Nếu Tôi Biết Được Khi Còn 20

Chương 5 - Bí Quyết Thành Công Của Thung Lũng Silicon

Tôi yêu cầu các sinh viên của mình viết một bản lý lịch thất bại, có nghĩa là soạn thảo một bản lý lịch tóm tắt tất cả những sai lầm lớn nhất của mình – về cá nhân, trong công việc, và trong học tập. Sinh viên phải mô tả bài kinh nghiệm mình đã rút ra được từ mỗi thất bại. Hãy tưởng tượng bài tập này đã tạo ra những cái nhìn kinh ngạc thế nào cho các sinh viên đã quá quen với việc chỉ phô bày những thành công của mình. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành bản lý lịch thất bại, các sinh viên đều nhận ra rằng việc quan sát kinh nghiệm dưới lăng kính của thất bại buộc họ phải chấp nhận và học cách giải quyết những sai lầm mắc phải trên suốt con đường của mình. Và sự thật là qua nhiều năm tháng, nhiều cựu sinh viên của tôi vẫn tiếp tục cập nhất bản lý lịch thất bại đó, song song với bản lý lịch truyền thống về những thành công họ đạt được.

 

Tôi đã mượn bài tập này của Liz Kisenwether ở Đại học Penn State. Khi mới nghe về ý tưởng này lần đầu tiên tôi đã thấy nó thật tuyệt vời. Nó là một cách nhanh chóng để chứng tỏ rằng thất bại là một phần quan trọng trong quá trình học hỏi của chúng ta, đặc biệt khi bạn đang muốn nâng cao năng lực của mình, lúc làm việc gì đó lần đầu tiên, hay làm những việc có tính mạo hiểm. Chúng ta thuê những người có kinh nghiệm không chỉ vì những thành công họ đạt được mà cả những thất bại họ đã trải qua. Thất bại trao cho bạn những cơ hội học hỏi và làm gia tăng cơ may bạn không mắc phải sai lầm như thế lần nữa. Thất bại cũng là dấu hiệu cho thấy bạn đã bắt đầu những thử thách để mở rộng các kỹ năng của mình. Trên thực tế, rất nhiều người thành công cho rằng nếu bạn không nếm trải thất bại một lúc nào đó thì bạn đã chưa đủ liều mình xông vào những việc khó khăn. Nhờ sự động viên của một học trò cũ, tôi quyết định đưa vào đây bản lý lịch thất bại tóm tắt của mình, kể ra vài trong số những sai lầm lớn nhất của tôi. Tôi ước gì mình đã cập nhật bản lý lịch này trong suốt ba mươi năm qua. Sẽ thật thú vị khi quay đầu nhìn lại và học hỏi từ tất cả những sai lầm tôi đã cố tình đưa ra khỏi trí nhớ của mình.

TINA L. SEELIG

 

Những thất bại nghề nghiệp

Không chú tâm: Ngay thời gian đầu đi làm tôi ngây thơ nghĩ rằng mình đã nắm rất rõ về cách hoạt động của các tổ chức. Tôi đã đưa ra những nhận định không đúng về văn hoá tập thể. Tôi ước gì mình đã dành nhiều thời gian để tập trung vào công việc hơn là đưa ra những giả định cá nhân.

 

Từ bỏ quá sớm: Trong hoạt động kinh doanh của mình có khi tôi đã gặp phải đường cùng. Vấn đề trở nên cực kỳ khó khăn cả về mặt kỹ thuật lẫn tổ chức, và tôi phải bỏ ra rất nhiều công sức để có thể tìm ra cách đạt tới một giải pháp ổn thoả. Tôi ước lúc đó mình đủ tự tin để hoàn toàn chú tâm vào việc tìm ra một giải pháp cho vấn đề.

 

Những thất bại trong học tập

 

Không cố gắng hết sức: Trong hai năm đầu ở đại học tôi đã không tập trung toàn bộ nỗ lực của mình vào tất cả các môn học. Tôi đã bỏ lỡ mất cơ hội để thu được tối đa giá trị từ các lớp học, một cơ hội mà tôi không thể lấy lại được.

 

Quản lý mối quan hệ: Tôi có một mối quan hệ khá khó khăn với người hướng dẫn đề tài Tiến sĩ của mình. Tôi muốn dành thật nhiều thời gian để dạy học trong khi bà ấy cho rằng tôi nên dành phần lớn thời gian của mình trong phòng thí nghiệm. Giá mà lúc đó tôi có thể tìm ra cách sắp xếp tốt hơn để đạt được những mục tiêu chung của cả hai.

 

Những thất bại cá nhân

Tránh các xung đột: Tôi có một người bạn trai ở đại học, và khi đến thời điểm sắp tốt nghiệp chúng tôi đều cảm thấy căng thẳng trong việc định hướng cho tương lai. Thay vì giải quyết trực tiếp các vấn đề, tôi trở nên cáu gắt với mối quan hệ này. Tôi ước gì mình đã có thể chia sẻ thật lòng với anh ấy về những gì đang diễn ra lúc đó.

 

Không lắng nghe bản thân: Chú tôi qua đời ở New York, còn tôi thì sống ở California nên vài người khuyên tôi đừng đi đến lễ tang. Mãi cho đến bây giờ tôi vẫn luôn hối tiếc về điều này. Tôi học được rằng có những thứ bạn không thể làm lại được, và trong những tình huống như thế tôi nên làm những gì tôi thấy đúng, không nhất thiết phải là những gì người khác muốn tôi làm.

*

*    *

Trên thế giới này, tinh thần mạo hiểm và những phản ứng với thất bại thể hiện mỗi nơi mỗi khác. Trong một số nền văn hóa sự trở ngại sau khi gặp thất bại là rất lớn đến mức làm cho người ta trở nên dị ứng với bất cứ kiểu mạo hiểm nào. Những nền văn hóa này gắn liền mọi loại thất bại với sự hổ thẹn. Do đó, từ khi còn nhỏ người ta đã được dạy nên đi theo con đường đã được định sẵn và có cơ may thành công nhất định, thay vì làm thử bất cứ gì có nguy cơ dẫn đến thất vọng. Ở một vài nơi, như Thái Lan, những người gặp phải thất bại liên tục thậm chí có thể chọn đổi một cái tên mới để bắt đầu lại cả cuộc đời mình. Thực tế cho thấy trong Thế vận hội năm 2008, một vận động viên cử tạ Thái Lan cho rằng cô chiến thắng là nhờ đã đổi tên trước kỳ thi đấu.

 

Global Entrepreneurship Monitor (GEM)[22], tổ chức xuất bản báo cáo thường niên chi tiết về hoạt động khởi nghiệp trên toàn thế giới, xem xét sự khác biệt của các nền văn hóa qua lăng kính của việc chấp nhận rủi o và sự an ủi đối với thất bại. GEM đã tìm ra rằng có những tác nhân quan trọng đóng góp vào tiểu sử rủi ro của một xã hội. Ví dụ, ở một vài quốc gia, như Thụy Điển chẳng hạn, luật phá sản được đặt ra để bảo đảm rằng một khi công ty của bạn không còn hoạt động được nữa thì bạn không bao giờ có thể thoát khỏi nợ nần. Điều này dễ làm nhụt chí những người cố gắng khởi nghiệp và thành lập một công ty, vì họ hiểu rằng thất bại sẽ kéo theo những hậu quả khó lường và lâu dài cho bản thân và gia đình mình. Ở các quốc gia khác, văn hóa có tính không khoan dung như vậy. Một khi bạn thất bại, bạn bè, hàng xóm và đồng nghiệp của bạn sẽ luôn luôn xem bạn là một kẻ thất bại. Một vấn đề được đưa ra gần đây của tờ Wall Street Journal mô tả những thủ thuật làm bẽ mặt người khác đang được những người đòi nợ ở một số quốc gia sử dụng, trong đó có Tây Ban Nha.[23] Những ngày đi dòi nợ bằng cách xuất hiện ở nhà riêng của người ta trong các trang phục kỳ dị, nhằm mục đích thu hút sự chú ý của hàng xóm và làm xấu hổ những người mắc nợ. Vì vậy, làm sao những người trong các cộng đồng đó dám mạo hiểm và làm ăn khi họ luôn canh cánh trong lòng nỗi lo bị thất bại và bị chế nhạo?

 

Điều đó hoàn toàn trái ngược với Thung lũng Silicon. Ở đây thất bại được chấp nhận là một phần tự nhiên của quá trình đổi mới và phát triển. Steven Jurvetson,[24] một đối tác ở công ty đầu tư mạo hiểm Draper Fisher Jurvetson, mô tả thất bại là bí quyết thành công của Thung lũng Silicon. CÒn Randy Komisar của KPCB nhấn mạnh rằng khả năng nhìn nhận thất bại như một tài sản là dấu hiệu của một môi trường kinh doanh. Randy cũng nói rằng khi ông thấy những người không bao giờ gặp thất bại nào cả thì ông thường tự hỏi không biết thực sự họ đã học được gì từ các trải nghiệm của mình.

 

Ở mức độ căn bản nhất định thì toàn bộ việc học hỏi của chúng ta đều đến từ thất bại. Hãy nghĩ đến một đứa trẻ đang tập đi. Nó bắt đầu bò trước, rồi ngã nhiều lần trước khi thuần thục kỹ năng đi mà những người lớn chúng ta xem là bình thường. Khi đứa trẻ lớn lên, mỗi kỳ công mới, từ bắt bóng cho đến làm toán đại số, đều được học một cách tương tự bằng việc luyện tập cho đến khi thành công. Chúng ta không mong đợi đứa trẻ làm mọi thứ hoàn thiện trong lần đầu tiên, vì thế chúng ta cũng không nên trông chờ người lớn có thể hoàn thành mỹ mãn các công việc phức tạp ngay lần đầu.

 

Tôi đã đi đến chỗ tin tưởng rằng cách học có hiệu quả nhất là từ sự trải nghiệm cả thất bại lẫn thành công. Bạn gần như không thể học được điều gì nếu bạn không tự làm nó, bằng những thực nghiệm dần dần, và bằng việc đứng dậy được sau những thất bại không thể tránh khỏi. Bạn không thể học đá bóng nếu chỉ đọc sách về luật chơi bóng, bạn không thể học chơi đàn dương cầm chỉ bằng cách học nhạc lý, và bạn cũng không thể nấu ăn được khi chỉ đọc sách hướng dẫn nấu ăn. Tôi vẫn nhớ trong thời gian mình còn là nghiên cứu sinh ngành khoa học thần kinh, tôi đã đăng ký các lớp “học” về các nguyên lý của sinh lý học thần kinh. Mặc dù tôi có thể đậu trong bài thi viết của môn này, nhưng tôi chỉ hoàn toàn hiểu các khái niệm khi tôi vào phòng thí nghiệm, giải phẫu các dây thần kinh dưới kính hiển vi, dùng các điện cực xiên qua chúng, và tự tay điều khiển máy đo sóng. Cũng giống như thế, bạn có thể đọc bao nhiêu sách cũng được về vai trò lãnh đạo, nhưng nếu bạn không thực sự trải nghiệm những thử thách mà một người lãnh đạo thực sự phải đối mặt thì bạn sẽ chẳng bao giờ sẵn sàng cho vai trò đó.

 

Các sinh viên được trao cho cơ hội này qua Chương trình Màyield Fellows mà tôi cùng dẫn dắt với Tom Byers, một giáo sư về Khoa học quản lý và Kỹ thuật ở đại học Stanford.[25] Sau khi được học về việc khởi nghiệp kinh doanh qua các trường hợp điển hình (chiếm một phần tư thời lượng khóa học), mười hai sinh viên của khó học chín tháng này trải qua một mùa hè làm việc trong các công ty mới thành lập. Họ đảm nhận các vai trò quan trọng ở một công ty và được các lãnh đạo cấp cao trong công ty cố vấn sát sao. Họ trực tiếp trải nghiệm việc nhận diện và tiếp cận các rủi ro nóng bỏng mà mỗi công ty phải đối mặt, những căng thẳng trong việc đưa ra quyết định khi không có đủ thông tin, và thách thức của vai trò lãnh đạo trong một môi trường thay đổi không ngừng. Sau trải nghiệm từ một mùa hè làm việc cật lực, các sinh viên quay về lớp và có mười tuần được phỏng vấn về những gì đã diễn ra ở từng công ty một. Mỗi sinh viên dẫn đầu một lớp về một vấn đề quan trọng xuất hiện trong suốt kỳ thực tập của họ.

 

Các sinh viên trong Chương trình Mayfield Fellows đã có những hiểu biết sâu sắc về việc điều khiển một công việc kinh doanh với tốc độ cao trong một môi trường năng động là như thế nào. Họ thấy các công ty này đấu tranh với nhiều vấn đề như hết tiền, cơ cấu lại sau một sự thay đổi trong nhóm lãnh đạo cấp cao, thách thức của việc có được các trang thiết bị mới nhất để làm việc, và nhiệm vụ khó khăn khi phải cạnh tranh với những người khổng lồ trong ngành. Cuối mùa hè, các sinh viên nhận ra rằng chỉ vài trong số những công ty họ đã làm việc sẽ tiếp tục làm ăn trong một hay hai năm nữa. Bất chấp các nỗ lực của những người lãnh đạo tài năng, nhiều công ty trong số đó sẽ thất bại.

 

Toàn bộ ngành cho vay vốn kinh doanh mạo hiểm về căn bản là đầu tư vào các thất bại, bởi vì số đông các công ty được vay vốn cuối cùng đều phá sản. Các ngành khác cũng có tỉ lệ thành công tương tự, trong đó có ngành công nghiệp đồ chơi, điện ảnh, và ngành xuất bản. Chúng ta hãy xem qua các số liệu về ngành xuất bản sách. Theo Nielsen Bookscan, trong số khoảng 1,2 triệu đầu sách khác nhau được xuất bản thì chỉ có 25.000 (hay 2 phần trăm) trong số chúng bán được 5.000 quyển; và trung bình một đấu sách ở Hoa Kỳ bán được ít hơn 500 quyển. Tuy nhiên, gần như không thể đoán được quyển nào sẽ nằm trong danh mục siêu bán chạy. Vì vậy, các nhà xuất bản vẫn tiếp tục cho in rất nhiều sách khác nhau và hy vọng rằng mỗi quyển có thể là thành công, dù họ có biết rằng chỉ một phần rất nhỏ sẽ có trong danh mục sách bán chạy nhất. Các nhà xuất bản, các công ty sản xuất đồ chơi, các hãng phim và những nhà cho vay vốn kinh doanh mạo hiểm đều hiểu rằng con đường đến thành công sẽ chứa nhiều thất bại.

 

Mir Imran, một doanh nhân thành đạt, đã thành lập hàng tá công ty, rất nhiều trong số chúng ra đời song song với nhau.[26] Tỉ lệ thành công của ông rất dáng được ghi nhận nếu xét thực tế rằng trong hầu hết các môi trường, đa số duy nhất mới thành lập đều thất bại. Khi được hỏi về tỷ lệ thành công của ông, Mir thừa nhận rằng chìa khó là loại bỏ nhiều dự án ngay từ lúc đầu. Ông kiên quyết loại trừ các dự án có khả năng thành công thấp và tập trung toàn bộ công sức vào những dự án có khả năng đi đến thành công cao. Trước khi lập ra một doanh nghiệp mới, ông làm việc với tính kỷ luật nghiêm ngặt và đầu tư phân tích sâu sắc trong giai đoạn đầu để tăng cơ hội cho việc kinh doanh phát triển mạnh về lâu dài.

 

Mặc dù từ bỏ một dự án luôn là điều khó khăn, nó vẫn dễ dàng hơn nhiều trong giai đoạn đầu của doanh nghiệp, trước khi thời gian cam kết việc năng lượng tập trung vào dự án trở nên quá lớn. ĐIều này xảy ra ở tất cả các khía cạnh trong cuộc sống của chúng ta, kể cả trong công việc, đầu tư cổ phiếu và bất kỳ loại quan hệ xã hội nào. Leonardo da Vinci đã từng nói: “Từ bỏ ngay lúc đầu sẽ dễ dàng hơn so với để đến cuối.” Bob Sutton, một chuyên gia về hành vi tổ chức, mô tả “Những quy tắc Da Vinci” rất chi tiết trong cuốn sách của ông, The No Asshole Rule. Ông nói về việc từ bỏ những công việc bạn thấy không phù hợp ngay khi bạn khám phá ra rằng mình không thể trụ lại mãi với công việc đó được[27]. Ở đây ông tổng kết lại quan điểm này một cách sâu sắc hơn.

 

Mặc dù đa số mọi người đều biết rằng các chi phí đã tiêu tốn không nên được xét đến khi ra quyết định, họ chứng “đầu tư quá nhiều nên không thể từ bỏ” vẫn có tác động lớn đến hành vi con người. Chúng ta biện minh cho tất cả thời gian, công sức, sự chịu đựng, và việc chúng ta cống hiến một cái gì đó năm này qua năm khác bằng cách nói với chính mình và những người khác rằng: phải có gì đáng giá và quan trọng về nó, nếu không chúng ta sẽ chẳng bao giờ đắm chìm phần lớn cuộc sống của chúng ta vào đó.

 

Từ bỏ thực sự là quyền cá nhân của chúng ta. Đó là một lời nhắc nhở rằng bạn là người kiểm soát tình hình và có thể ra đi bất cứ khi nào bạn muốn. Bạn không cần phải là người canh gác nhà tù của riêng mình, và nhốt mình ở một nơi không đem lại hiệu quả gì cho bản thân. Nhưng điều đó không có nghĩa từ bỏ là dễ dàng. Tôi đã từ bỏ những công việc không phù hợp với mình và bỏ đi những dự án thất bại, mà trường hợp nào cũng cực kỳ khó khăn. Chúng ta được dạy rằng từ bỏ là một dấu hiệu của sự yếu kém, mặc dù trong nhiều tình huống nó thực ra là điều ngược lại. Đôi khi từ bỏ là lựa chọn dũng cảm nhất, bởi vì nó đòi hỏi bạn phải công khai đối mặt với chính mình. Tin vui ở đây là việc từ bỏ cho phép bạn khởi động lại từ đầu. Và nếu bạn dành thời gian để đánh giá những gì đã xảy ra, từ bỏ có thể là một kinh nghiệm học hỏi vô giá.

 

Khi Randy Komisar rời bỏ vị trí phó chủ tịch ở Claris, một công ty phần mềm máy tính tách ra khỏi người khổng lồ Apple, ông cảm thấy mình đã thất bại. Randy là người có một tầm nhìn rõ ràng về những gì ông muốn đạt được, nên ông đã rời Claris khi nhận ra rằng ông sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu của mình. “Thất bại” của Randy rất công khai, vì vậy nó làm ông day dứt rất nhiều. Tuy nhiên, trong một thời gian ngắn Randy nhận ra rằng việc từ bỏ công việc đó đã trao cho ông một cơ hội để đánh giá lại niềm đam mê của mình và xác định làm thế nào để ông có thể sử dụng các kỹ năng của mình một cách tốt nhất. Chẳng hạn, ông đã nhận ra một điều rõ ràng rằng một trong những lý do mà ông không hài lòng ở Claris là ông không cảm thấy hứng thú với các sản phẩm cũng như những gì mình đang làm. Ông yêu thích việc suy nghĩ về bức tranh lớn của công ty và hoạch định viễn cảnh của nó, nhưng ông hầu như chẳng có chút hứng thú nào với những công việc điều hành cụ thể từ ngày này sang ngày khác.

 

Khi Randy được yêu cầu làm CEO cho một công ty mới, ông lại đề nghị rằng ông muốn làm việc với CEO để hình thành hướng đi cho công ty. Bằng cách đó ông tạo nên một vai trò mới cho mình – Virtual CEO (giám đốc điều hành ảo) – và vì thế ông có thể tham gia vào hàng chục công ty cùng một lúc. Ông làm việc như một huấn luyện viên, thăm dò ý kiến của hội đồng quản trị, và là cố vấn cho các CEO, nhưng ông không phải đảm nhận những trách nhiệm quản lý hàng ngày. Điều này phù hợp với ông và các công ty. Randy nói: “Thất bại cho phép tôi tìm kiếm những cơ hội xung quanh phù hợp hơn với niềm đam mê của mình.” Đây là một lời nhắc nhở sâu sắc rằng việc học được khi nào nên từ bỏ là rất quan trọng. Bạn cần phải biết khi nào nên ngừng đầu tư vào một ý tưởng không thể thành công và khi nào nên chuyển sang làm một điều gì đó mới.

 

Trên thực tế, có nhiều cách để biến thất bại thành thành công. Một câu chuyện đáng nhớ về chuyển biến một thất vọng lớn thành một chiến thắng đáng nhớ được rút ra từ Cuộc thi Sáng tạo. Ở đây các sinh viên đã phải tạo ra giá trị từ các vòng cao su trong vòng năm ngày. Một nhóm đã quyết định tạo ra một “Cây điều ước.” Họ đã lập một cây ở trung tâm của khuôn viên trường đại học, đối diện các nhà sách của trường, và dùng các sợi dây bọc thân cây đó lại. Sau đó, họ sử dụng các vòng cao su để đính kèm thông điệp vào các sợi dây. Ý tưởng của họ là bất cứ ai đi ngang qua cũng có thể gửi những ước muốn của mình lên cây. Nhóm thực hiện quảng cáo cho dự án này rất rộng rãi bằng việc sử dụng các trang mạng trực tuyến, các danh sách e-mail, và họ cũng đứng trước cây mời những người qua lại gửi các ước muốn của mình. Nhưng thật không may cho họ, mọi người chẳng mảy may quan tâm.

 

Trong nỗ lực đẩy mạnh dự án, cả nhóm bắt đầu gửi các ước muốn của mình lên cây. Cách này cũng chỉ có ảnh hưởng rất nhỏ. Sau đó, họ đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá dự án và tích cực hơn nữa trong việc mời những người qua lại đóng góp. Và một lần nữa, cách này cũng có hiệu quả rất ít. Nhưng sự thất vọng của các sinh viên này càng não nề bởi thực tế rằng chỉ cách đó không quá 15 mét một dự án tương tự đang nhận được rất nhiều sự chú ý. Một nhóm khác đã tạo ra một mạng dây khổng lồ các vòng cao su lớn, và họ mời các sinh viên treo lên đó các bí mật của mình. Mạng vòng cao su tràn ngập hàng trăm giấy màu rực rỡ, mỗi tờ có một bí mật khác nhau. Chúng đu đưa trong gió nhẹ, tương phản hoàn toàn với Cây điều ước hầu như không có gì ở gần đó.

 

Nhóm thực hiện Cây điều ước đã quyết định không tiếp tục nữa và rút kinh nghiệm từ thất bại này. Tuy nhiên, họ không dừng lại ở đó. Họ rút ra tất cả các bài học có thể từ kinh nghiệm này bằng cách làm một đoạn phim bình luận dài ba phút ghi lại thất bại. Nhóm thực hiện đã mô tả tất cả các nỗ lực của họ để làm cho Cây điều ước thành công và so sánh thất bại của mình với sự thành công của Mạng bí mật. Họ đã ăn mừng rất công khai và chia sẻ những gì đã học được về “tính thu hút” (“stickiness”) của các điều ước so với các bí mật. (Các câu chuyện, sản phẩm, và các trang web có “tính thu hút” khi chúng giữ được sự quan tâm của bạn). Họ cũng làm rõ rằng đây chỉ là một bước trên con đường của họ với rất nhiều ý tưởng sau đó, và sau đó, và sau đó nữa.

 

Vì ngay cả những ý tưởng tuyệt vời nhất cũng đòi hỏi phải đầu tư rất nhiều công sức để đạt được thành quả, rất khó để chúng ta biết khi nào nên tiếp tục giải quyết một vấn đề và hy vọng có được một thành tựu đột phá, và khi nào nên từ bỏ. Tất cả chúng ta đều ngưỡng mộ lòng kiên trì, nhưng khi nào nó trở thành ngốc nghếch, với việc tiếp tục một ý tưởng sẽ chẳng bao giờ nở hoa kết trái? Gil Penchina, CEO của Wikia, diễn tả tình thế tiến thoái lưỡng nan này rất thuyết phục: “Nếu bạn đổ xăng lên một khúc gỗ, tất cả những gì bạn có là một khúc gỗ ướt. Nhưng nếu bạn đổ xăng vào một ngọn lửa nhỏ, bạn sẽ tạo ra một đám cháy dữ dội.”[28] Từ đó chúng ta có thể thấy rằng điều quan trọng ở đây là việc nhận thức được bạn có đang dốc sức vào một việc có tiềm năng đạt được thành quả hay không. Đó là một trong những thử thách lớn nhất của cuộc đời. Chúng ta thường ở quá lâu trong những tình huống không thể tiến xa hơn. Điều này xảy ra khi các công ty kiên nhẫn với một sản phẩm hay một dự án không đi đến đâu, hay khi ai đó vẫn giữ những công việc hay các mối quan hệ làm họ bất hạnh và hy vọng rằng tình hình sẽ khá hơn.

 

Vậy, làm sao bạn biết được khi nào nên từ bỏ? Đây là một vấn đề mang tính triết lý rất lớn. Thách thức lớn nhất là việc tách rời mong muốn hoàn thành công việc với thực tế xác suất thành công của nó. Đương nhiên là bạn càng nỗ lực cho một dự án bao nhiêu thì khả năng thành công của nó sẽ nâng lên bấy nhiêu. Nhưng có những nỗ lực sẽ không bao giờ tạo ra thành quả dù cho bạn có tốn abo nhiêu công sức, thời gian và tiền của. Câu trả lời có lý nhất mà tôi đã tìm ra là: hãy lắng nghe cảm giác của bạn và nhìn nhận những lựa chọn thay thế mà bạn có. Về bản chất, bạn phải thật lòng với chính mình. Bạn có đủ ngoan cường để vượt qua các vấn đề trước mắt và đạt được thành quả, hay tốt hơn hết bạn nên chọn một con đường khác?

 

Tóm lại từ bỏ không hề là một việc đơn giản, nhưng để từ bỏ một cách đúng đắn còn khó hơn nhiều. Tôi đã thấy nhiều người từ bỏ một cách khéo léo, còn những người khác thì vụng về đến mức họ để lại một cái hố lớn sau lưng. Như sẽ bàn đến ở chương 8, rất có khả năng bạn sẽ tình cờ gặp lại cùng những người đó lần nữa trong đời, thường là trong những tình huống không mong đợi. Chỉ lý do này thôi cũng đủ để bạn biết rằng khi từ bỏ, bạn cần phải suy nghĩ rất kỹ về những hệ quả nó sẽ gây ra cho những người xung quanh. Ngoài những tác động mà việc từ bỏ khéo léo có thể ảnh hưởng đến bạn sau này, nó thật ra chỉ là điều cần phải làm. Bạn không bao giờ có thể hợp lý hóa việc từ bỏ khi bạn gây tổn hại đến đồng nghiệp, bạn bè, hay công việc trước đây của mình.

 

Một đồng nghiệp kể với tôi về trợ lý của anh ấy, người đã làm một công việc tuyệt vời. Anh đã nhận xét về cô ấy rất tốt và dành nhiều thời gian nói chuyện với cô về con đường sự nghiệp của cô trong nhóm làm việc của mình. Cô ấy thẳng thắn trao đổi rằng cuối cùng cô muốn chuyển sang làm ở một lĩnh vực khác, và anh bạn đồng nghiệp của tôi cũng ủng hộ cô. Và anh nói với cô ấy rằng anh sẵn lòng là người giới thiệu cho cô bất cứ lúc nào. Mặc dù vậy, bạn tôi không khỏi ngạc nhiên khi một ngày nọ cô trợ lý đến và báo rằng sau hai tuần nữa cô sẽ nghỉ việc. Trong khi đó nhóm làm việc của anh đang tiến hành một dự án rất lớn, và chỉ còn ba tuần nữa là đến hạn chót. Cô ấy dự định ra đi vào tuần cuối cùng trước khi dự án hoàn thành và đặt cả nhóm vào một tình thế vô cùng khó khăn. Anh bạn tôi hỏi cô nhiều lần rằng cô có thể xem xét việc ở lại thêm một tuần để giúp anh hoàn thành dự án, bao gồm hàng chục người làm chính thức và vài ngàn cộng tác viên. Cô ấy từ chối và nói rằng: “Em biết anh sẽ không cảm thấy khó chịu về việc em ra đi bất cứ lúc nào, nên em quyết định làm những gì em muốn.” Anh bạn tôi cảm thấy như thế mình bị thúc một cú ngang hông. Thời điểm đó thực sự khó khăn đến mức gần như không thể lấp đầy lỗ hổng mà cô ấy bỏ lại vào tuần cuối cùng của dự án, và tất cả mọi người phải làm việc cả ngày lẫn đêm để bù đắp. Tất cả những người đã từng làm việc với cô đều không thể quên quyết định ra đi đó. Dù rằng trước đó cô đã thực hiện nhiều công việc tuyệt vời khi làm chung với họ, nhưng những hau tổn cô gây ra cho danh tiếng của mình trong vài tuần cuối cùng ở cơ quan đã làm lu mờ tất cả mọi điều tốt đẹp cô đã làm trong những năm trước.

 

Trái ngược hoàn toàn với tình huống kể trên, tôi đã nhìn thấy nhiều người thôi việc bằng những cách hay hơn nhiều. Ngay cả khi họ thôi việc vì công việc không phù hợp với mình, sự khéo léo của họ đã để lại những ấn tượng tốt mà những người liên quan đều thấy hài lòng khi trao cho họ những lời giới thiệu tốt đẹp bất cứ lúc nào trong tương lai. Họ báo nghỉ việc đủ sớm để người ta có thể lấp đầy các khoảng trống. Họ dành thời gian sắp xếp lại các công việc của mình để người khác có thể thay thế khi họ ra đi. Và thậm chí họ còn đề nghị giúp đỡ trong việc chuyển đổi nhân sự. Những người này là những anh hùng. Họ đã thuần thục nghệ thuật ra đi một cách tốt đẹp, và sử dụng kỹ năng của mình để chuyển một tình huống xấu thành một điều tích cực.

 

Vậy làm thế nào để bạn chuẩn bị cho thất bại không thể tránh khỏi? Những người dành nhiều thời gian của họ cho các nỗ lực sáng tạo biết rằng thất bại là một phần tự nhiên của quá trình sáng tạo và luôn sẵn sàng khi nó xảy ra. Jeff Hawkins cảm thấy lo lắng khi mọi việc diễn ra quá êm đẹp, và anh biết rằng thất bại đang ẩn nấp đâu đó xung quanh. Khi anh điều hành công ty Handspring, mọi thứ đều thuận buồm xuôi gió vào thời điểm phát hành các phiên bản “Visor” đầu tiên, một loại máy kỹ thuật số hỗ trợ cá nhân mới. Nhưng Jeff vẫn luôn nhắc nhở các cộng sự của mình rằng một điều gì đó sẽ xảy ra. Và nó thực sự đã xảy ra. Trong vòng vài ngày phát hành lô sản phẩm đầu tiên, họ đã bán ra và giao khoảng 10.000 sản phẩm. Đây là một con số đáng nể phục. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống thanh toán và vận chuyển đã gặp trục trặc lớn. Một số khách hàng không nhận được sản phẩm mà họ đã thanh toán, còn những người khác thì lại nhận được gấp ba hay bốn lần số lượng họ đặt hàng. Đó là một thảm họa, đặc biệt với một doanh nghiệp mới đang cố gắng xây dựng danh tiếng của mình. Vậy họ đã làm gì để cứu vãn tình thế? Jeff và toàn thể công ty bắt tay vào giải quyết vấn đề. Họ gọi cho từng khách hàng một. Họ hỏi từng người những gì họ đã đặt hàng, họ đã nhận được nó hay chưa, và họ có nhận được hóa đơn chính xác hay không. Nếu có điều gì không đúng, công ty sẽ điều chỉnh ngay tại chỗ. Điểm mấu chốt ở đây là Jeff luôn biết rằng khó khăn sẽ xuất hiện. Anh không chắc chắn nó là gì, nhưng anh đã chuẩn bị để đối phó với bất cứ chướng ngại vật nào trên con đường của mình. Kinh nghiệm đã dạy anh rằng thất bại là không thể tránh khỏi, và rằng chìa khóa để thành công không phải là lẩn tránh từng viên đạn mà là khả năng phục hồi thật nhanh chóng.

 

Những điều đó diễn ra lặp đi lặp lại khi tôi nghe chuyện về những người đã có được thành công. Họ sẵn sàng thử rất nhiều thứ và rất tự tin rằng vài trong số các thí nghiệm của họ sẽ tạo ra kết quả tuyệt vời. Nhưng họ cũng hiểu sẽ có các ổ gà trên đường đi. Cách tiếp cận này có thể được sử dụng cho cả những thách thức lớn hay nhỏ. Hãy xem xét câu chuyện sau đây do một người bạn kể cho tôi: Có một người đàn ông dường như luôn gặp may mắn với phụ nữ. Ông ta không đặc biệt quyến rũ, hài hước, thông minh, hay hấp dẫn; do đó, việc ông luôn may mắn với phụ nữ thực sự là một bí ẩn. Một hôm người bạn của tôi hỏi làm thế nào ông có thể có được đều đặn những người phụ nữ trong cuộc sống của mình. Ông tâm sự rằng điều đó khá đơn giản – ông hẹn hò với từng người phụ nữ hấp dẫn ông đã gặp, và vài người trong số đó đồng ý. Ông sẵn sàng chấp nhận bị từ chối để có được một ít thành công. Điều này mang đến bài học ở cấp độ cơ bản nhất của nó. Nếu bạn ra ngoài và thử làm nhiều việc, bạn sẽ có nhiều khả năng tìm thấy thành công hơn là những người chỉ ngồi đó chờ đợi điện thoại reo.

 

Câu chuyện này rất phù hợp với điều cha tôi luôn khuyên tôi: là một cái bánh xe kêu chát tai hiếm khi thay đổi kết quả, nhưng nó cho phép bạn tiến đến kết luận sớm hơn. Đừng ngồi yên đó chờ đợi một lời đồng ý sẽ không bao giờ đến. Thà nhận được lời từ chối sớm còn hơn là kéo dài thời gian mà kết quả vẫn vậy, để bạn có thể tập trung năng lượng của mình vào các cơ hội có khả năng thành công cao hơn. Điều này có thể áp dụng vào các tình huống như săn việc làm, tìm kiếm nguồn tài trợ kinh doanh, hẹn hò, và hầu hết những nỗ lực khác. Nó có nghĩa là nếu bạn tiếp tục đẩy lùi các giới hạn, và sẵn sàng thất bại trên đường đi, bạn rất có thể sẽ tìm thấy thành công.

 

Những câu chuyện này đánh dấu một điểm quan trọng: một sự nghiệp thành công không phải là một đường thẳng mà là một con sóng với những thăng trầm. Michael Dearing mô tả điều này rất tuyệt vời với một đồ thị đơn giản vẽ ra một sự nghiệp điển hình, trong đó thời gian nằm ở trục X và thành công nằm ở trục Y. Hầu hết mọi người đều cảm thấy như thể họ cần được liên tục tiến lên và di chuyển sang bên phải, dọc theo một đường thẳng thành công. Nhưng điều này vừa phi thực tế lại vừa hạn chế. Thật sự, khi bạn nhìn kỹ vào đồ thị của những người thành công nhất, luôn có những thăng trầm. Tuy nhiên, khi xem xét tổng thể một quãng thời gian dài thì đường này thường di chuyển lên và sang phía bên phải. Khi bạn đang trong một chu kỳ suy giảm, đôi khi rất khó nhận thức được rằng đường dốc xuống tạm thời đó thực ra là một sự chuẩn bị cho bước tiến tiếp theo. Trong thực tế, độ dốc của đường hướng lên thường tăng sau một chu kỳ đi xuống, nghĩa là bạn đang thực sự đạt được nhiều hơn so với khi bạn chỉ ở lại trên một con đường ổn định và có thể dự đoán trước.

 

Carol Bartz, cựu giám đốc điều hành của Autodesk và là giám đốc điều hành mới của Yahoo!, sử dụng một phép loại suy tuyệt vời để mô tả con đường sự nghiệp thành công. Cô ấy nghĩ bạn nên xem sự tiến bộ nghề nghiệp của mình như việc di chuyển xung quanh và lên trên một kim tự tháp ba chiều, chứ không phải đi lên một chiếc thang hai chiều. Lối di chuyển theo cạnh bên của kim tự tháp thường giúp bạn xây dựng nền tảng kinh nghiệm của mình. Có thể trông bạn đang đi lên không nhanh cho lắm, nhưng bù lại bạn đang thu thập một nền tảng các kỹ năng và kinh nghiệm sẽ chắc chắn rất có giá trị sau này.

 

Một trong những câu chuyện yêu thích của tôi về tính chu kỳ và không thể đoán trước của sự nghiệp là do Steve Jobs kể lại. Là người sáng lập Apple và Pixar, những câu chuyện thành công của ông thực sự mang tính huyền thoại. Tuy nhiên, rất nhiều trong số những thành công lớn nhất của ông đều bắt nguồn từ những thất bại. Ông kể lại những câu chuyện này rất hay khi ông phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp tại đại học Stanford vào năm 2005. Dưới đây là trích đoạn bài diễn văn của ông.

 

Chúng tôi đã cho phát hành tác phẩm tốt nhất của chúng tôi – chiếc Macintosh – một năm trước đó, và tôi chỉ vừa bước sang tuổi ba mươi. Rồi sau đó tôi bị sa thải. Làm sao bạn có thể bị đuổi việc khỏi một công ty do bạn sáng lập? Vâng, khi Apple phát triển chúng tôi thuê một người mà tôi nghĩ là rất tài năng để điều hành công ty với tôi, và trong năm đầu tiên thì mọi thứ đều ổn. Nhưng sau đó tầm nhìn của chúng tôi về tương lai bắt đầu đi theo những hướng khác nhau và cuối cùng chúng tôi đã bất hòa. Khi đó Hội đồng quản trị đã đứng về phía anh ta. Vì vậy, vào tuổi ba mươi tôi bị sa thải, và bị sa thải rất công khai. Tâm điểm phấn đấu của toàn bộ cuộc sống trưởng thành của tôi đã biến mất, và nó thật sự khủng khiếp.

 

Tôi thực sự không biết phải làm gì trong vòng vài tháng sau đó. Tôi cảm thấy mình đã làm thế hệ các doanh nhân trước đây thất vọng – rằng tôi đã đánh rơi chiếc gậy tiếp sức của lượt chạy khi nó được chuyền đến tôi. Tôi đã gặp David Packard và Bob Noyce để xin lỗi về việc xử lý các tình huống quá kém cỏi. Tôi là một kẻ thất bại nổi tiếng, thậm chí tôi còn nghĩ đến việc chạy ra khỏi Thung lũng [Sillicon]. Nhưng một cái gì đó dần dần lóe lên trong tâm trí tôi – tôi vẫn rất yêu những gì tôi đã làm. Những biến cố ở Apple chẳng hề làm thay đổi tình yêu đó dù chỉ một chút nào. Tôi đã bị từ chối, nhưng tôi vẫn còn tình yêu. Và vì vậy tôi quyết định bắt đầu lại.

 

Lúc đó tôi không nhận thấy, nhưng hóa ra việc bị đuổi khỏi Apple là điều tốt nhất từng xảy đến với tôi. Gánh nặng của việc phải thành công được thay thế bởi sự nhẹ nhàng khi trở thành một người mới bắt đầu lại, và ít chắc chắn hơn về mọi thứ. Nó đã giải thoát cho tôi để tôi bước vào một trong những thời kỳ sáng tạo nhất của cuộc đời mình.

 

Trong những năm sau đó, tôi đã thành lập một công ty tên là NeXT, một công ty khác tên Pixar, và đem lòng yêu một người phụ nữ tuyệt vời sau này đã trở thành vợ tôi. Pixar đã tạo ra bộ phim hoạt hình vi tính đầu tiên trên thế giới, Toy Story, và bây giờ là hãng phim hoạt hình thành công nhất trên thế giới. Trong một loạt diễn biến đáng chú ý, Apple đã mua NeXT, tôi trở lại Apple, và những công nghệ chúng tôi phát triển ở NeXT là trung tâm cho những đổi mới hiện tại của Apple. Còn Laurence và tôi thì có một gia đình tuyệt vời với nhau.

 

Tôi khá chắc chắn rằng tất cả những điều này không thể xảy ra nếu tôi không bị đuổi khỏi Apple. Thuốc luôn rất đắng, nhưng tôi chắc là bệnh nhân cần dùng thuốc. Và đôi khi cuộc đời cứ quẳng gạch vào đầu bạn.

 

Câu chuyện này vẫn được kể đi kể lại. Về bản chất, hầu hết con đường của mỗi chúng ta đều có đầy rẫy những thất bại lớn nhỏ. Chìa khóa ở đây là khả năng phục hồi từ những thất bại. Đối với đa số những người thành công, phía dưới đáy đồ thị của họ được lót bằng cao su chứ không phải bê tông. Khi họ chạm đáy, họ chìm xuống trong giây lát và sau đó bật lên trở lại, lợi dụng nguồn năng lượng của các tác động đó để đẩy họ vào cơ hội khác. Một ví dụ tuyệt vời là David Neeleman, người sáng lập JetBlue.[29] Ban đầu David mở một hãng hàng không tên là Morris Air, sau đó nó phát triển thịnh vượng và ông đã bán nó cho Southwest Airline với giá 130 triệu đôla. Sau đó ông trở thành một nhân viên của Southwest. Chỉ năm tháng sau David đã bị sa thải. Theo ông kể, ông làm việc cho họ rất cực nhọc mà họ còn nổi điên lên với ông. Theo hợp đồng thì David đã có một thỏa thuận không cạnh tranh kéo dài năm năm ngăn ông không được thành lập một hãng hàng không khác. Đó dường như là một thời gian dài cả đời người. Nhưng sau khi dành thời gian để phục hồi từ cú đánh này, David quyết định sử dụng năm năm đó để lập kế hoạch cho một thương vụ kinh doanh hàng không mới. Ông lập kế hoạch cho tất cả các chi tiết của công ty, bao gồm cả các giá trị của công ty, toàn bộ những trải nghiệm của khách hàng, loại người mà họ sẽ thuê, cũng như các chi tiết về cách thức họ sẽ đào tạo và bồi thường nhân viên. David nói rằng việc bị sa thải và phải chờ đợi để bắt đầu một hãng hàng không mới là điều tốt nhất từng xảy ra với ông. Khi thời kỳ không cạnh tranh đã qua, ông đã sẵn sàng để vươn tới thành công nhanh chóng. Giống Steven Jobs, ông đã chuyển những gì có vẻ như là một tình huống khủng khiếp thành một giai đoạn có năng suất và sáng tạo rất cao.

 

Thất bại tất nhiên không hề vui chút nào. Chúng ta vui hơn nhiều khi nói với thế giới về những thành công của mình. Nhưng thất bại có thể là những cơ hội tuyệt vời đang bị che đây. Chúng buộc ta phải đánh giá lại những mục tiêu và ưu tiên của mình, và thường đẩy chúng ta về phía trước nhanh hơn nhiều so với khi thành công liên tục.

 

Tuy nhiên, việc quá thoải mái với thất bại lại có vẻ rủi ro. Phải chăng những người đề cao vai trò của thất bại cam chịu bị thất bại? Hãy tưởng tượng những hình ảnh về “Nhân viên của Tháng” lại trưng bày những việc tồi tệ nhất của công ty. Tuy nhiên, như Bob Sutton chỉ ra trong cuốn Weird Ideas That Work (Tạm dịch: Những ý tưởng kỳ quặc nhưng hiệu quả), việc chỉ khen thưởng thành công có thể kiềm chế sự đổi mới vì nó không khuyến khích chấp nhận rủi ro. Bob gợi ý rằng các tổ chức nên xem xét việc khen thưởng cả những thành công lẫn thất bại, và phạt những trường hợp không làm gì cả. Như vậy sẽ khuyến khích mọi người thử nghiệm, và nhiều khả năng dẫn đến các kết quả thú vị và bất ngờ.

 

Tôi không nói rằng công ty của bạn nên khen thưởng những người ngu ngốc, lười biếng, hay không có năng lực. Tôi muốn nói rằng bạn nên thưởng cho những thất bại thông minh, không phải những thất bại ngớ ngẩn. Nếu bạn muốn có một tổ chức sáng tạo, việc không hành động là loại thất bại tồi tệ nhất... Hơn bất cứ điều gì khác, sự sáng tạo có kết quả từ hành động, chứ không phải là việc không hành động.

 

Bob cho biết thêm về một bằng chứng mạnh mẽ rằng tỷ lệ giữa những thành công và thất bại của cá nhân chúng ta là bằng nhau. Vì thế, nếu bạn muốn thành công nhiều hơn, bạn sẽ phải sẵn sàng sống với thất bại nhiều hơn. Thất bại là mặt bên kia của thành công, và bạn không thể có một thứ mà không có thứ kia.

 

Tại d.school chúng tôi nhấn mạnh rất nhiều vào việc chấp nhận những rủi ro lớn để giành được phần thưởng lớn. Sinh viên được khuyến khích để suy nghĩ thực sự lớn, ngay cả khi một dự án rất có khả năng thất bại. Để khuyến khích điều này, chúng tôi khen thưởng những “thảm họa ngoạn mục”. Chúng tôi bảo sinh viên rằng thà có một thất bại sáng chói còn tốt hơn là một thành công tầm tầm. Jim Plummer, hiệu trưởng của trường Kỹ thuật Stanford, luôn mang theo triết lý này. Ông nói với các nghiên cứu sinh rằng họ nên chọn một đề tài luận án có 20 phần trăm cơ hội thành công. Vài nghiên cứu sinh thấy nản, bởi họ nghĩ rằng điều này có nghĩa là họ sẽ phải làm năm dự án khác nhau trước khi hoàn tất. Trái ngược hoàn toàn. Các thử nghiệm cần được thiết lập sao cho một thất bại thì cung cấp được thông tin, còn một thành công thì có thể dẫn đến bước ngoặt lớn. Làm những thử nghiệm nhỏ và tăng dần với các kết quả dự đoán được giá trị ít hơn hẳn so với làm một thử nghiệm với rủi ro cao nhưng có tiềm năng dẫn đến một phần thưởng lớn hơn nhiều.

 

Mặt trái của việc thoải mái với thất bại và bước ra khỏi một dự án không có hiệu quả là nguy cơ từ bỏ quá sớm. Hãy nghe câu chuyện kinh điển của công ty 3M với giấy ghi chú Post-it, khi họ bắt đầu với một chất keo mà không dính và trở thành một doanh nghiệp trị giá hàng tỉ đôla. Năm 1968, Spencer Silver phát minh ra chất kết dính nhẹ này và quảng bá nó trong nội bộ 3M, nhưng ban đầu không ai quan tâm đến nó. Mãi cho đến năm 1974 một đồng nghiệp của ông, Art Fry, nhận ra rằng ông có thể sử dụng keo không đạt chuẩn để giữ cho các giấy đánh dấu nằm yên tại chỗ trong sách thánh ca của mình, và đã dành thời gian rảnh để thiết kế sản phẩm mà bây giờ chúng ta biết đến với tên gọi Post-it. Mãi đến sáu năm sau đó 3M mới tung sản phẩm này ra khắp nước Mỹ. Hiện nay họ bán được hơn sáu trăm loại sản phẩm Post-it tại hơn một trăm quốc gia. Hãy tưởng tượng về cơ hội bị đánh mất nếu các kỹ sư tại 3M không nhận ra tiềm năng trong sản phẩm bị “lỗi” của họ. Cách suy nghĩ này đã được thể hiện trong một dự án tại lớp học mà tôi đề cập ở phần trước của quyển sách, khi các đội biến những ý tưởng dở thành những ý tưởng tuyệt vời.

 

Chúng ta thường sống trên bờ vực của sự thành công và thất bại, và hiếm khi ta biết rõ rằng mình sẽ đáp xuống bên nào. Sự bấp bênh này càng được khuếch đại trong các thương vụ có nguy cơ cao như nhà hàng, công nghệ, và thậm chí cả thể thao, nơi mà ranh giới giữa thành công và thất bại có thể mỏng như một chiếc dao lam. Hãy xem xét giải đua Tour de France. Dù phải trải qua nhiều ngày hết đạp xe lên dốc lại xuống dốc, rồi qua những khúc quanh trên núi, thời gian cách biệt giữa những người chiến thắng và những người thua cuộc vẫn xuống đến từng giây đồng hồ, thậm chí đến phần nghìn giây. Đôi khi chỉ cần một cú đẩy nhẹ thêm là đủ để bật ngược công tắc từ thất bại sang thành công.

 

Một số công ty đã tinh thông khả năng kích thích giá trị từ các sản phẩm mà người khác vứt bỏ vì xem chúng là thất bại. Marissa Mayer, người lãnh đạo bộ phận phát triển sản phẩm tại Google, nói rằng điều quan trọng là không nên từ bỏ các dự án quá sớm, thay vào đó nên phân tích chúng theo hướng khác.[30] “Có nghĩa là hãy tìm ra phần nào hoạt động tốt và những gì cần được cải thiện thay vì vứt bỏ nó.” Marrisa tin rằng thường sẽ có cách nào đó để rút ra một vài giá trị từ bất kỳ dự án nào, ngay cả một dự án dường như không mang lại kết quả gì.

 

Google và những công ty web khác dựa vào thử nghiệm “A-B”. Có nghĩa là họ phát hành cùng lúc hai phiên bản của một phần mềm và nhận được các phản hồi nhanh chóng rằng phương pháp tiếp cận nào thành công hơn. Các công ty này nhận ra rằng bằng cách thêm vào các sửa đổi nhỏ, chẳng hạn như thay đổi màu sắc của một nút bấm, thêm một từ vào một tin nhắn, hoặc thêm hình ảnh chuyển động quanh trang, họ có thể nhanh chóng thay đổi phản hồi của một khách hàng. Một số doanh nghiệp hoạt động trên web đã phát hành hàng chục phiên bản của cùng một sản phẩm mỗi ngày. Mỗi phiên bản tạo ra các thay đổi nhỏ khác nhau với trải nghiệm của người sử dụng nên họ có thể đánh giá phản ứng của khách hàng.

 

Một công ty được thành lập bởi hai cựu sinh viên Stanford, Jeff Seibert và Kimber Lockhart, luôn luôn sử dụng phương pháp này. GetBackboard.com là một trang web thu thập phản hồi về các tài liệu. Họ tiếp tục thử nghiệm “những cuộc kêu gọi hành động” khác nhau trên trang web của mình và ghi nhận lại phương pháp tiếp cận nào hoạt động tốt nhất. Khi họ đặt một bong bóng màu xanh lá cây với câu “Hãy đăng ký một tài khoản ngay hôm nay” thì họ đã có một tỷ lệ đăng ký 8 phần trăm. Khi thông điệp được đổi thành “Đăng ký nhanh và dễ dàng” thì tỉ lệ phản hồi tăng lên đến 11 phần trăm. Và khi câu đó là “Được miễn phí 30 ngày dùng thử” thì phản hồi tăng lên 14 phần trăm. Loại thử nghiệm này biến thất bại thành thành công, và làm cho những thành công càng thành công hơn nữa.

 

Việc thử làm những điều mới đòi hỏi sự sẵn lòng chấp nhận rủi ro. Tuy nhiên, chấp nhận rủi ro không phải là hệ nhị phân. Tôi cược rằng bạn sẽ cảm thấy thoải mái chấp nhận một số loại rủi ro, và cảm thấy khó chịu với những loại khác. Có thể bạn thậm chí chẳng hề nhìn thấy rủi ro nào trong những điều dễ chịu với bạn, xem thường tính nguy hiểm của chúng, nhưng lại có khuynh hướng khuếch đại nguy cơ của những điều khiến bạn lo lắng nhiều hơn. Ví dụ, bạn có thể thích việc bay xuống một dốc trượt tuyết với tốc độ tia chớp hoặc nhảy ra khỏi máy bay, và chẳng hề xem các hoạt động này là rủi ro. Nếu vậy bạn đang nhắm mắt trước thực tế là mình phải đối mặt với những rủi ro lớn đến thân thể. Những người khác, giống như tôi, không phải là những người chấp nhận rủi ro về thân thể, thà uống chocolate nóng trong nhà và ngắm tuyết, hoặc tự khóa chặt vào ghế máy bay của họ hơn là mang một đôi giày trượt tuyết hoặc một cái dù. Ngược lại, họ có thể cảm thấy hoàn toàn thoải mái với các rủi ro xã hội, chẳng hạn như trình bày một bài phát biểu trước một đám đông lớn. Điều này không nguy hiểm chút nào đối với tôi. Nhưng những người khác, những người có thể hoàn toàn hạnh phúc khi nhảy ra khỏi máy bay, lại chẳng bao giờ chịu “dô” tại một bữa tiệc.

 

Theo nhận xét của tôi, có khoảng năm loại rủi ro chính: thể chất, xã hội, tình cảm, tài chính, và trí tuệ. Chẳng hạn tôi biết rằng mình thoải mái với các rủi ro xã hội chứ không phải những rủi ro về thân thể. Nói tóm lại là tôi sẵn sàng bắt đầu một cuộc trò chuyện với một người lạ, nhưng xin đừng yêu cầu tôi rơi tự do khỏi một chiếc cầu. Tôi cũng sẽ vui vẻ nhận những rủi ro trí tuệ để mở rộng các khả năng phân tích của mình, nhưng tôi không phải là một người chấp nhận những nguy cơ lớn về tài chính. Trên một chuyến đi đến Las Vegas tôi sẽ chỉ mang một lượng nhỏ tiền mặt, để chắc chắn rằng tôi sẽ không mất quá nhiều.

 

Tôi thường yêu cầu người ta làm một bản lý lịch về rủi ro của riêng mình. Với chỉ một chút suy nghĩ, mỗi người đều biết được các loại rủi ro nào mình sẵn sàng chấp nhận. Họ nhận ra khá nhanh chóng rằng việc chấp nhận rủi ro sẽ không đồng nhất giữa mọi người. Thật thú vị khi nhận ra rằng hầu hết các doanh nhân không xem mình là những người chấp nhận rủi ro lớn. Sau khi phân tích bối cảnh, xây dựng một đội ngũ tuyệt vời,và cùng đặt ra một kế hoạch chi tiết, họ cảm thấy như thể họ đã tống khứ được càng nhiều rủi ro càng tốt ra khỏi thương vụ của mình. Trong thực tế, họ dành phần lớn các nỗ lực của mình làm việc để giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.

 

Elisabeth Pate Cornell,chủ nhiệm Khoa học Quản trị Khoa học và Kỹ thuật tại đại học Stanford, là một chuyên gia trong lĩnh vực quản trị rủi ro. Cô giải thích rằng khi phân tích một tình huống có nhiều nguy cơ, điều quan trọng là cần phải xác định những kết quả có thể và cố gắng để nhận ra cơ hội của mỗi kết quả. Một khi điều này được thực hiện, người ta cần phải phát triển một kế hoạch đầy đủ cho mỗi tình huống có thể xảy ra. Elisabeth nỏi ằng nếu bạn sẵn sàng sống với tất cả các hệ quả có thể xảy ra thì việc chấp nhận những rủi ro cao đi kèm phần thưởng lớn là điều hợp lý. Bạn nên chuẩn bị đầy đủ cho các tình huống bất lợi và có một kế hoạch hỗ trợ ngay khi cần. Tôi khuyến khích bạn đọc đi đọc lại một vài câu cuối của đoạn này. Những chuyên gia quản trị rủi ro tin rằng bạn nên đưa ra quyết định dựa trên xác suất của tất cả các kết quả, gồm cả các trường hợp kịch bản tốt nhất và xấu nhất, và sẵn sàng chấp nhận rủi ro lớn khi bạn đã chuẩn bị đầy đủ cho tất cả những tình huống có thể xảy ra.

 

Điều quan trọng cần nhớ là những quyết định tốt, dựa trên một phân tích chính xác về những rủi ro liên quan, vẫn có thể dẫn đến các kết quả xấu. Lý do là vẫn còn các nguy cơ khác. Một ví dụ đơn giản: ngay sau khi ra trường tôi đã được trao cho một công việc mà tôi không biết liệu có phù hợp với mình. Sau vài ngày xem xét kỹ lưỡng cơ hội này, tôi quyết định không nhận nó và cho rằng ngay sau đó tôi sẽ có thể tìm thấy một công việc khác phù hợp hơn. Thật không may, nền kinh tế suy thoái khá nhanh chóng và tôi đã phải dành nhiều tháng để tìm kiếm một công việc khác. Tôi tự trách bản thân không nhận lấy vị trí đó, và nó bắt đầu trở nên hấp dẫn hơn với tôi. Tôi đã thực hiện một quyết định tốt, dựa trên tất cả những thông tin tôi đã có vào thời điểm đó, nhưng trong ngắn hạn thì nó không phải là một kết quả tuyệt vời.

 

Trong tình huống này, cũng như trong hầu hết các trường hợp bạn đều phải đưa ra quyết định với thông tin không đầy đủ. Điều đó có nghĩa là bạn thực hiện lựa chọn và hành động với tình trạng không chắc chắn xung quanh mỗi lựa chọn như thế. Vậy làm thế nào để lấp đầy các khoảng trống về kiến thức của bạn? Tôi gợi ý là hãy nhìn vào “Stanley” để lấy cảm hứng. Các hoạt động bên trong Stanley (chiếc xe tự hành được Phòng thí nghiệm Trí tuệ nhân tạo Stanford và Phòng thí nghiệm nghiên cứu Điện tử Volkswagen thiết kế và tạo ra cho cuộc thi DARPA Grand Challenge) cung cấp manh mối để ra quyết định với thông tin không đầy đủ. DARPA (Defense Advanced Research Projects Agency – Cơ quan Dự án Nguyên cứu cấp cao của Bộ Quốc phòng) là cơ quan của chính phủ có nhiệm vụ phát triển các công nghệ tiên tiến nhất phục vụ cho quân đội. Trong cuộc thi DARPA, các xe ô tô không người lái phải băng qua ba đường hầm hẹp, hơn một trăm khúc quanh khó, và tự tìm ra hướng đi qua núi với những vách đá dốc đứng ở mỗi bên. Mặc dù có rất ít lợi thế, xe của Stanford đã thắng cuộc đua, phần lớn là do khả năng đưa ra quyết định nhanh chóng của nó với các thông tin không đầy đủ.

 

Chiếc Stanley được tích hợp rất nhiều công nghệ tiên tiến, trong đó có các bản đồ địa hình ba chiều, thiết bị định vị toàn cầu GPS, con quay hồi chuyển, gia tốc kế, máy quay phim, và bộ cảm biến trên bánh xe. Những phần mềm tích hợp này phân tích và giải thích tất cả các dữ liệu thu thập được, đồng thời kiểm soát tốc độ và hướng đi của chiếc xe. Nhưng chìa khóa dẫn đến thắng lợi cảu Stanley là kỹ năng cao cấp của nó trong việc đưa ra quyết định với các thông tin không đầy đủ. Các nhà thiết kế thực hiện được điều này bằng cách xây dựng cho nó khả năng học hỏi giống cách của con người. Họ tạo ra một cơ sở dữ liệu về các quyết định của con người mà chiếc xe sẽ dựa theo khi đánh giá về những gì cần làm. Dữ liệu này được tích hợp vào một chương trình học tập gắn với hệ thống kiểm soát của chiếc xe, và giảm đi rất nhiều sai sót trong việc đánh giá.

 

Câu chuyện này làm nổi bật thực tế rằng việc học hỏi từ những người khác có thể giảm đáng kể tỉ lệ thất bại của bạn. Bạn không cần phải tự mình tìm ra mọi thứ. Giống như Stanley, bạn nên thu thập tất cả các dữ liệu cần thiết từ môi trường của bạn, và sau đó vận dụng sự khôn ngoan của những người đi trước để có được lựa chọn tốt nhất. Tất cả những gì bạn cần làm là nhìn xung quanh để thấy hàng trăm, nếu không nói là hàng ngàn, những tấm gương đi trước cho mọi thứ bạn dự định lựa chọn.

 

Nếu bạn thực sự gặp một rủi ro và thất bại, hãy nhớ rằng nếu bản thân bạn không phải là một thất bại. Thất bại là thứ bên ngoài. Cách nhìn này sẽ cho phép bạn đứng dậy và thử lại lần nữa, và lần nữa. Thất bại có thể là do ý tưởng của bạn còn nghèo nàn, bạn không đủ thời gian để thực hiện, hoặc bạn đã không thể có các nguồn lực cần thiết để thành công. Theo Jeff Hawkins: “Bạn không phải là công ty của mình. Bạn cũng không phải là sản phẩm của mình. Rất dễ nghĩ theo hướng đó và cũng rất dễ bị mắc kẹt với nó... Nhưng nếu bạn thất bại, hoặc ngay cả khi bạn thành công, đó không phải là bạn. Công ty của bạn có thể thất bại, sản phẩm của bạn có thể thất bại, nhưng bản thân bạn không phải là thất bại.” Hãy ghi nhớ rằng thất bại là một phần tự nhiên của quá trình học hỏi. Nếu bạn không thất bại một lúc nào đó, thì có lẽ bạn đã chưa gặp đủ rủi ro để đối mặt.