Một hôm người mẹ vào một đồng cỏ hái hoa tươi. Mãi mê công việc, chị không chú ý một con rắn độc nấp trong bụi hoa. Chị vô tình khẽ chạm tay vào nó. Con rắn mổ ngay một nhát vào tay chị. Chị hoảng hốt kêu thét lên, hai cô con gái vội chạy tới, bàn tay người mẹ trong chốc lát đã sưng phù, nọc độc chỉ sau mười lăm phút đã theo các mạch máu chạy lên đầu và thấm vào lục phủ ngũ tạng của người đàn bà bất hạnh.
Người phụ nữ ấy, thấy mình đến lúc sắp phải lìa trần, không quên làm nhiệm vụ một bà mẹ hiền. Chị dặn dò các con gái như sau:
- Các con của mẹ ơi, mẹ rất buồn phải ra đi đúng giữa lúc các con đang cần có mẹ khuyên bảo đỡ đần. Mẹ sắp mất rồi. Điều an ủi mẹ phần nào là ơn trời, mẹ đã dạy dỗ các con thành những cô gái ngoan. Các con hãy luôn luôn giữ gìn đức hạnh, phải thực hiện đầy đủ mọi lời răn dạy của đấng tiên tri Mahômét. Quan trọng hơn cả, các con không bao giời rời bỏ tôn giáo của chúng ta mà đi theo những kẻ vô đạo. Thôi thì các con có gì sống nấy, cố làm lụng, kiệm chút ít để lần lữa qua ngày, như ba mẹ con ta vẫn làm từ trước tới nay, chớ nên làm việc xấu, hy vọng rồi trời đoái thương, sẽ có lúc nhìn lại. Mẹ căn dặn hai con phải luôn luôn hoà thuận với nhau, nếu có thể được, chớ nên bao giờ xa nhau, vì hạnh phúc của hai con là ở chỗ luôn luôn có chị có em. Quay sang đứa con gái út chị nói tiếp – Con Cađi yêu quý của mẹ, con còn bé, con hãy luôn vâng lời chị, bao giờ chị cũng chỉ khuyên con điều hay việc tốt mà thôi.
Trối trăng đến đấy, chị nông dân kiệt sức, cố gắng ôm hôn con và qua đời trong vòng tay của hai cô con gái.
Hai cô khóc như mưa, kêu la ầm ĩ cả cánh đồng. Hai chị em than khóc mẹ đến khô cả nước mắt, rồi mệt quá cùng nhau ngồi ủ rũ, cho đến lúc không thể không cố gắng đứng lên làm những việc cuối cùng cho mẹ. Hai chị em lấy hai cái thuổng vẫn dùng chăm chút mảnh vườn rau nhỏ sau nhà, cùng nhau hì hục đào một cái hố cách nhà chừng năm mười bước. Vất vả lắm hai cô mới mang được thi hài mẹ ra tới chỗ ấy, đặt xuống lấp đất và phủ hoa tươi lên mộ.
Sau đó, quay trở về nhà, hai cô chẳng thiết ăn uống gì nữa, vật xuống giường ngủ thiếp đi sau một ngày mệt nhọc và đau buồn.
Ngày hôm sau, cô chị là người hiểu biết hơn, nói với em không thể không làm công việc thường ngày để kiếm sống. Chị bảo em tìm hai cái giỏ, lấy quần áo mẹ và chị vừa giặt xong ngày hôm trước bỏ vào, rồi hai chị em mỗi người đội một giỏ quần áo trên đầu, đi vào thành pphố Maxulipatan định trả hàng giặt thuê cho các chủ.
Hai cô đi khỏi nhà chưa được một trăm bước, chợt gặp một ông già nhỏ bé thọt chân, ăn mặc khá sang trọng. Ông già chăm chăm ngắm hai cô. Ông có vẻ già đến trăm tuổi, tay chống gậy, nhờ có cái gậy ấy tuy tuổi rất cao, ông vẫn bước đi khá nhẹ nhàng.
NGÀY THỨ CHÍN TRĂM SÁU MƯƠI MỐT.
Ông già thấy hai cô gái bắt mắt. Ông cố dịu lời hỏi:
- Các cô đi đâu vậy, hỡi hai bé gái xinh tươi?
- Chúng cháu đi vào thành phố Maxulipatan – cô chị đáp.
- Tôi có thể hỏi, mong các cô chớ lấy thế phiền lòng, hai cô làm nghề nghiệp gì? Hai cô có gì cần được giúp đỡ hay không?
- Thưa ngài – Cô Fatim đáp – Hỡi ôi, chúng cháu chỉ là những người nhà quê và là những đứa con côi cút. Mẹ chúng cháu không may gặp nạn vừa mới mất hôm qua.
Cô nói mà không cầm được nước mắt. Ông già đáp:
- Ta tiếc không được gặp mẹ hai cô trước khi bà qua đời. Nếu gặp, ta đã bày cho bà một bài thuốc có thể chữa khỏi rắn cắn, hết nọc độc nội trong hai ngày. Các con ơi, ta rất xúc động trước nỗi buồn của hai con. Nếu hai con tin cậy vào ta, đồng ý để ta chăm nom cuộc đời cho các con, thì các con có thể coi ta như một người bố đẻ.
Ông chăm chăm nhìn cô Cađi và nói tiếp:
- Nhất là cô bé này. Không hiểu sao trong lòng ta cảm thấy thương yêu cô bé đến thế. Nếu hai cô đồng ý đi theo ta, ta hứa sẽ tạo cho các cô một cuộc sống giàu sang hơn thân phận các cô hiện nay nhiều. Rồi đây hai cô sẽ cảm tạ vận may đã xui khiến được gặp ta trên đường.
Nói xong, ông già lo lắng chờ đợi câu trả lời. Ông lo lắng là phải, bởi tuổi tác và bộ dạng lụ khụ của ông chẳng có gì hấp dẫn đối với hai cô gái trẻ, mong gì lời đề nghị của ông được chấp thuận. Tuy nhiên, cho dù cảm thấy không vui, cô Fatim đủ trí khôn để nhận ra, trong tình cảnh quẫn bách của hai chị em hiện nay, việc ông già nêu lên thật không đáng quan tâm lắm. Ông già nhận thấy cô gái có vẻ lo âu và lưỡng lự, liền nói tiếp:
- Con gái ơi, nếu con suy nghĩ kỹ về những hiểm nguy hai chị em sống thui thủi ở một nơi hẻo lánh xa dân cư thế này, hẳn con sẽ không còn lưỡng lự. Chẳng nơi nương tựa, các con nghĩ rồi đây các con thân cô thế cô có thể tránh được mọi cạm bẫy độc ác và tinh ranh bọn người xấu vẫn chăng ra để làm hại sự ngây thơ của các con sao? Cho dù các con đủ đức hạnh để không nghe những lời quyến rũ đường mật, làm sao các con có thể chống chọi mọi xúc phạmvà tội ác của bọn họ cơ chứ? Các con chẳng có gì phải lo sợ khi về sống với một người như ta. Tuổi tác ta già nua thế này, các con chẳng có gì phải ngại ngùng, mặt khác nhờ cao tuổi ta lại có kinh nghiệm giúp các con chống đỡ khi có người mưu đồ làm điều xằng. Các con hãy bỏ công việc nặng nhọc đang làm ấy đi, chẳng đủ sống qua ngày đâu. Về nhà với ta, không những có đủ mọi thứ cần thiết hằng ngày, hơn thế, tương lai các con sẽ sáng sủa. Ta có thể nói hạnh phúc cuộc đời các con tùy thuộc vào chỗ các con có nhận lời như ta đề nghị hay không. Chẳng có cách nào tốt hơn thế cho các con đâu. Nếu mẹ các con còn sống, hẳn bà đã tin ngay lời ta nói. Các con về ngôi nhà ta giao cho ở, sẽ an toàn hơn nơi các con đang sống hiện nay.
Ông già nói quá khéo, cô Fatim bắt đầu xiêu xiêu. Cô đáp:
- Thưa ngài, cháu thì cháu tin phần lớn lời ngài. Cháu sẵn sàng làm theo những điều phúc đức ngài định dành cho cháu và em gái cháu. Nhưng ngài vừa nói ngài đặc biệt có cảm tình với em, điều ấy liên quan nhiều đến em gái cháu, nên cháu muốn hỏi ý kiến em trước khi trả lờingài dứt khoát. Này, em Cađi ơi, em có sẵn sàng để ngài đây chăm lo cuộc sống cho em, em có đồng ý nhận ngài làm chồng? Chị tin ngài đây biết thế nào là điều phải, chẳng sợ ngài nỡ lạm dụng sự non nớt của hai đứa con gái côi cút như em và chị, những đứa rồi đây chỉ biết dựa vào tấm lòng phúc hậu của ngài để có được yên vui.
- Không đâu, chị Fatim – cô bé Cađi đỏ mặt và trả lời – ông ấy quá già và quá xấu.
Sự ngây thơ của em gái làm cho Fatim phiền lòng bởi viễn cảnh ông già vừa phác họa nên làm cho cô xiêu lòng trong dạ. Cô nói:
- Em gái ơi, đúng là em đang ở tuổi chưa biết suy nghĩ, cho nên em chưa biết cách đáp ứng lòng nhân hậu ngài đây vừa bày tỏ với em. Em không nên nói những lời khiếm nhã, ngược lại nên thấy, hạnh phúc của em là được vừa mắt ngài.
- Vâng, đúng vậy – cô bé vừa khóc vừa đáp – qủa đúng là phải cảm ơn tấm lòng nhân hậu của ngài, tuy nhiên, còn có nhận ra được thế là hạnh phúc hay không, em chẳng biết, em chỉ thấy làm sao thích thú được khi lúc nào cũng trông thấy một con người già nua, xấu xí thế này lù lù trước mắt.
- Em không nên nói năng cách ấy – Cô chị khuyên.
- Em chẳng biết nói năng cách nào khác – cô em cãi – nếu chị cho được ngài vừa lòng là một hạnh phúc, tại sao ngài không mê chị là người xinh đẹp hơn, hiểu biết hơn em? Ngài ấy hãy yêu chị đi, để xem chị có yêu ngài được hay không?
NGÀY THỨ MỘT TRĂM CHÍN MƯƠI HAI.
Những lời nói cộc cằn của cô bé làm ông già buồn. Ông thốt lên:
- Mọi người hãy nhìn xem số phận dành cho tôi. Mắt tôi từng trông thấy biết bao giai nhân tuyệt sắc nhất phương Đông, thế mà cho tới tuổi này, tim tôi chưa từng rung động trước một người đẹp nào, ấy vậy hôm nay không hiểu sao tự dưng tôi lại đem lòng yêu thương một cô gái đang ghét đang hận tôi dường ấy! Tôi nhìn rõ số phận đen đủi khủng khiếp đang chờ đợi mình. Thế nhưng số mệnh lại buộc tôi không thể không nghe theo tiếng lòng.
Mắt ông già đẫm lệ khi ông thốt ra những lời trên. Cô Fatim bản tính nhân hậu đem lòng thương hại. Cô nói với ông già:
- Thưa ngài, xin ngài chớ buồn, nỗi đau của ngài không phải không có thuốc thang chạy chữa. Xin ngài chớ vội lo âu trước những câu thốt ra đầu tiên từ miệng một đứa bé chưa biết cái gì thích hợp với mình. Với thời gian, rồi em sẽ khôn lớn lên. Qủa ngài không còn có ưu thế của tuổi trẻ, song cháu tin ngài là một con người trung hậu, tình yêu và sự chăm sóc của ngài cuối cùng sẽ làm em cháu xúc động. Hai chị em cháu muốn đi theo ngài, cháu xin hết lòng tận tụy giúp đỡ ngài.
- Nhưng, chị ơi – cô bé buồn rầu ngắt lời chị – nếu ngài cứ quấy rầy em và ép buộc em phải yêu ngài thì em bỏ trốn đi và em không chịu trách nhiệm về chuyện ấy đâu, chị Fatim nhé.
- Không đâu, bé Cađi xinh xắn à, Cađi sẽ chẳng bị quấy rầy đâu, ta xin thề như vậy với em trước tất cả những gì thiêng liêng nhất trên trái đất này – ông già nói – ta chẳng ép buộc gì em sất. Em sẽ là chủ nhân tuyệt đối của tất cả tài sản của ta. Nếu em muốn có một chiếc áo đẹp hoặc bất kỳ đồ trang sức bất kỳ, chỉ cần nói ra, em sẽ có ngay lập tức. Ta sẽ quan tâm thực hiện mọi ý muốn của em. Hơn nữa, nếu sự nhìn thấy ta khiến em phiền lòng, thì ta sẽ khuất mắt để em đỡ phải nhìn thấy ta, cho dù việc ấy làm cho ta đau lòng lắm lắm.
Lúc này, cô Fatim ngỏ lời nói với ông già:
- Cháu thấy, với những điều kiện ngài vừa bày tỏ, em gái cháu dường như đã sẵn sàng đi theo ngài. Vậy xin ngài vui lòng cho chị em cháu mang các thứ vừa giặt giũ này trả lại các nhà chủ, rồi chúng cháu sẽ quay trở lại đây ngay tìm ngài.
- Không – ông già kêu lên – xin cô chớ bắt em gái cô phải đi xa tôi, tôi van cô đấy. Có thể do lý trí, cũng có thể do linh tính, tôi tin nếu hai cô bỏ tôi mà đi, tôi sẽ không bao giờ gặp lại nữa, và rồi tôi sẽ chết vì buồn tiếc thôi. Cô vừa nói cô sẽ quay trở lại đây ngay. Vậy thì cô hãy để em gái cô lại đây với tôi. Cô sợ gì nào? Cô có thể tin…
- Không, không đâu – bé Cađi vội vã ngắt lời – tôi không muốn ở lại một mình với ông, tôi muốn đi theo chị tôi cơ.
- Tại sao, hỡi em Cađi? Tạo sao em không ở lại đây với ngài. Chị sẽ quay trở lại đây ngay chốc lát mà – cô Fatim muốn lấy lòng ông già. Em gái Cađi ơi, chị van em hãy chờ chị ở đây, em cần phải ở lại đây để an ủi ngài một chút, sau khi em thốt ra những lời không được lịch sự lắm về ngài như vừa rồi.
Cađi hết sức ngại ngùng không muốn ở lại một mình với ông già, nhưng không dám cưỡng lại ý chị gái mà cô coi như một người mẹ thứ hai. Vậy là cô Fatim đỡ luôn cả cái giỏ quần áo của em gái và tiếp tục mang hai cái giỏ đi ra thành phố, không quên dặn ông già hãy gượng nhẹ đầu óc ngây dại của em thơ.
Fatim không quay lại ngay như đã hứa, mà đợi suốt cả ngày hôm ấy vẫn không trông thấy cô chị không trở lại. Cađi lo âu không thể nào kể xiết. Đến khi trời sập tối, em mất hết kiên nhẫn, không tiếc lời trách móc ông già:
- Chính ngài là người mang tai họa đến cho nhà tôi. Giá không xui xẻo gặp ngài gặp ngài giữa đường, tôi đã đi cùng chị gái tôi ra thành phố. Nếu chẳng may có điều gì không hay xảy ra với chị đã có tôi đỡ đần chia sẻ còn hơn ở lại đây với ngài.
Lời nói làm ông già buồn rầu thêm. Ông không biết nên đáp thế nào, sợ nói ra càng làm cho cô bé vốn đang hận ghét ông càng thêm bực bội. Ông cố gắng tìm đủ lời lẽ trấn an cô, nhưng càng nói càng làm cho cô bé thêm lo âu và căm ghét. Cô bảo ông hãy im mồm đi, rằng cô muốn đi ra thành phố Maxulipatan ngay lúc này để kiếm chị Fatim mặc cho đêm tối đen như mực và một trận mưa rào vừa ập xuống. Như vậy vừa để không phải ở qua đêm với ông già, vừa muốn tìm rõ tin tức về chị gái. Tuy nhiên, ông cũng làm cho cô thay đổi ý kiến, nói chắc hẳn chị Fatim tạm trú ở một nơi nào đó, vì thời tiết quá xấu chị không kịp trở lại, chắc hẳn khi trời vừa sáng ra chị Fatim sẽ về đến đây ngay với em. Ông già còn khuyên cách hay nhất lúc này là nên trở về túp lều hai chị em, và đến sáng hôm sau, nếu chị Fatim vẫn chưa trở về, ông sẽ đi tìm chị khắp nơi khắp chốn.
Cho dù rất ghét ông già, những lý lẽ ấy Cađi nghe cũng phải, đành đồng ý. Hai người trở về túp lều, cùng dùng một bữa tối đạm bạc chỉ có mấy qủa chà là đun với nước trong, rồi quay trở lại cùng nhau lo lắng những điều không may xảy đến trong ngày. Cô gái bé suốt đêm chỉ kêu khóc làm náo động cả lên, người tình già của cô cũng chẳng vui vẻ gì hơn. Trời vừa hửng sáng, hai người ra khỏi túp lều, cùng nhau ra thành phố Maxulipatan. Đến hỏi những nhà cô gái vẫn giao trả quần áo, đều được trả lời hôm qua không thấy cô Fatim mang hàng tới trả. Không chỉ bằng lòng có vậy, hai người đi tìm cô chị ở từng đường phố một, hỏi thăm tin chị ở từng nhà một, nhưng mọi công sức của họ đều không đem lại câu trả lời.
NGÀY THỨ CHÍN TRĂM SÁU MƯƠI BA.
Hai người đều rất lo lắng không hiểu rõ số phận Fatim ra sao. Họ đều e có một việc bất thường nào đó xảy ra thêm nữa với cô gái đáng thương. Cô em Cađi cứ than van sao mình không đi theo cùng chị gái và trả lời hết sức cộc cằn mọi lời an ủi của ông già. Thâm tâm ông cũng đau đớn chẳng tìm được cách nào để cô bé bất kham ấy nghe ra lẽ phải.
Hai người dành đến bảy, tám ngày đi tìm hỏi khắp thành phố và các làng xóm vùng phụ cận. Trong vòng bán kính tám dặm, không một tòa dinh cơ hay ngôi nhà nhỏ nào không được ông già và cô bé đến hỏi thăm tin tức về chị Fatim, nhưng đều không thấy tăm hơi người chị gái. Cuối cùng, không biết làm cách gì khác, hai người buồn bã quay trở lại túp lều. Ông già thấy Cađi ngày càng âu sầu buồn bã, cũng đau lòng lắm. Ông tìm lời nói với cô, nước mắt lưng tròng:
- Em bé Cađi ơi, em hãy nghỉ ngơi một lúc, chớ nên âu sầu triền miên vậy. Ta xin nói em rõ, em còn phải lo toan những việc khác. Em cần nhớ, sau khi mẹ em qua đời và chị em mất tích, còn mình em sẽ không được an toàn trong nếp nhà này. Ta sợ vẻ xinh xắn của em rồi làm cho bọn trẻ sỗ sàng tìm cách xúc phạm. Làm sao ta già yếu thế này, có thể bảo vệ được em trước sự manh động của bọn thanh niên ấy? Hơn nữa, ở đây, em làm gì ra để ăn cho đủ bữa? Tuổi thơ non dại như em, bất kỳ ai cũng chưa thể kiếm sống một mình. Hơn nữa, số tiền ít ỏi, ta mang theo người đã tiêu gần hết mà ở đây cái gì cũng thiếu thốn. Em hãy suy nghĩ kỹ đi, em Cađi xinh tươi à, em hãy bằng lòng cho ta đưa em ra thành phố, ở đấy ta có ngôi nhà ta vẫn ở thường xuyên. Trong nhà ta, thứ gì cũng đầy đủ, em có thể là chủ nhân của tất cả những thứ ấy và cả số phận của ta nữa.
Cụ già nói xong, lo lắng chờ xem cô thiếu nữ sẽ trả lời thế nào và với cô bé cứng đầu ấy không phải không có lý do. Thấy Cađi vẫn im lặng, mãi nghĩ đến chuyện mất người chị gái nhiều hơn lo cho thân phận của mình, ông đành lựa lời nhắc lại lần nữa. Dễ ông phải năn nỉ đến hai chục lần, cô gái mới đồng ý đi theo ông, bảo tùy ông muốn đưa cô đến nơi nào cũng được.
Hai người rời túp lều lên đường. Trước khi đi, ông già còn cẩn thận lấy một hòn than ghi lên cửa nơi ông và em Cađi sẽ đến, để may ra chị Fatim quay lại nhà, sẽ biết chỗ để đi tìm hai người. Rồi khoá trái cửa lại, bỏ chìa khoá vào hốc một thân cây gần nhà, nơi ba mẹ con trước đây thường giấu chìa khóa.
Cái thành phố ông già định đưa Cađi đến chỉ cách chỗ này chừng ba ngày đường. Tuy nhiên một ông già một trăm tuổi và một cô gái mười hai tuổi làm sao đi một mạch được, thành ra hai người phải mất đến bảy ngày mới tới nơi. Hai người cùng kiệt sức vì mệt và đói. Việc đầu tiên là ông già – ông tên là Đahi – sai người ra phố mua những thức ăn ngon lành nhất và luôn miệng hối thúc người đi mua hãy nhanh nhanh lên. Sau khi ăn vào, cơn đói dịu đi, ông Đahi thân hành dẫn cô gái vào một căn phòng khá sạch sẽ để cô nghỉ lại đây, còn mình sang nghỉ tại một phòng khác.
Ngày hôm sau, ông già ra phố chọn mua những vải lụa đẹp nhất, nhờ người may mặc cho cô gái. Lại tậu cho cô một bà nô lệ già để đỡ đần công việc hằng ngày, bà này là người rất thành thạo trong việc trang điểm các thiếu nữ. Cô Cađi thú vị thấy cuộc sống của mình đã thay đổi, cô không lạ tình cảm ông già đối với mình, song vẫn ngạc nhiên không rõ mình có cái gì để có được quyền lực tuyệt đối đối với ông già như thế. Thỉnh thoảng cô nghĩ, phận mình được như thế này phải chịu ơn sâu của người ấy và trong thâm tâm cô rất biết ơn ông. Tuy nhiên những suy nghĩ ấy không làm cô bé cảm thấy giảm bớt ngại ngần, khó chịu khi phải đối mặt với ông già. Ngoài những áo quần và đồ trang sức, ông già giữ vẹn lời đã hứa với hai chị em ngày trước. Ông rất tôn trọng cô, điều khiến cô rất mực hài lòng, mặc dù không vì thế nhận thấy có chút rung động nào đối với sự quyến luyến cũng như hình hài của người đàn ông ấy.
NGÀY THỨ CHÍN TRĂM SÁU MƯƠI TƯ.
Phải ba tháng trôi qua, cô Cađi mới khuây nguôi được chừng nào. Nỗi ám ảnh về việc mất người chị là vị đắng cay trộn lẫn vị ngọt ngào do điều kiện sống của cô hiện tại mang lại. Cô luôn luôn tự trách khi nhớ đến lời bà mẹ trăng trối lúc lâm chung, hai chị em chớ nên bao giờ xa nhau. Tuy nhiên nỗi đau mỗi ngày vơi đi một chút, ấy là lẽ thường tình do tác động của thời gian.
Một hôm, hơi mệt sau một cuộc dạo chơi, Cađi đi nghỉ sớm hơn thường lệ. Cô ngủ thiếp đi một giấc ngủ rất sâu. Trong cơn mơ, Cađi thấy một chàng trai hiện lên rõ mồn một trước mặt, gây ấn tượng sâu sắc đến đầu óc cô gái. Chàng trai ấy ăn mặc rất sang trọng, nét mặt và nhất là mái tóc vàng làm Cađi rất thích. Trong khi cô đang chăm chú ngắm chàng, thì chàng ấy ngỏ lời:
- A, em Cađi của anh, em đang nghĩ gì vậy? Em đã quên mất chị Fatim rồi sao? Em nghĩ đã có nhiều bộ quần áo đẹp của ông Đahi may cho rồi, không cần tìm đến chị gái nữa ư? Chắc không phải vậy, ta báo em biết, em chỉ có thể có được hạnh phúc bằng cách sang đảo Xumatra tìm kiếm chị gái mà thôi. Hãy nhìn kỹ anh đây, anh là người định mệnh trao cho em lấy làm chồng.
Nói xong, chàng trai biến mất. Cađi bừng tỉnh giấc. Hình ảnh chàng trai vẫn rõ mồn một trong trí nhớ, làm cô nghĩ đây không phải là một giấc mơ mà là một sự hiện hình.
Những lời cái bóng ma đáng yêu ấy nói với cô trong mộng quá phù hợp với tình cảnh thực tế hằng ngày, khiến Cađi không thể không ngạc nhiên. Mặc dù cô đã khá lớn, đủ trí khôn để nghĩ trên đời không thể có một người giống hệt người cô thấy trong mộng, cô vẫn ghi nhớ mồn một nét mặt của chàng. Vậy là Cađi quyết định, để sau này đỡ phải hối tiếc, phải nói ra chuyện ấy với ông già và xin đi đến đảo Xumatra, và dứt khoát phải thổ lộ ngay không chậm trễ ý định ấy cho ông già rõ.
Ông già ngạc nhiên nghe Cađi kể lại, ông thấy giấc mơ kỳ lạ quá, không nên xem đấy chỉ là chuyện mộng mị bình thường. Ông nói với cô gái:
- Ta sẵn sàng dâng cả cuộc đời ta để làm hài lòng em. Ta đồng ý cùng em đi sang đảo Xumatra, cho dù có ít khả năng sang bên ấy sẽ biết rõ số phận chị gái em. Ta chịu tác động khi nghe kể về giấc mộng chẳng mấy khác em. Bởi vậy ta cùng em đi sang đảo ấy không chỉ nhằm vui lòng em, còn để đáp ứng mong muốn của chính ta nữa.
Vậy là quá đủ cho cô gái dứt khoát quyết định lên đường đi Xumatra. Cô nôn nóng đến mức gần như không để cho ông già kịp thời gian chuẩn bị. Cô sốt ruột muốn gặp lại chị gái, ít nhất cũng biết ít nhiều tin tức về chị. Hai người nhất trí, trước hết nên quay trở lại túp lều, xem thử chị Fatim đã về ở đấy chưa, biết đâu trong thời gian hai người đi vắng, chị lại trở về tìm em. Sau đấy mới đến thành phố Maxulipatan, rồi từ đấy đáp chuyến tàu thuỷ nào sẽ khởi hành đi sang đảo Xumatra sớm nhất.
Để dùng làm phương tiện đi đường, ông Đahi tìm mua ba con ngựa. Ông mang theo tất cả số tiền vàng có sẵn trong nhà, cùng một ít châu ngọc khâu vào lần vải bên trong chiếc thắt lưng ông vẫn thắt trên người.Tiền bạc còn lại, ông ký thác cho một người bạn già và nhờ ông bạn nói lại với Fatim, trong trường hợp cô gái đến đây, xin cô yên tâm chờ ở thành phố này cho đến khi hai người trở về.
Vậy là khởi hành, ông Đahi cưỡi con ngựa khỏe nhất, cho cô gái ngồi sau lưng mình, bà già giúp việc cưỡi con thứ hai, còn con thứ ba xếp tất cả hành lý của họ, do một người nô lệ da đen cầm cương dắt đi.
Với bộ sậu ấy, đoàn lữ hành bé nhỏ chỉ cần có hai ngày để trở lại nơi túp lều của hai chị em. Chìa khóa nhà vẫn còn nằm nguyên trong gốc cây nơi họ giấu, vào trong nhà, không thấy có sự thay đổi nào kể từ ngày họ ra đi, khiến có thể nghĩ chị Fatim chưa từng một lần trở lại. Quang cảnh ấy làm họ càng quyết tâm đi đảo Xumatra luôn. Ba người vội vã đến thành phố Maxulipatan. May sao biết tin có một chiếc tàu buôn từ cảng Đahem mang nhiều hàng hoá đến đây bán xong xuôi, chỉ sau hai ngày nữa tàu sẽ lại giương buồm trở về cảng ấy.
Ngay tức khắc, ông Đahi gặp chủ tàu thương lượng. Sau đấy ông trở về báo tin cho cô gái biết. Hai người chọn mang theo những thứ tiện lợi và cần dùng cho một chuyến đi lâu ngày để lên tàu. Ba con ngựa không còn cần thiết nữa, mang bán đi.
NGÀY THỨ CHÍN TRĂM SÁU MƯƠI LĂM.
Hai ngày sau, họ lên tàu. Thời tiết thuận lợi, tàu chạy khá nhanh. Cô gái trẻ ngạc nhiên chỉ nhìn thấy có trời và nước, nhưng mong ước gặp chị khiến cô không nao núng. Ông già tìm đủ mọi cách cho cô đỡ buồn. Khi ông kể chuyện vui, lúc khác ông lại nói những chuyện nghiêm túc trên đời, nhằm mục đích bồi bổ kiến thức cho cô gái.
Thấy cô rỗi rãi, ông nghĩ không nên để lâu hơn nữa không nói thật cho cô biết ông là ai, có gì đặc biệt xảy ra trong số phận ông. Cô gái cũng biết tình cảm của ông già đối với mình có cái gì đó khác thường, nhưng cô nghĩ đấy chẳng qua là tính chơi ngông của người già, hoặc do sự phù hợp tình cờ nào đó tạo nên. Bởi vậy cô khá ngạc nhiên, khi ông già mở đầu câu chuyện như sau:
- Em nên biết, nhìn tôi thằng già khằng và lọm khọm thế này, nhưng tôi là một con người bất tử, tôi không chết bao giờ.
Ông dừng lại, để chờ xem phản ứng trong tâm hồn cô gái ra sao sau khi nghe ông nói thật ra điều ấy. Ông dễ dàng nhận ra câu ông vừa nói khiến nàng có vẻ bối rối lắm. Thoạt tiên, cô cũng thoáng chút nghi ngờ, không biết ông có nói nghiêm túc không, những rõ tính ông già xưa nay chẳng bao giờ báng bổ ai hoặc bất cứ điều gì, cô tin ngay ông nói đúng sự thật. Cô liền bảo:
- Thưa ngài, em chịu ơn ngài rất nhiều. Nhờ có ngài em mới được sống sung túc thế này. Nhưng em nghĩ điều ngài vừa cho em rõ chẳng ích lợi gì mấy đối với ngài. Không biết em nói ra có làm ngài phật lòng hay không. Em nghĩ, già nua và tàn tật như ngài, sống cho lâu lắm phỏng được lợi ích gì?
- Cuộc sống đối với tôi quả là một gánh nặng – ông già nói tiếp – và có thể tôi đã trách ông trời sao không cho tôi được giống như mọi người trên trần thế, nếu như từ trước tới nay con người tôi vẫn giống thế này. Nhưng em Cađi à, tôi nói ra sẽ làm em ngạc nhiên nữa, đấy chỉ là một hình dạng tạm thời và lạ lẫm của tôi mà thôi. Xưa kia tôi cũng có những nét khả ái khiến cho những người thuộc phái đẹp ưa nhìn chứ không làm cho họ phát khiếp như nhìn tôi thế này, thêm vào những nét khả ái mà người đẹp quan tâm ấy, tôi lại có ưu thế là được hưởng một tuổi thanh xuân vĩnh viễn. Nước da tôi vốn trắng đẹp tựa sắc hoa nhài, nét mặt tôi luôn tươi tỉnh tựa đóa hoa hồng. Tóm lại, không chỉ trên khuôn mặt mà tất cả dáng vẻ người tôi, cái gì cũng toát ra những nét hấp dẫn.
- Vậy tại sao – cô bé Cađi sốt ruột ngắt lời – tại sao ngài không biến dạng và mang luôn hình dạng đáng yêu ấy? Thay đổi như thế, chỉ có lợi hơn cho ngài mà thôi.
- Than ôi! – ông Đahi thở dài – đấy chính là điều làm tôi đau khổ vì phải xuất hiện trước mắt em với khuôn mặt đáng kinh tởm này.
- Vậy điều bất hạnh ấy của ngài chẳng bao giờ chấm dứt hay sao?
- Chỉ tuỳ thuộc ở em để điều bất hạnh ấy chấm dứt – ông đáp – chỉ cần em yêu tôi thì điều bất hạnh ấy của tôi khắc chấm dứt ngay.
Cô gái ngây thơ đáp:
- Nếu chỉ cần có thế thì em sợ bộ dạng của ngài sẽ chẳng bao giờ thay đổi được. Nhưng thưa ngài – cô hỏi tiếp – làm sao em có thể tin những lời ngài vừa nói là đúng sự thật?
- Em chỉ cần nghe tôi kể tiếp sau đây, em thân yêu ạ – ông đáp – em sẽ chẳng còn chút nghi ngờ về những gì tôi vừa nói.
- Tất cả những điều tôi vừa nói với em – ông nói tiếp – để em dễ dàng hiểu ra tôi không phải là một con người trần thế, tôi là một thần linh. Xưa kia, tôi có một người anh sinh đôi, đều khôi ngô tuấn tú như nhau, đều thông thái và đầy quyền năng như nhau. Tôi tên là Đahi. Anh trai tôi là Ađi. Tuy nhiên, cho dù chúng tôi là những thần linh, chúng tôi vẫn không thể không bị phụ thuộc bởi bùa phép vào quyền lực một thầy tu theo đạo Bàlamôn ở thành phố Vixapua. Nhờ tu luyện lâu ngày, ông ta có đủ pháp thuật cao cường để khống chế và ngự trị các thần linh chúng tôi. Ông ấy quý hai anh em, anh Ađi và tôi lắm. Để tỏ lòng tin cậy, ông giao cho hai anh em tôi nhiệm vụ canh phòng người tình của ông mà ông không tin cậy lắm về đức chung thủy của bà.