Từ trong buồng Tòa Thị chính.
Nói về Tòa Thị chính!… Thế là tôi đã đến đây. Đoạn đường kinh tởm đã qua. Pháp trường ở đó, ngay bên dưới cửa sổ. Đám dân chúng ghê tởm đang ồn ào chờ đợi tôi và reo cười.
Ban nãy, tôi đã cố cứng người lại, cố lên gân, tôi vẫn không chịu nổi. Tôi đã không đủ can đảm, từ cửa sổ nhìn xuống khi thấy vượt lên những cái đầu người là hai gióng ngang như hai cánh tay màu đỏ dang ra, ở đầu là hình tam giác đen, chiếc đèn lồng giữa các cây đèn đường bờ sông, tôi đã không còn can đảm nữa. Tôi yêu cầu được nói lời cuối cùng. Người ta bèn để tôi ở đây và đi tìm viên chưởng lý của nhà vua. Tôi đợi ông ta đến. Thế là đã thắng rồi. Chuyện như sau:
Đồng hồ điểm ba giờ. Người ta đến báo cho tôi đã đến giờ rồi. Tôi run cầm cập như là tôi đã nghĩ đến chuyện khác từ sáu giờ, sáu tuần, sáu tháng nay rồi. Điều đó đem lại hiệu quả của một điều bất ngờ.
Người ta dẫn tôi đi qua các hành lang và xuống cầu thang.
Đến giữa hai cửa giao dịch ở tầng trệt, họ đẩy tôi vào một căn phòng hẹp, tối, mái vòm chỉ đủ cho ánh sáng lờ mờ của một ngày mưa và sương mù lọt vào. Giữa phòng kê một chiếc ghế tựa. Họ bảo tôi ngồi vào ghế và tôi đã ngồi xuống.
Gần cửa ra vào, có mấy người đứng dọc theo tường ngoài: ông linh mục và hiến binh, còn có ba người nữa.
Người thứ nhất to cao hơn cả và già nhất, trông béo tốt, mặt đỏ gay. Hắn mặc chiếc áo rơ-đanh-gốt và đội chiếc mũ đã biến dạng có ba chỏm. Chính hắn.
Đó là tên đao phủ điều khiển máy chém. Hai người đứng bên là phụ việc cho hắn.
Tôi vừa mới ngồi xuống, hai tên phụ việc lại gần tôi từ phía sau như mèo. Rồi bất thình lình tôi cảm thấy chất thép lạnh trong mái tóc tôi rồi tiếng kéo lách cách bên tai tôi.
Tóc tôi được cắt rơi lả tả từng mớ xuống vai rồi người đội mũ ba chỏm lấy tay vuốt nhẹ trên đầu cho hết các mẩu tóc con còn sót lại.
Chung quanh người ta nói khẽ với nhau.
Bên ngoài một tiếng rì rầm, như thể có một sự chuyển động trong không khí. Thoạt đầu tôi tưởng đó là một con sông đang chảy, nhưng tiếp theo là tiếng cười nói râm ran. Tôi nhận ra đó là đám đông tụ tập để xem thi hành án tử hình.
Một người trẻ tuổi đứng gần cửa sổ hí hoáy viết bằng cây bút chì trên một cái ví tiền, hỏi một trong những người gác ngục, người ta gọi việc đang làm đó là gì.
– Là trang điểm cho tử tù, tiếng người gác ngục trả lời.
Tôi hiểu điều đó sẽ xuất hiện trên mặt báo vào sáng mai.
Bỗng nhiên một trong hai tên phụ việc đao phủ lột chiếc áo vét của tôi. Một tên khác nắm lấy hai tay tôi bẻ quặt ra sau lưng và tôi cảm thấy nút dây thừng đang siết lại một cách thong thả chung quanh cổ tay tôi. Đồng thời tên kia lột chiếc cà vạt của tôi. Chiếc áo sơ mi vải phin xanh, mảnh vải duy nhất trên người tôi ngày xưa còn sót lại khiến hắn ngập ngừng một lát rồi hắn bắt đầu cắt cụt cái cổ áo cho khỏi vướng.
Với cái chi tiết chuẩn bị kinh khủng này, khi chiếc kéo bằng thép chạm vào da cổ, các khuỷu tay tôi run rẩy, tôi thốt lên một tiếng rên khẽ. Bàn tay của hắn cũng run run. Hắn nói:
– Xin lỗi ông! Tôi có làm ông đau không?
Những tên đao phủ đó quả là những con người hiền dịu. Đám đông dân chúng bên ngoài la hét to hơn.
Người cao to có bộ mặt đầy mụn đưa tôi chiếc khăn tay tẩm dấm để tôi hít. Tôi cất cao giọng nói với hắn:
– Cảm ơn! Không cần thiết, - tôi nói to một cách bình tĩnh, - tôi vẫn bình thường.
Tức thì một tên trong bọn họ cúi xuống trói hai chân tôi bằng một sợi dây thừng nhỏ và lỏng để tôi có thể đi những bước ngắn. Sợi dây đó được buộc liền với dây trói tay tôi.
Rồi người cao lớn ném chiếc áo vét trên lưng tôi, thắt chặt hai ống tay áo dưới cằm tôi.
Điều phải làm đã làm xong.
Tức thì ông linh mục tay cầm thánh giá bước lại gần tôi. Ông bảo tôi:
– Nào đi, con!
Mấy tên phụ việc đao phủ xách nách tôi. Tôi đứng dậy và cất bước. Bước chân tôi mềm và oằn xuống như tôi có hai đầu gối ở mỗi bên chân.
Vào lúc này chiếc cửa ra vào mở rộng hai cánh cửa. Một tiếng ầm dữ dội và khí lạnh cùng ánh sáng trắng bên ngoài tràn vào trong người tôi đang trong bóng tối. Từ phía hành lang tối tăm, bất thình lình tôi nhìn ra qua làn mưa hàng nghìn con người chen chúc nhau lộn xộn ở chân cầu thang lớn của Tòa Thị chính; ở phía bên phải, ngang với bậu cửa, một hàng ngựa mà cánh cửa thấp chỉ cho tôi thấy ức và chân trước; phía trước mặt tôi là một phân đội lính ở tư thế chào; phía trái là mặt sau của một cái xe, dựa vào xe là một cái thang cứng - một bức tranh hãi hùng, đóng khung trong một cửa ngục.
Chính là đến lúc đáng sợ này tôi đã giữ được bình tĩnh. Tôi bước lên ba bước và hiện ra trên bậc cửa khám.
– Nó đây! Nó kia kìa! - Đám đông kêu lên. Cuối cùng nó ra đấy!
Những người đứng gần tôi vỗ tay. Dù yêu một ông vua tới mức nào chăng nữa cũng không thể nhiệt tình hơn.
Mà đó chẳng qua là một chiếc xe bình thường với một con ngựa gầy còm, người đánh xe mặc áo choàng màu xám có vẽ hình màu đỏ giống như những người bán rau ở vùng kế cận Bicêtre.
Người cao to đội mũ ba chỏm lên xe đầu tiên.
– Chào ông Samson, - tiếng trẻ con bám vào chấn song sắt kêu lên.
Một tên phụ việc theo sau cũng lên xe.
– Hoan hô Mardi, - bọn trẻ lại kêu lên lần nữa.
Hai người lên trước đều ngồi ở hàng ghế trước.
Đến lượt tôi. Tôi lên xe với một dáng điệu khá quả quyết.
– Trông anh ta khá đấy! - Tiếng một người phụ nữ đứng bên cạnh hiến binh.
Lời khen tàn ác đó làm tôi can đảm hơn. Ông linh mục đến ngồi bên cạnh tôi. Người ta để tôi ngồi ở hàng ghế sau lưng quay về con ngựa. Tôi rùng mình với sự quan tâm cuối cùng này.
Họ đặt lòng nhân đạo trong đó.
Tôi nhìn ra xung quanh. Hiến binh đằng trước, hiến binh đằng sau, rồi đám đông, đám đông và đám đông, một biển người trên quảng trường. Một đội hiến binh cưỡi ngựa đợi tôi ở cổng sắt Tòa Thị chính.
Viên sĩ quan hạ lệnh. Chiếc xe và đoàn người, ngựa chuyển động như bị tiếng la hét của đám bình dân đẩy ra phía trước.
Người ta đã vượt qua chiếc cổng sắt. Vào lúc chiếc xe ngoặt lên Pont-au-Change (Cầu Hối đoái) trên quảng trường, tiếng ồn ào nổi lên từ đường lát đá lên mái nhà và các cầu hai bên bờ sông đáp lại những tiếng reo hò dậy đất.
Tại đây, đội hiến binh cưỡi ngựa nhập vào đoàn áp giải. Hạ mũ xuống, hạ mũ xuống! Hàng nghìn cái miệng đồng thanh kêu lên như nghênh đón nhà vua.
Lúc đó tôi cùng cười một cách kinh khủng và nói với ông linh mục:
– Họ thì cất mũ, còn tôi thì cất đầu.
Xe đi nước kiệu.
Bờ sông Hoa (Quai des Fleurs) thơm ngào ngạt. Hôm đó là ngày chợ hoa. Các bà bán hàng đã rời bỏ quầy hoa để xem tôi.
Phía đối diện, trước Tòa Vọng Lâu ở góc Viện Tư pháp một chút, có những quán rượu mà các gác lửng chật ních những người xem, nhất là phụ nữ sung sướng vì có chỗ ngồi tốt.
Người ta thuê bàn, thuê ghế ngồi, thuê giàn giáo, thuê xe để lấy chỗ đứng xem. Tất cả đều cong xuống vì đông người xem. Những người buôn máu người còn rao đinh tai nhức óc: “Còn ai cần mua chỗ không?”
Tôi phát điên lên với đám đông tò mò này. Mỗi bước chuyển động đám đông tản ra. Tôi nhìn họ với con mắt nhớn nhác, xa xa đám đông lại tụ lại trên đường xe đi qua.
Lúc lên cầu Hối đoái tôi tình cờ đưa mắt nhìn ra bên phải phía sau. Phía bên kia bờ sông, nổi lên trên các ngôi nhà có một tháp màu đen, trơ trọi lởm chởm những hình khắc trên đỉnh, tôi thấy hai con quỷ đá ngồi nghiêng. Tôi không hiểu sao tôi lại hỏi ông linh mục tháp đó tên gọi là gì.
Tên đao phủ nhanh nhảu đáp:
– Tên là Saint Jacques-tàn sát (chơi chữ của V. Hugo: La-Boucherie hàng thịt, có nghĩa là Tàn sát).
Tôi không biết điều đó được làm như thế nào. Trong màn sương những hạt mưa nhỏ và trắng mịn rạch ngang dọc trên trời như mạng nhện nhưng không có gì diễn ra quanh tôi mà tôi không trông thấy. Mỗi một chi tiết đều đem lại cho tôi sự dằn vặt. Không đủ lời lẽ để diễn tả những cảm xúc.
Xe đã vào giữa cầu Hối đoái. Mặt cầu vừa rộng vừa ngổn ngang khiến xe tiến chậm và vất vả. Tôi thấy khiếp đảm quá. Tôi sợ ngất xỉu mất, sự hư vinh cuối cùng! Thế là tôi quay cuồng ngây ngất chẳng còn nhìn thấy gì, nghe thấy gì hết trừ tiếng nói nhỏ nhẹ của ông linh mục nghe đã khó lại bị tiếng hò reo bên ngoài cắt ngang.
Tôi cầm lấy cây thánh giá và hôn. Tôi nói:
– Cầu xin Cha, Người hãy thương lấy con, - tôi lẩm bẩm và cố đắm mình vào ý nghĩ đó.
Nhưng mỗi lần xe xóc, tôi lại bừng tỉnh. Rồi bỗng nhiên tôi cảm thấy lạnh toát người. Nước mưa đã thấm qua quần áo và làm ướt da đầu tôi qua mái tóc bị cắt cụt lủn. Ông linh mục hỏi tôi:
– Con thấy lạnh phải không?
Tôi trả lời:
– Vâng!
Than ôi! Không phải chỉ có lạnh[15].
Qua chỗ ngoặt bên cầu có tiếng đàn bà nhìn thấy tôi, than thở: trông trẻ quá!
Xe đã tiến vào đường bờ sông định mệnh: Tôi bắt đầu không còn nhìn thấy gì, không nghe thấy gì. Tất cả những tiếng nói, những cái đầu chụm bên cửa sổ, bên cửa sắt, các cửa hiệu, các cây đèn đường; những người đi xem hành hình, khao khát và độc ác; trong đám đông đó ai cũng biết tôi mà tôi chẳng biết một ai; con đường lát đá và hai bên chật cứng những bộ mặt người… Tôi như người say rượu, đờ dẫn, điên dại… Chính là không thể chịu đựng được sức nặng của hàng nghìn con mắt đổ dồn nhìn mình.
Thế là tôi chao đảo trên ghế, chẳng buồn chú ý đến ông linh mục và cây thánh giá nữa.
Trong tiếng ồn ào bao quanh, tôi không phân biệt nổi đâu là những tiếng kêu xót thương, đâu là tiếng hò reo vui mừng, những lời than thở, những tiếng động khác. Tất cả những thứ tiếng đó vang lên trong đầu tôi như tiếng dội của kèn đồng.
Mắt tôi lướt một cách máy móc trên các biển hiệu.
Một lần tính tò mò kỳ lạ khiến tôi muốn quay đầu ra đằng sau nhìn xem mình đã đi đến đâu rồi. Đó là thách thức lần cuối cùng của trí óc. Nhưng thân thể thì không muốn; gáy của tôi tê liệt như chết trước rồi.
Quay sang bên cạnh tôi chỉ thoáng nhìn, phía tay trái, bên kia con sông là Tòa Vọng lâu của Nhà thờ Đức Bà, nhưng từ trong xe nhìn ra thì chỉ thấy một còn tháp kia bị che lấp. Chính cái cờ treo ở trên tháp bị che lấp. Ở đấy có nhiều người chắc là nhìn rõ.
Rồi chiếc xe cứ lăn, cứ lăn, những cửa hiệu chạy qua trước mắt, những biển tên nối đuôi nhau, trên viết chữ màu trên nền sơn vàng óng, đám dân đen đi xem hành hình cười nói râm ran, bì bõm lội trong bùn. Đầu óc tôi miên man nghĩ, giống như những người buồn ngủ, thiếp đi trong cơn mê ngủ của họ.
Hàng loạt cửa hiệu diễu qua trước mắt tôi bỗng nhiên bị ngắt quãng ở góc quảng trường: tiếng nói của đám đông trở nên rộng lớn hơn, the thé hơn, vui tươi hơn nữa… Chiếc xe đột ngột dừng lại. Tôi suýt ngã dập mặt xuống sàn xe. Ông linh mục đỡ tôi, thì thầm: “Can đảm lên, con!”. Tức thì, người ta mang cái thang dựa vào sau xe. Ông đưa tay cho tôi vịn. Tôi đã xuống tới đất, bước lên một bước, rồi quay người định làm tiếp bước nữa nhưng không thể. Giữa hai cột đèn trên bờ sông, tôi đã nhìn thấy một vật thê thảm.
Ôi! Đó là thực tế!
Tôi dừng lại, như đã trượt ngã rồi dưới nhát dao:
– Tôi có một điều cuối cùng muốn nói, - tôi yếu ớt kêu lên!
Người ta đã đưa tôi lên đây.
Tôi yêu cầu người ta cho tôi viết những điều mong muốn cuối cùng. Họ cởi dây trói tay cho tôi. Nhưng dây thừng vẫn còn đây, lúc nào cũng sẵn sàng còn đoạn cuối vẫn ở bên dưới.