Nghìn lẻ một ngày

Chuơng 16

Tôi là con trai độc nhất một thương gia giàu có ở thành phố Surat. Chỉ một thời gian ngắn sau khi cha tôi qua đời, tôi đã làm tiêu tán gần hết gia sản khổng lồ do người để lại cho con. Còn lại một ít, tôi tiếp tục hoang phí luôn với nhóm bạn bè của mình, chợt một hôm một người nước ngoài ghé qua Surat để đến đảo Xêrenđip tình cờ có mặt tại một bữa tiệc tôi chiêu đãi bạn bè. Hôm ấy câu chuyện xoay quanh chuyện đi du hành. Những người này ngợi ca sự cần thiết và những điều lý thú khi được đi đó đi đây. Những người khác thì kể ra muôn vàn hiểm nguy khó tránh trên đường rong ruổi. Những điều thú vị họ nói ra khiến tôi cũng muốn đi du lịch xem sao, nhưng các khó khăn trở ngại được những vị thực khách mô tả, qua các chuyến đi của họ lại làm tôi ngại ngần không dám quyết.

Chờ mọi người nói xong, tôi cất lời:

- Nghe kể về lạc thú của các chuyến đi xa, ai cũng muốn ra đi, nhưng hình dung các hiểm nguy người lữ hành thường gặp trên đường lại làm ta cụt hứng, không dám bước ra khỏi nhà nữa. Giá được đi từ đầu trời đến cuối đất mà không phải gặp gian lao khổ ải nào, thì ngay sáng sớm mai tôi lên đường giã từ thành phố Surat này.

Mọi người phá ra cười vui vẻ. Riêng người ngoại quốc lại nói:

- Thưa ngài, nếu quả ngài có ý định muốn đi chơi xa, song chỉ vì gian lao mà chưa quyết, nếu ngài đồng ý, tôi sẵn sàng bày cho ngài một cách tha hồ đi khắp mọi nơi mà chẳng lo trở ngại nào.

Tôi nghĩ ông ta nói đùa. Nhưng sao bữa tiệc, ông mời tôi ra một nơi và nói riêng, sáng sớm mai, ông sẽ đến nhà tôi, chỉ cho tôi xem một điều khá đặc biệt.

Quả như lời, ngày hôm sau ông đến nhà tôi:

- Tôi muốn giữ lời đã hứa với ngài. Nhưng phải chuẩn bị vài hôm nữa ngài mới thấy cụ thể kết quả lời tôi hứa. Hôm nay, tôi bắt tay làm công việc. Xin ngài sai người nhà đi tìm thuê một người thợ mộc. Khi trở về, cả hai người ấy cần mang theo một số gỗ đã xẻ sẵn thành tấm.

Mọi việc được thi hành chóng vánh.

  NGÀY THỨ MỘT TRĂM MƯỜI.

Khi người thợ mộc cùng người nhà của tôi mang các tấm ván trở về, ông khách lạ bảo anh thợ mộc đóng giúp một cái hòm dài sáu bộ và rộng bốn bộ. (Đơn vị cổ, bằng 0,324m). Trong khi anh thợ mộc bắt tay vào việc thì người khách lạ cũng chẳng ngồi không. Ông hì hục sản xuất các bộ phận khác của cái máy, đại thể như ốc vít và lò xo. Hai người làm việc suốt cả ngày hôm ấy. Chiều tối, xong công việc, tôi cho anh thợ mộc ra về. Ngày hôm sau, vị khách nước ngoài lại lụi cụi lắp các ốc vít, lò xo và hoàn thiện sản phẩm.

Đến ngày thứ ba công trình hoàn tất. Chúng tôi cho phủ lên cái hòm gỗ ấy một tấm thảm Batư, rồi mang về quê. Tôi cùng người khách lạ cùng theo về dưới ấy. Đến nơi, ông bảo tôi:

- Ngài hãy cho tất cả mọi người nhà quay trở về, chỉ để hai chúng ta lại đây thôi. Tôi không muốn cho bất kỳ ai khác ngoài hai ta được nhìn thấy công trình này.

Tôi truyền cho tất cả gia nhân hãy trở về nhà, mình tôi ở lại cùng người khách nước ngoài. Tôi đang nóng lòng muốn rõ ông ta định làm gì với cái hòm gỗ này thì ông ta đã bước vào trong ấy. Và cái hòm tự nó bốc lên không trung, rẽ không khí bay đi với tốc độ khó tưởng tượng, trong chốc lát đã xa khỏi tầm mắt tôi, song lát sau lại đã thấy cái hòm bay về đỗ xuống đất.

Tôi cực kỳ ngạc nhiên trước chuyện kỳ lạ thế này. Người khách nước ngoài bước ra khỏi cái hòm và nói:

- Ngài thấy đấy, đúng là một cỗ xe nhẹ nhàng. Bây giờ hẳn ngài đã tin chắc đi du hành với chiếc xe này, không còn sợ bọn vô lại chặn lại với cướp bóc dọc đường. Đấy chính là phương tiện tôi muốn tặng, để ngài dùng đi đó đi đây một cách an toàn. Tôi biếu không ngài đấy. Ngài sẽ dùng nó chừng nào muốn đi du lịch nước ngoài. Xin ngài chớ nghĩ có phép thần thông biến hoá gì trong vật ngài thấy kia. Chẳng cần phải niệm thần chú hay yểm bùa yêu để cho cái hòm này bay lên trời. Sở dĩ nó bay được là do quy luật chuyển động. Tôi là người thông thạo cơ học, tôi còn biết làm nhiều máy móc kỳ lạ hơn cái máy này nhiều.

Tôi cảm tạ người khách nước ngoài đã biếu cho một vật hiếm. Để tỏ lòng biết ơn, tôi trao cho ông một cái túi đựng đầy tiền xơcanh vàng, và nói với ông:

- Xin ngài vui lòng cho biết, làm cách nào cho cái hòm này chuyển động.

- Ngài sẽ thấy ngay đây, -ông đáp.

Nói xong, ông mời tôi cùng ông vào bên trong cái hòm. Ông chạm tay vào một cái lò xo, cái hòm bay lên, sau đó ông bày cho tôi cách điều khiển nó thật an toàn.

- Quay cái vít này, ông sẽ đi sang phải, vặn cái vít kia ông sẽ rẽ sang trái, chạm vào cái lò xo này cái hòm sẽ bay lên, động vào cái lò xo kia cái hòm khắc hạ xuống.

Tôi muốn tự tay mình điều khiển thử. Quả nhiên rất dễ dàng, tôi muốn bay lên, hạ xuống đi nhanh đi chậm thế nào cũng được. Sau khi bay lượn mấy vòng trên không trung, chúng tôi cho nó quay trở lại nhà tôi và đỗ xuống sau vườn. Cái hòm đáp xuống khá nhẹ nhàng, bởi cái thảm phủ bên trên đã được bỏ đi, để lộ trên thành hòm những cái lỗ cho không khí thông vào cũng như để từ trong nhìn ra ngoài.

Chúng tôi về nhà trước cả bọn người nhà, khiến họ hết sức ngạc nhiên. Tôi sai mang cái hòm vào phòng riêng của tôi, giữ nó cẩn thận như giữ một kho báu. Người khách nước ngoài ra đi, cả ông và tôi hai người đều hài lòng.

Tôi tiếp tục chơi bời hoang phí với bạn bè cho đến khi hết sạch trơn gia tài cha tôi để lại. Tôi bắt đầu vay mượn, giật tạm mỗi nơi một ít, chẳng bao lâu nợ nần như chúa chổm. Khi người thành phố Surat hay tin tôi đã khánh kiệt, tôi chẳng còn chút tín nhiệm nào nữa, chẳng ai đồng ý cho tôi vay thêm, trong khi các chủ nợ ngày nào cũng cứ đến thôi thúc tôi trả các món nợ vay trước. Thấy mình chẳng còn nguồn sinh sống nào khác, có nghĩa chẳng mấy chốc rồi tự chuốc vào mình nhục mạ và ưu phiền, tôi nhớ đến cái hòm của mình. Một đêm, tôi tự tay kéo cái hòm từ phòng riêng ra vườn, cho vào đấy một ít thực phẩm và số tiền ít ỏi còn lại trong nhà, rồi bước vào bên trong. Tôi bật cái lò xo điều khiển cho nó bay lên, chẳng mấy chốc rời xa thành phố Surat cùng các chủ nợ của mình, chẳng còn lo lính tráng hay mõ toà mai kia săn tìm nữa.

Trong đêm tối, tôi cho cái hòm bay với tốc độ nhanh nhất, tưởng chừng nhanh hơn gió. Rạng sáng, tôi ngó qua cái lỗ để biết mình đang ở đâu. Nhìn xuống thấy toàn núi cao vực sâu, cánh đồng khô cằn, sa mạc khủng khiếp. Nhìn về hướng nào cũng chẳng nom thấy nhà ở. Tôi tiếp tục bên trên không trung cả ngày hôm ấy và đêm hôm sau nữa. Sáng hôm sau tôi thấy mình đang bay qua một khu rừng rậm, cạnh khu rừng có một thành phố khá đẹp, liền với một cánh đồng bát ngát.

Tôi cho cái hòm dừng lại để ngắm thành phố, cũng như toà lâu đài tráng lệ ở cuối cánh đồng. Rất muốn biết mình đang ở đâu, tôi đang suy nghĩ cách làm sao tìm hiểu, chợt nhìn thấy một nông dân đang làm việc trên cánh đồng. Tôi cho cái hòm đáp xuống giữa khu rừng, giấu cái hòm trong ấy, rồi đi ra cánh đồng hỏi người nông dân đang làm việc, thành phố này tên là gì. Ông đáp:

- Chàng trai à, tôi thấy rõ anh là người nước ngoài, bởi anh không biết thành phố này tên gọi là Gazna. Quốc vương Bahaman, một vị anh quân rất công minh và dũng cảm, hiện trị vì nơi đây.

- Vậy ai sống trong toà lâu đài tráng lệ nhìn thấy cuối cánh đồng kia? Tôi hỏi.

- Ấy là toà lâu đài quốc vương Gazna cho xây dựng để nhốt nàng công chúa Thirin con gái nhà vua. Theo số tử vi của nàng, công chúa sẽ bị một người đàn ông quyến rũ và lừa gạt. Để phòng ngừa điều ô nhục ấy, nhà vua cho xây dựng nên toà lâu đài này, toàn bằng đá cẩm thạch, chung quanh có hào rộng đầy nước sâu. Khoá lâu đài làm bằng thép mua tận Trung hoa, đích thân nhà vua giữ chùm chìa khoá, ngoài ra lại còn một đội lính đông đảo ngày đêm tuần tra canh gác chung quanh toà lâu đài, không cho bất cứ một người đàn ông nào bén mảng tới. Mỗi tuần nhà vua đến thăm con gái một lần, sau đó trở về sống ở hoàng cung trong thành phố Gazna. Ở trong lâu đài cùng nàng công chúa Thirin chỉ có bà quản mẫu cùng mấy tên nô tỳ giúp việc.

 NGÀY THỨ MỘT TRĂM MƯỜI MỘT.

Tôi cảm ơn người nông dân đã cho biết những điều trên rồi quay gót đi vào thành phố. Vừa tới nơi, đã nghe có tiếng vó ngựa dồn dập. Ngay sau đó xuất hiện nhiều kỵ mã ăn mặc sang trọng cưỡi trên những con tuấn mã yên cương huy hoàng. Chính giữa đoàn kỵ sĩ ấy, một người cao lớn dáng điệu uy nghi, đầu đội vương miện vàng, áo hoàng bào có đính nhiều hạt kim cương lấp lánh, tôi đoán đấy chắc hẳn nhà vua xứ Gazna đang đi thăm con gái. Vào trong thành phố, hỏi mấy người dân, tôi biết mình đã đoán không sai.

Sau khi dạo một vòng quanh thành phố, thoả mãn chừng nào lòng hiếu kỳ của mình, tôi nghĩ đến cái hòm. Cho dù đã giấu ở một nơi kín đáo, vẫn không khỏi cảm thấy lo âu. Tôi vội vàng ra khỏi thành phố, và chỉ yên tâm trở lại khi nhìn thấy chiếc hòm gỗ còn nguyên vẹn.

Thanh thản trở lại, tôi ăn uống rất ngon lành số thực phẩm mang theo, rồi quyết định ngủ qua đêm trong khu rừng này. Hy vọng đêm nay sẽ ngủ ngon, bởi không còn phải lo âu chút nào về những người chủ nợ. Tuy nhiên, tôi không sao yên giấc. Những điều người nông dân nói cho nghe ban ngày cứ ám ảnh đầu óc. Tôi tự hỏi: “Quái thật, tại sao nhà vua Bahaman lại lo âu về một điều huyễn hoặc như thế? Có cần thiết không, phải xây cả một lâu đài để nhốt con gái? Để nàng sống trong hoàng cung chưa đủ an toàn hay sao? Nếu các nhà coi số tử vi đã nhìn thấy ngôi sao chiếu mệnh của nàng mắc vào cung ấy rồi, thiên tào đã định cô nàng đi theo ai đấy, tránh làm sao khỏi? Con người cho dù cẩn trọng đến đâu vẫn khó tránh khỏi một điều mà duyên số đã định. Nếu quả nàng công chúa Thirin phải lòng một anh chàng nào đó, thì phòng ngừa thế nào rồi cũng tốn công vô ích mà thôi”.

Cứ suy nghĩ mãi về nàng công chúa Thirin, tôi hình dung hẳn nàng xinh đẹp tuyệt thế vô song, đẹp hơn tất cả bao nhiêu người đàn bà khá xinh đẹp tôi đã gặp tại thành phố Surat hoặc thành phố Gioa, các nàng ấy đã góp phần đáng kể làm cho gia tài tôi mau khánh kiệt. Tôi tự nhủ, phải tìm lối đáp xuống mái toà lâu đài ấy, phải tìm cách vào bằng được trong phòng cô công chúa ấy, biết đâu mình chẳng được nàng mê say? Biết đâu tôi chính là chàng trai mà các nhà xem số tử vi đã đồ trước sẽ quyến rũ được nàng?

Hồi ấy tôi còn trẻ, do đó ngổ ngáo lắm, và tôi cũng chẳng phải con người nhát gan. Quyết định táo tợn vậy rồi, tôi bắt tay thực hành ngay lập tức.

Tôi vào chiếc hòm, lái cho nó bay về hướng toà lâu đài. May sao hôm ấy, như thể để chiều lòng tôi, đêm tối dày đặc. Tôi bay qua đầu bọn lính được bố trí canh gác đông đảo bên ngoài các hào nước, không bị chúng phát hiện. Tôi đáp xuống mái lâu đài, ở một chỗ nhìn thấy gần nơi có ánh đèn hắt lên. Tôi ra khỏi hòm, bò đến bên một cửa sổ người ta mở hé sẵn để đón gió mát. Nhìn vào, thấy một gian phòng bày biện đồ đạc cực kỳ sang trọng, công chúa Thirin đang nằm ngủ say sưa. Quả thật nàng vô cùng xinh đẹp, lời đồn đại chẳng chút sai ngoa, thậm chí đẹp hơn cả như tôi hình dung trong đầu. Tôi tiến đến gần nàng hơn để ngắm nghía cho thoả. Thấy nàng quá xinh, không sao cầm lòng được, tôi liền quỳ xuống nâng một bàn tay nàng đưa lên môi hôn.

Nàng tỉnh giấc ngay. Nhìn thấy một người đàn ông trong tư thế đáng cho mình đề phòng, công chúa kinh hãi thét lên một tiếng rõ to. Bà quản mẫu đang ngủ phòng  bên cạnh giật mình chạy bổ sang.

Bà Matpêke ơi, hãy cứu tôi với. Có…có một người đàn ông trong phòng. Bằng cách nào anh ta vào được phòng tôi? Hay bà là người đồng loã?

Tôi ư?  Bà quản mẫu phật ý – Sao công chúa nỡ nghi ngờ xúc phạm như vậy đến già này? Hơn nữa, cho dù tôi cố tình tạo điều kiện thuận lợi cho anh ta, thì làm sao vượt qua được đội lính canh gác vòng trong vòng ngoài? Công chúa biết rõ rồi đấy, muốn vào được tới đây phải qua hai mươi cánh cổng đúc bằng thép, cổng nào cũng niêm phong dấu ấn của hoàng thượng, và chỉ có ngài là người giữ chìa khóa thôi. Tôi thật lòng không hiểu làm sao chàng trai trẻ này đã vượt qua được bấy nhiêu trở ngại.

Trong khi công chúa và bà quản mẫu trao đổi với nhau như vậy, tôi tự đập óc suy nghĩ mình nên đối đáp như thế nào, và bỗng dưng nảy ra ý, phải làm cách sao để cho hai người này tin chắc ta đây chính là Đấng tiên tri Mahomét. Tôi liền nói luôn:

Công chúa Thirin à, cũng như bà quản mẫu Matpêke kia, chớ có ngạc nhiên tại sao ta vào được tới đây. Ta không thuộc những chàng trai dùng vàng bạc hoặc mưu đồ giả dối để đạt ước vọng. Ta không có ý định làm gì khiến công chúa phải lo tiết hạnh bị xâm phạm, trong đầu óc ta chẳng bao giờ có ý nghĩ vô đạo đức. Ta chính là Đâng tiên tri Mohamét. Ta không thể ngồi nhìn quốc vương Bahaman cha nàng, chỉ nhằm phòng ngừa duyên số đắng cay của con gái, mà giam cầm nàng bao nhiêu lây trong ngôi nhà tù này, để nàng phải bỏ mất những ngày xuân tươi đẹp. Công chúa, cũng như vua cha nàng, từ nay hãy yên tâm đi, hãy thanh thản đi, chớ nên lo lắng gì. Rồi đây nàng sẽ chỉ có hưởng vinh quang và hạnh phúc thôi, bởi nàng đã trở thành vợ của Đấng tiên tri Mahomét. Chừng nào tin về cuộc hôn nhân của nàng với Đấng tiên tri loan truyền ra khắp thế giới, thì tất cả mọi quân vương trên đời ai ai cũng kính sợ nhà vua bố vợ của Đấng tiên tri, và tất cả mọi nàng công chúa trên trần thế chẳng cô nào không ganh tị với chuyện may của công chúa Thirin.

 

  NGÀY THỨ MỘT TRĂM MƯỜI HAI.

 

Công chúa Thirin và bà quản mẫu phân vân đưa mắt nhìn nhau, như thể ngầm trao đổi nên nghĩ thế nào về những lời tôi vừa thốt. Riêng tôi, thú thật lúc ấy tôi cũng chưa tin lời nói của mình có tác động gì nhiều đến tâm tư của họ. Nhưng phụ nữ xưa nay bao giờ cũng sẵn lòng tin những gì kỳ diệu. Bà quản mẫu và công chúa tin luôn lời tôi nói. Họ nghĩ tôi là Đấng giáo chủ Mahomét. Và đêm ấy tôi đã lạm dụng lòng tin ngây thơ của nàng công chúa. Sau khi trải qua gần hết đêm với nàng Thirin, trước khi trời rạng sáng, tôi ra khỏi toà lâu đài, không quên hứa đêm mai sẽ quay trở lại.

Tôi vội vã đến chỗ để cái hòm, chui tọt vào trong, cho nó bốc lên thật cao để khỏi bị bọn lính canh nhìn thấy. Tôi đáp xuống khu rừng, giấu cái hòm vào một chỗ kín đáo rồi đi vào thành phố. Tôi mua đủ thực phẩm dùng trong tám ngày, nhiều quần áo sang trọng, một chiếc khăn đội đầu may bằng vải tốt có những sợi sọc vàng sản xuất tận bên nước Ấn độ, cùng nhiều loại nước hoa đắt tiền nhất để bôi lên tóc xức vào người. Tôi dùng hết số tiền còn lại sắm sanh những thứ đó, chẳng chút quan tâm sau này sẽ ra sao, làm như thể sau khi đã gặp một chuyện phiêu lưu kỳ diễm thế ấy, chẳng còn phải lo thiếu thốn thức gì.

Suốt ngày hôm ấy tôi ẩn trong khu rừng, chỉ có mỗi một việc chăm lo chải chuốt vuốt ve và xức nước hoa thơm lừng. Đêm vừa sập đến, tôi chui vào cái hòm, cho nó bay đến đáp xuống mái toà lâu đài của nàng công chúa Thirin. Lại theo cách hôm trước, tôi lọt vào phòng nàng. Công chúa lộ rõ nàng đang nôn nóng chờ tôi. Nàng bảo:

Thưa Đâng tiên tri, em đã bắt đầu cảm thấy lo âu, e ngài đã quên mất cô vợ mới cưới của mình.

Nàng công chúa yêu quý của ta, sao nàng lại nghĩ lẩn thẩn vậy? Lời ta đã thốt, hẳn nàng phải tin ta sẽ yêu thương nàng đến trọn đời chứ?

Nhưng, xin ngài cho em biết rõ – nàng hỏi – sao trông chàng trẻ trung vậy? Từ trước đến nay em vẫn nghĩ Đấng tiên tri Mahomet phải là một cụ già đạo mạo cơ.

Nàng nghĩ thế chẳng nhầm đâu – tôi đáp – xưa nay người ta vẫn nhìn ta trong hình dạng ấy. Nhưng giả sử đêm hôm qua ta xuất hiện trước nàng với hình dạng như thỉnh thoảng ta vẫn xuất hiện trước những người ngoan đạo, thì nàng đã trông thấy ta là một cụ già có bộ râu bạc dài và cái đầu hói trán. Nhưng ta nghĩ chắc nàng thích nhìn thấy một người chồng trẻ trung, cho nên ta mới hiện lên dưới hình dáng một chàng trai.

Bà quản mẫu xen vào câu chuyện giữa hai chúng tôi, khen tôi quả là một con người điển trai, nếu một cô gái nào đó muốn kiếm tấm chồng, gặp được một chàng như tôi thì còn gì thú vị bằng.

Gần sáng tôi cẩn thận ra khỏi toà lâu đài, để khỏi lộ cho mọi người thấy đấng tiên tri giả. Đêm hôm sau, tôi lần trở lại, tôi lại xử sự khéo léo như hai đêm hôm trước. Cả nàng công chúa Thirin và bà quản mẫu Matpêke chẳng ai thoáng chút nghi ngờ có sự bịp bợm trong vụ này. Đúng là công chúa qua mỗi đêm lại mỗi thích tôi hơn, nhờ vậy tôi nói ra bất cứ điều gì nàng cũng tin luôn, bởi khi đã thấm duyên nhau thì làm sao còn ngờ vực sự chân thành của người mình đang ôm ấp.

Mấy ngày sau, nhà vua xứ Gazna, theo sau vẫn có đoàn tuỳ tùng đầu đủ văn võ bá quan, đến thăm con gái. Thấy cổng nào cũng còn nguyên dấu niêm phong, vua nói với các vị thượng thư tháp tùng:

Mọi việc đều tốt đẹp. Cửa nẻo vẫn còn nguyên khóa và nguyên niêm phong có dấu ấn của ta thế này, chẳng có gì phải lo cho con gái ta.

Nhà vua một mình lên phòng con gái. Trông thấy cha, cô nàng có vẻ lúng túng ngượng ngùng. Nhà vua nhìn thấy, hỏi nguyên do. Lời vua cha làm cho công chúa càng thêm bối rối. Thấy không có cách nào khác, cô đành thú nhận tất cả những việc xảy ra mấy đêm vừa rồi. Nhà vua càng kinh ngạc hơn.

Tâu bệ hạ - lời người thợ dệt nói tiếp với vua Bêrêtđin Lôtô thành Đamat – ngài có thể hình dung nỗi kinh lạ của nhà vua khi nghe nói mình đã trở thành nhạc phụ của đấng tiên tri Mahomét từ lúc nào mình chưa hề hay biết.

Vua thốt lên:

Thật chuyện kỳ dị! Này con gái ta, làm sao con cả tin đến vậy? Trời đất! Thật hoài công lo lắng phòng ngừa, chẳng sao giữ được tiết hạnh của Thirin, duyên phận của con là phải vậy chăng. Hẳn con đã để cho một tên vô lại nào quyến rũ và lừa dối mất rồi.

Nói xong vua bực bội bỏ ra khỏi phòng con gái. vua thân hành đi khám xét lùng sục cả toà lâu đài, từ tầng trên xuống tầng dưới. Nhưng mặc cho vua tha hồ tìm kiếm, chẳng hề thấy tung tích anh chàng săn gái ấy ở đâu, làm cho nhà vua càng thêm kinh ngạc. Vua tự hỏi “Tên táo gan ấy lọt  vào lâu đài bằng lối nào mới được chứ. Đấy là điều ta không sao hiểu nổi”.

Nhà vua lớn tiếng gọi các vị đại thần và người tâm phúc. Nghe giọng vua hơi thất thanh, mọi người lo lắng chạy đến ngay.

Tâu bệ hạ, có chuyện gì vừa xảy ra? – Tể tướng hỏi – Trông ngài như đang băn khoăn suy nghĩ, trong ánh mắt ngài có thoáng vẻ âu lo.

Nhà vua thuật lại câu chuyện và hỏi mọi người nghĩ sao về chuyện ấy. Tể tướng là người lên tiếng đầu tiên. Ông nói, cho dù câu chuyện thoạt nghe có vẻ như bịa đặt, song có thể chân thực lắm. Trên thế giới xưa nay có bao nhiêu vương triều vẫn quả quyết dòng dõi mình xuất phát từ thần linh, bởi vậy mối quan hệ giữa công chúa với giáo chủ Mahomét nếu đã xảy ra thì cũng đáng cho ta tin tưởng lắm.

Các đại thần khác, chắc do nể sợ tể tướng vừa cất lờim đều tỏ ra chi sẻ ý kiến của vị quan đứng đầu triều. Duy chỉ có mỗi một đại thần dám phản đối. Ông nói:

Tôi lấy làm lạ sao những người hiểu biết có thể tin vào một chuyện khó tin như vậy. Các bậc thức giả làm sao có thể nghĩ đấng tiên tri của chúng ta ở trên thiên đường có biết bao nhiêu tiên nữ xinh đẹp quây quần, lại xuống hạ giới tìm vợ? Tôi nghĩ chuyện này có gì bất minh, nếu bệ hạ nghe lời tôi, xin ngài hãy tìm hiểu sâu hơn nữa. Tôi chắc rồi ngài sẽ nhận ra tung tích tên khốn kiếp nào đó dám đội tên một thánh thần để làm mê hoặc công chúa.

Mặc dù nhà vua Bahaman bản tính cả tin, xưa nay ông vẫn cho tể tướng của mình là một người có trí phán đoán tốt, ông nói gì vua cũng nghe theo, hơn nữa lần này tất cả các đại thần đều cho trên thực tế công chúa đã có quan hệ với đấng tiên tri Mahomét, vua vẫn bán tín bán nghi. Vua thấy cần làm sáng tỏ sự thật, nhưng làm một cách thận trọng, chỉ có mình vua đối thoại với đấng tiên tri, không  có ai khác được dự. Vua liền quyết định cho các vị triều thần cùng đoàn tuỳ tùng quay trở lại kinh đô.

Mời mọi người hãy trở về. Chỉ mình ta ở lại trong toà lâu đài này với con gái ta. Sáng sớm mai, mời tất cả quay trở lại đây.

Mọi người tuân lệnh. Trong khi chờ đợi đêm tới, nhà vua đặt ra với công chúa nhiều câu hỏi khác nữa. Vua hỏi đấng tiên tri có cùng dùng bữa với công chúa không.

Tâu bệ hạ không, - công chúa đáp – con đã đưa ra nhiều món thịt ngon cùng rượu ngọt dâng mời, ngài đều từ chối. Từ hôm ngài đến với con, chưa hề nhìn thấy ngài ăn bất cứ món nào.

Con hãy kể lại đầu đuôi ta nghe một lần nữa, chớ nên quên  chi tiết đặc biệt nào – nhà vua phán.

Công chúa thuật lại từ đầu, nhà vua chăm chú lắng nghe và cân nhắc từng điểm một.

 

  NGÀY THỨ MỘT TRĂM MƯỜI BA.

 

Đêm đến. Vua Bahaman ngồi trên chiếc sập, cho đốt nến rồi sai mang đến một cái bàn bằng cẩm thạch. Vua rút gươm ra, đặt lên đấy sẵn sàng lấy máu rửa sạch danh dự hoàng triều nếu bị ai đó làm hoen ố. Ông rất nóng lòng chờ đợi, và trong thời gian chờ đợi căng thẳng. tâm trạng cũng khó tránh khỏi xao xuyến.

Đêm hôm ấy, do sự tình cờ trời nổi cơn giông. Một tiếng sét nổ oàng, chớp giật sáng loè. Vua đi đến bên cửa sổ nhìn ra ngoài, thấy bầu trời sáng rực, tưởng nhìn thấy đâu đâu toàn là lửa cháy. Mặc dù mọi sự vẫn bình thường, quang cảnh ấy không khỏi làm cho nhà vua lo lắng. Vua nghĩ đây là điềm lạ. Có thể cơn giông này báo hiệu đấng tiên tri giáng trần thật chăng. Những ánh chớp giật liên hồi kia có thể để soi đường cho đấng tiên tri đi.

Nhà vua đang trong tâm trạng ấy thì tôi vô tư lần đến bên cửa sổ. Trông thấy tôi đột ngột xuất hiện, cơn giận của nhà vua tan biến, thay vào đó là lòng kính trọng và nỗi lo sợ. Vua đánh rơi thanh gươm cầm sẵn ở tay, quỳ mọp xuống đất, hôn hai chân tôi và thốt lên:

Thưa đấng tiên tri vĩ đại! Kẻ trần thế này là ai, người trần mắt thịt này đã làm nên công trạng gì mà được vinh dự là nhạc phụ của ngài?

Nghe lời ấy, tôi hiểu giữa nhà vua và công chúa đã có cuộc trò chuyện với nhau. Hóa ra bịp vi quốc vương xứ Gazna này cũng chẳng khó gì hơn đánh lừa nàng công chúa con gái cưng của ông. Tôi hài lòng, hóa ra mình không phải đối đầu với một con người cứng cỏi, có thể đặt ra cho đấng tiên tri những câu hỏi làm ngài chẳng biết phải trả lời ra sao. Tôi quyết định ngay, có thể lợi dụng tính cách yếu đuối của nhà vua này. Tôi đỡ vua đứng lên và nói:

Hỡi nhà vua! Ngài là người gắn bó nhất với đạo giáo ta trong tất cả các vị quân vương theo đạo Hồi. Đức tin ấy của ngài làm ta có cảm tình. Ta đã cầu xin đấng tối cao tháo bỏ cho duyên phận nàng công chúa cái hạn sẽ phải gặp điều không đẹp, như đã ghi sẵn vào sổ tử vi của nàng. Ta được Đấng tối cao chấp nhận với điều kiện nàng công chúa Thirin phải trở thành một trong số các phu nhân của ta. Ta đã thuận tình làm chồng nàng, để thưởng công ngài về tất cả những côngđức hàng ngày của ngài.

Vua Bahaman càng bị mắc lỡm. Vua tin tất cả mọi điều tôi nói. Hài lòng về cuộc hôn phối ấy, nhà vua một lần nữa sụp xuống dưới chân tôi bài tỏ lòng biết ơn sâu xa. Tôi nâng nhà vua đứng lên, ôm hôn, và khẳng định sẽ luôn che chở. Vua không còn tìm được lời lẽ nào hay ho hơn nữa để cảm tạ lòng tốt của tôi. Sau đấy, chắc vua nghĩ để tôi ở lại một mình với cô công chúa thì hay hơn, vua liền sang nghỉ tại một phòng khác.

Tôi ở với nàng công chúa một hồi lâu, nhưng luôn chú ý chớ ngủ quên để trời sáng không biết, rồi có người sẽ trông thấy  cái hòm gỗ trên mái toà lâu đài. Bởi vậy, chưa sáng tôi đã vội lo ra khỏi phòng nàng công chúa và trở về với khu rừng của mình.

Sáng sớm hôm sau, các vị thượng thư và triều thần y hẹn đến lâu đài của công chúa. Họ hỏi nhà vua đã làm sáng tỏ điều cần biết hay chưa. Vua Bahaman đáp:

Có, giờ ta biết chắc mọi sự rồi. Ta đã gặp đích thân đấng đại tiên tri. Ta đã trò chuyện với ngài. Ngài là chồng của con gái ta, không có gì thật hơn chuyện ấy.

Nghe vậy mọi người quay lại nhìn vị triều thần ngày hôm qua đã tỏ ý nghi ngờ, trách ông ta sao dám hoài nghi. Nhưng ông ta vẫn một mực kiên trì ý kiến của mình. Cho dù nhà vua nói thế nào đi chẳng nữa, vẫn không sao thuyết phục được ông ta tin đức Mahomét thật là chồng của công chúa Thirin. Suýt nữa nhà vua nổi trận lôi đình với vị đại thần của mình. Và con người hay hoài nghi ấy bị cả triều đình ai cũng chê cười.

Có một chuyện nữa xảy ra ngay trong ngày hôm ấy, càng làm các triều thần vững tin hơn trong suy nghĩ của họ. Trên đường trở về kinh thành, đoàn vua quan bắt chợt gặp một cơn giông giữa cánh đồng. Chớp giật sáng loè, sấm nổ liên hồi, tưởng như hôm nay đến ngày tận thế. Tình cờ con ngựa vị thượng thư có tính hoài nghi đang cưỡi bị một tia chớp loé vào mắt, giật mình chồm lên, hất ông quan ngã lăn kềnh, gãy luôn một chân. Mọi người coi đây là điềm trời trừng phạt ông ta. Nhà vua nói:

Anh chàng khốn khổ, đấy là hậu quả việc anh thiếu lòng tin. Anh không chịu nghe lời ta, cho nên bây giờ mới bị đấng tiên tri trừng phạt.

Vị thượng thư ấy được đưa về nhà chạy chữa. Vừa tới kinh thành, vua Bahaman cho công bố ngay chiếu chỉ, truyền cho nhân dân  cả nước chuẩn bị mở hội ăn mừng lễ thành hôn của công chúa Thirin lấy đấng tiên tri Mahomét. Ngày hôm ấy, tôi vẫn đi lang thang trong thành phố như mọi hôm, nghe nhân dân đồn đại chuyện đám cưới của nàng công chúa cũng như chuyện vị thượng thư bị đấng đại tiên tri phạt bắt ngã ngựa trên đường về. Chẳng hiểu sao nhân dân nước này cả tin và mê tín như vậy. Hội hè chè chén linh đình khắp nơi. Đi đến đâu cũng nghe tung hô “Vạn tuế đức vua Bahaman, nhạc phụ của đấng đại tiên tri!”.

Sập tối tôi quay trở về khu rừng và chẳng mấy chốc sau đã có mặt trong lâu đài của công chúa. Vừa tới nơi tôi đã bảo nàng:

Công  chúa xinh đẹp à, chắc nàng không rõ điều gì xảy ra giữa cánh đồng sáng hôm nay. Một triều thần, người đã tỏ ý nghi ngờ việc nàng kết hôn với tiên tri Mahomét, gặp cơn giông làm ngã ngựa và gãy chân. Ta không muốn trừng phạt y nặng nề hơn thế. Nhưng ta thề trước ngôi mộ của ta hiện ở thành phố Mêđin, từ nay trở đi, nếu có ai còn dám tỏ ý hoài nghi hạnh phúc của nàng, ta sẽ bắt người ấy mất mạng.

Sau khi ăn ở mấy tiếng đồng hồ với nàng công chúa, tôi lại về khu rừng.

Ngày hôm sau, vua Bahaman triệu tập toàn thể các vị thượng thư và mọi triều thần tề tựu đông đủ và phán:

Hôm nay, tất cả chúng ta phải cùng đến để tạ lỗi hộ ông thượng thư bị ngã gãy chân do kém đức tin với đấng tiên tri Mahomét.

Nói xong nhà vua lên ngựa. Tất cả triều thần theo sau. Đến nơi, nhà vua thân hành mở khoá cổng ra vào và tất cả các cửa khác trong nhà tự tay nhà vua đã khóa chặt và niêm phong ngày hôm trước. Cùng với tất cả triều thần, nhà vua đến thẳng phòng công chúa, nói với nàng:

Công chúa Thirin à, hôm nay tất cả chúng ta đến đây nhờ công chúa nói giúp với đấng tiên tri một tiếng, xin ngài tha tội cho viên thượng thư đã kém đức tin khiến ngài nổi giận.

Tâu bệ hạ, con đã rõ ông ấy là ai. Chính ngài Mahomét đã cho con rõ.

Và nàng kể tiếp những lời tôi đã nói với nàng, rằng từ nay về sau, nếu có ai còn tỏ ý hoài nghi về cuộc hôn phối giữa nàng với đấng tiên tri Mahomét, thì sẽ bị mất mạng, chính ngài đã long trọng cất lời thề như vậy.