Nghĩ Lớn Để Thành Công

Chương 2: Đam Mê, Đam Mê Và Đam Mê

Bất kể làm công việc gì, nhưng nếu muốn thành công bạn phải có niềm đam mê. Nếu yêu thích những việc mình làm, bạn sẽ làm việc chăm chỉ hơn, nỗ lực nhiều hơn, khả năng giải quyết công việc tốt hơn và sẽ biết tận hưởng cuộc sống hơn. Hiểu rõ và yêu thích những việc mình làm là hai điều vô cùng quan trọng.

Trong cuốn sách đầu tay của mình, The Art of the Deal (Nghệ thuật thương lượng), tôi đã viết ở ngay đoạn đầu tiên: "Tôi không thực hiện thương lượng vì tiền. Bởi tôi không những đã có đủ tiền mà còn có nhiều hơn mức tôi cần. Tôi thực hiện thương lượng chỉ vì lòng yêu thích. Với tôi, thương lượng là một nghệ thuật. Nghệ thuật đối với các họa sĩ, thi sĩ là vẽ nên những bức tranh tuyệt đẹp hoặc sáng tác những vần thơ đầy xúc cảm. Còn tôi lại thích tham gia thương lượng, nhất là những cuộc thương lượng quan trọng. Bởi điều đó mang lại cho tôi cảm giác thú vị". Giờ đây, sau 20 năm, tôi vẫn tiếp tục tham gia vào những cuộc thương lượng quan trọng, và chúng vẫn mang lại cho tôi cảm giác thú vị như trước.

Những điều tôi viết trong cuốn sách đầu tay đều là sự thật. Tôi tập trung vào niềm đam mê của bản thân và kiếm được rất nhiều tiền. Hiện nay tôi giàu có hơn rất nhiều so với thời điểm khi tôi viết quyển sách đầu tiên. Tôi say mê công việc đến mức đã làm việc như không thể làm tốt hơn thế, và cảm giác đó thật tuyệt vời. Thậm chí có những đêm tôi không tài nào chợp mắt được, chỉ muốn bật dậy và đi làm ngay.

Sau khi viết cuốn sách đầu tiên, tôi đã trải qua vài giai đoạn thực sự khó khăn. Đầu những năm 1990, tôi gần như mất tất cả, nhưng rồi tôi đã vượt qua, tiếp tục tồn tại và phát triển lớn mạnh hơn. Công việc kinh doanh bất động sản của tôi trở nên thuận lợi hơn bao giờ hết và số phận đã mang đến cho tôi nhiều may mắn bất ngờ. Tôi tham gia vào lĩnh vực truyền hình với chương trình truyền hình The Apprentice rất thành công. Ngoài ra, tôi còn sở hữu hai cuộc thi sắc đẹp danh tiếng Hoa Hậu Hoàn Vũ và Hoa Hậu Mỹ được phát sóng trên đài NBC. Các bài diễn thuyết tại The Learning Annex cũng thành công ngoài sức tưởng tượng. Và giờ đây tôi đang chuẩn bị cho đợt phát sóng mới của chương trình The Apprentice và tua Hội thảo Đầu tư The Learning Annex trên toàn quốc.

Với tôi, tiền bạc chưa bao giờ là động lực chính để tôi thực hiện những dự án này. Tôi không hề mưu cầu tìm kiếm những dự án đó. Nhưng niềm đam mê trong công việc của tôi lại được nhiều người biết đến. Vì vậy, các chủ doanh nghiệp chính là người đã tìm đến tôi khi nhận thấy sự say mê của tôi trong công việc hàng ngày hoàn toàn phù hợp với phong cách làm việc của họ. Bạn không thể chỉ ngồi một chỗ để chờ đợi hợp đồng làm ăn hay những cơ hội hay may mắn đến với mình, mà phải làm những việc mình thích một cách say mê, bởi chính điều đó sẽ mang lại cho bạn những điều tốt đẹp khác - có khi là những điều bạn chưa hề nghĩ tới.

Nếu mục tiêu duy nhất của tôi là tiền thì hẳn tôi đã bỏ qua rất nhiều công trình quan trọng trong đời mình. Ví dụ, nếu quyết định của tôi chỉ đơn thuần vì tiền, tôi đã không nhận dự án nâng cấp sân băng Wollman ở Công viên quốc gia New York. Sân băng này được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1950 và sau đó được thành phố đóng cửa để nâng cấp vào năm 1980. Thành phố đã chi 20 triệu đô-la cho các đợt nâng cấp trong nhiều năm liền, nhưng đến năm 1986 vẫn chưa hoàn thành được phần nào. Tôi yêu thành phố New York và muốn xây dựng cho người dân nơi đây một khu giải trí ở trung tâm Manhattan, và với kinh nghiệm từng xây dựng những tòa nhà chọc trời trong khoảng thời gian chưa tới hai năm, tôi biết mình có thể dễ dàng cải tạo sân băng này trong vài tháng. Thế là tôi đảm nhận dự án này để tiết kiệm tiền của và thời gian cho thành phố. Động lực thúc đẩy tôi làm việc này xuất phát từ mong muốn đem lại cho người dân thành phố tôi yêu một dịch vụ giải trí, hoàn toàn không phải vì tiền.

Tìm kiếm niềm đam mê

Thay vì nghĩ cách kiếm tiền, bạn nên nghĩ làm thế nào để mang lại những sản phẩm và dịch vụ có giá trị và hữu ích cho xã hội. Điều gì cần được cải thiện? Việc gì có thể làm theo cách tốt hơn hoặc hiệu quả hơn? Vấn đề nào bạn có thể giải quyết? Bạn có thể đáp ứng những yêu cầu gì? Và quan trọng nhất là bạn sẽ tìm được niềm vui nào trong công việc?

Đương nhiên khi làm tốt công việc, bạn sẽ được trả công xứng đáng. Nếu cuộc sống được ví như một trận đấu, thì tiền chính là số bàn thắng bạn ghi được. Tuy nhiên, điều thú vị thực sự không nằm ở tỉ số bàn thắng mà chính là sự hào hứng bạn có được khi ghi bàn theo những cách sáng tạo của riêng mình. Hãy tìm kiếm niềm đam mê khi làm những việc hữu ích cho mọi người và tiền sẽ tự khắc theo đến.

Nghe có vẻ đơn giản, nhưng thật sự tôi đã trở thành tỉ phú nhờ học tập triết lý đơn giản này. Nhiều người nghĩ rằng cha tôi đã cho tôi rất nhiều tiền để khởi nghiệp, nhưng thực tế, khi khởi nghiệp tôi gần như không có lấy một xu. Tuy không cho tôi nhiều tiền nhưng cha tôi đã cho tôi một nền giáo dục tốt cùng một công thức đơn giản để kiếm tiền: chăm chỉ làm những công việc mình yêu thích.

Đầu những năm 1970, khi tình hình kinh tế thành phố New York rơi vào khủng hoảng, vùng đất ven khu Grand Central Terminal trên Đường số 42 nhanh chóng bị mất giá. Nhiều tòa nhà đã bị tịch thu để thế nợ. Khách sạn cổ Commodore khi đó đang trong tình trạng xuống cấp nặng nề và làm ăn thua lỗ, đã trở thành nơi lui tới thường xuyên của những người vô gia cư. Nếu không ai làm gì sớm để cải thiện tình hình, nơi này sẽ trở thành một khu ổ chuột. Tôi biết mình có thể kiếm được tiền từ khu đất đó, song tôi nghĩ mình chỉ thực hiện chuyện này nếu cảm thấy có thể tạo nên sự khác biệt. Đó là biến một khách sạn xấu xí, ọp ẹp trở thành một nơi đẹp đẽ và thu hút được nhiều khách trọ. Chính nhờ suy nghĩ đó mà tôi đã cải tạo khách sạn Commodore thành một Grand Hyatt tráng lệ, mới mẻ, đồng thời tạo nên sự hồi sinh cho cả vùng. Và tới giờ vẫn vậy, tôi đầu tư tiền để biến những điều mình say mê thành hiện thực chứ không phải để kiếm lời.

Thế nên khi làm bất cứ việc gì, thay vì nghĩ tới tiền, bạn hãy đặt ra một sứ mệnh hoặc một mục đích cao cả để có thể mang lại niềm đam mê cho mình. Hãy đứng cao hơn lòng tham vô đáy của những người chỉ biết quan tâm đến tiền. Hãy mở rộng tầm nhìn để thấy được bức tranh toàn cảnh về công việc bạn sẽ làm. Hãy hướng đến những hoạt động có thể đáp ứng được nhu cầu của số đông trong xã hội.

Nếu thực sự muốn làm những điều lớn lao trong cuộc sống, bạn phải có niềm đam mê và lòng nhiệt huyết phi thường. Để thành công trong bất cứ công việc gì cũng cần phải có niềm đam mê. Ngay cả một anh gác cửa, một cậu bồi bàn hay một cô lễ tân cũng cần có sự nhiệt tình và thái độ niềm nở khi chào đón khách. Cho dù hiện tại bạn đang làm công việc gì thì cũng hãy làm bằng tất cả nhiệt huyết của mình, rồi điều kỳ diệu sẽ xảy ra. Bạn sẽ gặp và gây được sự chú ý tới đúng người mình cần. Chỉ cần bạn tìm ra động lực cao quý cho những việc mình làm và cống hiến cho động lực đó bằng tất cả trái tim và tâm hồn bạn.

Không có lửa đam mê, cuộc sống sẽ thiếu đi những khoảnh khắc huy hoàng. Đam mê tạo cho bạn sự can trường cần thiết để không bao giờ khuất phục trước khó khăn. Và tôi sẽ không thể có được niềm hân hoan từ Grand Hyatt nếu không thực sự kiên trì, siêng năng và cống hiến hết mình. Qua tất cả mọi thử thách, niềm đam mê biến những thứ xấu xí trở nên đẹp đẽ và hấp dẫn đã thôi thúc tôi bước tiếp và cho tôi cơ hội gặp gỡ nhiều người để chia sẻ cũng như học hỏi kinh nghiệm.

Nhưng làm thế nào để tìm thấy niềm đam mê của mình? Bạn hãy thử làm thế này: Trong một lúc, hãy gác tất cả những suy xét lý trí sang một bên và chỉ nghĩ về những điều bạn thực sự muốn làm. Nếu được làm một việc trong đời, bạn muốn làm gì nhất? Điều gì khiến bạn say mê tới mức quên cả khái niệm về thời gian? Công việc nào khiến bạn thích thú đến nỗi sẵn sàng làm không công? Bạn sẽ làm gì trong khoảng thời gian cảm thấy hài lòng nhất với bản thân? Loại công việc nào có thể khiến bạn mải miết với nó mà không màng đến những thứ khác đồng thời mang lại cho bạn những kinh nghiệm tuyệt vời? Nếu có thể trở thành một trong những thần tượng của mình, bạn muốn là ai?

Sau đó hãy trở về thực tại. Làm những việc bạn yêu thích có nghĩa là làm những việc trong khả năng của bạn, những việc bạn cảm thấy mình có thể làm tốt. Hãy nghĩ về những ưu điểm của bản thân và tìm ra việc bạn có thể làm tốt nhất. Hãy nghĩ đến những khả năng đặc biệt của chính mình và những việc đã làm mà bạn thấy tự hào nhất. Những kiểu hoạt động nào bạn có thể tham gia một cách tự nhiên và dễ dàng? Hãy nghĩ lớn khi nghĩ về công việc mình yêu thích! Hãy nghĩ đến những thành quả tốt đẹp đáng ngạc nhiên mà bạn sẽ đạt được cùng niềm vui và kết quả nhận được từ công việc bạn đang làm. Khi được làm công việc mình yêu thích thì đó không còn là công việc đơn thuần phải làm mà đã trở thành một hoạt động mang lại cho bạn nguồn năng lượng dồi dào. Hãy nhìn tấm gương Steve Jobs - người đồng sáng lập của Apple và Pixar - một người vô cùng đam mê công nghệ máy tính. Tuy không phải là nhà thiết kế máy tính giỏi nhất nhưng Steve Jobs là người có niềm đam mê tột bậc. Và chính niềm đam mê đó đã khiến Jobs trở thành một trong những nhà cải cách nhiều sáng kiến nhất của thế hệ chúng ta.

Hãy hành động - đừng mơ mộng

Đam mê quan trọng hơn cả trí thông minh và tài năng. Tôi đã thấy một số người thực sự tài năng nhưng thất bại vì thiếu đam mê. Tôi vẫn gọi họ là "những con người của ý tưởng", và có thể bạn cũng từng gặp những người như vậy. Họ luôn có những ý tưởng mới tuyệt vời và dự định sẽ thực hiện vào một ngày nào đó, nhưng dự định vẫn mãi là dự định, bởi họ chẳng làm gì cả.

Với những người này, ý tưởng chỉ xuất hiện và ở yên trong đầu họ, chứ không bao giờ chảy tràn đến tim. Nếu không có tâm huyết thì những ý tưởng đó rồi cũng sẽ sớm tiêu tan. Bản thân các ý tưởng vẫn còn là điều mơ hồ và chưa định hình. Muốn trở nên cụ thể, chắc chắn và thông suốt, các ý tưởng luôn cần tới niềm đam mê thực sự lớn lao của những người đang thai nghén chúng. Vì vậy, hãy nghĩ ra các ý tưởng sáng tạo và truyền vào đó niềm đam mê của bạn càng sớm càng tốt trước khi các ý tưởng trở thành hư vô. Đam mê là yếu tố kỳ diệu giúp bạn có được sự nỗ lực trọn vẹn để thành công. Thực tế, tôi đã thấy nhiều người tài không cao nhưng vẫn đạt được những thành công rực rỡ nhờ niềm đam mê trong mỗi việc họ làm. Phải có đam mê thì bạn mới cạnh tranh và phát triển được trong thế giới này.

Tôi đã hiểu được tầm quan trọng của sự đam mê nhờ cha mình. Cha tôi đã dạy tôi mọi thứ liên quan đến xây dựng, nhưng bạn có biết điều tôi thực sự học được từ ông là gì không? Đó là niềm đam mê trong công việc. Cha tôi yêu công việc và ông không ngại làm việc cả thứ Bảy và Chủ nhật. Có lần, cha tôi tiến hành xây dựng một khu chung cư trong khi bên kia đường cũng có một khu nhà tương tự đang được xây dựng. Tuy nhiên, điểm khác biệt là thời gian hoàn thành và chi phí xây dựng công trình của cha tôi ít hơn mà khu nhà lại đẹp hơn khu nhà đối diện rất nhiều. Tôi đã học được từ ông rằng làm việc với niềm đam mê thật sự sẽ khiến ta vô cùng hạnh phúc và không bao giờ cảm thấy mệt mỏi.

Nhờ có cha mà tôi đã tìm thấy niềm đam mê trong công việc của mình. Tôi say sưa làm việc đến nỗi mỗi đêm chỉ ngủ từ 3 đến 4 giờ đồng hồ và luôn mong trời mau sáng để được bắt tay vào công việc.

Một trong những niềm đam mê mãnh liệt nhất của tôi là thực hiện những vụ thương lượng quan trọng. Tôi thích tham gia và giành chiến thắng trong các cuộc thương lượng. Tôi muốn áp đảo đối thủ và giành những quyền lợi béo bở về mình. Tại sao ư? Vì chẳng có cảm giác nào tuyệt vời hơn thế, thậm chí với tôi, cảm giác đó còn hơn cả ham muốn tình dục dù rằng tôi cũng là người thích tình dục. Khi đạt được mục đích thương lượng của mình, khi cuộc đàm phán diễn ra theo chiều hướng mình mong muốn, bạn sẽ có cảm giác rất tuyệt. Có thể bạn đã nghe nhiều người nói rằng một cuộc đàm phán thành công là khi cả hai bên đều đạt được mục đích của mình. Điều đó thật phi lý. Đàm phán thành công có nghĩa bạn là người chiến thắng, chứ không phải đối phương. Trong các vụ thương lượng, tôi muốn đạt được một chiến thắng tuyệt đối. Đó chính là lý do tại sao tôi có thể thành công trong nhiều cuộc thương lượng quan trọng đến vậy.

Một niềm đam mê lớn lao khác của tôi chính là tạo nên những công trình xây dựng tuyệt đẹp, và đó cũng là đam mê dẫn dắt tôi đến thành công như ngày hôm nay. Phát triển xây dựng và bất động sản được coi là lĩnh vực có những yêu cầu rất khắt khe. Lĩnh vực này đòi hỏi phải chính xác tuyệt đối và không được phép lơ là bởi chỉ cần một sai sót nhỏ cũng có thể gây tổn hại cho rất nhiều người. Bất kỳ sơ suất nào cũng không được chấp nhận. Nhưng tôi yêu thích những thử thách mà một công việc đòi hỏi sự kỹ lưỡng và chính xác mang lại. Tôi nghĩ tôi đã làm tốt được công việc đó bởi tôi thực sự yêu thích nó. Và tôi đã áp dụng "chân lý" này trong mọi việc mình làm.

Tôi nhớ ở Tổ chức Trump có một nhân viên luôn thắc mắc không hiểu tại sao chúng tôi phải mất nhiều thời gian đến thế cho việc kiểm tra các công trình đã được hoàn thiện. Dù tên tuổi đã được khẳng định và các công trình do chúng tôi xây dựng đều được nhiều người biết đến và đánh giá cao, nhưng chúng tôi vẫn thực hiện việc kiểm tra hết sức kỹ lưỡng. Người nhân viên kia đã không hiểu được rằng chúng tôi làm việc đó để luôn đảm bảo rằng các công trình của mình phải đạt tiêu chuẩn tốt nhất và luôn duy trì được những tiêu chuẩn đó. Có thể với người khác đây là điều không cần thiết nhưng với chúng tôi, đó lại là điều vô cùng quan trọng.

Tôi thích mua những mảnh đất chưa được ai đầu tư và tự mình biến chúng trở thành cái gì đó thật nguy nga và tráng lệ. Vẻ đẹp và sự tao nhã, bất kể ở một người phụ nữ hay một tác phẩm nghệ thuật, đều là niềm đam mê của tôi. Cái đẹp không phải ở vẻ bề ngoài hay thứ gì đó chỉ để ngắm nhìn. Cái đẹp chính là một sản phẩm mang phong cách và được toát lên từ tận sâu bên trong. Với tôi, niềm đam mê cái đẹp luôn song hành với những thành công đã đạt được. Tôi muốn cả hai.

Khi đến văn phòng của mình trong tòa nhà Trump ở thành phố New York, tôi rất thích ngắm nhìn khu đại sảnh tráng lệ mà mình đã tạo nên. Tôi thích chứng kiến đám đông trầm trồ thán phục trước bức tượng cẩm thạch tuyệt vời cùng thác nước nhân tạo đẹp ngoạn mục cao gần 25 mét. Tôi thích chứng kiến sự hưởng ứng mang cảm xúc, sự trầm trồ kinh ngạc và thái độ trân trọng của mọi người trước vẻ đẹp lạ thường của tòa nhà. Cảm giác của tôi và của họ cộng hưởng với nhau. Dù chưa một lần gặp mặt nhưng tôi thấy gần gũi với họ hơn, bởi đó chính là cảm giác tôi đã từng có khi xây tòa nhà Trump này.

Thực sự, chính tôi cũng ngạc nhiên về những công trình sáng tạo của mình khi chứng kiến cảnh tượng khách du lịch náo nức kéo đến thăm tòa nhà Trump, The Trump Taj Mahal ở 40 Phố Wall, thành phố Atlantic hoặc bất cứ công trình xây dựng nào khác mà tôi đã thực hiện. Tôi biết mọi người hưởng ứng niềm đam mê của tôi dành cho cái đẹp và phong cách - điều được thể hiện rất rõ trong những công trình mà tôi đã tạo nên. Phong cách làm thay đổi con người và những người thành công nhất luôn là những người đậm phong cách. Việc tạo ra những tòa nhà đẹp lạ thường thực sự làm tôi cảm thấy phấn khích và trở thành động lực thúc đẩy tôi vượt qua những trở ngại lớn nhất.

Vince McMahon, chủ tịch của World Wrestling Entertainment(2), là người đáng giá cả tỉ đô-la. Ông không chỉ yêu thích mà còn làm rất tốt công việc của mình. Khi tới làm việc tại Portland, bang Oregon, tôi đã chứng kiến tận mắt McMahon làm việc và thực sự ngạc nhiên. Tôi gặp Vince tại trận đấu vật thường niên ở Portland. Trận đấu diễn ra trước 30.000 khán giả và khán đài không còn lấy một chỗ trống. Tôi tò mò hỏi: "Vince, có thật là toàn bộ vé đã được bán sạch không?". Ông trả lời rằng toàn bộ vé đã được bán hết từ năm ngoái. Tôi hỏi thêm: "Thế còn sự kiện WrestleMania(3) ở Detroit. Vé đã bán hết chưa?". Ông nói tất cả đã được bán hết chỉ sau 5 giờ đồng hồ mở cửa bán vé. Sau đó tôi biết đã có 82.000 khán giả đến sân vận động Ford Field ở Detroit để theo dõi sự kiện này. Tôi nói: "Anh thật tài giỏi". Vince quản lý hàng trăm nhân viên, kỹ thuật viên và tổ chức rất nhiều sự kiện. Vince thành công trong mọi lĩnh vực mà ông tham gia và tôi phải thừa nhận rằng đây thực sự là một con người tài năng. Vince yêu thích công việc của mình và luôn hiểu rõ những điều ông làm. Đó chính là lý do tại sao Vince có thể làm tốt công việc của mình và thành công đến vậy.

Nếu có theo dõi, bạn sẽ biết rằng cuối những năm 1990, gia đình Turner đã cố tiếp quản WWE và đây thực sự là một tai họa. Họ không thể đánh bại được McMahon vì ông hiểu WWE quá rõ. Vì vậy khi nói về thành công, tôi luôn nhấn mạnh rằng bạn phải yêu thích những gì mình làm, và những điều còn lại sẽ tự khắc diễn ra. Vince McMahon cũng như rất nhiều người thành đạt khác mà tôi biết đều đam mê công việc họ đang làm. Nếu yêu thích công việc của mình, bạn sẽ làm việc chăm chỉ hơn và mọi thứ sẽ diễn ra dễ dàng hơn. Thế nên để thành công, dù trong bất cứ công việc nào, niềm đam mê là điều không thể thiếu.

Tôi có một người bạn được sinh ra trong một gia đình khá nghiêm khắc. Cha anh ta là một người hà khắc, tàn nhẫn và hơi khó ưa. Nhưng thật ra, cha anh là một huyền thoại của Phố Wall mà hầu như ai cũng biết tiếng. Ông ta kiếm được rất nhiều tiền. Con trai ông, Stan, là một người tốt tính. Dù là chỗ thân quen với cả hai cha con nhưng tôi vẫn có thiện cảm với người con trai hơn ông cha.

Trước kia, khi còn làm việc cùng cha ở Phố Wall, Stan thường xuyên trong tình trạng chán chường. Có lần vợ anh ta gọi điện cho tôi và than thở: "Anh Donald này, chồng tôi đang rất buồn chán và chẳng màng gì đến công việc. Đời sống vợ chồng tôi cũng không mấy tốt đẹp, chẳng có chuyện gì là suôn sẻ". Tôi thắc mắc hỏi lại: "Tại sao chị lại nói với tôi điều đó? Tôi không thể giúp được gì trong chuyện này". Stan đang gặp thất bại trong công việc ở Phố Wall. Thực tình anh chán ghét công việc đó nhưng không dám thay đổi bởi sợ làm cha thất vọng.

Stan là thành viên của một câu lạc bộ golf rất có uy tín ở Westchester. Một lần anh ta được bổ nhiệm phụ trách dự án nâng cấp sân golf để khoác cho nó một cái áo mới sang trọng hơn. Stan được chọn không phải do có khả năng làm tốt công việc đó mà đơn giản vì mọi người đều quý mến anh.

Khi dự án đi vào hoạt động, Stan đã khiến mọi người vô cùng kinh ngạc. Hàng ngày, anh có mặt ở sân golf từ 5 giờ sáng, háo hức và tỉ mẩn làm việc đến quên cả thời gian. Công trình đã hoàn thành trong vòng 6 tháng so với thời gian dự kiến 1 năm, và thậm chí nó còn đẹp hơn gấp 10 lần so với những gì mọi người mong đợi và lại còn tốn ít chi phí hơn. Tôi nói với anh ta: "Stan, thật không thể tin được đó là anh". Sau đó vợ của Stan đã gọi cho tôi và nói: "Stan thật tuyệt vời. Anh ấy đã thay đổi rất nhiều." Tất cả mọi người, kể cả vợ và con anh ta, đều rất vui mừng. Stan đã làm được một điều phi thường, anh đã thành công trong cương vị là một chủ thầu. Sau khi dự án thành công, để tỏ lòng trân trọng đối với Stan, mọi người đã dành tặng anh một phần thưởng xứng đáng và mời anh một bữa tối sang trọng. Stan đã trở thành một đại anh hùng.

Thế nhưng khi trở lại làm việc ở Phố Wall, anh lại bắt đầu chán chường. Khi Stan kể tôi nghe về những thất bại của mình trong công việc, tôi nói: "Stan này, anh đang đi sai đường". Anh ta khổ sở đáp lại: "Tôi không thể làm khác được. Vì cha tôi, tôi phải làm công việc đó". Tôi thẳng thắn nói: "Quả thật anh đang đi sai đường. Anh thích hợp với ngành xây dựng, với các dự án đổi mới hoặc xây dựng các sân golf hơn. Anh phải làm những việc đó. Anh sẽ làm rất tốt và sẽ thành công". Anh ta thở dài: "Tôi không thể".

Càng lúc Stan càng trở nên vô cùng chán chường và khổ sở. Thế nhưng cách đây 3 năm, Stan cũng đã cân nhắc và quyết định từ bỏ công việc ở Phố Wall để chuyển sang lĩnh vực xây dựng. Giờ đây, Stan đang làm rất tốt công việc của mình. Tất cả là do anh yêu thích công việc mình đang làm. Tuy số tiền kiếm được không nhiều bằng như khi còn làm ở Phố Wall nhưng Stan cảm thấy hạnh phúc bởi anh yêu thích công việc hiện tại của mình. Giờ đây Stan tự nhận thấy mình là một người thành công. Gặp Stan, tôi luôn thấy anh tươi cười rạng rỡ và tràn đầy sinh lực. Stan đã vui sống trở lại và trở thành một con người khác bởi anh đã can đảm chống lại sự áp đặt truyền thống để được tự làm chủ cuộc sống và thay đổi cuộc đời mình.

Khi cuộc sống không diễn ra như mong đợi, hãy mạnh dạn tự hỏi xem liệu công việc bạn đang làm có phải là công việc bạn muốn làm và được dành cho bạn hay không? Hãy quan tâm đến những cảm giác, tham vọng và mục tiêu của chính mình chứ không phải của ai khác. Điều đó có nghĩa là bạn phải giữ vững lập trường trước các ý kiến của gia đình, bạn bè và đồng nghiệp bởi họ không phải là những người biết được điều gì tốt nhất đối với bạn. Hãy tự quyết định con đường của mình. Hãy làm điều bạn thực sự đam mê và cố gắng bằng tất cả khả năng của mình, bạn sẽ thấy mọi thứ suôn sẻ và tốt hơn rất nhiều.

Chịu được áp lực

Khả năng chịu được áp lực cũng là một bí quyết không thể thiếu để thành công. Trong cuộc sống, nếu muốn thành công trong bất cứ việc gì, bạn đều phải vượt qua được áp lực. Cho dù mua hay xây một ngôi nhà, bắt đầu khởi nghiệp hay đang bước trên những nấc thang danh vọng của sự nghiệp thì bạn đều cần có khả năng chịu được áp lực lớn. Những người chơi chứng khoán thành công ở Phố Wall hay các bác sĩ, luật sư, vận động viên, chính trị gia, nhà kinh doanh giải trí đều phải sống một cuộc sống đầy áp lực. Vậy họ đã làm thế nào? Làm sao họ sống được một cuộc sống hạnh phúc và thành công trong khi có quá nhiều áp lực như vậy?

Riêng tôi, tôi thấy rằng chỉ khi dấn thân vào làm những việc mình thật sự yêu thích thì tôi mới có thể loại bỏ được stress. Tôi cũng hiểu ra rằng việc tập trung tìm ra giải pháp quan trọng hơn nhiều so với việc chỉ chú tâm vào những rắc rối. Nếu dành quá nhiều thời gian và công sức vào việc mổ xẻ vấn đề thì bạn còn đâu tâm trí để tìm giải pháp? Tôi biết nhiều người làm công tác quy hoạch phát triển khi gặp phải một số rắc rối không lường trước được như sự hạn chế về vùng miền, vi phạm luật lệ, có quá nhiều nước ngầm hay sự mất dần tài nguyên thì thường tổ chức các buổi tọa đàm quy mô lớn với thành viên là tất cả các bên có liên quan. Họ mất quá nhiều thời gian để tìm ra đâu là nguyên nhân và ai là người phải chịu trách nhiệm. Sau đó, họ bắt đầu tưởng tượng về những điều tồi tệ nhất có thể xảy ra như công việc bị chậm trễ, thâm hụt ngân quỹ, các ngân hàng ngừng cấp vốn hoặc thành phố thu lại giấy phép. Thời gian và công sức đó, lẽ ra họ nên dành cho việc tìm giải pháp thì tốt hơn.

Khi bắt đầu kinh doanh bất động sản, tôi cũng vấp phải nhiều khó khăn. Tôi không đủ tiền để đầu tư vào những khu đất mình muốn. Tuy nhiên, tôi không để điều đó khiến mình bị phân tâm và gây cản trở công việc; mà ngược lại, tôi tập trung nghĩ cách làm sao để mua những khu đất đó mà không cần đến tiền!

Mỗi khi gặp khó khăn, tôi khuyên bạn hãy chấp nhận thực tế để từ đó có những hướng giải quyết tích cực hơn. Thay vì nghĩ "mình đang rất căng thẳng", chúng ta nên tự an ủi bản thân rằng "Chỉ là mình đang mất tập trung một chút thôi"; như vậy, tôi nghĩ chúng ta sẽ thông suốt mọi chuyện một cách nhanh chóng.

Trên thực tế, không phải ai cũng được sinh-ra-để-thành-công. Tôi muốn nói với các bạn về cả những điều tích cực cũng như tiêu cực trong công việc. Có một thực tế là không phải người thành đạt nào cũng có khả năng chống chọi với áp lực cao. Tôi không biết lý do tại sao, nhưng rất nhiều người không thể làm được điều đó.

Tôi đã gặp rất nhiều người thực sự là những thiên tài: họ có chỉ số IQ rất cao và liên tục đạt điểm A trong quá trình học tập. Họ đều theo học tại những trường danh giá nhất như Harvard, Wharton, nhưng lại không thể vượt qua những áp lực trong công việc và cuộc sống.

Một trong những điều khiến tôi hứng thú khi xem thể thao đó là chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn, bạn có thể thấy ngay vận động viên nào sẽ đầu hàng hay giải tỏa được áp lực. Đa số họ đều đầu hàng, chỉ có một số vận động viên đỉnh cao có thể khống chế được áp lực. Hãy nhìn Tiger Woods, Derek Jeter hay Tom Brady mà xem. Họ thực sự là những người có khả đối mặt và vượt qua được áp lực cao. Trong thể thao bạn có thể nhanh chóng kiểm nghiệm được khả năng chịu áp lực của mình, nhưng trong việc kinh doanh, điều này đòi hỏi bạn phải mất từ 10 đến 15 năm. Theo tôi, biết được khả năng chịu đựng áp lực của mình là điều hết sức cần thiết.

Đối với nhiều người, thành công là khi có được công việc yêu thích, có gia đình, con cái và một cuộc sống đầy đủ. Nhưng riêng với bản thân tôi thì thành công không đơn thuần là vậy.

Tôi có rất nhiều bạn học ở trường Wharton(4) và họ đều là những người cực kỳ thông minh. Nhân tiện cũng xin tiết lộ tôi từng là một sinh viên giỏi. Tin hay không tùy bạn, nhưng thực sự tôi học rất giỏi môn toán và các môn khoa học tự nhiên. Nhiều người không tin tôi là một sinh viên giỏi bởi họ không thấy tố chất đó ở tôi. Họ cho rằng tôi thông minh, nhưng không nghĩ rằng tôi chịu học. Nhưng thật sự thì tôi đã như vậy đấy.

Tôi vẫn còn giữ liên lạc với một số bạn học cũ. Trong số này có một người thực sự là một thiên tài nhưng anh ta chưa bao giờ thể hiện đúng như điều đó. Anh ta có một công việc rất tốt tại một công ty kiểm toán, nhưng gần đây khi tìm mua nhà, anh ta lại trở nên vô cùng lúng túng. Anh ta gọi điện hỏi tôi: "Anh có nghĩ rằng tôi đang mắc sai lầm không? Tôi không biết sẽ phải làm gì. Tôi đang rất lo. Tôi sẽ mua nhà nhưng tôi nên làm gì bây giờ? Tôi có nên đi vay tiền không?" Anh ta vẫn còn sửng sốt trước thực tế rằng mình phải mua một căn nhà. Sau khi mua nhà xong, người đàn ông thông minh tuyệt vời ấy gọi điện báo với tôi rằng: "Donald, tôi đã mua được nhà. Anh nghĩ tôi có làm đúng không? Tôi đã phải thế chấp để mua. Ôi, lạy Chúa, mọi việc sẽ ổn cả chứ?". Đây là người đàn ông có chỉ số IQ 180, nhưng anh ta không tài nào ngủ được, thậm chí còn không thể ân ái với vợ mình vì quá lo lắng. Tôi nói với anh ta: "Nếu không thể yên giấc bên vợ thì anh mua nhà để làm gì? Mua một ngôi nhà khiến anh khốn khổ đến vậy sao?".

Anh ta là người chuyên tư vấn cho người khác cách kiếm tiền. Anh ta là một kế toán viên giỏi và là một thiên tài thực sự. Nhưng như bạn thấy đấy, khi phải quyết định tiêu tiền của chính mình, anh ta lại trở nên vô cùng lúng túng. Sau khi anh ta gọi điện cho tôi khoảng 10 lần, tôi nói: "Jim này, anh thật quá may mắn khi có một công việc tốt như vậy bởi vì có thể anh sẽ chẳng bao giờ tự làm được điều gì cho bản thân". Anh ta cảm thấy bị xúc phạm nhưng đó là sự thật và anh ta đáng bị như vậy. Tôi nói thêm: "Anh không thể tự làm được điều gì cho bản thân bởi vì anh không có đủ khả năng chịu đựng áp lực".

Dù gặt hái được nhiều thành công nhưng chính tôi cũng đã phải trải qua những thời kỳ thực sự khó khăn với rất nhiều áp lực, chẳng hạn như khi thị trường bất động sản sụp đổ vào đầu những năm 1990. Thời gian đó tôi mắc nợ hàng tỷ đô-la và lúc nào các ngân hàng cũng theo sát tôi. Điều đó thực sự chẳng thú vị chút nào. Tất cả những người kinh doanh cùng ngành với tôi cũng đều gặp rắc rối lớn. Một số người bạn và cả đối thủ mà tôi cho rằng họ là những người rất cứng rắn và bản lĩnh cũng đã không thể chống cự được trong thời kỳ khó khăn đó. Công việc kinh doanh của hầu hết bọn họ đều bị đổ bể và tất cả bạn bè tôi đều bị phá sản. Bản thân tôi cũng mấp mé bên bờ vực phá sản, nhưng tôi đã không để điều đó xảy ra. Đó là khoảng thời gian chẳng dễ dàng chút nào và tôi không muốn trải qua thêm một lần nào nữa, nhưng xét về mặt nào đó, đó không hẳn là điều quá tệ. Tôi vẫn ngủ ngon và vẫn cố gắng duy trì những gì có thể trong khả năng của mình. Tuy không hề được đào tạo về khả năng chịu đựng áp lực song những kinh nghiệm từ thời kỳ khủng hoảng đó đã cho thấy rằng tôi là người có khả năng chịu được áp lực cao. Trong khi đó, hầu hết những người khác đều nép vào một góc, sợ hãi đưa tay lên miệng và lẩm bẩm: "Mẹ ơi, mẹ ơi, cho con về nhà!".

Tôi biết mình có thể đối diện và không chùn bước trước áp lực. Tôi đẩy ngược áp lực đó về phía các ngân hàng và còn buộc họ phải nghe vài lời trách mắng của tôi. Tôi nhận ra đó là vấn đề của họ chứ không phải của tôi. Sao tôi phải quan tâm đến những điều chết tiệt đó chứ? Tôi đã nói với một ngân hàng rằng: "Tôi đã bảo các ông đừng cho tôi vay tiền. Tôi cũng đã nói cái hợp đồng mắc dịch đó không hề tốt đẹp gì. Mà các ông cũng thừa biết là đang tính lãi cho tôi quá cao". Đó là những điều tôi cần phải nói. Tuy chẳng hay ho gì, nhưng ít ra cũng tốt hơn việc phải quỵ lụy họ như những người khác. Các ngân hàng rất sợ bị dính vào kiện cáo. Và đó là lý do tại sao tôi nói rằng khó khăn nào rồi cũng có cách giải quyết.

Thật sự thì tình hình kinh doanh của tôi chưa bao giờ be bét tới mức phải phá sản nhưng cũng đủ để đẩy tôi vào những tình cảnh hết sức khốn đốn. May sao tôi lại có mối quan hệ rất tốt với các ngân hàng. Những năm 1980, tôi luôn đối xử rất tốt với các ngân hàng nên khi cuộc khủng hoảng những năm 1990 xảy ra, họ đã không quay lưng lại với tôi trong lúc khó khăn.

Có một ngạn ngữ cổ thế này: "Đừng coi thường người khác khi bạn thành công, bởi khi thất bại bạn sẽ gặp lại họ". Câu nói này rất đúng. Tôi biết một câu chuyện thế này về một doanh nhân trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Anh ta là một người khá nổi tiếng và cũng rất ngạo mạn. Anh ta cũng làm xây dựng như tôi nhưng luôn ra vẻ kẻ cả và đối đãi không hề tử tế với các chủ ngân hàng. Thỉnh thoảng tại các bữa tiệc tối, trong lúc nói chuyện với vợ của các chủ ngân hàng anh ta thường phát biểu một cách ngạo mạn: "Không thể tin nổi chồng bà là một chủ ngân hàng. Ông ta không thể nào kiếm được số tiền như tôi đã làm ra".

Tôi thì chẳng dại gì phát biểu những câu linh tinh như thế. Đối với các chủ ngân hàng, tôi luôn đề cao họ, kiểu như "Ông là người giỏi nhất". Ngay cả khi công việc kinh doanh của tôi phát đạt còn họ đang gặp khó khăn thì tôi vẫn nói với họ: "Ông là người giỏi nhất". Tại sao phải làm tổn thương những người đó? Về phần người đàn ông kia, anh ta vẫn tiếp tục tỏ ra ngạo mạn như vậy trong vòng 6 hoặc 7 năm. Anh ta đã vay ngân hàng rất nhiều tiền và cũng xây dựng rất nhiều tòa nhà. Khi thị trường bất động sản lao đao, các ngân hàng đã trừng trị anh ta một cách không thương tiếc, mạnh tay hơn rất nhiều so với những gì họ làm đối với tôi. Họ làm vậy bởi vì anh ta quá ngạo mạn và hay tỏ ra coi thường người khác. Một trong số các chủ ngân hàng nói với tôi rằng gã xấu xa, keo kiệt, cứng nhắc và kiêu ngạo này đã phải quỳ gối van khóc như một đứa trẻ, cầu xin họ đừng phát mại tài sản thế chấp của mình. Anh ta đã quỳ gối, đã khóc lóc van xin, nhưng cuối cùng họ vẫn quyết định thẳng tay với anh ta. Và kể từ đó tôi cũng không còn nghe tin tức gì về anh ta cả.

Làm những gì khiến bạn thoải mái

Đầu những năm 1990, tôi mắc nợ chồng chất. Từ một người giàu có bậc nhất thành phố, tôi gần như chỉ còn lại con số không tròn trĩnh. Một đêm, tôi tới phòng họp nơi các nhân viên kế toán vẫn đang làm việc trong bầu không khí cực kỳ căng thẳng. Mọi người đang phải tập trung làm những việc chẳng dễ chịu chút nào. Chứng kiến không khí làm việc đó, tôi quyết định chúng tôi cần phải chuyển sự tập trung vào việc nào mình cảm thấy hứng thú. Tôi bắt đầu miêu tả cho mọi người kế hoạch về những dự án và các bước phát triển trong tương lai, đồng thời cho họ thấy sau khi hoàn thành, mọi việc sẽ tuyệt vời đến mức nào. Tôi đi vào từng chi tiết của các kế hoạch đó rồi vẽ ra bức tranh thành công rực rỡ trong tương lai. Sau đó, tất cả các nhân viên kế toán của tôi đều thừa nhận rằng họ nghĩ tôi đã rất hoảng sợ và nao núng trước tình cảnh hiện tại. Nhưng không, tôi đã làm điều ngược lại. Và kể từ thời điểm đó, chúng tôi đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn của mình; chúng tôi không còn để tâm quá nhiều vào những rắc rối lớn trong hiện tại mà thay vào đó là tập trung hướng vào các dự án vĩ đại trong tương lai để làm việc hiệu quả hơn.

Việc chuyển sang làm những công việc yêu thích đã tạo một bước ngoặt lớn đối với tất cả chúng tôi. Thời gian sau đó, tôi vẫn tiếp tục tiến hành các cuộc đàm phán mới dù rằng khi đó vị thế của tôi trên thương trường đã có chút lung lay. Đơn giản vì việc đó làm tôi cảm thấy thoải mái và hứng thú. Thực sự khoảng thời gian đó tôi đã nợ rất nhiều tiền nhưng do luôn suy nghĩ theo chiều hướng rất tích cực nên tới giờ, công ty của tôi vẫn liên tục phát triển và thành công hơn bao giờ hết.

Bí quyết giúp tôi có thể chống chọi được với áp lực chính là tôi nhận ra rằng cuộc sống vốn dĩ rất mong manh. Tôi đã mất đi ba giám đốc điều hành giỏi nhất trong một vụ tai nạn máy bay trực thăng ở thành phố Atlantic. Khi những điều tương tự như vậy xảy ra, bạn sẽ thấy cuộc sống này quả thật hết sức mong manh. Tôi có một điền trang tuyệt đẹp ở Florida, chính là câu lạc bộ Mar-a-Lago. Khi có điều kiện, tôi thường mời các cựu chiến binh bị thương trong cuộc chiến Irắc tới đó nghỉ dưỡng. Các nhân viên của tôi nói rằng đối với họ, những người cao quý nhất chính là các cựu chiến binh bị cụt mất chân tay trở về từ cuộc chiến Irắc và tôi rất vui mừng được chào đón họ đến với Mar-a-Lago.

Tôi là một thương nhân, và tôi thấy rằng tất cả những thương nhân khôn ngoan thường không đặt vấn đề kinh doanh lên hàng đầu. Kinh doanh chỉ như một trò chơi và tất cả chúng tôi làm việc để mong có những phút giây thư giãn nhất. Nhiều người hỏi tôi: "Ông làm thế nào để đối diện với áp lực? Bằng cách nào ông có được những hợp đồng trị giá hàng tỉ đô-la và rót vốn cho chúng bằng những khoản vay ngân hàng khổng lồ? Tại sao ông vẫn có thể ngủ ngon giấc? Tại sao ông có thể bình tĩnh xuất hiện trên truyền hình trước hàng triệu khán giả như thế?".

Sự thật là bấy nhiêu đó không đáng sợ bằng những gì diễn ra ở Irắc hay những đợt sóng thần đã cuốn đi sinh mạng của hàng nghìn người. Hãy nghĩ về thảm kịch ngày 11 tháng 9 với hơn 3.000 người thiệt mạng ở Trung tâm Thương mại Thế giới hay việc mất đi sinh mạng của hơn 300.000 người trong đại họa sóng thần ở châu Á năm 2004, bạn sẽ thấy những điều đó còn khủng khiếp hơn cả trăm lần. Vì vậy, có gì đáng lo khi bạn chỉ phải thuyết trình trước ngài chủ tịch của Citibank lúc 9 giờ sáng? Chỉ cần thông minh và suy nghĩ hài hước một chút, bạn sẽ thấy những vấn đề tưởng chừng rất khủng khiếp kia thực ra không là gì.

Sự thật là tôi không để tâm vào bất cứ điều gì khác ngoài việc làm thế nào để thực hiện tốt công việc. Khi về già, tôi sẽ có rất nhiều thời gian để nghĩ về những điều khác; còn bây giờ, điều tôi quan tâm nhất là làm sao để hoàn thành công việc một cách mỹ mãn nhất.

Rút kinh nghiệm từ những sai lầm

Cuộc sống luôn thăng trầm. Và bạn phải học cách sống cùng điều đó. Tất cả các nhà thương thuyết giỏi, dù đạt được rất nhiều thành công song cũng từng phải nếm trải những thất bại cay đắng. Cuộc sống là vậy, dù đã làm mọi cách để tránh nhưng đôi khi bạn vẫn phải đối mặt với thất bại. Thế nên, thay vì chán nản và tuyệt vọng, tôi đã tự đứng dậy và sống theo một công thức nhỏ mà tôi gọi là "Phương pháp học hỏi". Áp dụng công thức này, tôi không chỉ rút kinh nghiệm và học hỏi từ những thành công mà còn học hỏi được rất nhiều điều từ những khó khăn hay sai lầm đã mắc phải.

Cách học tốt nhất là tìm hiểu về thành công và thất bại của những người đi trước trong cùng lĩnh vực.

Đây là phương pháp học hỏi tốt nhất, vì rút kinh nghiệm từ sai lầm của người khác bao giờ cũng dễ dàng và nhanh hơn là rút kinh nghiệm từ chính bản thân mình. Ví dụ, bạn không nhất thiết phải trải qua thời kỳ sụp đổ của thị trường bất động sản đầu những năm 1990 giống như tôi thì mới có thể biết được cần phải làm gì trong hoàn cảnh đó. Cuộc sống là vậy. Bạn có thể rút kinh nghiệm từ thất bại của chính bản thân, nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu bạn có thể học hỏi kinh nghiệm từ thất bại của người khác.

Không bao giờ bỏ cuộc

Nếu muốn thành công, bạn không bao giờ được bỏ cuộc. Thực tế, nếu đam mê công việc của mình, bạn sẽ không bao giờ có ý định từ bỏ nó vì bất cứ lý do gì. Sẽ có lúc bạn có cảm giác muốn buông xuôi và nghĩ rằng mình không thể bắt đầu lại. Nhưng đây chính là thời điểm quan trọng nhất, vì lúc này bạn mới bắt đầu hiểu những vấn đề thực sự quan trọng của công việc mình đang làm.

Để đạt được mục tiêu của mình, bạn cần phải có sự kiên nhẫn và niềm say mê. Hãy nghĩ lớn, nhưng cũng phải thực tế. Trong cuộc đời tôi, có những mục tiêu mà tôi đã phải kiên nhẫn chờ đợi suốt 30 năm mới có thể đạt được. Hãy xem ông trùm truyền thông Rupert Murdoch đã phải đợi bao nhiêu năm mới mua được "The Wall Street Journal"(5). Rupert Murdoch luôn khao khát và tin rằng mình sẽ có được The Wall Street Journal. Rupert là một thiên tài thực sự. Cuộc sống luôn có trở ngại và sẽ tốt hơn nếu bạn chuẩn bị sẵn tinh thần để đối mặt với chúng. Đừng xem đó là những trở ngại mà hãy coi là những thách thức, rồi bạn sẽ thấy mình hoàn toàn có khả năng vượt qua. Quan trọng nhất là bạn phải kiên trì - đừng bao giờ bỏ cuộc. Hãy tiếp tục bước đi trên con đường bạn đã chọn, xác định rõ mục tiêu và không được nản lòng hay lùi bước.

Tôi có thể kể cho bạn nghe một vài câu chuyện về những người bạn của tôi, những người vô cùng tài năng và thông minh - có thể nói là những người thông minh nhất mà bạn có thể tưởng tượng ra - nhưng họ lại không thành công chỉ vì đã chấp nhận bỏ cuộc. Nhưng mặt khác, tôi cũng có những người bạn mà nếu xét về trí thông minh thì họ không hề nổi trội. Nếu phải làm một bài trắc nghiệm về IQ, chắc chắn kết quả của họ sẽ rất kém. Tuy nhiên, hiện tại họ lại nằm trong số những người giàu nhất thế giới, đó là vì con người họ có một tố chất đặc biệt: theo đuổi đến cùng.

Một phần nguyên nhân khiến nhiều người hay bỏ cuộc là do họ muốn né tránh những tình cảnh khó khăn như mắc nợ, để tuột mất các hợp đồng béo bở hoặc một khách hàng lâu năm, thậm chí là sợ mất đi sản nghiệp hay người vợ yêu của mình. Nhưng như tôi đã nói ở trên, bạn không được để những nỗi sợ hãi vô lý đó cản đường. Đừng nghĩ đến những tổn thương mà hãy chỉ tập trung tiến lên phía trước như những vận động viên thực thụ vẫn làm.

Tôi không thể tin vào tai mình khi nghe Michelle Sorro, một ứng viên cho chương trình The Apprentice ở Los Angeles, nói với tôi rằng cô ta thà đầu hàng và bỏ cuộc còn hơn phải ngồi đối diện với tôi trong phòng họp của ban giám đốc. Tôi thực sự không tin nổi điều đó vì tôi đã quen làm việc với những người mạnh mẽ nhất trong giới kinh doanh, và những con người đó không bao giờ nghĩ tới chuyện bỏ cuộc.

Michelle từng trải qua thời kỳ rất khó khăn khi giữ vai trò quản lý dự án. Những thành viên trong nhóm không ưa Michelle và luôn gây khó dễ cho cô. Michelle đã hoàn toàn thất bại trong việc dẫn dắt nhóm của mình. Tuy nhiên, thay vì kiên trì vượt qua khó khăn, cô ta lại nhanh chóng từ bỏ. Tôi đã rất ngạc nhiên khi thấy ai đó dễ dàng ném đi cơ hội để có thể tiến lên một vị trí cao hơn. Có đến hơn 50.000 người xếp hàng để xin tham dự chương trình The Apprentice. Michelle may mắn được chọn nhưng cô ta lại để tuột mất tất cả.

Trong cuộc sống, những cơ hội may mắn như thế không nhiều. Tôi luôn giảng đi giảng lại cho các học viên của mình một điều rằng: Nếu muốn thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống, tuyệt đối không bao giờ được bỏ cuộc. Chấp nhận bỏ cuộc đồng nghĩa với việc bạn sẽ không bao giờ gặt hái được bất cứ thành công nào.

Trở lại với câu chuyện của Michelle, để biện minh cho sự thiếu kiên nhẫn của mình, cô ta đã đưa ra một loạt các lý do vô lý rằng những việc cô ấy đang làm ở The Apprentice không phải là những gì mà hai bên đã thỏa thuận hay những gì cô ta đã mong đợi. Michelle chưa bao tưởng tượng rằng sẽ có lúc cô phải ngủ trong một căn lều dưới trời mưa tầm tã. Tôi nói với Michelle: "Đó là cuộc sống. Những người khác còn phải đối mặt với những hoàn cảnh tồi tệ hơn rất nhiều. Cuộc sống đâu phải lúc nào cũng đẹp như ta mong đợi".

Mỗi ngày là một cuộc phiêu lưu mới và không hề có bất cứ một sự đảm bảo nào. Bạn không thể biết điều gì sẽ xảy đến với mình, cho dù đó là điều tồi tệ thế nào đi nữa. Vậy nên bạn cần phải mạnh mẽ để đối mặt với những khó khăn và không bao giờ được đầu hàng khi chưa tranh đấu tới cùng. Cơ hội không dành cho những người kém cỏi chỉ biết chấp nhận bỏ cuộc.

Việc Michelle chấp nhận bỏ cuộc khiến tôi băn khoăn rằng liệu có phải giới trẻ ngày nay đang thiếu nghị lực vươn lên không. Một tài liệu nghiên cứu mới đây cho thấy sinh viên đại học ngày nay luôn cho mình là trung tâm và tự tôn về bản thân hơn bao giờ hết. Những nhà tâm lý học thực hiện nghiên cứu nói trên cho rằng những biểu hiện đó của học sinh, sinh viên là kết quả trực tiếp từ cách nuôi dạy cùng sự giáo dục của gia đình và nhà trường. Ngay từ khi mới lọt lòng, rất nhiều trong số thanh niên này đã lớn lên trong sự tán dương của các bậc cha mẹ rằng con cái họ thật xinh đẹp và giỏi giang. Đây chính là nguyên nhân bùng nổ phong trào tự tôn những năm 1980, 1990 và trở thành mốt thời thượng mà tất cả các ông bố bà mẹ thời đó vẫn làm.

Những lời khen thưởng rỗng tuếch sẽ không tốt cho con trẻ. Thật ra, việc để cho con cái biết chúng đặc biệt như thế nào cũng là một điều tốt và nên làm, nhưng đừng quá lạm dụng. Liên tục khen con cái là điều không nên, nhất là khi chúng chỉ làm được những việc cỏn con. Đừng quá dễ dãi với chúng. Hãy dành cho con bạn sự động viên, tán thưởng khi chúng thực sự nỗ lực. Có như vậy chúng mới quý trọng lời khen của cha mẹ.

Tôi luôn nói với các con tôi rằng bất cứ điều gì cũng cần phải làm việc chăm chỉ mới có thể có được và rằng tất cả những vật chất xa hoa chúng đang hưởng thụ đều là từ mồ hôi nước mắt của cha chúng mà ra. Tôi cũng dạy các con hiểu rằng nếu muốn chia sẻ thành quả, chúng phải biết cùng nhau gánh vác công việc chung. Hiện giờ Donald Jr., Ivanka và Eric đang cùng làm việc với tôi tại Tổ chức Trump. Các con tôi đang làm ở bộ phận kinh doanh và tôi đang dạy chúng tất cả những gì tôi biết về bất động sản. Tất cả các con tôi đều là những sinh viên xuất sắc và làm việc rất tốt. Tôi thực sự rất hạnh phúc khi có thể bắt đầu làm việc với những đứa con tuyệt vời của mình; tôi biết chúng là những đứa có tài năng thiên bẩm.

Nếu quá tán dương con cái của mình thì vô hình trung, bạn đã thổi phồng giá trị thực của chúng. Điều đó khiến con bạn luôn tin chắc rằng chúng sẽ đạt được những điều mình muốn mà không cần phải nỗ lực gì. Điều đó hoàn toàn không đúng. Bởi khi đã trưởng thành, con cái bạn sẽ nhận ra rằng thế giới bên ngoài khó khăn hơn gấp vạn lần so với những gì bạn đã kể cho chúng nghe. Và nếu không đạt được những gì mình mong muốn, chúng sẽ dễ dàng bỏ cuộc. Mà bỏ cuộc là một thói quen rất khó thay đổi, và thói quen đó chắc chắn sẽ chỉ đưa chúng đến thất bại.

Ivanka, con gái tôi được mời tham gia chương trình thực tế Born Rich của MTV. Chương trình này có sự tham dự của Georgina Bloomberg, Luke Weil, Cody Franchetti, Si Newhouse IV, Josiah Horn-blower, Ivanka và một số tên tuổi nổi tiếng khác. Một vài đứa trẻ trong số này thể hiện đúng là những đứa con nhà giàu hư hỏng. Một số khác thì cho rằng của cải chúng có được từ cha mẹ là lẽ tất nhiên và còn có những lời nói bất kính về cha mẹ mình. Tôi không thể tin được điều đó. Cũng may, Ivanka nhà tôi không như vậy. Con bé rất điềm đạm, thông minh và lễ phép khi nói về cuộc sống và gia đình mình. Con bé cũng tỏ ra rất trân trọng những may mắn mà mình được hưởng. Tôi thực sự rất tự hào về đứa con gái bé bỏng Ivanka của mình.

Phải chấp nhận sự thật rằng trong cuộc sống có rất nhiều thứ chúng ta không thể làm được. Thật hoang đường khi có ai đó nói với con cái mình rằng chúng có thể làm được mọi thứ chúng muốn; bởi có nhiều điều thực sự là không thể. Tuy nhiên, không ai trong chúng ta muốn làm nản lòng con cái. Thế nên vấn đề là hãy trở thành người lạc quan nhưng phải luôn tỉnh táo để có thể giành thắng lợi trong mọi trận chiến của cuộc sống. Khi nghĩ mình có thể chiến thắng, hãy nỗ lực hết sức và đừng bao giờ bỏ cuộc, nhưng bạn cũng cần phải biết rõ thực lực của bản thân.

Mọi người đều nói với tôi rằng tôi có thể thành công trong bất cứ lĩnh vực gì, nhưng điều đó không đúng. Tôi chỉ là một chủ thầu xây dựng và sau này may mắn được xuất hiện trên màn ảnh truyền hình rồi trở thành một nhân vật truyền hình nổi tiếng. Đây là những việc mà tôi có thể làm và đã dồn rất nhiều tâm huyết để có thể hoàn thành tốt. Tuy nhiên, cũng có những việc tôi không thể nào làm nổi. Tôi không thạo về máy vi tính. Tôi biết rằng dù có cố gắng đến mấy thì cũng chẳng làm nên trò trống gì khi tiếp xúc với máy tính. Tôi không đam mê máy tính như những doanh nhân thuộc thời đại công nghệ thông tin khác. Những chiếc máy vi tính không khiến tôi cảm thấy thích thú chút nào.

Trong cuộc sống, chúng ta sẽ gặp phải rất nhiều thách thức và trở ngại. Chúng ta không thể vượt qua được tất cả thử thách đó, nhưng chúng ta có thể đối mặt và quyết tâm thực hiện bằng được những gì chúng ta cảm thấy hứng thú và tin rằng mình có thể làm được. Đối với bất kỳ dự án nào cũng vậy, tôi sẽ không cho phép bất cứ ai trong tổ chức của mình bỏ cuộc một khi tôi nhận thấy vẫn còn khả năng thành công. Năm 1974, tôi đã mua một mảnh đất để xây dựng tòa nhà Trump Place(6) ở Riverside Drive, phía Thượng tây New York và phải đến tận năm 2008, công trình này mới hoàn thành. Dù mắc kẹt với công trình này hơn 30 năm, nhưng tôi chưa bao giờ có ý định từ bỏ.

Ra khỏi vùng an toàn

Độc giả của tạp chí Business Week đã bình chọn tôi là "Nhà lãnh đạo doanh nghiệp tài ba nhất thế giới". Tôi không biết liệu điều đó có đúng không vì quanh tôi còn có rất nhiều đối thủ đáng gờm. Nhưng dù sao tôi cũng vinh dự khi nhận được danh hiệu này bởi tôi tự hào vì mình có khả năng cạnh tranh cùng sự nỗ lực để vượt qua nhiều người khác. Để đạt được những thành quả ngày càng lớn hơn, bạn phải thường xuyên tự đặt ra thử thách cho chính mình. Và để làm được điều đó, bạn buộc phải bước ra khỏi vùng an toàn hiện tại của mình. Có thể nói New York là nơi diễn ra sự cạnh tranh khốc liệt nhất trong nhiều lĩnh vực, vì vậy, dù đã trở thành một trong những người kinh doanh bất động sản đình đám nhưng tôi vẫn luôn giữ tinh thần làm việc cao độ và không ngừng cố gắng để có thể hoàn thành mọi việc một cách tốt nhất. Tôi cũng phải chiến đấu với chính bản thân bằng cách tự đặt ra những thử thách cho mình để duy trì đà làm việc. Tôi luôn cố gắng phấn đấu hết mình, bất kể thành công đạt được là nhiều hay ít. Thương hiệu Trump là một ví dụ. Giờ đây, đó là một trong những thương hiệu có giá trị và nổi tiếng nhất thế giới. Thương hiệu này biểu trưng cho những gì tốt đẹp nhất trong cuộc sống. Khi đi tìm một nhãn hàng vodka để gắn thương hiệu Trump, tôi chỉ tìm loại vodka tốt nhất và mang lại lợi nhuận cao nhất. Tôi muốn phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng với phong cách thể hiện đúng chất thương hiệu Trump. Và cuối cùng tôi đã tìm ra loại vodka đó. Tôi cũng tiến hành tương tự với các dòng sản phẩm áo sơ mi, cà vạt và com-lê được bán trong các cửa hàng của Macy's và mọi việc đều rất thuận lợi. Tôi luôn tâm niệm phải phân phối những sản phẩm tốt nhất, vì đó là những sản phẩm gắn liền với tên tuổi của tôi.

Có người từng hỏi tôi tại sao tôi không bao giờ tự hài lòng với chính mình. Câu trả lời thật đơn giản: tự bằng lòng không phải là tính cách của tôi. Nếu làm thế, tôi đã không phải là Donald Trump. Kinh nghiệm thực tế đã cho tôi thấy điều đó. Nếu ngủ quên trên chiến thắng thì bạn sẽ bị loại khỏi cuộc chơi ngay lập tức. Vào cuối những năm 1980, tôi những tưởng mình đã thành công và không cần phải làm việc vất vả nữa. Nhưng sau đó, tôi nhanh chóng hiểu ra rằng thế giới này không ngừng thay đổi và nếu cứ đứng yên, bạn sẽ nhanh chóng bị tụt hậu.

Tôi thích sống một cuộc sống vượt xa những người bình thường - không phải vì tiền mà vì niềm vui và hạnh phúc khi làm những công việc mình yêu thích. Tôi sẽ không bao giờ từ bỏ niềm khát khao đó. Tôi nhận thấy những người kinh doanh bất động sản không hề có khái niệm nghỉ hưu. Họ không ngừng đàm phán và ký kết các hợp đồng buôn bán ngay cả khi đã ở độ tuổi 80, 90. Và có lẽ niềm say mê công việc chính là lý do khiến họ luôn làm việc không ngừng nghỉ.

Hãy hành động

Những ước mơ lớn lao chính là động lực thúc đẩy cho thành công của bạn. Bạn sẽ không thể gặt hái được gì nếu không biết mơ ước, nhưng bạn cũng cần phải có đủ ý chí và nghị lực để biến những ước mơ đó trở thành hiện thực. Một khi đã đặt ra mục tiêu, bạn phải tìm kiếm ngay cơ hội để biến chúng thành hiện thực. Nếu bạn do dự, không dám nắm bắt khi cơ hội đến với mình thì chính sự e sợ thất bại đó sẽ trì hoãn thành công của bạn. Hãy vượt qua nỗi sợ hãi này, vì nếu bạn tạo cho mình thói quen trì hoãn thì tất cả các mục tiêu sau này của bạn cũng sẽ trở thành những lời hứa suông không bao giờ được thực hiện. Hãy luôn tự giữ lời hứa với chính mình bằng cách tạo ra thói quen hành động vì những mục tiêu của bản thân.

Sau khi xác định được công việc mình yêu thích, bạn phải bắt đầu hành động ngay. Tôi bắt đầu mua bán nhà đất khi còn đang là sinh viên của trường Tài Chính Wharton. Ngay từ bây giờ, bạn nên nhanh chóng bắt tay vào làm công việc mà mình yêu thích theo khả năng của bạn. Tôi tin rằng điều đó sẽ khiến bạn thấy vui vẻ và thoải mái. Bạn cũng nên nghiên cứu sách vở và học hỏi từ những người có kinh nghiệm trong cùng lĩnh vực. Đừng ngồi đợi tới thời điểm "chín muồi" hay đợi đến khi mình phải thật hoàn hảo. Điều đó sẽ không bao giờ xảy ra. Hãy bắt đầu ngay lập tức. Bạn sẽ học hỏi và rút kinh nghiệm từ thực tế làm việc nhiều hơn từ bất cứ cách nào khác.

Bạn phải học tập, tích lũy kiến thức; bạn phải đi theo đúng ngành nghề mình yêu thích và phải ra thực tế cuộc sống để bắt tay vào hành động. Hãy bước ra thế giới bên ngoài và hoàn thành mục tiêu của chính mình.

CHIA SẺ CỦA ZANKER

Để làm tốt nhất một công việc nào đó, bạn cần phải có đam mê. Nhưng điều đó không hề dễ dàng vì hầu hết chúng ta đều được nhồi nhét từ nhỏ rằng làm việc là một trách nhiệm chứ không phải là niềm vui. Cha mẹ, thầy cô luôn nói với chúng ta rằng hãy học tập chăm chỉ đi, rồi thời gian còn lại chúng ta sẽ được làm thứ mình yêu thích. Thế nên ta luôn thấy chơi Dodgeball(7) sẽ vui hơn nhiều so với việc học. Rồi khi đến tuổi trưởng thành, bạn sẽ phải lựa chọn nghề nghiệp và hầu hết chúng ta đều không có sự chuẩn bị trước. Chúng ta không thể hình dung công việc sẽ thú vị thế nào bởi vì những gì được dạy khiến chúng ta nghĩ khác.

Vì vậy, chúng ta thường tìm việc làm theo ý muốn của cha mẹ hoặc chỉ nhắm vào những công việc có thể mang lại cho ta nguồn thu nhập ngất ngưỡng hay một vị trí cao trong xã hội. Khi đó việc bạn có yêu thích công việc đó hay không cũng không còn quan trọng và không ảnh hưởng gì đến quyết định lựa chọn công việc của bạn nữa. Địa vị và tiền bạc luôn là sự cám dỗ nguy hiểm đối với những người trẻ tuổi khi quyết định lựa chọn nghề nghiệp. Hầu hết thanh niên đều hướng đến những nghề có thể gây ấn tượng với người khác và đó là những quyết định vô cùng nguy hiểm.

Cha tôi là dân nhập cư gốc Ba Lan. Ông là một nhà thiết kế áo vét và áo khoác nữ tại khu may mặc của thành phố New York. Ông thường xin nghỉ việc ở công ty này để đi tìm việc ở công ty khác. Tôi cảm thấy ông rất vui vẻ trong công việc, nhưng nếu vui vẻ thì tại sao ông lại luôn thay đổi chỗ làm như vậy? Lúc còn bé, tôi không tài nào hiểu được điều đó. Nhưng tới giờ tôi đã hiểu, đó là vì cha tôi luôn muốn làm những điều ông yêu thích. Tình yêu với nghề thiết kế đã thôi thúc cha tôi nghỉ việc bất cứ khi nào ông chủ làm hỏng các mẫu thiết kế của ông, thay thế bằng chất liệu rẻ tiền hơn hay làm điều gì đó trái với những nguyên tắc của ông. Niềm đam mê công việc khiến ông có đủ nghị lực để tự trụ vững. Thật điên rồ khi một công nhân làm việc cho một dây chuyền lắp ráp dù rất ghét công việc mình đang làm nhưng lại vô cùng lo lắng về việc bị thất nghiệp. Nếu không thích công việc đó, bạn chẳng cần phải lo lắng và sợ bị mất việc. Mà nếu không phải đang làm những gì mình yêu thích, bạn sẽ chẳng bao giờ cảm thấy an tâm trong công việc. Bạn sẽ sống trong nỗi sợ hãi "bị hở sườn". Nhưng khi đã được làm những việc mà mình hứng thú, bạn sẽ có quan điểm "phải thành công" - quan điểm bạn cần phải có để thành công - cho dù có phải thay đổi công việc và không còn được bao bọc trong những điều kiện thuận lợi.

Một người bạn của tôi là bác sĩ đã quyết định làm những gì mình muốn khi còn học trung học. Anh ta muốn đi con đường ngắn nhất để đạt được địa vị và danh vọng. Chưa bao giờ anh ta suy nghĩ xem mình có thực sự yêu thích công việc đó hay không. Giờ đây, anh ta thấy hối hận vì sự lựa chọn của mình và luôn than vãn với tôi rằng anh ta ghét công việc đó tới mức nào. Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần làm một công việc nào đó có thể đảm bảo về mặt tài chính là được, nhưng thực tế, những người hạnh phúc nhất lại là những người có thể tìm thấy niềm đam mê trong công việc. Tìm được niềm yêu thích trong công việc chính là một sự khởi đầu tốt. Và khi đã tìm thấy công việc mình yêu thích thì có nghĩa bạn đã gần đến được với thành công.

Lúc mới khởi nghiệp, tôi đã muốn trở thành một nhà làm phim, nhưng tôi thấy các bài học ở trường thật tẻ nhạt. Vì vậy, tôi đã bắt đầu với The Learning Annex - điều tôi vẫn nghĩ mình làm chỉ để kiếm tiền. Có lúc tôi còn nghĩ rằng đây chỉ là công việc tạm thời để kiếm tiền nhằm phục vụ cho mục đích làm phim của mình. Nhưng rồi tôi sớm nhận ra mình thực sự yêu thích việc học hành. Sẽ thật tuyệt vời nếu suốt quãng đời còn lại tôi vẫn có thể là một sinh viên. Tôi thích học hỏi những điều mới lạ. Bất cứ khi nào bước chân vào hiệu sách, tôi đều bị cuốn hút bởi khu sách sống đẹp và sẽ ở đó hàng giờ liền để xem kỹ tất cả các tựa sách. Tôi cũng đã mời nhiều chuyên gia viết sách sống đẹp đến thuyết giảng ở The Learning Annex. Tôi thấy hứng thú khi được học hỏi từ những người này và tôi biết các khách hàng của tôi cũng vậy.

Tôi gắn bó với The Learning Annex bởi làm việc ở đó rất thú vị và việc điều hành tổ chức này chính là công việc tuyệt vời nhất đối với tôi. Điều đó không đơn thuần là công việc mà chính là đam mê của tôi. Tôi luôn có cơ hội học hỏi từ những giáo viên xuất sắc nhất trên thế giới. Tôi tìm kiếm những người có uy tín thực sự và thuyết phục họ tới thuyết giảng cho các sinh viên của The Learning Annex, trong đó có cả tôi. Nó giống như khi bạn khám phá ra một nhà hàng có phong cảnh tuyệt đẹp với thức ăn tuyệt ngon và chia sẻ thông tin đó với bạn bè. Tìm và mời được những giáo viên tuyệt vời trên thế giới đến thuyết giảng cho các sinh viên của The Learning Annex là niềm hạnh phúc lớn lao của tôi. Tôi có tài trong việc này. Và lúc này thanh thế chỉ là một lợi ích cộng thêm, bởi khi làm bất cứ công việc gì, chỉ cần làm tốt, tự khắc bạn sẽ tạo nên uy tín. Và sự thật là tôi đang kiếm ra hàng đống tiền nhờ vào uy tín của mình. Hãy làm tốt những việc bạn yêu thích rồi tiền sẽ tự chảy vào túi bạn. Điều đó hoàn toàn đúng với tôi và tôi tin chắc rằng nó cũng sẽ đúng với bạn.

Tôi từng có một nhân viên rất giỏi nhưng anh ta lại không hề đam mê công việc của mình. Với anh ta, công việc chỉ là một công cụ để kiếm tiền. Và tôi đã sa thải anh ta. Mọi người đều sửng sốt chất vấn tôi: "Sao ông có thể làm như vậy? Anh ta rất thạo việc mà?". Nhưng tôi không muốn có những nhân viên làm việc mà không có đam mê. Tôi tin chắc rồi họ cũng sẽ làm cho công ty sụp đổ. Nếu định làm việc ở The Learning Annex, bạn phải thật sự nhiệt huyết với công việc. Còn nếu chỉ đơn thuần muốn kiếm một việc làm, mời bạn đi nơi khác. Vài năm sau đó, chính người đàn ông bị tôi sa thải đã viết cho tôi một lá thư lời lẽ khá cảm động để cảm ơn tôi vì đã sa thải anh ta. Sau khi bị sa thải, anh ta đi du lịch vòng quanh thế giới và bắt đầu viết về những chuyến đi của mình.

Hiện nay, anh ta đã trở thành một nhà văn nổi tiếng, chuyên viết về đề tài du lịch và đã xuất bản một vài cuốn sách. Thậm chí thỉnh thoảng anh ta còn đến The Learning Annex để thuyết giảng về kỹ năng viết. Tôi biết anh ta đã tìm thấy niềm đam mê thực sự và rất thành công với nó.

Đừng bao giờ làm bất cứ công việc gì chỉ vì tiền mà hãy bằng tất cả lòng đam mê. Yêu thích công việc mình làm chính là nguồn gốc để gặt hái thành công. Hãy tìm kiếm công việc khiến mình thực sự say mê, khi đó bạn sẽ có nhiệt huyết để vượt qua mọi thử thách, đứng dậy sau thất bại và trụ vững qua những thời kỳ khó khăn nhất. Tuy tiền bạc là thứ không thể thiếu nhưng cũng không phải là tất cả. Hãy tìm cho mình một mục tiêu có giá trị cao quý hơn thay cho tiền bạc. Và để trở thành người chiến thắng trong cuộc sống, bạn phải tìm thấy niềm đam mê, bước ra khỏi những điều kiện thuận lợi hiện tại và bắt tay vào hành động. Hãy học cách vượt qua áp lực, đứng dậy từ những vấp ngã và đừng bao giờ bỏ cuộc.

NHỮNG ĐIỂM CHÍNH

  • Tìm kiếm niềm đam mê và tình yêu đối với công việc mình làm.

  • Đừng chỉ vì tiền mà tự ép mình phải làm những công việc bản thân không yêu thích.

  • Tâm huyết và cố gắng hết sức với công việc đang làm, chắc chắn bạn sẽ gặt hái những thành quả tốt đẹp.

  • Đặt ra các mục tiêu nghề nghiệp khác ngoài tiền bạc.

  • Hãy hiểu rằng niềm đam mê sẽ chinh phục mọi nỗi sợ hãi.

  • Biến niềm đam mê của bạn thành những hành động thường xuyên và liên tục.

  • Tìm ra niềm vui trong công việc.

  • Tập trung vào việc tìm ra giải pháp thay vì quan trọng hóa vấn đề.

  • Hãy đối mặt với áp lực bằng cách không để ý đến những suy nghĩ và quan điểm tiêu cực của người khác.

  • Phải biết rút kinh nghiệm từ những sai lầm, nhưng không được để chúng làm bạn nản lòng.

  • Giữ cho mình một ý chí mạnh mẽ và không bao giờ được bỏ cuộc.

  • Bước ra khỏi hoàn cảnh thuận lợi hiện tại của bản thân.