NGÀY TÀN NGỤY CHÚA

Chương 32

Docsach24.com

ột chiếc xe tải nằm ngang giữa phố tạo nên vật cản ngăn giữa ngôi chùa với con đường chính dẫn vào trong chùa. Khoảng ba mươi đến bốn mươi binh sĩ mặc quần áo rằn ri, đội mũ sắt dã chiến mang súng trường M-1 đi đi lại lại xung quanh khu vực này. Claudio cho xe đi chậm lại nhưng vẫn chưa dừng hẳn. Anh cố gắng thử dừng lại ở trên đường phố phía nam của ngôi chùa nhưng tất cả mọi con đường đều đã bị chặn lại.

- Quay lại cổng chính đi - Mandelbrot nói - rồi thả chúng tôi xuống đấy.

Khi Mandelbrot và Buechner vừa mở cửa hai bên xe, họ bỗng nghe thấy những tiếng chuông chùa trầm ấm vang lên rất vội vã giữa màn đêm tĩnh mịch. Phần lớn đám binh lính khi nãy còn lang thang đây đó bây giờ đã biến đâu hết, có thể là họ đã lọt vào bên trong chùa. Bên ngoài, chỉ còn khoảng hơn chục người đang làm nhiệm vụ phong tỏa con đường chính dẫn tới thẳng cổng chùa. Mandelbrot cùng Buechner ra khỏi xe và cố gắng giả vờ như vô tình có mặt tại nơi này rồi nhanh chóng rảo bước về phía chùa Xá Lợi. Cả hai người đã bị chặn lại bởi một viên quân cảnh lùn tịt đầu đội mũ sắt màu trắng và trên cánh tay có gắn một cái băng lớn viết chữ “MP”. Mandelbrot nói với tay này với một thái độ từ thiết tha, cầu khẩn đến hết sức bực dọc rồi khoa tay múa chân lóng nga lóng ngóng. Viên quân cảnh thấp hơn anh ta đến gần ba mươi phân đứng đó lăm lăm khẩu súng và trợn mắt một cách cương quyết. Nhìn điệu bộ hai người khác nhau đến kinh ngạc đã khiến cho Claudio và D. Marnin đều cười phá lên.

Tay quân cảnh lại ra hiệu cho xe của Claudio phải lùi lại còn Mandelbrot cứ lắc đầu quầy quậy. Đến khi tay này lại chỉ vào chiếc túi của Buechner thì cả hai phóng viên đều bắt đầu tham gia vào chuyện cãi vã với anh ta. Tên lính quay trở lại và gọi một tên sỹ quan đứng gần đó tới kiểm tra giấy tờ tùy thân của Mandelbrot và Buechner. Trong khi viên sỹ quan thứ hai đang kiểm tra giấy tờ bằng chiếc đèn pin thì tay quân cảnh thứ nhất lại bước về phía chiếc Mercedes. Mandelbrot vẫy tay ra hiệu cho Claudio và anh chàng người Guatemala nhanh chóng đánh xe vòng sang hướng khác. Tay quân cảnh ra hiệu cho xe dừng hẳn lại nhưng Claudio vẫn lờ đi như không có gì xảy ra vậy.

Họ lái xe về nhà D. Marnin trong im lặng và bồn chồn.

- Đó là sự khởi đầu của giai đoạn cuối cùng đấy. - D. Marnin nói với Claudio khi vừa ra khỏi xe.

Anh vội vã đi vào trong nhà và gọi điện thoại cho ngài Sabo. Chuông điện thoại kêu vang ngay trong phòng ngủ (thời bấy giờ ở Sài Gòn thì gọi một cuộc điện đàm không cần nối qua tổng đài vẫn còn là một thứ xa xỉ và chỉ dành riêng cho khu cư xá ngoại giao đoàn cũng như cho gia đình ngài Đại sứ và phòng điệp vụ DCM thôi) và đánh thức vợ chồng ông Sabo. Lúc đó đã là một giờ kém mười lăm phút. Và bà Grace là người đầu tiên trả lời bằng một giọng ngái ngủ rồi chuyển máy đến cho ngài Sabo. D. Marnin xin lỗi vì đã làm phiền họ vào khuya khoắt đến vậy và bắt đầu kể lại tuần tự tất cả những gì mà anh đã được chứng kiến.

- Bây giờ cậu phải gọi điện ngay cho Freddi Loftus ở Huế - ông Sam nói một cách vội vã - bảo với anh ta là bằng mọi cách phải tới tận nơi xem chuyện gì đang xảy ra ở chùa Từ Đàm. Nếu cậu không gọi được cho Freddie thì hãy gọi tới cho Đại tá Harrington và bảo ông ta cử người tới đó. Tôi sẽ tự liên lạc với Đà Nẵng, Nha Trang, Cần Thơ, Mỹ Tho và Biên Hòa. Ngay sau khi cậu thông báo mọi chuyện với Huế, tôi muốn cậu quay trở lại chùa Xá Lợi, hãy sử dụng thẻ căn cước của cậu và yêu cầu họ cho biết chuyện gì đang xảy ra. Tôi sẽ gặp cậu ở phòng làm việc ngay khi cậu trở về.

Freddie đang ngủ ở nhà và D. Marnin phải mất một lúc mới có thể dựng anh chàng này dậy và nói cho anh ta biết cần phải làm gì. Anh chàng càu nhàu ngán ngẩm với sự ngại ngùng vì sẽ phải vi phạm lệnh giới nghiêm, vì việc lái xe qua sông Hương đi tới ngôi chùa ấy để chứng kiến cái mà tự anh gọi là cuộc rượt đuổi các nhà sư. Cuối cùng anh nói: “Thôi được rồi! Mình chỉ hy vọng là sẽ không có tay lính gác nào của ARVN nã súng vào đầu mình khi đang lái xe đi qua”.

D. Marnin lái xe quay trở lại chùa Xá Lợi, đỗ xe ngay gần hàng rào chắn giữa con phố đúng vào lúc một nhóm khoảng hai mươi nhà sư trông nhớn nha nhớn nhác khi vừa bị người khác đánh thức dậy vào giữa đêm hôm khuya khoắt và bị lùa lên chiếc thùng sau của một chiếc xe dã chiến. Anh không còn nhìn thấy phóng viên Mandelbrot và Buechner ở đâu nữa. Mọi thứ dường như vẫn yên ả một cách vội vã như vậy. Ba tay quân cảnh người Việt đội mũ sắt cầm dùi cui khua đi khua lại dồn mấy nhà sư vào một góc. Vì D. Marnin đứng đó xem nên một viên Đại úy Quân lực Việt Nam Cộng hòa bước tới rập gót chân giơ tay chào. Anh ta nói toàn bằng tiếng Việt nên D. Marnin chỉ nghe câu được được câu chăng mà chẳng hiểu gì hết. “Đại sứ quán Hoa Kỳ”, D. Marnin trả lời bằng tiếng Việt rồi đưa tay vào túi rút ra thẻ căn cước ngoại giao mà anh vừa lấy theo. Tay sỹ quan ngưòi Việt kiểm tra chiếc thẻ bằng đèn pin rồi lại giơ tay chào rất nghiêm chỉnh trước khi quay trở vào trong chùa.

Chiếc xe tải chở đầy các nhà sư vừa mới chuyển bánh thì một chiếc xe khác đã lùi lại đúng chỗ ấy và hai cánh cửa sau thùng xe lại được mở ra. Một nhóm các nhà sư khác vẫn còn đang ngái ngủ, hoảng loạn đi dép lê do năm tên lính ARVN áp giải đến sau xe và giao lại cho ba tên kia dồn hết bọn họ lên trên xe, đi cuối cùng là một nhà sư không thể đi được bằng chân trái đang phải quàng hai tay bám qua cổ hai nhà sư khác cố gắng đỡ nhau lết tới sau chiếc xe. Trong ánh sáng lờ mờ, khuôn mặt ông ta vẫn hiện rõ những vết bầm tím còn hai quầng mắt đều tối đen vì bị đánh rất mạnh. Hai vị sư kia phải nâng hẳn người này lên trên thùng xe rồi họ đặt ông ta đứng vững trên cái chân lành lặn và dựa vào thùng chiếc xe kín mít. Khi ông ta đã bám chắc được vào trong xe thì mấy tay quân cảnh đóng sập cửa sau lại và chiếc xe lại chuyển bánh để nhường chỗ cho chiếc xe thứ ba tiến tới.

D. Marnin đang băn khoăn lo ngại như thể là viên Đại úy đã quên mất anh đang đợi ở đó. Thế nhưng khoảng mười phút sau thì tay Đại úy cũng quay lại cùng với chiếc thẻ căn cước của anh và một viên Trung úy có vốn tiếng Pháp đủ làm một tay thông ngôn với một câu duy nhất là:

- Ce n’est pas possible. (Điều đó là không thể được).

- Tôi muốn tìm hiểu xem cái gì đang diễn ra ở đây. - D. Marnin nói với anh ta.

- Ce n’est pas possible.

- Tôi muốn nói chuyện với sỹ quan chịu trách nhiệm ở đây.

- Ce n’est pas possible.

- Khoảng ba mươi phút trước đã có một phóng viên người Mỹ và một phóng viên ảnh có mặt ở đây. Điều gì đã xảy ra với họ? Tôi muốn kiến nghị.

- Ce n’est pas possible.

Khi họ đang cãi nhau thì một chiếc xe cứu thương được đưa đến và có hai nhà sư phải nằm trên cáng được khênh lên xe ngay. Một người trong số họ đang hết sức đau đớn vì có một cánh tay bị gãy và xương bả vai bị chật ra bất động. Người thứ hai có thể đang bị bất tỉnh rất sâu hoặc có thể đã chết. D. Marnin cố gắng tìm hiểu xem chuyện gì đã xảy ra với hai người này nhưng đám quân cảnh gạt anh sang một bên và cũng không trả lời anh một câu hỏi nào. Quá mệt mỏi vì trò chơi nhạt nhẽo này, anh chui vào trong xe và nổ máy đánh xe quay lại Đại sứ quán.

Khi anh bước vào phòng làm việc của ngài Sabo thì đã là hai giờ sáng. Ngài Sam ngồi sau bàn làm việc trong chiếc quần ngủ mạu xanh, một chiếc áo thể thao cộc tay và đang gõ lánh tách trên chiếc máy chữ văn phòng hiệu Remington. (Những ngày đó, trong Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ có các thư ký mới có máy đập chữ của hãng IBM)

- Chúng ta đã nghe từ Paul Harre ở Nha Trang - ông nói với anh - và từ Frank Scotton ở Biên Hòa. Lực lượng ARVN đã dọn sạch các ngôi chùa ở cả hai nơi này. Họ đem tất cả các nhà sư đi có thể là tới nhốt ở nhà tù khu vực.

- Ở chùa Xá Lợi cũng vậy.

- Có ai bị thương không?

- Tôi đã nhìn thấy một nhà sư ít nhất bị bất tỉnh - hoặc tồi tệ hơn là có thể đã chết.

- Không, dường như ở Nha Trang và Biên Hòa mọi việc diễn ra rất yên ả. Không có sự chống đối nào được ghi nhận.

D. Marnin mô tả tỉ mỷ tất cả những gì xảy ra ở chùa Xá Lợi và đề nghị được ở lại giúp ngài Sam. Tiếng điện thoại vang lên vội vã nên anh quay ra nhấc ống nghe. Đó là cuộc gọi của John Mecklin tới thông báo rằng phóng viên Mandelbrot và Buechner đều đã không quay trở về chỗ ở của anh ấy và họ cũng không có mặt ở văn phòng đại diện của báo Times hay hãng thông tấn AP. Khi anh ta được nghe tất cả những gì đang xảy ra, John Mecklin cho biết anh sẽ gọi điện tới Tổng nha cảnh sát để tìm hiểu những gì đang diễn ra với hai người này.

Tiếp đó D. Marnin lại nói chuyện với Mecklin Freddie trên đường dây nóng nối với Lãnh sự quán Mỹ ở Huế và báo cáo lại cho ngài Sabo. Ở chùa Từ Đàm, các nhà sư đã chống trả một cách rất quyết liệt và lực lượng của tướng Đỗ Cao Trí đã rất mạnh tay đàn áp những người này. Tuy nhiên vẫn chưa có ai được báo là đã chết. Tất cả các nhà sư đều được gom lại vào trong sân vận động do không đủ phòng giam cho họ.

Những cuộc điện thoại liên tiếp nhau từ Mỹ Tho và Cần Thơ báo về xác minh rằng các ngôi chùa ở vùng đồng bằng đều đã bị tấn công. Khi D. Marnin đang nhận điện từ Jim Willis ở Cần Thơ thì ngài Sabo vội vã đánh máy một công điện khẩn để sẵn sàng gửi đi khi tin tức từ mọi nơi đều được báo cáo về đầy đủ. Bức điện này được ghi rõ là “CRITIC” - dấu đặc biệt cho những bức điện khẩn được ưu tiên cao nhất mà lần đầu tiên D. Marnin được nhìn thấy. Nơi nhận bức điện này được ghi là gởi tới Ngoại trưởng Hoa Kỳ và đồng kính gửi Nhà Trắng, Bộ Quốc phòng, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Cục Tình báo trung ương Mỹ với nội dung:

Tối hôm nay, Lực lượng Quân lực Việt Nam Cộng hòa đã tấn công vào chùa Xá Lợi ở Sài Gòn, chùa Tự Đàm ở Huế và các ngôi chùa khác ở Biên Hòa, Đà Nẵng, Mỹ Tho, Cần Thơ và có thể còn có hàng chục ngôi chùa khác ở khắp miền Nam Việt Nam. Hầu hết các ngôi chùa đều bị tàn phá rất nặng nề. Các nhà sư chống lại đều bị đánh đập hết sức thô bạo; một số người đã bị thương và có một vài người có thể đã bị giết. Trừ khi có những chỉ dẫn nào khác, nếu không Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Sài Gòn có kế hoạch sẽ ngay lập tức phản đối hành động đàn áp này ở mức độ cao nhất với Chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

Xin chỉ thị của các quý ngài.

Sau đó, ngài Sabo gọi điện đến cho ông Bilder, báo cáo tóm tắt về những gì đã diễn ra và xin sự đồng ý của ông ấy về nội dung bức điện mà ông vừa đọc qua được đọc ngay trên điện thoại. Nhiệm vụ của D. Marnin lúc bấy giờ là triệu tập nhân viên mã thám trực ban, một thanh niên da đen người gốc bang Tennessia với cái bụng quá cỡ tên là Pat Patterson. Anh chàng Pat có mặt ngay sau đó mười phút trong cái quần Jin, áo phông cộc tay màu đỏ có in hình bốn chiếc rìu ở trước ngực.

- Đây là lần đầu tiên tôi được gửi một bức điện kiểu CRITIC như thế này đấy, anh D. Marnin ạ. - cậu ta nói khi anh đem bức điện để lên bàn.

- Đó là cái cách mà mọi thứ đang diễn ra ở đây - D. Marnin trả lời - nó sẽ không phải là bức điện cuối cùng kiểu này đâu.

Sáng hôm sau, trước khi tới nơi làm việc, D. Marnin đánh xe tới chùa Xá Lợi để đánh giá mức độ thiệt hại. Trước cổng chùa không còn thấy bóng dáng của cảnh sát, dân phòng hay xe tuần tra của quân cảnh ở gần đó. Nhìn từ bên ngoài vào mọi thứ dường như hết sức bình thường. Nhưng ở bên trong mọi thứ thật là hỗn loạn. Bàn uống nước, ghế, bàn làm việc, quạt điện, giấy tờ, truyền đơn, quần áo, hộp dao cạo, một vài bàn chải đánh răng và đất đá nằm vương vãi khắp nơi. Máy in rô-nê-ô, máy chữ đã bị đập nát có thể bằng búa bổ củi cùng những linh kiện vỡ vụn của chúng nằm rải rác khắp nơi trong phòng làm việc cũng như trong gian nhà khách. Một vài bức tượng Phật bị đập phá, chặt đầu nằm lăn lóc trên sàn nhà nhìn trơ trọi và tuyệt vọng.

Anh bước qua cửa sau đi vào trong sân tìm kiếm xem có ai để mà hỏi han tình hình. Bức tường ở phía tây ngăn cách giữa ngôi chùa và phía bên kia là trụ sở của Chương trình hỗ trợ của Mỹ tại Việt Nam của ngài Curly Bird được phủ đầy hoa giấy. Bốn cây hoa đại vẫn đứng đó lặng lẽ và âm thầm. Những cánh hoa màu trắng, màu đỏ và màu tía tả tơi rơi rụng đầy trên mặt đất. Một nhà sư mặc áo cà sa và đeo một chiếc kính cận rất dầy đang lặng lẽ quét mảnh sân nhỏ bằng một chiếc chổi cùn, cái đầu cạo trọc của ông ấy ánh lên những tia nắng yếu ớt của một buổi bình minh. Một cơn gió nhẹ thổi qua và tiếng chuông gió kêu leng keng nhạt nhẽo. Nhà sư chẳng quan tâm đến vị khách người nước ngoài mà vẫn tiếp tục quét những đám bụi đất và những cánh hoa thẳng về phía Marnin. Dường như có cái gì đó không phù hợp cho mấy khi nhà sư này cứ cặm cụi quét bụi đất và những cánh hoa ở góc sân còn bên trong ngôi chùa thì mọi thứ vẫn còn vứt bừa bãi ra đấy. Chỉ đến khi D. Marnin chào nhà sư này thì anh ta mới dừng tay lại. D. Marnin đã cố sử dụng cả tiếng Anh rồi tiếng Pháp và ra hiệu bằng tay kết hợp với sử dụng cả vốn tiếng Việt ít ỏi của mình để bắt chuyện với người này.

- Có chuyện gì xảy ra vậy? - D. Marnin hỏi.

- Chẳng có gì cả. - nhà sư vui vẻ trả lời.

D. Marnin đưa mắt nhìn anh ta một cách cẩn thận xem liệu anh ta đang cố tình pha trò hay đang châm biếm. Thế nhưng ngay lúc đó anh phát hiện thấy một quầng màu hồng quanh mắt của nhà sư và nó đã chỉ cho anh biết rằng anh ta vốn là một người đần độn. Có lẽ cũng chính vì lý do này mà đám cảnh sát đã bỏ anh ta một mình ở đây. D. Marnin vẫy tay chào từ biệt người này rồi quay đầu rảo bước vào bên trong nhà. Lên đến bậc đá chùa trên, anh quay đầu nhìn lại phía sau. Nhà sư kia tiếp tục cúi xuống cặm cụi quét mảnh sân ở sát chân tường trên đó phủ đầy cây hoa giấy với màu xanh và màu đỏ. Tiếng chuông gió leng keng trong ánh nắng yếu ớt của buổi sớm mai. Có lẽ chẳng có một bức tranh nào về Châu Á lại còn có thể thanh bình đến không tưởng tượng nổi như vậy.

Trong khi ấy, tại phòng chính trị trong Đại sứ quán mọi việc đang diễn ra hết sức khẩn trương. Đầu tiên là D. Marnin gọi điện cho Mecklin. Cảnh sát đã trả lại phóng viên Mandelbrot và Buechner cho nhà chức trách Mỹ vào lúc bốn giờ sáng với yêu cầu là hai người này không được vi phạm lệnh giới nghiêm thêm một lần nào nữa.

- Người ta nói với tôi rằng quân Chính phủ đã tấn công hơn ba mươi ngôi chùa tất cả. - Mecklin nói - một phóng viên đã nói với tôi là có rất nhiều nhà sư bị giết chết và hàng trăm người khác bị thương.

- Những con số đó đã được xác minh chưa? - D. Marnin hỏi lại - tôi đã quay lại chùa Xá Lợi và không nhìn thấy gì cả và điều này dường như phản ánh đúng những câu chuyện ấy.

- Không. Tất cả chỉ là những tin đồn mà cánh báo chí thêu dệt lên thôi. Chỉ chắc chắn là có tới vài trăm nhà sư trên khắp đất nước này đã bị bắt giam.

Ngài Sabo cũng đang nói chuyện qua điện thoại với ông Luyến, Chánh văn phòng Phủ Tổng thống để cố gắng sắp xếp một cuộc gặp giữa ông Bilder và Ngô Đình Diệm. Ông ta vẫy tay gọi D. Marnin ngồi lại gần và đưa cho anh một tập điện tín. Bức điện trên cùng đề nghị Đại sứ quán Mỹ ở Tokyo liên lạc với Đại sứ Sedgewick đang nghỉ ở khách sạn Okura đề nghị ông này tới Sài Gòn “càng sớm càng tốt”. Bức điện tiếp theo bày tỏ “sự quan ngại đặc biệt” từ phía Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về những “vụ tấn công vô cớ” vào các chùa chiền đồng thời gợi ý là Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn cần ra một thông báo khẩn cũng như lưu ý rằng phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sẽ phối hợp lên án “hành động vi phạm nghiêm trọng các cam kết theo đuổi chính sách hòa hợp dân tộc với Phật giáo của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa”. Bức điện thứ ba được viết bằng mực màu hồng nhạt do ngài Curly Bird báo cáo và ngài Bilder ký tên xác nhận được gửi đi vào lúc 7 giờ sáng là một thông báo về một hành động bất thường xảy ra trong đêm đó gửi cho Bộ Ngoại giao. Theo đó, mọi chuyện rắc rối đã xảy ra lúc gần sáng khi hai nhà sư ở chùa Xá Lợi bị rượt đuổi cùng đường đã vượt qua tường vào trong trụ sở của USOM ở ngay sát đấy và bây giờ đang xin được hưởng quy chế tị nạn chính trị. Ngoài ra còn có nhiều bức điện khác báo cáo về phản ứng gay gắt của các hãng thông tấn báo chí từ khắp nơi trên thế giới về vụ việc này. Trong số các bức điện gửi đến vào lúc sáng sớm còn có một bức điện với tư cách cá nhân được gửi qua Tư lệnh Bộ Tư lệnh Quân đội Mỹ ở Thái Bình Dương (CINCPAC) ở Honolulu, nơi ngài Corning đang đi nghỉ cùng gia đình và người nhận là đích thân Tổng thống Diệm.

Từ: Đại sứCorrning

Gởi tới: Tổng thống Diệm

Tôi rất lấy làm tiếc về vụ tấn công vào các chùa chiền ấy. Hành động đó có thể sẽ chẳng đem lại cho ngài cái gì cả thế nhưng nó lại gây ra hậu quả cực kỳ nghiêm trọng từ các cử tri người Mỹ. Đây là lần đầu tiên ông đã bỏ quên lời hứa của ông với cá nhân tôi.

Corning

Ông Sabo để chiếc ống nghe lên trên máy điện thoại rồi quay lại nói với anh.

- Ông Luyện hứa là sẽ gọi lại cho tôi. Nó nghe như là họ cố tình trì hoãn vậy. Ông bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã đệ đơn xin từ chức và cạo trọc đầu mình để phản đối.

- Cạo trọc đầu là thế nào?

Sẽ chẳng có ai hình dung ra một nhà ngoại giao có kinh nghiệm lại có một cái đầu trọc lốc.

- Đúng vậy đấy. Giá mà cậu được nghe cái cách ông Luyện ngắc nga ngắc ngứ khi nói về việc ấy. Tôi đã nài nỉ rằng chúng ta phải được gặp ông Diệm, nhất là vào lúc không có Bộ trưởng Bộ Ngoại giao như thế này. Vấn đề chính mà chỉ tôi với cậu nên hiểu đó là ông Diệm không muốn bị chửi rủa bởi Ngài công sứ của chúng ta. Tôi và cậu sẽ phải tìm ra cách giải quyết khó khăn này.

- Nhưng bằng cách nào chứ?

- Tôi sẽ thử tìm cách thương lượng với Giáo hoàng Nuncio. Ông ấy là người phụ trách các hoạt động đối ngoại của Giáo hội và đây cũng là vấn đề liên quan đến tôn giáo. Rất có thể tôi sẽ thuyết phục được ông ấy ủng hộ bản thông cáo của chúng ta. Dù sao ta cũng phải sử dụng hết mọi khả năng thôi. Trong khi đó, cậu hãy gọi cho anh bạn Đinh Triệu Dã và hãy bảo với anh ta là cậu đang trên đường tới Phủ Tổng thống để mang theo một lá thư riêng của Đại sứ Gus Coring gửi tới tận tay ông Diệm. Và lúc nào xong việc cậu đi luôn tói trụ sở của USOM và nói chuyện với hai vị Hòa thượng đang ở chỗ ngài Curly xem ý định của họ như thế nào.

Dã đang ngồi đợi D. Marnin trong căn phòng làm việc trang trí lộng lẫy ở ngay cạnh phòng làm việc của Tổng thống Diệm. Đây là lần đầu tiên D. Marnin được đặt chân đến nơi này.

- Chà chà, đẹp quá đi thôi - anh nói rất thật lòng.

- Người Pháp đã xây nơi này để ở chứ không phải để làm việc. Họ không hiểu hết ý nghĩa của những căn phòng nhỏ.

- Đây gửi anh bức thông điệp này. - nói rồi, D. Marnin mở cặp lấy bức điện ra và đưa cho anh ta.

Dã đọc qua một lượt rồi thảm nhiên thả nó xuống mặt bàn.

- Anh thế nào? - cậu ta hỏi.

- Rất mệt - D. Marnin trả lời - suốt đêm qua tôi đã phải vật lộn với trò đùa ở chùa Xá Lợi.

- Tôi biết rồi - Dã nói - chúng tôi đã được báo cáo về điều đó.

- Washington sẽ đưa ra một thông cáo chính thức lên án mạnh mẽ hành động này.

- Điều đó thì chúng tôi cũng biết trước rồi - cậu ta nói tiếp - hôm mùng bảy tháng tám các anh chẳng đã cảnh báo rằng những thứ như vậy sẽ xảy ra nếu như chúng tôi làm bất cứ điều gì ngu ngốc đó sao.

- Người dân Mỹ sẽ nhìn nhận vấn đề này như là hành động nuốt lời hứa trước tất cả các cam kết chính thức trước đó.

- Tôi bảo đảm là các anh sẽ làm như vậy. Thế nhưng hãy để cho tôi hỏi anh là chính xác mà nói thì các anh đã muốn chúng tôi phải làm như thế nào chứ? Nếu các anh muốn Tổng thống Diệm phải từ chức thì tại sao các anh không nói thẳng ra như vậy đi? Tại sao các anh muốn ông ấy vẫn nắm quyền hết ngày này qua ngày khác nhưng lại không muốn ông ấy làm bất cứ cái gì, trong khi những gã đó mà chúng tôi biết chắc chắn là trong số họ có rất nhiều người của Việt Cộng ngày càng trỏ nên liều lĩnh và quá khích chứ? Và anh cũng đừng quên là chúng tôi đã không muốn hành động trong khi người bảo trợ của các anh, ngài Corning đáng kính đang đương chức.

- Ông ấy vẫn còn là Đại sứ Mỹ tại miền Nam Việt Nam.

- Về ngữ nghĩa thì ông ấy vẫn là Đại sứ Mỹ, nhưng đấy chỉ là vấn đề ngữ nghĩa thôi. Chẳng lẽ các anh lại muốn chúng tôi phải hành động sau khi ông Sedgewick đến đây sao? Như thế thì làm sao có thể chấp nhận được? Tất cả chỉ nói lên một điều là chúng tôi phải ra tay thật nhanh. Và thời điểm thích hợp nhất để hành động chính là giữa lúc ông Corning ra đi và ông Sedgewick tới. Như thế thì có gì là sai trái đâu kia chứ?

- Thế thì có gì là sai với hàng ngàn người bị bắt, hàng trăm người bị thương và hàng chục người phải bỏ mạng chứ?

- Như thường lệ, người Mỹ các anh lại làm cho nó rối tung cả lên. Chưa có một ai bị bắt hết. Có đến chín mươi tám phần trăm các trường hợp là chúng tôi sẽ trả các nhà sư trở về nơi họ đã sống và tu hành. Tôi hứa với anh là trong vòng hai tháng tới sẽ không có một nhà sư nào bị bỏ tù cả. Còn chuyện bị thương, quả thật là mấy ông sư ấy đã quá ngu ngốc khi dùng tăm xỉa răng để chống lại lực lượng cảnh sát vũ trang được trang bị đầy đủ. Ở Sài Gòn có chín người, ở Huế có khoảng sáu người tất cả. Có mấy người bị gãy xương nhưng không có ai bị chết. Hoàn toàn không có ai bị chết.

- Anh có chắc chắn không?

- Dĩ nhiên là chúng tôi bảo đảm như vậy. Tổng thống đã yêu cầu giảm đến mức thấp nhất những hành động xâm phạm đến tính mạng của các nhà sư.

- Thế nhưng nó đã làm được gì chứ? Những người này sẽ được đi lại tự do ở khắp mọi nơi ngay sau khi họ được thả ra chứ?

- Chúng tôi cho rằng bằng cách thực hiện việc bắt giữ trên phạm vi rộng chúng tôi sẽ dập tắt được phong trào này một cách triệt để nhất. Thứ mà chúng tôi không thể kiểm soát được chính là những phản ứng quyết liệt từ phía Chính phủ Mỹ và đặc biệt là từ cánh phóng viên báo chí người Mỹ. Chúng tôi biết chắc chắn rằng mấy ông sư ấy chỉ là những con hổ giấy thôi. Thế nhưng chúng tôi không biết người Mỹ các anh sẽ làm gì, chúng tôi không thể bảo đảm là hậu quả sẽ ra sao.

- Ngay cả những bạn bè của anh cũng thật sự choáng váng vì tất cả những gì mà các anh đã làm. Các anh có thể tự đánh giá điều đó thông qua việc đọc bức điện của ngài Coring đây. Cho tới giờ Washington người ta vẫn còn nghi hoặc là ai đã ra lệnh tập kích các chùa chiền này, lực lượng nào trực tiếp tham gia vào và thực sự thì ai phải chịu trách nhiệm chính về hành động này?

Một nụ cười mỉa mai thoáng hiện qua trên đôi môi của Dã.

- Ai chịu trách nhiệm ư? - anh ta hỏi - Anh có thể nói với ngài Bilder, Ngài Công sứ của các anh, là thật lố bịch, Tổng thống Ngô Đình Diệm hoàn toàn chịu trách nhiệm vệ hành động này.

Anh ta cầm ngay lấy bức điện của ngài Corning để trên mặt bàn, bước thẳng ra khỏi phòng. D. Marnin đứng dậy, đi đến bên cửa sổ nhìn về phía luống hoa kèn tây bao vòng quanh bên ngoài bức tường phía bắc của Phủ Tổng thống. Quá mệt mỏi, một cảm giác thất vọng và kiệt sức dâng lên trong lòng anh. Anh bỗng nhớ tới những người bạn đã chọn học khóa A-100. Giờ này chắc là họ chỉ đang làm một công việc thật đơn giản nhưng thật thoải mái là ngồi sau bàn làm việc đóng dấu lên những thị thực trong các văn phòng đại diện ở Frankfurt hay ở thành phố Mexico. Cuối cùng anh vẫn tự động viên mình rằng cuộc đời vẫn chưa đến mức tồi tệ như vậy đâu nhỉ.

D. Marnin tới phỏng vấn hai nhà sư cùng với ngài Curly Bird và ông Phùng, Trưởng ban quản lý người bản địa của cơ quan USOM đồng thời làm người phiên dịch. Trừ khi ngài Curly là một diễn viên đại tài, ông ta chẳng có dấu hiệu nghi ngờ gì về quan hệ bí mật giữa D. Marnin và Lily. Ông ta đối xử với anh giống như tất cả các nhân viên ngoại giao cấp thấp khác đang ở Sài Gòn.

Hai nhà sư đều còn rất trẻ chỉ độ gần hai mươi tuổi là cùng. Trong đó có một người tên là Bắc còn người kia tên là Hiệp và cả hai đều quê ở Nha Trang. Họ đã tới Sài Gòn từ giữa tháng sáu và đã dành phần lớn thời gian ban ngày ở đây để lang thang khắp các ngả đường đi khất thực hay đi rải truyền đơn chống Chính phủ và tối đến lại cặm cụi bên những chiếc máy in rô-nê-ô ở trong chùa Xá Lợi. Nhờ những thông tin có được từ cuộc phỏng vấn hai người này, D. Marnin hiểu được rằng nhận thức của họ về các vấn đề chính trị là hết sức đơn giản, họ vẫn cho rằng những tờ truyền đơn bằng tiếng Anh và tiếng Việt đó đều đã được viết ra ở tận Hy Lạp thì phải.

Họ muốn được hưởng quy chế tị nạn chính trị bởi vì họ quá sợ các luật lệ quá hà khắc của Chính quyền và họ không muốn bị rơi vào tay lực lượng cảnh sát. Tói lúc này thì Đại sứ quán cũng đã nhận được chỉ thị từ Bộ Ngoại giao rằng đề nghị được hưởng quy chế tị nạn chính trị của họ cần phải được chấp nhận và không nên trả họ về cho Chính quyền Nam Việt Nam, “trừ khi hành động đó được coi là hoàn toàn tự nguyện từ chính hai người này”.

Ông Curly không mấy hứng thú với việc làm chủ nhà với hai vị khách này vì rất nhiều lý do khác nhau cho nên đã quyết định gợi ý họ tự nguyện ra khỏi đấy. Thế nhưng, ngay cả khi đó ông ấy vẫn hết sức bình tĩnh, thân thiện và xử sự rất ôn tồn như một bậc cha chú vậy. Qua thái độ đó, D. Marnin cũng hình dung ra phần nào vai trò của người đàn ông này đối với Lily. Ông ta thật lịch thiệp, tế nhị và rất lắm mưu nhiều kế.

- Cảnh sát - ông ta nói - đang rất muốn nói chuyện với các anh. Họ đã bảo đảm rằng sẽ không làm gì hại tới hai anh và tất cả những gì họ cần chỉ là các anh trả lời một số câu hỏi đơn giản thôi. Điều đó cũng có thể được thực hiện ngay trong căn phòng này. Chúng tôi sẵn sàng bảo đảm là các anh sẽ được đối xử đúng theo luật pháp nếu như các anh tự nộp mình cho các nhà chức trách. Những người này đã đề nghị đưa các anh về Nha Trang và trả lại tự do cho các anh ở đó.

Nhắc đến Nha Trang trong trường hợp này quả là một chiến thuật sai lầm. Ngay lập tức ông Bird nhận thấy rằng đó không phải là gợi ý khôn ngoan cho hai nhà sư này.

- Chúng toi không muốn quay trở về Nha Trang - sư Hiệp, người nói nhiều nhất trong hai nhà sư trả lời - chúng tôi chỉ muốn ở lại đây thôi.

- Ở Sài Gòn? - ông Curly hỏi.

- Không, ở đây. Ngay trong trụ sở này. - anh ta đáp.