Nghệ Thuật Tinh Tế Của Việc Đếch Quan Tâm

Chương 6: Bạn Sai Hết Rồi (Cơ Mà Tôi Cũng Vậy)

Vào năm trăm năm trước các chuyên gia vẽ bản đồ tin rằng California là một hòn đảo. Các bác sĩ cho rằng rạch tay[50] một người (hay để cho máu chảy khắp nơi) có thể giúp ích cho việc chữa bệnh. Các nhà khoa học tin rằng lửa được tạo ra từ một chất nào đấy gọi là yếu tố cháy[51]. Đám phụ nữ thì cho rằng cứ xoa nước đái chó lên mặt sẽ giúp cho làn da của họ luôn được căng mịn. Các nhà thiên văn học cho rằng mặt trời quay quanh trái đất.

Khi mà tôi còn là một cậu nhóc, tôi từng nghĩ rằng từ “thường” là dùng để chỉ một loại rau củ nào đó mà tôi không muốn ăn. Tôi cứ nghĩ rằng ông anh trai mình đã phát hiện ra một lối đi bí mật trong ngôi nhà của ông bà tôi bởi vì ông ấy có thể chuồn êm ra ngoài mà không cần ra khỏi phòng tắm (xì poi nho nhỏ: trong đấy có mộ cái cửa sổ). Tôi cũng từng cho rằng khi thằng bạn tôi và gia đình nó tới “Washington, B.C,[52]” thì có nghĩa là họ đã làm cách nào đấy để quay về thời tiền sử và gặp lũ khủng long bạo chúa, bởi vì dù sao, “B.C[53].” cũng là cách đây rất lâu rồi.

Khi ở vào độ tuổi thiếu niên, tôi bảo với mọi người rằng tôi không thèm bận tâm tới bất cứ điều gì hết cả, trong khi thực ra thì tôi bận tâm quá nhiều ấy chứ. Người khác chi phối thế giới của tôi mà tôi không hề hay biết. Tôi cứ cho rằng hạnh phúc là một sự an bài chứ không phải là sự lựa chọn. Tôi cho rằng tình yêu là thứ cứ thế diễn ra, chứ không phải là thứ mà bạn cần phải nỗ lực vì nó. Tôi tin rằng để trông thật “ngầu” thì cần phải luyện tập và học theo những người khác, chứ không phải là sự bộc lộ từ chính bản thân mình.

Khi tôi có cô bạn gái đầu tiên, tôi cứ nghĩ rằng chúng tôi sẽ bên nhau mãi mãi. Rồi khi cuộc tình này chấm dứt, tôi tin rằng tôi sẽ không bao giờ còn có được cảm giác ấy với người con gái nào nữa cả. Và rồi khi mà tôi có cùng cảm giác như thế về một người phụ nữ, tôi cho rằng đôi khi tình yêu là không đủ. Và rồi tôi nhận ra rằng mỗi một người cần phải tự quyết định điều gì là “đủ,” và tình yêu có thể là bất kỳ thứ gì mà ta cho phép nó trở thành.

Mọi bước đi trên con đường đời tôi đều đã sai lầm. Về mọi thứ. Trong suốt cuộc đời mình, tôi đã hết sức sai lầm về bản thân, về những người khác, về xã hội, về nền văn hóa, về thế giới, về vũ trụ này – về mọi thứ.

Và tôi hi vọng rằng điều này sẽ còn tiếp tục xảy ra trong phần đời còn lại của tôi.

Giống như là Mark Của Hiện Tại có thể nhìn lại mọi lỗi lầm và thiếu sót của Mark Của Quá Khứ, một ngày nào đó Mark Của Tương Lai cũng sẽ nhìn lại những giả thiết của Mark Của Hiện Tại (bao gồm cả nội dung của cuốn sách này nữa) và nhận ra những thiếu sót tương tự. Và đó sẽ là một điều tốt lành. Bởi vì điều đó có nghĩa là tôi đã trưởng thành hơn.

Michael Jordan[54] từng nói một câu nổi tiếng về việc ông liên tục thất bại hết lần này đến lần khác, và đó là lý do vì sao mà ông lại thành công. “Ô, tôi thất bại, thất bại tới thất bại lui hoài trong đời, và đó là lý do tại sao tôi thành công.”

Sự trưởng thành là một quá trình được lặp lại vô cùng tận. Khi mà ta học thêm được một điều mới mẻ, chúng ta không đi từ “sai” tới “đúng.” Mà thực ra, ta đi từ chỗ sai tới chỗ ít sai hơn một chút. Và rồi ta học thêm được một điều gì đó nữa, ta đi từ chỗ ít sai hơn đến chỗ ít sai hơn thế nữa, và rồi ít sai hơn thế nữa nữa, và cứ tiếp tục như vậy. Ta luôn ở trong cái quá trình tiệm tiến đến sự thật và hoàn hảo mà không hề chạm tới sự thật hay sự hoàn hảo.

Chúng ta không nên tìm kiếm để có được câu trả lời “đúng” tuyệt đối cho bản thân chúng ta, mà thay vì thế, ta nên tìm cách dần dần loại bớt những sai lầm của chúng ta ngày hôm nay để rồi ta có thể ít sai hơn vào ngày mai.

Khi ta nhìn nhận từ khía cạnh này, thì sự phát triển bản thân thực ra khá là khoa học. Các giá trị của ta chính là các giả thuyết của ta: hành vi này là tốt và quan trọng; hành vi kia thì không. Các hành động của chúng ta chính là những thử nghiệm; các kết quả về mặt cảm xúc và các suy nghĩ chính là dữ liệu của chúng ta.

Không hề có cái gọi là giáo lý chính xác hay tư tưởng hoàn hảo. Chỉ có sự trải nghiệm của bạn sẽ cho bạn thấy được điều gì là phù hợp với bạn – và ngay cả như vậy, trải nghiệm ấy cũng có thể là một sai lầm. Và bởi vì bạn và tôi và mọi người khác đều có những nhu cầu và quá khứ và hoàn cảnh sống khác nhau, chúng ta đều chắc chắn sẽ đi đến những câu trả lời “đúng đắn” khác nhau về việc ý nghĩa của cuộc đời ta là gì và chúng ta nên sống thế nào. Câu trả lời đúng đắn của tôi bao gồm việc một mình chu du trong nhiều năm, sống ở những nơi chốn thanh bình, và được cười thả phanh. Hay ít nhất thì đó cũng là câu trả lời đúng đắn tính đến thời điểm hiện tại. Câu trả lời ấy sẽ thay đổi và được điều chỉnh lại, bởi vì chính bản thân tôi cũng sẽ thay đổi và tự điều chỉnh; và khi mà tôi già dặn và từng trải hơn, tôi sẽ nhìn ra được tôi đã sai lầm ra sao, và trở nên ít và ít sai hơn mỗi ngày.

Rất nhiều người bị ám ảnh quá với việc phải luôn luôn “đúng” trong cuộc đời mình nên thành thử họ chưa bao giờ thực sự sống cả.

Một người phụ nữ nọ đang độc thân và muốn có một người bạn đời, nhưng mà cô ấy lại chẳng bao giờ ra khỏi nhà và chẳng hành động gì hết. Một anh chàng kia làm việc như điên và tin rằng anh ta xứng đáng được thăng chức tăng lương, nhưng anh ta lại chẳng hề bày tỏ rõ ràng điều này với cấp trên của mình.

Họ được truyền dạy rằng họ sợ hãi sai lầm, sợ bị từ chối, sợ phải nghe người khác nói từ không.

Nhưng không phải như thế. Dĩ nhiên, bị từ chối thì tổn thương lắm chứ. Sai lầm cũng tệ hại không kém. Nhưng chúng ta cũng luôn bám víu vào những điều chắc mẩm nào đó – những sự chắc chắn mà chúng ta sợ hãi phải đặt câu hỏi hay buông tay, những giá trị đã mang đến ý nghĩa cho cuộc đời của ta trong suốt nhiều năm. Người phụ nữ ấy không ra ngoài và hẹn hò bởi vì cô ta sợ buộc phải đối mặt với niềm tin của cô về những khát vọng cá nhân. Anh chàng kia không đề nghị được thăng chức bởi vì anh ta sợ sẽ phải đối mặt với những niềm tin về giá trị thực sự của năng lực bản thân.

Sẽ dễ dàng hơn nhiều nếu cứ ngồi đó trong sự đau khổ chắc nịch rằng không một ai nhận thấy sự hấp dẫn ở bạn, rằng không ai nhìn nhận tài năng của bạn, thay vì thực sự thách thức những niềm tin ấy và tìm ra đáp án.

Niềm tin theo kiểu này – rằng tôi không đủ quyến rũ, nên việc gì phải bận tâm; hay là sếp tôi là một thằng khốn, nên việc gì phải bận tâm – được thiết lập để mang tới cho ta sự dễ chịu vừa phải vào lúc này bằng cách thế chấp vào đó niềm hạnh phúc và thành công lớn hơn của tương lai. Chúng là những chiến lược sai lầm nghiêm trọng về mặt dài hạn, nhưng mà ta vẫn cứ bấu víu vào chúng bởi vì ta cho rằng chúng ta đang đúng, bởi vì ta cho rằng ta đã biết rõ những điều sẽ xảy ra. Hay nói cách khác, ta cho rằng ta biết được câu chuyện sẽ kết thúc ra sao.

Sự chắc chắn chính là kẻ thù của sự phát triển. Chẳng có gì là chắc chắn cả cho tới khi nó đã xảy ra – và ngay cả đến lúc đó, vẫn đáng để nghi vấn. Đó là lý do vì sao mà việc chấp nhận sự không hoàn hảo hiển nhiên của hệ giá trị của chúng ta là điều cần thiết để cho bất kỳ sự phát triển nào có thể diễn ra.

Thay vì cố cho bằng được để đạt đến sự chắc chắn, chúng ta nên không ngừng tìm kiếm sự nghi ngờ: nghi ngờ về niềm tin của chính chúng ta, nghi ngờ về cảm giác của chính chúng ta, nghi ngờ về việc tương lai sẽ mang lại cho ta những gì nếu như ta không ra ngoài đó và tự kiến tạo lấy nó. Thay vì cứ cố phải đúng vào mọi lúc, ta nên tìm hiểm xem vì sao ta lại sai vào mọi lúc. Bởi vì chúng ta luôn là như vậy.

Việc phạm sai lầm mở ra cho chúng ta cơ hội để thay đổi. Việc phạm sai lầm mang đến cả cơ hội phát triển. Nó không có nghĩa là tự rạch tay bạn để chữa một cơn cảm cúm hay bôi nước đái chó lên mặt bạn để giữ vẻ ngoài tươi trẻ. Điều ấy không có nghĩa là cho rằng “thường” là một loại rau củ, và không sợ hãi khi bận tâm tới điều gì đó.

Bởi vì đây là những điều nghe thật lạ nhưng lại vô cùng đúng: chúng ta không thực sự biết một trải nghiệm là tích cực hay tiêu cực. Một số những thời khắc khó khăn và căng thẳng nhất trong cuộc đời chúng ta cũng là những thời điểm mang tính xây dựng và đáng khích lệ nhất. Một vài những trải nghiệm tuyệt vời và đáng trân trọng nhất trong cuộc đời cũng là những quãng thời gian dễ làm ta lạc hướng và thiếu khích lệ nhất. Đừng có tin vào cái ý niệm của bạn về sự trải nghiệm tích cực/tiêu cực. Tất cả những gì chúng ta biết một cách chắc chắn là điều gì gây đau đớn trong một thời điểm và điều gì là không. Và nó cũng chẳng đáng giá chi nhiều.

Cũng như ta phát khiếp khi nhìn lại cuộc sống của những con người thuộc về năm trăm năm trước, tôi hình dung rằng những người của năm trăm năm sau này sẽ cười nhạo chúng ta và những điều mà chúng ta đoan chắc vào hôm nay. Họ sẽ thấy buồn cười trước cái cách mà chúng ta để cho tiền bạc và công việc định nghĩa cuộc đời mình. Họ sẽ thấy buồn cười trước việc ta thấy ngại ngùng khi bày tỏ lòng trân trọng của ta đối với những người quan trọng nhất cuộc đời mình, trong khi lại không tiếc lời ca ngợi những hình tượng xã hội không xứng đáng với điều gì cả. Họ sẽ thấy nực cười trước những nghi lễ và sự mê tín của chúng ta, trước những lo lắng và cuộc chiến của chúng ta; họ sẽ trố mắt ra trước sự tàn nhẫn của chúng ta. Họ sẽ nghiên cứu về những công trình của chúng ta và tranh cãi về lịch sử của chúng ta. Họ sẽ hiểu thấu những sự thật về chúng ta mà không một ai trong chúng ta có thể nhận ra.

Và, cả họ nữa, cũng sẽ sai lầm. Chỉ là ít sai hơn chúng ta mà thôi.

Công Trình Kiến Trúc Của Niềm Tin

Hãy thử điều này. Bạn hãy chọn lấy ngẫu nhiên một người và đưa họ vào trong một căn phòng cùng với một cái nút bấm. Rồi sau đó hãy bảo với họ rằng nếu họ làm một điều gì đó – một việc mà tự họ phải nghĩ ra – sẽ có ánh đèn chớp lên báo rằng họ đã ghi được điểm. Và hãy bảo với họ rằng để xem họ được bao nhiêu điểm trong vòng ba mươi phút.

Khi các nhà tâm lý học tiến hành thí nghiệm này, chắc là bạn có thể hình dung được điều gì xảy ra. Mọi người ngồi xuống và bắt đầu ấn công tắc một cách ngẫu nhiên cho tới khi ánh đèn sáng lên báo rằng họ đã ghi điểm. Theo logic, họ sẽ cố lặp lại bất kỳ động tác nào họ đã thực hiện trước đó để ghi thêm điểm. Ngoại trừ việc giờ đây đèn không sáng nữa. Nên họ bắt đầu thử nghiệm với các bước hành động phức tạp hơn – bấm vào nút ba lần, rồi ấn thêm một lần, rồi đợi thêm năm giây – đing! Thêm một điểm nữa. Nhưng ngay cả cách đó cũng không còn hiệu quả. Có lẽ chuyện này cũng chẳng liên quan gì tới cái nút bấm cả, họ suy luận. Có lẽ nó phụ thuộc vào cách ngồi của mình. Hay thứ mà mình chạm vào. Có lẽ nó liên quan tới chân mình cũng nên. Đing! Thêm một điểm nữa. Zê, có thể là do vị trí của chân mình và rồi mình bấm nút lần nữa. Đing!

Nhìn chung, trong vòng từ mười tới mười lăm phút mỗi người sẽ suy luận ra một cách thức cụ thể để ghi thêm điểm. Đó thường là những phương pháp rất kỳ quặc như đứng trên một chân hay ghi nhớ một loạt các bước nút bấm dài lê thê trong một thời gian nhất định trong khi quay mặt về một hướng nào đó.

Nhưng phần thú vị ở đây là: điểm số được phân phối một cách ngẫu nhiên. Không có công thức nào cả. Đó chỉ là một cái bóng đèn chớp tắt với một tiếng đing, và mọi người cứ quay vòng vòng với cái suy nghĩ rằng việc mà họ làm sẽ giúp họ ghi được thêm điểm.

Bỏ qua tính tàn ác của cái trò này, mục đích của thí nghiệm là nhằm chỉ ra rằng trí óc con người nhanh nhạy ra sao trong việc tiến tới các ý tưởng và tin vào hàng đống những thứ vớ vẩn không thực tế. Và hóa ra là tất cả chúng ta đều có cái năng khiếu này. Mọi người rời khỏi căn phòng đó đều bị thuyết phục rằng họ đã hoàn thành xuất sắc thí nghiệm và giành chiến thắng trong trò chơi nho nhỏ. Họ đều tin rằng họ đã phát minh ra cách bấm nút “hoàn hảo” giúp cho họ ghi điểm. Nhưng phương pháp mà họ luận ra cũng độc đáo như chính con người họ vậy. Một người đàn ông đã phát minh ra một cách bấm nút siêu dài mà chẳng có ai ngoại trừ ông ta hiểu nổi. Một cô gái thì tin rằng cô phải chạm tới trần nhà một số lần nhất định mới có thể ghi điểm. Khi rời khỏi căn phòng cô ta kiệt sức vì cứ phải nhảy lên nhảy xuống suốt.

Trí não chúng ta là những cỗ máy thâm độc. Điều mà ta hiểu như là “thâm độc” được sinh ra bởi sự liên tưởng của não bộ sau hai hay ba sự trải nghiệm. Ta ấn vào nút bấm, rồi ta thấy đèn sáng lên; ta kết luận rằng cái nút bấm khiến cho đèn sáng lên. Điều này, về cốt lõi, là nền tảng của sự thâm độc. Bấm nút, đèn sáng; đèn, nút bấm. Ta thấy một cái ghế. Ta ghi nhận rằng nó có màu xám. Trí não ta sau đó sẽ vẽ ra mối liên hệ giữa màu sắc (xám) và đối tượng (cái ghế) và hình thành ý nghĩa: “Ghế thì có màu xám.”

Trí óc của ta luôn luôn ồn ào, tạo ra ngày càng nhiều các mối liên hệ để giúp ta hiểu và kiểm soát môi trường xung quanh mình. Mọi thứ liên quan đến sự trải nghiệm của ta, cả ngoại cảnh và nội tại, đều hình thành những mối liên hệ và liên kết mới trong tâm trí chúng ta. Mọi điều từ những ngôn từ trong trang sách này, cho tới phương pháp ngữ pháp mà bạn sử dụng để giải nghĩa chúng, cho tới những suy nghĩ bậy bạ mà bạn rơi vào trong khi bài viết của tôi trở nên nhàm chán và lặp đi lặp lại – mỗi một suy nghĩ, sự thôi thúc, và quan điểm đều là kết quả của hàng ngàn trên hàng ngàn mối liên kết của các tế bào thần kinh, bùng nổ trong sự tiếp hợp, đốt cháy bộ não bạn trong ngọn lửa của tri thức và sự hiểu biết.

Nhưng vẫn còn đó hai vấn đề. Đầu tiên, bộ não là không hoàn hảo. Chúng ta thường nhầm lẫn về những gì mà chúng ta nhìn hay nghe thấy. Chúng ta quên mất sự việc và diễn giải sai các sự việc khá thường xuyên.

Thứ hai là, một khi chúng ta đã tạo ra các ý nghĩa cho bản thân mình, bộ não của chúng ta được thiết kế để bám lấy cái ý nghĩa ấy. Chúng ta nghiêng về cái ý nghĩa mà tâm trí ta tạo ra, và ta không muốn bỏ qua nó. Ngay cả nếu như ta nhìn thấy những bằng chứng mà mâu thuẫn với cái ý nghĩa đã được ta tạo ra, ta vẫn thường phớt lờ nó và tiếp tục tin tưởng như cũ.

Nghệ sĩ hài Emo Philips[55] từng nói, “Tôi từng cho rằng bộ óc con người là cơ quan vĩ đại nhất trong cơ thể tôi. Rồi tôi nhận ra ai đã nói với tôi điều này.” Điều không may là, hầu hết những điều mà ta sẽ “biết” và tin vào là sản phẩm của sự thiếu chính xác bẩm sinh và định kiến tồn tại trong óc ta. Rất nhiều hay thậm chí hầu hết các giá trị của chúng ta là sản phẩm của các sự kiện không đại diện cho phần nhiều thế giới, hay là kết quả của một quá khứ hoàn toàn sai lầm trong nhận thức.

Kết quả của toàn bộ những điều này? Hầu hết niềm tin của chúng ta đều sai. Hoặc, để chính xác hơn, tất cả niềm tin đều sai – một số chỉ ít sai hơn những cái còn lại mà thôi. Tâm trí của con người là mớ bòng bong những điều không chính xác. Và trong khi điều này có thể khiến bạn không thoải mái, đó là một ý niệm vô cùng quan trọng cần chấp nhận, như ta sẽ thấy. 

Hãy Cẩn Trọng Với Những Gì Bạn Tin Tưởng

Vào năm 1988, trong quá trình điều trị, nhà báo kiêm nhà hoạt động vì nữ quyền Meredith Maran[56] đã phát hiện ra một việc vô cùng sửng sốt: cha bà đã xâm hại tình dục bà khi còn nhỏ. Đó là một cú sốc đối với bà, một ký ức đau buồn bị kìm nén mà bà đã dành hầu hết quãng đời trưởng thành của mình để lãng quên. Nhưng ở tuổi ba mươi bảy, bà đối chất với cha mình và cũng kể cho gia đình mình nghe điều gì đã xảy ra.

Thông điệp của Meredith làm cả gia đình khiếp sợ. Cha bà ngay lập tức phủ nhận mọi thứ. Một vài thành viên trong gia đình đứng về phía Meredith. Một số người khác thì ủng hộ cha bà. Cái cây gia tộc bị chẻ làm đôi. Và nỗi đau đớn gây ra bởi tình trạng mối quan hệ của Meredith với cha mình đã tồn tại từ rất lâu trước cả khi bà buộc tội ông giờ đây đã lan ra như nấm trên những nhánh cây. Nó đày đọa tất cả mọi người.

Rồi, vào năm 1996, Meredith lại tiến đến một nhận thức gây sửng sốt khác: cha của bà thực ra đã không hề xâm hại tình dục bà. (Tôi biết: ặc) Bà, với sự trợ giúp của vị chuyên gia điều trị tâm lý tốt bụng, đã thực sự sáng tạo ra cái hồi ức ấy. Chất chồng bởi cảm giác tội lỗi, bà cố gắng hòa giải với cha mình trong phần đời còn lại của ông cũng như với các thành viên khác trong gia đình bằng việc thường xuyên xin lỗi và giải thích. Nhưng sự việc dù sao cũng đã quá muộn màng. Cha bà qua đời và gia đình bà không bao giờ còn được như trước nữa.

Hóa ra Meredith không phải là trường hợp duy nhất. Như bà từng đề cập trong cuốn hồi ký của mình, My Lie: A True Story of False Memory (tạm dịch: Lời nói dối của tôi: Một câu chuyện có thật về những ký ức giả), trong suốt những năm 1980, rất nhiều phụ nữ buộc tội các thành viên nam giới trong gia đình mình vì hành vi xâm hại tình dục cuối cùng lại quay ra thừa nhận sai lầm vào nhiều năm sau. Tương tự, còn có cả một đống người trong cùng khoảng thời gian này đã bị cáo buộc lạm dụng trẻ em theo những phương thức tôn thờ ác quỷ, mặc dù trong các báo cáo điều tra tại nhiều địa phương, cảnh sát không hề tìm thấy bằng chứng của việc thực hiện những hành vi điên rồ đó.   

Tại sao con người ta lại đột nhiên sáng tạo ra những hồi ức khủng khiếp về việc lạm dụng trong gia đình và trong tôn giáo như vậy? Và tại sao tất cả những điều này lại xảy ra trong những năm 1980?

Bạn đã bao giờ chơi trò gọi điện thoại hồi còn nhỏ chưa? Bạn biết đấy, bạn nói gì đó vào tai một người và thông điệp ấy được truyền qua khoảng mười người khác, và điều mà người cuối cùng nghe được thì chả liên quan quái gì đến điều bạn nói lúc ban đầu? Về cơ bản thì những ký ức của chúng ta vận hành như vậy đấy.

Chúng ta trải nghiệm một điều gì đó. Rồi ta nhớ về chúng hơi khác đi một chút vào vài ngày sau đó, như thể chúng vừa được thì thầm vào tai ta và bị diễn giải sai đi. Rồi chúng ta lại kể cho ai đó nghe về chuyện này và phải lấp vào một vài chỗ trống với sự thêm thắt của riêng ta nhằm khiến cho mọi thứ trở nên hợp lý và rằng ta không bị thần kinh. Và rồi ta lại bắt đầu tin vào những chỗ trống được lấp đầy ấy, và vì thế mà ta cũng thuật lại y như thế vào lần kế tiếp. Ngoại trừ việc nó không hề có thật, nên ta nhớ về nó không còn đúng nữa. Và vào một đêm khuya nọ khoảng một năm sau đó khi ta đã ngà ngà say và ta kể lại câu chuyện đó, thì ta lại thêm thắt một chút nữa — được rồi, hãy thành thật nhé, chúng ta toàn bịa ra đến một phần ba câu chuyện thôi. Nhưng rồi khi ta tỉnh táo lại vào tuần kế tiếp, chúng ta không muốn tự thừa nhận rằng mình đúng là đồ điêu toa bốc phét, cho nên là ta cứ thế mà tiếp tục với cái phiên bản của câu chuyện được mở rộng và nồng nặc mùi cồn ấy. Và rồi vào năm năm sau đó nữa, cái câu chuyện tuyệt đối chính xác, thề-trước-Chúa, thề-trên-mộ-bà-mẹ-tôi, còn-thật-hơn-cả-thật nữa chỉ còn chính xác có 50 phần trăm. 

Tất cả chúng ta đều làm như thế. Bạn cũng thế. Mà tôi cũng thế. Dù cho chúng ta có thật thà và tử tế đến đâu, chúng ta đều ở trong tình trạng mãi mãi làm mê muội bản thân mình và cả những người khác không vì mục đích nào khác ngoài việc trí óc của chúng ta được thiết lập để trở nên có tính hiệu quả, chứ không phải là chính xác. 

Mà không chỉ có những hồi ức của chúng ta mới thậm tệ thôi đâu, não bộ của chúng ta còn hoạt động theo một cách thiên lệch vô cùng khủng khiếp nữa kia.

Như thế nào á? Ờ, bộ não của chúng ta luôn cố gắng lý giải các sự việc hiện tại dựa trên những điều mà ta đã tin tưởng và đã từng trải nghiệm. Mọi mẩu thông tin đều được đánh giá dựa trên các giá trị và kết luận mà ta đã có sẵn. Và kết quả là, não bộ của ta luôn luôn thiên về những gì mà ta cảm thấy là đúng tại thời điểm đó. Vì thế khi mà ta có một mối quan hệ tốt đẹp với người chị em gái của ta, ta sẽ phiên dịch hầu hết các kỷ niệm của ta với cô ấy là sự khoan khoái tích cực. Nhưng khi mà mối quan hệ trở nên chua chát, thì ta lại nhìn nhận toàn bộ những ký ức ấy khác hẳn đi, làm mới lại chúng theo cái cách nhằm giải thích cho cảm giác tức giận của ta đối với cô ấy mỗi ngày. Món quà dễ thương mà cô ấy tặng cho ta vào Giáng sinh năm ngoái bây giờ được hồi tưởng lại là có vẻ trịch thượng và hợm hĩnh. Thời điểm mà cô ấy quên béng mất không mời ta ghé chơi ngôi nhà bên hồ giờ đây không còn được xem là một tội lỗi hồn nhiên nữa mà là vì tội cẩu thả không thể dung thứ.

Câu chuyện bịa đặt của Meredith về việc lạm dụng sẽ có tính hợp lý hơn khi ta hiểu được các giá trị mà bà tin vào. Một là, Meredith có một mối quan hệ vô cùng căng thẳng và gay go với người cha trong suốt cuộc đời mình. Hai là, Meredith đã gặp phải quá nhiều những thất bại trong các mối quan hệ tình cảm với đàn ông, bao gồm cả một cuộc hôn nhân đổ vỡ.

Vì thế cho nên là, dựa trên các giá trị của bà, “mối quan hệ thân mật với đàn ông” không hấp dẫn cho lắm.

Và rồi, vào đầu những năm 1980, Meredith trở thành một người đấu tranh quyết liệt vì phụ nữ và bắt đầu tiến hành các nghiên cứu về tình trạng lạm dụng trẻ em. Bà phải đối mặt với hết câu chuyện khủng khiếp này đến câu chuyện khủng khiếp khác, và bà tiếp xúc với những người là nạn nhân của các vụ loạn luân — thường là các bé gái — suốt nhiều năm trời. Bà cũng từng công bố rộng rãi một số nghiên cứu thiếu chính xác diễn ra vào thời gian đó — các nghiên cứu mà sau này thành ra đã đánh giá quá cao sự phổ biến của việc quấy rối trẻ em. (Nghiên cứu nổi tiếng nhất được công bố là có tới một phần ba số phụ nữ trưởng thành đã từng bị quấy rối tình dục khi còn nhỏ, và con số đó sau này đã được xác minh là không đúng.)

Và trên hết cả, Meredith đã yêu và bắt đầu mối quan hệ với một người phụ nữ khác, một nạn nhân của tình trạng loạn luân. Meredith phát triển một mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau và độc hại với bạn tình của mình, là một trong số những người phụ nữa mà Meredith luôn cố gắng “cứu giúp” khỏi quá khứ đau thương của họ. Người tình của bà cũng sử dụng quá khứ bất hạnh của mình như là một thứ vũ khí tội lỗi nhằm giành được sự cảm mến của Meredith (tôi sẽ nói rõ hơn về điều này và các ranh giới trong chương 8). Trong khi ấy, mối quan hệ của Meredith với cha mình còn chuyển xấu hơn nữa (ông không hề kinh ngạc khi biết bà đang ở trong một mối quan hệ đồng tính nữ), và bà tham gia các buổi điều trị tâm lý theo một tỷ lệ hơi bị quá đà. Chuyên gia điều trị cho bà, những người mà hành vi của họ được điều khiển bởi các giá trị và niềm tin của mình, thường khăng khăng rằng không chỉ đơn giản bởi vì công việc viết báo đầy căng thẳng hay những mối quan hệ tồi tệ của bà đã khiến bà thấy không hạnh phúc; mà đó hẳn phải là một điều gì đó khác, một thứ gì đó sâu xa hơn nhiều

Vào khoảng thời gian ấy, có một phương pháp trị liệu mới được gọi là liệu pháp ký ức bị kiềm nén[57] trở nên vô cùng phổ biến. Phương pháp điều trị này liên quan tới việc chuyên gia điều trị tâm lý sẽ đưa khách hàng của mình vào trạng thái thôi miên, và bệnh nhân được khuyến khích khơi ra và tái thể nghiệm những ký ức đã lãng quên từ thời thơ ấu. Những ký ức này thường là vô hại, nhưng ý tưởng ở đây là ít nhất thì có một số ít trong đó cũng là những cú sốc.   

Vì thế mà ở đây chúng ta có Meredith tội nghiệp, đau khổ và nghiên cứu về những ca lạm dụng trẻ em và loạn luân mỗi ngày, giận dữ với cha mình, cả đời chịu đựng những mối quan hệ tồi tệ với đàn ông, và người duy nhất có vẻ hiểu được bà hay yêu thương bà lại là một người phụ nữ khác từng là nạn nhân của hành vi loạn luân gia đình. Ôi, và bà ấy nằm trên một chiếc tràng kỷ mà rơi nước mắt mỗi ngày với một vị chuyên gia tâm lý cứ yêu cầu hết lần này tới lần khác rằng bà phải nhớ ra thứ mà bà không nhớ ra nổi. Và thế là, bạn đã có được cái công thức hoàn hảo cho một ký ức được sáng tạo ra về việc lạm dụng tình dục chưa từng xảy ra rồi đấy.  

Mối ưu tiên lớn nhất trong tâm trí chúng ta khi xử lý các trải nghiệm là diễn giải chúng ra theo cái cách mà chúng sẽ được liên hệ tới những trải nghiệm trước đó, tới những cảm xúc, và niềm tin của ta. Nhưng thường thì chúng ta lao vào những tình huống trong cuộc sống mà tại đó quá khứ và hiện tại không liên quan gì tới nhau hết: trong trường hợp đó, những gì mà ta trải qua trong thời điểm ấy lướt qua mọi thứ mà ta từng chấp nhận là đúng và hợp lý về quá khứ của mình. Trong nỗ lực nhằm đạt tới được sự liên hệ, đôi khi tâm trí của chúng ta, giống như trong những trường hợp như thế này, sẽ tạo ra những ký ức sai lệch. Bằng việc liên kết các trải nghiệm trong hiện tại với cái quá khứ được tưởng tượng ra ấy, tâm trí của chúng ta cho phép chúng ta duy trì bất kỳ ý nghĩa nào mà ta đã tạo ra.   

Như đã nói đến ở trên, câu chuyện của Meredith không phải là duy nhất. Thực ra, trong những năm 1980 và đầu những năm 1990, hàng trăm người vô tội từng bị buộc tội oan vì bạo lực tình dục dưới những hoàn cảnh tương tự như thế. Rất nhiều người trong số họ phải ngồi tù vì lẽ đó.

Còn đối với những người không mấy hài lòng về cuộc đời mình, những sự diễn giải được khơi gợi như thế này, kết hợp với khả năng kích động quần chúng của giới truyền thông — thực sự đã có một cơn bệnh dịch về nạn lạm dụng tình dục và bạo hành ma quỷ diễn ra, và bạn có thể cũng là một nạn nhân trong đó — đã thúc đẩy tiềm thức của con người đánh lừa những ký ức của bản thân đôi chút và lý giải những dày vò hiện tại của họ theo cái cách cho phép họ được trở thành nạn nhân và trốn tránh trách nhiệm. Liệu pháp ký ức bị kiềm nén sau đó đóng vai trò như một cách thức để khơi ra những khát khao trong tiềm thức và đưa chúng vào một dạng thức hữu hình của ký ức. 

Cái quá trình này, và tình trạng tâm thức là hệ quả của nó, trở nên phổ biến đến nỗi mà người ta đã đặt hẳn một cái tên cho nó: hội chứng ký ức giả. Nó làm biến đổi cái cách thức mà các phiên tòa diễn ra. Hàng ngàn các chuyên gia điều trị tâm lý đã bị khởi kiện và tịch thu giấy hành nghề. Liệu pháp ký ức bị kiềm nén không được sử dụng nữa và đã bị thay thế bằng các phương pháp hiệu quả hơn. Nghiên cứu gần đây chỉ càng thêm củng cố cái bài học đầy đau đớn tại thời điểm đó: niềm tin của chúng ta là có thể uốn nắn được, và các ký ức của chúng ta là hoàn toàn không đáng tin cậy.  

Rất nhiều câu danh ngôn nói với bạn rằng “hãy tin vào bản thân,” hay “hãy tuân theo trực giác của bạn,” và toàn tập những thứ sáo rỗng nghe chừng hay ho khác.

Nhưng có lẽ câu trả lời lại nằm ở chỗ hãy tin tưởng bản thân bạn ít đi một chút. Xét cho cùng, nếu như trái tim và khối óc của chúng ta là không đáng tin cậy như thế, thì có lẽ ta cũng nên đặt ra nghi vấn nhiều hơn nữa cho các dự định và động cơ của chúng ta. Nếu như tất cả chúng ta đều sai lầm, trong toàn bộ thời gian, vậy thì chẳng phải việc tự hoài nghi bản thân và nghiêm khắc thách thức niềm tin và giả định của chúng ta là con đường hợp lý duy nhất để tiến bộ hay sao?

Điều này nghe qua có vẻ như thật đáng sợ và mang tính tự hủy hoại. Nhưng thực ra nó hoàn toàn ngược lại đấy. Nó không chỉ là một lựa chọn an toàn hơn, mà còn mang tính giải phóng nữa.

Sự Nguy Hiểm Của Tính Chắc Chắn Thuần Túy

Erin ngồi đối diện với tôi trong một nhà hàng sushi và cố gắng luận giải vì sao cô nàng lại không tin vào cái chết. Đã gần ba tiếng rồi, và cô chỉ ăn đúng có bốn miếng cơm cuộn dưa chuột và uống hết một chai rượu sake. (Thực ra thì, cô ta đang uống được gần nửa chai thứ hai rồi.) Lúc này là bốn giờ chiều của một ngày thứ Ba.

Tôi nào có mời cô ta tới đây. Cô ta tìm ra tôi qua mạng Internet và phi thẳng tới đây để gặp tôi.

Lại một lần nữa.

Cô ta đã từng làm như thế này trước đây. Bạn thấy đấy, Erin đang cố thuyết phục tôi rằng mình có thể cứu người khác thoát khỏi cái chết, nhưng cô ta cũng khăng khăng rằng cô ta cần tới cả sự hỗ trợ của tôi nữa để làm điều đó. Nhưng không phải là sự hỗ trợ theo kiểu hợp tác kinh doanh đâu. Nếu như mà cô ta cần tới những lời tư vấn về PR hay gì đó, thì chuyện ấy chỉ là chuyện nhỏ. Nhưng không, còn hơn thế nữa: cô ta muốn tôi trở thành bạn trai của mình. Tại sao cơ chứ? Sau khoảng ba giờ đặt câu hỏi và một chai rưỡi rượu sake, sự việc vẫn chưa được làm sáng tỏ.

Vị hôn thê của tôi cũng có mặt cùng với chúng tôi trong nhà hàng, nhân tiện tôi báo cáo luôn. Erin cho rằng việc để cô ấy tham gia vào cuộc thảo luận là vô cùng quan trọng; Erin muốn cô ấy biết rằng cô ta “sẵn sàng chia sẻ” tôi và rằng bạn gái (mà giờ là vợ tôi) “không cần cảm thẩy bị đe dọa” bởi Erin.

Tôi gặp Erin lần đầu tiên tại một buổi hội thảo về hoàn thiện bản thân vào năm 2008. Cô ta có vẻ cũng là người tử tế. Hơi có khuynh hướng theo tư tưởng duy linh, nhưng cô ta là một luật sư và từng theo học tại một trường đại học hàng đầu, và rõ là thông minh. Và cô ta bật cười trước những câu nói đùa của tôi và nghĩ rằng tôi cũng dễ thương ra phết — nên, đương nhiên rồi, bạn biết tôi rồi đấy, tôi lên giường với cô ta.

Một tháng sau đó, cô ta rủ tôi tới sống cùng mình và chuyển tới đầu kia của đất nước. Chuyện này như là một hồi chuông cảnh tỉnh đối với tôi, và tôi cố gắng cắt đứt quan hệ với cô ta. Cô nàng phản ứng lại bằng cách nói rằng sẽ tự tử nếu như tôi không chịu ở bên cô nàng. Được rồi, cái này cũng là một báo động đỏ nốt. Tôi ngay tức khắc chặn cô nàng khỏi hòm thư điện tử và các thể loại thiết bị cá nhân khác.

Việc này chỉ cản bước chứ không ngăn cô nàng lại được.

Nhiều năm trước khi chúng tôi gặp nhau, Erin đã gặp phải một tai nạn xe hơi và suýt tí nữa thì đi đời nhà ma. Thực ra, về mặt y học cô nàng đã thực sự “chết” trong một khoảng thời gian ngắn — toàn bộ hoạt động não đã ngừng lại — nhưng cô nàng đã hồi sinh một cách thần kỳ. Khi “trở lại,” với cô nàng nói mọi thứ đã thay đổi. Cô nàng trở thành người tin vào tâm linh. Cô nàng bắt đầu có hứng thú, và bắt đầu tin vào, việc chữa trị bằng năng lượng và các thiên thần và tâm thức vũ trụ và những lá bài tarot. Cô ta cũng tin rằng mình trở thành một người chữa bệnh và đọc được ý nghĩ và nhìn thấy tương lai. Và vì bất kỳ lý do gì chăng nữa, sau khi gặp gỡ tôi, cô nàng quyết định rằng cô nàng và tôi có thể cùng nhau cứu thế giới. Để “giải thoát khỏi cái chết,” như lời cô nàng nói.

Sau khi tôi chặn cô nàng lại, cô nàng bắt đầu mở tài khoản email mới, đôi khi gửi cho tôi hàng chục cái thư trong tâm trạng giận dữ mỗi ngày. Cô ta tạo các tài khoản Facebook và Twitter giả để quấy rối tôi cũng như những người thân thiết bên tôi. Cô ta lập hẳn một trang web giống hệt như của tôi và viết vô số bài báo tố cáo rằng tôi là bạn trai cũ của cô nàng và rằng tôi đã nói dối và lừa dối cô nàng, rằng tôi đã từng hứa sẽ cưới cô nàng và rằng cô nàng và tôi thuộc về nhau. Khi tôi liên lạc với cô ta để yêu cầu cô ta gỡ bỏ trang web, cô ta nói rằng sẽ chỉ dỡ nó xuống nếu như tôi bay tới California để sống cùng cô ta. Với cô ta đấy chính là ý tưởng cho sự thỏa hiệp.

Và sau tất cả những điều này, lời biện hộ của cô ta y chang như nhau: số tôi đã định là ở bên cô nàng, rằng Chúa đã định sẵn điều ấy, rằng nửa đêm cô nàng thức dậy trước tiếng gọi của thần linh mách bảo rằng “mối quan hệ đặc biệt của chúng ta” là sự báo hiệu về một kỷ nguyên mới yên bình vĩnh cửu của trái đất. (Và vâng, cô nàng đã nói với tôi đúng y như vậy đấy.)

Khi chúng tôi ngồi lại với nhau trong cái nhà hàng sushi ấy, đã có hàng ngàn email được gửi tới cho tôi. Dù cho tôi có phản hồi hay không phản hồi lại chúng, dù tôi có trả lời vô cùng lịch sự hay đầy giận dữ, vẫn chẳng có gì thay đổi hết cả. Suy nghĩ của cô ta không bao giờ thay đổi; niềm tin của cô ta không hề dao động. Kể từ đấy đến nay đã bảy năm rồi (và chắc sẽ vẫn còn tiếp tục như vậy nữa).

Và như vậy là, trong cái nhà hàng sushi nhỏ xíu, cùng với Erin nốc rượu sake và lảm nhảm hàng giờ liền về việc cô nàng chữa khỏi bệnh sỏi thận cho con mèo nhà mình bằng bàn tay vàng ẩn chứa năng lượng như thế nào, có một điều đã nảy ra trong tâm trí tôi:

Erin là kẻ say mê việc tự cải thiện bản thân. Cô nàng đã đốt khoảng mười ngàn đô vào các cuốn sách và các cuộc hội thảo và các khóa học. Và cái phần điên khùng nhất của toàn bộ mấy thứ này chính là Erin hợp nhất tất cả các bài học mà cô nàng đã thu được vào một chữ T[58]. Cô nàng có ước mơ của mình. Cô nàng kiên trì với nó. Cô nàng hình dung ra nó và hành động và vượt qua những sự chối từ và thất bại và đứng lên và lại cố gắng tiếp. Cô nàng là một kẻ lạc quan không biết mệt. Cô nàng đánh giá bản thân mình khá cao. Ý của tôi là, cô nàng khoe khoang về việc chữa bệnh cho mèo theo đúng cái cách mà Jesus cứu Lazarus[59] ấy — vân vân và mây mây.

Và đúng là các giá trị của cô nàng éo đỡ được nên toàn bộ những điều này chẳng có nghĩa lý gì sất. Việc cô nàng làm “đúng” mọi việc không khiến cho cô nàng luôn đúng.

Ở cô nàng có sự tin chắc mà khiến cô nàng từ chối buông tha cho cái suy nghĩ kia. Cô nàng còn từng nói rất nhiều với tôi về điều này: rằng cô nàng biết rõ sự ấn định của mình là phi lý và không lành mạnh và khiến cho cả bản thân cô nàng lẫn tôi đều không hạnh phúc. Nhưng vì một lý do nào đó mà điều này có cảm giác đúng đắn đối với cô nàng nên cô nàng không thể bỏ qua và không thể dừng lại.

Vào giữa những năm 1990, chuyên gia tâm lý Roy Baumeister[60] bắt đầu tiến hành nghiên cứu khái niệm về hành vi ác tâm. Về cơ bản, ông quan sát những người làm điều xấu và tại sao họ lại làm điều đó.

Tại thời điểm đó người ta cho rằng con người làm việc xấu bởi vì họ cảm thấy chán ghét bản thân mình — vì thế, họ có lòng tự trọng thấp. Một trong những phát hiện đầu tiên gây ngạc nhiên của Baumeister chính là điều này thường không đúng. Trên thực tế, nó thường ngược hẳn lại. Một số những tên tội phạm tàn ác nhất luôn cảm thấy khá hài lòng về bản thân chúng. Và chính bởi vì cái cảm giác hài lòng về bản thân mặc kệ thực tại xung quanh mới khiến cho chúng có lý do mà biện minh cho việc gây tổn thương và coi thường những người khác.

Đối với những người cảm thấy có lý do chính đáng để gây ra những điều tệ hại cho người khác, họ hẳn phải cảm thấy một sự chắc chắn không gì lay chuyển nổi về tính đúng đắn, về niềm tin và sự xứng đáng của bản thân. Những kẻ phân biệt chủng tộc thực hiện những hành vi phân biệt chủng tộc bởi vì họ tin chắc vào tính thượng đẳng của nòi giống mình. Những kẻ cuồng tín đánh bom liều chết và sát hại nhiều người vô tội bởi vì họ tin chắc vào chỗ đứng của mình nơi thiên đường dành cho những kẻ tử vì đạo. Đàn ông hãm hiếp và bạo hành phụ nữ vì tin chắc rằng họ được ban cho đặc quyền đối với thân thể của người phụ nữ.

Những con người độc ác không bao giờ tin rằng họ là kẻ độc ác; thay vì thế, họ tin rằng những người khác mới là kẻ ác.

Trong một thí nghiệm gây tranh cãi, mà giờ đây được gọi đơn giản là thí nghiệm Milgram[61], được đặt theo tên của nhà tâm lý học Stanley Milgram, các nhà nghiên cứu đã yêu cầu những người “bình thường” trừng phạt các tình nguyện viên khác vì không tuân theo quy định. Và họ đã thực sự tiến hành trừng phạt, đôi khi hành vi trừng phạt được tăng cường tới mức độ bạo hành thân thể. Hầu hết những người thực hiện trừng phạt không hề phản đối hay yêu cầu được nghe giải thích. Mà trái lại, nhiều người trong số họ còn có vẻ thích thú với cái sự đoan chắc về tính đạo đức chính đáng của thí nghiệm.

Vấn đề ở đây là không những sự chắc chắn là không thể đạt được, mà việc theo đuổi sự chắc chắn còn phát sinh nhiều hơn (hoặc tệ hơn thế nữa) sự không chắc chắn.

Rất nhiều người có một sự tin chắc không gì lay chuyển nổi về năng lực của họ trong công việc hoặc về số tiền lương mà họ lẽ ra nên kiếm được. Nhưng sự đoan chắc này lại khiến họ thấy tồi tệ hơn, chứ không hề thấy tốt hơn một chút nào. Họ thấy người khác được thăng tiến hơn mình, và họ thấy bị coi nhẹ. Họ cảm thấy mình không được trân trọng và không được ghi nhận.

Ngay cả một hành vi đơn giản như đọc trộm tin nhắn của người yêu bạn hay hỏi thăm bạn bè về việc người khác nói gì về bạn đều xuất phát từ cảm giác thiếu tự tin và nó khơi gợi niềm khao khát về sự đoan chắc.

Bạn có thể kiểm tra tin nhắn của người yêu và không phát hiện được điều gì, nhưng mà hiếm khi chuyện lại dừng ở đấy; vì có thể sau đó bạn sẽ bắt đầu lo lắng rằng có lẽ nào anh ta lại có cái điện thoại thứ hai. Bạn có thể cảm thấy bị coi nhẹ và sẽ xông lên đòi nghe giải thích vì sao bạn lại không có tên trong đợt thăng chức, nhưng rồi điều này sẽ khiến bạn mất lòng tin vào đồng nghiệp và cứ đoán già đoán non hết thảy những điều mà họ nói với bạn (và suy nghĩ của bạn về việc họ cảm thấy gì về bạn), và do đó lại càng khiến bạn cảm thấy mình khó có thể được thăng chức hơn. Bạn có thể tiếp tục theo đuổi người ấy, nhưng trước mỗi lời từ chối tế nhị và qua mỗi một đêm cô đơn, bạn chỉ bắt đầu đặt ra càng nhiều thêm những câu hỏi về việc mình đã sai ở đâu.

Và trong những thời khắc thiếu tự tin, thất vọng nặng nề như thế, ta dễ bị rơi vào sự tự cho mình đặc quyền đầy quỷ quyệt: tin rằng chúng ta xứng đáng được phép gian lận đôi chút để đạt được mục đích của mình, rằng những người khác xứng đáng phải chịu trừng phạt, rằng ta xứng đáng được nhận những điều mình muốn, và đôi khi thông qua cả bạo lực.

Lại một lần nữa quy luật giật lùi xuất hiện: bạn càng cố chắc chắn về một điều gì đó, bạn sẽ lại càng cảm thấy bấp bênh và thiếu an toàn hơn.

Nhưng cả điều ngược lại cũng đúng nữa: bạn càng chấp nhận sự không chắc chắn và hạn chế trong nhận thức, bạn càng cảm thấy thoải mái hơn khi nhận thức về những điều mà bạn không biết.

Sự thiếu chắc chắn loại bỏ đi những phán xét của chúng ta về người khác; nó ngăn chặn sự rập khuôn không cần thiết và những định kiến mà chúng ta cảm nhận về ai đó trên TV, trong văn phòng làm việc, hay trên đường. Sự thiếu chắc chắn cũng giải phóng ta khỏi việc phán xét chính bản thân mình. Chúng ta không biết liệu mình có được yêu quý hay không; chúng ta không biết mình hấp dẫn ra sao; chúng ta không biết liệu mình có khả năng thành công đến đâu. Cách duy nhất để đạt được những điều này là tiếp tục không biết chắc về chúng và cởi mở trong việc tìm kiếm chúng thông qua sự trải nghiệm.

Sự không chắc chắn là gốc rễ của mọi sự tiến bộ và phát triển. Như một câu ngạn ngữ cổ từng nói rằng, người mà tin rằng anh ta biết tuốt thì chẳng học thêm được điều gì. Chúng ta chẳng học được bất cứ thứ gì trừ khi ta không biết về một điều nào đó trước đã. Chúng ta càng thừa nhận rằng mình không biết, thì ta càng có nhiều cơ hội được trau dồi.

Các giá trị của chúng ta là không hoàn hảo và thiếu hoàn thiện, và việc cho rằng chúng hoàn hảo hay hoàn thiện chính là đặt ta vào một nếp suy nghĩ võ đoán đầy nguy hiểm mà sẽ sản sinh cái cảm giác tự cho mình đặc quyền và trốn tránh trách nhiệm. Cách thức duy nhất để giải quyết các vấn đề là đầu tiên cần phải thừa nhận rằng các hành động và niềm tin của ta vào lúc này là không hiệu quả và sai lầm.

Sự cởi mở trước sai lầm phải có đó để mỗi sự thay đổi và phát triển được diễn ra.

Trước khi ta có thể nhìn vào các giá trị và sự ưu tiên của mình và thay đổi chúng cho tốt đẹp hơn, lành mạnh hơn, trước hết ta cần phải trở nên không chắc chắn về những giá trị của ta ở hiện tại. Chúng ta phải lột bỏ chúng đi trong trí óc, nhìn ra những sai lầm và thành kiến của chúng, nhìn ra chúng không phù hợp với toàn bộ phần còn lại của thế giới như thế nào, đối mặt với sự ngu dốt của ta và thừa nhận chúng, bởi vì sự dốt nát của ta còn lớn hơn cả chúng ta.

Định Luật Của Manson Về Sự Lảng Tránh

Có thể bạn đã từng nghe qua định luật Parkinson[62]: “Công việc luôn tự mở rộng ra để chiếm đủ thời gian được ấn định cho nó.”

Bạn cũng từng nghe tới định luật Murphy[63]: “Nếu một điều xấu có thể xảy ra, nó sẽ xảy ra, và vào thời điểm tệ nhất có thể.”

À, lần tới nếu có góp mặt trong một bữa tiệc rượu thời thượng và bạn muốn gây ấn tượng với ai đó, hãy thử áp dụng định luật của Manson về sự lảng tránh lên họ nhá:

Thứ gì càng đe dọa tới bản ngã của bạn, thì bạn sẽ càng lảng tránh nó.

Điều đó có nghĩa là thứ gì càng có nguy cơ khiến bạn thay đổi cách nhìn nhận về bản thân, cách bạn tin về việc mình sẽ thành công/thất bại, cách bạn nhìn nhận mình sống ra sao với hệ chân giá trị của mình, thì bạn sẽ càng lảng tránh việc thực hiện điều đó.

Việc biết rằng bạn hòa hợp ra sao trong cái thế giới này mang lại một cảm giác dễ chịu nhất định. Bất cứ điều gì làm lung lay cái sự dễ chịu ấy — ngay cả khi nó có khả năng khiến cho cuộc đời bạn được tốt đẹp hơn — thì vốn dĩ đã đáng sợ.

Định luật Manson được áp dụng với cả những điều tốt lẫn điều xấu trong cuộc sống. Việc làm ra hàng triệu đô cũng đe dọa bản ngã của bạn như là việc bạn mất sạch tiền vậy; trở thành một ngôi sao nhạc rock cũng đe dọa bản ngã của bạn như khi bạn bị mất việc vậy. Đó là lý do vì sao mà con người ta lại sợ hãi trước thành công đến thế — vì nó có cùng lý do với nỗi sợ hãi của họ trước thất bại: nó đe dọa việc họ tin rằng bản thân mình là ai.

Bạn lảng tránh việc viết ra cái kịch bản phim mà bạn luôn mơ tưởng tới bởi vì nếu làm vậy sẽ dấy lên câu hỏi về bản ngã của bạn với tư cách là một chuyên viên tính toán bảo hiểm[64] có đầu óc thực tế. Bạn lảng tránh việc nói chuyện với chồng mình về việc trở nên đam mê hơn trong phòng ngủ bởi vì cuộc nói chuyện như thế sẽ thách thức bản ngã của bạn trên cương vị một người đàn bà ngoan hiền, đức độ. Bạn lảng tránh việc nói với bạn mình rằng bạn không muốn gặp lại anh ta nữa bởi vì việc kết thúc tình bạn sẽ mâu thuẫn với bản ngã của bạn như là một con người tử tế, vị tha.

Chúng ta khăng khăng bỏ qua những cơ hội tốt và quan trọng bởi vì chúng đe dọa sẽ thay đổi cách ta cảm nhận và đánh giá về chính bản thân mình. Chúng đe dọa các hệ giá trị mà ta đã lựa chọn và đã học cách để sống theo đó.

Tôi có một người bạn, suốt một thời gian dài ơi là dài, cứ nói mãi về việc đưa các tác phẩm nghệ thuật của mình lên mạng và cố gắng trở thành một họa sĩ chuyên nghiệp (hay ít nhất là bán chuyên). Anh ta nói về cái kế hoạch này nhiều năm nay rồi; anh ta cũng đã tiết kiệm đủ tiền rồi; mà anh ta còn xây dựng cả vài trang web khác nhau và đăng tải các tác phẩm của mình lên đó nữa.

Nhưng anh ta chưa từng công bố chúng. Luôn luôn có vài lý do nào đó: độ phân giải của các tác phẩm không được tốt, hoặc anh ta vừa mới vẽ được mấy bức còn ổn hơn, hay hiện anh ta không ở vào vị thế có thể dành toàn bộ thời gian cho việc này.

Năm tháng trôi qua và anh ta không bao giờ từ bỏ “công việc chính” của mình. Tại sao thế? Tại vì dù cho có tơ tưởng đến việc kiếm sống bằng các tác phẩm nghệ thuật, thì khả năng thực tế của việc trở thành một Họa Sĩ Mà Không Ai Khoái đáng sợ hơn rất, rất nhiều so với việc tiếp tục làm một Họa Sĩ Mà Chưa Ai Từng Biết Tới. Ít nhất thì anh ta cũng thấy thoải mái và đã quá quen với việc làm một Họa Sĩ Mà Chưa Ai Từng Biết Tới.

Tôi còn có một thằng bạn khác là một tay mê tiệc tùng, luôn ra ngoài bia rượu và tán tỉnh đám đàn bà con gái. Sau nhiều năm duy trì “cuộc sống phong lưu,” anh ta nhận thấy rằng mình vô cùng cô đơn, tuyệt vọng và sức khỏe giảm sút. Anh chàng muốn từ bỏ lối sống tiệc tùng ấy. Anh ta nói về những người có người thương và “ổn định” hơn anh chàng như chúng tôi đây bằng cái giọng đầy ghen tị. Nhưng mà anh ta chẳng bao giờ thay đổi. Nhiều năm rồi mà anh ta vẫn thế, hết đêm trường này đến đêm trường khác, hết chai này đến chai khác. Luôn luôn có một lý do nào đó. Luôn luôn có lý do cho việc anh ta không thể sống chậm lại.

Từ bỏ cái lối sống ấy là sự đe dọa quá lớn tới bản ngã của anh ta. Anh Chàng Tiệc Tùng là tất cả những gì anh ta biết cách trở thành. Từ bỏ điều ấy đối với anh ta cũng giống như là việc thực hiện nghi thức hara-kiri[65] trên tinh thần vậy.

Tất cả chúng ta đều tự có những giá trị của riêng mình. Chúng ta bảo vệ những giá trị ấy. Chúng ta cố gắng sống vì chúng và chúng ta biện minh cho chúng và duy trì chúng. Ngay cả khi chúng ta không muốn vậy đi chăng nữa, và điều đó cho thấy bộ não của chúng ta mới lạ lùng làm sao. Như đã nhắc tới ở trên, chúng ta có cái định kiến thiếu công bằng về những điều mà chúng ta đã biết, những điều mà chúng ta tin chắc. Nếu như tôi tin rằng tôi là một gã tử tế, thì tôi sẽ tránh xa những tình huống có nguy cơ phủ nhận niềm tin đó. Nếu như tôi tin rằng tôi là một đầu bếp cừ khôi, thì tôi sẽ tìm kiếm những cơ hội để chứng tỏ bản thân mình hết lần này tới lần khác. Niềm tin luôn luôn có quyền ưu tiên. Cho tới khi ta thay đổi cách ta nhìn nhận về bản thân, về những điều mà ta tin bản thân mình là hay không phải là, ta không thể vượt qua nổi sự lảng tránh và lo lắng của mình. Ta chẳng thể nào thay đổi.

Theo cách đó, “hiểu rõ bản thân” hay “tìm ra chính mình” có thể thật đáng quan ngại. Nó có thể sẽ đóng đinh bạn vào một vị thế cứng nhắc và khiến bạn nặng gánh với những sự kỳ vọng không cần thiết. Nó có thể sẽ chặn đứng bạn trước những khả năng tiềm ẩn bên trong con người bạn và những cơ hội ngoài kia.

Tôi nói rằng đừng tìm kiếm bản thân mình. Tôi nói rằng không bao giờ hiểu rõ con người bạn. Bởi vì điều đó sẽ khiến bạn không ngừng cố gắng và khám phá. Và nó sẽ buộc bạn phải luôn duy trì sự khiêm tốn trong những phán xét của mình và chấp nhận sự khác biệt nơi những người khác.

Tiêu Diệt Bản Thân

Đạo Phật cho rằng cái ý niệm của bạn về việc “bạn” là ai là một sự giải thích mang tính độc đoán về mặt trí huệ và rằng bạn nên hoàn toàn buông bỏ cái ý niệm về sự tồn tại của cái “ngã[66]”; cái thước đo độc đoán mà bạn sử dụng để định nghĩa chính mình sẽ thực sự bủa vây lấy bạn, và vì thế mà tốt hơn hết là bạn nên buông bỏ tất cả. Theo một nghĩa nào đó, Phật giáo khuyến khích bạn áp dụng chiến lược đếch thèm quan tâm.

Nghe qua thì có vẻ như không đáng tin, nhưng việc tiếp cận đời sống theo hướng này có những lợi thế nhất định về mặt tinh thần. Khi chúng ta buông bỏ những câu chuyện mà chúng ta kể về chính bản thân mình, với bản thân mình, thì chúng ta tự giải thoát cho mình để thực sự hành động (và sai lầm) và trưởng thành.

Khi có một ai đó tự thừa nhận với bản thân rằng, “Bạn biết đấy, có lẽ tôi không có biệt tài trong việc duy trì mối quan hệ,” thì người đó tự nhiên sẽ được tự do hành động và chấm dứt cuộc hôn nhân tồi tệ kia. Cô ấy không có một cái bản sắc cá nhân nào cần phải bảo vệ bằng cách cứ phải tiếp tục duy trì một cuộc hôn nhân đau khổ chỉ để chứng minh một điều gì đó cho bản thân mình.

Khi một sinh viên tự thừa nhận rằng, “Bạn biết đấy, có lẽ tôi cũng chẳng phải là kẻ nổi loạn gì; có lẽ là tôi chỉ thấy sợ mà thôi,” rồi thì cậu ta sẽ tìm thấy sự tự do trong việc lần nữa trở nên có tham vọng. Cậu ấy không có lý do gì để cảm thấy bị đe dọa khi theo đuổi giấc mơ học vấn của mình và có thể gặp phải thất bại. 

Khi chuyên gia tính toán bảo hiểm tự thừa nhận với bản thân rằng, “Bạn biết đấy, có lẽ mơ ước hay công việc của tôi cũng chẳng có gì đặc biệt hết,” thì anh ta sẽ tự giải phóng mình bằng việc buông tha cho cái kịch bản phim kia và chờ xem điều gì sẽ xảy ra.

Tôi có cả tin tốt lẫn tin xấu giành cho bạn đây: các vấn đề của bạn cũng chỉ đặc biệt hay độc đáo có chút chút thôi. Vì thế mà việc buông bỏ mới mang tính giải phóng đến vậy.

Đi cùng với nỗi sợ hãi là một dạng thức của việc chỉ quan tâm đến bản thân dựa trên một sự tin chắc phi lý nào đó. Khi mà bạn cho rằng chiếc máy bay của bạn là chiếc duy nhất sẽ bị rơi, hay ý tưởng cho dự án của bạn thật là ngu ngốc và người ta sẽ cười nhạo nó, hay bạn là người duy nhất mà mọi người sẽ chễ giễu hoặc bánh bơ, thì bạn đang ngấm ngầm nói với bản thân mình rằng, “Tôi là kẻ ngoại lệ; tôi không giống như những người khác; tôi khác biệt và tôi đặc biệt.”  

Đây là sự tự yêu mình, vô cùng thuần túy và đơn giản. Bạn cảm thấy như thể các vấn đề của bạn xứng đáng được đối xử một cách khác biệt, rằng các vấn đề của bạn có một thuật toán riêng biệt nhất định mà không tuân theo quy luật tự nhiên của vũ trụ này.

Lời kiến nghị của tôi ở đây là: đừng có đặc biệt thế, đừng có độc đáo như vậy. Hãy xác định lại các thước đo của bạn theo những cách thức thế tục và thông thường thôi. Đừng lựa chọn việc đánh giá bản thân mình như một ngôi sao đang lên hay như một thiên tài chưa được phát hiện. Đừng lựa chọn việc đánh giá bản thân mình như một nạn nhân bất hạnh hay một kẻ thất bại thảm hại. Thay vì vậy, hãy đánh giá chính mình bằng những đặc điểm thế tục như: một sinh viên, một người bạn đời, một người bạn, một người sáng tạo.

Bạn càng lựa chọn cho mình những đặc tính nhận diện theo chiều hẹp và hiếm hoi bao nhiêu, thì mọi thứ sẽ càng có tính đe dọa đối với bạn bấy nhiêu. Vì lẽ đó, bạn hãy định nghĩa bản thân mình theo những cách thức đơn giản và thông thường nhất có thể.

Điều này thường có nghĩa là từ bỏ một số ý tưởng to tát về bản thân bạn: chẳng hạn như bạn là kẻ thông mình tuyệt đỉnh, hay tài năng vô đối, hay hấp dẫn dã man, hay là một nạn nhân đặc biệt theo cái cách mà những người khác không mường tượng ra nổi. Điều này có nghĩa là từ bỏ cảm giác về việc được ban cho đặc quyền của bạn hoặc là niềm tin rằng thế giới này mắc nợ bạn điều gì đó. Điều này có nghĩa là từ bỏ việc nuôi dưỡng những sự hưng phấn về mặt cảm xúc mà bạn đã duy trì suốt nhiều năm qua. Như một tên xì ke từ bỏ ống tiêm, bạn sẽ phải trải qua quá trình cai nghiện khi bạn bắt đầu vứt bỏ những điều này. Nhưng bạn sẽ tiến tới một thái cực khác tốt đẹp hơn nhiều.

Làm Sao Để Ít Chắc Chắn Hơn Về Bản Thân Mình?

Image

Việc đặt ra câu hỏi cho bản thân và nghi ngờ các suy nghĩ và niềm tin của chúng ta là một trong những kỹ năng khó có thể bồi đắp nhất. Nhưng nó hoàn toàn có thể thực hiện được. Dưới đây là một vài câu hỏi mà sẽ giúp bạn nuôi dưỡng thêm một chút ít những sự không chắc chắn trong cuộc đời mình.

Câu hỏi #1: Nếu tôi sai thì sao?

Một người bạn của tôi gần đây đã đính hôn và sắp làm đám cưới. Anh chàng cầu hôn với cô ấy khá là đáng tin cậy. Anh ta không rượu chè. Anh ta cũng không hề đánh đập hay ngược đãi cô ấy. Anh chàng lại còn thân thiện và có một công việc rất tốt nữa chứ.

Nhưng kể từ lễ đính hôn, ông anh trai của cô bạn tôi cứ liên tục quở trách cô ấy về sự thiếu chín chắn của những lựa chọn trong đời cô, cảnh báo cô ấy rằng cô ấy sẽ tự gây tổn thương cho bản thân khi lựa chọn anh chàng kia, rằng cô ấy đang phạm phải sai lầm, rằng cô ấy thật là thiếu trách nhiệm. Và mỗi khi mà cô bạn tôi chất vấn ông anh mình, “Có chuyện gì với anh thế? Sao anh cứ bận tâm về việc này mãi vậy?” thì ông anh ấy lại ra vẻ như thể chẳng có vấn đề gì hết cả, rằng cái vụ đính hôn này chẳng động chạm gì đến anh ta hết, rằng anh ta chỉ đang cố giúp đỡ và chăm sóc cô em gái bé bỏng của mình mà thôi.

Nhưng rõ ràng là có điều gì đó đang làm ông này lo lắng. Có thể đó là sự bất an của chính anh ta về việc kết hôn. Có thể đó là tính ganh đua giữa anh chị em với nhau. Có thể đó là vì ghen tị. Có thể là bởi vì anh ta quá ám ảnh với nỗi bất hạnh của bản thân nên không biết làm thế nào để mừng cho những người khác mà không làm khổ họ trước tiên.

Như là một quy luật chung, chúng ta là những kẻ nhận xét kém cỏi nhất về bản thân mình trên trái đất này. Khi mà ta tức giận, hay ghen tuông, hay bực bội, thì ta luôn là kẻ cuối cùng nhận ra điều đó. Và cách duy nhất để nhận ra điều đó là đâm thủng lớp áo giáp tin chắc của ta bằng cách không ngừng đặt câu hỏi về việc liệu ta có thể sai lầm ra sao về bản thân mình.

“Liệu tôi có đang ghen tị hay không — và nếu như là có, thì tại sao?” “Liệu tôi có đang tức giận hay không?” “Cô ấy nói có đúng không, rằng tôi chỉ đang bảo vệ cái tôi của mình?”

Những câu hỏi như thế này cần phải trở thành một thói quen tinh thần. Trong nhiều trường hợp, hành động đơn giản của việc đặt ra cho chúng ta những câu hỏi như vậy đòi hỏi sự khiêm tốn và lòng trắc ẩn cần thiết để giải quyết rất nhiều vấn đề của chúng ta.

Nhưng cũng rất cần ghi nhớ rằng chỉ bởi vì bạn tự hỏi về việc liệu mình có thực sự sai thì không nhất thiết phải là như vậy. Nếu như mà thằng chồng bạn đánh bạn một trận thừa sống thiếu chết vì cái tội làm cháy nồi thịt om và bạn tự hỏi rằng có phải mình đã sai chỉ để tin vào việc hắn ta ngược đãi bạn — ơ, thế thì bạn cũng đáng bị đánh lắm cơ. Mục đích ở đây là chỉ đơn thuần đặt câu hỏi và đón nhận cái suy nghĩ tại thời điểm đó, chứ không phải là tự căm ghét bản thân mình.

Nên nhớ rằng với bất kỳ một sự thay đổi nào diễn ra trong đời bạn, bạn chắc chắn phải sai ở một điểm nào đấy. Nếu như bạn cứ ngồi đó, đau khổ hết ngày này sang ngày khác, thì như thế có nghĩa là bạn đã sai về một điều nào đó tương đối quan trọng trong cuộc đời bạn rồi đấy, và cho tới khi mà bạn có thể tự đặt ra câu hỏi cho mình để tìm ra nó, thì sẽ chẳng có điều gì thay đổi hết.

Câu hỏi #2: Việc tôi sai có nghĩa là gì?

Rất nhiều người có thể đặt cho mình câu hỏi rằng liệu họ có sai hay không, nhưng chỉ một số rất ít mới có thể tiến thêm một bước nữa và thừa nhận rằng việc họ sai có nghĩa là gì. Đó là bởi vì ý nghĩa tiềm ẩn đằng sau sai lầm của chúng ta thường rất đau đớn. Nó không chỉ đòi hỏi việc ta phải đặt nghi vấn về các giá trị của mình, mà còn buộc ta phải xét xem một giá trị trái ngược, khác biệt sẽ trông như thế nào.

Aristotle từng viết rằng, “Chỉ có một tâm trí được rèn luyện mới có khả năng đón nhận một suy nghĩ mà không thừa nhận nó.” Việc có thể nhìn nhận và đánh giá các giá trị khác nhau mà không cần thiết phải áp dụng chúng có lẽ là kỹ năng chính yếu cần thiết trong việc thay đổi cuộc đời một ai đó theo hướng có ý nghĩa.

Còn đối với người anh trai của bạn tôi, câu trả lời mà anh ta nên đặt ra cho bản thân là, “Điều này có nghĩa là gì nếu như tôi đã sai về đám cưới của em gái?” Thường thì câu trả lời dành cho một câu hỏi như vậy là khá thẳng thắn (và giống như “Mình đúng thật là một thằng khốn ích kỷ/bất an/tự yêu mình”). Nếu như anh ta đã sai, và việc đính hôn của cô em gái là hoàn toàn bình thường và lành mạnh và đáng chúc mừng, thì không có cách nào giải thích được cho thái độ của anh ta hơn là bởi sự bất an và các giá trị hỗn loạn của anh ta. Anh ta cho rằng mình biết được điều gì là tốt nhất cho cô em gái và rằng cô ấy không thể tự mình đưa ra những quyết định quan trọng trong cuộc sống; anh ta cho rằng mình có quyền và có trách nhiệm phải quyết định thay em gái; anh ta đoan chắc rằng mình đã đúng và tất cả những người khác hẳn đã sai.  

Ngay cả một khi được làm sáng tỏ, dù cho là đối với ông anh trai của cô bạn tôi hay là bản thân chúng ta, thật khó để thừa nhận về việc tự cho mình đặc quyền như vậy. Nó sẽ khiến ta đau đớn. Vì thế mà chỉ rất ít người đặt ra những câu hỏi khó khăn. Nhưng việc đề ra câu hỏi là cần thiết cho việc tiếp cận những vấn đề cốt lõi thúc đẩy hành vi ích kỷ của anh ta, và của cả chúng ta nữa.

Câu hỏi #3: Liệu việc sai lầm có khả năng tạo ra một vấn đề tốt đẹp hay tồi tệ hơn so với vấn đề hiện tại của tôi, vì bản thân tôi và cả những người khác hay không?

Đây là câu hỏi quyết định cho việc liệu có phải ta có một vài giá trị đáng tin cậy hay không, hay là ta hoàn toàn những kẻ ngu ngốc loạn thần kinh làm mọi người, bao gồm cả chúng ta, bấn loạn hết cả lên.

Mục đích ở đây là xét xem vấn đề nào là tốt hơn. Bởi vì xét cho cùng, đúng như Con Gấu Mèo U Uất từng nói, các vấn đề trong cuộc đời có bao giờ biến mất éo đâu.

Đối với ông anh của cô bạn tôi, thì những lựa chọn của anh ta là gì?

  1. Tiếp tục tạo ra những sự việc rối ren và mâu thuẫn trong gia đình, làm phức tạp hoá những gì có thể xem như là một khoảnh khắc hạnh phúc, và hủy hoại niềm tin và sự tôn trọng mà anh ta đã có với em gái, tất cả chỉ bởi vì anh ta có một linh cảm (hay ai đó có thể gọi là trực giác) rằng cậu trai kia không tốt cho cô ấy.
  2. Nghi ngờ khả năng của chính anh ta trong việc quyết định điều gì là đúng hay sai cho em gái mình và tỏ ra khiêm nhường, tin vào năng lực của cô ấy trong việc ra quyết định, và ngay cả khi không thể làm được điều đó, thì anh ta vẫn cứ chấp nhận những quyết định của em gái vì tình yêu và sự tôn trọng mà anh ta dành cho cô ấy.

Hầu hết mọi người đều chọn A. Bởi vì A là con đường dễ dàng hơn hẳn. Nó đòi hỏi ít tư duy, không cần phải đoán già đoán non, và cũng chẳng cần phải nhẫn nại trước quyết định của những người khác nếu như bạn không thích.

Nó cũng gây nhiều khổ sở nhất cho tất cả những ai liên can tới.

Chỉ có lựa chọn B mới duy trì được mối quan hệ lành mạnh và hạnh phúc dựa trên sự tin tưởng và tôn trọng. Chỉ có lựa chọn B mới buộc mọi người phải luôn khiêm nhường và thừa nhận sự ngu dốt của mình. Chỉ có lựa chọn B mới cho phép mọi người vượt lên trên sự bất an của bản thân và nhận ra những tình huống mà ở đó họ đã hành xử bốc đồng hay thiếu công bằng hoặc ích kỷ ra sao.

Nhưng lựa chọn B thì thật khó khăn và đau đớn, vì vậy hầu hết mọi người không chọn nó.

Ông anh của cô bạn tôi, khi phản đối lễ đính hôn của cô ấy, đã bước vào một cuộc tranh đấu tưởng tượng với chính anh ta. Chắc chắn, anh ta tin rằng mình đang cố gắng bảo vệ cô em gái, nhưng như ta đã thấy, niềm tin là thứ mang tính độc đoán; tệ hơn nữa, chúng thường được thêu dệt sau khi sự việc diễn ra chỉ để biện minh cho bất kỳ giá trị hay thước đo nào mà ta đã lựa chọn cho bản thân mình. Sự thật là, anh ta thà phá hỏng mối quan hệ với em gái còn hơn là phải cân nhắc xem liệu anh ta có thể nào đã sai lầm hay không — mặc dù việc lựa chọn vế sau sẽ giúp anh ta vượt qua sự bất an khiến anh ta mắc phải sai lầm ngay từ đầu.

Tôi cố gắng chỉ sống với một vài quy tắc, nhưng có một quy tắc mà tôi đã duy trì suốt nhiều năm nay là: nếu như mà mọi việc của tôi có bị bung bét, hoặc công việc của những người khác có bị làm cho bung bét, thì có vẻ như rất, rất, rất đúng là tôi là kẻ duy nhất làm hỏng chuyện. Tôi học được điều này từ kinh nghiệm. Tôi là kẻ ngu ngốc có vô số lần cư xử không hợp lẽ bởi sự thiếu tự tin và cái sự đoan chắc lệch lạc của bản thân. Và điều này chẳng hay ho gì.

Như thế không có nghĩa là không tồn tại những khía cạnh mà hầu như mọi người đều làm hỏng việc. Và như thế không có nghĩa là không có những lúc mà bạn sẽ đến gần chân lý hơn so với những người khác.

Đấy là thực tế đơn giản: nếu bạn cảm thấy như thể một mình đang đấu lại toàn bộ thế giới, thì có lẽ thực ra chỉ có bạn chống lại bản thân bạn mà thôi.