Dân chúng cũng y như vậy. Lúc đầu nghe nói có đến một trăm ngàn người chết, một con số khổng lồ chiếm tới mười phần trăm dân số của thành phố và làm ai nấy kinh hoàng. Sau này chúng tôi được biết khoảng hai ngàn người chết.
Trong đó có nhiều bạn bè chúng tôi mới gặp họ mấy ngày trước, giờ đây nằm dưới những đống đổ nát hoang tàn vì bom đạn. Hai đồng sự của chị Regina đã chết lúc một toà nhà ở phố Koykova bị sập. Đi qua toà nhà này, bạn phải lấy khăn tay bịt chặt lấy mũi, mùi tởm lợm của tám cái xác thấm qua cửa sổ của căn hầm khoá kín, qua mọi xó xỉnh và kẽ nứt làm ô nhiễm không khí. Một quả đạn pháo đã giết chết một đồng nghiệp của tôi ở phố Mazowiecka. Chỉ sau khi tìm thấy đầu anh ta mới xác định được những mảnh di hài rải rác là của một người có thời là một nghệ sĩ vĩ cầm tài ba.
Mọi tin tức hãi hùng không làm xáo động được sự vui mừng tự nhiên của chúng tôi là bản thân vẫn còn sống sót, và biết rằng những người thoát chết không còn mối nguy hiểm nào ngay tức thì, dù trong tiềm thức cố nén những xúc cảm ấy vì xấu hổ. Trong thế giới mới này, mọi thứ mới một tháng trước đây còn có ý nghĩa vĩnh cửu đã bị phá huỷ, những thứ đơn giản nhất trước kia hầu như chẳng chú ý gì thì lại có ý nghĩa to lớn vô cùng: một chiếc ghế bành chắc chắn thoải mái, sự dễ chịu của cái bếp lò ốp gạch men trắng làm dịu cái nhìn của bạn, tiếng cót két của ván sàn – một khúc dạo đầu khoan khoái cho bầu không khí yên bình và êm ả ở nhà.
Cha tôi là người đầu tiên lại chơi nhạc. Ông né tránh hiện thực bằng cách chơi vĩ cầm nhiều giờ liên tục. Nếu ai đó làm ông ngắt quãng bằng một mẩu tin dữ, ông lắng nghe và cau mày trông rất bực bội, nhưng gương mặt ông nhanh chóng trở nên sáng sủa và ông vừa nói vừa nâng cây vĩ cầm lên cằm:
Ồ chẳng sao đâu. Chắc là một tháng nữa quân Đồng Minh sẽ đến đây thôi – Đây là câu trả lời tin tưởng cho mọi câu hỏi và vấn đề của thời đại, là cách ông khép chặt cánh cửa sau ông và trở về với thế giới âm nhạc mà ông cho là thích hợp nhất.
Thật không may, những tin mới nhất được nhiều người lượm lặt được từ các đài phát thanh đang họat động không khẳng định sự lạc quan của cha tôi. Không có tin nào chúng tôi nghe được là xác đáng: Pháp không có ý định chọc thủng phòng tuyến Siegfried, chẳng có tin gì về việc Anh định ném bom Hamburg, một mình đổ bộ lên bờ biển nước Đức. Mặt khác những cuộc vây ráp đầu tiên của Đức bắt đầu ở Warsaw. Ban đâù chúng tiến hành vụng về, dường như những kẻ thủ phạm cảm thấy xấu hổ vì các phương tiện hành hạ con người mới mẻ này. Và dù sao chúng cũng chưa có chút thực tế nào. Nhiều xe hơi lái xuống phố bất ngờ leo lên hè khi phát hiện ra một người Do Thái, cửa xe mở, một bàn tay thò ra, một ngón tay cong lại “Vào xe!” Những người trở về từ các cuộc vây bắt này được coi là những ví dụ đầu tiên của sự ngược đãi. Nó chưa đến nỗi quá tệ, sự hành hạ thân thể mới hạn chế ở những cái tát, những quả đấm, thi thoảng là những cú đá. Nhưng vì đây là sự việc mới mẻ cho nên các nạn nhân cảm thấy đặc biệt bị xúc phạm, coi một cái tát của lính Đức như một điều nhục nhã. Họ chưa hiểu được rằng ngón đòn như thế không có ý nghĩa về đạo đức hơn một cú đá của con vật.
Trong giai đoạn ban đầu này, nói chung sự giận dữ đối với chính phủ và chỉ huy quân đội đã bỏ chạy, phó mặc số phận của đất nước còn mạnh hơn lòng căm thù quân Đức. Chúng tôi cay đắng nhớ lại những lời của viên thống chế mặt trận đã thề không để kẻ thù lấy được một cái khuy trên bộ quân phục của ông. Ông ta đã làm như vậy, nhưng chỉ vì các khuy áo vẫn còn đính chặt trên bộ quân phục của ông khi ông ta thoát thân ra nước ngoài. Không thiếu ý kiến cho rằng tốt hơn hết là chúng tôi nên ra đi, vì bọn Đức sẽ ra nhiều chỉ thị làm hỗn loạn được nước Ba Lan này.
Giờ đây Đức đã thắng trong cuộc xung đột vũ trang với chúng tôi, tuy vậy, chúng nhất định thua trong cuộc chiến chính trị. Cuộc tàn sát một trăm người dân vô tội đầu tiên ở Warsaw vào tháng Chín năm 1939 là một bước ngoặt quan trọng. Chỉ trong vòng vài giờ, một bức tường căm hận đã dựng nên giữa bọn Đức và người Ba Lan, sau này không thể vượt qua dù bọn Đức sẵn sàng làm thế trong những năm chiếm đóng.
Những sắc lệnh đầu tiên của Đức về án tử hình áp dụng cho những người không tuân lệnh đã công bố. Liên quan nặng nhất là buôn bán bánh mì, bất cứ những ai bị bắt gặp mua hoặc bán bánh mì với giá cao hơn trước chiến tranh đều bị bắn. Lệnh án này gây một ấn tượng tàn phá đối với chúng tôi. Đã nhiều ngày liền chúng tôi không có một miếng bánh mà ăn, chỉ sống bằng khoai tây và các loại tinh bột khác. Tuy vậy Henryk đã phát hiện ra bánh mì vẫn còn quanh đó và vẫn đang được bán, người mua không nhất thiết gục chết ngay tại chỗ. Thế là chúng tôi bắt đầu mua được bánh mì. Lệnh cấm không bao giờ bãi bỏ, và vì hàng ngày ai cũng phải mua và ăn bánh mì trong suốt năm năm bị chiếm đóng, chắc phải có hàng triệu án tử hình vì vi phạm vào quy định ắt phải xảy ra ở khu vực Đức trị vì Ba Lan.Song le, một thời gian dài chúng tôi mới nhận thức được các sắc lệnh của Đức không có trọng lượng, và mối nguy hiểm thật sự lại là thứ có thể xảy ra hoàn toàn bất ngờ, như từ trên trời rơi xuống, không do bất cứ quy định hoặc luật lệ nào tuyên bố.
Chẳng mấy chốc các sắc lệnh áp dụng riêng cho người Do Thái được công bố. Một gia đình Do Thái không được giữ lại quá hai ngàn zloty trong nhà. Các khoản tiền tiết kiệm khác và các khoản mục có giá trị phải gửi vào một tài khoản hạn chế trong nhà băng. Đồng thời, bất động sản của người Do Thái phải chuyển cho người Đức. Tất nhiên khó có ai lại ngây thơ đến mức sẵn sàng giao nộp tài sản của mình cho kẻ thù. Cũng như mọi người, chúng tôi quyết định giấu những thứ có giá trị gồm chỉ có chiếc đồng hồ đeo tay bằng vàng của cha tôi, cùng dây chuyền và năm ngàn zloty.
Chúng tôi tranh luận kịch liệt cách giấu chúng. Cha tôi đề nghị các biện pháp đáng tin cậy của cuộc chiến tranh trước như khoét lỗ vào chân bàn ăn và giấu vào đó.
Thằng ngu! – Cha tôi bực mình – Chúng lấy bàn ăn làm gì? Một cái bàn như thế này?
Ông liếc nhìn cái bàn đầy vẻ miệt thị. Mặt bàn bằng gỗ óc chó đánh bóng có nhiều vết nứt, và lớp gỗ dán đã hơi bong ở một góc. Định xoá bỏ dấu vết giá trị cuối cùng của thứ đồ gỗ này, cha tôi đến gần cái bàn và ấn ngón tay xuống lớp gỗ dán phồng lên làm nó gãy đánh tách, để lòi ra một vết gỗ trần trụi.
Mình làm cái quái gì thế? – mẹ tôi trách.
Henryk đưa ra một gợi ý khác. Anh ấy nghĩ chúng tôi nên dùng các biện pháp tâm lý và để đồng hồ và tiền ra chỗ dễ nhìn. Bọn Đức sẽ lục tìm ở chỗ cao hoặc thấp, và không bao giờ chú ý đến những thứ có giá nằm ngay trên bàn.
Chúng tôi đi đến một thoả thuận hữu hảo: giấu cái đồng hồ dưới tủ nhà bếp, giây chuyền dưới phím chiếc vĩ cầm của cha tôi, còn tiền thì nhét vào trong khung cửa sổ.
Mặc dù dân chúng sợ các biện pháp trừng trị khắc nghiệt của Đức, họ vẫn không mất hăng hái, tự an ủi rằng bọn Đức có thể chuyển giao Warsaw cho người Nga bất cứ lúc nào và các vùng chiếm đóng chỉ vì thể diện này, sẽ hoàn trả lại cho Ba Lan ngay khi nào có thể. Không có đường biên giới nào được thiết lập ở khúc cong trên sông Vistula, và dân chúng đi vào thành phố từ cả hai bờ sông thề rằng họ đã tận mắt nhìn thấy Hồng quân ở Jablonna hoặc ở Garwolin. Nhưng ngay lập tức họ lại theo người khác mà thề rằng chính họ đã thấy tận mắt quân Nga rút khỏi Vilna và Lvóv, nộp các thành phố này cho Đức. Thật khó mà biết nên tin nhân chứng nào.
Nhiều người Do Thái không đợi quân Nga vào nhưng đã bán hết tài sản ở Warsaw và chuyển đến phía Đông là con đường duy nhất tránh xa bọn Đức. Phần lớn các bạn đồng nghiệp của tôi đều ra đi, và giục tôi cùng đi với họ. Tuy vậy gia đình tôi vẫn quyết định ở lại.
Hai ngày sau, một trong các bạn của tôi quay trở lại, thâm tím đầy người và giận dữ, chẳng còn ba lô lẫn tiền bạc. Anh đã thấy năm người Do Thái bị bọn Đức lột trần nửa người, treo ngược tay lên cây gần biên giới và đánh bằng roi da. Anh đã chứng kiến cái chết của bác sĩ Haskielewicz, ông nói với bọn Đức là ông muốn qua sông, chúng đã dí súng lục, ra lệnh cho ông lội xuống sông, đi mãi, ngập sâu vào nước cho đến lúc ông trượt chân và chết đuối. Anh bạn tôi chỉ mất của nả và tiền nong, rồi bị đánh đập và tống trở lại. Nhưng phần lớn dân Do Thái dù bị ngược đãi và đánh đập, vẫn muốn đến nước Nga.
Lẽ tất nhiên là chúng tôi thương hại anh chàng tội nghiệp kia, nhưng đồng thời cũng cảm thấy đắc thắng: giá anh ta nghe lời khuyên của chúng tôi có phải hơn không. Quyết định của chúng tôi không hề bị dao động bởi bất cứ sự cân nhắc hợp lý nào. Chúng tôi quyết định ở lại chỉ vì yêu quý Warsaw, dù không thể cắt nghĩa điều này cho thật minh xác.
Khi nói đến quyết định của chúng tôi, tôi nghĩ đến tất cả những người thân yêu của tôi, trừ cha tôi. Nếu ông không rời Warsaw vì ông không muốn ở quá xa Sosnowiec là nơi ông ra đời. Ông chưa bao giờ thích Warsaw, và tệ hơn cho chúng tôi chính là vì thế, ông càng tha thiết với một Sosnowiec đã được lý tưởng hoá. Sonoswiec là nơi duy nhất có cuộc sống tốt đẹp, là nơi dân chúng có khiếu âm nhạc và biết đánh giá một nghệ sĩ vĩ cầm cừ khôi. Sosnowiec còn là nơi duy nhất có thể kiếm được một ly bia ngon vì ở Warsaw bạn không thể mua được thứ gì ngoài cái thứ giống như nước rửa bát tởm lợm không thể uống nổi. Sau bữa ăn tối, cha tôi khoanh tay lại trước bụng, ngả người, nhắm nghiền mắt, mơ mộng và bằng giọng đều đều, ông kể cho chúng tôi nghe về phong cảnh Sosnowiec chỉ tồn tại trong trí tưởng tượng trìu mến của ông.
Trong những tuần lễ cuối thu ấy, chưa đầy hai tháng sau khi bọn Đức chiếm Warsaw, thành phố bất ngờ trở lại hoàn toàn nếp sống như cũ. Sự cải thiện hoàn cảnh vật chất này xảy ra dễ dàng đến mức là một trong những điều ngạc nhiên nhất cho chúng tôi trong mọi điều ngạc nhiên khác của chiến tranh, nơi chẳng có gì diễn ra theo cách chúng ta mong muốn. Thành phố rộng lớn này, thủ đô của một nước có dân số nhiều triệu, bị phá huỷ một phần, vô số viên chức thất nghiệp và những làn sóng tản cư từ Silesca, vùng Poznan và vùng Pomerania tràn vào. Thật không ngờ - những người dân này, không mái nhà che đầu, không công ăn việc làm với một viễn cảnh ảm đạm nhất – lại hiểu rằng có thể dễ dàng kiếm được những món tiền khổng lồ bằng cách phá vỡ những sắc lệnh của bọn Đức. Sắc lệnh càng ban hành nhiều bao nhiêu, càng có nhiều cơ hội kiếm ăn bấy nhiêu.
Hai cuộc sống bắt đầu tiến hành sát bên nhau: một cuộc sống chính thức, tưởng tượng dựa trên các quy định buộc dân chúng phải làm việc quần quật từ sáng tinh mơ đến tối mịt, gần như không được ăn uống gì, còn cuộc sống thứ hai không chính thức, lại đầy những cơ hội kiếm lợi một cách ngẫu nhiên, sôi sục những cuộc mua bán đô la, kim cương, bột mì, da, thậm chí cả những giấy tờ giả mạo – một cuộc sống thường xuyên bị án tử hình đe doạ nhưng diễn ra vui vẻ trong các khách sạn xa hoa, với những người được đưa đến trong các “xe tay”.
Lẽ cố nhiên không phải ai cũng sống phung phí. Hàng ngày trên đường về nhà, tôi thấy một người đàn bà ngồi trong hốc tường ở phố Sienna, chơi đàn concertina và hát những bài hát Nga. Chị không bao giờ ăn xin trước lúc chạng vạng tối, chắc vì sợ bị nhận ra. Chị mặc bộ quần áo màu xám, chắc là bộ cuối cùng, rất thanh lịch, chứng tỏ người mặc đã từng được thấy những ngày tươi đẹp hơn nhiều. Gương mặt xinh đẹp của chị không sức sống trong bóng hoàng hôn, cặp mắt của chị nhìn chăm chú vào một điểm ở nơi nào đó cao hơn đầu những người qua đường. Chị có giọng hát trầm, quyến rũ, thêm nữa, chị chơi đàn rất hay. Toàn bộ vẻ chịu đựng của chị, cách chị ngồi dựa vào tường, chứng tỏ chị thuộc tầng lớp phụ nữ thượng lưu bị cuộc chiến xô đẩy, buộc phải kiếm sống bằng cách này. Hình như chị kiếm được cũng khá. Trong cái trống lục lạc trang trí nhiều dải ruy băng, luôn có nhiều đồng tiền mà chị không ngờ rằng đấy là dấu hiệu của nghề ăn mày. Chị đặt cái trống cạnh bàn chân để không ai có thể nghĩ chị đang đi ăn xin, nó đựng mấy tờ năm chục zloty cũng như nhiều đồng xu.
Bản thân tôi không bao giờ ra khỏi nhà trước lúc hoàng hôn, nhưng vì những lý do hoàn toàn khác. Trong nhiều quy định khó chịu áp dụng cho người Do Thái, có một điều tuy không viết ra nhưng phải tuân theo hết sức cẩn thân.: đàn ông gốc Do Thái phải cúi chào từng tên lính Đức. Điều kiện ngu ngốc và sỉ nhục này làm Henryk và tôi điên tiết. Chúng tôi đã làm mọi thứ có thể để tránh được việc này. Chúng tôi rẽ vòng những phố thật xa chỉ để tránh gặp một tên người Đức, và nếu không tránh không tránh nổi, chúng tôi nhìn lảng đi và giả vờ không nhìn thấy hắn, dù như thế chúng tôi có thể bị đánh đập.
Thái độ của cha tôi lại khác hẳn. Ông tìm những đường phố thật dài để đi dạo, cúi chào từng tên Đức với vẻ duyên dáng mỉa mai không chê vào đâu được, và vui sướng khi một trong những tên lính bị bộ mặt tươi cười của ông đánh lừa, đã chào lại ông và mỉm cười như thể ông là một người bạn tốt. Chiều nào trên đường về, ông không thể nén lại được những lời bình luận ngẫu nhiên trong nhóm người quen rộng rãi của ông, ông kể với chúng tôi rằng vừa đặt chân lên phố, ông đã bị hàng chục người vây quanh. Ông không thể chống lại được sự thân hữu của họ, và bàn tay ông đặt lên mũ chào một cách lịch sự cứng đờ lại vì mỏi. Cùng những lời ấy, ông mỉm cười ranh mãnh và xoa hai tay vào với nhau hân hoan.
Nhưng cũng không thể xem nhẹ sự dã tâm của bọn Đức. Đấy chỉ là một phần trong cái hệ thống muốn giữ chúng tôi trong tình trạng bấp bênh, căng thẳng liên miên, mơ hồ về tương lai. Cứ vài ngày lại ra những sắc lệnh mới. Nhìn bên ngoài chúng có vẻ không quan trọng, nhưng để chúng tôi biết rằng bọn Đức không quên chúng tôi, và không hề có ý muốn quên.
Hồi đó người Do Thái đã bị cấm đi xe lửa. Sau đó chúng tôi phải trả vé tàu điện đắt gấp bốn lần người “Aryan”. Những tin đồn đầu tiên về việc xây dựng một ghetto bắt đầu lan truyền. Chúng lan rộng rãi trong vòng hai ngày liền, làm chúng tôi rất thất vọng. Nhưng sau đó lại tắt ngấm.