Nếu Tôi Biết Được Khi Còn 20

Chương 7 - Biến Nước Chanh Thành Trực Thăng

Tôi gọi điện cho Josh để chúc con may mắn trong đợt thi học kỳ đầu tiên tại đại học. Nó trả lời: “Không có gì may mắn cả mẹ à, tất cả đều là sự chăm chỉ học hành.” Nó là một cậu bé có ý chí, thường say mê lao vào những điều mà nó hứng thú, đặc biệt là các cuộc thi đấu thể thao đòi hỏi sự luyện tập và chuẩn bị rất nhiều. Lúc đầu, tôi nghĩ rằng phản ứng của nó là cực đoan. Tuy nhiên, sau khi suy nghĩ xa hơn, tôi tin rằng Josh đã đúng. Ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng mình may mắn, chúng ta vẫn thường phải làm việc chăm chỉ để đưa mình vào vị trí đó.

 

Tôi đã khâm phục Josh khi quan sát nó nỗ lực để đạt được những mục tiêu mà người khác nghĩ rằng không thể làm được. Khi mười chín tuổi, nó quyết định thử sức mình tại một cuộc tranh tài cử tạ. Điều này hiển nhiên không phải là một sự lựa chọn cho một tay đua xe đạp và vận động viên chạy nước rút trước đây, nhưng nó đã quyết định phá kỷ lục quốc gia về cử tạ. Josh tìm các huấn luyện viên tốt nhất tại miền Bắc California và cứ vài lần một tuần nó lái xe hai giờ đe đến học hỏi từ họ. Nó đọc mọi thứ có thể tìm được về thể thao, cẩn thận xây dựng một chế độ ăn uống để tạo cơ bắp tốt hơn, và dành hàng giờ đồng hồ luyện tập tại phòng tập thể dục. Sau nhiều năm luyện tập thể hình và sau đó là hàng tháng nỗ lực tập trung, nó bước vào một cuộc thi để xem mình thắng được những người khác như thế nào. Chúng tôi thức dậy từ 5 giờ và lái xe ba tiếng đến Fresno cho cuộc thi đấu chính thức. Phòng tập gồm toàn những vận động viên cử tại đã thi đấu nhiều năm. Tôi cảm thấy lo lắng rằng Josh sẽ phải thất vọng về phần trình diễn của mình. Tuy nhiên, Josh với cân nặng 190 pound đã chiến thắng cả liên bang và phá kỷ lục quốc gia khi nâng được 589,7 pound (khoảng 268kg – ND) – nhiều hơn 50 pound so với người giữ kỷ lục trước đó. Có phải do nó may mắn không? Tất nhiên là nó đã may mắn. Ngày hôm đó tất cả đều suôn sẻ với Josh. Nhưng nó sẽ không thể thành công nếu không nỗ lực hết mình với các mục tiêu đề ra.

 

Ý kiến của Josh về sự may mắn lặp lại những thông điệp mà tôi thường nghe từ cha khi tôi còn là một đứa trẻ: càng làm việc chăm chỉ thì bạn sẽ có được càng nhiều may mắn. Câu thần chú của ông là một lời nhắc nhở rằng bạn cần phải đặt mình trong vị trí để có được may mắn. Ngay cả khi xác suất thành công thấp và sự cạnh tranh cao, bạn vẫn có thể tối đa hóa cơ hội của mình bằng cách chuẩn bị tốt cả về thể chất, trí tuệ, và tình cảm.

 

Chúng ta thường nghe những câu chuyện truyền cảm về những người bắt đầu từ hai bàn tay trắng, và nhờ làm việc cật lực họ đã có thể mang may mắn đến với mình. Dưới đây là hai câu chuyện ngắn nghe có lẽ rất quen thuộc với chúng ta về những người làm việc cực kỳ chăm chỉ để vượt qua những khó khăn cực kỳ lớn.

 

Vương Quyên là một cô gái gốc Việt, sống cùng gia đình gồm cha, mẹ và ba anh chị em tại Texas, Mỹ. Cô không biết nói tiếng Anh nên đã phải ở lại lớp đến vài năm. Gia đình cô rất nghèo đến nỗi cô và anh chị em đều phải làm việc ít nhất ba mươi giờ một tuần sau giờ học. Quyên thậm chí vẫn thường nghĩ về việc bỏ học để hỗ trợ gia đình tốt hơn. Thời điểm đó gia đình cô quá khó khăn, chỉ mong sống qua ngày và thường phải vay mượn người khác.

 

Mặc dù gian khổ, nhưng Quyên vẫn làm việc và học tập kiên trì hết mức có thể. Cô gái chẳng có gì ngoài động lực kéo mình thoát ra khỏi đói nghèo. Kết quả cô đã tốt nghiệp trung học gần tốp đầu lớp và nhận được học bổng toàn phần vào đại học Yale. Sau khi học kinh tế và có được bằng MBA, Quyên bây giờ đang điều hành ICAN, một công ty phi lợi nhuận phục vụ cộng đồng Việt Nam bằng cách giúp người nhập cư vượt qua được những cách biệt văn hóa để có thể hòa nhập tốt ở đất nước mới.

 

Khi còn là một thiếu nữ, Quyên không biết những gì cô muốn đạt được khi lớn lên, nhưng cô đã biết kéo mình ra khỏi đói nghèo. Cô tin việc bày biện bàn ăn bằng thời gian và công sức sẽ đảm bảo được rằng một món rất ngon sẽ đáp xuống trên chiếc đĩa cơ hội của mình. Theo lời Quyên, những trải nghiệm đã dạy cô rằng: “Ta có thể tạo ra vận mệnh của mình bằng cách tập trung vào các mục tiêu đề ra và làm việc thực sự chăm chỉ.”

 

Tôi cũng nghe được một câu chuyện tương tự từ Quincy Delight Fones III, aka QD3, một nhà sản xuất phim ảnh và âm nhạc rất thành công, người đã làm việc với các nghệ sĩ nổi tiếng như Tupac Shakur, LL Cool J, và Ice Cube.[32] Là con trai của huyền thoại âm nhạc Quincy Fones, bạn có thể nghĩ rằng QD3 có một cuộc sống dễ dàng. Nhưng thật ra thì không. Cha mẹ ly dị khi anh còn nhỏ và mẹ của anh đã đưa anh đến Thụy Điển, quê hương của bà, nơi họ sống gần như trong cảnh đói nghèo. Mẹ anh có một lối sống lập dị và phải vật lộn với chứng nghiện thuốc phiện. Bà không quan tâm đến việc QD3 có đến trường hay không, và bà thường về nhà sau khi tiệc tùng đến 4 giờ sáng mỗi ngày.

 

Từ khi QD3 được tiếp xúc với break-dance ở lứa tuổi thiếu niên, anh đã trở nên gắn bó với nó. Anh bắt đầu biểu diễn trên đường phố ở Stockholm, đưa mũ ra để nhận các khoản quyên góp từ người qua lại. Anh đã thực hành các bước nhảy của mình suốt ngày đêm và hoàn thiện từng bước. Nhờ “may mắn” QD3 đã được một người chiêu mộ tài năng của Levi’s phát hiện. Và khi người này hỏi anh có thích làm một tour biểu diễn hay không, QD3 ngay lập tức chớp lấy cơ hội.

 

Khi đã bước được một chân vào con đường nghệ thuật này, QD3 tiếp tục làm việc hết sức mình. Ngoài việc tập nhảy, anh bắt đầu phát triển các điệu nhạc cho các nghệ sĩ rap. Một bước ngoặt lớn đã đến khi anh được mời ghi âm nhạc nền cho một bộ phim về nhạc rap ở Stockholm. Một trong những bài hát của QD3, “Next Time”, được viết khi anh mười sáu tuổi, đã trở thành đĩa vàng đầu tiên của anh và bán được hơn 50.000 bản. Tiếp theo QD3 đã sản xuất một bộ ba phim tài liệu bạch kim về Tupac Shakur và bán được hơn 300.000 bản.

 

Cũng giống như Quyên, QD3 đã biết tạo động lực để kéo mình ra khỏi đói nghèo, để tự nuôi sống mình và cuối cùng là trở nên nổi tiếng trên thế giới. Ông đã “vận dụng ngọn lửa trong trái tim” để động viên mình, và một khi ngọn lửa lan rộng, ông tiến lên phía trước với lòng can đảm và nỗ lực hết mình để thành công. Cả Quyên lẫn QD3 đều dồn tất cả những thứ họ có – thể chất, trí tuệ, và tình cảm – vào các vấn đề họ phải đối mặt, chứng minh rằng làm việc chăm chỉ và nỗ lực hết mình là chìa khóa để lôi cuốn may mắn đi theo bạn. Tuy nhiên, chăm chỉ làm việc mới chỉ là một trong những đòn bẩy có sẵn để bạn sử dụng khi nói đến việc tạo ra may mắn cho riêng mình. Vẫn còn nhiều công cụ khác trong hộp công cụ của bạn có thể đóng vai trò là những nam châm may mắn. Và tôi tin chắc rằng cả Quyên lẫn QD3 cũng đã sử dụng những thứ này.

 

 

 

Richard Wiseman, ở Đại học Hertfordshire ở Anh, đã nghiên cứu sự may mắn và thấy rằng “những người may mắn” cùng sở hữu những đặc điểm có xu hướng làm cho họ may mắn hơn những người khác. Trước tiên, những người may mắn tận dụng triệt để những cơ hội đến với mình. Thay vì bước trên đường đời với một hành trình cứng nhắc, họ không ngừng lưu tâm đến những gì đang xảy ra xung quanh mình, và do đó có thể nhận ra các giá trị lớn hơn trong từng tình huống. Họ thường chú ý nhiều hơn những người khác khi có một thông báo về một sự kiện đặc biệt trong cộng đồng, khi có một người mới chuyển đến khu vực họ sống, hoặc ngay cả việc nhận ra rằng một đồng nghiệp của họ đang cần được giúp đỡ. Người may mắn cũng cởi mở với các cơ hội mới và sẵn sàng làm thử những gì nằm ngoài phạm vi kinh nghiệm thông thường của họ. Họ dễ có khuynh hướng chọn một cuốn sách về một chủ đề không quen thuộc, đi du lịch tới các điểm ít quen thuộc, và giao tiếp với những người có những đặc điểm khác bản thân họ.

 

Không có gì đáng ngạc nhiên là người may mắn thường hướng ngoại. Họ giao tiếp bằng mắt nhiều hơn và cười thường xuyên hơn, tạo ra những cuộc gặp gỡ tính cực và phóng khoáng hơn. Những hành động đó mở cửa cho họ tiếp xúc với nhiều cơ hội hơn. Những người may mắn cũng có xu hướng lạc quan mà mong đợi những điều tốt đẹp xảy ra với họ. Điều này trở thành một lời tiên tri tự hoàn thành, vì ngay cả khi mọi thứ không diễn ra như mong đợi, những người may mắn có thể tìm cách lấy ra kết quả tích cực từ các tình huống xấu nhất. Thái độ của họ ảnh hưởng tới những người xung quanh họ, và giúp biến những tình huống tiêu cực thành những trải nghiệm tích cực.

 

Tóm lại, may mắn sẽ đến với bạn khi bạn luôn để ý quan sát xung quanh, cởi mở, thân thiện và lạc quan. Hãy suy nghĩ về câu chuyện đơn giản sau. Vài năm trước tôi đến một cửa hàng tạp hóa nhỏ ở địa phương, chủ yếu phục vụ những người sống gần đó. Một người đàn ông và cô con gái của ông tiến đến tôi ngay lối đi ở hàng thực phẩm đông lạnh, và lịch sự hỏi tôi làm thế nào để làm nước chanh đóng hộp đông lạnh. Người đàn ông có giọng nói tôi không thể xác định được và tôi khá chắc rằng ông là người mới đến khu vực này. Tôi chỉ ông ta cách làm nước chanh và hỏi ông từ đâu đến. Ông nói ông đến từ Santiago ở Chilê. Tôi hỏi tên ông và điều gì đã mang ông đến thành phố của chúng tôi. Lúc đó tôi không có động cơ nào khác ngoài tính hiếu kỳ. Ông giới thiệu tên mình là Ecudador và đang cùng gia đình dự định đến khu vực này ở một năm để ông có thể tìm hiểu về việc kinh doanh tại Thung lũng Silicon. Ecuador điều hành hoạt động kinh doanh của gia đình và đang muốn tìm kiếm những cách thức để làm cho nó sáng tạo hơn. Tôi kể với ông về chương trình khởi nghiệp tại trường Kỹ thuật của đại học Stanford và nói rằng tôi rất vui lòng làm những gì trong khả năng để giúp ông. Vài tháng sau, tôi giới thiệu Ecuador với một số người trong cộng đồng doanh nhân, và ông đã bày tỏ lòng cảm ơn với sự trợ giúp của tôi.

 

Hai năm trôi qua. Một lần trên đường đi đến một hội nghị ở Santiago, tôi nhắn tin cho Ecuador hỏi ông có thời gian gặp tôi đi uống cà phê không. Cuối cùng ông không thể đi được, nhưng ông mời tôi đến một địa điểm ở thành phố Santiago với một vài đồng nghiệp của tôi. Chúng tôi đến tòa văn phòng và được dẫn lên tầng thượng, từ đó chúng tôi được trực thăng riêng của gia đình Ecuador chở một vòng tham quan ngoạn mục bên trên thành phố, lên đến các ngọn núi xung quanh và qua khu nghỉ mát trượt tuyết của gia đình ông. Không thể tin nổi! Đặc biệt khi điều này có được là nhờ việc tôi giúp ông tìm ra cách để làm nước chanh. Tất nhiên, tôi giúp Ecuador không phải vì tôi muốn có một chuyến bay trên trực thăng. Nhưng bằng cách xông pha vào cuộc sống, cởi mở giúp người khác, nên những năm sau này tôi đã trở nên khá “may mắn”. Trước đó tôi thảo luận về nghệ thuật biến chanh (các vấn đề) thành nước chanh (những cơ hội). Nhưng may mắn còn vượt xa hơn nữa, đó là việc biến nước chanh (những điều tốt đẹp) thành máy bay trực thăng (những điều tuyệt vời!).

 

Trên thế giới có rất nhiều cánh cửa mà qua đó chúng ta có thể tìm thấy nhiều cơ hội đến mức đáng kinh ngạc – chúng ta chỉ cần sẵn sàng để mở chúng. Carlos Vignolo, từ Đại học Chile, thích nói rằng nếu bạn đi đâu đó và không gặp một người mới nào, bạn chắc chắn đã bỏ lỡ cơ hội làm bạn cũng như khả năng có thể làm ra cả triệu đôla. Ông nói với sinh viên của mình rằng mỗi khi họ bước lên một xe buýt ở thành phố, 1 triệu đôla đang chờ họ ở đó – họ chỉ việc tìm ra nó mà thôi. Trong trường hợp này “1 triệu đôla” là một phép ẩn dụ cho việc học cái gì mới, có một người bạn mới, hoặc thực sự làm ra 1 triệu đôla. Trên thực tế, cuốn sách này là kết quả của cuộc nói chuyện giữa tôi với một người ngồi cạnh tôi trên máy bay. Nếu chúng tôi đã không bắt đầu một cuộc trò chuyện thì chắc hẳn tôi sẽ không viết ra cuốn sách này. Nhưng thôi, đó là một câu chuyện khác.

 

Cũng nhấn mạnh luận điểm trên, Tom Kelley, tác giả của The Art of Innovation, nói rằng mỗi ngày bạn nên hành động như một du khách nước ngoài bằng cách nhận thức sâu sắc về môi trường của bạn. Trong cuộc sống hàng ngày chúng ta có xu hướng đặt những tấm màn che trước mắt và đi theo những con đường cũ mòn, hiếm khi dừng lại để nhìn quanh. Tuy nhiên, như một khách du lịch nước ngoài, bạn nhìn thế giới với đôi mắt mới mẻ và gia tăng đáng kể mật độ trải nghiệm của bạn. Bằng cách để ý nhiều hơn, bạn tìm thấy những điều thú vị khắp nơi quanh mình.

 

James Barlow, người đứng đầu Viện Kinh doanh Scotland, đã ra một bài tập cho các sinh viên của mình để chứng minh điểm này. Ông giao trò chơi ghép hình cho một số đồng đội và để đồng hồ tính thời gian xem đội nào hoàn thành đầu tiên. Các mảnh ghép đã được đánh số sau lưng, từ 1 đến 500, vì thế rất dễ dàng ghép chúng lại với nhau nếu bạn chỉ cần chú ý đến các con số. Nhưng ngay cả khi các con số ở trước mắt họ, hầu hết các đội phải mất một thời gian dài để nhìn thấy chúng, và một số đội thì thậm chí không hề nhìn thấy. Về cơ bản, họ có thể dễ dàng gia tăng may mắn của mình chỉ bằng cách để ý kỹ hơn.

 

Việc để ý kỹ đến môi trường của bạn thực sự mất mát rất nhiều công sức. Bạn phải tự học để làm được điều đó. Vì thậm chí ngay cả khi bạn đang chú ý, bạn vẫn có thể bỏ lỡ những thông tin cực kỳ quan trọng và lý thú ngay trước mặt mình. Có một đoạn phim được phổ biến rộng rãi đã thể hiện tất cả những điều này rất rõ ràng. Các khán giả xem một nhóm đàn ông và phụ nữ chơi bóng rổ, kèm theo yêu cầu đếm số lần đội mặc áo sơ mi trắng chuyền bóng. Ở cuối đoạn phim, những người xem đều có thể dễ dàng trả lời câu hỏi, nhưng không ai biết gì về một người trong trang phục con gấu đã lặc lè bước qua trong thời gian diễn ra cuộc chơi.[33] Ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng mình đang hoàn toàn tập trung chú ý thì thường vẫn có rất nhiều thứ hơn nữa để xem.

 

Tôi làm bài tập đơn giản trong lớp để minh họa rõ điều này. Tôi đưa các sinh viên đến một địa điểm quen thuộc, chẳng hạn như trung tâm mua sắm địa phương, và yêu cầu họ hoàn thành một “thí nghiệm” trong đó họ phải đi đến một số cửa hàng và chú ý đến tất cả những thứ thường được xem là “vô hình”. Thế là họ dành thời gian để tâm đến các âm thanh, mùi vị, kết cấu, và màu sắc, cũng như cách tổ chức hàng hóa và cách các nhân viên tương tác với khách hàng. Họ quan sát vô số những điều họ chẳng bao giờ nhìn thấy trước đây khi họ ra vào các môi trường như vậy. Họ trở về với đôi mắt rọng mở hơn, và nhận ra rằng tất cả chúng ta có xu hướng đi qua cuộc sống với những tấm màn che ngang mắt.

 

Những người may mắn không chỉ chú ý đến thế giới xung quanh và gặp gỡ những người thú vị, mà họ cũng tìm ra những cách khác thường để sử dụng và tái tổ hợp các kiến thức và kinh nghiệm của họ. Hầu hết mọi người đều có những năng lực đặc biệt trong tầm tay mình, nhưng không bao giờ tìm ra cách để tận dụng chúng. Tuy nhiên, những người may mắn đánh giá rất cao giá trị của kiến thức và mạng lưới các mối quan hệ của mình, và luôn tận dụng các mỏ vàng này khi cần thiết. Một trường hợp cũng khá lý thú từ bài phát biểu trong lễ tốt nghiệp của Steve Jobs tại Stanford. Ông đã bỏ học sau sáu tháng vì ông không hiểu tại sao mình lại ở đó, còn tiền học phí thì đắt hơn rất nhiều so với khả năng chi trả của cha mẹ ông. Steve đã kể lại như thế này:

 

Sau sáu tháng, tôi không thể nhìn thấy giá trị [ở trường đại học]. Tôi không biết những gì tôi muốn làm với cuộc sống của mình và không hiểu được làm thế nào trường đại học sẽ giúp tôi nhận ra được điều đó. Và ở đây tôi đã hoang phí những đồng tiền mà cha mẹ tôi tiết kiệm được trong cả cuộc đời của họ. Vì vậy, tôi quyết định bỏ học và tin rằng mọi việc sẽ trở nên ổn thỏa. Tôi cảm thấy khá sợ hãi vào thời điểm đó, nhưng khi nhìn lại đó là một trong những quyết định tốt nhất mà tôi đã từng thực hiện. Giây phút rời trường tôi đã có thể bước ra khỏi các lớp học mang tính ép buộc không gây hứng thú cho tôi, và bắt đầu bước vào những lớp học có vẻ thú vị hơn.

 

Thật ra mọi thứ chẳng phải màu hồng. Tôi không có phòng kí túc xá, vì vậy tôi ngủ ở sàn nhà trong phòng bạn bè; tôi đem trả những vỏ chai Coca lấy 5 cent tiền đặt cọc để mua thức ăn, và đi bộ bảy dặm xuyên qua thành phố mỗi đêm Chủ nhật để có được một bữa ăn ngon mỗi tuần ở đền Hare Krishna. Tôi thích những điều này. Và về sau, hóa ra phần lớn những gì tôi bị trượt ngã vào bởi dám làm theo sự tò mò và trực giác lại trở thành tài sản vô giá. Để tôi kể bạn nghe một ví dụ:

 

Trường đại học Reed tại thời điểm đó có lẽ là nơi dạy thư pháp tốt nhất trong nước. Trong toàn bộ khuôn viên trường, mỗi tấm áp phích hay mỗi nhãn ghi trên ngăn kéo đều được viết tay bằng chữ thư pháp rất đẹp. Tôi đã bỏ học và đâu cần phải học những lớp bình thường, do đó tôi quyết định chọn lớp học về thư pháp để tìm hiểu cách làm những điều này. Tôi đã học về chân chữ và kiểu chữ serif, về sự thay đổi khoảng cách giữa các mẫu chữ khác nhau, và về những gì làm cho hình thức của bản in trở nên tuyệt vời. Đây là môn học vừa đẹp, vừa mang tính lịch sử, và tinh tế một cách đầy nghệ thuật đến nỗi khoa học cũng không thể nắm bắt được, và tôi thấy nó thật sự hấp dẫn.

 

Tuy nhiên chẳng thứ nào trong số đó cho thấy dù chỉ một niềm hy vọng mỏng manh có thể ứng dụng vào thực tế cuộc sống của tôi. Nhưng mười năm sau, khi chúng tôi đang thiết kế chiếc máy tính Macintosh đầu tiên, tất cả đã trở lại với tôi. Chúng tôi đã thiết kế để đưa tất cả chúng vào chiếc Mac. Nó là chiếc máy tính đầu tiên có kiểu chữ rất đẹp. Nếu tôi không học lớp đó thì Mac sẽ không bao giờ có nhiều kiểu chữ hay phông chữ cân xứng nhau đến vậy. Và vì Windows chỉ sao chép từ Mac, cho nên cũng chẳng máy tính cá nhân nào có được chúng. Nếu tôi không bỏ học, tôi sẽ không bao giờ bước vào lớp thư pháp này, và máy tính cá nhân có thể sẽ không sở hữu được những mẫu chữ tuyệt vời mà chúng ta đang có. Tất cả khi còn ở đại học, tôi không thể kết nối với những điểm thuộc về tương lai phía trước. Nhưng nếu nhìn lại sau mười năm thì nó thực sự trở nên rất rõ ràng.

 

Câu chuyện này nhấn mạnh rằng bạn không bao giờ biết được khi nào trải nghiệm của bạn sẽ chứng minh được giá trị. Steve Jobs đã năng động và hiếu kỳ về thế giới xung quanh, thu thập những kinh nghiệm đa dạng bất kể những lợi ích ngắn hạn của chúng, và đã có thể vận dụng kiến thức của mình trong các trường hợp khó đoán trước được. Đây là một lời nhắc nhở sâu sắc rằng bạn càng có nhiều kinh nghiệm và nền tảng kiến thức của bạn càng rộng thì bạn càng có nhiều nguồn lực để vận dụng trong cuộc sống.

 

Trong khóa học về sự sáng tạo, tôi tập trung rất nhiều vào giá trị của việc kết hợp các ý tưởng theo những cách khác thường. Bạn thực hành kỹ năng này càng nhiều thì nó càng trở nên tự nhiên hơn. Ví dụ việc sử dụng phép so sánh hoặc ẩn dụ để mô tả những khái niệm mà nhìn bên ngoài có vẻ hoàn toàn không liên quan gì hết, nhằm cung cấp những công cụ để đưa ra các giải pháp cho những vấn đề quen thuộc. Chúng tôi làm một bài tập đơn giản để minh họa điểm này. Các đội được yêu cầu tìm ra càng nhiều câu trả lời càng tốt cho câu sau đây:

 

Ý tưởng giống như ____________________

 

Bởi vì ___________________

 

Do đó ____________________

 

Dưới đây là danh sách một số trong hàng trăm câu trả lời sáng tạo tôi đã xem được. Trong mỗi trường hợp phép so sánh mở ra một cách nhìn mới về ý tưởng:

 

•         Ý tưởng giống như trẻ sơ sinh vì tất cả mọi người đều nghĩ rằng con của mình thật dễ thương, do đó cần khách quan khi đánh giá các ý tưởng của riêng bạn.

 

•         Ý tưởng giống như đôi giày vì bạn cần phải thích nghi với chúng, do đó hãy dành thời gian để đánh giá các ý tưởng mới.

 

•         Ý tưởng giống như những chiếc gương vì chúng phản ánh môi trường cục bộ, do đó hãy xem xét việc thay đổi bối cảnh để thu thập được nhiều ý tưởng đa dạng hơn.

 

•         Ý tưởng giống như sự nấc cục bởi vì một khi đã bắt đầu thì chúng sẽ không dừng lại, do đó hãy tận dụng lợi thế của luồng ý tưởng.

 

•         Ý tưởng giống như các bong bóng bởi vì chúng rất dễ vỡ, do đó hãy dịu dàng với chúng.

 

•         Ý tưởng giống như xe hơi vì chúng đưa bạn đến nhiều nơi, do đó hãy cứ đi theo chuyến xe.

 

•         Ý tưởng giống như socola bởi vì tất cả mọi người đều thích chúng, do đó hãy phục vụ mọi người món socola thường xuyên.

 

•         Ý tưởng giống như bệnh sởi vì chúng truyền nhiễm, do đó hãy đi chơi với những người có nhiều ý tưởng nếu bạn cũng muốn có được ý tưởng của mình.

 

•         Ý tưởng giống như bánh quế vì chúng ngon nhất khi còn mới, do đó hãy khiến cho những ý tưởng mới liên tục đến với bạn.

 

•         Ý tưởng giống như mạng nhện vì chúng mạnh mẽ hơn so với bề ngoài, do đó đừng đánh giá thấp chúng.

 

Bài tập này khuyến khích bạn mở rộng trí tưởng tượng của mình bằng cách khai thác nguồn cảm hứng từ thế giới xung quanh bạn. Một số người tạo được các kết nối này một cách tự nhiên và tìm những cách khác thường để chắt ra các giá trị từ chúng. Những người như Steve Jobs luôn tìm kiếm những cách lý thú để kết nối các ý tưởng với nhau và sau đó thực hiện các nỗ lực để mang những ý tưởng của mình vào cuộc sống.

 

Một ví dụ tuyệt vời là Perry Klebahn. Anh bị vỡ mắt cá chân vào năm 1991. Chấn thương này khiến Perry đặc biệt thất vọng vì anh yêu thích trượt tuyết đến mức không bao giờ muốn bỏ lỡ một mùa trượt tuyết nào. Tuy nhiên, anh đã tìm ra một cách để biến sự xui xẻo của mình thành điều may mắn. Trong khi đang phục hồi thương tích, anh phát hiện ra một đôi giày đi tuyết cũ bằng gỗ và thử lấy chúng ra đi dạo chơi, với hy vọng đó sẽ là một sự thay thế cho trượt tuyết. Có điều chúng chẳng tiện lợi chút nào và tiếp tục khiến anh thất vọng. Nhưng thay vì ném chúng trở lại vào tủ quần áo và chờ đợi cho mắt cá chân của mình lành lại, Perry đã quyết định thiết kế một loại giày đi tuyết mới. Lúc đó, anh đang là một sinh viên thiết kế sản phẩm, và đã nhận ra rằng mình có thể sử dụng các kỹ năng mới này để giải quyết vấn đề của riêng mình. Trong suốt mười tuần, anh thiết kế và làm ra tám phiên bản giày đi tuyết khác nhau. Vào các ngày đầu tuần anh tạo mô hình, còn vào các ngày cuối tuần anh leo lên các ngọn núi để thử chúng. Đến cuối tuần thứ mười thì anh nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho các phiên bản mới của mình.

 

Sau khi thiết kế được hoàn thiện, Perry tự tay làm một số giày đi tuyết và đem ra bán cho các cửa hàng dụng cụ thể thao. Những người qua lại nhìn chúng và hỏi: “Đây là gì vậy?” Chúng không giống bất cứ thứ gì họ đã thấy trước đây và lúc đó không có thị trường nào cho giày đi tuyết. Nhưng Perry rất kiên trì, bởi anh tin rằng phải có rất nhiều người không thể trượt tuyết được vì một lý do nào đó nhưng vẫn muốn có một cách để tận hưởng thời gian trên các ngọn núi vào mùa đông. Cuối cùng, anh quyết định tự xây dựng thị trường.

 

Perry tự mình dẫn các nhân viên bán đồ thể thao đến các ngọn núi phủ tuyết mỗi cuối tuần để cho họ thử nghiệm phát minh của mình. Anh nói với họ rằng họ không cần phải quảng bá giày đi tuyết, anh chỉ muốn họ có được một trải nghiệm về môn thể thao mới này. Các nhân viên bán hàng sau khi thử đã rất thích và truyền đạt thông tin này cho người mua tại các cửa hàng của họ. Kết quả là các cửa hàng dụng cụ thể thao bắt đầu mua rất nhiều sản phẩm mới của Perry.

 

Tuy nhiên thách thức không dừng lại ở đó. Sau khi khách hàng mua những đôi giày đi tuyết mới của Perry, họ không biết sử dụng chúng ở đâu. Vì vậy, Perry đã phải thuyết phục các khu du lịch trượt tuyết trên toàn nước Mỹ thúc đẩy môn thể thao đi tuyết (snowshoeing). Anh khuyến khích họ tạo ra các đường đi đặc biệt cho môn này, làm các bản đồ cho khách hàng, cung cấp vé ưu đãi, và giám sát các con đường để chúng luôn an toàn. Một khi những điều này hoàn thành thì xem như những mảnh ghép đã được xếp vào đúng chỗ cho thị trường giày đi tuyết bùng phát, và nó đã phát triển từ con số 0 để đạt được 50 triệu đôla. Công ty của Perry, Atlas Snowshoe, sau đó đã được bán cho K2, và giày đi tuyết cùng những con đường dành riêng cho môn thể thao nào hiện nay đã phổ biến rộng rãi.

 

Perry đã biến một loạt những đổ vỡ - cả về nghĩa đen và nghĩa bóng – thành một tia chiến thắng bằng cách nhìn thấy các cơ hội. Anh biết kết nối giữa mắt cá chân bị vỡ của mình với mong muốn được dành nhiều thời gian ngoài trời tuyết, với những kỹ năng mới về việc thiết kế sản phẩm, và với sự quan sát sắc sảo rằng những người khác sẽ hưởng lợi từ một loại giày đi tuyết tốt hơn. Cuối cùng anh đã làm được mọi thứ rất tốt, nhưng đó là điều chỉ xảy ra sau khi anh đầu tư lớn về thời gian, năng lượng, và sự kiên trì. Nhiều người chắc hẳn sẽ bỏ cuộc trên đường đi, chùn bước hoặc thậm chí dừng bước trước mỗi trở ngại mới. Nhưng Perry đã nhìn thấy cơ hội trong mỗi thách thức; và khi mỗi trở ngại được khắc phục, khi tất cả các mảnh ghép đã được đặt vào đúng chỗ, cơ hội để anh nhìn thấy một kết quả tích cực cuối cùng đã tăng lên. Điều này chỉ xảy ra bởi vì Perry đã sử dụng mọi kỹ năng mà Richard Wiseman từng liệt kê. Anh là người quan sát tốt, đi nhiều, thích phiêu lưu, lạc quan, và làm việc rất chăm chỉ. Mỗi đặc điểm này đều rất quan trọng trong việc đóng góp vào sự thành công của anh.

 

Nếu trường hợp của Perry là làm việc cực kỳ chăm chỉ để vượt qua các trở ngại nhằm tạo ra may mắn của riêng mình, cũng có rất nhiều ví dụ về những người khác tạo ra may mắn nhờ không ngại ngần tìm kiếm các cơ hội thú vị. Một ví dụ hấp dẫn là câu chuyện của Dana Calderwood. Dana yêu nhà hát và đã dành nhiều giờ tham gia vào các vở kịch của trường từ khi anh còn ở trường phổ thông. Chúng tôi là bạn học ở Trường trung học Summit tại New Jersey, và cả hai đứa đều rất mê kịch. Diễn xuất dù sao cũng chỉ là một sở thích của tôi; nhưng Dana thậm chí còn mơ trở thành một đạo diễn, và từ rất lâu trước khi rời trường trung học anh ấy đã bắt đầu tự tạo ra may mắn cho chính mình để tối ưu hóa các cơ hội.

 

Như đã nêu ở trên, Dana không sợ hãi gì cả. Anh có tinh thần dám nghĩ dám làm, và anh đã xin người đứng đầu bộ phận kịch cho anh đạo diễn vở kịch lớp sắp diễn ra tại trường. Trước đây chưa từng có học sinh nào xin vào vị trí đó, và giáo viên đã đồng ý. Dana không hề chờ đợinn người có quyền hạn bổ nhiệm mình; anh chỉ việc yêu cầu được làm những gì anh mong muốn. Thời điểm đó đã khởi đầu cho sự nghiệp đạo diễn của Dana. Anh tiến tới chỉ đạo các vở kịch tại nhà hát địa phương. Metropolitan Musical Theatre. Ở đó Dana đã gặp một đạo diễn khách mời, một người rất thành công ở Hollywood, và đạo diễn này đã cho Dana những lời khuyên khôn ngoan. Ông nói với Dana rằng những kỹ năng anh đang sử dụng tại nhà hát cũng là các kỹ năng cần thiết trong các tập đoàn lớn. Lời khuyên này cho Dana sự tự tin để hướng tầm mắt của mình lên cao hơn nữa.

 

Dana đã vào học tại trường điện ảnh ở đại học New York, và trong thời gian ở đó anh tận dụng tối đa mọi cơ hội. Dana luôn luôn ở lại sau khi các lớp học kết thúc để gặp những diễn giả khách mời, hỏi họ về các cuộc gặp tiếp theo và tên của những người khác anh nên liên hệ. Anh cũng luôn tìm hiểu để rút tỉa những điều tốt nhất từ mọi bài tập làm phim. Đầu tiên, giống như các bạn cùng lớp, Dana sử dụng bạn bè của mình để làm các diễn viên trong những phim của anh (đây là lý do tôi đã lần đầu tiên được làm diễn viên trong phiên bản của Dana, diễn lại cảnh tắm nổi tiếng trong phim Psycho). Tuy nhiên, Dana sớm nhận ra rằng vẫn có cơ hội mời các ngôi sao nổi tiếng làm diễn viên chính trong các tác phẩm của anh. Trong một bài tập về sản xuất chương trình, anh phải tạo ra một chương trình ngắn cho truyền hình. Hầu hết các bạn cùng lớp của Dana tiến hành các cuộc phỏng vấn đơn giản với nhau để đáp ứng yêu cầu, nhưng Dana đã mời nữ diễn viên từng đoạt giải Oscar Estelle Parsons tham gia và cô đã đồng ý. Một lần nữa, anh đã mang đến may mắn cho mình bằng cách quan tâm đến những giải pháp thay thế tuy không hiện hữu rõ ràng nhưng rất thú vị. Anh đã tự mình ra ngoài tìm kiếm những gì anh muốn.

 

Thời gian trôi đi, Dana làm việc với những thách thức ngày càng lớn hơn và lớn hơn nữa, và cuối cùng anh được mời làm đạo diễn cho chương trình Late Night with Conan O’Brien. Dana phụ trách chương trình này trong nhiều năm, trước khi chỉ đạo cho nhiều chương trình lớn hơn, bao gồm cả Rachel Ray và The Iron Chef. Giả sử ở tuổi hai mươi mà Dana có cơ hội thấy trước được cuộc sống trưởng thành của mình như thế nào, chắc hẳn anh đã phải há hốc mồm kinh ngạc trước những may mắn của mình. Cơ nghiệp của Dana đến từ việc đưa tất cả mọi thứ anh biết vào mọi thứ anh làm. Anh không sợ hãi khi yêu cầu được giao cho những cơ hội để làm những điều anh chưa bao giờ làm trước đó, và mỗi bước nhảy thành công đã mở rộng tầm nhìn và kiến thức giúp anh tiến tới thách thức lớn hơn.

 

Đã từ lâu Dana nằm lòng tư tưởng rằng công việc chỉ đạo trên một sân khấu nhỏ cũng tương tự như chỉ đạo trên một sân khấu lớn, và điều này cho anh sự tự tin để nhảy lên những bậc thang ngày càng to hơn khi anh làm cho các cơ hội tự xuất hiện ra với mình. Nhiều người không cảm thấy thoải mái với những bước nhảy như thế, thay vào đó họ thích ở lại những địa điểm nhỏ hơn. Một người có thể tranh luận rằng có rất nhiều lợi thế khi làm việc với các nhóm thân quen trong các dự án nhỏ. Những người khác thì ước mơ được ở một vị thế lớn hơn, nhưng thấy nản lòng bởi khoảng cách (trong nhận thức của họ) giữa nơi họ đang ở và nơi họ muốn đến. Câu chuyện của Dana cho thấy bằng cách chớp lấy tất cả các cơ hội quanh mình, chúng ta vẫn có thể tiến từng bước chậm rãi mà chắc chắn để đưa mình lên hết nấc thang này đến nấc thang khác, và cứ mỗi lần như vậy lại kéo mình tới gần hơn với mục tiêu cuối cùng của cuộc đời.

 

Như đã thấy, chúng ta có thể tạo ra may mắn của riêng mình bằng cách làm việc cực kỳ chăm chỉ và tập trung vào các mục tiêu của bản thân. Nhưng chúng ta cũng sở hữu nhiều công cụ sẵn có khác của chính mình, bao gồm việc cởi mở đón nhận các cơ hội đến với chúng ta, tận dụng đầy đủ nhất các cơ hội ấy, cẩn thận để tâm đến thế giới xung quanh mình, tương tác với càng nhiều người càng tốt, và khiến những tương tác đó trở nên tích cực nhất có thể. Tạo ra may mắn cho chính mình có nghĩa là xoay chuyển những tình hình xấu và làm cho tình hình tốt trở nên tốt hơn nữa. Chúng ta sẽ tăng đáng kể các cơ hội có được may mắn nhờ việc mở rộng bản thân mình để có được càng nhiều kinh nghiệm đa dạng càng tốt, mạnh dạn kết hợp những kinh nghiệm này theo những cách khác thường, và không ngại phải phấn đấu để đến được những vai trò mà chúng ta mong muốn trong cuộc đời mình.