au khi nhận được bức điện ngày 9 tháng 10 của Bundy, Đại sứ Sedgewick đã thay đổi ngay cách ứng phó của mình. Trước đó, ít nhất có khoảng sáu, bảy người trong đó có tướng Donnelly, ngài Bilder, ngài Sabo, cô Helen Eng, ngài Markoff và trước khi ông ta tới đây còn có cả D. Marnin - là những người “trong cuộc” thường xuyên được đọc những bức điện dạng này. Về sau, Đại sứ Sedgewick luôn kiểm soát đến từng chi tiết mọi thông tin liên quan đến kế hoạch đảo chính với tất cả mọi người trong Đại sứ quán ngoại trừ Đại tá Gascon và một nhân viên mã hóa riêng của CIA. Khi ông ta viết bất cứ điều gì liên quan đến chủ đề này, ông ta đều viết bằng tay lên trên một tờ giấy điện màu vàng lúc nào cũng có sẵn ngay tại phòng làm việc riêng của ông ta ở khu cư xá ngoại giao đoàn. Sau đó, bức điện đó được gửi đi mà không cần phải đánh máy lại. Đại tá Gascon sẽ luôn đem bức điện đó đến Đại sứ quán để cho nhân viên mã hóa của CIA kia dịch thẳng từ bản nháp do chính ông Đại sứ viết.
D. Marnin coi chuyện này như thể một cái tát vào mặt anh vậy. Nhưng cuối cùng anh cũng nhận ra rằng người thật sự bị cô lập, bị tát đau nhất vì việc này chính là tướng Donnelly. Bởi vì tướng Donnelly vẫn tin là chỉ thị được gửi từ Washington mà đặc biệt là từ Bộ trưởng Quốc phòng McNamara và tướng Taylor mang hàm ý ngăn chặn việc ủng hộ hay xúi giục đảo chính. Tướng Donnelly - chính là quan chức được đích thân Jack Kennedy giao cho nhiệm vụ đặc biệt là sẵn sàng thay thế công việc điều hành hoạt động của Phái bộ Mỹ nếu như đột nhiên Đại sứ Sedgewick không có mặt tại miền nam Việt Nam đúng lúc cuộc đảo chính diễn ra - nhưng lại không được biết chuyện gì đang diễn ra giống như tất cả những người khác kể cả Phó phòng điệp vụ DCM chứ chưa nói gì đến một kẻ chẳng có chút ý nghĩa nào như Marnin. Ông Đại sứ không muốn tướng Donnelly qua mặt ông ta để nói điều gì đó với tướng Taylor và ngài Bộ trưởng McNamara hay cho bất cứ ai khác ở cấp cao hơn tại Washington, những người luôn nghi ngờ về sự cần thiết phải loại bỏ Ngô Đình Diệm trong cuộc chơi này.
Ở Sài Gòn vào lúc này rất nguy hiểm bởi, vì cỗ máy đảo chính mới hình thành dường như lại được tiếp thêm sức mạnh bởi sự chai lỳ của Đại sứ Sedgewick. Ông ta ngày càng trở nên dễ cáu kỉnh và rất hay gắt gỏng, cướp lời các lãnh đạo cấp phòng thuộc quyền ông ta chứ chẳng nói gì đến những người giúp việc giống như Helen Eng và Marnin. Có một lần ngay sau khi nổi cơn thịnh nộ vì lý do không có đủ mấy cái bút chì đã được gọt cẩn thận để trên bàn làm việc như mọi ngày, Đại sứ Sedgewick lại đột ngột thay đổi thái độ của mình và sử dụng hết tài năng và tính hài hước của mình để quay lại tán dương rằng Helen là nữ thư ký tài năng nhất trong ngành ngoại giao để cô này rút lại đề nghị được chuyển đi làm việc ở chỗ khác.
Đối với Marnin, anh đã luôn nghĩ rằng bản thân anh có đủ khả năng kiểm soát được số phận của chính mình. Thế nhưng, cả trong công việc lẫn trong đời sống cá nhân của mình đột nhiên anh nhận ra rằng anh đang bị vướng vào trong vòng tay của một thế lực ma quái mạnh mẽ mà anh không thể chống lại được. Mỗi tối sau khi đi làm về, anh đều uống hai ly rượu Martinis, ăn một miếng bánh kẹp thịt rồi lang thang suốt đêm hết các câu lạc bộ và các quán bar ở Sài Gòn. Đôi khi anh đi cùng Mandelbrot và mấy người đồng nghiệp của anh ấy, rồi thì đi cùng với cả Frank Gascon hay anh chàng Chick Rizzo và thường thường vẫn là ông bạn Claudio, nhưng thi thoảng anh vẫn đi một mình.
Đại sứ Sedgewick thường rời nhiệm sở đi ăn và nghỉ trưa vào lúc 12 giờ 30 và chẳng mấy khi quay lại phòng làm việc trước lúc 5 giờ chiều. Ông ta quả quyết rằng phải dùng quãng thời gian ấy để đọc hết toàn bộ nội dung của cả mấy chồng tài liệu cao ngất. Thế nhưng từ lúc D. Marnin được giao nhiệm vụ “khóa cửa hộ ông ta” - có nghĩa là kiểm tra bảo mật và sắp xếp lại tất cả các cặp tài liệu ở cả khu cư xá ngoại giao đoàn lẫn ở trong Đại sứ quán, anh biết được rằng ông ta chẳng đọc được mấy trong quãng thời gian đó. Điều đó không hẳn có nghĩa rằng Đại sứ Sedgewick là một tay lười nhác. Ông ta cứ đi tới Đại sứ quán rồi lại quay về khu cư xá rồi lại đi tới Đại sứ quan như một con thoi với những bức điện gửi đến hoặc nhận được từ ngài Tổng thống hay ông Mc Bundy, hay Ngoại trưởng Dean Rusk - những bức điện đó luôn đòi hỏi ông Sedgewick phải chú tâm đặc biệt - nó còn khiến D. Marnin phải hy sinh hầu hết các buổi chiều để chạy theo ông ấy từ chỗ này sang chỗ khác.
Phòng nghiên cứu của ông Đại sứ vốn được thiết kế với một gian phòng nhỏ ngay sát nó dùng để làm phòng thay đồ. Đó cũng là nơi Đại tá Gascon lén lút chui vào tránh mặt mỗi khi Lão Mi đến báo rằng D. Marnin tới và ông Đại sứ cần phải thực hiện một số công việc thường ngày của mình. D. Marnin có phận sự không được biết rằng Gascon đang có mặt ở khu cư xá ngoại giao đoàn, nhưng gần như chẳng lần nào anh có thể bỏ qua được bởi vì rất dễ nhận ra qua cái xe Jeep cũ kỹ, méo mó mà lại sơn màu đỏ kiểu “độc nhất vô nhị” ở đất Sài Gòn mà anh ta vẫn dùng hàng ngày.
Tất cả những gì Đại sứ Sedgewick đang làm đều phải bí mật, bởi vì Đại sứ quán không được phép khuyến khích hay xúi giục việc tạo phản. Điều đặc biệt quan trọng với Đại sứ Sedgewick là các quan chức cao cấp ở Washington phải không nghĩ rằng ông ta đang lạm dụng sự chỉ đạo của họ và sử dụng Gascon như một công cụ của ông ta. Vì thế hôm 25 tháng 10, ông ta đã gởi bức điện sau đến cho McGeorge Brundy, Trợ lý đặc biệt về vấn đề An ninh Quốc gia của Tổng thống Kennedy:
“...việc làm có ý nghĩa sống còn đối với chúng ta là không nên ngăn cản cuộc đảo chính này cũng như không nên ngồi đó mà lại không biết tất cả những gì đang diễn ra. Chúng ta không nên ngăn cản cuộc đảo chính vì hai lý do sau đây. Thứ nhất là để tránh cho Chính phủ kế tiếp không làm hỏng việc và mắc phải sai lầm như Chính phủ hiện nay. Thứ hai là sẽ rất không thông minh nếu chúng ta giội nước lạnh vào âm mưu đảo chính, đặc biệt là ngay từ giai đoạn nó mới bắt đầu hình thành. Khi chúng ta ngãn cản âm mưu đảo chính giống như chúng ta đã làm trước đây, chúng ta sẽ phải gánh chịu sự oán giận ghê gớm vì thiếu trách nhiệm một cách phi lý khi để cho những kẻ bất tài đương nhiệm tiếp tục giữ quyền lực. Và chính chúng ta đã tự để cho mình bị phán xử bởi những công chuyện nội bộ ở Việt Nam...”.
Ngay lúc đó, ông Brundy cũng không bị thuyết phục một cách dễ dàng. Ông ta gửi điện trả lời rằng:
“Tổng thống Mỹ đặc biệt lo ngại rằng cuộc đảo chính sẽ không thành công, nên chúng ta phải bằng mọi cách tránh không bị liên can đến vụ việc này, nếu chúng ta muốn không bị công luận phản đối ở tất cả mọi nơi. Chính vì vậy, trong khi cùng chia sẻ với quan điểm của ngài là chúng ta không thể ra tay ngăn cản cuộc đảo chính, nhưng chúng ta phải đánh giá để thấy trước lựa chọn hoặc cảnh báo về bất cứ kế hoạch nào không có khả năng thành công. Chúng tôi hiểu đó là nhiệm vụ nặng nề, nhưng ngài Tổng thống vẫn muốn ông phải biết mối lo ngại của chúng tôi.”
Trong khi đó, cả Bộ trưởng Quốc phòng McNamara và tướng Taylor chợt hiểu ra rằng người đang có mặt ở chiến tuyến là tướng Donnelly đã bị hất ra khỏi vụ việc này. Đối với họ điều đó là không thể tha thứ được. Tướng Taylor đã vội vàng bày tỏ quan ngại của mình thông qua bức điện tuyệt mật “chỉ để đọc” gửi tới tướng Donnelly thông qua kênh liên lạc của Bộ Quốc phòng vào ngày 28 tháng 10. Trong bức điện này, ông ta viết:
“...cả tôi và ngài Bộ trưởng hoàn toàn thấy lo ngại về việc giữa ngài và ông Đại sứ tiếp tục không có sự trao đổi thông tin và chia sẻ sự hiểu biết. Như vậy rõ ràng là không tuân theo đúng chỉ thị cơ bản nhất và nguyên tắc quan trọng nhất mà Washington đã đưa ra. Nhiều ý kiến rất nhậy cảm đã được trích dẫn trên sự đồng tình của ông mà trong thực tế ông không hề được đọc. Dường như đã có sự không thống nhất trong một sô vấn đề đáng lẽ ra phải được thảo luận kỹ càng giữa các Trướng đại diện đang có mặt tại Sài Gòn trước khi nó được gửi về Washington. Tất cả điểu đó và một vài dấu hiệu khác cho thấy có sự thiếu họp tác và tính khách quan theo đúng yêu cầu trước tình hình rất phức tạp hiện nay ở Sài Gòn.
Liên quan đến việc nhìn nhận về tình hình chiến sự ở đó, luôn có sự đánh giá trái ngược nhau trong các báo cáo được gửi về qua kênh liên lạc của Bộ Tư lệnh Quân viện và của Đại sứ quán. Chẳng hạn như trong bức điện số 768 gửi từ Sài Gòn có nói về tình hình chiến sự được nhìn nhận ở các góc độ của ông rất giống với ấn tượng mà cả tôi và ngài Bộ Trưởng McNamara đã có được khi tới thăm Sài Gòn ba tuần trước đó. (Mặc dù bản phụ họa của ông Đại sứ trong bữa trưa hôm chia tay về nước đã thật sự làm cho chúng tôi khó chịu). Liệu chúng tôi có đúng không khi tin tưởng vào ông Đại sứ trong lúc ông ấy chỉ nhìn nhận và đánh giá tình hình theo cách của mình mà không hề thảo luận với ông? Nếu như cảm giác này của chúng tôi là đúng, tôi rất vui mừng nhận được bất cứ sự gợi ý nào để có thể tìm ra cách hỗ trợ cần thiết khiến cho quan hệ giữa ông và Đại sứ Sedgewick gần gũi hơn nữa.
Hãy trả lời tôi càng sớm càng tốt.”
Ngay khi bức điện này đến nơi vào buổi sáng hôm đó, D. Marnin đã nhận được một cuộc điện thoại của Đại úy Tom Aylward đề nghị được gặp anh tại Đại sứ quán. Mặc dù họ đã biết nhau khá rõ và đã có nhiều cuộc trạm chán trên sân tennis ở khu cư xá ngoại giao đoàn và tại sân thể thao Cercle Sportif, nhưng đây là lần đầu tiên Aylward đến thăm anh tại nơi làm việc.
- Tôi để lại thẻ công vụ và đăng ký tên khách ở bàn lễ tân - anh ta nói và chỉ tay về phía bên phải - trong mấy tuần qua, kể từ lúc tướng Taylor và ngài Bộ trưởng McNamara rời Sài Gòn, tướng quân Donnely gần như không thể sống nổi với những gì mà ông ấy hiểu.
- Thì cuộc đời của một phụ tá như tôi thì có sung sướng gì hơn chứ - D. Marnin trả lời - chẳng ai hiểu được điều đó hơn tôi đâu.
- Tướng quân cảm thấy như là ông ấy đã bị gạt ra khỏi tất cả những gì mà các thiên tài chính trị của các anh đang làm ở đây. Cá nhân tôi chỉ là một sỹ quan pháo binh chứ không phải là một nhà chính trị như anh vì vậy cho phép tôi nói thẳng thế này nhé. Tướng Donnelly yêu cầu tôi tới đây gặp anh để tìm hiểu xem anh có biết tí gì không. Ông ấy làm vậy vì biết rằng tôi với anh đã chơi tennis với nhau nhiều lần rồi.
- Ông ấy nghĩ rằng tôi có thể khai sáng cho cậu được hay sao?
- Thì đại loại như thế.
- Tôi ước gì có thể làm được như thế, anh Tom ạ. Nhưng thực tế là tôi cũng mù tịt giống như tất cả người khác thôi. Mà chắc chắn là tôi còn chẳng biết gì hơn chính Tướng quân ấy chứ. Điều đó thì có gì ngạc nhiên dâu phải không?
- Tôi cũng đã nghĩ đến những gì mà cậu vừa nói. - Aylward trả lời.
Tướng Donnelly phải báo cáo về cho tướng Taylor. Đó đúng là một bức điện khó viết nhất trong cuộc đời binh nghiệp của ông ấy. Ông ấy biết rằng trong bất kỳ tình huống nào và cho dù là ông ấy muốn giữ bí mật đến đâu, thì tất cả những gì mà ông ấy nói tới chắc chắn sẽ khiến cho ông ấy trở thành một kẻ bị phỉ báng trong tất cả các hành lang của Ngũ giác đài.
Điện số MAC 2028
Từ: Tư lệnh Bộ Tư lệnh MACV Gửi: Chủ tịch CJCS Tuyệt mật.
Chỉ đọc không sao chép
Ngày 29 tháng 10 năm 1963 - lúc 21 giờ 30 phút.
Báo cáo của tướng Donnelly gửi riêng cho tướng Taylor.
(Không gửi cho bất kỳ nơi nào khác)
Bức điện số JCS 4188-63 đã đến đây đúng vào lúc tôi đang suy nghĩ, cân nhắc để soạn một báo cáo về vấn đề liên quan này để gửi cho ngài. Thực tế là tôi rất hiểu nỗi lo lắng của ngài. Kể từ bức điện số 768 gởi từ Sài Gòn tôi đã không được đọc thêm bất cứ một bức điện nào - do Đại sứ quán không chuyển chúng đến cho tôi - đối với bức điện khác kể từ bức điện số CAS 1896 trở đi, tôi chỉ được đọc chúng sau khi chúng đã được gửi về đến Washington rồi. Ông Đại sứ và tôi chắc chắn là vẫn liên hệ với nhau nhưng việc chúng tôi có trao đổi thông tin cho nhau không lại là chuyện hoàn toàn khác.
Cá nhân tôi luôn tự nói với mình rằng phương pháp làm việc của Bascombe khác hoàn toàn với những gì mà Gus Corning vẫn làm. Đại sứ Gus luôn thảo luận, trao đổi một cách rõ ràng với tôi hoặc trực tiếp với các sỹ quan tham mưu của tôi về tất cả các vấn đề liên quan đến mọi hoạt động quân sự trước khi nó được gửi về Washington. Ngày nay điều đó không phải là cách mà mọi thứ đang diễn ra ở đây. Ngài đã rất đúng khi nhận thấy rằng ông Đại sứ đang xử sự theo cách tự mình soạn thảo các báo cáo về tình hình chiến sự cũng như đánh giá mọi hoạt động của lực lượng quân đội mà trước đó không tham khảo ý kiến chuyên môn của tôi.
Giữa tôi và ông Đại sứ còn có sự nhìn nhận và cách đánh giá rất khác nhau về những chỉ thị được đưa ra trong bức điện của Nhà Trắng số 63560 gửi hôm 06 tháng 10 và những ý tưởng bổ sung trong bức điện của Washington số CAS 74228 gởi hôm 9 tháng 10. Theo tôi hiểu thì điện số CAP 63560 chứa đựng những chỉ thị cơ bản nhất cho chúng tôi và tôi cũng tin rằng điện số CAS 74228 không hề thay đổi những chỉ thị cơ bản đó - điều này có nghĩa là không nên đưa ra ý tưởng chủ động khuyến khích đảo chính thay đổi Chính phủ Ngô Đình Diệm. Ông Đại sứ lại cho rằng bức điện số 74228 đã thay đổi hoàn toàn hàm ý của bức điện số 63560 và rằng việc thay đổi Chính phủ là một điều cần thiết và điều đó chỉ có thể thực hiện được thông qua một cuộc đảo chính. Ai là người hiểu đúng trong trường hợp này thì chỉ Washington mới có thể nhìn thấy.
Thực tình thì tôi không hề phản đối việc thay đổi Chính phủ nhưng tôi vẫn thiên về khuynh hướng cho rằng vào lúc này phương thức thực hiện việc thay đổi cần thực hiện bằng cách thay đổi cơ cấu lãnh đạo thì tốt hơn là thay đổi toàn bộ những người lãnh đạo ở cấp cao nhất. Tôi chưa hề thấy một trật tự hoàn chỉnh nào được nhóm chủ trương đảo chính đưa ra. Tôi nghĩ rằng chúng ta nên xem xét một cách cẩn thận, trước danh sách nhân sự được đề xuất, trước khi chúng ta đưa ra những quyết định mà sau này không thể thay đổi được về tương lai của chúng ta ở đất nước này. Thông qua các mối quan hệ của mình tại đất nước này, tôi có thể khẳng định rằng tôi không hề khoác lác khi nói rằng mối quan hệ của tôi với tất cả các tướng lĩnh còn rộng hơn, sâu hơn tất cả mối quan hệ của bất kỳ một người Mỹ nào khác trong đó có cả Đại tá Gascon. Và tôi cũng chưa thấy bất cứ một người nào có được lòng nhiệt tình và tinh thần chống Cộng quyết liệt bằng ông Diệm.
Theo quan điểm của tôi, chắc chắn là trong đám tướng lĩnh đó chẳng có ai có đủ khả năng thay thế được ông ta. Tôi không phải là người luôn cổ súy cho ông Diệm. Tôi cũng nhìn thấy những điểm yếu trong tính cách của ông ấy và tôi còn biết chúng rõ hơn bất cứ ai khác - có lẽ chỉ ngoại trừ ngài Gus Corning; biết rõ về những khó khăn khi ai đó phải đối diện với ông ta (những khó khăn mà Đại sứ Sedgewick không thể biết hết được về tính cách của con người này bởi lẽ kể từ khi đến đây ông ấy mới chỉ thảo luận sơ bộ với ông Diệm đúng hai lần). Phần lớn các tướng lĩnh mà tôi đã từng nói chuyện đều đồng ý rằng họ có thể đi cùng đường với ông Diệm. Và tất cả bọn họ đều nói rằng hai vợ chồng ông Nhu luôn là người họ chống lại.
Xét trên thẩm quyền của mình, tôi hoàn toàn không đồng ý với cách đánh giá của Đại sứ Sedgewick như bức điện số 764 gửi từ Sài Gòn, rằng chúng ta chỉ đang thu mình lại. Chính phủ Việt Nam Cộng hòa đang tiến rất chắc chắn, Quân đoàn I, II và một phần cuả Quân đoàn III đang đạt được một số mục tiêu ở vùng Đồng Tháp Mười. Trong tháng Mười này, chưa có gì đáng kể xảy ra để có thể thay đổi được những đánh giá mà ngài và ngài Bộ trưởng McNamara đã đưa ra trong chuyến thị sát vừa rồi. Nếu có chăng cũng chỉ là những bài báo đăng tải trên tờ New York Times mà đó chỉ là việc bóp méo sự thật trong một bức tranh trung thực nhất. Tôi đề nghị là chúng ta chưa nên thay ngựa quá nhanh; mà điều cần nhất vào lúc này là chúng ta phải chiến thắng trên lĩnh vực quân sự càng nhanh bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Tới khi đó, có thể để cho bất cứ ai muốn lãnh đạo đất nước này muốn làm điều gì hay thay đổi cái vỏ ngoài của nó như thế nào thì cũng được. Hơn nữa là liệu rằng chúng ta đã đúng hay đã sai khi ủng hộ Ngô Đình Diệm trong suốt 8 năm vừa qua. Đối với tôi, sẽ thật phi lý nếu ta lật đổ ông ấy vào lúc này, đá đít ông ấy đi hay loại bỏ ông ấy vào lúc này. Tất cả điều đó vì cái gì chứ? Và chấm dứt mọi chuyện như vậy là thế nào chứ? Nước Mỹ đã là người mẹ đỡ đầu của ông ấy và là người cha bề trên của ông ấy kể từ khi ông ấy đặt chân vào chiếc ghế quyền lực ở đây thì ông ấy đã dựa hoàn toàn vào chúng ta và luôn cố gắng làm hết sức mình.
Hơn thế nữa, nếu như tôi được phép nói đến những gì nằm bên ngoài lĩnh vực quân sự ở Nam Việt Nam, thì đó chính là điều chúng ta cần giúp đỡ lẫn nhau để nhớ rằng, đại danh hào Shakespeare đã nói trong vở kịch “Julius Caesar” rằng, một ngày nào đó các nhà lãnh đạo khác nhau thời đại này sẽ chứng kiến những gì mà chúng ta đang làm ở đây. Và ngay bây giờ đây, các nhà lãnh đạo của các nước chậm phát triển khác sẽ có cái nhìn rất bi quan về sự giúp đỡ của chúng ta nếu họ buộc lòng phải tin rằng số phận tương tự đang chờ đón họ giống như nó đã đến với người đồng minh Ngô Đình Diệm của chúng ta.