ về đây, người đau ốm nào cũng muốn nhờ cậy nàng giúp cho, để qua khỏi ốm đau tật nguyền.
NGÀY THỨ CHÍN TRĂM CHÍN MƯƠI SÁU.
Một hôm, quân hầu vào tâu với nàng Repxima, có sáu người nước ngoài vừa mới đến, xin được gặp nữ hoàng. Trong số sáu người ấy, có một người mù mắt, một người liệt nửa thân, người thứ ba phù thũng. Nàng truyền cho họ đến gặp mình ngay lập tức. Khi tiếp khách, nữ hoàng thường ngự trên một cái ngai lộng lẫy, bên tả có năm, sáu mươi trừ binh ăn mặc sang trọng, bên phải có tất cả các vị đại thần trong triều.
Nữ hoàng ngồi trên ngai cũng như tất cả các nữ binh và người hầu gái đều đeo mạng dày che mặt. Hai vị đại thần dẫn sáu người khách nước ngoài đến yết kiến. Tất cả phủ phục, úp mặt sát đất hồi lâu, chờ đến khi nữ hoàng truyền cho phép đứng lên. Nàng cất lời hỏi họ từ đâu đến, họ có gì cần đến nàng. Một người đứng ra thay mặt tất cả tâu như sau:
- Cầu chúc nữ hoàng vạn thọ vô cương. Tâu nữ hoàng, chúng tôi là những người dân vùng biển khốn khó, chúng tôi đến đây cậy nhờ nữ hoàng, xin bà hãy lòng thành và phép thánh cầu xin Đấng tối cao tha tội cho chúng tôi.
- ông hãy nói rõ ràng hơn nữa- nữ hoàng đáp sau khi chăm chú nhìn kỹ từng người- ta chẳng có cách chi hữu hiệu giúp đỡ các người, trừ phi các người thành khẩn thuật lại công khai những việc mình đã làm, không được bỏ qua một chi tiết nào.
Một trong sáu người nước ngoài liền thưa:
- Tâu nữ hoàng, tôi vốn là một thương gia thành phố Basra. Trước đây tôi kết hôn cùng một cô gái tài sắc và đạo đức vô song. Nàng cực kỳ xinh đẹp, dịu hiền, hoà nhã và mộ đạo. Một hôm, có việc phải đi xa, tôi để nàng lại nhà, cho nàng tự do làm chủ cuộc đời. Tôi chỉ ngỏ lời cậy chú em tôi, là người mù đang đứng trước mặt nữ hoàng đây, hãy trông nom mọi công việc gia đình giúp tôi. Khi tôi trở về, chú em cho hay vợ tôi phạm lỗi, đánh mất tiết hạnh, đã bị xử hình phạt phải chôn sống. Sau sự việc không may ấy, chú ấy vì thương tôi, khóc lóc quá nhiều đi đến mù cả hai mắt. Muôn tâu nữ hoàng, đấy là tất cả câu chuyện của tôi. Tôi khúm núm van xin nữ hoàng hãy giúp cho em tôi được sáng mắt trở lại. Chính vì mục đích ấy, hôm nay tôi đến đây quỳ lạy trước nữ hoàng. Tôi có đưa theo chú em của tôi cùng đến.
Nàng Repxima nhận ra ngay đấy là thương gia Temim.
Ông ta thì không thể nhận ra người vợ của mình. ông đứng im chờ xem nữ hoàng phán bảo ra sao. Nhưng lúc ấy nàng quá kinh ngạc được gặp lại chồng, nghẹn ngào không thốt nên lời. Lát sau, cố lấy lại bình tĩnh, nàng hỏi:
- Có đúng là người đàn bà bị chôn sống ấy đã phản bội ông? ông có tin như vậy không?
- Tôi không thể nào tin,- chàng Tamim đáp- nhất là khi nghĩ đến đức hạnh của nhà tôi ngày trước. Nhưng than ôi! Tôi tin lời em trai tôi lắm, cho nên khó có thể nghi ngờ nàng vô tội.
NGÀY THỨ CHÍN TRĂM CHÍN MƯƠI BẢY;
Thương gia thành Basra thưa đến đấy, nữ hoàng ngắt lời:
- Thế đủ rồi. Ta biết rõ hơn ông, người vợ của ông chịu hình phạt đúng hay sai. Sáng mai ta sẽ nói cho nghe. Rồi sẽ xem em trai ông có được sáng mắt trở lại hay không.
Một người khác trong đoàn của ông Tamim bước ra thưa:
- Tôi có một tên nô lệ da đen, tôi mua và nuôi dạy nó từ khi nó còn nhỏ tuổi. Mấy năm lại đây tự nhiên nó bị bại liệt, bán thân bất toại. Không thuốc thày nào chữa chạy khỏi được. Tôi đưa nó đến đây kính nhờ nữ hoàng cầu nguyện, giúp xin Thượng đế đoái thương chữa lành cho nó.
Nghe tâu, nữ hoàng nhận ra ông vừa nói chính là người ăn trộm A Rập năm nao, và người bị bại liệt nửa người kia không ai khác tên da đen giúp việc từng hòng làm hại phẩm giá nàng, liền bảo:
- Thế là đủ. Ta biết rõ việc này. Sáng sớm mai sẽ quyết định.
Nàng quay sang hỏi tiếp người bị bệnh phù thũng:
- Còn anh, tại sao anh bị trọng bệnh?
- Tâu hoàng hậu,- người phù thũng đáp- tôi không rõ nguyên nhân tại đâu. Tôi nghĩ có lẽ tại một lần, cách đây mấy năm, tôi định dùng bạo lực ép duyên một cô nô lệ tôi mua được của một chàng trai mang đến bán cho bên bờ biển.
Nữ hoàng đưa mắt nhìn kỹ, và nhận ra đấy chính là viên thuyền trưởng đã mua nàng với giá ba trăm đồng xơcanh. Nhưng cũng như hai lần trước, nàng giá vờ chưa biết đấy là ai, cứ để yên cho y nói tiếp:
- Vì vậy, tôi coi căn bệnh của tôi là do bị trời phạt.
- Còn tôi - người nước ngoài thứ ba kêu lên- thỉnh thoảng tôi lên những cơn điên rất đau đớn. Tôi nghĩ đấy là một hình phạt trời bắt tôi phải chịu, xứng đáng với tội lỗi của mình. Tôi chính là người đã bán cô nô lệ cho ông này mang xuống tàu. Bởi vậy tội của tôi còn to hơn tội của ông ta. Người bị bán ấy là một phụ nữ tự do từng cứu mạng sống cho tôi. Thế mà để tỏ lòng biết ơn, tôi lại đang tâm mang bán cho ông kia, bắt người ta phải chịu thân phận làm một nữ nô lệ.
NGÀY THỨ CHÍN TRĂM CHÍN MƯƠI TÁM.
Nghe nói vậy, nàng Repxima nhận ra ngay, đây chính là chàng trai đã được nàng cho sáu mươi đồng xơcanh dùng trả nợ, nhờ vậy y thoát khỏi hình phạt bị treo cổ. Nàng liền phán với tất cả sáu người nước ngoài như sau:
- Ta sẵn sàng cầu nguyện Thượng đế giúp các người. Ta sẽ cố gắng hết sức mình, những mong may ra có thể giúp các người đỡ đau khổ được phần nào. Bây giờ, tất cả mọi người hãy trở về nơi nghỉ, và đúng giờ này sáng mai, hãy trở lại đây. Người mù loà và người bại liệt có thể khỏi bệnh được rồi, sau khi đã thành khẩn thú nhận những tội ác họ phạm. Ta biết rõ tất cả mọi chuyện của họ. Nhưng ta đòi hỏi họ phải thực sự thành khẩn, trong khi thuật chuyện không được thêm bớt bất kỳ một chi tiết nào; nếu làm sai họ sẽ phải hối hận. Ta sẽ không giúp đỡ họ, ngược lại còn trừng phạt thật nặng nề. Đối với những người khác, ta hứa ngay từ bây giờ ta sẽ cầu nguyện cho, bởi họ đã thú nhận đúng sự thật.
Sáu người nước ngoài cùng nhau trở về nhà trọ. Trong số ấy, bốn người đã khá hài lòng. Chỉ có chú em trai của chàng Temim và tên nô lệ da đen là vẫn âu sầu. Hai người này muốn thà suốt đời chịu tật nguyền khổ sở, còn hơn phải thú nhận công khai sự phản trắc và tính nết điên khùng của mình. Họ muốn che giấu nỗi nhục trước con mắt những người bị họ xúc phạm.
Đêm hôm ấy, hai người này không một ai chợp được mắt.
Tuy nhiên, sáng sớm hôm sau, không thể không đi theo những người khác đến chầu nữ hoàng. Họ đến hoàng cung, cùng bước tới trước ngai vàng. Bà nữ hoàng vẫn ngữ uy nghi trên ngai y như ngày hôm qua. Vừa nhìn thấy họ, nữ hoàng hỏi:
Thế nào, người mù loà và người bại liệt, hai anh đã sẵn sàng thú nhận hết hay chưa? Khốn cho những kẻ nào không thành khẩn nói đúng sự thật.
Tên da đen bước ra, vừa xấu hổ vừa kinh hoàng. Y biết dối trá lúc này chẳng ích chi, thà thú nhận tất cả những việc y đã làm ở nhà ông chủ A Rập hòng hãm hại nàng Repxima. Y thú nhận, vì quá đam mê người đẹp ấy, vì bị khước từ và khinh rẻ, y rắp ranh làm hại người đàn bà, cho nên mới đang tâm giết cháu bé con trai độc nhất của ông chủ người A Rập của mình.
NGÀY THỨ CHÍN TRĂM CHÍN MƯƠI CHÍN.
Kể hết mọi chuyện, tên da đen nói:
Xin thưa, đấy là tội ác của tôi. Lạy trời chứng giám cho, tôi thật lòng hối hận.
A, tên phản trắc!- Người A Rập nổi giận mắng- vậy ra mày đã giết đứa con trai độc nhất của ta? Muôn tâu nữ hoàng,- ông tâu với nàng Repxima- xin bà cho phép tôi chặt đầu nó ngay lúc này. Một tên khốn kiếp từng phạm một tội ác kinh khủng như nó vừa thú nhận, không đáng được sống!
Không,- nữ hoàng đáp- ta không muốn ông giết chết nó.
Tôi hiểu, tâu lệnh bà- người A Rập nói.- Bà không cho phép tôi giết nó là đúng lắm. Tốt hơn, để cho tên khốn nạn ấy chịu bại liệt, rồi thế nào nó cũng sẽ phải chết nay mai.
Ông nhầm rồi - nàng Repxima nói - không phải ta muốn để cho nó sống để nó chịu đau khổ. Bởi nó đã biết hối hận, chúng ta phải cầu xin Thượng đế cho nó được sống.
Nói xong, nàng bước xuống ngai quỳ lạy. Ngay lập tức, cơ thể tên da đen cử động được trở lại bình thường.
Tất cả những người chứng kiến chuyện diệu kỳ ấy đều hết lời ngợi ca Thượng đế và ngợi ca nữ hoàng. Nàng lại lần lượt cầu nguyện cho người phù thủng và người mắc chứng điên, hai người này cũng khỏi bệnh ngay chốc lát. Thấy vậy, chàng Temim càng vững tin em trai mình sẽ được sáng mắt trở lại, liền bảo:
Này em Revenđê ơi, giờ đến lượt em nói ra. Nữ hoàng chỉ chờ em thành khẩn thú nhận, bà sẽ ban phép thần chữa cho em khỏi tật mù loà.
Đúng thế - nàng Repxima nói - hãy kể câu chuyện của anh ra, nhưng anh chú ý không được nó lên một điều gì không đúng sự thật. Bởi ta đã biết rõ tất cả mọi sự. Nếu anh dối trá bất cứ điều gì, sẽ bị trừng phạt ngay tức khắc.
Nghe lời bà phán, Revenđê hiểu, nếu y cứ tiếp tục lặng câm hoặc y nói dối, sẽ bị trừng trị đáng tội ngay lập tức. Vì vậy, cố nén sự xấu hổ, y công khai thú nhận tất. Do thành khẩn hối hận về tội phản bội ông anh trai, lại còn ngỡ người chị dâu mình đã thiệt mạng, y kể lại câu chuyện khá cảm động, và không một lần tìm cách thanh minh.
Chờ y thú nhận xong, nữ hoàng phán:
Anh này khá thành khẩn, anh đã không dám nói ra điều gì không phù hợp với sự thật.
Chàng Temim nghe nữ hoàng nói, mới vỡ ra chú em trai mình tráo trở tới mức nào, và người vợ của mình quả thật vô tội, liền hét lên một tiếng và ngả vật xuống ngất đi. Mấy người hầu trong cung vội chạy đến cứu giúp. Khi hồi tỉnh, Temim chạy đến quỳ trước ngai nữ hoàng, thưa:
Tâu lệnh bà, xin cho phép tôi được mang tên khốn nạn này về thành phố Basra. Tôi không muốn cầu xin cho nó khỏi mù loà nữa. Tôi muốn đưa nó đến nơi vợ tôi bị chôn sống, rồi tự tay đập chết nó ở đó. Lệnh bà hẳn thấy, tội ác nó quá ghê tởm, không thể nào dung tha.
NGÀY THỨ MỘT NGHÌN.
Nữ hoàng Repxima im lặng một lát không trả lời. Lúc này nàng đang thầm khóc sau tấm mạng che mặt, bởi quá xúc động trước tình cảnh của chồng. Sau khi lau khô nước mắt, nàng nói với chàng Temim như sau:
Hỡi người thương gia thành phố Basra! Ta xin ông hãy vì ta, bớt cơn giận dữ. Em trai ông đúng là đã phạm một tội ác tày trời. Nhưng y đã công khai thú nhận tội lỗi và đã thành khẩn hối tiếc về tội ác của mình, xin ông hãy nhớ hai anh em ông đều cùnh chung một giọt máu mà ra, ông nên nghĩ tình máu mủ tha tội cho nó.
Thương gia Temim đáp:
Lệnh bà đã truyền, tôi đâu dám trái. Lệnh bà muốn tôi tha tội cho nó, tôi xin sẵn sàng quên hết mọi sự, miễn là nó phải biết lấy việc vừa qua để sám hối, và từ nay trở về sau, không bao giờ được vu khống cho ai bất cứ điều gì.
Thương gia vừa ngỏ ý sẵn sàng tha tội cho Revenđê, nữ hoàng Repxima liền bước xuống ngai, úp mặt xuống đất cầu nguyện, cầu xin Thượng đế đoái thương người bị mù loà, cho y được sáng mắt trở lại. Lời khẩn cầu của nàng được đáp ứng, Revenđê trở lại sáng mắt ngay.
Trước cảnh tượng ấy, tất cả mọi người lại hoan hô. Tất cả mọi người lại cất tiếng ngợi ca Thượng đế và ngợi ca nữ hoàng. Bà cho những người khách nước ngoài lui về nhà trọ, và phán:
Mọi người hãy trở lại đây lần nữa vào sáng sớm mai. Các người sẽ nhìn thấy nhiều điều có thể làm các người còn kinh ngạc hơn cả hôm nay.
Ngày hôm sau, mọi người lại trở lại hoàng cung.
Nữ hoàng Repxima mời chàng Temim đến và ép chàng ngồi lên một chiếc ghế bành vàng bà đã sai kê sẵn, sát ngay bên cạnh ngai của mình. Rồi ngỏ lời nói với chàng như sau:
Hỡi người thương gia thành Basra! Người đã phải trải qua biết bao khổ ải, đau thương. Ta thông cảm những bất hạnh của người lắm. Để cho người quên hết những điều ấy đi, ta quyết định cho người lấy làm vợ cô cung nữ xinh tươi nhất trong tất cả số cung nữ ở triều đình ta. Và nếu ngươi muốn, các người có thể lưu lại sống luôn tại triều đình ta.
Đã không nhận lời bà nữ hoàng, chàng Temim lại tuôn nước mắt, và đáp:
Tâu nữ hoàng, bà ban cho tôi nhiều ân huệ quá, tôi vô cùng biết ơn tấm lòng trời biển của bà. Tuy nhiên, cúi xin bà chớ bất bình, cho phép tôi được khước từ không nhận một cung nữ của bà làm người bạn đời. Chừng nào tôi còn sống, trong tâm trí tôi chẳng bao giờ có hình ảnh người đàn bà nào khác ngoài nàng Repxima của tôi. Tôi không sao khuây nguôi vì đã mất nàng. Tôi nhất quyết mai đây sẽ trở về quê, để từ nay cho đến khi nhắm mắt lìa trần, tôi được than khóc nàng ở nơi nàng bị chôn sống một cách bất công.
NGÀY MỘT NGHÌN LẺ MỘT- NGÀY CUỐI CÙNG.
Nàng Repxima vô cùng vui thích có một người chồng chung thủy. Hài lòng vì chàng Temim khước từ một cô cung nhân trẻ đẹp, nàng nói với chàng như sau:
Vậy nếu ta cầu xin Thượng đế hãy cho người vợ anh biết bao thương nhớ ấy hồi sinh, ông có muốn gặp lại nàng hay không? Nếu gặp lại, liệu ông có nhận ra nàng?
Vừa nói, nàng vừa đưa tay cất tấm mạng che mặt, và chàng Temim nhận ra luôn nàng Repxima xinh đẹp của mình.
Niềm vui của người chồng được gặp lại người vợ vô cùng yêu quý to lớn đến đâu cũng không sánh bằng sự kinh ngạc của người ăn trộm A Rập cùng tên nô lệ của ông, viên thuyền trưởng mắc chứng bệnh phù thủng và chành trai thỉnh thoảng lên cơn điên, khi tất cả cùng nhận ra bà nữ hoàng đầy quyền uy chính là người đàn bà từng bị họ xúc phạm.
Nàng Repxima ôm hôn chàng Temim, và thuật lại đầy đủ câu chuyện của mình cho các vị đại thần trong triều cùng nghe, ai ai cũng ngợi ca.
Tiếp đó, nữ hoàng sai người đưa ra biếu người ăn trộm A Rập mười nghìn đồng duca vàng, một chiếc áo gấm thêu, cùng một chiếc áo rất đẹp nữa gửi về tặng bà vợ ông; cho viên thuyền trưởng một nghìn đồng duca, và cũng ngần ấy nữa cho chàng trai đã bán nàng làm nô lệ.
Xong đâu đấy, nàng đứng lên, bước xuống khỏi ngai, cầm tay chàng Temim đưa về phòng riêng của mình. Hai người quỳ xuống tạ ơn trời đất cuối cùng cho họ đoàn tụ.
Tiếp đó nàng nói với chồng:
Luật pháp vương quốc này không cho phép em được truyền ngôi báu cho một người đàn ông. Ít ra, cũng xin mời chàng chung sống yên vui. Rồi chúng ta sẽ tìm cho chú em trai chàng một công việc khiến chú ấy hài lòng.
Quả vậy, ít lâu sau Revenđê được cử làm tể tướng của đảo. Anh làm rất tốt trách nhiệm của mình, được tất cả nhân dân trên đảo quý mến.
Cụ già kể cho hoàng đế Harun-an-Rasit và cung phi Xutanum nghe chuyện, đến đây ngừng lời. Nàng cung phi xinh tươi rất lấy làm thú vị. Và hoàng đế, để chứng tỏ mình khá hài lòng về câu chuyện này cũng như câu chuyện về hai anh em thần linh trước, liền sai viên quản lý kho tàng lấy ban thưởng cho cụ một nghìn đồng xơcanh vàng. Chàng trai kể câu chuyện về quốc vương Narixatđôlê, thương gia Abđeraman và người đẹp Zainep cũng được ban thưởng một số tiền ngần ấy