Ngày Đầu Tiên

Chương 19

Amsterdam

Cửa ra vào bật mở. Vackeers giật mình và mở ngăn kéo bàn làm việc bằng một động tác nhanh gọn.

- Bắn tôi đi, vì anh đã nghĩ đến thế rồi mà! Anh đã đâm lén sau lưng tôi, chúng ta chỉ còn thiếu mỗi nước đó nữa thôi.

- Ivory! Anh có thể gõ cửa cơ mà, tôi đã qua cái tuổi chịu được nỗi sợ này rồi, Vackeers vừa đáp vừa đẩy vũ khí của mình lùi vào góc trong cùng ngăn kéo.

- Anh đã già quá rồi, phản xạ không còn được như trước nữa đâu, anh bạn tội nghiệp.

- Tôi không biết vì sao anh giận như thế, nhưng nếu anh bắt đầu bằng việc ngồi xuống, có lẽ chúng ta sẽ có được lời giải thích rạch ròi giữa những người văn minh với nhau.

- Thôi ngay cái kiểu rởm đời ấy đi, Vackeers; tôi cứ nghĩ anh là người đáng tin cơ đấy.

- Nếu quả thực đã nghĩ như vậy thì anh sẽ không cho người bám theo tôi tới Rome.

- Tôi chưa từng cho người bám theo anh, thậm chí tôi còn không biết là anh đã tới Rome nữa kia.

- Thật sao?

- Thật.

- Nếu không phải anh thì còn đáng lo hơn.

- Có kẻ đang cố mưu sát hai người được chúng ta che chở và điều đó là không thể chấp nhận được!

- Lại dùng lời lẽ đao to búa lớn rồi! Ivory này, nếu một trong số chúng tôi muốn giết chúng thì chúng đã tiêu đời rồi, chúng tôi chỉ thử dọa cho chúng sợ thôi, nhiều nhất cũng chỉ đến thế, không bao giờ có chuyện đẩy chúng vào vòng nguy hiểm.

- Nói láo!

- Quyết định này thật ngu ngốc, tôi đồng ý với anh, nhưng không phải đề xuất của tôi, vả lại tôi cũng đã cực lực phản đối đấy chứ. Mấy ngày gần đây, Lorenzo đã nảy ra những sáng kiến tai hại. Mặt khác, nếu chuyện này có thể giúp anh khuây khỏa, tôi đã cho hắn biết chúng tôi không đồng tình với cách hắn hành động. Chính vì lẽ đó mà tôi đã tới Rome. Tuy nhiên, hội đồng hết sức quan ngại về diễn biến sự việc. Những người được anh che chở theo cách gọi của anh, cần phải thôi ngay cái việc đi chu du khắp thế giới đi. Tính đến thời điểm này, chúng ta chưa phải lấy làm tiếc vì bất cứ thảm kịch nào, nhưng tôi e rằng các bạn của chúng ta sẽ áp dụng những biện pháp triệt để hơn nếu mọi việc tiếp diễn theo chiều hướng này.

- Bởi vì theo các người thì cái chết của một vị tộc trưởng cao tuổi không phải là thảm kịch chứ gì? Nhưng các người đang sống trong thế giới nào vậy?

- Trong một thế giới mà chúng có thể bị đẩy vào thế lâm nguy.

- Tôi cứ nghĩ không ai tin vào các giả thuyết tôi đưa ra chứ? Tôi thấy rằng cuối cùng thì những thằng ngu cũng đổi ý.

- Nếu hội đồng hoàn toàn tán thành các giả thuyết anh đưa ra thì sẽ không có chuyện mật phái viên của Lorenzo xuất hiện và ngáng đường hai nhà khoa học của anh đâu. Hội đồng không muốn đối mặt với bất kỳ nguy cơ nào, nếu anh thiết tha với hai nhà nghiên cứu này đến thế, tôi thành thật khuyên anh hãy thuyết phục chúng từ bỏ cuộc điều tra.

- Tôi sẽ không dối anh, Vackeers ạ, vì chúng ta đã cùng chơi cờ ròng rã nhiều buổi tối rồi; tôi sẽ thắng ván cờ này, nếu cần tôi sẽ một mình chống lại tất cả. Hãy báo cho hội đồng là họ đã bị chiếu tướng rồi. Chỉ cần họ thử đoạt mạng của hai nhà khoa học này thêm lần nữa, họ sẽ mất một quân cờ quan trọng một cách vô ích đấy.

- Quân nào?

- Là anh đấy, Vackeers.

- Anh khen tôi quá lời rồi, Ivory.

- Không, tôi chưa bao giờ đánh giá thấp những người bạn của mình, chính vì thế mà tôi vẫn còn sống sờ sờ ra đây. Tôi quay về Paris, không cần cho người theo dõi tôi làm gì vô ích.

Ivory đứng dậy và rời khỏi phòng làm việc của Vackeers.

Paris

Thành phố đã thay đổi nhiều kể từ lần gần nhất tôi ghé thăm. Thời ấy nhìn đâu cũng thấy toàn xe đạp, nếu toàn bộ số xe đạp đó không giống hệt nhau, tôi sẽ ngỡ mình đang ở Amsterdam. Đó đúng là một điều lạ thường ở dân Pháp, họ không thể hợp nhất màu xe taxi nhưng riêng về xe đạp thì tất cả dân Pháp lại mua cùng một mẫu xe. Rõ ràng là tôi sẽ không bao giờ hiểu được họ.

- Vì anh là người Anh mà, Keira đáp, dân Anh các anh không bao giờ nhận thấy chất thơ trong những đồng báo Pháp của em.

Tôi không thấy nhiều chất thơ trong những chiếc xe đạp màu xám, nhưng phải công nhận là thành phố đang đẹp dần lên; giao thông vẫn tắc nghẽn còn hơn cả những gì tôi còn nhớ được nhưng các bờ hè đã được mở rộng, các mặt tiền nhà được tẩy trắng, chỉ duy có dân Paris dường như không hề thay đổi sau hai mươi năm. Vượt đèn đỏ, chen lấn xô đẩy mà không bao giờ xin lỗi... Ý tưởng đứng xếp hàng đối với họ dường như hoàn toàn lạ lẫm. Tại ga phía Đông, chúng tôi bị chen ngang hai lần trong dòng người chờ lên taxi.

- Paris là thành phố đẹp nhất thế giới, Keira tiếp, chuyện này không cần phải bàn cãi, đó là chuyện có thật.

Việc đầu tiên cô ấy muốn làm khi về đến Paris là đến thăm chị gái. Cô ấy năn nỉ tôi đừng kể lại cho chị gái cô ấy chuyện đã xảy ra tại Êtiôpia. Jeanne thuộc tuýp người cả nghĩ, nhất là chuyện liên quan đến Keira, vậy nên tuyệt đối không thể nhắc đến trước mặt chị những áp lực đã buộc cô em phải tạm thời rời khỏi thung lũng Omo; Jeanne rất có khả năng sẽ tới nằm dài trên cầu thang lên máy bay để ngăn không cho Keira quay trở lại đó. Giờ thì cần phải bịa ra một câu chuyện để giải thích việc chúng tôi về Paris; tôi đề nghị sẽ nói rằng cô ấy về để thăm tôi; Keira đáp rằng chị gái cô ấy sẽ không bao giờ tin vào chuyện bịa đặt tương tự. Tôi vờ như không hề phật ý vì câu nói đó, tuy rằng đó mới là cảm xúc thực của tôi bấy giờ.

Cô ấy gọi điện thoại cho Jeanne, tránh tiết lộ với chị ấy rằng chúng tôi đang trên đường về thăm. Nhưng ngay khi taxi vừa thả chúng tôi xuống trước viện bảo tàng, Keira liền dùng điện thoại di động gọi cho chị gái và yêu cầu chị ra đứng cạnh cửa sổ phòng làm việc để xem liệu chị có nhận ra người đang đứng trong khuôn viên bảo tàng và vẫy tay chào chị không. Jeanne xuống ngay khi Keira chưa kịp nói hết câu và chúng tôi lại ngồi vào chiếc bàn nơi chúng tôi đã từng ngồi khi xưa. Jeanne ôm chặt em gái, đến nỗi tôi ngỡ là Keira sẽ ngạt thở. Ngay lúc đó tôi những muốn có một người anh trai để có thể tặng cho anh điều bất ngờ tương tự. Tôi nghĩ đến Walter, đến tình bạn mới hình thành giữa chúng tôi.

Jeanne nhìn tôi từ đầu đến chân với vẻ dò xét, chị chào tôi, tôi chào lại. Chị hỏi tôi, vẻ hết sức tò mò, rằng tôi có phải người Anh không. Cách phát âm của tôi khẳng định suy đoán đó nhưng vì phải giữ phép lịch sự, tôi cảm thấy mình buộc phải trả lời chị rằng tôi đúng là người Anh.

- Vậy cậu là người Anh chính gốc? Jeanne hỏi.

- Đúng vậy, tôi thận trọng đáp.

Jeanne gần như đỏ mặt.

- Ý tôi là một người Anh chính gốc Luân Đôn?

- Chính xác.

- Rõ rồi, Jeanne nói.

Tôi không cưỡng nổi mong muốn hỏi xem chính xác thì chị đã rõ cái gì, và tại sao câu trả lời của tôi lại khiến chị mỉm cười.

- Tôi vẫn tự hỏi ai có thể tách Keira khỏi cái thung lũng đáng nguyền rủa của nó, chị nói, giờ thì tôi đã hiểu rõ hơn rồi...

Keira liếc xéo tôi. Tôi định lảng đi nơi khác, hai chị em hẳn là có hàng tá chuyện muốn nói với nhau, nhưng Jeanne nài nỉ tôi ở lại cùng hai chị em. Chúng tôi đã cùng nhau trải qua một khoảng thời gian hết sức dễ chịu, Jeanne không ngừng hỏi về nghề nghiệp của tôi, cuộc sống của tôi nói chung, và tôi gần như lúng túng khi chị tỏ ra quan tâm đến tôi còn hơn cô em gái. Mặt khác, Keira đâm ra giận dỗi.

- Em có thể để hai người lại với nhau nếu quả thật em đang làm phiền, Giáng sinh em sẽ ghé thăm lần nữa, cô ấy nói trong lúc Jeanne muốn biết, vì sao thì tôi không rõ, liệu tôi có đi cùng Keira tới thăm mộ bố cô ấy không.

- Chúng tôi vẫn còn chưa thân thiết tới mức ấy, tôi nói để chọc ghẹo Keira một chút.

Jeanne hy vọng là chúng tôi sẽ ở lại cả tuần, chưa gì chị đã lên kế hoạch các bữa tối, kế hoạch nghỉ cuối tuần. Keira thú thật rằng chúng tôi lưu lại Paris cùng lắm chỉ một hoặc hai ngày. Khi chị hỏi chúng tôi đi đâu với vẻ thất vọng tràn trề, Keira và tôi liền nhìn nhau bối rối, chúng tôi còn chưa dự định sẽ đi đâu. Jeanne mời chúng tôi về nhà chị ở.

Trong bữa ăn, Keira đã gặp được người đàn ông mà chúng tôi đang tìm qua điện thoại, người có lẽ sẽ giúp chúng tôi sáng tỏ về bản văn phát hiện tại Francfort. Anh ta hẹn sáng hôm sau sẽ gặp chúng tôi.

- Em nghĩ là chuyện sẽ suôn sẻ hơn nếu em đi một mình, Keira gợi ý khi quay trở lại phòng khách.

- Đi đâu cơ? Jeanne hỏi.

- Gặp một người bạn của cô ấy, tôi đáp, nếu tôi hiểu đúng thì đó là một đồng nghiệp cùng ngành khảo cổ. Chúng tôi cần anh ta giúp để hiểu nội dung một văn bản được viết bằng ngôn ngữ châu Phi cổ.

- Bạn nào thế? Jeanne hỏi, có vẻ còn tò mò hơn cả tôi.

Keira không đáp và đề nghị đi tìm khay phô mai, hành động này cho thấy đã đến lcú ăn tối, thời điểm mà tôi sợ nhất. Đối với người Anh chúng tôi, món phô mai Camembert sẽ mãi là một điều chưa thể khám phá.

- Chị hy vọng em không đi gặp Max đấy chứ? Jeanne nói to để Keira ở trong bếp nghe tiếng.

Keira tránh không trả lời.

- Nếu em có một văn bản cần dịch, chị có thể nhờ bất cứ chuyên gia nào phù hợp ở viện bảo tàng, Jeanne vẫn kiên trì giọng điệu đó.

- Chị cứ lo việc của mình đi, Keira nói khi quay trở lại phòng khách.

- Max là ai thế?

- Một anh bạn mà Jeanne rất quý mến!

- Nếu Max là một anh bạn thì chị chính là người chị tốt đấy, Jeanne đáp.

- Có những lúc em hơi nghi ngờ chuyện đó đấy, Keira nói.

- Bởi vì Max là một anh bạn, anh ấy sẽ rất vui nếu được gặp Adrian. Bạn của bạn thì cũng là bạn mà, đúng không?

- Chị không sót đoạn nào trong câu “cứ lo việc của mình đi” chứ Jeanne?

Đã đến lúc thích hợp để tôi xen ngang và báo cho Keira biết ngày mai tôi sẽ đi cùng cô ấy tới cuộc hẹn. Nếu thành công trong việc dập tắt cuộc cãi vã chớm nảy sinh giữa hai chị em thì tôi cũng chẳng hề thất bại trong việc chọc giận Keira, cô ấy giận dỗi tôi suốt thời gian còn lại của buổi tối và bắt tôi ngủ trên tràng kỷ phòng khách.

Sáng hôm sau, chúng tôi đi tàu điện thẳng hướng đại lộ Sébastopol; xưởng in của Max nằm trong con phố kế bên. Anh ta đón tiếp chúng tôi hết sức nhã nhặn và mời chúng tôi vào phòng làm việc riêng tọa lạc trên căn gác lửng. Tôi vẫn luôn thán phục khi chiêm ngưỡng kiến trúc của những tòa nhà công nghiệp cổ kính được xây dựng cùng thời với tháp Eiffel, hệ thống rầm kèo được sản xuất trong các nhà máy thép vùng Lorraine thuộc loại có một không hai trên thế giới này.

Max cắm cúi đọc xấp tài liệu chúng tôi mang đến, anh chụp lấy một cuốn sổ ghi chép, một chiếc bút chì và bắt đầu làm việc hết sức thong dong, tác phong ấy khiến tôi ngưỡng mộ. Trông anh chẳng khác nào một nhạc sĩ đang đọc hiểu bản dàn bè rồi chơi lại ngay tức khắc.

- Bản dịch này mắc vô số lỗi, tôi không dám nói bản dịch của mình sẽ hoàn hảo, tôi cần có thời gian, nhưng mới đọc qua tôi đã phát hiên ra đây đó những lỗi không thể chấp nhận được. Lại đây, tôi sẽ cho hai bạn thấy.

Chiếc bút chì lướt trên trang giấy, anh dò lại bản văn lần nữa, chỉ cho chúng tôi thấy những cụm tương đương trong tiếng Hy Lạp mà anh cho là sai lè ra.

- Ở đây người ta đâu có nói đến “thầy pháp”, mà là các quyền uy. Từ “phồn vinh” cũng là một lỗi dịch sai ngớ ngẩn, đáng ra phải đọc là “vô hạn”. Phồn vinh và vô hạn có thể có nét nghĩa gần giống nhưng từ thứ hai dùng trong ngữ cảnh này mới thích hợp. Cách đó một đoạn xuống phía dưới, không phải là “con người” mà là “cá thể”.

Anh đẩy kính trễ xuống chóp mũi. Cái ngày đến lượt mình buộc phải đeo kính ấy mà, tôi phải ghi nhớ sẽ không bao giờ bắt chước cử chỉ này, thật quá tệ vì nó khiến bạn bỗng già sọm đi. Nếu kiến thức uyên bác của Max khiến người ta phải vì nể thì cái cách anh ta nhìn trộm Keira lại khiến tôi vô cùng phẫn nộ; tôi có cảm giác mình là người duy nhất nhận ra điều đó, còn Keira lại vờ như không có chuyện gì, như thế càng khiến tôi bực hơn nữa.

- Tôi nghĩ còn có một vài lỗi chia động từ, và tôi không chắc vị trí của những câu này là chính xác, đương nhiên điều đó làm xuyên tạc hoàn toàn ý nghĩa của bản văn. Ở đây tôi chỉ thực hiện công việc sơ đẳng, nhưng thí dụ như đoạn “dưới những tam giác sao” không được đặt đúng chỗ. Cần phải đảo vị trí các từ và đưa nó xuống cuối câu. Hơi giống tiếng Anh phải không?

Chắc là Max muốn tô điểm cho bài giảng vĩ đại của mình bằng một nét hài hước, tôi tránh không đưa ra lời bình luận nào. Anh ta xé tờ giấy vừa ghi chép khỏi cuốn sổ và đưa cho chúng tôi. Đến lượt mình, Keira và tôi chăm chú đọc bản dịch, và lần này thì rõ như ban ngày:

Tôi đã tách bảng ghi nhớ, giao cho quyền uy của các khu các thành phần mà nó hợp thành.

Những linh hồn của sự vô tận vẫn được giấu dưới tam giác sao. Để không ai có thể biết điểm viễn địa nằm ở đâu, đêm của một hãy canh giữ điểm gốc. Để không ai đánh thức nó, ở nơi hợp giao của các thời đại ảo, sẽ hiện rõ điểm kết thúc của khu vực.

- Chắc chắn là phải dịch như thế này rồi, rõ nghĩa hơn nhiều!

Thay vì làm Max mỉm cười, lời châm chọc của tôi lại khiến Keira thích thú.

- Trong những bản văn cổ như thế này, dịch nghĩa từng từ cũng quan trọng chẳng kém gì dịch toàn văn.

Max đứng dậy để đi sao chụp tài liệu, anh hứa với chúng tôi sẽ dành trọn dịp cuối tuần để dịch hoàn chỉnh, rồi anh ta quay sang hỏi Keira xem có thể gặp cô ấy ở đâu; Keira liền cho anh ta số điện thoại của Jeanne. Max muốn biết cô ấy sẽ ở lại Paris bao lâu, Keira đáp cô cũng không rõ lắm về điều này. Tôi có cảm giác hơi khó chịu vì bị coi như người vô hình. Thật may, một tay trưởng phòng đã gọi Max, một máy in gặp trục trặc. Tôi tranh thủ lúc đó để bày tỏ rằng chúng tôi lạm dụng lòng tốt của anh ta thế là đủ rồi, đã đến lúc phải để anh ta quay trở lại với công việc. Max tiễn chúng tôi xuống phố.

- Thực ra tại sao bản văn này lại khiến em quan tâm nhỉ? Max hỏi khi đã tới ngưỡng cửa. Nó có liên quan gì tới những nghiên cứu của em tại Êtiôpia sao?

Keira kín đáo liếc sang tôi rồi nói dối Max, bảo rằng một vị trưởng tộc đã giao lại cho mình tài liệu này. Khi Max hỏi tôi có yêu thung lũng Omo như cô ấy không, Keira không chút ngập ngừng khẳng định tôi là một trong những cộng sự đáng quý trọng nhất của cô ấy.

Chúng tôi vào quán Marais uống một ly cà phê. Keira không nói với tôi nửa lời kể từ lúc chia tay Max.

- Anh ta thật sự quá giỏi để làm ông chủ một xưởng in.

- Max là thầy giáo chuyên ngành khảo cổ của em, anh ấy đã đổi nghề.

- Tại sao?

- Nền giáo dục trưởng giả, anh ấy không thích phiêu lưu cũng không thích tới thực địa, vả lại, sau khi bố anh ấy mất đi, anh ấy đã gánh vác cơ nghiệp của gia đình.

- Hai người gắn bó với nhau lâu rồi phải không?

- Ai nói với anh là bọn em từng gắn bó chứ?

- Anh biết tiếng Pháp của anh tậm tịt, nhưng từ “sơ đẳng” có thuộc về ngôn ngữ thường ngày không nhỉ?

- Không, thế thì sao?

- Khi người ta dùng những công thức phức tạp đến thế để nói những chuyện đơn giản, thường là vì người ta cảm thấy có nhu cầu nâng tầm quan trọng của mình lên, đàn ông thích làm thế mỗi khi muốn chinh phục đối phương. Ông chủ xưởng in kiêm nhà khảo cổ của em đánh giá bản thân mình rất cao, hoặc anh ta vẫn đang tìm cách gây ấn tượng với em. Và đừng có nói là anh nhầm đấy nhé!

- Còn anh, đừng nói là anh đang ghen với Max đấy nhé, chuyện này nghe sẽ thống thiết lắm.

- Anh chẳng có lý do gì để ghen với bất cứ ai, vì anh cũng chỉ khi này thì là một trong những anh bạn của em, khi khác thì là một trong những cộng sự đáng quý trọng nhất của em mà. Không phải thế sao?

Tôi hỏi Keira tại sao lại nói dối Max?

- Em không biết, tự nhiên em buột miệng nói vậy.

Tôi không muốn nói về Max nữa. Nhất là tôi đang mong chúng tôi rời xa xưởng in của anh ta, khỏi khu phố này, khỏi Paris càng nhanh càng tốt; tôi rủ Keira đến thăm một trong những người tôi quen tại Luân Đôn, người có thể giúp chúng tôi giải nghĩa bản văn này, một người còn uyên bác hơn ông chủ xưởng in của Keira.

- Sao anh không nói với em sớm?

- Bởi vì anh chưa nhớ ra, thế đấy.

Nói cho cùng thì Keira đâu có được độc quyền nói dối!

Trong khi Keira chào tạm biệt Jeanne và thu dọn đồ đạc, tôi tranh thủ gọi cho Walter. Sau khi hỏi thăm tin tức, tôi nhờ hắn làm một việc mà khi nghe xong, hắn cho đó là chuyện vô cùng bình thường.

- Anh muốn tôi tìm cho anh ai đó trong Học viện thạo thổ ngữ châu Phi à? Anh hút thứ gì bị cấm hả Adrian?

- Chuyện khá tế nhị, Walter thân mến ạ, tôi hứa hẹn hơi sớm, hai tiếng nữa chúng tôi lên tàu và tối nay sẽ về tới Luân Đôn.

- Tin mừng đấy nhỉ, ít ra là nửa câu sau; còn vị đạo sĩ ẩn dật tôi phải tìm ra cho anh thì phức tạp hơn. Tôi vừa nghe thấy chúng tôi nhỉ?

- Anh vừa nghe rồi đấy.

- Không phải chính tôi đã nói với anh sáng suốt nhất là nên một mình sang Êtiôpia còn gì? Anh có một người bạn đích thực là tôi đấy, Adrian ạ, tôi sẽ cố tìm choa vị phù thủy anh cần.

- Walter, tôi cần một người dịch được tiếng Guèze cổ.

- Thì tôi chả nói thế còn gì, còn tôi cần một phù thủy mới tìm ra được người có khả năng dịch thứ ngôn ngữ ấy! Tối nay chúng ta ăn tối cùng nhau đi, nhớ gọi cho tôi ngay khi vền đến Luân Đôn nhé, từ giờ tới lúc đó thật sự xem mình có thể giúp được gì.

Rồi Walter gác máy.

Từ bên kia eo biển Manche

Chuyến tàu Eurostar lao nhanh xuyên qua miền nông thôn nước Anh, chúng tôi đã ra khỏi đường hầm được một lúc, Keira đang dựa vào vai tôi ngủ gà gật. Cô ấy ngủ phần lớn thời gian trên tàu. Về phần tôi, một đàn kiến đang bò lổm ngổm trên cẳng tay, nhưng tôi sẽ không nhúc nhích dù để đổi lấy bất cứ thứ gì trên đời này, vì sợ sẽ làm cô ấy thức giấc.

Trong khi tàu chạy chậm lại để chuẩn bị vào ga Ashford, Keira vươn vai duyên dáng, ít ra là cho đến khi cô ấy hắt hơi liền ba cái khá mạnh hầu như khiến tất cả hành khách trên toa giật nảy mình.

- Đây là di sản của họ nội nhà em, cô ấy nói như để xin lỗi, em chẳng thể làm gì được. Đường còn xa nữa không anh?

- Chỉ nửa tiếng nữa là đến nơi.

- Chúng ta không hề tin chắc tài liệu này có bất cứ mối liên hệ nào với chiếc mặt dây chuyền của em, đúng không?

- Quả là không, nhưng xét đại để thì anh vẫn luôn cấm bản thân được tin chắc điều gì.

- Nhưng anh đang muốn tin là giữa hai thứ đó tồn tại một mối liên hệ mà, cô ấy tiếp.

- Keira, khi chúng ta tìm kiếm trong không gian vô cùng lớn một điểm vô cùng bé, một nguồn sáng dù có xa xôi như thế, khi chúng ta chờ đợi một tiếng động đến từ tận cùng vũ trụ, chúng ta chỉ chắc chắn được một điều: khao khát khám phá của chúng ta. Và anh biết em đào bới cũng chính vì khao khát ấy. Vậy thì đúng rồi, chúng ta còn chưa tìm thấy điều gì cho phép khẳng định chúng ta đang đi đúng hướng, ngoại trừ cái bản năng chung đẩy chúng ta tới chỗ tin như thế, chuyện này không tồi chút nào, phải không?

Tôi không có cảm giác đã nói điều gì đó vô cùng quan trọng, quang cảnh ga Ashford không thơ mộng gì cho cam, và đến giờ tôi vẫn còn băn khoăn tại sao vào đúng lúc đó chứ không phải lúc khác, Keira quay lại, hai tay cô ấy ôm lấy mặt tôi rồi cô ấy hôn tôi như chưa bao giờ làm vậy.

Tôi nhớ lại giây phút ấy suốt hàng tháng trời, không chỉ vì nó mãi mãi là một trong những kỷ niệm đẹp nhất đời tôi, mà còn vì tôi đã tìm hiểu mình đã làm gì để có thể gợi nên một phản ứng như vậy nhưng hoài công vô ích. Sau này, thậm chí tôi đã cả gan hỏi cô ấy, để rồi nhận được lời đáp gói gọn trong một nụ cười. Và cuối cùng, tôi vẫn hài lòng với câu trả lời ấy. Nó cho phép tôi thường xuyên đặt lại câu hỏi, nhớ lại nụ hôn, ga Ashford vào một buổi hoàng hôn mùa hè tuyệt đẹp.

Paris

Ivory di chuyển quân mã trên bàn cờ bằng đá hoa cương ngự trong phòng khách nhà mình. Ông có những bàn cờ thuộc loại cổ, thứ đẹp nhất trong bộ sưu tập nằm trong phòng ngủ, một mẫu bàn cờ Ba Tư toàn bộ màu ngà và có từ thế kỷ thứ sáu. Đó là một trò chơi cổ đại của người Ấn Độ, chaturanga, trò chơi có bốn quân vua, tiền thân của môn cờ vua sau này. Một bàn vuông dọc tám ô ngang tám ô, tổng cộng có sáu mươi tư ô giải thích sự tiến triển của thời gian và các thế kỷ. Các ô màu đen và trắng xen kẽ nhau phải rất lâu sau mới có. Người Ấn, người Ba Tư và người Arập chơi trên những ô vuông đồng màu, đôi khi là trên một bàn cờ vạch ngay dưới mặt đất. Trước khi trở thành một trò chơi phàm tục, biểu đồ của bàn cờ được dùng làm bố cục xây dựng đền đài và thành quách ở Ấn Độ thời Vệ Đà giáo phát triển hưng thịnh. Bàn cờ tượng trưng cho trật tự vũ trụ và bốn ô ở vị trí trung tâm tương ứng với Chúa trời – Đấng Tạo hóa.

Tiếng kèn kẹt của máy fax kéo Ivory ra khỏi cơn mộng tưởng. Ông đi về phía thư viện nơi đặt máy fax và giật lấy tờ giấy vừa được in ra.

Một bản văn được viết bằng thứ ngôn ngữ châu Phi rất cổ, tiếp đó là một bản dịch. Người gửi xin ông gọi cho mình ngay khi nhận được bản fax, Ivory liền gọi luôn.

- Hôm nay cô ấy đã đến gặp tôi, giọng nói cất lên trọng điện thoại.

- Cô ấy đến một mình à?

- Không, đi cùng cô ấy là một gã người Anh đỏm dáng vô duyên. Ông đã xem qua tài liệu chưa?

- Tôi vừa xem rồi, anh tự mình dịch ra à?

- Dịch chuẩn nhất có thể, vì thời gian không nhiều mà.

- Làm tốt lắm, cứ coi như vấn đề tài chính của anh đã thuộc về quá khứ đi.

- Tôi có thể hỏi tại sao ông lại quan tâm tới Keira đến mức ấy và bản văn này quan trọng thế nào được không?

- Câu trả lời là không nếu anh muốn ngay ngày mai, khoản tiền như đã hứa đến cứu trợ tài khoản xưởng in của anh.

- Ban nãy tôi vừa tìm cách liên lạc với Keira. Trước khi gác máy ngay trước mũi tôi, chị gái Keira bảo cô ấy vừa đi Luân Đôn rồi. Tôi có thể giúp gì thêm không, thưa ông?

- Như chúng ta đã thỏa thuận thôi, lúc nào cô ấy liên lạc với anh thì báo cho tôi biết nhé.

Nói chuyện điện thoại xong, Ivory quay lại ngồi trong phòng khách. Cầm bản văn trong tay, ông đeo kính và bắt đầu hoàn thiện bản dịch. Ngay từ dòng đầu tiên, ông đã thấy vài chỗ cần sửa chữa.