Hãy bắt đầu bằng việc từ bỏ, đừng chậm trễ
Bạn nghĩ mình đã dọn dẹp xong hết mọi thứ, nhưng chỉ sau vài ngày, bạn thấy phòng mình lại trở nên bừa bộn như cũ. Theo thời gian, bạn có thêm nhiều đồ vật và trước khi kịp nhận ra, không gian của bạn đã quay trở lại tình trạng trước đó. Hiệu ứng trở lại trạng thái cũ này là do dọn dẹp nửa vời. Như tôi đã đề cập ở trên, chỉ có một cách duy nhất để thoát khỏi vòng xoáy tiêu cực này, đó là dọn dẹp hiệu quả trọn vẹn một lần, nhanh chóng hết mức có thể, để tạo ra môi trường ngăn nắp hoàn hảo. Nhưng làm thế nào để có được tư duy đúng đắn trong việc này?
Khi dọn dẹp triệt để không gian của mình, bạn làm biến chuyển cảnh quan xung quanh bạn. Sự thay đổi này dễ nhận ra tới mức bạn sẽ cảm thấy như thể mình đang sống trong một thế giới hoàn toàn khác. Sự thay đổi này tác động sâu sắc tới tâm trí bạn và gợi ra sự ác cảm mạnh mẽ không muốn trở lại với tình trạng bừa bộn trước kia. Nó cũng tạo ra sự thay đổi đột ngột đến mức khiến bạn thay đổi toàn bộ cảm xúc của mình. Tác động tương tự có thể không bao giờ đạt được nếu quá trình diễn ra một cách từ từ.
Để đạt được sự thay đổi đột ngột như thế, bạn cần sử dụng phương pháp dọn dẹp hiệu quả nhất. Nếu không thì trước khi bạn nhận ra, thời điểm đó đã trôi qua và bạn thì không có được tiến triển nào. Càng mất nhiều thời gian, bạn càng cảm thấy mệt mỏi, và càng có nhiều khả năng bạn sẽ từ bỏ khi mới chỉ đi được nửa quãng đường. Khi mọi thứ lại tiếp tục chồng đống lên, bạn sẽ rơi vào vòng xoáy tuột dốc. Theo kinh nghiệm của tôi, “nhanh” có nghĩa là khoảng nửa năm. Dường như đó là một khoảng thời gian dài, nhưng lại chỉ là sáu tháng trong toàn bộ cuộc đời bạn. Ngay khi quá trình này hoàn thành và bạn được trải nghiệm thế nào là sự ngăn nắp hoàn hảo, bạn sẽ mãi mãi thoát khỏi quan niệm sai lầm cho rằng bạn không giỏi việc dọn dẹp.
Để có những kết quả tốt nhất, tôi đề nghị bạn kiên định tuân theo nguyên tắc sau: dọn dẹp theo thứ tự đúng. Như chúng ta đã biết, chỉ có hai nhiệm vụ mà thôi – từ bỏ đồ dùng và quyết định xem nên cất đồ dùng ở đâu. Chỉ có hai nhiệm vụ như vậy, nhưng việc từ bỏ đồ dùng phải được thực hiện trước tiên. Hãy đảm bảo hoàn thành xong nhiệm vụ đầu tiên trước khi bắt tay vào nhiệm vụ thứ hai. Thậm chí đừng nghĩ đến việc thu dọn đồ đạc cho đến khi bạn kết thúc quá trình từ bỏ. Không thể tuân theo thứ tự này là một lí do khiến nhiều người không bao giờ có được sự tiến triển bền vững. Đang tiến hành từ bỏ đồ đạc, họ lại nghĩ về việc nên cất đồ đạc ở đâu. Ngay khi họ nghĩ: “Không biết nó có vừa với chiếc ngăn kéo này không”, công việc từ bỏ đồ đạc sẽ bị ngưng trệ. Bạn có thể nghĩ về nơi cất giữ đồ đạc khi bạn đã kết thúc việc từ bỏ mọi thứ mà bạn không cần.
Tóm lại, bí quyết thành công là hãy dọn dẹp chỉ trong một lần, nhanh chóng và triệt để nhất có thể, và hãy bắt đầu bằng việc từ bỏ đồ đạc.
Cho đến lúc này chắc bạn đã hiểu tại sao việc từ bỏ đồ dùng trước khi nghĩ về nơi cất giữ lại có ý nghĩa quan trọng đến vậy. Thế nhưng bắt đầu từ bỏ đồ đạc mà không suy tính từ trước sẽ chỉ đẩy bản thân vào chỗ thất bại thậm chí trước cả khi bắt đầu. Thay vào đó, hãy bắt đầu bằng việc xác định mục tiêu của bạn. Chắc hẳn phải có lí do khiến bạn đọc cuốn sách này. Có phải nó chính là lí do đã thúc đẩy bạn phải dọn dẹp không? Bạn hi vọng đạt được điều gì thông qua việc dọn dẹp?
Trước khi bắt đầu bỏ bớt đồ đạc đi, bạn hãy dành thời gian suy nghĩ cặn kẽ về việc này. Điều này có nghĩa là hình dung về cuộc sống lí tưởng mà bạn hằng mong ước. Nếu bạn bỏ qua bước này, không chỉ toàn bộ quá trình bị trì hoãn mà nguy cơ cao là mọi thứ sẽ trở lại trạng thái cũ. Những mục tiêu như “tôi không muốn sống bừa bộn nữa” hoặc “tôi muốn mình có thể thu dọn mọi thứ” là những mục tiêu quá rộng. Bạn cần suy nghĩ cụ thể hơn nữa. Hãy nghĩ đến những từ cụ thể tới mức mà bạn có thể hình dung rõ ràng về một cuộc sống trong không gian ngăn nắp sẽ như thế nào.
Một khách hàng nữ tuổi đôi mươi xác định giấc mơ của cô ấy là “một lối sống nữ tính hơn”. Cô ấy sống trong một căn phòng bừa bộn rộng khoảng 3 x 4m – có một chiếc tủ liền tường và ba chiếc giá kích cỡ khác nhau. Căn phòng này lẽ ra có đủ không gian cất giữ đồ đạc, nhưng dù nhìn hướng nào, tất cả những gì tôi thấy chỉ là sự lộn xộn. Chiếc tủ đồ đầy đến mức không thể đóng lại được, còn quần áo lòi ra từ các ngăn kéo như thể phần ruột chìa ra ngoài chiếc bánh kẹp. Thanh treo rèm cửa ở phía trên cửa sổ mắc nhiều quần áo tới mức chẳng cần tới rèm cửa nữa. Sàn và giường phủ kín những chiếc rổ và túi đựng đầy tạp chí, tài liệu. Khi đi ngủ, cô ấy chuyển những thứ trên giường xuống sàn và khi thức dậy, cô ấy lại chuyển chúng lên giường để lấy lối đi ra cửa đi làm. Lối sống của cô ấy chắc chắn không thể gọi là “nữ tính” cho dù người ta có cố hình dung thế nào chăng nữa.
Tôi hỏi: “Bạn nghĩ thế nào về một ‘lối sống nữ tính’?” Cô ấy suy nghĩ hồi lâu trước khi trả lời:
“À, nghĩa là khi tôi đi làm về, sàn nhà sẽ không còn bừa bộn… và phòng của tôi sẽ sạch sẽ, gọn gàng như phòng khách sạn, không còn bất cứ thứ gì làm mắt mình vướng bận. Tôi sẽ có ga giường màu hồng và chiếc đèn kiểu cổ màu trắng. Trước khi đi ngủ, tôi sẽ tắm, đốt dầu thơm và nghe những bản nhạc piano hay violin cổ điển khi tập yoga và uống trà thảo mộc. Tôi sẽ chìm vào giấc ngủ với cảm giác thoải mái thư nhàn.”
Mô tả của cô ấy sống động như thể cô ấy thực sự đang sống theo cách đó. Để có thể mô tả chi tiết như thế, điều quan trọng là bạn cần mường tượng lối sống lí tưởng của mình và viết ra giấy. Nếu thấy khó khăn, không thể vẽ ra bức tranh về lối sống mà mình mong muốn, bạn hãy thử xem những cuốn tạp chí về trang trí nội thất và tìm ra những hình ảnh đúng ý mình. Tham quan những ngôi nhà trưng bày cũng là một cách hữu ích. Việc xem xét những ngôi nhà khác nhau sẽ giúp bạn cảm nhận được về điều mình thích. Người khách hàng mà tôi vừa nêu ở trên thực sự thích phương pháp trị liệu bằng hương thơm sau khi tắm, âm nhạc cổ điển và yoga. Để thoát khỏi tình trạng lộn xộn, cô ấy muốn tìm kiếm lối sống nữ tính mà mình hằng khao khát.
Giờ đây khi bạn có thể hình dung rõ ràng về lối sống mà mình ao ước, vậy thì đã đến lúc để chuyển sang việc từ bỏ đồ đạc hay chưa? Không, chưa đâu. Tôi hiểu là bạn đã mất kiên nhẫn, nhưng để ngăn tình trạng trở lại trạng thái cũ, bạn cần tiến lên chính xác từng bước từng bước một khi bắt tay thực hiện sự kiện một lần duy nhất trong đời. Bước tiếp theo là xác định tại sao bạn muốn sống như vậy. Hãy xem lại những ghi chép của bạn về lối sống mà bạn mong muốn và suy nghĩ lần nữa. Tại sao bạn muốn sử dụng phương pháp trị liệu bằng hương thơm trước khi ngủ? Tại sao bạn muốn nghe nhạc cổ điển khi tập yoga? Nếu câu trả lời là “vì tôi muốn thư giãn trước khi ngủ” và “tôi muốn tập yoga để giảm cân”, thì hãy tiếp tục tự hỏi tại sao mình muốn thư giãn và tại sao mình muốn giảm cân. Có thể câu trả lời của bạn sẽ là “tôi không muốn mệt mỏi khi đi làm vào ngày hôm sau” và “tôi muốn ăn kiêng để trở nên xinh đẹp hơn”. Tự hỏi “Tại sao?” lần nữa với mỗi câu trả lời trên. Lặp lại quá trình này từ ba đến bốn lần cho mỗi mong muốn của bạn.
Khi tiếp tục khám phá những lí do đằng sau lối sống lí tưởng của mình, bạn sẽ có được sự nhận thức đơn giản. Điểm chung cho cả việc từ bỏ lẫn việc giữ lại đồ đạc đó là cảm giác vui vẻ. Điều này dường như là hiển nhiên, nhưng quan trọng là bạn cần trải nghiệm nhận thức này vì chính mình và để nó ngấm vào trong tim. Trước khi bắt đầu dọn dẹp, hãy xem xét lối sống mà bạn khao khát và tự hỏi: “Tại sao tôi muốn dọn dẹp?” Khi tìm ra câu trả lời, bạn đã sẵn sàng tiến tới bước tiếp theo: kiểm tra những thứ mà bạn sở hữu.
Bạn sử dụng tiêu chuẩn nào khi quyết định vứt bỏ thứ gì đó đi?
Có một số cách thức chung cho việc từ bỏ đồ đạc. Ví dụ, người ta sẽ bỏ vật dụng khi chúng ngừng hoạt động vì bị vỡ hỏng không thể sửa chữa hoặc có một linh kiện nào đó bị hỏng hóc. Một lí do khác là khi chúng hết hạn sử dụng, chẳng hạn quần áo không còn hợp mốt hoặc những thứ liên quan tới một sự kiện đã qua. Thật dễ để bỏ đi vật dụng khi có một lí do hiển nhiên. Chúng ta sẽ thấy khó khăn hơn nhiều khi không có một lí do bắt buộc nào cả. Những chuyên gia khác đã đưa ra các tiêu chí để từ bỏ những thứ mà người ta thấy khó từ bỏ. Những tiêu chí này gồm các nguyên tắc như “từ bỏ bất cứ thứ gì mà bạn không dùng đến trong vòng 1 năm”, và “nếu bạn không thể quyết định, hãy đóng những thứ đó vào trong một cái thùng và 6 tháng sau hãy xem lại chúng.” Tuy nhiên, thời điểm mà bạn bắt đầu tập trung vào cách thức lựa chọn thứ gì để bỏ đi, thực sự bạn đã đi chệch hướng. Trong tình huống này, đây là rủi ro cực lớn khiến cho bạn ngừng dọn dẹp.
Từng có lúc trong đời, tôi gần như một “chiếc máy nghiền rác”. Sau khi phát hiện ra cuốn sách Nghệ thuật từ bỏ lúc 15 tuổi, mọi sự chú ý của tôi tập trung vào cách từ bỏ đồ dùng và những nỗ lực tìm hiểu của tôi ngày một gia tăng. Tôi luôn luôn tìm kiếm những chỗ mới để thực hành, như phòng của anh chị em trong nhà hoặc các kho cất dụng cụ ở trường. Đầu tôi chứa đầy những mẹo dọn dẹp, và tôi đã hoàn toàn tin tưởng, cho dù sai lầm, rằng mình có thể dọn dẹp bất cứ nơi nào.
Mục tiêu của tôi lúc đó là từ bỏ nhiều nhất có thể. Tôi áp dụng mọi tiêu chí trong những cuốn sách mà tôi đọc về việc giảm bớt vật dụng. Tôi thử bỏ những quần áo mà tôi không mặc trong hai năm qua, từ bỏ một thứ mỗi khi tôi mua thứ gì mới và vứt đi bất thứ gì mà tôi cảm thấy không chắc về nó. Trong vòng một tháng, tôi đã vứt đi 30 túi rác. Nhưng dù bỏ đi nhiều đến thế nào, tôi vẫn không cảm thấy phòng nào trong nhà mình trở nên ngăn nắp, gọn gàng hơn.
Thực tế là tôi thấy mình đi mua sắm chỉ để giải tỏa nỗi căng thẳng và cảm thấy khổ sở vì thất bại trong việc giảm bớt những thứ mà mình sở hữu. Ở nhà, tôi luôn bồn chồn, liên tục để mắt đến những thứ không cần thiết có thể vứt đi. Khi phát hiện thứ gì không dùng đến, tôi sẽ vồ lấy đầy căm thù và vứt nó vào sọt rác. Không ngạc nhiên khi tôi ngày càng trở nên cáu kỉnh và căng thẳng, cảm thấy không thể nào thoải mái thậm chí ngay cả khi ở nhà mình.
Một ngày nọ sau khi từ trường về, tôi mở cửa phòng mình để bắt đầu dọn dẹp như thường lệ. Nhìn vào không gian vẫn chưa ngăn nắp ấy, cuối cùng tôi cũng không thể kiềm chế cảm xúc. “Mình không muốn dọn dẹp gì nữa!” Tôi khóc. Ngồi xuống giữa phòng, tôi bắt đầu suy nghĩ. Tôi đã dành ba năm dọn dẹp và từ bỏ vật dụng, nhưng vẫn cảm thấy phòng mình bừa bộn. Ai đó làm ơn nói cho tôi biết tại sao phòng tôi vẫn không ngăn nắp trong khi tôi đã tốn bao công sức vì nó! Mặc dù không nói to điều đó, nhưng trong tim mình tôi thực sự đang hét lên. Vào khoảnh khắc đó, tôi nghe thấy một giọng nói.
“Hãy nhìn gần hơn nữa vào những thứ ở đó.”
Có ý gì vậy? Tôi nhìn mọi thứ ở đây hàng ngày gần đến mức chúng có thể bị thủng lỗ vì cái nhìn của tôi. Với ý nghĩ đó vẫn nguyên trong đầu, tôi nhanh chóng ngủ gục ngay trên sàn. Nếu khi đó tôi sáng suốt hơn một chút thôi thì lẽ ra tôi đã phải thừa nhận rằng trước đây tôi trở nên lo lắng thái quá khi tập trung vào mỗi việc vứt bỏ những thứ có thể mang lại nỗi buồn. Tại sao vậy? Bởi vì chúng ta nên lựa chọn những thứ mà mình muốn giữ lại, chứ không phải là những thứ chúng ta muốn bỏ đi.
Khi thức dậy, ngay lập tức tôi biết giọng nói cất lên trong đầu tôi muốn nói gì. Hãy nhìn gần hơn nữa vào những thứ ở đó. Tôi đã quá tập trung vào những thứ cần từ bỏ, vào việc tấn công những chướng ngại vật không mong muốn quanh mình, mà quên đi việc trân trọng những thứ tôi yêu thích, những thứ mà tôi muốn giữ lại. Thông qua kinh nghiệm này, tôi đã đi đến kết luận rằng cách tốt nhất để lựa chọn những vật giữ lại và những vật bỏ đi là cầm từng thứ trong tay và hỏi: “Thứ này có mang lại niềm vui không?” Nếu có, hãy giữ nó. Nếu không, hãy vứt nó đi. Đây không chỉ là cách đơn giản nhất mà còn là tiêu chí đánh giá chính xác nhất.
Bạn có thể băn khoăn về tính hiệu quả của một tiêu chí mơ hồ như vậy, nhưng bí quyết chính là việc cầm lên từng thứ một. Đừng chỉ mở tủ quần áo và quyết định sau khi nhìn lướt qua mọi thứ trong đó. Bạn phải lấy từng trang phục ra và cầm trong tay. Khi bạn chạm vào một trang phục nào đó, cơ thể bạn sẽ phản ứng. Với mỗi trang phục, sự phản ứng lại khác nhau. Tin tôi đi và hãy thử xem.
Tôi lựa chọn tiêu chí này vì một lí do. Rốt cuộc, mấu chốt trong việc dọn dẹp là gì? Chính là để không gian của chúng ta và những thứ trong đó mang lại cho chúng ta niềm hạnh phúc. Do đó, tiêu chí đúng đắn nhất để lựa chọn giữ lại hay bỏ đi thứ gì là xem nó có khiến bạn hạnh phúc không, nó có mang lại cho bạn niềm vui không.
Bạn có hạnh phúc khi mặc những trang phục khiến mình cảm thấy không thoải mái không?
Bạn có cảm thấy vui khi vây quanh mình là hàng chồng sách chưa đọc và chúng không khiến cho trái tim bạn rung động?
Bạn có nghĩ việc sở hữu những phụ kiện mà bạn biết là mình sẽ không bao giờ dùng tới có thể mang lại hạnh phúc cho bạn?
Câu trả lời cho những câu hỏi này đều là “không”.
Giờ đây hãy hình dung mình sống trong một không gian chỉ có những thứ mang lại niềm vui. Đó không phải là lối sống mà bạn hằng ao ước sao?
Hãy giữ lại những thứ khiến trái tim bạn lên tiếng. Sau đó hãy quyết tâm từ bỏ tất cả những thứ còn lại. Bằng cách làm như vậy, bạn có thể tái tạo cuộc sống của mình và bước vào một lối sống mới.
Quyết định giữ lại thứ gì dựa trên cơ sở nó có mang lại niềm vui cho bạn hay không là bước quan trọng nhất trong việc dọn dẹp. Thế nhưng những bước cụ thể cần làm để loại bỏ hiệu quả sự thừa thãi là gì?
Trước hết hãy nói về những điều không nên làm. Đừng bắt đầu lựa chọn và từ bỏ dựa trên vị trí. Đừng nghĩ “Tôi sẽ dọn dẹp phòng ngủ trước rồi tới phòng khách” hoặc “Tôi sẽ rà soát từng cái ngăn kéo một từ trên xuống”. Phương pháp này thực sự tai hại. Tại sao ư? Bởi vì, như chúng ta đã biết, hầu hết mọi người không cất giữ những thứ tương tự ở cùng một chỗ.
Trong phần lớn các gia đình, những thứ cùng loại được cất giữ ở hai hoặc ba chỗ rải rác trong nhà. Ví dụ, bạn bắt đầu với tủ quần áo hoặc tủ đồ trong phòng ngủ. Sau khi hoàn thành việc phân loại và từ bỏ mọi thứ trong đó, bạn tình cờ phát hiện quần áo mà bạn cất trong một tủ đồ khác hoặc một chiếc áo choàng vắt trên ghế ở phòng khách. Và rồi bạn sẽ phải lặp lại toàn bộ quá trình lựa chọn và cất giữ, lãng phí thời gian và công sức, và bạn không thể xử lí chính xác những thứ mà bạn muốn giữ lại và bỏ đi trong hoàn cảnh này. Sự lặp lại và công sức bỏ phí có thể làm thui chột động lực, và do đó là điều cần phải tránh.
Vì lí do này, tôi khuyên bạn cần nghĩ tới việc dọn dẹp dựa trên sự phân loại, chứ không dựa trên vị trí. Trước khi chọn giữ lại thứ gì, hãy thu thập tất cả những thứ cùng loại. Hãy gom đến vật cuối cùng và xếp tất cả vào một chỗ. Để cụ thể, chúng ta hãy trở lại với ví dụ về quần áo. Bạn bắt đầu bằng việc quyết định sẽ sắp xếp và thu dọn quần áo. Bước tiếp theo là kiểm tra mọi căn phòng trong nhà. Mang tất cả quần áo tìm thấy để vào một chỗ và trải chúng ra sàn. Sau đó cầm từng chiếc lên và xem nó có mang lại niềm vui không. Chỉ giữ lại những quần áo mang lại niềm vui. Hãy tuân theo trình tự này với từng nhóm quần áo. Nếu có quá nhiều quần áo, bạn có thể chia nhỏ như quần áo phần trên, phần dưới, bít tất,… và kiểm tra từng nhóm nhỏ trong cùng một thời điểm.
Gom mọi thứ cùng loại vào cùng một chỗ là yếu tố cơ bản đối với quá trình này bởi nó giúp bạn nắm bắt chính xác số lượng mà bạn có. Hầu hết mọi người cảm thấy choáng váng vì số lượng nhiều khủng khiếp, thường thì ít nhất cũng gấp hai lần số lượng mà họ hình dung. Bằng cách thu thập mọi thứ vào một chỗ, bạn còn có thể so sánh những thứ tương tự về thiết kế, nhờ đó sẽ dễ dàng hơn khi bạn quyết định có muốn giữ chúng lại hay không.
Tôi còn có một lí do chính đáng nữa để lấy hết tất cả những thứ cùng loại ra khỏi ngăn kéo, tủ quần áo và tủ đồ rồi trải chúng ra sàn. Những vật bị cất khuất tầm mắt có nguy cơ ngủ yên không được dùng đến. Tình trạng này khiến bạn khó có thể quyết định xem chúng có mang lại niềm vui hay không. Bằng cách phơi bày chúng ra ánh sáng ban ngày và lay chúng tỉnh giấc, bạn sẽ rất dễ dàng đánh giá xem chúng có khiến trái tim mình rung động hay không.
Giải quyết từng nhóm một trong một khoảng thời gian riêng rẽ sẽ đẩy nhanh quá trình dọn dẹp. Vì vậy hãy đảm bảo rằng bạn đang gom tất cả những thứ cùng loại. Đừng bỏ sót bất cứ thứ gì chỉ vì bạn không chú ý.
Bạn bước vào ngày mới với tinh thần dọn dẹp hăng hái, nhưng đến khi mặt trời sắp lặn, bạn hầu như mới chỉ xử lí được chút ít khối lượng vật dụng sở hữu của mình. Bạn chìm trong cảm giác tự oán trách bản thân và thất vọng. Và bạn đang cầm thứ gì trong tay? Thường thì đó là một trong những cuốn truyện tranh ưa thích, một cuốn album hoặc thứ gì đó gợi lại cho bạn những kỉ niệm vui vẻ.
Lời khuyên của tôi là hãy bắt đầu dọn dẹp không phải theo từng phòng mà bằng cách phân loại, gom mọi thứ vào một chỗ, điều này không có nghĩa là bạn nên bắt đầu bằng bất kì nhóm vật dụng nào mà bạn thích. Mức độ khó khăn trong việc lựa chọn nên giữ và bỏ thứ gì sẽ khác nhau tùy vào từng nhóm vật dụng. Những người mắc kẹt nửa chừng luôn luôn gặp phải tình trạng này bởi họ bắt đầu với những thứ khiến họ khó có thể đưa ra quyết định nhất. Những thứ khơi gợi lại kỉ niệm, như tranh ảnh, không phải sự khởi đầu tốt cho những người mới bắt đầu. Không phải chỉ vì số lượng những vật thuộc nhóm này luôn lớn hơn những nhóm khác, mà còn bởi nó khiến bạn khó quyết định được nên giữ lại chúng hay không.
Ngoài giá trị về vật chất, còn có ba yếu tố khác cộng thêm giá trị cho những vật sở hữu của bạn: chức năng, thông tin và cảm xúc. Khi cộng thêm cả yếu tố hiếm có của đồ vật, mức độ khó khăn trong việc lựa chọn bỏ đi thứ gì nhân lên gấp bội. Những người gặp khó khăn trong việc từ bỏ vật dụng là do chúng vẫn có thể đang được sử dụng (giá trị sử dụng), chứa đựng thông tin hữu ích (giá trị thông tin) và có những mối gắn kết về tình cảm (giá trị cảm xúc). Khi những thứ này khó có được hoặc khó thay thế (độ hiếm), thì càng khó có thể vứt bỏ chúng đi.
Quá trình quyết định xem nên giữ thứ gì và bỏ thứ gì sẽ diễn ra suôn sẻ hơn nhiều nếu bạn bắt đầu với những đồ vật mà bạn có thể dễ dàng ra quyết định. Khi sau đó dần dần xử lí tới những nhóm khó hơn, bạn sẽ từng bước cải thiện được kĩ năng ra quyết định của mình. Quần áo là những thứ dễ dàng nhất bởi giá trị hiếm có của chúng cực kì thấp. Ngược lại, tranh ảnh và thư từ không chỉ có giá trị cảm xúc cao mà còn là một loại đặc biệt; do đó nên để chúng lại sau cùng. Đặc biệt điều này đúng với những bức ảnh bởi chúng có xu hướng ngẫu nhiên xuất hiện trong khi bạn đang phân loại những nhóm khác và xuất hiện ở những nơi không mong đợi nhất, chẳng hạn nằm giữa những cuốn sách hoặc giấy tờ tài liệu. Thứ tự tốt nhất là: quần áo, sau đó đến sách vở, giấy tờ, đồ tạp loại, cuối cùng là những vật có giá trị tình cảm và vật kỉ niệm. Thứ tự này cũng chứng minh là hữu hiệu nhất xét về mức độ khó khăn đối với nhiệm vụ cất giữ. Cuối cùng, việc bám sát thứ tự này sẽ giúp mài giũa trực giác trong việc nhìn nhận những vật gợi nên niềm vui trong chúng ta. Nếu có thể đẩy nhanh tiến độ của quá trình ra quyết định chỉ bằng cách thay đổi thứ tự của những thứ mà bạn sẽ vứt bỏ, vậy bạn có nghĩ đáng để thử hay không?
Cuộc marathon dọn dẹp sẽ sinh ra cả một đống rác. Trong hoàn cảnh này, một thảm họa có nguy cơ xảy ra còn khốc liệt hơn cả động đất, đó là việc kết nạp một chuyên gia thu gom đồ phế thải có bí danh là “mẹ”.
Một trong các khách hàng của tôi, tôi gọi cô ấy là “M”, sống cùng bố mẹ và một người em. 15 năm trước họ chuyển tới sống ở căn nhà đó khi M vẫn đang học tiểu học. Không chỉ yêu thích mua sắm quần áo, cô ấy còn giữ gìn những trang phục có giá trị tình cảm, chẳng hạn đồng phục học sinh và những chiếc áo phông từng dùng cho những sự kiện khác nhau. Cô ấy cất tất cả chúng vào trong những chiếc thùng và xếp thành đống trên sàn cho tới khi sàn nhà hoàn toàn không còn chỗ trống nào nữa. Phải mất đến 5 tiếng đồng hồ để phân loại và dọn dẹp số quần áo đó. Tới cuối ngày, cô ấy lọc được 15 túi đồ bỏ đi, bao gồm 8 túi quần áo, 200 cuốn sách, các loại đồ chơi và đồ thủ công mà cô ấy từng làm ở trường. Chúng tôi xếp gọn tất cả số túi đó cạnh cửa và cuối cùng cũng có thể nhìn thấy được sàn nhà. Khi đó tôi sắp sửa giải thích về một điểm rất quan trọng.
“Bạn nên biết một bí quyết về việc từ bỏ đống rác này,” tôi chỉ mới bắt đầu thì cửa mở và mẹ cô ấy cầm khay trà lạnh bước vào. Tôi nghĩ thầm: “Ôi, trời ơi.”
Mẹ cô ấy đặt cái khay lên bàn. “Cảm ơn cháu rất nhiều vì đã giúp con gái cô”, bà nói và quay trở ra. Đúng lúc đó, mắt bà dừng lại ở đống túi cạnh cửa. “Ôi, con định vứt nó đi à?”, bà nói, chỉ vào chiếc chiếu tập yoga màu hồng nằm trên đỉnh đống rác.
“Hai năm nay con không dùng đến nó nữa rồi.”
“Thế à? Nhưng có thể mẹ sẽ dùng đến nó đấy.” Bà bắt đầu lục lọi hết các túi rác. “Ồ, và có thể cả cái này nữa.” Khi rời đi, bà ấy không chỉ lấy chiếc chiếu tập yoga mà còn cả ba chiếc váy, hai chiếc áo choàng, hai chiếc áo khoác và vài thứ văn phòng phẩm nữa.
Khi căn phòng yên tĩnh trở lại, tôi nhấp từng ngụm trà lạnh và hỏi M: “Mẹ cô có hay tập yoga không?”
“Tôi chưa bao giờ thấy mẹ tôi tập tành gì cả.”
Điều mà tôi định nói trước khi mẹ cô ấy bước vào chính là như vậy. “Đừng để cho gia đình cô biết điều gì đang diễn ra ở đây. Rốt cuộc là nếu có thể, hãy tự mình vứt các túi rác đi. Cô không cần cho gia đình mình biết cụ thể là cô đã vứt đi những thứ gì.”
Tôi đặc biệt khuyến nghị các khách hàng nên tránh cho bố mẹ và các thành viên khác trong gia đình biết việc đang làm. Chuyện này không có gì đáng phải hổ thẹn cả. Việc dọn dẹp không có gì sai. Tuy nhiên, các ông bố bà mẹ đặc biệt cảm thấy căng thẳng khi thấy những thứ mà con cái mình vứt bỏ. Số lượng bỏ đi lớn có thể khiến bố mẹ họ cảm thấy lo lắng không biết con mình có thể sống được với những thứ còn lại không. Ngoài ra, mặc dù biết rằng nên cảm thấy vui vì sự độc lập và trưởng thành của con cái, nhưng các bậc cha mẹ có thể cảm thấy đau khổ khi thấy quần áo, đồ chơi và vật kỉ niệm ngày xưa nằm trong đống rác, đặc biệt là những thứ mà họ đã tặng cho con mình. Hãy chú ý giữ cho đống rác của bạn ngoài tầm mắt của cha mẹ. Việc này cũng giúp gia đình bạn không đòi hỏi nhiều hơn những thứ họ cần hoặc những thứ có thể khiến họ vui vẻ. Cho tới thời điểm đó, gia đình bạn vốn hoàn toàn hài lòng với những gì họ có. Khi thấy những gì mà bạn chọn ra để bỏ đi, họ có thể cảm thấy đó là một sự lãng phí, nhưng những thứ mà họ lấy lại từ đống đồ bỏ đi của bạn sẽ chỉ làm tăng thêm số lượng những vật không cần thiết trong nhà. Và chúng ta nên cảm thấy hổ thẹn vì đã buộc họ phải chịu đựng gánh nặng đó.
Trong hầu hết các trường hợp, người mẹ sẽ lấy lại những đồ vật bỏ đi của con gái, nhưng hiếm khi các bà mẹ sẽ mặc những trang phục mà họ đã lấy lại. Những người phụ nữ trong độ tuổi 50 và 60 tôi từng tiếp xúc cuối cùng đều vứt bỏ những thứ truyền lại cho con gái mà họ chưa từng một lần mặc đến. Tôi nghĩ chúng ta nên tránh tạo ra những tình huống mà trong đó sự yêu quý của người mẹ trở thành gánh nặng cho con gái. Tất nhiên, chẳng có gì sai khi những thành viên khác trong gia đình thực sự cần dùng những thứ mà bạn không cần nữa. Nếu bạn sống chung với gia đình, trước khi dọn dẹp bạn có thể hỏi họ: “Bố/mẹ/anh/chị/em có cần thứ gì và định mua nó hay không?” và sau đó nếu bạn tình cờ có đúng thứ mà họ cần, hãy tặng cho họ như một món quà.
“Cho dù tôi có dọn dẹp đi chăng nữa thì mọi người trong nhà sẽ lại khiến mọi thứ bừa bộn trở lại mà thôi.”
“Chồng tôi là người ưa tích trữ. Làm sao tôi có thể nói anh ấy vứt bỏ đồ đạc đi được cơ chứ?”
Mọi chuyện có thể trở nên phiền toái nếu gia đình không hợp tác với bạn trong nỗ lực tạo dựng ngôi nhà “lí tưởng”. Trước đây tôi đã nhiều lần trải qua chuyện này. Có lúc tôi mê mải với việc dọn dẹp tới mức thu dọn phòng riêng cũng chưa đủ, tôi còn dọn cả phòng của anh trai, em gái và mọi chỗ khác trong nhà. Thế rồi tôi mau chóng cảm thấy thất vọng vì sự bừa bộn của cả gia đình. Nguyên nhân chính khiến tôi mệt lả là chiếc tủ cất đồ chung nằm ở chính giữa ngôi nhà. Đối với tôi, hơn một nửa không gian trong tủ được dùng để cất những đồ tạp nham vô dụng không cần thiết. Những chiếc giá ken dày những trang phục mà tôi chưa bao giờ thấy mẹ mặc một lần và những bộ đồ của bố rõ ràng là đã quá lỗi thời. Những chiếc thùng đựng truyện tranh của em gái tôi thì che kín cả sàn nhà.
Tôi đợi đến đúng thời điểm và gặp từng người để hỏi: “Mẹ/bố/em không dùng thứ này nữa phải không?” Nhưng câu trả lời luôn là: “Có chứ” hoặc “Mẹ/bố/em sẽ tự vứt nó đi”, và rồi họ chẳng bao giờ làm thế. Mỗi lần nhìn vào tủ đồ đó, tôi lại phàn nàn: “Tại sao mọi người cứ tích lũy những thứ này? Có phải cả nhà không thấy là mình đang vất vả thế nào để giữ cho nhà cửa được ngăn nắp?”
Hoàn toàn ý thức được rằng mỗi khi đề cập tới chuyện dọn dẹp thì tôi lại là một kẻ dị thường, cho nên tôi sẽ không để họ đánh bại. Khi nỗi thất vọng lên tới cực độ, tôi quyết định sử dụng những cách thức lén lút. Tôi xác định những thứ không được dùng đến nhiều năm, đánh giá kích cỡ của chúng, số lượng bụi bám trên chúng và mùi bốc ra từ chúng. Tôi sẽ chuyển chúng vào sâu phía trong tủ và quan sát điều gì diễn ra. Nếu không ai để ý là chúng biến mất, tôi sẽ tống khứ chúng, mỗi lần một thứ, như kiểu tỉa lá cây vậy. Sau ba tháng áp dụng chiến thuật này, tôi đã bỏ đi được 10 túi rác.
Trong hầu hết các trường hợp, không ai biết điều gì đang diễn ra và cuộc sống bình thường cứ thế trôi đi. Nhưng khi số lượng đồ dùng giảm tới một mức nào đó, mọi người bắt đầu nhớ ra một hoặc hai thứ gì đó. Khi họ trỏ tay vào tôi, tôi đáp lại khá thản nhiên. Chiến thuật cơ bản của tôi là chơi trò tảng lờ.
“Này, con có biết chiếc áo khoác của bố đi đâu rồi không?”
“Không ạ.”
Nếu họ ép thêm nữa, bước tiếp theo của tôi là phủ nhận.
“Marie này, con có chắc là con không vứt nó đi đấy chứ?”
“Vâng, con không vứt đâu ạ.”
“Ồ. Ừm, mẹ băn khoăn không biết giờ nó ở chỗ nào.”
Nếu lúc đó họ dừng lại, kết luận của tôi sẽ là cho dù đó là thứ gì đi nữa thì nó cũng không đáng để giữ lại. Nhưng nếu họ không còn bị tôi phỉnh phờ nữa, tôi vẫn không hề bối rối.
“Mẹ biết nó từng ở chỗ này, Marie à. Mới hai tháng trước chính mắt mẹ còn trông thấy nó.”
Không xin lỗi vì đã bỏ chúng đi mà không xin phép, tôi đáp lại: “Con đã vứt nó hộ cho mẹ đấy vì mẹ không thể tự vứt nó đi được.”
Hồi tưởng lại, tôi phải thừa nhận là khi đó mình khá ngạo mạn. Có lần bị lộ, tôi đã phải chịu một trận trách mắng dữ dội, và cuối cùng tôi bị cấm dọn dẹp bất kì nơi nào ngoại trừ phòng của chính mình. Nếu có thể được, tôi sẽ trở lại quá khứ để cho mình một cái bạt tai và đảm bảo là mình thậm chí không nghĩ tới một chiến dịch lố bịch như vậy. Vứt bỏ những vật sở hữu của người khác mà không được phép là sự thiếu đạo đức một cách đáng buồn. Mặc dù những cách thức lén lút như thế nhìn chung đã thành công và mọi người không bao giờ nhớ tới những thứ đã bị vứt bỏ, nhưng nguy cơ đánh mất lòng tin của gia đình khi bạn bị phát hiện là rất lớn. Bên cạnh đó, đó không phải là cách làm đúng đắn. Nếu bạn thực sự muốn gia đình bắt tay vào dọn dẹp, có một cách dễ dàng hơn nhiều để đạt được điều đó.
Sau khi bị cấm dọn dẹp không gian của người khác và chẳng còn chỗ nào ngoài phòng của mình, tôi đã quan sát phòng mình cẩn thận và phát hiện ra một thực tế đáng kinh ngạc. Trước đây tôi không nhận thấy là vẫn còn rất nhiều thứ cần phải bỏ đi – một chiếc áo sơ mi trong tủ quần áo mà tôi không bao giờ mặc cùng với một chiếc váy lỗi thời nên tôi không mặc nữa, và những cuốn sách trên giá mà tôi biết là mình không cần. Tôi choáng váng nhận ra là mình đã phạm phải đúng điều mà trước đây tôi đã kêu gào buộc gia đình phải làm. Không còn đứng ở vị thế của người đi chỉ trích nữa, tôi ngồi xuống với những túi rác và tập trung vào việc dọp dẹp không gian của chính mình.
Sau khoảng hai tuần, sự thay đổi bắt đầu diễn ra trong gia đình tôi. Anh trai tôi vốn từ chối vứt bỏ bất cứ thứ gì cho dù tôi phàn nàn cỡ nào thì nay bắt đầu phân loại toàn bộ vật dụng của anh ấy. Trong một ngày, anh tôi đã bỏ đi hơn 200 cuốn sách. Sau đó bố mẹ và em gái tôi cũng dần dần bắt đầu phân loại và bỏ bớt quần áo và các đồ phụ kiện. Cuối cùng, cả gia đình đã có thể giữ cho ngôi nhà trở nên ngăn nắp hơn trước rất nhiều.
Cần mẫn lặng lẽ từ bỏ những thứ dư thừa thực sự là cách tốt nhất để giải quyết với một gia đình không ngăn nắp. Như thể bị lôi cuốn theo tấm gương của tôi, họ sẽ bắt đầu loại bỏ những vật sở hữu không cần thiết và bắt tay vào dọn dẹp mà không cần bạn phải gắt gỏng phàn nàn một lời nào. Nghe có vẻ khó tin, nhưng khi người ta bắt đầu dọn dẹp thì cũng là lúc chuỗi phản ứng diễn ra.
Âm thầm dọn dẹp đồ dùng của mình tạo ra một sự thay đổi thú vị khác – đó là khả năng biết khoan dung trước sự bừa bộn nhất định của các thành viên khác trong gia đình. Khi đã hài lòng với phòng của mình, tôi không còn cảm thấy nôn nóng muốn vứt bỏ những thứ thuộc sở hữu của anh trai, em gái hay của bố mẹ nữa. Khi nhận thấy những không gian chung như phòng khách hoặc phòng tắm bừa bộn, không chút nghĩ ngợi tôi sẽ lau dọn và không bao giờ bực bội nhắc đến chuyện đó. Tôi cũng nhận thấy sự thay đổi tương tự diễn ra với nhiều khách hàng của mình.
Nếu bạn bực mình với gia đình vì họ không ngăn nắp, gọn gàng, tôi muốn bạn hãy kiểm tra phòng mình đi đã, đặc biệt là nơi cất giữ đồ dùng của mình. Hẳn là bạn sẽ thấy còn có những thứ cần phải bỏ đi. Sự nôn nóng muốn chỉ ra lỗi bừa bộn của người khác luôn luôn là dấu hiệu cho thấy bạn đang xao lãng việc chăm sóc không gian của chính mình. Do đó bạn nên bắt đầu bằng việc từ bỏ đồ dùng của mình trước tiên. Bạn có thể dọn dẹp những không gian chung của gia đình sau cùng. Bước đầu tiên là hãy xử lí đồ dùng của chính bạn.
Em gái tôi nhỏ hơn tôi 3 tuổi. Trầm lặng, có phần nhút nhát, nó thích ở trong nhà để vẽ hoặc đọc sách hơn là ra ngoài chơi đùa với bè bạn. Không nghi ngờ gì, nó là nạn nhân thường xuyên phải chịu đựng những nghiên cứu về dọn dẹp của tôi. Cho tới khi là sinh viên, mối quan tâm của tôi vẫn tập trung vào “việc từ bỏ”, nhưng luôn luôn có những thứ khiến tôi khó có thể bỏ đi, chẳng hạn chiếc áo phông mà tôi thực sự thích nhưng nó trông không còn đẹp nữa. Không thể tự mình vứt đi, tôi sẽ thử mặc hoặc đeo món đồ đó hết lần này tới lần khác, đứng trước gương ngắm nghía, nhưng cuối cùng buộc phải kết luận là nó không còn hợp với tôi nữa. Nếu nó còn mới, hoặc là món quà của bố mẹ, thì ý nghĩ vứt bỏ nó khiến tôi cảm thấy thực sự có lỗi.
Vào những lúc như thế, cô em gái thật là hữu ích. Phương pháp “quà tặng cho em gái” dường như là cách hoàn hảo để từ bỏ những thứ như vậy. Khi nói tới “quà tặng”, ý tôi không phải là gói nó lại như một món quà – còn lâu mới được như vậy. Cầm trong tay đồ dùng không thích nữa, tôi sẽ đột nhập vào phòng em gái khi nó đang mãn nguyện nằm trên giường đọc sách. Rút cuốn sách ra khỏi tay nó, tôi nói: “Em muốn chiếc áo phông này không? Chị sẽ cho em nếu em thích.” Nhìn mặt nó ngẩn ra, tôi sẽ bồi thêm đòn cuối cùng. “Nó còn mới và thực sự đáng yêu đấy. Nhưng nếu em không cần, chị sẽ vứt nó đi. Có chắc là em không cần nó không?”
Cô em gái hiền lành, đáng thương của tôi không còn cách nào khác đành phải nói: “Em nghĩ là em sẽ lấy nó ạ.”
Em gái tôi vốn không hay mua sắm, và chuyện tặng quà xảy ra với nó thường xuyên đến mức tủ quần áo của nó bị nhồi nhét như muốn bung ra. Mặc dù nó có mặc vài chiếc quần áo mà tôi cho, nhưng vẫn còn quá nhiều quần áo mà nó có lẽ chỉ mặc đúng một lần. Thế nhưng tôi vẫn tiếp tục “tặng quà” cho em gái. Dẫu sao thì chúng vẫn là những chiếc quần áo tốt và tôi nghĩ là nó sẽ vui vì có thêm nhiều nữa. Tôi chỉ nhận ra mình sai lầm đến mức nào cho đến khi tôi bắt đầu hành nghề tư vấn và gặp một khách hàng mà tôi gọi là “K”.
K là cô gái tuổi độ đôi mươi, làm việc cho một công ty mỹ phẩm và sống cùng gia đình. Khi chúng tôi phân loại quần áo, tôi bắt đầu nhận thấy có gì đó khác lạ trong các lựa chọn của cô ấy. Mặc dù thực tế là cô ấy sở hữu số quần áo có thể chứa đầy một chiếc tủ cỡ trung bình nhưng số lượng quần áo mà cô ấy chọn giữ lại ít đến mức bất thường. Với câu hỏi “Thứ này có mang lại niềm vui hay không?”, câu trả lời của cô ấy hầu như luôn luôn là “Không”. Sau khi cảm ơn từng đồ vật vì đã hoàn thành bổn phận, tôi sẽ chuyển chúng cho cô ấy để loại bỏ. Tôi không thể không chú ý tới vẻ mặt nhẹ nhõm của cô ấy mỗi khi bỏ một thứ đồ vào túi rác. Xem xét kĩ càng hơn những thứ giữ lại, tôi thấy những chiếc quần áo mà cô ấy giữ hầu hết là quần áo thông thường chẳng hạn như những chiếc áo phông, trong khi những thứ mà cô ấy vứt bỏ lại thuộc một phong cách hoàn toàn khác – những chiếc váy bó và những chiếc áo hở hang khêu gợi. Khi tôi hỏi về những quần áo đó, cô ấy nói: “Chị gái cho tôi những quần áo đó.” Sau khi tất cả quần áo được phân loại và cô ấy đã có quyết định cuối cùng, cô ấy than thở: “Nhìn xem. Quanh tôi toàn những thứ mà tôi không thích.” Những thứ quần áo mà chị cô truyền lại chiếm tới hơn 1/3 tủ quần áo của cô, nhưng hầu như chẳng có thứ nào khiến cô cảm thấy thích thú. Mặc dù có thể là cô đã mặc chúng bởi chúng là quần áo mà chị gái cho, nhưng cô không bao giờ thích chúng.
Với tôi, chuyện này đúng là bi kịch. Và đây không phải là trường hợp cá biệt. Trong công việc của mình, tôi nhận thấy số lượng quần áo mà những cô em gái vứt bỏ luôn luôn lớn hơn số lượng quần áo bỏ đi của những người chị, hiện tượng này chắc chắn có liên quan tới thông lệ là những người em thường phải mặc quần áo được anh chị truyền lại. Có hai nguyên nhân lí giải tại sao những cô em gái có xu hướng thu thập những trang phục mà họ thực sự không thích. Đầu tiên là vì họ khó có thể vứt bỏ những thứ nhận được của gia đình. Nguyên nhân nữa là họ thực sự không biết mình thích gì, điều này khiến họ khó lòng quyết định được có nên vứt bỏ hay không. Vì nhận được quá nhiều quần áo từ người khác, họ không thực sự cần phải mua sắm và do đó ít có cơ hội phát triển bản năng nhận thức thứ gì thực sự mang lại niềm vui.
Đừng hiểu nhầm tôi nhé. Việc tặng cho người khác những thứ mà bạn không dùng nữa có thể là một ý tưởng tuyệt vời. Không chỉ mang tính tiết kiệm, nó còn có thể là niềm vui sướng vô bờ khi thấy những đồ dùng đó được người thân của mình yêu thích và cất giữ. Nhưng sẽ mất đi ý nghĩa nếu buộc các thành viên trong gia đình phải nhận chúng chỉ vì bạn không thể tự mình vứt bỏ chúng. Cho dù nạn nhân là anh chị em ruột, cha mẹ hoặc con cái, thì tập quán này cũng cần bị hủy bỏ. Mặc dù em gái tôi không bao giờ phàn nàn, tôi chắc rằng nó đã phải chịu đựng những cảm xúc lẫn lộn khó tả khi chấp nhận những thứ của tôi truyền lại. Về cơ bản, đơn giản là tôi đang chuyển giao cho em mình cái cảm giác có lỗi khi phải từ bỏ chúng. Khi nhớ lại, tôi thấy có phần hổ thẹn vì đã làm như vậy.
Nếu bạn muốn cho thứ gì, đừng buộc người khác nhận nó vô điều kiện hoặc ép họ bằng cách khiến họ có cảm giác có lỗi nếu không nhận. Thay vào đó, trước hết hãy tìm ra thứ mà họ thích, và nếu bạn thấy có thứ gì phù hợp với các tiêu chí trên, thì chỉ sau đó bạn mới nên đem nó cho họ. Bạn cũng có thể đề nghị sẽ tặng nó cho họ với điều kiện nó chính là thứ mà họ sẽ sẵn sàng bỏ tiền ra mua. Chúng ta cần suy nghĩ cho người khác để giúp họ tránh phải hứng chịu gánh nặng sở hữu nhiều hơn những gì mà họ cần hoặc thích thú.
“KonMari à, cô có muốn tới đây và đứng dưới thác nước không?”
Lời mời trên là của một khách hàng nữ. Ở tuổi 74, bà vẫn là một nhà quản lí doanh nghiệp hoạt bát, đam mê trượt tuyết và đi bộ đường dài. Hơn 10 năm nay, bà thực hành thiền định dưới dòng nước chảy và dường như thực sự thích thú với hoạt động này. Có lần ngẫu nhiên bà nói: “Tôi đến thác nước đây”, cứ như thể bà sắp tới suối nước khoáng vậy. Kết quả là, nơi mà bà ấy đưa tôi đến không phải là chỗ cho một chuyến đi có tính giới thiệu cho người mới nhập môn. Rời phòng khách sạn lúc 6 giờ sáng, chúng tôi đi bộ dọc theo con đường trong núi, trèo qua các hàng rào và lội qua một con sông nước chảy xiết ngang đầu gối, cho tới khi cuối cùng cũng tới được ngọn thác hoang sơ.
Nhưng tôi không nói tới chuyện này chỉ vì muốn giới thiệu một hình thức giải trí khác thường. Thay vào đó, thông qua trải nghiệm này, tôi nhận thấy có sự tương đồng đáng kể giữa việc thiền địnhdưới dòng thác và việc dọn dẹp. Khi đứng dưới một dòng thác, âm thanh duy nhất bạn có thể nghe được là tiếng gầm của nước. Khi dòng thác xối liên tục lên cơ thể, cảm giác mệt nhọc lập tức biến mất và trạng thái Tê mê lan tỏa. Sau đó bạn cảm nhận được hơi nóng từ bên trong tỏa ra và bạn bước vào trạng thái nhập định. Mặc dù trước đó tôi chưa bao giờ thử qua hình thức thiền định này, nhưng cảm giác mà nó tạo ra dường như vô cùng quen thuộc. Nó gần như điều mà tôi trải nghiệm khi đang dọn dẹp. Trong một trạng thái không hẳn là thiền định, có những lúc trong khi dọn dẹp, tôi đã có thể giao tiếp lặng lẽ với chính mình. Công việc xem xét cẩn thận từng vật sở hữu để biết liệu chúng có khơi gợi niềm vui trong mình hay không giống như việc đối thoại với chính mình thông qua phương tiện trung gian là các vật sở hữu.
Vì lí do này, điều quan trọng là hãy tạo ra không gian tĩnh lặng để có thể đánh giá những sự vật trong cuộc đời bạn. Lí tưởng là bạn thậm chí không nên nghe nhạc. Đôi khi tôi nghe nói về những phương pháp khuyên nên dọn dẹp trong khi nghe một bản nhạc lôi cuốn, nhưng về phần mình, tôi không khuyến khích điều này. Tôi cảm thấy tiếng động sẽ khiến cuộc đối thoại nội tâm giữa người chủ và những vật sở hữu trở nên khó khăn hơn. Tất nhiên, nghe ti vi cũng vậy. Nếu bạn cần một thứ âm thanh nào đó để thư giãn, hãy chọn nhạc nền không lời hoặc những giai điệu rõ ràng. Nếu bạn muốn có thêm động lực cho việc dọn dẹp, hãy tăng ánh sáng trong phòng thay vì dựa vào âm nhạc.
Thời điểm tốt nhất để bắt đầu dọn dẹp là vào sáng sớm. Không khí buổi sáng trong lành giúp tâm trí minh mẫn và nhận thức sắc bén. Vì lí do này, hầu hết các buổi học của tôi đều vào buổi sáng. Buổi học sớm nhất mà tôi từng dạy bắt đầu vào lúc 6 rưỡi sáng và chúng tôi có thể dọn dẹp với tốc độ gấp hai lần bình thường. Cảm giác minh mẫn, sảng khoái có được sau khi đứng dưới thác nước có thể gây nghiện. Tương tự, khi bạn kết thúc việc sắp xếp không gian của mình trở nên ngăn nắp, gọn gàng, bạn sẽ bị cuốn vào cảm giác muốn làm lại lần nữa. Và, không giống như việc thiền định dưới thác nước, phải đi cả quãng đường dài, vượt qua địa hình khó khăn để đến được đó. Bạn có thể tận hưởng cảm giác tương tự ngay ở nhà mình. Cũng đặc biệt đấy chứ?
Tiêu chí của tôi trong việc quyết định giữ lại một vật đó là chúng ta nên cảm nhận được niềm vui khi chạm tay vào nó. Nhưng bản chất của con người là cưỡng lại việc phải vứt bỏ thứ gì đó đi ngay cả khi chúng ta biết là nên làm thế. Những thứ mà chúng ta không thể tự mình vứt bỏ cho dù chúng không mang lại niềm vui quả thực là một vấn đề cần xem xét.
Sự đánh giá của con người có thể được chia thành hai loại chính: trực giác và duy lí. Khi phải lựa chọn thứ gì cần bỏ đi, cách đánh giá duy lí sẽ gây rắc rối. Mặc dù trực giác cho ta biết vật đó không hấp dẫn ta, nhưng lí lẽ lại nêu lên mọi thứ lập luận để không từ bỏ nó, chẳng hạn “Biết đâu sau này mình lại cần đến nó” hoặc “Vứt nó đi thì thật là lãng phí”. Những suy nghĩ như thế cứ rối bời trong tâm trí, khiến ta không thể bỏ nó đi.
Không phải tôi đang cố khẳng định việc do dự là sai. Việc không thể ra quyết định cho thấy mức độ gắn bó nhất định của ta với một vật nào đó. Cũng không phải là mọi quyết định đều chỉ dựa vào trực giác. Nhưng chính vì vậy, chúng ta cần xem xét cẩn thận từng thứ một và không để bị xao lãng với những suy nghĩ về sự lãng phí.
Khi bạn tình cờ gặp phải thứ gì khó có thể bỏ đi, trước hết hãy xem xét cẩn thận lí do tại sao bạn lại có nó. Bạn có nó khi nào và sau đó nó có ý nghĩa như thế nào với bạn? Hãy đánh giá lại vai trò của nó trong cuộc đời bạn. Ví dụ, nếu bạn có trang phục nào đó đã mua nhưng không bao giờ mặc, hãy kiểm tra cùng lúc từng chiếc một. Bạn đã mua trang phục đó ở đâu và tại sao lại mua nó? Nếu bạn mua nó vì nhìn nó bắt mắt trong cửa hàng, vậy thì nó đã hoàn thành chức năng cảm xúc vào thời điểm bạn mua nó. Tại sao bạn không bao giờ mặc nó? Có phải là vì bạn nhận thấy nó không hợp với bạn khi bạn thử nó ở nhà? Nếu vậy, và nếu bạn không mua thêm những trang phục cùng loại hoặc cùng màu, thì chứng tỏ nó đã hoàn thành một chức năng quan trọng khác – nó đã dạy cho bạn biết về những thứ không hợp với bạn. Trên thực tế, thứ quần áo cụ thể đó đã hoàn thành vai trò của nó trong cuộc đời bạn và bạn có thể thoải mái nói rằng: “Cảm ơn bạn đã mang đến cho tôi niềm vui khi tôi mua bạn” hoặc “Cảm ơn bạn đã dạy cho tôi biết những gì không hợp với tôi”, và bỏ nó đi.
Mỗi đồ vật đều đóng một vai trò khác nhau. Không phải tất cả quần áo đến với bạn đều sẽ được mặc đến khi xác xơ. Với con người cũng vậy. Không phải tất cả những người mà bạn gặp trong đời đều sẽ trở thành bạn thân hoặc người yêu. Bạn sẽ thấy có vài người khó kết bạn hoặc thực sự khó ưa. Nhưng họ cũng dạy cho bạn bài học quý giá về những người mà bạn thích, nhờ đó bạn sẽ càng trân trọng những người mà mình yêu quý.
Khi bạn tình cờ gặp một thứ mà bạn không thể vứt bỏ, hãy suy nghĩ cẩn thận về mục đích thực sự của nó trong cuộc đời bạn. Bạn sẽ ngạc nhiên nhận thấy có rất nhiều vật sở hữu của mình đã hoàn thành bổn phận của chúng. Bằng cách thừa nhận sự đóng góp của chúng và bỏ chúng đi với sự trân trọng, bạn sẽ có thể sắp xếp những vật mà bạn sở hữu, và cả cuộc đời bạn nữa, trở nên trật tự. Cuối cùng, tất cả những gì còn lại sẽ là những thứ bạn thực sự quý trọng.
Để thực sự yêu quý những thứ quan trọng với mình, trước hết bạn phải từ bỏ những thứ đã tồn tại lâu hơn mục đích ban đầu của chúng. Vứt bỏ những thứ bạn không cần đến nữa không phải là sự lãng phí hoặc việc gì đáng hổ thẹn. Liệu bạn có thể thành thực nói rằng bạn vẫn quý trọng những thứ mà bạn đã cất sâu chôn chặt trong tủ đồ hoặc ngăn kéo đến mức bạn đã quên mất sự tồn tại của chúng? Nếu đồ vật có cảm xúc, chắc chắn chúng sẽ không vui. Hãy giải phóng chúng khỏi chốn ngục tù mà bạn đã giam hãm chúng. Hãy giúp chúng thoát khỏi hòn đảo hoang vu mà bạn đã đày ải chúng. Hãy để chúng đi, với sự trân trọng. Không chỉ bạn mà cả những đồ vật của bạn cũng sẽ cảm thấy sảng khoái khi bạn hoàn tất công việc dọn dẹp.