Giapha, tể tướng sủng ái của vua, không chịu được chuyện hoàng đế cứ tự mình khoe khoang như vậy, một hôm bạo gan thưa với người như sau:
- Muôn tâu hoàng thượng, vị chủ nhân của tôi, đấng chủ soái của toàn trần thế, xin cho phép kẻ nô lệ này được mạo muội thưa với ngài rằng ngài không nên quá tự ngợi khen mình như vậy. Hãy nhường những lời ngợi ca ấy cho thần dân của ngài cũng như cho biết bao người nước ngoài đang chầu chực trong triều đình ngài. Ngài hãy hạ cố để cho thần dân cảm tạ Thượng đế đã sinh ra họ trên các quốc giao thuộc quyền ngài, và để người nước ngoài ai cũng hài lòng mình đã khôn ngoan biết rời bỏ tổ quốc để đến đây hầu hạ dưới trướng ngài.
Harun nổi cơn tự ái vì những lời nói ấy. Vua cao ngạo nhìn thẳng vào mặt tể tướng, và đùng đùng hỏi ông có quen biết người nào có thể sánh được vua về đức hào phóng hay không.
- Muôn tâu có,- tể tướng đáp- tại thành phố Basra (Trong bộ Nghìn lẻ một đêm, phiên âm là Banxora, thành phố ở Nam Irắc) có một chàng trai trẻ tên là Abuncaxem. Mặc dù chỉ là một thường dân, anh ta sống xa hoa lộng lẫy hơn tất cả mọi quân vương, và không một nhà vua nào trên đời này, kể cả ngài, muôn tâu hoàng đế, tính tình hào phóng hơn chàng.
Hoàng đế đỏ mặt, đôi mắt vua long lên vì bực bội. Vua nói:
- Ông nhớ rõ rồi chứ, bất cứ thần dân nào dám nói điều sai với vua đều phải tội chết?
- Tôi đâu dám thưa thốt điều gì không chân thực bao giờ- tể tướng đáp. Trong chuyến đi gần đây về Basra, tôi đã gặp chàng Abuncaxem ấy, tôi đã sống ở nhà chàng ta. Đôi mắt tôi, dù đã quen nhìn các kho báu vật của hoàng thượng, vẫn hết sức ngạc nhiên về sự giàu sang của chàng trai, và tôi vô cùng say mê phong thái hào hoa đại lượng của chàng.
Nghe đến đấy, Harun An Rasit không nén nổi cơn thịnh nộ. Vua quát:
- Ông thật đáng tội chết, Giapha à, sao dám đem một kẻ thường dân ra so sánh với ta. Tội khi quân của ông không thể không bị trừng trị.
Vừa nói vua vừa ra hiệu cho viên tướng chỉ huy đội cận vệ đến gần, và ra lệnh bắt giữ ngay tể tướng Giapha. Tiếp đó, vua đi thẳng tới dinh nàng Zôbêit, chính cung hoàng hậu của người. Thoạt trông vẻ mặt giận dữ của nhà vua, hoàng hậu tái người khiếp đảm. Bà hỏi:
- Có việc gì xảy ra, muôn tâu hoàng thượng? Kẻ nào dám gây cho ngài nỗi bất bình?
Hoàng đế thuật lại cho hoàng hậu nghe câu chuyện vừa xảy ra. Vua nói về Giapha với lời lẽ nặng nề khiến hoàng hậu hiểu ngay ông đang giận tể tướng tới mức nào. Nhưng bà hoàng hậu ấy vốn khôn ngoan, bà khuyên vua hãy tạm nén trận lôi đình, hãy nên phái một người nào đó tới thành phố Basra tìm xem hư thực thế nào; nếu điều Giapha nói là sai, hẵng trừng trị ông ta; ngược lại nếu ông ta nói đúng thì cũng nên cân nhắc, xử phạt ông ta tới mức như xử một tên phạm tội sát nhân e chưa được công minh lắm chăng.
Lời hoàng hậu làm dịu một phần cơn thịnh nộ của Harun. Vua nói:
- Hoàng hâu à, ta chấp thuận lời khuyên của nàng. Ta nhận đúng là cần phải đối xử công minh với một bậc đại thần như Giapha. Ta còn làm hơn thế. Để tránh xảy ra trường hợp người ta phái đi vì không ưa tể tướng mà có thể tâu trình không trung thực chăng, ta muốn tự mình đến Basra, tự mình tìm hiểu sự thật. Ta sẽ làm quen với chàng trai mà mọi người khoa trương sự hào phóng ấy. Nếu điều Giapha nói đúng sự thật, ta sẽ không để tâm về lời nói thẳng mà còn ban thưởng trọng hậu cho ông, nhược bằng ông ta dám dối trá với vua thì ta thề sẽ cho chém đầu ngay tức khắc.
Quyết định như vậy rồi, hoàng đế Harun An Rasit tính chuyện thực hiện ngay không chậm trễ. Một đêm vua bí mật rời hoàng cung. Ông lên ngựa và khởi hành, mà nhất thiết không cho phép bất cứ một ai theo hầu, mặc cho hoàng hậu Zôbêit tìm đủ lời lẽ thuyết phục vua chớ nên mạo hiểm đi một mình. Tới Basra, vua gò cương xuống ngựa ghé vào trạm du khách nhìn thấy trước tiên khi vừa vào thành phố. Người gác cổng là một cụ già. Harun nói:
- Bố ơi, tôi hỏi bố nhé, có phải trong thành phố này có một chàng trai trẻ tên là Abuncaxem, anh ta có thể vượt quá mọi đấng quân vương trên đời về sự giàu sang và đức hào phóng?
- Đúng vậy, thưa ngài- người gác cổng đáp- cho dù già này có đến một trăm cái miệng, và mỗi miệng có một trăm cái lưỡi, thì cũng không thể nào kể hết những hành vi hào phóng ông ấy từng làm.
Lúc này vua Harun đang cần nghỉ ngơi, vua chỉ dùng qua mấy món nhẹ rồi đi nằm.
Sáng hôm sau, vua dậy thật sớm, đi bách bộ trong phố cho tới khi mặt trời mọc. Gặp một hiệu may vừa mở cửa, ông vào hỏi nhà Abuncaxem ở về lối nào. Bác thợ may ngạc nhiên:
Ủa, ông từ xứ nào đến vậy? Hẳn ông chưa một lần tới Basra, cho nên mới không biết dinh cơ ngài Abuncaxem toạ lạc ở đâu. Nhà riêng ông ấy còn được dân tình biết đến nhiều hơn cả cung điện của nhà vua.
Kể đến đây bà nhũ mẫu của công chúa Farucna dừng lời bởi một nữ tì vừa vào, cô này có nhiệm vụ đến báo công chúa biết sắp tới giờ đi cầu kinh trưa. Hễ trông thấy tì nữ này xuất hiện là công chúa ra khỏi nhà tắm, vận lại trang phục. Bà nhũ mẫu lúc này cũng ngừng lời, chờ đến hôm sau, khi công chúa bước vào nhà tắm mới kể nốt câu chuyện. Tu sĩ Moclét khi chuyển ngữ từ tiếng Ấn Độ sang tiếng Ba Tư đã sắp xếp theo cung cách trên các truyện kể trong bộ Nghìn lẻ một ngày. Dịch giả vẫn bám sát nguyên tác, tuy nhiên xin phép được lược bớt những câu đưa đẩy trước và sau mỗi buổi tắm, chúng tôi nghĩ như vậy sẽ đỡ làm chán người đọc; độc giả có thể coi một mạch toàn bộ các câu chuyện mà không bị ngưng ngắt dở chừng.
Như vậy là sang ngày hôm sau, bà Xutlumêmê mới tiếp tục câu chuyện kể dở.