Nạn nhân của bạn sống trong thế giới của họ, tâm trí họ luôn bị các nỗi lo lắng hằng ngày xâm chiếm. Mục tiêu trong giai đoạn đầu này là dần dần phân tách họ khỏi thế giới khép kín ấy và lấp đầy tâm trí họ bằng hình ảnh của bạn. Một khi bạn đã xác định được người mình sẽ quyến rũ (1: Chọn nạn nhân phù hợp) thì nhiệm vụ đầu tiên là gây được sự chú ý đối với nạn nhân và làm họ quan tâm tới bạn. Đối với những người khó tính hoặc còn do dự, bạn nên tìm cách tiếp cận khác từ từ, âm ỉ hơn, đó là làm bạn với họ (2: Giả vờ tạo cảm giác an toàn – tiếp cận gián tiếp); đối với những người đang chán nản và dễ dàng tấn công hơn thì cách tiếp cận kịch tính hơn sẽ có hiệu quả, mê hoặc họ bằng những điều bí ẩn (3: Phát những tín hiệu khó hiểu) hoặc vờ trở thành người mà người khác luôn tìm kiếm và mong muốn chiếm hữu (4: Tỏ ra là thứ mọi người muốn chiếm hữu).
Một khi đã kích thích được sự tò mò của nạn nhân, bạn cần làm cho mối quan tâm của họ thành cái gì đó mạnh hơn – đó là khao khát. Sự khao khát thường theo sau cảm giác trống vắng, thiếu thốn cái gì đó từ trong nội tâm và cần được lấp đầy. Bạn phải cố tình truyền cho họ cảm giác ấy, làm họ cảm thấy đời mình còn thiếu sự phiêu lưu và lãng mạn thú vị (5: Tạo nhu cầu – khơi gợi cảm giác lo lắng và bất mãn). Nếu họ thấy bạn là người có thể lấp đầy trống vắng trong họ, mối quan tâm sẽ chín muồi thành sự khao khát. Sự khao khát sẽ bùng cháy khi ta gieo vào tâm trí họ những gợi ý ngầm về sự vui thích đầy hấp dẫn đang chờ đón họ (6: Làm chủ nghệ thuật tác động). Hãy cho nạn nhân thấy được giá trị của họ, nương theo mong muốn và tâm trạng của họ – họ sẽ cảm thấy bị lôi cuốn và vui sướng (7: Đi vào tâm hồn họ). Bạn sẽ không hiểu làm thế nào mà suy nghĩ của họ giờ đây chỉ còn xoay quanh bạn. Đã đến lúc tiến hành cái gì khác mạnh mẽ hơn. Hãy dùng viễn cảnh phiêu lưu vui thích để cám dỗ họ (8: Tạo cám dỗ) và họ sẽ theo sự dẫn dắt của bạn.