Nghệ sĩ dương cầm

Chương 20

 18 tháng Giêng 1942

Cuộc cách mạng của Đảng Xã hội chủ nghĩa quốc gia (Đức Quốc Xã) có vẻ như không thật tâm về mọi mặt. Lịch sử kể lại cho chúng ta những hành động rùng rợn và những sự tàn bạo khủng khiếp do bản năng thú tính của những người đầy lòng hận thù. Dù trên quan điểm nhân văn, chúng ta có thể ân hận và chỉ trích những hành động như thế, chúng ta vẫn phải công nhận bản chất kiên quyết, tàn nhẫn và trước sau như một của họ. Không phải vì việc đã xảy ra rồi mà vờ vĩnh và nhượng bộ. Tất cả những việc đó đều tàn nhẫn, bất chấp lương tâm, đạo đức hay phong tục. Những người Jacobin đều tàn sát tầng lớp thống trị cấp trên và hành hình cả Hoàng gia. Họ trấn áp đạo Cơ đốc và tiến hành cuộc chiến tranh với nó, muốn quét sạch nó khỏi trái đất. Họ đã thành công trong việc lôi kéo nhân dân các nước vào cuộc chiến, đấu tranh với lòng nghị lực và nhiệt tình. Lý thuyết và lý tưởng của họ có ảnh hưởng to lớn vượt ra khỏi biên giới của đất nước họ.

Các phương pháp của Đức Quốc Xã khác nhau, nhưng về căn bản đều theo đuổi một mục tiêu duy nhất: huỷ diệt và thủ tiêu những người suy nghĩ khác họ. Thi thoảng lại có một số người Đức bị bắn, nhưng sự thực này bị bưng bít và không cho quần chúng nhân dân hay biết. Dân chúng bị giam trong các trại tập trung, chỉ được phép gầy mòn ốm yếu và bỏ mạng ở đó. Quần chúng không được nghe tin tức gì. Nếu anh sắp bắt giam kẻ thù của Nhà nước, anh phải có dũng khí kết tội họ công khai và giao họ cho thẩm phán nhân dân.

Họ liên minh với các tầng lớp cầm quyền chủ yếu cũng như trong các ngành và duy trì các nguyên tắc của nhà tư bản. Họ tuyên bố cho quyền tự do cá nhân và tín ngưỡng nhưng lại phá huỷ các nhà thờ Cơ đốc giáo và tiến hành cuộc chiến bí mật nhằm chống lại nhà thờ. Họ nói về nguyên tắc Fuhrer và quyền lợi của những người có năng lực nhằm có thể thoải mái phát triển tài năng của họ, nhưng lại làm cho mọi việc đều phụ thuộc vào các đảng viên. Những người có tài và xuất chúng bị phớt lờ nếu họ ở ngoài Đảng Quốc Xã. Hitler nói muốn đem lại hoà bình cho toàn thế giới, trong lúc ra sức vũ trang theo kiểu hung hăng. Hắn nói với thế giới rằng không hề có ý định sáp nhập các nước khác vào Đức và phủ nhận chủ quyền của họ, nhưng với Tiệp Khắc, Ba Lan và Serb thì sao? Đặc biệt là ở Ba lan, nơi có thể không cần cướp đọat chủ quyền của cả một dân tộc trong một khu vực định cư độc lập của họ.

Cứ nhìn vào bản thân các đảng viên Đức Quốc Xã xem họ sống bằng các nguyên tắc Quốc Xã như thế nào, ví dụ quan điểm lợi ích chung phải đặt trước lợi ích cá nhân. Họ yêu cầu thường dân tuân theo quy tắc ấy, nhưng bản thân họ lại không hề có ý làm theo như thế. Ai sẽ phải đối mặt với kẻ thù? Dân chúng chứ không phải Đảng. Hiện giờ họ huy động cả những người ốm yếu hom hem vào quân ngũ, trong lúc những thanh niên khoẻ mạnh, phù hợp lại đang làm việc trong các văn phòng của Đảng và cảnh sát, cách xa lửa đạn chiến tuyến. Vì sao những người như thế lại được miễn trừ?

Bọn chúng đã tịch thu tài sản của người Ba Lan và Do Thái để hưởng thụ. Lúc này người Ba lan và Do Thái chẳng có chút gì để ăn, họ sống thiếu thốn, chết đói, chết rét và Đức Quốc Xã chẳng thấy có gì sai khi chiếm cứ mọi thứ cho mình.

 

Warsaw 17 tháng Tư năm 1942

 Tôi trải qua một số ngày yên ổn tại đây, tại trường Đại học thể dục. Tôi hầu như không chú ý đến chiến tranh, nhưng tôi không cảm thấy hạnh phúc. Thi thoảng chúng tôi lại được nghe chuyện này, chuyện nọ. Những sự kiện ở khu vực phía sau chiến tuyến đã thành tin tức ở đây: các vụ bắn giết, tai nạn, vân vân. Ở Lietzmannstadt, một trăm bốn mươi nam giới bị giết – bị hành hình dù vô tội – vì vài tên cướp bắn chết ba cảnh sát. Ở Warsaw cũng xảy ra chuyện tương tự. Kết quả là không chỉ đánh thức nỗi sợ hãi và kinh hoàng mà khơi dậy cả lòng quyết tâm dữ dội, sự giận dữ và cuồng tín. Trên cầu Praga có hai đoàn viên thanh niên Hitler đang quấy nhiễu một người Ba Lan, lúc người này tự vệ, chúng gọi thêm một cảnh sát Đức đến giúp. Ngay lúc đó người Ba lan bắn gục cả ba tên. Một xe quân đội loại lớn đâm phải một chiếc xe khác chở ba người ở quảng trường Bưu điện. Người lái xe nhỏ chết ngay lúc ấy. Chiếc xe quân sự vẫn chạy tiếp, kéo theo chiếc xe nhỏ vẫn còn một hành khách bị kéo lê dưới bánh xe. Một đám dân chúng tâp hợp lại nhưng cái xe vẫn đi. Một người Đức cố ngăn nó lại. Lúc ấy chiếc xe quân sự bị vướng vào bánh chiếc xe nhỏ nên nó phải ngừng lại. Những người trên chiếc xe quân sự bước xuống, kéo chiếc xe hơi nhỏ sang một bên rồi lại tiếp tục lái đi.

Một số người Ba lan ở Zakopane quên giao nộp ván trượt tuyết của họ. Nhiều ngôi nhà bị lục soát, hai trăm bốn mươi người bị đưa đi Auschwitz, trại tập trung gây kinh hoàng nhất ở miền Đông. Bọn Gestapo hành hạ dân ở đấy đến chết. Chúng đẩy những người bất hạnh này vào một căn phòng nhỏ rồi xả hơi ngạt. Dân chúng bị đánh đập man rợ trong lúc thẩm vấn. Có nhiều phòng tra tấn đặc biệt: ví dụ, có phòng chúng buộc bàn tay và cánh tay nạn nhân vào một cái cột rồi kéo lên, nạn nhân bị treo lơ lửng cho đến lúc bất tỉnh. Hoặc nhét nạn nhân vào một cái thùng hẹp, chỉ có thể ngồi lom khom và để mặc đó cho đến lúc nạn nhân mất trí. Chúng còn có những trò hiểm ác gì khác nữa? Tổng số có bao nhiêu người vô tội bị giam giữ? Mỗi ngày lương thực một khan hiếm hơn, nạn đói đang hoành hành ở Warsaw.

 

Tomazów, 26 tháng Sáu năm 1942

Tôi nghe thấy tiếng đàn organ và tiếng hát trong một ngôi nhà thờ Thiên chúa giáo. Tôi bước vào. Bọn trẻ con mặc toàn đồ trắng chịu lễ ban thánh thể lần đầu đang đứng cạnh bàn thờ. Trong nhà thờ rất đông người. Họ đang hát bài Tantum ergo và được ban phúc. Tôi cũng để cha xứ ban phúc cho cả tôi. Những đứa bé vô tội trong một thành phố Ba Lan ở nơi đây, ở một thành phố Đức nới kia, hoặc ở một nơi nào đó trên thế giới đều đang cầu Chúa, chỉ vài năm nữa thôi sẽ đánh giết nhau vì lòng hận thù mù quáng. Ngay trong những ngày xa xưa, khi các đất nước mộ đạo hơn tôn xưng người trị vì của họ là Đức Giáo hoàng thì ngày nay những người dân cách biệt hẳn với đạo Cơ đốc cũng làm như thế. Nhân loại hình như bị đày đoạ phải làm nhiều việc xấu hơn là tốt. Lý tưởng cao quý trên trái đất này là tình yêu con người.

 

Warsaw 23 tháng Bảy năm 1942

Nếu đọc báo hoặc nghe tin tức trên đài có thể tưởng mọi việc đang rất trôi chảy, hoà bình là điều chắc chắn, cuộc chiến đang thắng lợi và tương lai của dân Đức tràn đầy hy vọng. Song tôi không sao tin nổi điều ấy, vì rốt cuộc sự bất công không thể thắng thế, và phương cách người Đức trị vì các đất nước họ chinh phục nhất định sẽ dẫn đến kháng cự, không chóng thì chầy. Tôi chỉ xem xét tình hình ở Ba Lan và chưa gặp nhiều người kháng chiến, và nghe kể về họ qúa ít. Nhưng dựa vào những quan sát, những cuộc nói chuyện và thông tin hàng ngày, chúng tôi có thể thấy một bức tranh toàn cảnh. Nếu phương pháp của chính quyền và chính phủ đàn áp dân địa phương và những cuộc tiễu trừ của Gestapo ở đây đặc biệt tàn nhẫn, tôi cho rằng tình hình sẽ rất giống ở các nước bị chinh phục khác.

Sự sợ hãi và kinh hoàng bao trùm, đâu đâu cũng thấy cưỡng đoạt và bắt giam. Dân chúng bị bắt và bắn chết hàng ngày. Sinh mạng con người trở nên không còn ý nghĩa, nói gì đến tự do cá nhân. Nhưng yêu tự do là bẩm sinh của từng con người, từng dân tộc và không thể đàn áp lâu dài. Lịch sử dạy chúng ta rằng ách chuyên chế không bao giờ tồn tại lâu dài. Hiện giờ chúng ta phạm tội giết người, day dứt lương tâm vì cuộc tàn sát bất công, khủng khiếp người Do Thái. Sắp tiến hành cuộc huỷ diệt người Do Thái. Đấy là mục tiêu của chính phủ Đức từ khi bắt đầu xâm chiếm các nước phía Tây, có cảnh sát và Gestapo hỗ trợ, nhưng lần này sẽ tiến hành trong một phạm vi rộng lớn và quyết liệt.

Chúng tôi nghe được những báo cáo đáng tin cậy từ những nguồn khác nhau rằng ghetto ở Lublin đã bị huỷ diệt toàn bộ, người Do Thái bị đưa ra khỏi đấy và bị giết hàng loạt, hoặc bị đưa vào rừng, một số bị tống giam vào các trại. Dân chúng ở Lietzmannstadt và Kutno kể rằng người Do Thái – cả đàn ông, đàn bà và trẻ em – bị đầu độc bằng hơi trong các xe hơi ngạt tự động, người chết bị lột hết quần áo, bị ném vào các ngôi mộ tập thể, còn quần áo đưa vào các nhà máy dệt để tái chế. Nghe nói những cảnh khủng khiếp vẫn còn đang tiếp diễn ở đấy. Hiện giờ các bản tường trình nói đang quét sạch ghetto Warsaw theo cách tương tự. Có khoảng bôn trăm ngàn người trong ghetto và các tiểu đoàn cảnh sát Ukraina và Lithuana được sử dụng thay thế cảnh sát Đức. Thật khó mà tin được tất cả  những chuyện này, và tôi cố không quá lo lắng về tương lai của đất nước tôi, một ngày nào đó sẽ phải trả giá cho những hành động gớm ghiếc này, vì tôi không thể tin Hitler muốn làm thế và có những người ra những mệnh lệnh như thế. Nếu điều đó xảy ra, chỉ có một lời giải thích duy nhất: chúng là kẻ bệnh hoạn, không bình thường hoặc điên rồ.

 

25 tháng Bảy năm 1942

Nếu những gì người ta nói trong thành phố là thật – vì theo những nguồn tin đáng tin cậy – thì làm sĩ quan Đức chẳng vinh hạnh gì, vì không ai có thể chịu nổi những điều đang diễn ra. Nhưng tôi không tin nổi.

Nhiều tin đồn nói rằng trong tuần này ba chục ngàn người Do Thái bị đưa khỏi ghetto đi về một miền nào đó phía Đông. Dù là tin bí mật, người ta đều nói họ biết việc sẽ xảy ra: ở đâu đó gần Lublin, có nhiều ngôi nhà đã xây xong, có nhiều lò nung nóng bằng điện cao thế, giống như lò hoả thiêu bằng điện. Những con người bất hạnh bị đẩy vào phòng này và bị thiêu sống. Mỗi ngày có hàng ngàn người bị giết theo kiểu ấy, tiết kiệm được mọi thứ, không phải bắn, đào hố rồi lại lấp đất chôn họ. Máy chém trong cuộc Cách mạng Pháp không thể so sánh nổi với các biện pháp tàn sát hàng loạt có kỹ năng cao như thế này.

Chắc hẳn đây là sự điên rồ. Không thể như thế được. Tôi cứ băn khoăn vì sao người Do Thái không chịu tự vệ. Song trên thực tế có nhiều người ốm yếu vì đói và khổ sở đến mức không thể kháng cự nổi.

 

Warsaw 13 tháng Tám năm 1942

Một chủ hiệu Ba Lan bị trục xuất khỏi Posen từ hồi đầu chiến tranh, đang kinh doanh ở Warsaw. Ông ta hay bán cho tôi rau quả và các thứ. Trong thế chiến thứ nhất, ông đã chiến đấu như một lính Đức ở mặt trận phía Tây suốt bốn năm. Ông ta cho tôi xem sổ lương của ông. Người đàn ông này thông cảm sâu sắc với người Đức, nhưng ông là người Ba Lan, và vẫn sẽ là người Ba Lan. Ông thất vọng vì sự tàn bạo khủng khiếp, vì sự hung ác đầy tính thú vật  của bọn Đức đang tiến hành trong ghetto.

Không thể không băn khoăn tự hỏi nhiều lần rằng sao trong chúng ta lại có nhiều tầng lớp đê tiện đến thế. Hay bọn tội phạm hoặc người mất trí trốn khỏi nhà tù và nhà thương điên được cử đến đây làm chó săn? Không, một số là nhân vật nổi tiếng trong Nội các đã chủ trương bảo những người đồng hương ngây thơ hành động như thế. Sự xấu xa và tàn nhẫn ẩn náu trong trái tim con người. Nếu được phép phát triển tự do, chúng sẽ nảy nở thành đủ loại gớm ghiếc, kiểu như ý tưởng cần phải tàn sát người Ba Lan và Do Thái như thế này.

Người chủ hiệu Ba Lan mà tôi nhắc tới có nhiều người quen là Do Thái trong ghetto và hay đến đấy thăm. Ông ta kể lại nhiều cảnh tượng không thể hình dung nổi, và hiện giờ ông rất sợ đi đến đấy. Đi xe kéo xuống phố, ông ta thấy một tên Gestapo đang lùa một nhóm người – cả đàn ông lẫn đàn bà – vào một ngưỡng cửa của một ngôi nhà rồi bắn bừa bãi vào họ. Mười người chết và bị thương. Một người thoát chạy, tên Gestapo giơ súng ngắm nhưng hết đạn. Những người bị thương chết dần, không ai giúp họ, những bác sĩ đã bị đưa đi, bị giết chết hoặc đang chờ chết. Một phụ nữ kể với người Ba Lan quen tôi rằng có mấy tên Gestapo vào một nhà hộ sinh Do Thái, túm lấy bọn trẻ sơ sinh bỏ vào bao rồi quẳng lên xe tang. Những tiếng kêu khóc gọi con xé ruột của các bà mẹ không hề làm những kẻ tàn ác mảy may xúc động. Hôm nay hai con thú ấy đi cùng chuyến xe điện với tôi. Chúng cầm roi da trong tay, trên đường đi đến ghetto. Tôi chỉ muốn đẩy chúng xuống dưới bánh xe điện.

Chúng ta là những kẻ nhát gan, nghĩ như thế đấy nhưng vẫn để  cho mọi việc diễn ra. Chúng ta đáng bị trừng phạt, và những đứa con ngây thơ của chúng ta cũng thế, vì chúng ta đã mắc tội thông đồng khi cho phép những tội ác như thế hoành hành.

 

Sau ngày 21 tháng Tám năm 1942

Dối trá là khốn nạn nhất trong các điều xấu xa. Mọi thứ hiểm ác đều nảy sinh từ đấy. Vậy mà chúng ta đã và đang dối trá, quần chúng đang bị lừa gạt. Không một trang báo nào thóat khỏi sự dối trá, dù viết về chính trị, kinh tế, lịch sử, xã hội và văn hoá. Sự thật đang bị sức ép ở khắp nơi. Sự thật bị xuyên tạc, bóp méo và bẻ ngược. Có thể nào cứ như thế này mà thành tốt được? Không, tình hình không thể cứ như thế này mãi mãi, vì sức sống tự nhiên của con người và vì thái độ của những người tự do. Những kẻ dối trá dù có xuyên tạc sự thật sẽ phải bị diệt vong, sức mạnh thống trị của chúng sẽ bị tiêu ma và lúc đó, lại có chỗ cho loài người được tự do hơn, cao thượng hơn.

 

Ngày 1 tháng Chín năm 1942

Tại sao cuộc chiến này lại phải xảy ra? Vì lòng nhân đạo phải thể hiện ở chỗ sự vô thần  của nó đang bị lợi dụng. Đức Quốc Xã giết hàng triệu người nói là để tái lập một trật tự mới. Chúng cấm dân chúng theo tôn giáo, thanh thiếu niên được dạy phải vô thần, Giáo hội bị phản đối và tài sản của nhà thờ bị chiếm đọat. Bất cứ người nào nghĩ khác đi đều bị khủng bố, bản tính tự do của dân tộc Đức đang bị tha hóa và họ biến thành những tên nô lệ luôn khiếp sợ. Họ né tránh sự thật. Họ chẳng đóng vai trò gì trong số phận của dân tộc họ.

Lúc này chẳng có điều răn nào chống lại trộm cắp, giết người, dối trá, nói gì đến chuyện chống lại lợi ích cá nhân của con người. Sự phủ nhận những điều răn của Chúa dẫn đến sự biểu hiện vô đạo đức của tính tham lam, làm giàu bất chính, hận thù, lừa đảo, dâm loạn, dẫn đến sự cằn cỗi và suy vi của người Đức. Chúa cho phép mọi chuyện này xảy ra, ban cho chúng sức mạnh, để cho nhiều người vô tội bị huỷ diệt, để chứng tỏ cho loài người thấy, thiếu Ngài, chúng ta chỉ là những con vật tranh giành nhau, tin rằng chúng ta phải huỷ hoại lẫn nhau. Chúng ta sẽ không nghe theo lời răn thiêng liêng “Hãy yêu thương lẫn nhau”. Được lắm, lúc ấy Chúa nói, hãy thử lời răn ngược lại của Quỷ dữ “Hãy sát hại, căm thù nhau!” Chúng ta biết câu chuyện về đại hồng thủy trong kinh thánh. Vì sao loài người ban đầu lại đi đến kết cuộc buồn thảm như vậy? Vì họ từ bỏ Chúa và phải chết, có tội cũng như vô tội. Họ chỉ có thể đổ lỗi cho bản thân mình vì sự trừng phạt này. Và ngày nay tình trạng cũng y như thế.

 

Ngày 6 tháng Chín năm 1942

Một sĩ quan thuộc đơn vị biệt kích nhận nhiệm vụ làm hàng rào bảo vệ kể với tôi những việc khủng khiếp họ đã làm ở thành phố của Sielce, một trung tâm hành chính. Anh ta bối rối  và phẫn nộ đến mức quên bẵng là chúng tôi đang ở trong một đám đông, có cả một nhân vật Gestapo cỡ lớn. Một hôm những người Do Thái bị lôi ra khỏi ghetto và bị lôi ra đường phố, đàn ông, đàn bà và trẻ con. Một số bị bắn công khai, ngay trước mặt người Đức và người Ba Lan. Đàn bà quằn quại trong vũng máu giữa trời hè nóng nực, chẳng ai cứu giúp. Trẻ con đi trốn bị lôi ra và ném qua cửa sổ. Sau đó hàng ngàn người bị dồn đến ga xe lửa, chờ tàu đưa họ đi. Họ chờ ở đó suốt ba ngày, trong cái nóng ghê gớm của mùa hè, không cơm ăn thức uống. Hễ người nào đứng lên là bị bắn ngay lập tức, bắn công khai. Rồi họ bị đưa đi, hai trăm người nhét trong toa chở súc vật chỉ đủ chỗ cho bốn mươi hai người. Rồi chuyện gì sẽ xảy ra với họ? Không người nào công nhận là mình biết, nhưng không thể bưng bít mãi được. Ngày càng có nhiều người cố trốn thoát, và họ tiết lộ ra những sự thật khủng khiếp ấy. Nơi họ đến là Treblinka, nằm ở phía Đông Ba Lan, thuộc Đức cai trị. Các toa xe “dỡ hàng” ở đấy, có rất nhiều người chết. Toàn bộ nơi này có tường bao quanh, các toa xe tiến thẳng trước lúc được dỡ xuống. Các xác chết chất đống bên cạnh đường ray. Khi những người khoẻ đến, họ phải dọn hàng núi xác ấy đi, đào những cái huyệt mới và phủ đất khi huyệt đã đầy. Sau đó họ cũng bị bắn chết. Những chuyến khác đưa người đến giải quyết xác họ như họ đã từng làm cho những người đi trước. Hàng ngàn phụ nữ và trẻ em phải cởi hết quần áo, rồi bị dồn vào một căn nhà lưu động và xả hơi ngạt. Sau đó căn nhà được di chuyển đến bên một cái hố to, mở một bên thành và nâng sàn lên đổ những xác chết vào trong ngôi huyệt tập thể. Tình hình cứ như thế trong một thời gian dài. Những người bất hạnh trên toàn cõi Ba Lan đang bị tập hợp. Một số bị giết ngay tại chỗ vì không đủ chỗ chứa, nhưng vẫn còn có quá nhiều người bị đưa đi. Mùi hôi thối khủng khiếp của xác chết lởn vởn trên toàn vùng Treblinka. Bạn tôi được một người Do Thái bỏ trốn kể lại những sự việc trên. Anh ta cùng với bảy người nữa đã trốn thoát và hiện ở Warsaw. Nghe nói có cả một số người đang ở trong thành phố. Anh ta cho bạn tôi xem một đồng 20 zloty lấy được trong túi một xác chết: anh ta đã gói tờ giấy bạc cẩn thận để mùi xác chết hãy còn dính vào đấy, như một lời nhắc nhở khôn nguôi, phải báo thù cho anh em của mình.

 

Chủ nhật, 14 tháng Hai năm 1943

 Ngày Chủ nhật, có thể theo đuổi những ý nghĩ riêng tư, quên đi quân đội và những đòi hỏi của nó, bao ý nghĩ thường ẩn nấp trong tiềm thức bỗng trỗi dậy. Tôi cảm thấy rất lo cho tương lai. Một lần nữa, nhìn lại giai đọan thời chiến, tôi không thể hiểu nổi tại sao chúng ta lại có thể phạm những tội ác như thế đối với những thường dân vô phương tự vệ, chống lại người Do Thái? Chỉ có thể có một lời giải thích duy nhất: những kẻ làm việc đó, những kẻ ra lệnh và cho phép xảy ra việc đó, đã mất hết cảm giác tử tế và trách nhiệm. Bọn chúng là những người vô thần hoàn toàn, ích kỷ hiển nhiên, những kẻ theo chủ nghĩa vật dục ti tiện. Khi các vụ tàn sát người Do Thái xảy ra hàng loạt trong mùa hè vừa qua, rất nhiều phụ nữ và trẻ em bị sát hại, tôi đã biết chắc rằng chúng ta sẽ bại trận. Bây giờ không phải là thời điểm trong cuộc chiến để có thể bào chữa là cuộc kiếm tìm sự tồn tại tự do và khoảng không gian sống, nó đã suy thoái thành cuộc giết chóc hàng loạt, rộng lớn và phi nhân tính, phủ định mọi giá trị văn hóa và dân tộc Đức không bao giờ có thể biện minh nổi, cả đất nước này nhất định sẽ bị kết tội. Cũng không bao giờ có thể bào chữa về sự hành hạ người Ba Lan như bắt bớ, tù đày, bắn giết tù nhân chiến tranh và đối xử đầy thú tính với họ.

 

Ngày 16 tháng Sáu năm 1943

Sáng nay một thanh niên đến gặp tôi. Tôi đã gặp bố cậu ta ở Obersig. Cậu ta đang làm ở một công trường bệnh viện gần đây, và đã tận mắt chứng kiến ba tên Gestapo bắn chết một thường dân. Chúng hỏi giấy người này và khi phát hiện là người Do Thái, chúng lôi anh ta vào một ngưỡng cửa và bắn chết. Chúng lột cái áo khoác và mặc anh ta nằm ở đó.

Một nhân chứng người Do Thái khác kể lại:

Chúng tôi ở trong một ngôi nhà thuộc ghetto. Chúng tôi bị nhốt dưới hầm suốt bảy ngày. Ngôi nhà bốc cháy trên đầu chúng tôi, phụ nữ chạy ra ngoài và chúng tôi là đàn ông cũng làm thế, một số người bị bắn chết. Sau đó chúng tôi bị đưa đến Umschlagplatz trong các toa xe chở súc vật, anh trai tôi đã uống thuốc độc, chị dâu tôi và vợ tôi bị đưa đến Treblinka và bị hoả thiêu tại đó.  Tôi bị xử đưa đến một trại lao động, tại đó chúng tôi bị đối xử rất khủng khiếp, hầu như chẳng có gì mà ăn và phải làm việc rất cực nhọc – Anh đã viết thư cho bè bạn – Hãy gởi cho tôi thuốc độc. Tôi không thể nào chịu nổi hơn được nữa. Nhiều người đang chết dần chết mòn kiểu này.

Bà Jait làm người hầu cho một cơ quan bí mật trong suốt một năm. Bà thường nhìn thấy những người Do Thái làm việc tại đây bị đối xử một cách tàn nhẫn. Họ bị đánh đập dã man. Một người bị bắt đứng suốt ngày trên đống than cốc trong tiết trời giá lạnh và không được mặc quần áo ấm. Một nhân viên trong cơ quan đi ngang qua và bắn gục anh ta ngay tại chỗ. Vô số người Do Thái bị giết như thế, bị giết một cách điên rồ, chẳng vì lý do gì, thật không hiểu nổi.

Hiện giờ chỉ còn lại những tàn dư cuối cùng của dân Do Thái trong ghetto đã bị huỷ diệt. Một Sturmfuhrer SS khoe khoang cách bắn gục những người Do Thái chạy ra khỏi những ngôi nhà bốc cháy. Cả ghetto đã bị ngọn lửa thiêu huỷ hoàn toàn.

Những kẻ tàn bạo này tưởng chúng ta sẽ thắng trận theo kiểu đó. Nhưng nhất định chúng ta sẽ bại trận với cái kiểu tàn sát người Do Thái hàng loạt rùng rợn này. Chúng ta phải đeo nỗi nhục này và không thể rửa sạch, đấy là lời nguyền không thể huỷ bỏ. Chúng ta không đáng được khoan dung, tất cả  chúng ta đều là kẻ có tội.

Tôi rất xấu hổ lúc vào thành phố. Bất cứ người Ba Lan nào cũng có quyền nhổ nước bọt vào chúng tôi. Lính Đức đang bị bắn sẻ hàng ngày. Tình hình mỗi ngày một tệ hơn, và chúng ta không có quyền than phiền vì chúng ta không còn xứng với bất kỳ cái gì nữa. Mỗi ngày ở đây tôi càng cảm thấy tệ hại hơn.

 

Ngày 6 tháng Bảy năm 1943

Vì sao Chúa lại cho phép một cuộc chiến kinh khủng với những vật hiến tế rùng rợn đến thế này? Hãy nhớ đến những cuộc oanh kích dữ dội, những nỗi kinh hoàng ghê gớm của những người dân vô tội, đến sự đối xử vô nhân đạo đối với các tù nhân trong trại tập trung, những vụ sát hại hàng trăm ngàn người Do Thái của Đức. Đấy có phải là lỗi của Chúa không? Tại sao Người không can thiệp? Tại sao Người lại để một chuyện như thế xảy ra? Chúng ta có thể hỏi như vậy, nhưng sẽ không có câu trả lời. Chúng ta sẵn sàng đổ lỗi cho người khác thay vì nhận về mình. Chúa cho phép tội lỗi xảy ra vì loài người tuân theo nó, và lúc này chúng ta cảm thấy gánh nặng tội ác và sự không hoàn hảo của mình. Lúc bọn Nazi nắm quyền, chúng ta đã không làm gì để ngăn chặn chúng lại, chúng ta đã phản bội lại lý tưởng của mình. Lý tưởng của cá nhân, tự do dân chủ và tự do tín ngưỡng.

Công nhân đi cùng bọn Nazi, nhà thờ ủng hộ và quan sát, các tầng lớp trung lưu quá hèn nhát không làm được gì, cả những trí thức hàng đầu cũng thế. Chúng ta đã cho phép thủ tiêu các hội, đàn áp các giáo phái khác nhau, không được tự do ngôn luận trên báo chí và đài phát thanh. Rồi cuối cùng chúng ta đã bị lái đến cuộc chiến tranh. Chúng ta đã bằng lòng để nước Đức tham chiến không có sự đại diện dân chủ, và kiên nhẫn chịu đựng nền dân chủ rởm của những người không nói lên được điều gì cho ra hồn. Lý tưởng bị phản bội mà không hề bị trừng phạt, và lúc này chúng ta đang chịu mọi hậu quả.

 

Ngày 5 tháng Mười hai năm 1943

Năm ngoái chúng ta đã thấy hết thất bại này đến thất bại khác. Lúc này chúng ta đang chiến đấu trên sông Dnieper. Toàn bộ Ukraine đã bị mất. Dẫu cho chúng ta có giữ được chút ít vẫn có trong khu vực đó, chắc chắn rằng không phải là lợi ích kinh tế. Người Nga mạnh đến mức sẽ đuổi hết chúng ta ra khỏi lãnh thổ của họ. Anh đã bắt đầu phản công ở Italy và một lần nữa, chúng ta phải bỏ hết vị trí này đến vị trí khác. Ở Đức, hết thành phố này đến thành phố khác bị phá huỷ. Hiện giờ đến lượt Berlin, từ ngày 2 tháng Chín đã có nhiều cuộc oanh kích vào Leipzig. Cuộc chiến đảo ngược đã hoàn toàn thất bại. Dân chúng nói gì về cuộc chiến mà họ tưởng có thể hy vọng? Chúng ta không có khả năng chiến thắng lấy một nước mà chúng ta đã chiếm đóng. Các nước đồng minh của chúng ta như Bulgaria, Romania và Hungary không giúp được gì. Nếu có thể đối phó được với các vấn đề nội bộ là họ đã đủ mừng rồi, và họ sẵn sàng để các lực lượng thù địch tấn công  vào biên giới nước họ. Họ không thể làm gì cho chúng ta ngoài viện trợ kinh tế, ví dụ Romania cung cấp dầu lửa. Họ đặc biệt vô dụng trong việc viện trợ quân sự. Vì chính phủ phát xít đã bị lật đổ ở Ý, nước này chẳng còn gì cho chúng ta ngoài một bãi chiến trường ở ngoài biên giới Đức, nơi lúc này vẫn còn đang giao chiến.

Sức mạnh ưu việt của kẻ thù chúng ta đang đập tan vũ khí trong tay chúng tay. Bất cứ người nào cố đứng thẳng dậy đều bị gục ngã. Tình hình là thế, làm sao chúng ta có thể nghĩ đến việc xoay chuyển tình thế cuộc chiến trở thành thuận lợi cho chúng ta?

Không một người nào ở Đức tin chúng ta sẽ thắng trận, nhưng thoát khỏi tình trạng này bằng cách nào? Sẽ không có một cuộc cách mạng nào trong nước vì không có ai có đủ can đảm liều mạng bằng cách đương đầu với Gestapo. Mà nếu một nhúm người định thử thì sẽ sử dụng cái gì? Đa số dân chúng có thể đồng ý với họ, nhưng lại bị trói tay mất rồi. Suốt mười năm gần đây, cá nhân còn chẳng có dịp biểu lộ ý chí tự do, nói gì đến quảng đại quần chúng. Bọn Gestapo sẽ nổ súng ngay tức khắc. Và chúng ta không thể trông chờ một hành động táo bạo của quân đội. Quân đội tình nguyện bị đưa đến chỗ chết, và bất kỳ một ý tưởng chống đối nào cũng có thể gây nên một cuộc thanh trừng lớn. Vì thế chắc chắn là chúng ta sẽ đi đến một kết cục chua xót. Cả dân tộc ta sẽ phải trả giá cho những lầm lỗi và những điều bất hạnh này, cho những tội ác chúng ta đã phạm. Nhiều người vô tội đã trở thành vật hiến tế trước khi chúng ta có thể xóa sạch tội giết người. Đó là một quy luật không thay đổi được trong sự việc nhỏ cũng như lớn.

 

Ngày 1 tháng Một năm 1944

Báo chí Đức tường thuật một cách phẫn nộ việc người Mỹ tước đoạt và lấy đi các tác phẩm nghệ thuật quý giá ở miền Nam nước Ý. Cái kiểu phản đối kịch liệt tội ác của người khác thật là lố bịch. Cứ làm như địch thủ không biết gì về các tác phẩm nghệ thuật quý mà chúng ta đã chiếm đoạt và mang ra khỏi Ba Lan hay hoặc đã phá huỷ ở Nga.

Ngay cả khi đứng trên quan điểm “nước ta đúng hoặc sai” và công nhận chúng ta đã thản nhiên làm việc đó, hành động đạo đức giả không đúng chỗ kia chỉ làm cho chúng ta trở thành nực cười.

 

Ngày 11 tháng Tám 1944

Fuhrer đã ban sắc lệnh phải phá trụi Warsaw đến tận mặt đất. Đã sẵn sàng để bắt đầu. Tất cả các đường phố được giải phóng trong cuộc nổi dậy đều bị đốt cháy. Dân cư phải rời thành phố, được đưa về miền Tây từng đoàn dài hàng ngàn người. Nếu tin tức này là xác thực, tôi thấy rõ rằng chúng tôi sẽ mất Warsaw, Ba Lan và bản thân cuộc chiến. Chúng ta đang từ bỏ một địa điểm chúng ta đã giữ được trong năm năm trời, giơ nó ra và bày tỏ với toàn thế giới rằng đấy là một khoản bồi thường chiến tranh. Nhiều biện pháp gớm ghiếc đã được áp dụng tại đây. Chúng ta làm như chúng ta là chủ và sẽ không bao giờ ra đi. Lúc này chúng ta không thể không thấy rằng mọi thứ thế là hỏng hết rồi, chúng ta đang phá huỷ công việc của chúng ta, mọi thứ mà chính quyền dân sự hãnh diện đến thế, vẫn coi sự có mặt tại đây là nhiệm vụ vĩ đại về văn hóa và muốn chứng tỏ sự cần thiết của họ với toàn thế giới. Cách giải quyết của chúng ta ở phương Đông đang phá sản, chúng ta đang dựng đài kỷ niệm cuối cùng cho nó bằng cách phá huỷ Warsaw.