Nghĩ Lớn Để Thành Công

Chương 4: Kiến Tạo May Mắn

Chúng ta cùng bàn về một khái niệm vốn được xem là vô cùng phức tạp - đó sự may mắn. Có những người luôn may mắn hơn những người khác. Ví dụ như một số phụ nữ từ khi sinh ra đã có nhan sắc trời phú. Họ không phải làm gì và hầu như họ có tất cả. Hoặc có nhiều người đạt được thành công trong công việc một cách dễ dàng mà không cần bất kỳ sự nỗ lực nào. Họ là những người may mắn. Trong khi đó, có những người luôn cố gắng hết mình, nhưng mọi thứ lại diễn ra không như ý muốn. Nghe có vẻ như không công bằng, nhưng tôi luôn tin rằng trong cuộc sống có tồn tại một thứ được gọi là may mắn. Thực tế cuộc sống có những người luôn gặp may mắn, trong khi đó thì có người chỉ toàn gặp xui xẻo.

Để tôi kể bạn nghe một ví dụ. Billy là một người bạn vô cùng thân thiết của tôi. Anh ấy rất không được may mắn và thường xuyên gặp tai nạn. Không lâu trước đây, tôi gọi điện hỏi thăm anh: "Cậu vẫn khỏe chứ?".

- Mình không được ổn lắm. - Billy đáp.

- Trời đất, có chuyện chết tiệt gì xảy đến với cậu vậy?

- Tôi sốt sắng hỏi.

- Tớ bị đau vai.

- Cậu bị đau vai? Có chuyện gì vậy? Cậu bị đau do chơi bóng đá à?

- Không, tớ gặp tai nạn. Tớ ngã cầu thang và bị chấn thương ở vai. Quả thật là rất đau.

Hóa ra anh ấy nói chuyện với tôi khi đang nằm trong bệnh viện. Lúc tôi tới thăm, anh ấy đang nằm rên rỉ trên giường bệnh, cô vợ thì đang khóc sướt mướt còn mọi thứ thì rối tung lên. Tôi động viên anh bạn: "Cậu sẽ sớm bình phục và xuất viện thôi Billy". Ba tuần sau anh ấy ra viện.

Nhưng thật trớ trêu, trên đường lái xe về nhà, anh ấy lại gặp tai nạn ô tô. Một chiếc xe tải lớn đâm sầm vào một trong những chiếc cột bê tông bên đường và hất tung mấy chiếc biển hiệu ngang đại lộ Long Island. Một cái biển rơi trúng nóc xe của Billy. Bạn đã nghe thấy một chuyện hài hước như thế chưa? Anh ấy lại phải quay vào bệnh viện. Thế đó, có những người luôn may mắn và ngược lại cũng có nhiều người kém may mắn là vậy.

Khoảng mười năm trước, suýt chút nữa là tôi phá sản bởi một thương vụ mà nếu thực hiện, có lẽ giờ đây tôi đang ở trong trại tế bần. Khi đó, tôi rất muốn mua lại một tờ báo. Tôi cảm thấy vô cùng phấn khích khi chuẩn bị cuộc đàm phán vì nghĩ rằng đó là một thương vụ tuyệt vời và tôi sẽ kiếm được rất nhiều tiền. Tôi còn hồ hởi chia sẻ với mọi người về tương lai đầy hứa hẹn của tờ báo. Mọi việc đáng lý đã diễn ra như dự định; nhưng đúng thời điểm đó một trận cảm cúm nặng đã khiến tôi suy sụp hoàn toàn. Tình trạng của tôi tồi tệ tới mức tôi phải gọi điện và bảo với bên đối tác rằng chúng tôi rất lấy làm tiếc phải hoãn việc ký kết hợp đồng cho đến khi tôi khỏe hơn.

Sự việc này thật bất thường bởi tôi chưa bao giờ bị cúm. Và cũng đã mười năm nay, tôi không biết ốm đau là gì. Cuối cùng, ông chủ tờ báo đó gọi điện lại và thông báo với tôi rằng ông ta sẽ bán cho một người khác. Tôi nghĩ mình đã để tuột mất thương vụ ấy. Nhưng bạn biết không, việc đó hóa ra là điều may mắn cho tôi, bởi hiện nay giá trị của tờ báo thấp hơn rất nhiều so với số tiền tôi dự định bỏ ra. Nếu việc ký kết hợp đồng đó được thực hiện, tôi chắc đã mất hẳn cả một gia tài. Trận cúm lần đấy hóa ra là điềm may mắn đã cứu tôi thoát khỏi thảm họa phá sản. Đôi khi, chính sự may mắn đã giúp ta thực hiện mọi việc còn tốt hơn khi ta làm bằng khả năng của mình.

Trong hơn hai mươi năm qua, tôi nhận thấy những nhà thương thuyết vĩ đại luôn là những người thực sự thành công. Tuy nhiên, rõ ràng là có một số người luôn gặp may mắn và nhờ thế mà đạt được nhiều thành tựu rực rỡ hơn những người khác. Warren Buffett, Steve Schwarzman, Carl Icahn, Henry Kravis, Terry Lundgren của công ty Macy's, John Mack của Morgan Stanley, Stan O'Neil của Merrill Lynch đều là những minh chứng cho điều đó. Điều này không hẳn là họ thông minh hơn những người khác, mà tôi nghĩ ngoài tài năng thật sự, họ còn là những người luôn gặp may mắn.

Kiến tạo may mắn cho bản thân

Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh nào đó, ta có thể kiến tạo may mắn cho bản thân bằng nhiều cách. Hãy để ý tay golf nổi tiếng Gary Player, một người có vóc dáng rất nhỏ bé. Cách đây khá lâu, năm 1978, tôi tận mắt chứng kiến Gary giành chức vô địch giải Masters. Trong sự nghiệp của mình, Gary từng giành được chín giải chuyên nghiệp mặc dù vóc dáng nhỏ bé hơn những vận động viên khác rất nhiều. Lợi thế của ông chính là sự chăm chỉ luyện tập. Gary Player thường xuyên luyện tập và nghiên cứu về kỹ thuật vung gậy cũng như đánh trúng lỗ chuẩn xác mà lại đẹp mắt trong khi những anh chàng cao lớn gấp đôi ông thường nằm nhà xem ti vi. Quả thật, Gary là tay golf cần cù nhất mà tôi từng biết. Đó cũng chính là lý do giúp Gary Player ba lần đoạt chức vô địch giải Masters và giành chiến thắng trong rất nhiều cuộc thi đấu khác. Khi ai đó hỏi ông làm thế nào có thể quá may mắn đến vậy, ông mỉm cười đáp rằng: "Càng luyện tập chăm chỉ, tôi càng gặp may mắn". Tôi nghĩ đó là một phát biểu vĩ đại.

Gary Player thường bị mọi người gọi là "tí hon". Ông có dáng người nhỏ bé, nhưng luyện tập thì không ai chăm chỉ bằng. Mỗi lần Gary bước tới điểm phát bóng trên sân, các bình luận viên lại gọi ông bằng cái tên "Gary tí hon". Điều đó chẳng hay ho gì, nhưng Gary không hề quan tâm. Ông thường xuyên luyện tập hít đất vào mỗi buổi sáng, rồi dành hàng giờ đồng hồ để tập thể dục. Tôi sẽ không bao giờ quên thời khắc chứng kiến ông giành chiến thắng trong giải Mỹ mở rộng: một cú đánh thép không thể tin được ở lượt đánh thứ năm, trái bóng rơi ngay sát bên cạnh lỗ gôn, lăn xuống, và Gary đã giành chức quán quân trong giải đấu đó. Các bình luận viên đã phải thốt lên: "Gary, không thể tin được, anh ta thật quá may mắn". Ông vẫn từ tốn nói: "Càng luyện tập chăm chỉ, tôi càng gặp may mắn". Tôi thực sự rất thích câu nói này. Gary quả là một người vĩ đại.

Để tôi kể cho bạn một câu chuyện về chính cuộc đời mình, giải thích cho quan niệm may mắn thường đến với những người chăm chỉ làm việc hơn. Hãy thật chú ý tới câu chuyện đặc biệt này bởi đó là sự kết hợp giữa niềm đam mê, bản năng và, vâng...cả sự may mắn nữa!

Trở lại năm 1991, khi đó, tình hình kinh tế khắp nơi đang chìm trong cảnh lao đao. Công việc kinh doanh của hầu hết mọi người vì thế cũng khốn đốn theo. Cá nhân tôi cũng gặp nhiều chuyện không mấy dễ chịu. Tôi vay nợ hàng tỷ đô-la. Tất nhiên, tôi biết mình là người có khả năng chịu được áp lực lớn, nhưng quả thực lúc đó áp lực đối với tôi là quá lớn. Tôi nợ nhiều ngân hàng hàng tỉ đô-la. Điều đó chẳng vui vẻ gì đâu. Tin tôi đi, chẳng còn ai muốn trở thành Donald Trump khi đã nợ tới hàng tỉ đô-la.

Một hôm, khi tôi đang ở trong phòng làm việc, cô thư ký của tôi bước vào nói: "Thưa ngài Trump, tối nay ngài phải tham dự một cuộc hội nghị giữa các chủ ngân hàng". Đó là một buổi gặp gỡ trang trọng mà tôi thường xuyên tham dự, được tổ chức tại khách sạn Waldorf-Astoria với 2.000 khách mời là những người hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng. Thông thường, trong các giai đoạn khó khăn, bạn sẽ không có đủ năng lượng, tinh thần hay nhiệt huyết như khi mọi thứ đang tiến triển tốt đẹp. Thay vì ra ngoài gặp gỡ các chủ ngân hàng, tôi chỉ muốn về nhà và theo dõi bóng đá trên truyền hình. Tôi thấy rất mệt mỏi. Đó quả là một ngày vô cùng tồi tệ; một loạt ngân hàng từ mười lăm bang khác nhau trên nước Mỹ đổ xô tới gặp tôi.

Đặc biệt, trong số đó, có một ngân hàng rất khó chơi. Người đàn ông chịu trách nhiệm thu nợ của ngân hàng này là một gã hèn hạ và thô tục. Gã ta muốn tất cả mọi người phải phá sản. Ba mươi bảy nhà kinh doanh bất động sản trong thành phố New York bị đẩy tới bước phá sản chỉ vì gã này một mực thu lại tất cả các khoản vay của họ trong lúc họ đang rơi vào cảnh khốn cùng. Tôi cũng vay ngân hàng đó một khoản tiền nhỏ, khoảng 149 triệu đô-la, và tôi là nhân vật tiếp theo trong danh sách của gã. Thông thường, bạn có thể đàm phán với ngân hàng để gia hạn, nhưng gã xấu xa đó muốn thu lại 100% số tiền cho vay ngay lập tức. Gã ta đúng là một con thú không hơn. Gã rắp tâm tiêu diệt tôi.

Tôi thực chẳng muốn đến dùng bữa với các chủ ngân hàng chút nào, bởi lẽ khi bạn nợ tiền của họ, họ sẽ đối đãi với bạn rất trịch thượng và kẻ cả. Và ai lại muốn dùng bữa ở nơi mà kẻ nào trong phòng cũng lăm le muốn hạ gục bạn? Tất cả các chủ ngân hàng tôi đang nợ tiền đều có mặt tại đấy. Đó là một đêm mưa gió và rét mướt.

Đương nhiên tôi không thể tới dự buổi gặp gỡ trong chiếc li-mô của mình bởi lái một chiếc xe đắt tiền khi đang nợ hàng tỷ đô-la như thế thì thật trơ tráo. Tôi gần như kiệt sức, và khi thư ký nói tôi phải tới Waldorf-Astoria, tôi đã trả lời: "Tôi không đi".

Thế là tôi về nhà. Nhưng khi về tới nhà, tôi đột nhiên đổi ý và tôi muốn đến đó. Tôi khoác vội bộ vét màu đen sang trọng và lên đường. Ngoài đường khi đó không thấy bóng dáng một chiếc taxi nào, vì thế tôi phải đi bộ tới khách sạn dưới trời mưa rét căm căm. Từ Trump Tower, tôi phải qua mười dãy phố mới tới nơi. Khi đến được khách sạn, người tôi đã ướt như chuột lột. Trước đấy, tôi cảm thấy như thể mình đã ở tận cùng của sự mệt mỏi, nhưng tôi vẫn đi bởi đó là công việc. Khi tới nơi, tôi ngồi xuống một chiếc bàn, bên trái tôi là một chủ ngân hàng, một người đàn ông lịch thiệp tên Steven. Tôi cất lời chào: "Chào Steven, anh có khỏe không?". Dĩ nhiên tôi không còn nợ Steven một khoản tiền nào, nên anh ta rất tử tế với tôi. Mọi thứ sẽ dễ dàng hơn nhiều khi bạn không mắc nợ ai. Anh ta lịch thiệp đáp lại: "Chào Donald".

Sau đó, tôi quay sang người ngồi bên phải mình và nói: "Xin chào!". Người đàn ông đó lầm bầm điều gì đó và ném cho tôi cái nhìn khinh bỉ. Steven ghé nhỏ vào tai tôi: "Không biết ông ta là ai nhưng tôi nghĩ ông ta không thích anh cho lắm". Quả thực, tôi không biết người đàn ông đó. Ông ta thậm chí còn chẳng cho tôi biết tên ông ta là gì. Ông ta chỉ đơn giản là một kẻ dễ nổi cáu và dữ dằn.

Tôi tiếp tục trò chuyện với Steven thêm một lát. Sau đó vài phút, tôi cố gắng bắt chuyện lại với người đàn ông bên phải. Nhưng chẳng ích gì, tôi như đang nói chuyện với bức tường vậy. Hắn ta tỏ rõ thái độ không thích tôi. Không khí trở nên rất căng thẳng. Tôi đang ở cái thế cùng khổ, và tôi ghét bị rơi vào tình cảnh mắc nợ với mọi chủ ngân hàng ở New York như thế này. Gã đó cũng là một chủ ngân hàng và lão ta căm ghét tôi. Tôi nghĩ rằng chắc mình phải nợ ông ta rất nhiều tiền nên mới bị đối xử như vậy.

Tôi đã phải khổ sở mất mười lăm phút để cố gắng bắt chuyện với gã khó chịu đó. Steven nhận xét: "Gã đó thật khó ưa", nhưng tôi vẫn tiếp tục cố gắng làm một điều gì đó để thay đổi tình thế với gã khó ưa này. Sau mười lăm phút khổ sở tiếp theo, cuối cùng hắn ta cũng bắt đầu mở miệng nói với tôi vài câu. Rồi chúng tôi cũng dần trở nên thân thiện hơn một chút. Sau cùng, tôi hỏi: "Xin hỏi, ngài đến từ ngân hàng nào vậy?". Sau khi nghe hắn trả lời, tôi ngạc nhiên không thể tin vào tai mình. Tôi thốt lên: "Quỷ thần ơi, vậy ngài tên là gì?". Hắn ta xưng tên và đến bây giờ tôi vẫn thực sự không thể tin nổi vào điều này. Giữa đám đông hơn 2.000 chủ ngân hàng, cuối cùng tôi lại ngồi ngay cạnh một "kẻ giết người hung bạo", người đã khiến nhiều người phải phá sản và hủy hoại cuộc sống họ. Và tôi cũng đang là mục tiêu của "kẻ sát nhân" này. Thật may mắn làm sao! Tôi cũng không chắc đó là sự may mắn tốt lành hay tai hại, nhưng việc đến đây và ngồi ngay cạnh gã này quả là quá ngạc nhiên.

Tôi nói: "Ngài là người luôn muốn tiêu diệt tất cả mọi người, và ngài cũng đang muốn nghiền nát cả tôi phải không?". Ông ta đáp lại: "Đúng vậy, chúng tôi sẽ làm vậy". Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn tiếp tục nói chuyện và sau một giờ đồng hồ, tôi đã trở nên khá hòa hợp với ông ta. Ông ta rất yêu phụ nữ và muốn nói chuyện về phái đẹp. Vì thế, tôi cùng ông ta bàn về phụ nữ. Thẳng thắn mà nói, khi bạn nợ ai đó một số tiền nhiều như tôi đang nợ ông ta, bạn sẽ phải tiếp chuyện với họ về bất cứ đề tài nào họ muốn.

Trong lúc nói chuyện, tôi nhận thấy bản thân ông ta cũng gặp vấn đề. Ông ta đã đẩy 37 công ty tới bước phá sản. Những người chủ của 37 công ty bất động sản đấy đã nợ ông ta rất nhiều tiền và không có cách nào để trả khoản nợ ngay lập tức. Ông ta là một lão ích kỷ, tàn ác, và là một kẻ khát máu. Tất nhiên, việc đẩy 37 công ty đến chỗ phá sản hẳn đã làm ông ta cảm thấy thỏa mãn hơn, nhưng rõ ràng điều đó cũng không mang lại cho ông ta một đồng nào.

Thực tế, ông ta đang mất tiền thì đúng hơn. Các khoản phí tố tụng làm ông ta trở nên sa sút, và rồi toàn bộ gia sản của ông ta cũng đang trôi sạch. Mà kể ra, các vị luật sư cũng "được"; nhờ lòng tham vô đáy của họ mà vị thân chủ này đã muốn kết thúc tất cả việc kiện tụng của mình. Hóa ra, ông chủ ngân hàng này đã được các luật sư "điều chế cho một liều thuốc" riêng làm cho vết thương về tài chính của ngân hàng đó ngày càng trở nên trầm trọng. Các sếp của ông ta trở nên vô cùng tức giận khi thấy ông này đang dành quá nhiều tiền vào việc thuê luật sư thay vì thương thảo, giải quyết các vụ việc để có thể mang lại một món lợi béo bở nào đó.

Tôi đã rất may mắn vì có thể nói chuyện với ông ta trong buổi tối hôm đó. Nếu tôi gặp ông ta một năm về trước, chúng tôi hẳn sẽ không thể cùng nhau bàn luận về bất cứ vấn đề gì. Hồi đó, ông ta chẳng có tâm trí để nói chuyện mà chỉ muốn tiêu diệt tất cả những ai nằm trong tầm nhắm của mình. Chúng tôi bắt đầu trở nên cởi mở hơn và đến cuối buổi tối hôm đó, chúng tôi thực sự đã rất vui vẻ. Sau đó, ông ta nói: "Anh biết không, Donald, anh không phải là một gã tồi đâu!". Tôi đáp lại: "Tôi đã nói với ngài rồi mà!". Ông ta nói tiếp: "Thế còn việc này thì sao, việc anh sẽ tới văn phòng làm việc của tôi để thanh toán khoản nợ đó?".

Khi công việc kinh doanh của tôi đang phất lên, tôi là vua, và ai muốn gì thì sẽ phải tới gặp tôi tại văn phòng làm việc của tôi. Tuy nhiên, khi mắc nợ ai đó, bạn phải tới văn phòng của họ. Và tất nhiên, tôi không thể nói rằng: "Không, ngài phải tới chỗ tôi". Vì thế, ông chủ ngân hàng khét tiếng nhẫn tâm này đã nói với tôi: "Vậy anh nghĩ sao nếu chúng ta gặp nhau vào sáng ngày thứ Hai, lúc chín giờ, tại văn phòng của tôi. Để xem chúng ta có giải quyết được vấn đề gì không". Tôi nói: "Tôi đồng ý. Tuyệt lắm!". Sáng thứ Hai, như đã hẹn, tôi có mặt ở văn phòng của ông ta, và chỉ trong năm phút đồng hồ, chúng tôi đã thỏa thuận được một thương vụ tuyệt vời.

Câu chuyện trên đây chính là lý do tại sao tôi tin vào câu nói của Gary Player: "Càng luyện tập chăm chỉ, tôi càng gặp may mắn". Tối hôm đó, tôi thực sự không muốn ra ngoài mà chỉ muốn ở nhà. Tôi muốn được nghỉ ngơi và thư giãn. Tôi muốn xem ti vi. Tôi muốn làm một điều gì đó chứ không phải ra ngoài để gặp gỡ các chủ ngân hàng. Song tôi đã đến và ngồi ngay cạnh người đàn ông khó tính đó. Giả sử nếu không ra ngoài vào đêm hôm đó, chắc tôi sẽ không thể làm cho mọi việc diễn ra tốt đẹp được như lúc này và rồi tôi cũng sẽ rơi vào tình cảnh giống như rất nhiều người khác: vỡ nợ và phá sản. Nếu bỏ lỡ buổi gặp gỡ các chủ ngân hàng tối hôm đó, tôi hẳn đã bị ngân hàng đó tiêu diệt (cho dù sau đó tôi sẽ giáng cho họ một vố đau), và tôi sẽ chẳng thể kể cho bạn nghe câu chuyện này.

Việc tới tham dự bữa tiệc với các chủ ngân hàng hôm đó quả là một trọng trách khó khăn và nặng nề. Nó không giống như việc ra ngoài dùng bữa tối và tận hưởng những phút giây tuyệt vời; nó là công việc. Đó cũng là khoảng thời gian khủng khiếp trong cuộc đời tôi, nhưng cuối cùng, tất cả đã kết thúc êm đẹp bởi tôi đã hoàn thành tốt công việc của mình. Tôi đã rất may mắn và đã giải quyết được một thương vụ khó có thể tin được.

Một vài người thường may mắn hơn những người khác, đó là sự thực. Bản thân tôi không hề nghi ngờ điều đó. Tuy nhiên, nhờ vào trí thông minh và sự cần mẫn trong công việc, bạn có thể tự tạo may mắn cho chính mình. Thực tế, có rất nhiều người có khả năng xử lý các tình huống xấu hoặc kém may mắn và đã lật ngược tình thế nhờ siêng năng làm việc.

Tôi đã bắt đầu xây dựng các khách sạn đa chức năng do nhà nước quản lý ở New York. Dự án diễn ra rất thành công. Khi khởi công xây dựng Trump International Hotel & Tower ở Las Vegas, tôi biết Las Vegas là một thị trường khá khắc nghiệt, nhưng tôi cũng không khỏi bất ngờ khi tất cả các khu trong tòa tháp đó đã được bán hết, thậm chí trước cả khi được hoàn tất. Tôi đã rất may mắn và cũng đã có được sự tính toán thời điểm tuyệt vời cho dự án này. Nhờ thương vụ đó mà tôi gặp gỡ và kết giao được với một người bạn vĩ đại khác là Phil Ruffin, một người tự tạo cơ đồ cho mình và có những bản năng sống tuyệt vời.

Không phải lúc nào may mắn cũng đến với chúng ta. Vậy nên, khi may mắn gõ cửa, hãy chắc rằng bạn có thể tận dụng nó, cho dù có phải làm việc vô cùng vất vả. Khi may mắn ở bên bạn, đó không phải là lúc để nhún nhường hay sợ hãi. Đó là lúc để bạn tiến lên và có thể giành lấy thành công lớn nhất. Ý nghĩa thực sự của việc suy nghĩ lớn chính là ở đây.

Cơ hội + chuẩn bị chu đáo = may mắn

Những năm tháng trước đây cuộc sống của tôi năng động đến mức dù muốn hay không tôi cũng không thể sống một cách bình lặng. Tôi đã có những bước tiến cực nhanh và ngoạn mục trên nấc thang danh vọng của mình. Tôi thích một cuộc sống như vậy. Một cuộc sống có những đòi hỏi khắt khe nhưng cũng vô cùng thú vị và trọn vẹn. Với tôi, làm việc cật lực không có gì là xa lạ bởi tôi vẫn luôn luôn cố gắng hết sức trong công việc. Vì lý do đó, tôi trở nên lạc quan và luôn mong đợi thành công sẽ đến trong mọi việc mình làm. Một vài người nói tôi may mắn, nhưng tôi biết điều đó rõ hơn ai hết. Giống như Gary Player từng nói, hãy chăm chỉ, và may mắn sẽ đến.

Khi nhìn những con người thành đạt, rất nhiều người không nhận thấy gì ngoài những thành công cuối cùng mà họ đạt được. Họ đâu biết rằng để có được những thành công đó, những con người này đã phải đổ biết bao công sức. Rồi họ quy cho tất cả thành công ấy là do may mắn. Đối với những người có suy nghĩ thiển cận như vậy, tôi không ngại nhìn thẳng họ và nói: "Đúng, chắc chắn là họ may mắn; họ may mắn vì có tính chăm chỉ bẩm sinh và luôn cố gắng nỗ lực trong công việc".

Lấy ví dụ như khi The Apprentice đạt được thành công vang dội, mọi người đều nghĩ đó là do tôi may mắn, nhưng họ đâu biết tôi đã có hơn ba mươi năm kinh nghiệm và đã nỗ lực hết mình để điều hành tốt công ty trên cương vị giám đốc như thế nào. Tôi là một người luôn biết tường tận công việc mình đang làm bởi chính tôi là người điều hành trực tiếp công việc chứ không phải ai khác. The Apprentice luôn mang lại cho mọi người một cảm giác rất thật rằng họ đang được trực tiếp làm việc trong một tập đoàn tài chính lớn ở New York. Và đó cũng chính là điểm thu hút đông đảo mọi người tham gia vào The Apprentice. Việc lên truyền hình đối với tôi hoàn toàn mới lạ, nhưng những gì diễn ra tiếp sau đó lại không có gì là lạ lẫm. Dù có được quay phim hay không thì công việc vẫn là công việc.

Tôi viết rất nhiều sách và gần đây, dường như ngày nào tôi cũng viết. Trước khi bắt tay vào viết lách, tôi thường dành tới bảy hoặc tám tháng để sắp xếp các ghi chép của mình, thu thập dữ liệu, các bài báo và đọc rất nhiều câu chuyện cũng như tham khảo nhiều ý kiến khác nhau. Viết xong, tôi đọc và cẩn thận chỉnh sửa lại. Phải nói rằng tôi đã rất nỗ lực; vì để có được một bản thảo hoàn chỉnh như thế cần rất nhiều thời gian, sự kiên trì và bền bỉ. Và khi trông thấy những ấn bản đầu tiên, cảm giác hài lòng bởi công việc đã hoàn thành một cách mỹ mãn trào dâng trong tôi. Độc giả sẽ không bao giờ thấy được mồ hôi và công sức mà những tác giả như tôi đã bỏ ra để viết nên một cuốn sách như thế.

Một lần, trong quá trình thu thập thông tin để viết một cuốn sách, tôi đặc biệt quan tâm đến nguồn gốc của một quan điểm tương đối mới đang rất phổ biến tại Mỹ lúc bấy giờ. Theo suy đoán của tôi, quan điểm này xuất hiện từ cuối những năm 1980 với sự nổi lên của một lối suy nghĩ dễ hài lòng với bản thân ngay tức khắc của thế hệ luôn muốn khẳng định "cái tôi". Các bạn trẻ tốt nghiệp đại học và mong đợi thành công sẽ đến ngay lập tức. Trạng thái tâm lý đó tiếp tục phổ biến vào những năm 1990 và được khuyến khích bởi sự phát triển sôi động của khoa học công nghệ và sự bùng nổ của thị trường chứng khoán.

Rất nhiều người trong độ tuổi hai mươi nhanh chóng từ bỏ công việc hiện tại của mình để thành lập những công ty công nghệ với ước mong trở thành triệu phú hoặc tỉ phú thật sự chỉ sau một đêm. Quan niệm trước đây cho rằng bạn phải làm việc thật chăm chỉ trong một thời gian dài mới có được thành công đã được thay thế bởi một quan điểm hoàn toàn khác, đó là "tôi muốn có tất cả ngay bây giờ". Khuynh hướng ấy được củng cố chặt chẽ hơn trong tâm lý người dân Mỹ bởi hình ảnh của các siêu sao trong làng thể thao, những minh tinh màn bạc và những ngôi sao nhạc rock trên MTV, những người kiếm được rất nhiều tiền và đều còn rất trẻ.

Nhiều người sau khi nghe những câu chuyện về sự thành công dễ dàng trên các phương tiện thông tin đại chúng đã ảo tưởng rằng mình cũng có thể đạt được thành công theo cách đó. Sự thực là kiểu thành công này rất hiếm và chỉ xảy đến với một số ít người, nhưng hầu như chưa bao giờ xảy ra trong thời gian quá chóng vánh. Không phải ai cũng có thể trở thành Sergey Brin hay Jerry Yang, những người sáng lập ra Yahoo!.

Hiển nhiên, không thể phủ nhận vai trò của may mắn ở thành công của một số người. Điều đó không cần phải bàn cãi, nhưng bạn không thể điều khiển được may mắn. Tất cả những gì bạn có thể làm là hãy nhìn vào những gì bạn có và cố gắng tận dụng đến mức cao nhất! Hãy bỏ qua những điểm còn khuyết của bản thân. Nếu chỉ chú tâm đến mặt tiêu cực, bạn sẽ chỉ càng thêm rối trí. Và như vậy, may mắn sẽ không có cơ hội xuất hiện trong cuộc đời bạn. Hãy nhớ rằng, rất nhiều người đã làm nên thành công bất chấp các điểm yếu của bản thân. Điều quan trọng là bạn phải biết bản thân mong muốn điều gì, chứ không phải người khác muốn gì ở bạn. Hãy tự đưa ra những quyết định mà bạn cho rằng đó là điều tốt nhất đối với mình.

Mạnh dạn chớp lấy cơ hội mới

Làm việc cật lực không có nghĩa bạn chỉ biết đến công việc và làm mình trở nên mụ mẫm. Hãy tiếp thu những ý tưởng mới và sẵn sàng thử sức với những điều mới mẻ. Điều gì sẽ xảy đến nếu tôi nói: "Tôi không muốn tên mình xuất hiện ở đó" khi mọi người hỏi rằng liệu tôi có đồng ý gắn thương hiệu Trump lên các sản phẩm khác ngoài những tòa nhà của mình hay không? Quả thực, tôi được rất nhiều nơi ngỏ lời muốn dùng tên của tôi làm thương hiệu cho các sản phẩm của họ, và vì tôi luôn sẵn lòng thử sức với những điều mới mẻ nên bạn có thể nhìn thấy cái tên Trump xuất hiện trên khá nhiều sản phẩm có chất lượng hàng đầu như: quần áo, cà vạt, áo sơ mi, rượu vodka, thức ăn và rất nhiều thứ khác. Tôi tự hào khi thấy những sản phẩm mang tên mình đều rất thành công. Nếu tôi không sẵn lòng đón nhận những điều mới mẻ của cuộc sống thì những điều thú vị này đã không xảy ra.

Khi có người ngỏ lời muốn hợp tác xây dựng sân golf đầu tiên mang tên tôi, tôi đã phải nghĩ suy rất cẩn thận trước khi quyết định. Đó quả là một cơ hội tuyệt vời để xây dựng một cái gì cho riêng mình. Đây cũng là dịp để tôi rèn luyện mình trở nên năng động hơn và tạo nên một thứ gì đó mới mẻ, không chỉ có tính thực tế mà còn gây được tiếng vang lớn. Tôi có hơi lưỡng lự bởi đây là một lĩnh vực rất mới với tôi và thực tế tôi cần phải học hỏi rất nhiều.

Cuối cùng tôi đã quyết định thực hiện thương vụ này. Vài người thắc mắc tại sao tôi phải đèo bòng tham gia việc xây dựng những sân golf đó. Công việc hay tiền bạc thu được từ dự án này không phải là điều quan trọng đối với tôi. Tôi có biết bao kế hoạch hay dự án kinh doanh khác có thể làm tốt mà không phải mất công sức học hỏi gì thêm, nhưng tôi muốn thử sức với những điều mới mẻ.

Vào khoảng thời gian đó, tôi có cuộc sống xa hoa tới mức có thể làm bất cứ điều gì mình muốn. Vì vậy, tôi quyết định thực hiện dự án xây sân golf bởi golf là môn thể thao tôi yêu thích và hơn nữa, tôi cũng muốn tự mình tạo nên những sân golf tuyệt mỹ. Tôi không nhất thiết phải làm việc này, nhưng đó là điều tôi thích và muốn làm. Đối với tôi, điều mình muốn mới thật sự là lý do để đưa ra quyết định. Quả thật, quãng thời gian tiến hành xây dựng các sân golf là những ngày tháng thực sự ý nghĩa và thú vị đối với tôi. Và tất nhiên, lợi nhuận tôi thu được cũng không phải là nhỏ. Nếu không mạnh dạn đón nhận những thử thách mới thì có lẽ tôi không bao giờ có được những thành công như vậy.

Khi bắt tay thực hiện The Apprentice, tôi cũng có những trải nghiệm tương tự như vậy. Khi đó, tôi không biết gì về truyền hình, chỉ biết thắc mắc chẳng hiểu sao những chương trình bình luận như của Larry King, Bill O'Reilly và nhiều người khác nữa luôn đạt được tỷ lệ bình chọn cao khi họ mời tôi ghi hình cùng. Đó là một môi trường hoàn toàn mới lạ đối với tôi, song tôi luôn sẵn lòng cho mình một cơ hội để thử sức. Tôi làm việc rất hăng say và phát hiện thấy mình thực sự hứng thú với việc tìm ra những cách thức tổ chức ghi hình hấp dẫn, khiến chương trình trở nên sôi động, hào hứng và lôi cuốn khán giả hơn. Lúc bắt đầu, tôi không dám kỳ vọng điều gì to tát, nhưng không ngờ cuối cùng, tôi lại trở thành ngôi sao sáng giá của một chương trình lớn trên truyền hình. Vậy đó, The Apprentice bắt đầu từ con số không nhưng sau đó đã trở thành một chương trình truyền hình thành công vang dội với 41,5 triệu người xem phần kết.

The Apprentice đã đạt được thành công rực rỡ. Tại sao vậy? Đó là vì tôi đã cố gắng thử sức mình với những điều mới mẻ. Thực tế, đó không hẳn là do tôi quá liều lĩnh. Tôi không mạo hiểm đem cơ đồ của mình ra đặt hết vào thương vụ này. Một số người nổi tiếng khôn ngoan đã nhắc tôi rằng nếu chương trình thất bại thì đấy sẽ là một đòn khủng khiếp làm xấu đi hình ảnh của tôi. Nhưng tôi đã đáp vui lại rằng: "Hình ảnh của tôi quá kinh khủng rồi, còn có thể kinh khủng hơn nữa sao?".

Tôi không thể giải thích rõ hơn cho bạn thấy hết tầm quan trọng của việc mạnh dạn chớp lấy thời cơ theo những thử thách mới mẻ, nhưng tôi sẽ kể cho bạn nghe câu chuyện này. Mới đây thôi, bạn tôi là Vince McMahon có mời tôi tham dự một sự kiện lớn của WWE WrestleMania có tên gọi là Battle of the Billionaires (cuộc chiến giữa các tỉ phú). Mặc dù đấu vật là một môn thể thao tôi rất thích, nhưng thật tình tôi không bao giờ nghĩ rằng mình sẽ tham gia; điều đó hoàn toàn không phù hợp với tính cách của tôi. Dù vậy, tôi vẫn nói: "Cái quái gì vậy chứ. Tại sao mình lại không thể thử chứ? Có mất gì đâu?". Vì thế, tôi đã quyết định tham gia và báo với Vince rằng tôi sẽ thử sức. Vince McMahon vô cùng kinh ngạc, sau đó anh đã sốt sắng chuẩn bị cho chương trình có một không hai này.

Một lượng khán giả kỷ lục - 82.000 người đã phủ kín chỗ ngồi ở sân bóng nơi Detroit Lions vẫn chơi. Họ tới đây để xem cuộc chiến giữa các nhà tỉ phú.

Vince và tôi chọn các đô vật ưng ý đại diện cho mình để thượng đài. Nếu người của tôi thua, Vince sẽ cạo đầu tôi trước 82.000 khán giả cuồng nhiệt đang hô hào trên khán đài kia. Còn nếu đô vật của Vince thua, tôi sẽ cạo đầu anh ta. Vince chọn một đô vật người Samoan, nặng 180 ký tên là Umaga. Còn tôi, tôi chọn Bobby Lashley, một anh chàng nặng 140 ký có cơ bắp chắc nịch.

Đó là một trận đấu hết sức quyết liệt. Hai đô vật gầm gừ trả đòn kịch liệt. Khi đô vật của tôi giành chiến thắng, tôi rất háo hức đợi đến khoảnh khắc được đè Vince xuống và cạo trọc đầu anh ta. Trước tất cả khán giả ở sân vận động cùng hàng triệu người đang theo dõi trực tiếp qua màn hình tivi, tôi đã đè ngửa Vince ra, trói tay lại, rồi thụi cho anh mấy cú vào đầu. Sau đó, một đô vật tới và tiếp tục giữ chặt Vince trong lúc tôi cạo hết tóc anh ta. Tiếp đó, Stone Cold Steve Austin bước lên và trao cho tôi chiếc đai danh dự để ghi nhớ sự kiện này. Mọi chuyện thực sự thú vị. Tôi đã có một khoảng thời gian tuyệt vời và Vince đã gây được thêm tiếng tăm nhờ thu hút được một lượng người xem kỷ lục, cả khán giả theo dõi qua màn ảnh nhỏ và những người tới sân vận động hôm đó.

Sự kiện do Vince và đội ngũ cộng sự của anh đã thực hiện quả là khó tin. Thậm chí, tờ The New York Times đã dành hẳn một trang để thuật lại diễn biến của trận đấu ngày hôm đó. Tôi cũng rất vui sướng khi đã dám thử sức và làm được một việc ngoài sức tưởng tượng đối với mình. May mắn sao, sự liều lĩnh đó đã mang lại thành công rực rỡ cho tôi.

Khi đang chú tâm vào công việc nào đó, bạn rất dễ lún sâu vào nó và chính bạn sẽ không cho phép bản thân thử sức với những điều mới mẻ. Và sau khi bị bao quanh bởi một đầm lầy những công việc đều đặn thường ngày chúng ta trở nên e ngại khi phải thay đổi và thử sức với những thứ mới lạ. Đừng để điều đó xảy đến với bạn. Hãy sẵn sàng cho những bước nhảy vọt ra khỏi lãnh địa quen thuộc của bản thân và thử khám phá những điều bạn chưa từng thực hiện bao giờ. Một viễn cảnh tươi mới về cuộc sống sẽ được hé mở và sẽ tác động tới tất cả những gì bạn làm theo một cách tích cực. Những trải nghiệm trong việc thực hiện các dự án sân golf và việc tham gia vào các chương trình truyền hình đã mở ra cho tôi một thế giới mới lạ và mang đến cả những thử thách cùng cơ hội mới để tôi có thể vận dụng trí tuệ và sự sáng tạo của mình theo nhiều cách khác nhau.

Hãy luôn sẵn sàng đón nhận những ý tưởng sáng tạo, thông tin và cơ hội mới. Đừng quay lưng lại với những trải nghiệm mới mẻ mà hãy nghĩ rằng bạn có khả năng làm mọi thứ bạn cho là cần thiết. Thế giới đang thay đổi từng phút một, và nếu muốn thành công, nhất định bạn phải luôn nắm bắt được mọi thứ đang diễn ra quanh mình. Rõ ràng sẽ rất xuẩn ngốc khi ai đó thờ ơ, bỏ qua những khám phá và cơ hội mới. Khi bắt đầu khởi nghiệp, thành công nhanh chóng đến với tôi chủ yếu là do tôi luôn sẵn sàng thử sức với các ý tưởng mới và đón đầu những cơ hội tiềm ẩn.

Đây cũng là cách giúp tôi có thể tìm thấy những thương vụ tuyệt vời nhất và mang lại lợi nhuận nhiều nhất. Nếu không bắt đầu, không thử sức, tôi đã không thể hoàn thành những thương vụ đó. Mỗi công việc đều chứa đựng những bất ngờ, ẩn giấu những thử thách, hiểm nguy và cả những cơ hội có thể dẫn ta tới thành công rực rỡ.

Tôi bắt đầu một ngày từ rất sớm bằng việc đọc báo, xem tin tức, không phải vì một mục tiêu gì đặc biệt cần phấn đấu, mà chỉ muốn thỏa mãn lòng ham hiểu biết của mình. Tôi đọc rất nhiều tin tức trong các lĩnh vực khác nhau với niềm vui thích được biết những điều mới mẻ, thú vị chứ không chỉ riêng lĩnh vực kinh doanh. Đó có thể xem là một cách tuyệt vời để bắt đầu một ngày mới. Khi học thêm được điều gì, tôi có cảm giác mình đang tồn tại, được giác ngộ và cuộc sống trở nên thú vị hơn rất nhiều. Và rồi chính điều đó lại thôi thúc tôi muốn học hỏi và hiểu biết nhiều hơn. Chính vì vậy, tôi chưa bao giờ cảm thấy cuộc sống nhàm chán và đó cũng là lý do cốt yếu giải thích cho những thành công của tôi.

Phát triển khả năng tích cực

Đối với cùng một vấn đề, mỗi người đều có khả năng suy nghĩ theo hai luồng khác nhau. Một tích cực và một tiêu cực. Đối với riêng bản thân tôi, tôi thường chọn cách nghĩ tích cực và mong chờ những điều tốt đẹp nhất sẽ tới. Chính thái độ tích cực ấy đã mang lại cho tôi rất nhiều may mắn. Tôi còn nhớ, lúc mới khởi nghiệp, tôi đã cố mua lại sân ga Penn Central vốn bị bỏ hoang từ lâu ở phía Tây Manhattan. Không tiền bạc, không nhân công, không quen biết, tôi khi đó còn quá lạ lẫm với thành phố này. Thành phố khi đó cũng đang lâm vào cuộc khủng hoảng tài chính, song tôi vẫn luôn lạc quan và tràn đầy nhiệt huyết. Bởi vì còn quá trẻ nên tôi không thể dựa vào kinh nghiệm hay thành tích của mình để thuyết phục các ngân hàng, thế là tôi thực hiện điều đó bằng lòng nhiệt huyết của mình.

Suy nghĩ tích cực là một điều rất quan trọng. Việc suy nghĩ tiêu cực, nhất là về bản thân và những triển vọng thành công của bạn, sẽ giết chết nỗ lực tập trung cũng như phá hủy hết mọi cơ hội thành công của bạn. Tôi thường chơi golf và nhận thấy rõ rằng những tay chơi golf giỏi nhất là những người luôn lạc quan và suy nghĩ tích cực nhất. Chơi golf không phải để xem bạn đánh quả bóng được bao xa và chính xác thế nào mà để thử thách xem tinh thần bạn vững đến đâu trong những hoàn cảnh bất lợi nhất. Golf không đơn thuần chỉ là một trò chơi thể chất mà còn là một trò chơi tinh thần.

Vì vậy, hãy học cách điều khiển suy nghĩ của mình. Đừng để bất cứ tình huống nào khiến bạn suy nghĩ tiêu cực. Trong cuộc sống, chắc chắn sẽ không tránh khỏi đôi lần thất bại, nhưng ta sẽ học được nhiều điều từ những vấp ngã đó. Bất cứ khi nào có suy nghĩ tiêu cực, hãy dẹp bỏ ngay lập tức và thay vào đó bằng những suy nghĩ tích cực. Để làm được như vậy đòi hỏi bạn phải có nghị lực. Và khi đó bạn sẽ có khả năng tư duy tích cực - một yếu tố không thể thiếu cho sự thành công.

Đừng để nỗi tức giận vượt khỏi sự kiểm soát của bạn. Nhiều người nghĩ rằng tôi là một gã hay cáu kỉnh, nhưng sự thật không phải vậy. Tôi cứng rắn và khắt khe, nhưng tôi không bao giờ để cho nỗi tức giận tự do bùng phát. Dĩ nhiên, bạn phải bền bỉ, nhưng khi nỗi tức giận đã nằm ngoài tầm kiểm soát thì đó không còn là biểu hiện của sự mạnh mẽ mà đã trở thành điểm yếu. Sự mất kiểm soát đó gây mất phương hướng và phá hủy hoàn toàn sự tập trung vào mục tiêu bạn đang thực hiện.

Khi giận dữ, thay vì thể hiện ra ngoài, tôi thường biến nguồn năng lượng này thành hành động cụ thể. Tôi làm việc chăm chỉ hơn, tập trung cao độ hơn, nâng cao ý chí và càng thêm quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách thay vì chỉ tức giận và bực bội. Đôi khi, tôi lại sử dụng một cách khôn khéo sự giận dữ có kiểm soát để giải quyết một vấn đề nào đó trong quá trình thương lượng. Với những tình huống đó, sự tức giận thường tạo được hiệu quả, giúp tôi tiến lại gần mục tiêu của mình hơn. Việc xử lý cảm xúc giận dữ một cách tích cực cũng là một biểu hiện của sự mạnh mẽ về tinh thần, điều bạn rất cần để đạt được thành công. Vì vậy, thay vì để những bực tức trong mình bùng nổ không thể kiểm soát thì bạn hãy dùng nguồn năng lượng đó để thực hiện những điều mình muốn.

Suy nghĩ tích cực không phải là những mơ tưởng xa rời thực tế, mà đó là sự gắn kết chặt chẽ niềm lạc quan, tin tưởng vào những việc bạn đang làm trong khi vẫn nhận thức được các vấn đề tiêu cực có thể xảy ra. Khi đối mặt với một thách thức mang tính sống còn đối với vận mệnh của đất nước, Thủ tướng Anh là ngài Winston Churchill vẫn luôn giữ cho mình niềm lạc quan như vậy. Hay như Tổng thống Ronald Reagan, ông đã luôn chứng tỏ mình là người lạc quan với những suy nghĩ tích cực ngay cả khi cuộc chiến tranh lạnh bùng nổ. Reagan biết rõ những nguy hiểm đó, song ông luôn giữ cho mình vẻ lạc quan, và rồi ông đã chiến thắng và để lại cho nhân loại một di sản vĩ đại. Hãy học cách trở nên lạc quan ngay cả khi phải đối mặt với những thử thách nghiệt ngã nhất, bởi điều đó sẽ tạo nên những thay đổi tích cực trong cuộc sống của bạn.

Niềm lạc quan vốn có trong tôi đã đưa tôi đến với The Apprentice. Khi được mời cùng hợp tác thực hiện chương trình The Apprentice, tôi đã không từ chối, bởi tôi có một sự lạc quan, tin tưởng rằng chương trình sẽ thành công. Đó cũng là ý tưởng truyền hình đầu tiên từng hấp dẫn tôi đến vậy.

Tôi biết việc thực hiện The Apprentice là một sự mạo hiểm. Tất cả mọi người đều nói với tôi rằng "hầu hết những chương trình mới phát sóng trên ti vi đều thất bại" hoặc "chương trình truyền hình thực tế đang trở nên nhàm chán" hay "anh sẽ đánh mất uy tín của mình". Tôi cũng đã suy nghĩ thật cẩn thận và cân nhắc tất cả các rủi ro bằng cách tự vấn mình bằng nhiều giả định và tình huống. Khi kết thúc dòng suy nghĩ này, tôi đã có được một danh sách dài những điều tích cực cả tiêu cực. Vì thế, tôi quyết định sẽ thực hiện thương vụ này, và thực sự đã thành công mỹ mãn; tất cả những điều tích cực mà tôi luôn tin tưởng đã trở thành hiện thực. Nếu chỉ chăm chăm nghĩ tới những rủi ro, thất bại, chắc chắn tôi sẽ không bao giờ làm nên chuyện và cũng không thể có được những phần thưởng xứng đáng như vậy. Cho nên, tôi đã chọn lấy triển vọng tích cực.

Khi còn rất trẻ, tôi đã từng đọc một cuốn sách có tựa đề The Power of Positive Thinking của tiến sĩ Norman Vincent Peale - một linh mục, đồng thời là một nhà hùng biện thiên tài. Hiện có một cuốn khá nổi tiếng là The Secret đã lọt vào danh sách sách bán chạy số một cũng đề cập tới tư duy tích cực. Một số chuyên gia được nhắc tới trong cuốn sách này hiện là đồng nghiệp tham gia diễn thuyết cùng tôi tại Hội thảo Đầu tư The Learning Annex. Bản thân tôi, tôi tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của việc suy nghĩ tích cực.

Những bài học trong cuốn The Power of Positive Thinking thực sự đã để lại dấu ấn sâu đậm trong tôi. Trong tất cả các thương vụ tôi đã thực hiện, công việc chính của tôi là phải luôn tỏ ra lạc quan và quả quyết, kể cả khi tất cả mọi người đều có cái nhìn bi quan và tỏ vẻ chán chường. Vào những năm 1970, khi tôi chọn mua mảnh đất ở phía Tây Penn Central, tất cả mọi người trong thành phố đều trong tình trạng vô cùng chán nản. Hàng ngày, người ta liên tục thấy các bài viết về những vụ phá sản trên khắp các mặt báo. Không ai biết liệu thành phố có thể tiếp tục sống sót qua thời kỳ khủng hoảng này hay không. Khi đó, tôi vẫn luôn giữ thái độ điềm tĩnh và lạc quan. Tôi đã đi vòng quanh thành phố, nói chuyện với nhiều người, hầu hết là các chủ ngân hàng, các quan chức lãnh đạo thành phố, các kiến trúc sư cùng những nhà thầu tên tuổi, và thuyết phục họ suy nghĩ cũng như tin tưởng vào những điều tốt đẹp hơn về tình trạng của thành phố. Tôi mang lại cho họ niềm tin rằng mọi chuyện rồi sẽ ổn thỏa. Với vai trò là một nhà phát triển, đó là công việc tôi cần phải làm.

Sức mạnh của suy nghĩ tiêu cực

Sức mạnh của suy nghĩ tích cực đã quá rõ ràng. Nhưng bạn đừng quên rằng suy nghĩ tiêu cực cũng có mặt mạnh của nó. Đôi khi bạn cũng phải suy nghĩ tiêu cực một chút. Điều đó giúp bạn đặt ra cho mình những tình huống bất trắc để biết cách đề phòng. Bạn cần phải bảo vệ bản thân trước tất cả những thế lực thù địch đang rình rập xung quanh. Cho dù bạn có thích hay không thì chiến tranh, sóng thần, bão táp, lốc xoáy vẫn diễn ra và kẻ xấu vẫn luôn tồn tại. Vì vậy, tôi rèn luyện việc suy nghĩ tích cực trong khi vẫn làm tất cả những gì thấy hợp lý để có thể bảo vệ chính mình trước những điều xấu.

Và đây là một ví dụ chứng tỏ đôi lúc tôi cũng phải biết suy nghĩ tiêu cực. Khi mua lại khách sạn Commodore từ Penn Central, tôi biết sẽ có rất nhiều rủi ro. Nếu thất bại, thương vụ này sẽ đào mồ chôn sống tôi. Ngay từ đầu, tôi đã cố gắng giữ cho rủi ro ở mức tối thiểu và hạn chế tiết lộ tình hình tài chính của mình. Tôi không là mẫu người lạc quan tới mức để bản thân vướng vào những mối đe dọa không cần thiết. Tôi phải làm cho tất cả những người tham gia vào thương vụ này, các chủ ngân hàng, Penn Central và cả thành phố tin tưởng rằng tôi chính là cơ hội tốt nhất họ có được để phục hồi, nâng cấp lại tòa nhà đã cũ kỹ, xiêu vẹo cũng như tái sinh toàn bộ vùng lân cận mà không cho họ biết lúc bấy giờ tình hình tài chính của tôi cũng đang gặp một số khó khăn.

Cuối cùng, tôi cũng hoàn tất bản hợp đồng mua bán mà theo đó, tôi được mua mảnh đất với giá 10 triệu đô-la với điều kiện đi kèm là thành phố trợ cấp miễn thuế cho tôi, cấp cho tôi nguồn tài trợ xây dựng và một công ty quản lý để vận hành khách sạn. Cái giá của quyền mua này là 250.000 đô-la. Tôi không có đủ số tiền đấy, nhưng lại muốn mạo hiểm với thương vụ này. Tôi đã thảo bản hợp đồng song lại không trả món tiền 250.000 đô-la. Thay vào đó, tôi yêu cầu luật sư của mình tìm kiếm thật nhiều những điểm hợp pháp để biện luận và thuyết phục bên bán, còn tôi cố thu xếp nốt phần còn lại của thương vụ này một cách êm đẹp.

Một thái độ lạc quan đúng đắn là khi bạn có khả năng thực hiện tốt những việc bạn có thể làm và chuẩn bị tinh thần cho mọi khả năng có thể xảy đến, cả những điều tích cực lẫn tiêu cực. Bạn có thể nâng cao tinh thần lạc quan của mình bằng cách chuẩn bị thật chu đáo. Bạn không thể kỳ vọng vào việc sẽ đạt thành công 100% dù có hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh, tài chính, bất động sản, quản lý, y học hay khoa học. Nếu bạn không có sự chuẩn bị trước cho một kết quả xấu, một vài thất bại nho nhỏ, việc đánh mất cơ hội thăng tiến hay một thương vụ không thành thì những trải nghiệm như thế sẽ khiến bạn hoang mang và nghi ngại. Cả thái độ suy nghĩ tích cực và tinh thần làm việc hăng say đều rất quan trọng trong việc tạo nên may mắn cho riêng bạn nhưng bạn không thể hoàn toàn chỉ dựa vào chúng.

Cuộc sống thực tế cho thấy các thương vụ làm ăn không phải lúc nào cũng kết thúc êm đẹp. Bạn không thể lúc nào cũng giành thắng lợi trong các thương vụ, sự thăng quan tiến chức không phải lúc nào cũng đến với bạn, những bệnh nhân do bạn chữa trị không phải lúc nào cũng nhanh chóng hồi phục và những người bạn mà bạn đang quen không phải ai cũng chân thành với bạn. Có rất nhiều tình huống nằm ngoài tầm kiểm soát của bạn. Để ngăn ngừa những sự việc xảy đến có thể ảnh hưởng đến sự tự tin của bạn, cách duy nhất là hãy đối mặt trực diện với những sự thật khắc nghiệt của cuộc sống rằng những điều không hay có thể xảy đến. Hãy đấu tranh để vượt qua nó. Hãy chuẩn bị cho điều đó. Hãy nhận thức rõ rằng đấy là cuộc sống và điều đó không liên quan tới bạn cũng như khả năng của bạn. Đừng để việc suy nghĩ tiêu cực làm lay chuyển sự tự tin của bạn dù chỉ là mảy may.

CHIA SẺ CỦA ZANKER

Năm 1982, một may mắn bất ngờ đã nhanh chóng đưa The Learning Annex phát triển tới thời kỳ hoàng kim thực sự. Thứ Năm, ngày 11 tháng 3 năm 1982, tôi nhận thấy The Learning Annex đã chiêu sinh được đúng 100.000 sinh viên. Tôi muốn kỷ niệm sự kiện quan trọng này bằng cách tung 10.000 tờ giấy bạc trị giá một đô-la từ tầng mái của tòa nhà Empire State xuống cho mọi người. Đó là cách tôi đền đáp lại cộng đồng và cũng là để làm mọi người biết tới chúng tôi nhiều hơn. Thời điểm đó, để kiếm được chừng ấy tiền mặt đối với chúng tôi thực sự rất khó khăn, nhưng tôi vẫn quyết liều lĩnh với cơ hội lớn này. Tôi và các đồng sự đã cố gắng hết sức có thể để gom đủ những tờ giấy bạc một đô-la tại ngân hàng và dán lên mỗi đồng tiền ấy một tờ nhãn có dòng chữ The Learning Annex yêu thành phố New York.

Sau đó, chúng tôi thông báo cho các phương tiện truyền thông đại chúng về kế hoạch tại tòa nhà Empire State. Sự kiện sẽ diễn ra vào lúc 1 giờ chiều thứ Sáu, ngày 12 tháng 3. Xem ra mọi người rất thích thú và đã loan báo khắp New York về việc sẽ nhận được tiền miễn phí này. Và ngay lập tức, sự kiện này thu hút được sự chú ý của tất cả mọi người. Đến chiều thứ Năm, chúng tôi cũng đã gom đủ 10.000 tờ một đô-la và xếp chặt cứng vào hai cái túi lớn. Ngày hôm sau, chúng tôi đã phải rất vất vả mới chuyển được số tiền này tới tòa nhà Empire State mà không xảy ra sự cố nào. Trước đó, thành phố đã cho phong tỏa tại đại lộ 34, và hàng ngàn người tập trung ở đó cùng với rất nhiều máy quay phim, phóng viên, các nhiếp ảnh và một phi đội sĩ quan cảnh sát có mặt để giữ trật tự.

Nhưng ba mươi phút trước khi chúng tôi tới tòa nhà Empire State, có hai kẻ lạ mặt đã tiến hành vụ cướp chi nhánh ngân hàng Bankers Trust nằm ở ngay tầng trệt của tòa nhà. Hai tên cướp tiến vào ngân hàng, nhảy qua quầy thu ngân, vơ từng vốc tiền nhét vào mấy cái túi của chúng và chuồn ngay. Tuy nhiên, khi bước ra khỏi ngân hàng, hai tên này đã được "đón chào" bởi một đội ngũ hùng hậu với hàng ngàn người đứng xem, hàng loạt các máy quay, các phóng viên, cảnh sát và bảo vệ cửa hàng đang đứng trước mặt. Chúng chạy qua đám đông hòng thoát khỏi sự truy đuổi của một người bảo vệ ngân hàng. Mấy viên cảnh sát mật hét lớn "Chặn lại! Chặn lại!" Cuối cùng, cả hai kẻ phạm tội nhanh chóng bị tóm gọn và bị giải về sở cảnh sát.

Đó cũng là lúc chúng tôi mang đến hai cái túi đựng đầy tiền của mình. Chúng tôi đường hoàng bước vào tiền sảnh của tòa nhà, song các nhà chức trách không cho phép chúng tôi vào thang máy cũng như không cho rải tiền xuống như dự định. Tôi đã cố gắng lập luận với họ rằng: "Theo tất cả những gì tôi được biết thì việc làm này không hề phạm pháp". Tuy nhiên họ không mảy may thay đổi quyết định. Vì vậy, chúng tôi buộc phải len lỏi giữa tiền sảnh chật cứng người và giơ cao hai túi tiền lớn lên quá đầu. Trong khi đó, người khắp mọi phía ào tới, cố gắng giành lấy dù là chút tiền ít ỏi. Đó quả thực là một trải nghiệm kinh hoàng. Cuối cùng, để đảm bảo an toàn, chúng tôi được đưa đi trong một chiếc xe của đội cảnh sát tuần tra.

Sự thay đổi của sự kiện ngày hôm đó đã trở thành dịp may lớn nhất trong sự nghiệp của tôi. Ngay ngày hôm sau, câu chuyện ly kỳ đó được đăng trên trang nhất của tờ The New York Times cùng hàng ngàn tờ báo khác trên toàn thế giới. Tôi được mời tới tham dự tất cả các chương trình trò chuyện trên truyền hình và điều đó đã tạo cho The Learning Annex cơ hội vô cùng lớn, được công chúng biết đến nhiều hơn. Điều này thực sự là một vận may bất ngờ. Trước đó, tôi chỉ mong sẽ thu hút được sự chú ý của công chúng bằng cách tung những đồng đô-la từ tòa nhà xuống mà không bao giờ dám hy vọng rằng mình sẽ là nhân vật trong một câu chuyện hấp dẫn trên các trang nhất như vậy. Vụ cướp nhà băng xảy ra đúng vào lúc ý đồ quảng cáo của chúng tôi sắp được thực hiện, thế nên The Learning Annex đã giành được sự chú ý của một lượng lớn người xem truyền hình và đã thực sự "cất cánh" chỉ sau một đêm.

May mắn cũng có thể là thời cơ thuận lợi mà bạn có được. Ngay sau khi tôi ký hợp đồng thực hiện buổi Hội thảo Đầu tư đầu tiên với Donald Trump thì mùa công chiếu đầu tiên của The Apprentice cũng chính thức bắt đầu được trình chiếu trên kênh truyền hình NBC. Chiến dịch quảng cáo cho buổi công chiếu đó đã tạo nên một hiện tượng! Tỷ lệ người xem và bình chọn đạt đến cực đại, và khắp nơi người ta đều nói về Donald Trump với câu nói nổi tiếng "Anh bị sa thải!". Donald Trump trở thành cái tên được nhắc đến trong mọi gia đình và là chủ đề bàn tán ở mọi văn phòng làm việc. Trong buổi triển lãm đầu tiên, số lượng người tới đăng ký để được gặp trực tiếp Ngài Donald đã vượt quá sức chứa của hội trường. Rõ ràng đó là thời điểm tuyệt vời và may mắn lớn.

Tuy nhiên, đây mới là điểm quan trọng nhất mà tôi muốn chia sẻ cùng các bạn: Tôi chớp lấy cơ hội khi nó tới và đã theo đuổi tới cùng. Trong cuộc đời, bạn chỉ có một hoặc hai cơ hội may mắn kiểu như vậy. Và khi đã thực sự theo đuổi vận may đấy, bạn phải theo nó tới cùng. Buổi Hội thảo Đầu tư đầu tiên là một thành công vĩ đại. Vậy mà khi đó, một vài người đã khuyên tôi nên từ bỏ nó. Chúng tôi đã thu được rất nhiều tiền, và nếu tiếp tục thực hiện một buổi hội thảo khác, chúng tôi có thể sẽ gặp rủi ro và đánh mất toàn bộ số tiền lời đã thu được. Vậy tại sao chúng tôi vẫn tiếp tục?

Những trải nghiệm trong quá khứ đã dạy cho tôi một điều rằng: khi gặp được một vận may lớn, bạn nên tiếp tục duy trì vận may đó. Tôi đã ngay lập tức quyết định đi xa hơn và lên lịch cho 20 buổi hội thảo khác tại hầu hết các thành phố lớn ở Mỹ.

Tương tự như vậy, Steve Jobs đã biến công việc của mình thành một may mắn bất ngờ. Steve là người sáng tạo và lắp ráp thành công chiếc máy tính cá nhân đầu tiên. Ông đã hợp tác với một đồng sự của mình là Steve Wozniak và đã bán chiếc xe tải hiệu Volkswagen cùng chiếc máy tính chương trình hiệu Hewlett Packard để lấy 1.350 đô-la. Với số tiền đó, Jobs đã làm việc không quản ngày đêm để chế tạo thành công chiếc máy tính Apple đầu tiên. Sau khi vượt qua thử thách đáng kinh ngạc này, từ một chàng trai bỏ dở chương trình học tại trường đại học, Steve đã trở thành người đầu tiên châm ngòi cho cuộc bùng nổ về máy tính cá nhân - một phát minh đã làm thay đổi cuộc sống của tất cả chúng ta.

Hãy tìm kiếm một điều gì đó mà bạn thực sự đam mê, một điều luôn khơi dậy trong bạn lòng nhiệt huyết khiến bạn có thể vượt qua cả những giới hạn bình thường của bản thân. Sau đó, bạn phải làm việc chăm chỉ hàng ngày để nâng cao các kỹ năng của mình và không bao giờ được bỏ cuộc. Xét trong mọi lĩnh vực, ban đầu nhiều người học rất nhanh, nhưng chỉ sau một khoảng thời gian ngắn, họ lại dừng việc học hỏi. Chỉ một số ít người còn tiếp tục, kiên trì nâng cao khả năng của mình trong nhiều năm và nhiều thập kỷ. Chúng ta gọi họ là những vĩ nhân. Winston Churchill là một trong những nhà hùng biện vĩ đại nhất của thế kỷ hai mươi. Người ta cho rằng ông sinh ra đã là một thiên tài. Nhưng sự thật là ông đã phải luyện tập các bài diễn thuyết không biết bao nhiêu lần cho tới khi có thể trình bày một cách tốt nhất. Bobby Fischer trở thành kiện tướng cờ vua ở độ tuổi mười sáu. Phải chăng đó là một thần đồng? Hoàn toàn không phải vậy. Fischer đã luyện tập liên tục trong chín năm trời trước khi giành được danh hiệu đó.

Còn Tiger Woods trở thành nhà vô địch trẻ tuổi nhất trong lịch sử của Giải U.S. Amateur Championship - giải thi đấu golf không chuyên Mỹ - khi mới mười tám tuổi. Mười lăm năm luyện tập không ngừng nghỉ đã đưa Tiger Woods tới đài vinh quang. Hãy coi công việc như những bài luyện tập. Không ngừng cố gắng nâng cao khả năng của bản thân. Đừng vội hài lòng khi công việc của bạn chỉ dừng lại ở mức được hoàn thành mà phải hướng tới mục tiêu làm công việc đó ngày càng tốt hơn. Hãy làm việc chăm chỉ để hoàn thiện bản thân mình hơn. Chắc chắn những nỗ lực của bạn sẽ được ghi nhận. Hãy làm cho mỗi ngày trở nên đặc biệt bất kể công việc của bạn là gì đi chăng nữa.

Một số người ngay từ khi sinh ra đã may mắn hơn những người khác, đó là sự thực. Những người may mắn được sinh ra trong một gia đình có cha mẹ giàu có, được giáo dục trong những môi trường tốt và có những mối giao thiệp với những người có quyền thế, sẽ càng có lợi thế trội hơn hẳn so với nhiều người trong chúng ta. Song hầu hết những người thành đạt mà tôi biết lại phải làm việc cần cù và chăm chỉ để tạo may mắn cho chính mình. Hãy ghi nhớ câu nói: "Càng luyện tập chăm chỉ, tôi càng gặp may mắn". Ngày đó, vào thời khắc đen tối nhất trong sự nghiệp của mình, tôi đã tới tham dự bữa tối cùng các chủ ngân hàng ở Manhattan. Và sự kiện đó đã thay đổi tiến trình cuộc đời tôi. Giả sử nếu tôi không tham dự buổi gặp gỡ đó thì tôi sẽ chẳng thể viết được cuốn sách này. Sự thực là tôi rất ghét phải tới dùng bữa với các chủ ngân hàng. Tôi đến đấy chỉ vì đó là công việc tôi phải làm, một công việc vô cùng nặng nề và khủng khiếp. Tuy nhiên tôi đã nỗ lực vượt qua và gặp may mắn. Đó cũng là lý do tại sao, ngày hôm nay tôi có thể đứng được ở vị trí này. Bạn có thể kiến tạo may mắn cho mình bằng cách làm việc thật chăm chỉ và sử dụng đến cái đầu hiểu biết của mình. Tất nhiên, những điều tồi tệ có thể và rất dễ xảy đến. Thế nên hãy chuẩn bị thật tốt cho những điều tồi tệ nhất. Nếu bạn thực sự tận tâm với công việc, thêm một chút thông minh, chắc chắn may mắn sẽ tới, và rất có thể tới đúng lúc bạn ít mong đợi điều đó nhất.

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH

  • Một vài người sinh ra vốn đã may mắn hơn những người khác, song số đó chỉ chiếm một phần rất nhỏ.

  • Bạn có thể tạo nên may mắn cho chính mình.

  • Càng chăm chỉ làm việc, bạn càng gặp nhiều may mắn hơn.

  • May mắn không thể đến chỉ sau một đêm.

  • Hãy luôn tiếp nhận những thông tin và ý tưởng mới.

  • Hãy sẵn lòng thử sức với những thử thách mới.

  • Luôn suy nghĩ tích cực và mong chờ những điều tốt đẹp nhất sẽ đến.

  • Đừng để bất cứ điều gì cản đường bạn.

  • Hãy thận trọng bằng cách suy nghĩ theo chiều đối lập.

  • Luôn giữ sự tự tin, ngay cả khi một vài điều không hay xảy đến. Đó đơn giản chỉ là một sự va quẹt trên con đường bạn đang bước đi, rồi tất cả sẽ qua.