Nghìn lẻ một ngày

Chương 18 (A)

Cách đây năm năm, tôi nảy ý muốn đi du lịch. Tôi xin phép phụ vương tôi, hồi ấy người đang tại vì, tôi xin khẩn khoản quá khiến người cuối cùng chấp nhận. Người cho lập một đoàn tuỳ tùng thật đông đảo, vừa để bảo đảm an toàn cho tôi, vừa để tôi xuất hiện tại nước ngoài một cách đàng hoàng, xứng đáng với vai vế của mình. Cha tôi sai mở kho tàng, xuất ra bao nhiêu tiền bạc chuẩn bị cho tôi, lại ban cho vô vàn ngọc ngà châu báu mang theo người. Phụ vương tôi dặn “Một vị hoàng tử bất kỳ đi qua chốn nào, đều phải để lại đấy dấu ấn về sự huy hoàng và lòng hào hiệp của mình. Không thể hành xử như một người dân bình thường được. Ta muốn hoàng tử mỗi lần chi tiêu phải tiêu tiền vàng cả vốc. Dân chúng loá mắt vì tính tình phóng khoáng ấy, sẽ nghĩ hoàng tử có thêm cả những đức tính mà trời không phú cho chàng”.

Vậy là tôi rời kinh thành Astrakhan với một đoàn tuỳ tùng thật sang trọng. Chúng tôi vượt sông Vônga, qua sống Giaich rồi đi ven biển Caspi, đến thành phố Jengikun. Từ dưới chúng tôi đến Giun, rằng đến Caracu, từ đây đoàn đi tiếp sang thành phố Otra. Tôi không quên lời phụ vương tôi dặn. Bất kỳ đến đâu, tôi cũng chi tiêu rất hào phóng. Tóm lại, tôi đáp lại một cách huy hoàng mỗi khi được người khác đón tiếp, tôi thưởng công hết sức trọng thị những việc nhỏ nhặt người ta làm giúp mình. Nhờ tiêu xài như vậy, tôi nổi tiếng là một hoàng tử trăm phần hoàn hảo.

Trong số các triều thần nước Xiêcca phụ vương phái đi theo giúp việc, có một vị làm nhiệm vụ sư phó của tôi, mà tôi đặc biệt quý trọng. Tên ông ấy là Huxêin. Đấy là một người tài cao học rộng, nhưng điều có lẽ đặc biệt àm tôi hết sức thích ông, là ông bao giờ cũng thuận theo mọi ý muốn của tôi. Ông ta không xử sự như một ngài ngự sử lúc nào cũng chỉ xét nét can ngăn. Tôi vừa ngỏ ý muốn, ông đã tận tuỵ chấp hành ngay, thậm chí có khi ông còn đón trước sở thích của tôi để tìm cách làm cho tôi vui lòng, không chờ phải nói ra. Tôi tin cậy ông tới mức không có điều riêng tư nào tôi chẳng tâm sự với ông.

Đến thành phố Otra, một hôm tôi bảo ông:

Ông Huxêin à, đi du hành theo kiểu vua chúa này, tôi chán ngấy. Tôi chẳng được hưởng những lạc thú mà người dân thường vẫn có nhân những chuyến đi chơi xa. Tôi đành bỏ qua không được xem bao nhiêu thứ, do vướng chân bởi tước vị cao quý nên không  có cách sao thoả mãn sự hiếu kỳ. Tôi muốn người ta nhìn tôi như một người dân thường. Tôi muốn đi sâu tìm hiểu những hoàn cảnh khó khăn nhất, được nghe dân chúng nói ra ý nghĩ thật của họ và được nhìn xem cuộc sống thường nhật của người dân. Như vậy không những thích thú hơn, mà nó có thể bổ ích cho tôi trên nhiều mặt.

 

  NGÀY THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI MỐT.  

Ông phó sư Huxêin dễ tính hoan nghênh ngay ý kíến của tôi. Ông nói:

Ý định của ngài thật đáng ngợi khen. Ngài muốn thực hiện nó lúc nào tuỳ ngài. Thưa hoàng tử, ngài chỉ việc để cả đoàn tuỳ tùng của ngài ở lại đây, rồi hai chúng ta sẽ lên đường đến thành phố Carim đơn giản như hai du khách.

Tôi hết súc thú vị tính tình dễ dãi của ông phó sư. Tôi giao cho ông việc chuẩn bị hành trang để lên đường. Việc này cũng khá đơn giản, bởi chúng tôi chỉ cần có hai con ngựa. Chúng tôi lấy vàng bạc cùng ngọc ngà mang theo người, rồi lên ngựa từ giã thành phố Otra. Tôi truyền cho đoàn tuỳ tùng cứ ở yên đấy, chờ chúng tôi quay trở lại. Chúng tôi qua vùng Giaxac, đi sâu vào thảo nguyên Zagatai, rồi đến được thành phố Carim bình yên vô sự. Lúc bấy giờ vua Chit-Axêlan đang trị vì ở đấy, và hiện nay cũng vẫn còn ngự trị ở kinh đô Carim.

Chúng tôi trọ ở một quán dành cho du khách. Mọi người đều coi chúng tôi là những dân du lịch bình thường. Ngày hôm sau, chúng tôi đi xem thành phố, nhận thấy nhà cửa nơi đây đúng là tráng lệ như lời đồn. Thấy một toà nhà kiến trúc kỳ cục, chúng tôi dừng chân ngắm. Nó không giống như các dinh cơ to lớn thông thường, nghĩa là có ngôi nhà to nhất ở chính giữa, chung quanh có những hành lang nối với những nhà phụ nhỏ hơn. Đấy chỉ là một khu đất rộng chung quanh có tường thấp vây kín. Chính giữa, cách nhau từng quãng đều đặn, là các chiếc tháp cao rất hẹp.

Chúng tôi nảy ra ý muốn đi vào bên trong xem cho rõ. Đến gần  các tháp, nghe như có tiếng người từ trong ấy vọng ra. Quả không nhầm. Trong các tháp có nhiều đàn ông, có điều chỉ nghe tiếng chứ không nhìn thấy người. Giọng ai cũng cao, người thì hát nghêu ngao, người thì cười sằng sặc. Chắc đây là nơi giữ những người điên, chúng tôi nghĩ. Và chẳng bao lâu những điều được nghe khiến chúng tôi tin mình đoán chẳng sai. Một người điên cất cao giọng ngâm những vần thơ bằng tiếng Ả Rập. Những câu thơ ngợi ca người tình yêu quý, một người tình đẹp đến chim sa cá lặn, hơn cả các nàng tiên nữ trên thiên đàng.

“Hỡi nữ thuỷ thần mà ta yêu quý, hỡi đoá hoa uất kim đẹp nhất trần gian. Miệng nàng ngọt ngào tựa ly rượu. Khi nàng cười, răng nàng là hai hàng ngọc trai. Khi nàng nói, lời nàng là chuỗi ngọc xinh. Mái tóc vàng của nàng là nơi mặt trời ẩn hiện. Bàn tay nàng là cây cọ nhà danh hoạ Mony dùng để trang hoàng cung điện hoàng đế Trung Hoa”.

Anh chàng còn dùng nhiều lời lẽ mặn nồng hơn nữa, nghe biết ngay đầu óc anh ta không được bình thường. Tôi hỏi vị phó sư của mình:

Ông nghĩ sao về anh chàng ấy, thưa ông Huxêin?

Đầu óc của anh chàng ấy bị thơ với thẩn làm hỏng mất rồi – Ông đáp.

Chúng tôi nghe anh chàng ấy lập đi lập lại chừng ấy lời ngợi ca người yêu. Chán tai, chúng tôi đến gần một cái tháp khác. Từ tháp này lại nghe giọng hát của một anh chàng không trông thấy mặt:

“Hỡi giai nhân mà vầng thái dương đã mượn ánh sáng của nàng để soi rọi các cung điện cũng chiếu sáng như mọi túp lều tranh, xin nàng hãy hiểu cho tấm lòng tôi. Ngày nào tôi cũng ngợi ca chút nắng nàng gởi đến soi sáng phòng giam ảm đạm của tôi. Hỡi ôi, nàng là kiến trúc sư, tôi là ngôi nhà đổ nát. Tôi là dòng sông không ngừng tuôn nước vào tình nàng. Nàng chính là ngọn nguồn của cuộc sống. Tôi là con đường dẫn đến ngọn nguồn ấy”.

Một người điên khác, cùng nhốt chung trong cái tháp ấy, lại cất cao giọng hát não nuột, thở than sao người yêu chẳng đoái hoài gì đến mịnh và ước mong thần chết chóng đến kết thúc mối tình bi thương. Ông Huxêin nói với tôi:

Thưa hoàng tử, ngài có để ý mọi câu thơ và lời hát kia đều hàm ý tình yêu? Tất cả những người trong các tháp đều có vẻ những kẻ thất tình.

 

  NGÀY THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI HAI.

Trong khi vị phó sư trao đổi với tôi như vậy thì một người dân địa phương tình cờ đứng bên cạnh nghe được, nói chen vào:

Chẳng có gì lạ sao những người ấy ai cũng nói về tình yêu. Bởi ái tình chính là nguyên nhân gây nên nỗi khổ cũng như dẫn tới bệnh điên của họ. – người ấy nói thêm – Hai vị hẳn là những người chưa bao giờ đặt chân đến thành phố Carim này, nên các vị mới không biết tất cả các chàng trai ấy đều đổ bệnh điên sau khi nhìn mặt công chúa con gái đức quốc vương chúng tôi.

Thấy chúng tôi tỏ ý vô cùng kinh ngạc, người ấy nói tiếp:

Tôi biết tôi đang nói với các vị một chuyện rất khó tin, nhưng không có gì đúng sự thật hơn. Nếu không tin lời tôi, các vị cứ hỏi bất cứ người nào trong thành phố này, người ta đều khẳng định với các vị, nhan sắc nàng công chúa xứ Carim là tác nhân gây nên hệ quả lạ lùng đến những chàng trai bất hạnh ấy.

Nàng công chúa ấy – người ấy kể tiếp – thỉnh thoảng chơi đánh cầu nơi sân chơi công cộng. Những lúc chơi cầu, nàng không đeo mạng và ai cũng có thể nhìn ngắm nàng. Nhưng khốn cho bất kỳ ai dừng chân ngắm dung nhan nàng, qua ánh mắt công chúa người ấy sẽ si mê ngay, một nỗi si mê vô cùng nguy hiểm. Những người này rồi trở nên trầm uất, và đi đến chết héo chết mòn vì không lấy được người mình yêu, những người khác mất luôn lý trí, trở thành những tên điên thực thụ. Những người phát điên vì nàng công chúa bị nhốt vào các chiếc tháp kia. Quốc vương chúng tôi đã cho xây nên chỉ dùng vào việc ấy. Nhà vua, thật ra không phải con người kém đức hạnh, chẳng hiểu sao không cấm con gái chớ có đưa khuôn mặt không đeo mạng phô ra trước mắt mọi người, hơn nữa dường như vua còn thích thú chơi trò bất nhân ấy, và vui mừng vì mình sinh ra một người con nguy hại đến thế cho cánh nam nhi.

Trong thời gian người ấy đang kể chuyện như trên, chúng tôi nhìn thấy một đámg đông đang ùa theo một tóan lính của nhà vua, dẫn hai chàng trẻ tuổi đi về hướng khu tháp cao. Tôi thốt lên:

Có lẽ kia là những người điên người ta đưa đến giam vào tháp.

Đúng đấy – ông ta đáp – hôm nay là ngày công chúa Rêzia Bêgum đi đánh cầu mà.

Người ấy vừa nói xong, tôi đột ngột bỏ đi. Ông Huxêin chạy theo, thấy tôi hấp tấp, ông hỏi hoàng tử đi đâu vội vàng thế. Tôi đáp:

Đi xem công chúa chơi cầu. Tôi muốn nhìn thấy nàng ấy đẹp tới mức nào. Tôi không tin nhan sắc của nàng nguy hiểm dường ấy.

Nghe nói, vị phó sư của tôi rùng mình. Lần đầu tiên ông lên tiếng can ngăn tôi, ông nói, trên khuôn mặt ông lộ vẻ vô cùng lo lắng:

Thưa hoàng tử, xin ngài chớ ngả theo mong muốn ấy. Quỷ dữ nào xui khiến ngài như vậy? Sau tất cả những gì chúng ta nhìn thấy, sau bấy nhie6u lời người dân Carim vữa nói cho chúng ta hay, ngài vẫn ngỏ ý mong muốn tai hại là nhìn thấy mặt công chúa Rêzia ư? Tôi van ngài, nhân danh Đấng thiêng liêng nhất đã sáng tạo ra muôn loài, xin ngài chớ nhìn vào đôi mắt cô công chúa ấy. Xin hoàng tử hãy biết sợ rồi đây phải chịu cảnh ngộ chung với những chàng trai khốn khổ mà người ta vừa kể chuyện cho chúng ta nghe.

Tôi không thể ngăn được cười khi nhìn thấy vẻ lo lắng đột ngột xuất hiện trên khuôn mặt vị phó sư của tôi

Ông quả chẳng phải là một người có lý trí chút nào. Sao ông có thể tin một nỗi lo âu lố bịch như vậy! Vậy ra ông nghĩ chỉ cần nhìn mặt một giai nhân tôi đã có thể trở thành một con người mất trí ư? Ông chẳng lạ gì trong cung phụ vương tôi có nhiều người đẹp cực kỳ, thế mà chẳng có ai có thể đụng đến sợi lông chân của tôi đây. Tôi có lẽ là vị hoàng tử tồi trong số các hoàng tử cùng lứa tuổi, tôi ít xúc cảm về chuyện yêu đương nhất. Trong triều tôi đã nổi tiếng về chuyện ấy, mặc cho kẻ chê người khen. Xin ông chớ nghĩ tôi có thể từ cực đoan này nhảy ngay sang cực đoan khác. Ông chớ lo lắng gì về sự hiếu kỳ của tôi. Ông chúng tôi tin lời tôi hứa, rồi tôi sẽ tha hồ ngắm nhìn nàng công chúa Rêzia Bêgum, cho dù nhan sắc nàng đã tạo nên bấy nhiêu lời đồn thổi.

Vị phó sư của tôi không cãi, nhưng tôi nhận ra mặc cho tôi nói, không thể nào trấn an ông được. Trong lúc ấy tôi chỉ nghĩ đến việc thoả mãn hiếu kỳ của mình. Tôi hỏi người đầu tiên gặp trên đường: “Xin vui lòng chỉ cho biết con đường dẫn tới bãi chơi cầu”. Người tôi hỏi chuyện là một vị tu sĩ. Ông đáp:

Chàng trai à, nếu anh muốn chơi cầu, hãy lùi sang ngày mai. Hôm nay là ngày công chúa chơi môn giải trí ấy. Anh không nên đến sân cầu hôm nay, ta khuyên anh nên lánh xa chỗ ấy.

Thưa thầy – tôi đáp – tôi không có ý định tiêu khiển, tôi chỉ muốn nhìn mặt nàng công chúa.

Vị tu sĩ kêu to:

Ôi hỡi anh chàng khốn khổ! Anh chán sống rồi sao, hay là anh mất hết trí khôn rồi? Vậy ra chưa ai nói cho anh rõ hệ quả tai hại thế nào nếu nhỡ nhìn vào ánh mắt công chúa Rêzia? Nếu anh đã biết, hẳn anh phải là con người to gan lắm, mới không biết sợ dung nhan sát nhân của nàng.

 

  NGÀY THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BA.

Vị tu sĩ còn nói thêm nhiều điều nữa. Ông cố sức thuyết phục tôi từ bỏ quyết định của mình. Thấy tôi vẫn khăng khăng một mực, ông nổi nóng quát:

Thôi anh hãy xéo luôn cho, hãy đi đến chỗ chết, bởi anh đã không chịu nghe lời khuyên của ta.

Rời vị tu sĩ đi được một lát, tôi nghe một người cầm loa đi rao to khắp các phố phường “Nhân danh lệnh Đức Vua, xin rao truyền cho bà con thiên hạ mọi người được rõ. Hôm nay công chúa Rêzia đi chơi cầu. Nếu người nào dại dột đưa mắt nhìn công chúa, người ấy sẽ chịu trách nhiệm về căn bệnh sẽ xảy ra cho mình sau này”.

Càng đi đến gần sân cầu, tôi càng để ý thấy mọi người náo động. Nghe ơi ới tiếng những người cha đang gọi con trai về nhà, hoặc tìm cách ngăn không cho các cậu tò mò đến xem mặt nàng công chúa Rêzia. Tôi càng cười cho những sự lo âu thái quá ấy, cũng như nỗi kinh hoàng lại hiện lên trên nét mặt ông Huxêin phó sư của tôi. Đến gần sân chơi cầu, tôi chỉ thấy toàn các ông già lọm khọm. Đã thế, các cụ đều đứng xa sân chơi. Các cụ cũng lo, cho dù lửa trong lòng mình đã lạnh giá như băng, biết đâu nhìn thẳng vào mặt nàng công chúa kia, có khi rồi bị người ta lôi cổ nhốt vào tháp dành cho những người điên. Chung quanh sân chơi cầu chẳng có mấy người xem. Ai cũng tránh không nhìn vào dung nhan xinh đẹp nhất mà tạo hoá đã sẵn đúc nên.

Riêng tôi cứ bạo dạn tiến vào, tôi bỏ ngoài tai lời mấy cụ già tốt bụng đang cất tiếng kêu to cố ngăn tôi lại vì thương hại. Tôi xăm xăm bước tới chỗ nàng công chúa. Nhưng chậm chân mất rồi. Nàng  vừa rời khỏi sân chơi. Công chúa đã đeo lại tấm mạng che mặt. Tôi chỉ có thể nhìn thấy nàng từ đàng sau. Vóc dáng nàng trông có vẻ yêu kiều lắm. Nàng  cùng hai nô tì tin cẩn nhất bước lên kiệu trở về cung, chung quanh có đội lính tráng đông đảo dẹp đường và theo hầu.

Tôi buồn rầu nói với vị phó sư của mình:

Tôi thật không may! Giá nhanh chân hơn một chút, tôi đã có thể nhìn thấy mặt công chúa Rêzia rồi.

Ông phó sư không ngăn nổi mừng vui lộ trên mặt:

Tạ ơn trời đất đã không để cho ngài nhìn thấy công chúa. Mặc dù ngài bảo đảm sẽ dửng dưng khi nhìn thấy nàng, thú thật tôi không làm sao yên tâm được. Tôi rất vui khi hoàng tử đã không phải trải qua cơn thử thách.

Ông chẳng có gì để vui mừng quá sớm – tôi đáp – bởi cơn thử thách ấy chỉ bị hoãn lại mà thôi. Tôi thề là sau hôm nay, lần đầu tiên công chúa đến đây chơi cầu, tôi sẽ cố nhìn thật kỹ vào, cho dù hôm ấy nàng còn nguy hiểm hơn cả hôm nay.

Tôi sống trong tâm trạng chờ đợi suốt một ngày. Hôm sau, dân chúng toàn thành phố được tin đức vua vừa ban bố, kể từ ngày hôm nay, công chúa Rêzia sẽ không công khai xuấg hiện trước dân chúng để chơi cầu nữa, từ nay trở đi công chúa chẳng bao giờ đến chỗ có đàn ông mà không đeo mạng che mặt, đúng như luật lệ đạo Hồi bắt buộc. Đức vua đã quyết định như vậy sau những lời trách móc, can gián mạnh mẽ của quần thần.

Chiếu chỉ vừa ban bố của nhà vua làm tôi buồn bực bao nhiêu thì vị phó sư của tôi càng vui thích bấy nhiêu. Ông ta không che giấu được sự vui mừng ra mặt:

Ôi, hoàng tử của tôi. Thế là từ nay ngài thoát khỏi nguy hiểm rồi. Na1ng công chúa từ nay không đưa mặt khi bước ra ngoài cung cấm nữa, nàng không còn cơ hội làm hại đàn ông. Tôi thật lòng ngợi ca trời đất về việc ấy…

Ông nhầm rồi, ông Huxêin à – tôi bực tức ngắt lời ông – ông chớ vội nghĩ tôi bỏ sự hiếu kỳ của mình. Cho dù rồi đây khó nhìn mặt nàng công chúa Rêzia đấy, nhưng không có nghĩa không thể nào có cách.

 

  NGÀY THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BỐN.

Tôi tính toán trong đầu nhiều cách, rồi quyết định làm theo cách như sau. Tôi mang theo một số vàng bạc châu báu, tìm đến gặp người làm vườn trong hoàng cung, đặt vào tay ông ta một túi tiền và bảo:

Bố ơi, xin bố cầm lấy túi tiền này. Bên trong có năm trăm đồng xơcanh vàng. Xin bố hãy cầm tạm, sau này con sẽ đưa bố nhiều món quà đáng giá hơn.

Người làm vườn là một cụ già tốt mã, có người vợ già cũng trạc tuổi. Cụ  cầm túi tiền, mỉm cười nói với tôi:

Chàng trai à, món quà của cậu khá lắm. Nhưng chắc cậu cho già này tiền chẳng để làm gì. Nào, già có thể làm gì giúp cậu được bây giờ?

Tôi có một lời nhờ cụ. Xin cụ hãy để cho tôi vào trong vườn ngự uyển, và rồi đây có dịp được nhìn thấy nàng công chúa Rêzia trong khuôn viên hoàng cung, chỉ cần nhìn mỗi một lần thôi, bởi từ nay trở đi nàng không được phép ra ngoài cung cấm nữa.

 Nghe nói vậy cụ già làm vườn đột ngột trả lại cho tôi túi tiền:

Hãy đi đi, hỡi chàng trai táo tợn. Anh không nghĩ tới hậu quả điều anh vừa đề nghị với tôi hay sao. Nếu tôi cho anh cải trang mặc áo quần phụ nữ, và cho phép anh có mặt trong vườn này khi công chúa Rêzia đi dạo chơi trong đó, tôi không sợ người ta phát hiện ra sao? Cánh hoạn nô chuyên lo việc theo hầu công chúa rất tinh anh, không điều gì thoát khỏi đôi mắt sắc sảo của họ, thoáng chút gì khác lạ đã khiến họ nghi ngờ ngay. Vậy anh nên nghĩ đến nỗi nguy anh tính lao thân vào và kéo tôi vào với anh.

Lời cụ già làm vườn chẳng làm cho tôi nản chí. Tôi đưa trở lại túi tiền vào tay cụ và nói tiếp:

Bố ơi, xin bố chớ từ chối giúp đỡ con. Con là một người nước ngoài mới đến, chẳng có ai ở đây là bà con thân thích hay bạn bè. Con cực kỳ mong ước được nhìn mặt nàng công chúa ấy. Con chỉ còn biết trông mong vào sự giúp đỡ của bố mà thôi. Bố khước từ không giúp, thì con đến chết mất vì buồn phiền.

Bà vợ người làm vườn đem lòng thương hại tôi, nói giúp vào, cả hai chúng tôi cùng năn nỉ. Ông già làm vườn có vẻ thuận tình. Nhưng trong lúc chúng tôi năn nỉ, cụ lại có vẻ mơ màng suy nghĩ. Tưởng cụ còn do dự, tôi vội dúi thêm mấy viên kim cương nữa vào tay, để cụ không xiêu lòng. Cụ nói:

Chàng trai à, không cần đưa thêm mấy viên ngọc này làm chi. Vừa trông thấy anh già đã có cảm tình. Hồi nãy già chưa đáp là còn mải suy nghĩ xem có cách gì giúp anh mà không để xảy ra nguy hiểm cho anh cũng như cho bản thân già.

Tôi vội ôm hôn cụ già, và nài nỉ cụ vừa nghĩ ra kế gì, xin nói cho biết ngay, chớ để tôi phải nóng lòng chờ đợi lâu hơn. Cụ nói:

Cậu phải bỏ bộ áo quần đang mặc trên người kia đi. Cậu hãy mặc cho giản dị đơn sơ vào. Tôi sẽ làm cho cậu giống hệt như một chú giúp việc làm vườn. Mái tóc vàng của cậu có thể làm cho cánh hoạn nô để ý và nghi ngờ. Bà nhà tôi và tôi sẽ cho cậu đeo một cái bong bóng để che tóc đi, rồi chúng tôi sẽ kiếm cách bôi lem nhem lên đấy như thể cậu mắc bệnh chốc đầu. Như vậy là tốt lắm, bởi trông cậu càng xấu càng ít bị người ta để ý. Chắc cậu không hài lòng khi tôi bảo cậu cải trang nhảm nhí như vậy. Tuy nhiên hẳn cậu không lấy chuyện ấy làm điều nếu cậu thực lòng tha thiết muốn thực hiện ý đồ của mình, mà như lời cậu nói, ý đồ ấy chỉ là được một lần nhìn thấy mặt công chúa con gái đức vua. Dĩ nhiên, nếu cậu muốn công chúa thích, thì hình thức và trang điểm bên ngoài của cậu phải theo cách khác cơ, có thể mới có cái để mà hy vọng.

 

  NGÀY THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI LĂM.

Tôi đồng ý sáng kiến của cụ làm vườn. Tôi để yên cho hai vợ chồng cụ hoá trang tôi thành một chú giúp việc trong vườn. Các cụ lấy một cái bong bóng chụp lên đầu tôi che mái tóc, rồi bôi gì lên đấy cho thật xấu xí để các tiểu thư ý nhị nhất cũng chẳng thấy ngại ngùng khi nhìn thẳng vào mặt tôi. Trong khi hai vợ chồng làm gần xong công việc hoá trang, vị phó sư của tôi vẫn đứng chờ bên ngoài, sốt ruột chẳng hiểu tôi làm gì lâu la trong vườn đến thế, bèn bước vào tìm. Ông nhìn tôi, cho dù đã cải trang ông vẫn nhận ra, và rất lấy làm lạ tại sao tự dưng tôi biến thành một chú phụ việc bẩn thỉu như thế này.

Tôi không nén khỏi phì cười khi nhìn vẻ mặt thảng thốt của ông, làm cho ông cũng phá ra cười theo. Bộ áo quần giản dị, cái bong bóng chụp lên đầu làm cho tôi giống hệt một anh bị bệnh chốc đầu, chừng ấy đủ làm cho chúng tôi cười sảng khoái. Riêng cụ già làm vườn vẫn tỏ vẻ nghiêm trang, thậm chí còn thoáng chút lo lắng. Cụ hỏi tôi có đáng tin ông vừa đến này là người kín mồm kín miệng hay không. Để cụ yên tâm, tôi khẳng định có, và còn nói thêm đấy là ông anh trai của tôi. Cụ già nói:

Thế là được, tôi hài lòng. Bây giờ có việc đưa cậu vào bên trong vườn ngự uyển. Còn ông anh trai cậu, bảo anh ta cứ về, thỉnh thoảng đến đây, tôi sẽ cho rõ tin tức về cậu.

Vị phó sư của tôi ra về. Lát sau, cụ già làm vườn cho tôi đi theo vào trong vườn của hoàng cung. Cụ trao vào tay tôi một cái thuổng, dạy tôi cách cầm thuổng, rồi chỉ cho tôi biết nên làm những việc gì. Trong khi tôi tập làm việc, một vài viên hoạn quan đi qua bên cạnh. Nhìn thấy tôi, ai cũng cho đây là một cậu bé đang bị bệnh lở lói trên đầu. Họ nói với nhau “Đấy, chúng ta cần những người giúp việc trong vườn đại loại giống như chú này”. Nói xong, họ đi tiếp, khiến tôi rất hài lòng vì đã không gây nên chút ngờ vực nào.

Đến cuối ngày làm việc, cụ già làm vườn nghĩ đến lúc này chắc tôi đã thấm mệt, bảo tôi ngừng tay rồi đưa đến gần một cái bể xây bằng đá cẩm thạch chứa đầy nước trong veo. Ở đấy, có một tấm da trải trên bãi cỏ, bày sẵn các món rượu thịt. Lại thấy cả một cái bình đựng rượu nho và một cây đàn nguyệt.

Hai chúng tôi ngồi lên tấm da, ăn uống ngon lành. Ăn xong, mới đụng đến cái bình. Uống gần cạn, cụ già chắc vì có hơn men nên tỏ ra sảng khoái hơn, cụ cầm chiếc đàn và bắt đầu chơi.

Tôi đã học chơi đàn từ nhỏ, quá thành thạo để đánh giá cao tài nghệ của cụ già làm vườn. Nhưng nhìn thấy cụ đánh đàn chỉ để mua vui cho chính mình thôi mà chơi say sưa quá, tôi không thể không ngỏ lời khen ngợi hay lắm, hay lắm. Cụ có vẻ thú vị về lời khen của tôi, liền trao cây đàn vào tay và bảo tôi đánh đi “Con trai à, con cũng nên chơi đàn một chút, xem thử con có làm nên trò vẻ gì với thứ đàn này không”

Chẳng cần để cụ giục giã nhiều hơn, tôi đón cây đàn, tấu mấy điệu nhạc cổ hay tài hoa nhất của đại tác giả Abđenmumen, lại còn hứng chí vừa đàn vừa hát. Cụ làm vườn thích lắm, cũng ngợi khen nồng nhiệt như tôi vừa khen cụ, làm cho tôi không khỏi xúc động ít nhiều, cho dù biết chắc mình chơi hay hơn hẳn cụ già.

 

  NGÀY THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI SÁU. 

 

Tôi tưởng lúc này chỉ có mỗi một khán giả đồng thời là người ngợi khen duy nhất là cụ già làm vườn. Không ngờ lúc ấy, quan tể tướng tình cờ đi dạo trong vườn, nghe giọng tôi hát cùng tiếng nhạc dặt dìu, lặng lẽ tiến gần. Ông đứng lắng nghe. Khi tôi ngừng đàn, ông xuất hiện và bắt chuyện. Trông thấy ông, tôi đứng lên và kính cẩn đi ra xa. Ông bảo:

Chú kia, hãy đứng lại, tại sao chú tránh mặt ta?

Bẩm thưa ông, tôi không dám ở lại vì tự thấy mình không được phép được trước mặt các vị quyền quý như ngài.

Không sao, chú bé ạ, chú cho ta biết chú là ai – tể tướng hỏi.

Tôi chưa đáp ngay, vì không biết nên trả lời thế nào, thì cụ làm vườn đã nói đỡ:

Bẩm ngài, nó là chú bé con giúp việc cho già, chú làm vườn khá lắm, và già lấy làm may kiếm được một người như chú ấy để đỡ đần.

Tể tướng bảo tôi hát thêm vài bài nữa. Tôi vừa hát vừa đệm đàn thật điệu nghệ khiến vị đại thần có vẻ rất thú vị. Ông thốt lên:

Tất cả các nhạc công của đức vua ta cộng lại cũng không bằng chàng trai này.

Nói xong ông tiến đến gần tôi hơn, chăm chú nhìn lên đầu rồi hỏi:

Nhưng đầu chú mày làm sao thế, hình như chú mày bị bệnh chốc đầu?

Bẩm ngài, thật đáng tiếc – cụ già làm vườn lại nói đỡ - đúng là chú bé khốn khổ này mắc phải bệnh chốc đầu.

Thật đáng tiếc – tể tướng nói – không bị chứng bệnh hay lây lan và khó coi ấy, ta có thể cho chú mày ra khỏi địa vị tối tăm. Ta muốn có chú bên cạnh để thỉnh thoảng giải trí cho ta. Ta có thể làm cho chú trở thành giàu có, đáng tiếc là chú bị chốc đầu.

Nói xong tể tướng bỏ đi. Sáng hôm sau, vào buổi chầu, ông tâu với nhà vua:

Tâu bệ hạ, ngài chưa rõ trong vườn bệ hạ có cả một kho báu.

Và tể tướng kể cho nhà vua nghe câu chuyện xảy ra chiều hôm trước. Nghe trình, nhà vua ngỏ ý tự mình cũng muốn nghe tôi chơi nhạc và hat. Vua nói:

Chiều hôm nay ta sẽ ra vườn ngự uyển xem chú chốc đầu ấy đàn hát. Hãy truyền cho các nhạc công trong nội phủ được biết để chuẩn bị một buổi hoà nhạc ngoài vườn. Nhớ sai mang bày sẵn thức ăn nhẹ ở vườn luôn.

Lệnh vua đã truyền, ngay lập tức nhiều tấm thảm đẹp được mang đến trải xuống chỗ hôm qua cụ già làm vườn và tôi cùng ngồi. Các quan lo việc ngự thiện còn đẩy ra vườn mấy cái tủ rượu để nhiều bình chứa toàn rượu ngon. Trong khi đó dưới hai chiếc lọng xanh, người ta bày ra đủ món thịt thà, hoa quả. Mọi việc vừa xong, thì nhà vua từ trong cung bước ra vườn, theo sau có tể tướng cùng một số vị triều thần.

Vua vừa an toạ, và cho phép những người cùng đi được ngồi lên các tấm thảm, thì tôi đeo từ thắt lưng trở xuống một tấm khăn trắng và mang đến trước mặt vua một lẵng chứa đầy hoa tươi. Tôi đặt lẵng hoa dưới chân nhà vua và kính cẩn lui ra. Tôi để ý thấy vua chăm chú nhìn theo, và nhất là quan sát cái bong bóng xấu xí trên đầu tôi. Chẳng khó khăn gì vua không đóan ra tôi chính là nhân vật tể tướng đã nói đến. Vua phán:

Này anh chốc đầu, anh làm công việc gì ở đây?

Ông cụ làm vườn, chủ nhân của tôi, đáp lời hộ, nói đấy là chú giúp việc của mình, chú ấy giỏi công việc vườn tược lắm. Cụ già nói với nhà vua một cách tự tin như thể cụ đang nói lên sự thật.

 

  NGÀY THỨ MỘT TRĂM HAI MƯƠI BẢY.

Đức vua vẫn nhìn tôi chằm chằm. Vua hỏi ông già làm vườn:

Có đúng là chú giúp việc của lão chơi đàn nguyệt khá lắm, và lại còn hát hay nữa?

Tâu bệ hạ đúng  vậy – người làm vườn nói – giọng ca của chú ta khá mùi mẫn. Nghe chú hát, người ta chỉ nhớ giọng hát mà quên luôn người ngợm của chú.

Ta muốn nghe qua – vua nói – Thử xem tài nghệ của chú mày đến đâu.

Cùng theo hầu nhà vua hôm ấy có một số chú hề. một tên hẳn nghĩ nhà vua nói vậy để chế giễu tôi, liền bước tới nắm tay tôi, như thể mời cùng nhảy múa làm trò với hắn. Hẳn anh chàng nghĩ tôi sẽ múa may lộn xộn, cộng thêm bộ dạng kỳ dị của tôi nữa, hắn sẽ làm cho mọi người được một mẻ cười khóai trá. Nhưng hắn đã nhầm. Tôi đưa cánh tay rắn chắc túm vai hắn ta, lắc cho mấy cái thật mạnh làm hắn lảo đảo. Mọi người phá ra cười, nhưng không phải cười tôi mà cười chính anh hề ấy. Tiếp đấy, tôi tỏ cho mọi người thấy tôi nhảy múa đẹp hơn rất nhiều, không như hắn ngờ đâu. Nhà vua và tất cả mọi người có mặt ở đấy đều nồng nhiệt vỗ tay tán thưởng.

Người ta chú ý đến tôi hẳn cũng tại tiếng đồn về người ngợm bên ngoài của tôi chẳng ra sao. Ai cũng lấy làm ngạc nhiên tại sao một anh chàng ai cũng nghĩ là khốn khổ khốn nạn, lại biết vũ đạo tài hoa đến thế. Chẳng hiểu sao, có người nào đó trao vào tay tôi đôi phách bằng ngà voi. Tôi vừa nhảy múa vừa nhịp phách, khéo léo nhịp nhàng uyển chuyển đến mức mọi người đều công nhận chưa từng gặp một vũ công nào điêu luyện đến vậy biểu diễn ở triều đình nước Carim này.

Sau khi nhảy múa hồi lâu, tôi cầm cây đàn nguyệt của cụ già làm vườn và bắt đầu vừa đàn vừa hát, còn hay hơn cả ngày hôm trước, khi tôi diễn cho tể tướng xem. Tôi để ý vị đại thần càng về sau càng tỏ ra hài lòng, khi ông nhìn thấy trong ánh mắt của nhà vua sự thích thú rõ rệt. Người ta lại đưa đến cho tôi một cây đàn hạc, một cây đàn tì bà, một cây đàn thất huyền và một chiếc sáo trúc. Tôi lần lượt chơi bốn loại nhạc cụ ấy, đều khéo léo khiến nhà vua càng lấy làm thích thú.

Vua ra lệnh ban thưởng cho tôi một ngàn đồng xơ canh vàng. Người ta mang túi tiền đến trước mặt tôi. Tôi mở ngay cái túi ra, lấy tiền vàng trong ấy chia cho nhạc công và ca sĩ có mặt. Tất cả mọi người đều ngạc nhiên về cử chỉ ấy. Mọi người xì xào: “Anh chàng này có tâm hồn cao thượng. An hta muốn bắt chước các vị quân vương. Thật đáng tiếc là anh ta bị chốc đầu”.

Nhà vua cũng ngạc nhiên không kém những người khác hỏi tôi tại sao không giữ riêng cho mình món tiền thưởng. Tôi đáp, tôi chẳng nên có những của cải từng được vinh hạnh thuộc sở hữu của hoàng thượng, vì tôi đã quá vinh hạnh được làm việc trong vườn ngự uyển hầu ngài rồi. Vua hài lòng về câu trả lời. Mọi người lại vỗ tay tán thưởng. 

Tiếp đó nhà vua truyền mang thức ăn đến. Vua cùng các triều thần dùng thức ăn nhẹ và uống rượu. Sau đấy, là hoà nhạc. Hôm ấy cũng có nhiều giọng hát khá hay. Nhưng có lẽ nhà vua quá có ấn tượng về giọng hát của tôi nên xem chừng nghe không chăm chú lắm, như thể đang nghe những người hát tầm thường sau khi vừa thưởng thức xong một giọng ca tuyệt diệu.