Nếu Đời Anh Vắng Em

Chương 8: Chìa khóa thiên đường

Cuộc đời chúng ta là một cuốn sách tự viết nên. Chúng ta là những nhân vật trong tiểu thuyết luôn không hiểu tác giả muốn gì.

Julien GREEN

5 tháng sau

Thứ Hai ngày 21 tháng Mười hai - 7 giờ sáng

Nanterre, trụ sở OCBC

- Lần này sếp phải nghe tôi, thưa sếp!

Mái tóc bù xù, làn da nhợt nhạt, khuôn mặt khuất sau bộ râu nhiều tuần chưa cạo, Martin vẫn lảng vảng quanh phòng làm việc của trung tá Loiseaux.

Không hề dao động, vị giám đốc OCBC đứng chắn trước cửa, quyết chí không nhượng bộ cho cấp dưới.

- Cậu chẳng có việc gì ở đây cả, Beaumont!

- Chúng ta cần thảo luận.

- Chẳng có gì phải thảo luận cả. Cậu đã được chuyển sang Bộ Văn hóa cho tới tháng Hai.

- Tôi đã chán ngấy những nhiệm vụ ngu xuẩn của họ rồi. Sếp có biết hôm nay họ cử tôi đi đâu không? Đi Rouen để đào tạo cho nhân viên Bảo tàng Gốm sứ.

- Thì sao nào? Chắc chắn bảo tàng đó rất đẹp.

- Sếp đừng có giễu cợt tôi nữa, hãy cho tôi được xuống thực địa. Ở đó tôi mới thực sự hữu ích.

Vị quân nhân nổi cáu:

- Tự cậu đã đẩy mình vào mớ bòng bong này, đại úy ạ, và lúc này tôi hoàn toàn không mảy may muốn kéo cậu ra khỏi đó. Hơn nữa...

Ông ta ngừng lại một giây trước khi nói toẹt ra những điều bức xúc:

- Cậu nên ăn mặc tử tế lại đi, quỷ tha ma bắt! Cậu là một sĩ quan cảnh sát, không phải một học sinh trung học!

Martin thở dài. Đúng là trông anh cũng không được gọn gàng lắm: quần bò sờn rách, đôi giày Converse đáng ném vào sọt rác từ lâu, chiếc áo khoác da anh mặc cứ như một bộ da thứ hai từ mười năm nay. Chưa kể tới những quầng thâm quanh mắt và vẻ mặt lúc nào cũng thiếu ngủ.

Những tháng vừa qua quả vô cùng khó khăn. Cho dù bị tống vào xó tủ song anh vẫn tiếp tục tự tiến hành điều tra, gần như ngày nào cũng đi một vòng tìm các đầu mối săn tin, áp dụng đúng phương thức điều tra bọn buôn ma túy vào lĩnh vực nghệ thuật: cứ để cho những con buôn nhỏ lẻ vươn lên, rồi một ngày cần thiết sẽ gặt hái những đầu mối giá trị đủ để phá tan cả một đường dây. Anh đã kịch liệt phản đối khi bị tịch thu mật khẩu truy cập vào hệ thống thông tin, nhưng cho dù không phải là một hacker lão luyện, anh vẫn có thể tự xoay xở lấy trộm được mật khẩu và tiếp tục truy cập vào cơ sở dữ liệu bảo mật để có thể itếp tục cuộc điều tra đang khiến anh mê mải.

Đêm nào anh cũng ngồi trước máy vi tính hoặc vùi đầu vào mớ tài liệu. Anh đã lật lại toàn bộ thông tin điều tra được về Archibald, đọc lại tất cả các tài liệu thu thập được và thậm chí tự bỏ tiền đi khắp nơi để dò hỏi những người được cho là nhân chứng của các vụtrộm cũ. Đặc biệt, anh đã đọc ngấu nghiến các cuốn sách về tâm lý học và quay lại tìm các bác sĩ tâm lý đã từng khiến anh khổ sở thời còn ở Stups. Lấy cớ là đi khám bệnh, song kỳ thực anh đã hỏi họ về tâm lý của tên troọm. Giờ đây anh chỉ có một nỗi ám ảnh duy nhất: đặt mình trong tâm trạng của McLean, xâm nhập vào đầu hắn. Trở thành Archibald.

Từ năm tháng nay, tên trộm không hề xuất đầu lộ diện. Hết hẳn những vụ trộm và những đòn khiêu chiến! Martin cảm thấy mất cân bằng, như thiếu chất liệu sống. Rồi anh hiểu ra: sau bức chân dung tự họa của Van Gogh, lẽ đơn giản là Archibald chẳng còn biết phải lấy thêm gì nữa! Theo suy luận logic của hắn, mỗi vụ trộm cần chinh phục một đỉnh cao mới, mỗi tác phẩm đánh cắp phải khơi dậy được một niềm cảm hứng hay một khó khăn lớn hơn thì mới có thể giải phóng được lượng hoóc môn kích thích trong người hắn. Chưa tìm thấy cơ hội, tên trộm đành nằm chờ và Martin cũng bị buộc phải làm như vậy. Anh bắt đầu thấy thời gian dài đằng đẵng thì bỗng dưng tình hình đột ngột thay đổi khi thông cáo từ hãng Christie"s được gửi tới hộp thư điện tử của anh vào giữa đêm hôm trươc. Công ty bán đấu giá nổi tiếng này thông báo về một buổi dấu giá đặc biệt và bí hiểm tại San Francisco, đêm trước Noel. Sau vài cuộc điện thoại và tìm kiếm một chút, Martin tin chắc rằng Archibald sẽ lại hành động. Song kết quả điều tra của anh sẽ chăng mang lại ích lợi gì nếu Loiseaux không cho anh sang Mỹ.

- Beaumont! Cậu sắp nhỡ chuyến tàu đi Rouen rồi đấy!

Martin nhún vai. Viên giám đốc OCBC nhét một đồng xu vào máy bán nước tự động và chìa ra cho anh một cốc nhựa.

- Hãy nhận tôi về đội ngày hôm nay và tôi sẽ mang về cho sếp vụ án để đời trong sự nghiệp của sếp, anh cảnh sát trẻ hứa hẹn.

Loiseaux sáng mắt. Anh chàng này quả thực là một cảnh sát giỏi: chuyên gia trong lĩnh vực khoa học hình sự, anh ta là một trong những tác giả chính của hệ thống tàng thư gen của cảnh sát Pháp, được triển khai ngay sau vụ án Guy Georges. Những thành quả đứng đầu OCBC của anh ta thật đáng nể, song giữa ông và Martin chưa bao giờ có một sợi dây cảm tình, chủ yếu bởi vì ông chẳng hề có đam mê nào với nghệ thuật. Loiseaux chỉ làm việc vì tham vọng và coi chỗ đứng hiện giờ chỉ như một bàn đạp giúp ông vươn tới những chức vụ cao sang hơn.

- Vụ án gì đây?

- Bắt giữ Archibald McLean.

- Khỏi phải nói cũng thấy cậu thật cứng đầu!

- Mỗi người một sở thích chứ sếp.

- Lẽ ra cậu nên đến gặp tôi từ lần trước, Beaumont. Khi McLean vẫn còn ở Pháp.

- Được rồi, thế sếp có muốn bắt giữ hắn không nào?

Thay cho câu trả lời, Loiseaux mở cửa phòng. Martin bước theo, máy tính xách tay cắp dưới nách. Căn phòng thật lạnh lẽo và thiếu cá tính: một "phòng làm việc của sếp", rộng rãi và đa năng, bài trí theo kiểu một phòng họp nhỏ. Bên ngoài cửa sổ, thành phố Nanterre oằn mình dưới bầu trời xám ngắt. Chìm trong sương mù, các tòa nhà chọc trời khu Thị chính khiến người ta muốn thoát ly đi nơi khác. Martin nối chiếc Macbook vào màn hình treo tường và cho chạy những tài liệu minh họa anh đã chuẩn bị sẵn.

Hình ảnh đầu tiên là một ảnh chụp San Francisco từ không trung.

Loiseaux ngồi vào ghế.

- Thế nào, lần này hắn sẽ lấy gì đây, cái gã Archibald của cậu ấy? Cầu Cổng Vàng hả?

- Còn hơn thế, sếp ạ.

Tổng chỉ huy OCBC khoanh tay trước ngực và nhướng mày.

- Nghĩa là sao?

- Chìa khóa thiên đường.

° ° °

New York

Bệnh viện Staten Island

16 giờ

Căng tin của bệnh viện nằm ở tầng hai và nhìn xuống một khu vườn nhỏ phủ đầy tuyết.

Ngồi trên ghế dài kê cạnh một chiếc bàn đơn, Archibald McLean vẫn chưa đụng tới tách cà phê. Lưng gập xuống, khuôn mặt nhuốm vẻ mệt mỏi, hắn cảm thấy cô đơn, chán chường và tuyệt vọng. Từ nhiều tuần nay, những cơn đau nhói cứ liên tục xé nát vùng lưng và bụng hắn. Hắn đã sút cân, da ngả màu vàng ệch và chẳng còn thiết ăn uống gì nữa.

Sau nhiều lần trì hoãn, cuối cùng hắn cũng quyết định lấy hẹn tại trung tâm điều dưỡng này, hắn đã trải qua hàng loạt cuộc xét nghiệm ở đây từ hôm qua tới giờ. Người ta đã thử máu, khám ngoài bụng, siêu âm ổ bụng và thậm chí còn luồn cả một ống nội soi vào tá tràng. Người ta hứa sẽ trả kết quả và kếtl uận y khoa sơ bộ vào cuối ngày. Lúc này, hắn đã trút hết sức lực, đầu óc choáng váng đau nhức và chỉ muốn nôn.

Nhất là hắn thấy sợ.

Vào lúc cuối chiều như thế này, gian phòng căng tin rộng rãi hầu như trống trơn. Những bông hoa tuyết dán trên mặt kính, bổ sung cho những chi tiết trang trí Noel đã lỗi thời treo trên tường. Gần quầy bán hàng, giọng hát trầm trầm của Leonard Cohen cất lên từ radio khiến Archibald sửng sốt. Xúcđộng, hắn cố ép mình uống một hớp cà phê, dụi mắt rồi khép mi lại. Bài hát đã làm dậy lên trong hắn những kỷ niệm mà hắn vẫn thường phải cố xua đi. Những hình ảnh rực rỡ ánh mặt trời nhuốm màu hồi ức: một California vào đầu những năm 1970. Một thời kỳ sôi sục, tự do và thoải mái, vẫn đang rung lên nguồn năng lượng phản kháng và yêu chuộng hòa bình.

Một không gian thần tiên. Một cặp tình nhân trẻ say sưa bên vô lăng của chiếc xe mui trần.

Valentine.

Quãng thời gian của những tiếng cười, của tình yêu hòa hợp và vô tư lự.

Thời của Pink Floyd, của Gratefull Dead, của dòng nhạc rock phá cách và của San Francisco Sound.

Valentine, rực rỡ và tươi vui với cách cô gọi tên hắn bằng chất giọng Pháp của mình.

Quãng thời gian của những bữa sáng dùng ngay tại giường, những chuyến đi dạo bằng tàu thủy, những tấm thân, những trái tim quấn quýt với nhau.

Valentine, hơi thở của cô, hơi ấm của cô, những nụ hôn của cô vẫn còn in nguyên vết trên môi hắn.

Valentine, mái tóc cô buông lơi, nước hoa mùi oải hương và nhịp tim của cô hòa vào tiếng nhạc cùng cuộc try tìm những nốt ruồi duyên.

Quãng thời gian họ đắm mình trong hạnh phúc.

Rồi hình ảnh nhòa đi, mờ dần và tối sầm lại, niềm hạnh phúc bỗng nhiên như bị nhiễm nọc độc.

Archibald mở choàng mắt như vừa chợt bừng tỉnh. Hắn cảm thấy nghẹt thở, bị bao trùm bởi một nỗi buồn mênh mang như đang muốn nhấn chìm hắn, cái nỗi buồn mà từ ba chục năm nay hắn vẫn luôn phải chống đỡ. Chính vì nó mà hắn đã trở thành "Archibald McLean", tên trộm bị tất cả các sở cảnh sát trên thế giới truy nã. Sống trong nguy hiểm đã buộc hắn phải luôn cảnh giác, tỉnh táo. Đó là cách duy nhất hắn tìm được để thoát khỏi bóng ma của Valentine.

Một cơn đau xé lại dội lên sau lưng và dưới mạng sườn. Hắn cúi người về phía trước cho dịu cơn đau và thiếu chút nữa thì hét lên. Quờ tay phải tìm chiếc chai dẹt đựng rượu whisky nơi túi trong áo khoác, hắn mở nút rồi đưa lên miệng.

- Nếu là anh thì tôi sẽ không làm thế.

Như bị bắt lỗi, Archibald ngẩng đầu lên. Một người đàn ông dáng bệ vệ đứng trước bàn hắn, một tập hồ sơ bọc bìa cứng kẹp dưới nách.

° ° °

- Chìa khóa thiên đường, là cái gì? Loiseaux hỏi.

- Đó là một viên kim cương, Martin đáp. Một viên kim cương bị nguyền rủa và huyền bí, xung quanh nó có rất nhiều bí ẩn và huyền thoại.

Căn phòng của giám đốc OCBC ngập trong ánh sáng màu ghi của ngày mới rạng.

Martin nhấn vào một nút trên bàn phím và trên tường hiện lên bức ảnh một viên dá quý hình bầu dục lấp lánh một màu xanh thăm thẳm, được điểm một chấm màu ghi.

- Nó nặng 65 cara và dài khoảng 3 phân, viên cảnh sát trẻ nói thêm. Nhưng chính màu sắc của nó khiến người ta mê muội từ hơn ba thế kỷ nay.

Loiseaux nhìn chăm chăm lên màn hình, tò mò trước viên kim cương xanh.

- Viên đá này nổi tiếng vì mang lại bất hạnh cho người nào sở hữu nó, Martin giải thích.

- Nó từ đâu ra?

Các trang minh họa lại tiếp tục được lật, những hình ảnh hiện ra và Martin bình luận:

- Theo truyền thuyết, viên kim cương này được khai quật từ những hầm mỏ nổi tiếng ở Golconde, Ấn Độ. Được cẩn vào một pho tượng nữ thần, nó đã bị một tên cướp là Jean Baptise Charpentier đánh cắp tại một ngôi đền. Một hành động phạm thượng mà chính hắn đã trở thành nạn nhân đầu tiên.

Viên đại tá ra hiệu cho Martin tiếp tục.

- Charpentier mang viên kim cương về châu Âu và bán được nó cho vua Henry IV, song sau đó hắn đã bị một đàn chó dại chết. Về phần nhà vua, ngài cho mài viên đá thành hình trái tim và tặng nó cho Gabrielle d"Estrées, mối tình vĩ đại của ngài.

Một bức chân dung hiện lên trên màn hình: một phụ nữ trẻ xinh đẹp có mái tóc vàng và thân hình thắt đáy lưng ong.

- Vài ngày sau, người thiếu nữ được sủng ái đang có thai sáu tháng đột ngột qua đời trong một cơn đau dữ dội. Một số người cho rằng cô bị đầu độc, nếu không thì bị Quỷ siết cổ, bởi lẽ cô đã vô cùng đau đớn.

- Còn viên kim cương?

- Nó được chôn theo người chết, nhưng lại bí ẩn xuất hiện trở lại trên cổ Marie-Antoinette. Người ta kể rằng nó vẫn còn được đeo trên cổ Hoàng hậu khi bà bị bắt giữ tại Varennes...

- Thế đến thời kỳ cách mạng thì món trang sức đó thế nào?

- Chắc chắn nó đã bị đánh cắp cùng với toàn bộ các viên ngọc trên Vương miện nên đã tái xuất hiện tại Luân Đôn vào năm 1860, trong bộ sưu tập của một gia đình tư sản công nghiệp giàu có, vài năm sau đó, các thành viên trong gia đình đã phải nếm trải sự lụn bại do thứ báu vật kia gây ra: mất mát, sạt nghiệp, tử tử.

Một bức ảnh lâu đài Anh hiện ra tiếp sau là một khẩu súng cũ, một nhà chứa ở Luân Đôn, một ống tẩu cũ có vẻ nhưtừng thuộc về Sherlock Holmes.

Lúc này, Loiseaux đã bị cuốn theo câu chuyện. Như đang đọc một tiểu thuyết trinh thám hấp dẫn, ông muốn biết điều gì xảy ra tiếp theo và ra hiệu cho Martin tiếp tục.

- Chìa khóa thiên đường liên tục đổi chủ vào đầu thế kỷ XX. Một hoàng tử Đông Âu đã tặng nó cho một người tình là vũ nữ của Folies-Bergère và cô này sau đó chết vì một phát súng lục. Rồi khi hoàng đế Abdulhamid chiếm hữu được nó, chỉ vài tháng sau ông ta đã mất ngôi hoàng đế Đế quốc Ottoman...

- Cậu có chắc tất cả những chuyện này đã được kiểm chứng không? Loiseaux ngờ vực hỏi.

- Phần lớn câu chuyện là thật, thưa sếp, Martin khẳng định. Trong những năm 1970, viên đá đã từng lọt vào tay nhà kim hoàn Pierre Cartier, ông mài nó thành hình như ngày nay trước khi bán lại cho một nhà tài phiệt giàu có đang say đắm nàng Isadora Duncan.

- Cô vũ nữ?

- Phải, và chỉ vài ngày sau khi nhận được món trang sức này, người ta tìm thấy xác cô ở Nice, bị thắt cổ đo chiếc khăn quàng mắc vào nan hoa bánh xe mui trần của cô. Về phần nhà tài phiệt, ông ta đã mất toàn bộ gia sản và tự vẫn trong thời kỳ Đại Suy thoái.

Một vài trang đầu của báo chí lướt qua màn hình, đề cập tới cái chết của ngôi sao trong thời kỳ giữa hai thế chiến, theo sau là những hình ảnh về cuộc khủng hoảng kinh tế những năm 1930: những người vô gia cư xì xụp quanh những nồi xúp phát chẩn, những doanh nhân bị phá sản chỉ trong vài giờ đang lao xuống từ các tòa cao ốc.

- Sau đó?

- Viên kim cương lọt vào tay thương gia Joe Kennedy và đã trở thành món quà cưới được ông đem tặng cho người con trai cả Joseph, người đã được định sẵn ngay từ khi mới sinh rằng một ngày nào đó sẽ trở thành tổng thống Mỹ.

- Chỉ có điều năm 1944, máy bay ném bom của Joseph đã nổ tung trên biển Manche.

- Chính xác, Martin xác nhận. Một cái chết yểu đã quyết định số mệnh chính trị của người em trai là John Fitzgerald, cho tới khi đó vẫn là một thanh niên say mê nghệ thuật, yếu ớt, quan tâm nhiều tới báo chí và đàn bà hơn là chính trị...

- JFK có thực sự được thừa hưởng viên kim cương bị nguyền rủa đó không?

- Chưa ai có thể nói chắc về điều đó, Martin thừa nhận. Theo một số người, viên kim cương xanh lơ được tìm thấy trên cổ Marilyn Monroe vào đêm cô chết, theo một số người khác, JFK đã mang nó trong túio áo khi ông bị ám sát tại Dallas. Còn một số người khác thì quả quyết rằng Carolyn Bessette đeo nó vào năm 1999 khi chiếc máy bay riêng của chồng bà, John-John, rơi xuống Đại Tây Dương. Nhưng cũng chẳng có gì chắc chắn cả.

- Thế hiện nay viên kim cương đang thuộc về ai?

- Stephen Browming, tỷ phú Mỹ, hay nói đúng hơn là tập đoàn Kurtline, ông ta là cổ đông lớn nhất ở đó. Đó là một quỹ đầu tư rất mạnh của Mỹ mà cổ phiếu...

- ... vừa mới bị mất giá ghê gớm, Loiseaux đoán.

Thay vì xác nhận, Martin cho hiện lên màn hình một đồ thị cho thấy sự xuống dốc của tập đoàn này trên thị trường chứng khoán cùng với một thư điện tử thông báo buổi bán đấu giá viên kim cương Chìa khóa thiên đường sắp diễn ra. Rõ ràng là Kurtline đã quyết tâm từ bỏ viên đá quý...

- Vẫn còn có một điều mà tôi chưa hiểu: tại sao ai nấy đều cố chiếm hữu được viên kim cương ấy trong khi nó luôn kéo theo cả tấn thảm kịch?

- Chìa khóa thiên đường là biểu tượng của sự thanh khiết. Truyền thuyết kể rằng nó sẽ mang lại bất hạnh cho bất kỳ người chủ sở hữu nào không chung thủy hoặc tham lam. Trong trường hợp ngược lại, người ta cho rằng nó sẽ là suối nguồn của sự sống và may mắn.

- Thế có liên quan gì với Archibald McLean?

- Sếp nghe tôi đi, đa số các chuyên gia đều tin rằng viên kim cương đã mất tích, và dù thế nào thì nó cũng sẽ không bao giờ tái xuất hiện trên thị trường. Giá trị của nó không thể ước lượng được và giá cả sẽ vọt lên. Theo những thông tin tôi có được, một số nhà sưu tập sẵn sàng bỏ cả gia tài để mua được nó. Người Nga, người Trung Quốc... tất cả sẽ đổ xô vào vụ này và tôi dám cá rằng giá cuối cùng chắc chắn sẽ vượt trên 50 triệu đô la.

Loiseaux lắc đầu vẻ không tin. Martin không để cho ông ta có thời gian phản kháng:

- Đây không chỉ là một viên kim cương đơn thuần: nó là một huyền thoại, một ước mơ thực sự. Và đó chính là điều nhưng thu hút McLean hiện nay.

- Cậu có bằng chứng cụ thể nào không?

Martin quyết định nói bừa:

- Tôi chẳng cần bằng chứng: tôi biết rõ McLean như bản thân mình, tôi cảm nhận được những cảm nhận của hắn, tôi tư duy đúng như hắn tư duy. Tôi biết hắn có ý định đánh cắp viên kim cương, tôi biết hắn sẽ hành động như thế nào và tôi biết phải làm thế nào để ngăn chặn được. Hãy cho tôi liên lạc với FBI và để tôi tới đó điều tra.- Nếu không có bằng chứng cụ thể thì hết cách, cậu biết rồi đấy.

- Nhưng đội Chống Tội phạm Nghệ thuật biết chúng ta: năm ngoái, chúng ta đã giúp họ trong vụ trộm tác phẩm của Hopper và chấp nhận để một thanh tra FBI cùng điều tra với chúng ta. HỌ biết chúng ta đáng tin!

Loiseaux lắc đầu:

- Điều đó chẳng liên quan gì, lần đó chúng ta có đầy đủ mọi thứ: bản ghi âm các cuộc điện thoại, bám đuôi theo dõi, ảnh chụp... Lần này chúng ta chẳng có cái mốc gì!

Một khoảng lặng dài trôi qua giữa hai người. Với vẻ bề ngoài như một thiếu niên chậm lớn, Martin ngồi luôn lên mặt bàn kính của sếp và châm một điếu thuốc với vẻ khiêu khích.

Viên trung tá nhìn Martin độ lượng. Sáng nay, thái độ của anh chàng cấp dưới này sẽ chẳng thể nào khiến ông nổi cáu. Ông chỉ cảm thấy một nỗi buồn pha lẫn bực dọc.

- Khỉ thật, cậu đang chạy theo cái gì đây! ông bùng nổ.

Câu hỏi ấy như lửng lơ trên không trung, hòa vào làn khói thuốc. Loiseaux nhay lại:

- Cho dù một ngày nào đó cậu có bắt giữ được McLean, cậu nghĩ điều đó sẽ thay đổi được gì? Cậu đừng nghĩ rằng điều đó sẽ giải quyết được vấn đề gì trong cuộc sống của cậu, Beaumont!

Martin bật lại:

- Còn sếp thì sao, trung tá? Sếp thì chạy theo gì đây?

- Tôi chẳng chạy nữa, tôi cũng chẳng tìm kiếm gì, tôi đã tìm thấy rồi. Và từ một ngưỡng tuổi nào đó trở đi, mục đích của cuộc chơi sẽ là gìn giữ những gì đã đạt được.

- Thế sếp đã tìm được điều gì?

- Thứ tất cả mọi người đều phải tìm kiếm: phần còn thiếu của chính mình.

Martin chẳng muốn biết thêm gì. Anh đã được nghe tin đồn: Loiseaux mới chia tay với vợ và các con để chuyển tới sống với một nữ trung úy trẻ vừa mới chân ướt chân ráo rời trường cảnh sát. Một phút rửng mỡ? Một ảo tưởng đam mê? Một mối tình thực thụ?

Anh nghĩ tới Karine, tới những tin nhắn mà cô để lại trong hộp thư thoại mà anh chưa trả lời. Liệu cô có phải là phần còn thiếu của anh không? Không, anh chắc chắn như vậy. Song cái ý nghĩ đó cứ xoáy vào lòng anh như nọc độc từ một vết rắn cắn, làm những mảnh pha lê vỡ ngấm vào trong mạch máu của anh và làm nứt rạn bức tường đá bao bọc quanh tim anh. Trong một giây choáng váng, anh cảm thấy mất thăng bằng. Anh nhắm mắt lại và chợt quay trở về mười lăm năm trước, một buổi sáng mùa hè trời mưa, ở ga cuối sân bay San Francisco. Những sợi tóc ướt sũng quấn vào tóc anh, đôi mắt xanh lấp lánh dưới làn nước mưa, và một giọng nói van vỉ: Anh ở lại thêm đi!

Anh ở lại thêm đi!

° ° °

New York

Căng tin bệnh viện Staten Island

Bác sĩ Garrett Goodrich ngồi xuống trước mặt Archibald McLean.

Ông rải trên mặt bàn một số hồ sơ có kết quả các xét nghiệm mà ông vừa thực hiện.

Mặc dù đã được bác sĩ cảnh báo xong Archibald vẫn nhấc chiếc chai dẹt đựng rượu whisky lên và tu một ngụm rượu quý, cố tình khiêu khích hơn là vì thèm rượu. Chưa ai có thể ra lệnh cho hắn và chắc chắn không phải hôm nay sẽ bắt đầu có người làm được như vậy. Rồi hắn đóng nắp chai rượu bạc lại và nhìn thẳng vào mắt Goodrich.

Hai người đàn ông khá giống nhau: cùng độ tuổi, cùng vóc người, không hẳn rất cao lớn nhưng khỏe mạnh vững chãi. Cả hai đều có sức thu hút và nổi bật.

- Thế nào, tôi sẽ chết, phải không?

Theo thói quen, Archibald tìm cách đối đầu trực diện và thẳng thắn.

Goodrich trả lại ánh mắt cho hắn. Ông thấy có thiên cảm kỳ lạ với bệnh nhân này, coi ông ta cũng giống như một người anh trai, một người bạn, một tri kỷ... Nếu là ông thì ông sẽ muốn được thông báo như thế nào: một cách nhẹ nhàng hay sự thật trần trụi? Ông chọn cách thứ hai.

- Ông có một khối u ở tụy, nó đã bắt đầu di căn sang hạch bạch huyết và gan.

Archibald chấp nhận cú sốc đó không hề chớp mắt. Goodrich tiếp tục:

- Khối u đã lây lan tới mức không thể phẫu thuật được, và thành thật mà nói hiếm khi nào lại thấy có một khối u nan y như thế này. Để giảm những cơn đau vùng bụng của ông, chúng tôi có thể sẽ thử phẫu thuật tối thiểu hoặc hóa trị, nhưng tôi không chắc những phương pháp đó có hiệu quả hơn một liều thuốc giảm đau đơn giản hay không. Như vậy, nếu ông hỏi tôi về số liệu hay xác xuất, tôi buộc phải nói rằng cơ hội ông có thể sống qua ba tháng gần như bằng không.

Archibald nhắm mắt và cảm thấy tim thắt lại. Ít nhất lúc này mọi chuyện cũng rõ ràng: hắn đã bị dồn đến chân tường, buộc phải tham gia vào trận chiến cuối cùng mà hắn đã biết trước kết cuộc.

Trong một hồi lâu, hai người đàn ông ngồi đối mặt với nhau, không nói gì. Rồi Garrett Goodrich đứng lên gọi một chiếc ly không ở quầy và quay trở lại bàn, ngồi xuống. Đến lượt mình, ông cũng tự rót cho mình mộtly whisky và cùng uống với bệnh nhân của mình.

Lúc này, Archibald nhận thấy tim hắn đập chậm hẳn lại. Thật lạ kỳ, kết quả chẩn đoán căn bệnh nhận được trong buổi hoàng hôn này đã giải phóng hắn khỏi nỗi sợ: nỗi sợ về điều xấu nhất có thể xảy ra lại còn lớn hơn cả khi biết chắc điều đó.

Nỗi sợ chính là kẻ thù.

Muôn đời vẫn vậy.