Nghệ sĩ dương cầm

Chương 6

Giờ đây khi nhớ lại những kỷ niệm khác khủng khiếp hơn, những điều tôi đã nếm trải ở ghetto Warsaw từ tháng Mười Một 1940 đến tháng Bảy năm 1942, một khoảng thời gian gần hai năm, hoà thành một hình ảnh duy nhất như thể chúng chỉ kéo dài có một ngày đơn độc. Tôi không thể chia thành các phần nhỏ hơn, và xếp chúng theo thứ tự thời gian như bạn thường làm khi viết nhật ký.

Lẽ đương nhiên có một số việc xảy ra trong thời gian đó cũng như trước hoặc sau đó, đã thành tin tức chung và dễ nắm bắt. Bọn Đức lao vào trò săn người để sử dụng vào các công việc nặng nhọc như chúng đã làm trên khắp Châu Âu. Có lẽ điểm khác biệt duy nhất là trong ghetto Warsaw, những cuộc săn lùng này đột nhiên chấm dứt vào mùa xuân 1942. Trong khoảng mấy tháng, người Do Thái là con mồi đáp ứng nhiều mục đích khác nhau, giống như trò chơi khác cần có mùa cấm, để trình diễn một cuộc săn lớn, ngon lành và không gây nản lòng. Chúng tôi là những người Do Thái bị cướp đọat, cũng như những người Pháp, người Bỉ, người Na Uy, người Hy Lạp bị cướp đoạt, nhưng có điều khác là chúng tôi bị cướp đọat có hệ thống và đàng hoàng chính thức. Bọn Đức là một phần của hệ thống lui tới ghetto và có quyền lấy trộm cho bản thân chúng. Cảnh sát Đức được quyền lấy cắp nhờ một sắc lệnh do viên toàn quyền ban hành cùng với luật về tội ăn cắp do chính quyền của Đức loan bố.

Năm 1941, Đức tiến đánh nước Nga. Trong ghetto, chúng tôi nín thở theo dõi diễn biến cuộc tấn công mới này. Lúc đầu, chúng tôi tin tưởng một cách nhầm lẫn rằng rốt cuộc, lúc này Đức sẽ thua. Sau đó chúng tôi cảm thấy thất vọng và ngày càng ngờ vực về số phận của nhân loại và của chúng tôi khi các đội quân của Hitler tiến xa thêm vào nước Nga. Một lần nữa, khi bọn Đức ra lệnh tất cả  những Do Thái mặc áo lông thú có nguy cơ bị án tử hình, chúng tôi đã vui sướng tưởng chúng không được mấy thuận lợi, nếu chiến thăng của chúng phụ thuộc vào những bộ áo lông cáo bạc hoặc lông hải ly.

Ghetto đang thu hẹp lại. Quân Đức cắt giảm hết khu phố này đến khu phố khác. Cùng cách như thế, Đức thay đổi biên giới các nước Châu Âu thua trận, chiếm hết tỉnh này đến tỉnh khác. Tưởng chừng như ghetto Warsaw ít quan trọng hơn ở Pháp, trừ phố Zlota và phố Zielna là có ý nghĩa cho việc mở rộng của Lebensraum Đức như như việc tách Alsace và Lorainne khỏi lãnh thổ Pháp.

Tuy nhiên, những việc xảy ra bên ngoài hoàn toàn không có ý nghĩa gì so với một thực tế vô cùng quan trọng không ngừng chiếm giữ tâm trí chúng tôi từng giờ, từng phút trong thời gian chúng tôi ở ghetto: chúng tôi đang bị giam giữ rất kỹ.

Tôi cho rằng thà chúng tôi bị bỏ tù, ví dụ bị nhốt trong xà lim chẳng hạn, về mặt tâm lý còn dễ chịu đựng hơn. Như thế rành rành hiển nhiên là bị tống giam, xác định rõ thực trạng quan hệ con người. Sẽ không còn nhâm lẫn về tình trạng của bạn nữa: bản thân xà lim đã là một thế giới, chỉ chứa đựng sự giam cầm của riêng mình bạn, chẳng bao giờ đan xen với thế giới tự do cách biệt. Bạn có thể mơ đến thế giới ấy nếu bạn có thời gian và sở thích, song nếu bạn không nghĩ đến, bản thân nó không làm bạn để ý đến. Nó không sờ sờ trước mắt bạn, hành hạ bạn với bao thứ nhắc nhở bạn về cuộc sống tự do mà bạn đã mất.

Thực trạng của ghetto còn ác hiểm hơn vì nó có bề ngoài tự do. Bạn có thể ra phố và có ảo tưởng rằng đang được ở trong một thành phố hoàn toàn bình thường. Cái băng tay đánh dấu là người Do Thái không làm chúng tôi bận tâm vì tất cả chúng tôi đều đeo, và sống trong ghetto một thời gian, tôi nhận ra rằng tôi đã hoàn toàn quen với chúng, quen đến mức lúc nằm mơ thấy các bạn người Aryan, tôi thấy họ cũng đeo băng tay, như thể dải vải trắng là thứ cần thiết trong tủ quần áo của con người, như chiếc cà vạt vậy. Song le các đường phố trong ghetto – và chỉ ở trên các đường phố này thôi – đều chấm dứt ở các bức tường. Tôi hay ra ngoài đi dạo hú hoạ, đi thẳng về phía trước và bất ngờ đụng phải những bức tường này. Chúng chắn đường lúc tôi muốn đi tiếp và không có lý do gì hợp lý bắt tôi phải dừng lại. Lúc đó phần con đường ở phía bên đường có vẻ là nơi tôi yêu thích và cần nhất trên đời này, là nơi mọi việc ắt phải tiến trỉển đúng vào lúc này, lúc tôi có thể cho hết mọi thứ để nhìn thấy, nhưng lại là điều không thể làm được. Tôi quay trở lại, tan nát cõi lòng, và tôi đã đi ngày này tiếp ngày kia, lúc nào cũng cùng một cảm giác thất vọng như nhau.

Trong ghetto, bạn có thể vào nhà hàng hay tiệm cà phê. Bạn gặp gỡ bạn bè ở đó và không có gì ngăn cấm bạn tạo nên bầu không khí dễ chịu trong nhà hàng hoặc tiệm cà phê hoặc bất cứ đâu. Song chắc chắn có lúc người bạn của bạn buột ra một lời nhận xét nhằm làm cho vui không khí buổi liên hoan nho nhỏ này, trong cuộc trò chuyện thú vị như thế, là đến du ngoạn ở một nơi nào đó vào một ngày Chủ nhật đẹp trời, ở Ocwock chẳng hạn. Đang mùa hè, trời đẹp và sẽ còn ấm, chẳng gì có thể ngăn cản bạn thực hiện một kế hoạch đơn giản như thế, thậm chí bạn còn cảm thấy mình như đang còn du ngoạn ở nơi ấy, tại lúc ấy. Bạn chỉ phải trả tiền cà phê và bánh ngọt, ra phố, đến ga cùng nhóm bạn bè cười đùa vui vẻ, mua vé xe lửa ra ngoại ô. Mọi thứ tạo nên một ảo tưởng hoàn hảo… cho đến khi bạn chạm phải bức tường…

Mỗi khi nhớ đến khoảng thời gian gần hai năm trong ghetto, nó nhắc tôi nhớ đến một chuyện đã trải qua trong thời thơ ấu, song ngắn hơn nhiều. Tôi phải cắt bỏ ruột thừa. Cuộc giải phẫu này rất thông thường và chẳng có gì phải lo lắng. Nó diễn ra trong thời gian một tuần, đã hẹn ngày với bác sĩ và đặt phòng ở bệnh viện. Muốn sự đợi chờ của tôi bớt căng thẳng, cha mẹ tôi đã lo lấp đầy cả tuần trước khi lên bàn mổ. Ngày nào chúng tôi cũng đi ăn kem, rồi đi xem phim hoặc đi xem hát, tôi được cho nhiều đồ chơi và sách, đủ thứ tôi hàng ao ước. Dường như chẳng cần gì thêm để hoàn tất niềm hạnh phúc của tôi. Nhưng tôi vẫn nhớ cả tuần đó, dù tôi đang vẽ tranh, đang  xem hát hay đang ăn kem, ngay cả những lúc đang vui chơi đòi hỏi phải tập trung, tôi vẫn không thoát khỏi những lúc nỗi sợ rấm rứt trong bụng, một nỗi sợ vô ý thức, dai dẳng về việc nhất định sẽ xảy ra khi ngày mổ sẽ tới.

Nỗi sợ bản năng như thế không bao giờ rời bỏ dân chúng trong ghetto gần như suốt hai năm trời. So với những thời gian sau đó, những năm này tương đối êm đềm nhưng đã biến cuộc sống của chúng tôi thành một cơn ác mộng bất tận, vì với toàn bộ bản thể, chúng tôi cảm thấy điều khủng khiếp sắp sửa xảy ra vào bất cứ lúc nào, chúng tôi chỉ không biết chắc đó là nỗi nguy hiểm gì và từ đâu tới.

Buổi sáng tôi thường ra ngoài ngay sau bữa đỉểm tâm. Công việc hàng ngày của tôi gồm chuyến cuốc bộ dài theo phố Mila, đến căn nhà lụp xụp tối tăm mà gia đình người trông coi nhà cửa Jehuda Zyskind đang sống. Trong hoàn cảnh của ghetto, ra khỏi nhà là hoạt động hoàn toàn bình thường, gặp một người như một nghi thức, nhất là trong khi có những cuộc săn bắt trên đường phố. Đầu tiên bạn phải chào hỏi hàng xóm, lắng nghe những lời than thở kể lể,, than phiền của họ, qua đó tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra trong thành phố ngày hôm nay, Bạn có nghe tin vây ráp, phong toả hay chặn bắt ở phố Chlodna không. Làm xong việc đó bạn hãy rời nhà, nhưng phải lập lại những câu hỏi ấy trên phố, giữ người đi đường đang thẳng tiến đến chỗ bạn và hỏi lần nữa ở mỗi góc phố.

Ghetto được chia thành ghetto lớn và ghetto nhỏ. Sau khi thu hẹp thêm về kích thước thành ghetto nhỏ gồm các phố Wielka, Sienna, Zelazna và Chlodna. Ghetto lớn bao gồm phần phía Bắc Warsaw, gồm nhiều đường phố và ngõ hẹp nhỏ sặc mùi tội lỗi, dân Do Thái sống trong những điều kiện bẩn thỉu, tù túng. Ghetto nhỏ cũng đông đúc nhưng không đến nỗi quá đáng như thế. Ba hoặc bốn người sống trong một phòng, bạn có thể  đi xuống phố mà không va phải người đi bộ nếu bạn dùng mưu mẹo một cách khôn khéo. Nhưng nếu nhỡ bạn có va chạm thân thể thì cũng không quá nguy hiểm. vì dân chúng trong ghetto nhỏ chủ yếu là trí thức và tầng lớp trung lưu, họ tương đối ít ký sinh, và cố gắng hết sức để huỷ diệt các ký sinh lây lan từ ghetto lớn. Chỉ khi nào bạn dời khỏi phố Chlodna, cơn ác mộng mới bắt đầu…và trước hết, bạn cần phải gặp may và nhạy cảm với sự đúng lúc.

Phố Chlodna nằm trong khu vực “Aryan” của thành phố, nơi đây xe hơi, xe ngựa, xe điện, người đi bộ đi, đến rất nhiều. Dân Do Thái được phép đi theo phố Zelazna từ ghetto nhỏ đến ghetto lớn và một đường vòng khác, nghĩa là xe cộ phải dừng lại khi người đi bộ qua đường Chlodna. Phố này không tiện cho người Đức nên dân Do Thái được phép thi thoảng đi qua.

Nếu bạn đii xuống phố Zelazna, bạn có thể nhìn thấy một đám đông dân chúng ở góc phố Chlodna phía xa xa. Những người ấy có nhiệm vụ cấp bách, bồn chồn dậm chân tại chỗ, đợi những viên cảnh sát có lòng tốt ngăn chận xe cộ lại. Họ phân xử đủ để phố Chlodna vắng vẻ và phố Zelazna đông vừa đủ để người Do Thái đi qua. Lúc thời điểm ấy đến, lính gác đứng sang một bên, và đám đông chen chúc sốt ruột ùa từ bên này sang bên kia đường, chửi mắng nhau, hất ngã nhau, dẫm cả chân lên người khác, cố tránh  cho xa sự gần gũi nguy hiểm với bọn Đức càng nhanh càng tôi và trở lại với hai ghetto. Sau đó hàng lính gác khép lại và sự chờ đợi lại bắt đầu.

Vì đám đông mỗi lúc một bồn chồn, lo lắng và căng thẳng như thế, nên bọn lính gác Đức ở vị trí này phát chán và cố tìm cách tiêu khiển. Một trong những thú giải khuây ưa thích của chúng là khiêu vũ. Nhạc công bị tóm từ các phố lân cận, các ban nhạc đường phố ngày càng lâm vào tình trạng khốn khổ. Bọn lính chọn trong đám đông đứng đợi những người chúng cho là có diện mạo khôi hài và ra lệnh cho họ nhảy điệu valse. Các nhạc công bị xếp cạnh tường một ngôi nhà, một khoảng đã được dọn sạch trên đường phố, một cảnh sát làm nhạc trưởng, chúng đánh các nhạc công nếu họ chơi quá chậm. Những tên khác giám sát cảnh khiêu vũ một cách vô liêm sỉ. Những đôi già cả, rất béo, rất gầy hoặc què cụt phải xoay tròn, xoay mãi trước những đôi mắt kinh hãi của đám đông. Người lùn hoặc trẻ con bị xếp đôi với những bạn nhảy cao kều. Bọn Đức đứng quây quanh “sàn nhảy” cười hô hố và gào lên:

Nhanh lên! Nhanh lên! Nhanh nữa lên! Tất cả phải nhảy!

Nếu việc chọn lựa những cặp nhảy thành công và vui vẻ đặc biệt, cuộc khiêu vũ kéo dài hơn. Lối qua đường mở ra, rồi khép lại, rồi lại mở ra, nhưng những người khiêu vũ rủi ro kia vẫn phải tiếp tục nhảy theo điệu valse, họ thở hổn hển, bật khóc vì kiệt sức, cố mà nhảy, cầu mong được rủ lòng thương một cách vô ích.

Chỉ khi nào an toàn qua được phố Chlodna, tôi mới thấy ghetto đúng là nó. Dân trong ghetto không có vốn liếng, không có đồ đạc giá trị, họ kiếm miếng ăn hàng ngày bằng cách buôn bán. Càng vào sâu cái mê cung của những ngõ hẻm, các cuộc buôn bán càng diễn ra sôi động và cấp bách hơn. Đàn bà với những đứa trẻ bám vào váy họ, xáp đến gần người đi đường, giơ vào tận mặt họ những tấm bìa cạc tông bày bán vài mẩu bánh. Đấy là toàn bộ của nả của những người phụ nữ như thế, và các con họ có được mẩu bánh mì đen mà ăn tối nay hay không phụ thuộc hoàn toàn vào việc bán chác của họ. Những cụ già Do Thái, gầy gò hốc hác đến không thể nhận ra, cố làm cho bạn chú ý đến mấy cái quần áo cũ sờn, mong kiếm được chút tiền. Thanh niên buôn bán vàng và tiền, giành giật gay gắt và ẩu đả liên miên vì những cái đồng hồ mòn vẹt, những sợi giây chuyền hoặc các tờ đô la cũ và bẩn, họ giơ ra ánh sáng và tuyên bố có chỗ hỏng, và chẳng đáng giá gì, dù cho người bán một mực khăng khăng rằng “chúng gần như là mới”.

Những chiếc xe ngựa kéo gọi là konhellerki lóc cóc rẽ đường xuyên qua các đường phố đông đúc, chuông reo leng keng, những con ngựa và càng xe tách đám người ra như con tàu rẽ nước. Từ konhellerki ghép từ tên các chủ hãng xe điện là Kon và Heller, hai trùm tư bản Do Thái đã hầu hạ bọn Gestapo và kiếm khá bẫm. Tiền xe rất cao, vì thế chỉ có những người đang phất mới dám đi xe này, một mình vào trung tâm ghetto làm ăn. Lúc đến bến đỗ, họ đi ra khỏi xe và cố đi thật nhanh qua các phố càng nhanh càng tốt, đến các cửa hàng hoặc văn phòng làm việc mà họ đã hẹn, rồi khi xong việc lại vội vã bắt chuyến xe khác đưa họ ra khỏi cái nơi kinh khủng này.

Đi từ bến xe đến cửa hàng gần nhất không phải dễ dàng. Hàng chục người ăn mày nằm đợi khoảnh khắc ngắn ngủi bắt gặp một người đang phất, túm chặt lấy quần áo của họ, xin xỏ, khóc lóc, la hét, đe doạ. Nhưng kẻ nào ngu mới mủi lòng và cho đám ăn mày chút gì đấy, vì tiếng la khóc sẽ biến thành tiếng gào rú. Đấy là tín hiệu cho đám người khốn khổ ùa ra từ mọi phía, và người làm phúc ấy thấy mình bị vây giữa một đám ma quỷ rách rưới tả tơi, phun nước bọt đầy vi trùng lao vào anh ta, lũ trẻ con đầy vết mủ lở loét đang chảy nước lao vào chắn đường, những cánh tay cụt giơ ra múa may, những cặp mắt mù loà, những cái miệng há hốc, không răng, thối hoắc, tất cả đều van xin vào lúc này, vào khoảnh khắc cuối cùng của đời họ, làm như đoạn kết của đời họ sẽ chậm lại nhờ sự cứu tế tức thời này.

Đến trung tâm ghetto bạn phải xuống phố Karmelicka, con đường duy nhất ở đây, rõ ràng là không thể không va chạm với những người khác đi trên phố. Đám đông không đi mà xô đẩy, chen lấn, tạo thành những vùng xoáy trước những gian hàng. Mùi thối rữa đến rùng mình toả ra từ các bộ trải giường không được phơi phóng, giặt giũ, dầu ôi và rác rưởi ùn đống trên hè phố. Chỉ hơi trêu chọc là đám đông trở nên hoảng sợ, chạy ào ào từ bên này sang bên kia đường, nghẹn thở, chen chúc, la hét và chửi rủa. Phố Karmelicka là nơi đặc biệt nguy hiểm: mỗi ngày vài lần, xe nhà tù đi qua đây. Xe chở tù nhân từ nhà tù Pawiark đến trung tâm Gestapo trên phố Szuch, không nhìn thấy sau thành xe bằng thép xám xịt và các ô cửa kính nhỏ xíu mờ đục, và lúc về là phần còn lại của họ sau cuộc tra hỏi: những mảnh thân người đẫm máu, với xương gẫy và thận bị dập nát, móng tay bị nhổ hết. Đội hộ tống những chuyến xe này không cho ai đến gần, dù xe đã được bọc sắt. Lúc đoàn xe rẽ vào phố Karmelicka, đám đông dù gan góc nhất trên đời cũng phải nấp ngay vào các ngưỡng cửa vì bọn Gestapo nhoài người ra, quật dùi cui bừa bãi vào họ. Dùi cui thông thường bằng cao su không đến nỗi đặc biệt nguy hiểm, nhưng loại dùi cui bọn Gestapo dùng tán nhiều đinh và lưỡi dao cạo.

Zehuda Zyskind sống ở phố Mila, cách phố Carmeliata không xa lắm. Ông trông nom nhà ông và khi cần, ông làm người chở hàng, lái xe, buôn bán và buôn lậu hàng qua tường ghetto. Với đầu óc khôn ngoan và thể chất khoẻ khoắn, vóc người to lớn, ông kiếm tiền ở bất cứ nơi nào để có tiền nuôi gia đình. Gia đình ấy đông đến mức tôi không biết rõ có bao nhiêu người. Tuy nhiên ngoài những việc làm hàng ngày này, Zyskind là một người theo chủ nghĩa xã hội duy tâm. Ông vẫn giữ liên hệ với tổ chức xã hội chủ nghĩa, lén chuyển các thông cáo, báo chí vào trong ghetto và thành lập các chi bộ trong đó, dù ông thấy khó mà làm được việc này. Đối với tôi, ông có vẻ coi thường một cách thân ái, theo kiểu ông cho là hợp lý với các nghệ sĩ, loại người thực sự vô dụng khi cần làm người âm mưu. Đồng thời ông cũng mến tôi, cho phép tôi sáng nào cũng tới và đọc các thông cáo bí mật lấy từ radio hoặc trên báo vừa in. Ngày nay, lúc nghĩ đến ông, qua bao nhiêu năm khủng khiếp chia cắt tôi với thời ông còn sống và phổ biến tin tức, tôi khâm phục ý chí cứng cỏi của ông. Jehuda là người lạc quan và kiên quyết. Dù tin tức trên đài xấu đến đâu, ông luôn giải thích theo kiểu tốt lành. Có lần, vừa đọc xong mẩu tin giờ chót, tôi thõng tay xuống thất vọng và thở dài:

Vậy đấy, bây giờ thì bác phải công nhận là mọi thứ đang đến hồi kết thúc.

Jehuda mỉm cười, với lấy điếu thuốc lá, ngồi thoải mái trong ghế và đáp:

Ồ, nhưng cậu không hiểu rồi, cậu Szpilman – rồi ông lao vào diễn thuyê’t một hồi lâu về chính trị.

Tôi đã hiểu tường tận điều ông nói nhưng cái kiểu ông nói và niềm tin dễ lây làm mọi sự trở thành tốt nhất trong những điều tốt đẹp nhất có thể  xảy ra trên đời, và tôi thấy mình bị lây theo kiểu suy nghĩ của ông, cái kiểu tôi chưa bao giờ nghĩ tới trong đời. Chia tay ông, tôi cảm thấy vững vàng và dễ chịu. Cho đến lúc về đến nhà, nằm trên giường và suy đi nghĩ lại các tin tức chính trị lần nữa, tôi kết luận rằng lý lẽ của ông thật vớ vẩn. Nhưng sáng hôm sau tôi lại đến thăm ông, và ông lại thuyết phục được tôi là tôi đã lầm, và tôi ra về như được tiêm một mũi thuốc lạc quan, kéo dài đến tối và giữ  cho tôi hoạt động. Jehuda kéo được đến mùa đông 1942, ông bị bắt quả tang với hàng chồng tài liệu mật trên bàn, trong lúc ông cùng vợ và các con đang xếp chúng trên bàn. Họ bị bắn chết ngay tại chỗ, kể cả bé Symche mới lên ba.

Tôi khó lòng mà duy trì niềm hy vọng khi mà Zyskind đã bị giết hại, và tôi không còn có ai để giải thích cho tôi mọi điều thật chính xác nữa! Đến lúc này tôi mới thấy mình thật nhầm lẫn, và các bản tin hàng ngày cũng thế, trong khi Zyskind mới có lý. Nó có vẻ như không chắc xảy ra vào một ngày nào đó, nhưng mọi sự té ra đúng như ông tiên đoán.

Tôi thường về nhà theo một con đường: phố Karmelicka, phố Lezno, phố Zelazna. Trên đường đi tôi sẽ ghé thăm các bạn và truyền miệng các tin tức lượm được ở Zyskind. Rồi xuống phố Nowolipki giúp Henryk khiêng giỏ sách về nhà.

Cuộc sống của Henryk rất chật vật. Anh đã tự chọn cuộc sống ấy và không có ý định thay đổi, anh tin rằng sống theo kiểu khác là đáng khinh. Các bạn quý trọng tài năng văn hóa của anh đều khuyên anh gia nhập tổ chức cảnh sát Do Thái vì phần lớn các trí thức trẻ đều làm thế. Ở đó anh có thể được an toàn, nếu tháo vát anh có thể kiếm rất khá. Henryk không làm theo lời khuyên ấy. Anh rất cáu, và cho đó là một sự sỉ nhục. Theo đúng thái độ nghiêm khắc, ngay thẳng hàng ngày của anh, anh nói sẽ không làm cái việc của kẻ cướp. Tình cảm của bạn bè chúng tôi bị thương tổn, nhưng sáng sáng Henryk đến phố Nowolipki với một giỏ đầy sách. Anh bán sách. Mùa hè anh đổ mồ hôi ròng ròng và mùa đông anh run rẩy, rùng mình vì gió buốt, cứng rắn, bướng bỉnh với ý nghĩ riêng của anh, là người trí thức, không còn được tiếp xúc với sách vở kiểu khác thì ít nhất anh cũng có được mối liên hệ kiểu này, và anh sẽ không hạ mình xuống thấp hơn.

Lúc Henryk và tôi khiêng giỏ về đến nhà, mọi người thường đã ở đấy rồi, đang đợi chúng tôi ăn tối. Mẹ tôi nhất quyết bắt cả nhà phải ăn cùng với nhau, đây là lãnh địa của bà, và bà cố tạo cho chúng tôi một thứ để giữ lòng trung thành theo cách của bà. Bà dọn bàn ăn đẹp đẽ, có khăn trải bàn và khăn ăn sạch sẽ. Bà thoa phấn nhẹ lên mặt, trước lúc chúng tôi ngồi xuống, chải tóc gọn gàng và liếc nhìn vào gương xem có tươm tất không. Bà vuốt thẳng nếp váy áo, cử chỉ mạnh mẽ, nhưng không thể làm phẳng những vết nhăn chung quanh mắt bà -  năm tháng qua đi, mỗi ngày chúng một nhiều thêm -  hoặc giữ cho mái tóc hoa râm của bà khỏi bạc mau.

Lúc chúng tôi đã ngồi quanh bàn, bà bưng súp từ dưới bếp lên, và lúc bà múc từng muỗng súp, câu chuyện bắt đầu rôm rả. Bà cố để không ai nhắc đến những chuyện khó chịu, nếu một người trong chúng tôi trót nói hớ về tình hình xã hội, bà nhẹ nhàng căt ngang:

Rồi mọi sự sẽ qua thôi mà, các con cứ đợi sẽ thấy – rồi bà đổi sang đề tài khác ngay lập tức.

Cha tôi không thiên về việc ủ ê nghiền ngẫm, vì thế ông cố át chúng tôi bằng những tin tốt lành. Ông tươi cười xác nhận, cứ cho là một cuộc xung đột chủng tộc. những người quyền thế nhất đều trên dưới 40 tuổi, dù có giáo dục hay không, vì lý do này hay lý do khác đều luôn luôn đáng khích lệ. Nếu không phủ nhận tin từ thành phố đưa về là xấu, ông ngồi xuống trông thất vọng, nhưng ngay sau đó món súp đã phục hồi tinh thần ông. Trong lúc ăn món thứ hai, bao giờ cũng là món rau, ông vui lên và hăng hái tham gia vào cuộc trò chuyện vô tư.

Henryk và Regina thường đắm chìm trong suy tư. Regina chuẩn bị tinh thần cho công việc chị làm ở văn phòng luật sư vào buổi chiều.Chị kiếm được ít tiền nhưng làm việc vô cùng trung thực như thể được trả hàng ngàn. Nếu Henryk giũ bỏ được những ý nghĩ u ám là anh lao vào tranh cãi với tôi. Anh sẽ nhìn tôi chằm chằm một lúc, vẻ ngạc nhiên, rồi nhún vai gầm gừ, cuối cùng trút bỏ nỗi niềm:

Có đẻ ra là thằng ngu mới đeo cái cà vạt như của Wladek!

Anh ngu thì có, lại còn ngốc nữa – tôi đáp.

Và cuộc cãi cọ giữa chúng tôi rất sôi nổi. Anh không coi trọng việc tôi phải ăn mặc chải chuốt lúc chơi dương cầm trước công chúng. Thật lòng anh không muốn hiểu tôi và công việc của tôi. Giờ đây, khi anh chết đã lâu, tôi mới hiểu rằng anh em chúng tôi yêu quý nhau theo cách riêng của mình, bất chấp mọi thứ, dẫu cho chúng tôi hay gây gỗ với nhau bao nhiêu đi nữa, có lẽ vì tính cách của chúng tôi giống nhau lạ lùng.

Tôi hiểu Halina ít nhất. Chị là người duy nhất ít có vẻ là thành viên trong gia đình. Trái ngược với chúng tôi, chị chẳng bao giờ thể hiện ý nghĩ hoặc tình cảm, hoặc kể với chúng tôi chị làm gì mỗi khi ra khỏi nhà. Chị về nhà, lúc nào cũng bình thản và hờ hững. Hết ngày này sang ngày khác, chị chỉ ngồi bên bàn ăn, chẳng mảy may chú ý đến những điều có thể xảy ra. Tôi không thể nói thật sự chị thích gì, và hơn nữa, lúc này không thể phát hiện thêm điều gì về chị.

Bữa ăn của chúng tôi rất đơn giản, hầu như không bao giờ có thịt, và mẹ tôi làm nhiều món khác hết sức tiết kiệm. Dầu sao đi nữa, chúng thật hoang phí nếu so với các món ăn khác của phần lớn dân cư trong ghetto.

Mùa đông, trong một ngày tháng 12 ẩm ướt, khi tuyết biến thành bùn loãng dưới chân và làn gió lạnh buốt thổi xuống phố, tôi bất chợt trông thấy một “thợ mổ” già lão đang ăn bữa trưa của lão. Trong ghetto, “thợ mổ” là tên chúng tôi dành cho những người nghèo khổ khủng khiếp, phải ăn cắp để sống. Những người như thế thường xấn đến những người đi đường đang xách túi, vồ lấy và chạy mất, mong kiếm được thứ gì trong túi có thể ăn được.

Tôi đang băng qua quảng trường Ngân hàng mới được vài bước, đàng trước tôi có một phụ nữ nghèo khổ tay cầm hộp đồ ăn gói trong một tờ giấy báo. Giữa tôi và bà ta là một ông già rách rưới đang lê bước. Vai ông lão khòm xuống, ông ta run rẩy vì gió rét lúc sục chân vào bùn loãng, đôi giầy thủng lỗ chỗ để hở cả bàn chân đỏ tía. Bất ngờ ông già nhào về phía trước, túm lấy cái hộp và cố giằng khỏi tay người đàn bà. Tôi không biết ông lão không đủ khoẻ hay người đàn bà giữ nó chặt quá, mà cuối cùng cái hộp rơi xuống vỉa hè, một thứ súp đặc đang bốc khói tràn ra đường phố bẩn thỉu.

Cả ba chúng tôi đứng như trời trồng tại chỗ. Người đàn bà không nói nên lời vì hoảng hốt, kẻ “thợ mổ” nhìn cái hộp trừng trừng, rồi nhìn người đàn  bà, rồi buột ra một tiếng rên rỉ, vang lên như tiếng khóc thút thít. Rồi thật bất ngờ, ông lão nằm xoài ra trên lớp bùn loãng, liếm súp trên vỉa hè, khum hai bàn tay lại ở hai phía để không một tí súp nào thoát khỏi lão, phớt lờ sự phản ứng của người đàn bà lúc bà ta đá vào đầu lão vừa tru tréo và giật tóc lão vì thất vọng.