Nghĩ đến con đi

Nghĩ đến con đi

Gió mằn mặn tanh tanh thổi nhẹ mơn man, chị men theo lề đường, đi thẳng ra biển. Cơn mưa lớn đầu hôm làm phẳng lì bãi cát ít dấu chân.

Sóng cao xào xạc. Tháng năm năm ngoái nơi biển này, sóng đã cuốn và nuốt chết một sinh viên từ Đà Lạt xuống. Lâu lắm rồi chị không còn tâm để nhìn cảnh đẹp xung quanh, chỉ gánh kẽo kẹt hai thúng rau đầy, mắt nhìn thẳng, tai lắng nghe tiếng gọi mua. Chị lững thững đi dọc theo đường biển. Dường như hôm nay lá xanh hơn, hoa thắm hơn và nắng trong lóng lánh

Mẹ, trường thông báo đóng học phí. Ngày 23 tháng 10 thi. Hồn tê tái, mọi khớp xương bỗng dưng lỏng lẻo như không đỡ nổi tấm thân một thước bốn mươi bảy, nặng ba mươi hai ký của chị. Hai thúng rau nhẹ hơn mọi lần nhưng lòng chị trĩu nặng. Bà chủ rọc rau muống tủn mủn đưa xem bó rau mẫu ốm nhách, lỏng lẻo, giả tạo. Sau những trận bão, rau lên giá gần gấp đôi. Thức dậy khi trời còn tối mịt. Một mình chị gánh hai thúng không tới rọc rau muống Phước Hải bất kể gió mưa bão lụt, bất kể những sớm mai đông lạnh đến nỗi rau muống co ro những lá quăn queo, thân to dày, thâm, nhám. Tiếng thúng xục xịch. Tiếng dép lích nhích lẹt xẹt. Tiếng ộp oạp rõ dần, và chị xăn ống quần lõm bõm bước xuống vũng nước, vội vàng, mê man vừa cắt vừa bó bất kể đỉa đeo hay cóc nhái nhảy lên mình, lên đầu, cho tới khi đầy thúng. Mấy hôm nay buôn bán ế ẩm, chị lo lắng không biết trưa nay có đủ lời để mua chút cá cho con không. Ngồi buồn chờ khách, chị gom những cọng rơi vãi vào túi ni lông để về nhà nấu canh. Cái túi mỏng nhẹ bay phất phơ mỗi khi có gió nhẹ, bốc lên mùi khó chịu. Từ ngày chồng chị mất vì té từ lầu năm xuống khi đứng tô vách bị cơn bão Chanchu quét tháng năm năm ngoái, chị ghê sợ những cơn gió mạnh. Anh rơi bịch xuống đất cát gần đống hồ chị đang trộn, ngay trước mặt chị. Chị sững vài giây rồi nhào tới hét lên “trời ơi”, ôm cái xác mềm nhũn, co rút nhỏ như đứa trẻ lên mười của anh. Chị như mê, tê điếng. Anh ơi! Máu! Máu! Dần ơi, ba của con chết rồi! Có thiệt không đây? Mới tức thì anh nhìn em thật lâu “hôm nay em nhớ mua thêm chút thịt ba chỉ về luộc, chấm mắm cà, thằng Dần thích nhất món này. Chủ nhà bồi dưỡng thêm mỗi người năm chục ở lại tối làm gấp cho xong”. Ngày nào em cũng mua một trăm gam thịt heo, nhưng có khi nào anh chịu gắp đâu. Em gắp miếng thịt bỏ vô miệng anh, anh nhăn mặt rồi miễn cưỡng nhai, nhưng em thấy nước ngọt thơm của nó tươm ra từ mép anh, anh nuốt ngon lành. Cục a đam nơi cổ anh nhô lên. Em biết anh thèm lắm, lúc nào cũng “con còn nhỏ, thức khuya học bài, cần chất thịt hơn anh”. Từ ngày phải đóng tiền học thêm cho con, anh bỏ hẳn mọi chi tiêu “để dành tiền đóng học phí cho con kẻo nó không được thi lên lớp. Đời tụi mình hư rồi, phải gắng cho con ăn học nên người”.

Lương thợ của anh 55 ngàn một ngày, còn chị phụ hồ được 40 ngàn. Mỗi ngày chị phải trích ra 10 ngàn cho cha con ăn sáng. Thấy cha con ăn ngon lành, ăn cơm nguội chị cũng thấy ngon. Anh lao động cực nhọc, hễ đói bụng là run. Dù sao sau khi vác xi măng, bưng gạch và trộn hồ, chị cũng được nghỉ ngơi, chỉ giúp anh đưa cái bay, múc ca nước, còn anh quần quật suốt ngày từ 6 giờ rưỡi sáng cho tới 5 giờ rưỡi mới về nhà, lại còn lục đục leo lên mái trét keo lại mấy tấm tôn, máng xối. Hình như anh ngứa ngáy không chịu ngồi yên một chỗ.

- Sao tới bây giờ con mới nói? Mình phải đóng bao nhiêu? Chị lo lắng hỏi.

- Trường ra thông báo trên mạng cả tuần nay, nhưng con sợ mẹ lo. Con thi bốn môn nên phải đóng một triệu ba trăm bốn mươi lăm ngàn đồng mẹ à. Còn mười ngày nữa phải trả học phí, nếu không, con sẽ bị cấm thi! Sang năm muốn thi lại, phải đóng thêm tiền học cho năm nay nữa. Trước sau gì cũng phải đóng.

Phải! Phải! Cuộc đời của chị bị lấp đầy toàn những chữ phải. Chị hoảng kinh, đầu nóng lên như sốt. Làm sao để có một lúc một triệu rưỡi? Chị lục lọi nhớ lại những người bà con khá giả, hy vọng đưa ra lý do chính đáng, họ sẽ giúp đỡ. Nhưng chị ngại ngần. Lâu nay không tới thăm vì không muốn họ khó chịu khi gặp mặt chị, sợ chị sẽ than thở, xin xỏ. Những ánh mắt sắc cạnh lạnh lùng đã bằm nát và làm đông lạnh một phần hồn của chị cách đây hai mươi mốt năm, lúc chị sắp sinh con. Trái tim nhà giàu được đúc bằng bê tông cốt sắt. Chị dò hỏi những người bạn hàng ngồi trên sập bên cạnh. Chị bán vé số ra vẻ hiểu biết:

- Muốn có tiền nhiều, thì đi nuôi người bịnh là hay nhứt. Dân quê ngoài Bắc vô đây vợ chồng con cái đều đi làm mướn kiểu này, mỗi năm một người để dành chục triệu, trở về Bắc làm ăn. Ăn cơm chủ, khỏi tốn kém gì cả.

Chị bán thịt chêm vô:

- Muốn làm không, tôi giới thiệu cho một chỗ lương tới hai triệu rưỡi một tháng. Nhưng chỗ này không hiểu sao ai vô cũng ra ngay, giỏi lắm là một tuần. Bà Mạnh, giám đốc công ty ở đường Nguyễn Thiện Thuật.

Hai triệu rưỡi một tháng! Chị mừng run hỏi ngay địa chỉ và mong mau bán hết gánh rau như sợ có ai chiếm chỗ tốt. Hôm nay chủ nhật, thằng Dần không đi học. Còn bốn bó cuối cùng. Chị không đủ kiên nhẫn nữa, gởi hai bó cho bà đồng nghiệp bán giùm rồi quảy gánh thoăn thoắt về nhà tươi vui kể ngay cho con, không kịp rửa tay. Thấy con ái ngại, chị trấn an:

- Mẹ ráng làm vài tháng thôi, để đóng tiền trường. Mẹ muốn con mau ra trường, thành ông kỹ sư, biết đâu học lên tiến sĩ?

Dần ôm vai mẹ:

- Mẹ ơi, con hứa sẽ học giỏi đậu cao. Con thương mẹ.

Chị cười vui thật sâu. Cái hôn của con làm chị xúc động. Dễ chừng năm năm nay thằng Dần không hôn mẹ. Ra đường nó cũng tránh không muốn đi gần mẹ.

Người đàn bà khoảng trên sáu mươi, mặt nghiêm nghị, trán hằn nét buồn chán, túi mắt phồng như có nước, nhìn chị từ đầu xuống chân như muốn cân đo sức lực lẫn sức chịu đựng của người xin việc. Chị cảm thấy mình nhẹ bỗng, như bị bốc hơi. Những ngón tay tròn múp như những trái chuối sứ bằng thạch cao. Móng tay đỏ, móng chân đỏ, môi đỏ.

- Chị đã làm công việc này chưa?

- Thưa, cháu nuôi bệnh bà mẹ chồng chín năm.

- Ông nhà tôi hơi béo... Trông chị nhỏ và gầy, sợ...

- Dạ cháu làm phụ hồ, mỗi ngày vác hàng chục bao xi măng hăm lăm ký lên xuống cầu thang, bưng xà bần đi đổ, xúc cát trộn hồ, gánh rau.

- Tôi tìm một người đàn ông để chăm cho nhà tôi nhưng không có. Đàn ông không kiên nhẫn. Ông nhà tôi khó tính lắm.

- Dạ để cháu thử - chị mỉm cười, vẻ cương quyết.

 - Vâng, chị cứ thử. Lương khởi đầu là 2 triệu rưỡi. Nếu làm tốt, chị sẽ được tăng lương ngay tháng sau. Sáng mai chị tới được không? Bắt đầu 15 tây cho dễ tính tiền.

Gió mằn mặn tanh tanh thổi nhẹ mơn man, chị men theo lề đường, đi thẳng ra biển. Cơn mưa lớn đầu hôm làm phẳng lì bãi cát ít dấu chân. Sóng cao xào xạc. Tháng năm năm ngoái nơi biển này, sóng đã cuốn và nuốt chết một sinh viên từ Đà Lạt xuống. Lâu lắm rồi chị không còn tâm để nhìn cảnh đẹp xung quanh, chỉ gánh kẽo kẹt hai thúng rau đầy, mắt nhìn thẳng, tai lắng nghe tiếng gọi mua. Chị lững thững đi dọc theo đường biển. Dường như hôm nay lá xanh hơn, hoa thắm hơn và nắng trong lóng lánh. Anh ơi, phù hộ cho em làm việc lâu bền. Để giúp con học lên, em sẽ làm bất cứ chuyện gì cho dù khó nhọc.

Người đàn ông nằm quay lưng ra ngoài. Tóc cứng bạc chĩa lên trời, da ngăm đen, đẫm thấp. Bàn tay trái co lại.

- Này ông, đây là chị Thu ở xóm Đồng Nai, tới đây ở để chăm sóc ông. Ông cần việc gì thì bảo chị ấy nhé. Cái tủ kia là của chị để áo quần, chiếc ghế bố và cái ti vi đằng kia. Chị có xem thì mở nhỏ, để ông nghỉ. Chút nữa chị bếp mang thức ăn của ông tới, chị đút cho ông ăn. Khăn ăn kìa. Nhớ cho ông uống nước sau khi ăn. Mỗi ngày đẩy xe ông ra sân tắm nắng mười lăm phút. Buổi trưa thì tắm cho ông. Áo quần dơ có chị bồi đem ra máy giặt. Bảy giờ tối cô vật lý trị liệu tới tập cho ông, nên phải cho ăn cơm sớm. Chị nhớ học cô ta để biết cách tập cho ông thêm buổi sáng. Chị có biết đưa người bệnh lên xe lăn không? Trước khi đưa lên xe, chị phải co duỗi chân ông kẻo cứng khớp, ông đứng không được. Từ ngày mắc bệnh, ông thay đổi tính. Ráng chịu khó. Thôi chị ở lại nhé! Tôi có việc phải đi.

Cánh cửa kính khép nhẹ nhàng để lại mình chị với người đàn ông nằm bất động. Chiếc quần sọc xanh lợt trễ tràng. Lưng ngắn nung núc mỡ. Tiếng thở đều. Chị mở nhẹ truyền hình. Khỏi cần điều chỉnh mà hình và âm thanh đều rõ, cả chục đài Việt, chục đài ngoại, nhiều đài quá. Chị hơi lạ khi thấy mình thích ở đây!

- Ê! Mướn mày tới đây để coi truyền hình hả? Lại đây tao bảo!

Chị giật mình quay phắt lại. Tiếng nói khàn khàn, phát ra từ đôi môi lệch làm chị liên tưởng tới những phim kinh dị. Tiếng ho húng hắng. Mũi nở to che gần hết mặt.

- Xin lỗi chú, chú cần gì?

Chị tắt ngay truyền hình, bắt đầu thấy khó chịu. Từ xưa giờ chị làm nghề tự do, không bị ai ra lệnh. Nhưng gương mặt con hiện ra, chị bình tĩnh lại, chồm người, hai tay chống cạnh giường thế chờ đợi: “Chú ôm cổ cháu”. Người đàn ông quàng cánh tay phải qua vai chị. Chị gồng mình kéo ông ta ngồi dậy, tự an ủi “chỉ những người đau khổ mới căm thù số mạng, ông này là bệnh nhân mà”. Chị cảm thấy dâng lên chút thương hại, tay trái đỡ vai ông ta, tay phải đấm lưng một cách thành thạo. Chín năm kinh nghiệm đã cho chị phản xạ bất ngờ này. Cặp mắt sưng vì ngủ nhiều có vẻ sảng khoái. Râu tua tủa. Mùi thiu thiu của mồ hôi từ lưng ẩm nóng.

- Không có ai cạo râu cho chú sao? Chú ngồi dựa vô tường, cháu đi kiếm dao cạo râu nhé!

Chị gỡ tay ông chủ ra, nhưng ông ta cầm bàn tay chị bóp nhẹ, trong lúc mắt vẫn nhắm tỏ sự cảm ơn. Chị để yên dò xét. Bàn tay từ từ bò lên cao hơn, tới cổ tay, rồi xoa nhẹ nhàng. Người chị nổi gai, chị trừng mắt. Tiếng rên trong cổ họng nhiều nọng phát ra hừ hừ. Bất chợt ông kéo mạnh tay chị xuống làm chị mất thăng bằng, ngã chúi xuống, tay ông ta chụp lấy cổ chị kéo xuống, cạp lên cằm, lên má, lên mặt. Nước miếng dẻo nhẹo hôi hám làm chị lợm muốn ói, muốn đẩy cho ông ta té xuống sàn nhà, nhưng hình ảnh chồng chị nằm sóng soải dưới đất khiến chị bình tĩnh trở lại. Chị gỡ tay ông ta ra thả nằm xuống giường, chạy vô phòng tắm, kiếm chai thuốc tẩy trút một bụm chà rửa, kỳ đến rát da, hơi cay làm chảy nước mắt. Cắt miếng chanh xát lên. Hai triệu rưỡi. Con ơi! Tôi ráng chịu nhục để đóng tiền học cho con tôi hay tôi bỏ đi ngay bây giờ? Còn một năm nữa thằng Dần ra trường rồi. Tương lai của nó. Anh ơi, ráng phù hộ cho em đủ can đảm. Còn một tuần nữa là hạn chót đóng tiền rồi. Một triệu ba trăm bốn mươi lăm ngàn đồng.