Nếu Biết Trăm Năm Là Hữu Hạn

Sao Ta Sống Nổi Với Mình?

“Hãy tự hỏi mình xem điều gì sẽ khiến bạn tỉnh thức, và thực hiện điều đó. Bởi

cái thế giới cần là những con người đã thức tỉnh”

HOWARD THURMAN

Tôi từng là sinh viên ngành sư phạm trước khi trở thành nhà báo. Những ngày ngồi ở giảng đường, tôi chưa bao giờ hình dung về bản thân mình như một giáo viên, dù tôi rất yêu quý trẻ con. Tôi luôn cảm thấy có gì đó không đúng, như một chiếc bánh răng không đặt khớp trong cỗ máy đời mình. Rồi một ngày nọ, tôi gạt qua một bên những ngăn trở, hoài nghi, dè dặt của gia đình và bè bạn để trở thành phóng viên ở một tờ báo học trò.

Cho đến tận bây giờ, tôi chưa phút nào hối tiếc.

Và phần đông, tôi muốn nói là rất đông, những người tôi quen đã đạt được thành tựu và hạnh phúc với công việc vốn không phải là lựa chọn đầu tiên của họ. Họ đã từng chọn sai đường. Rồi họ bừng tỉnh, và rẽ qua một con đường khác.

Thế cho nên, đừng lo nhé! Nếu như bạn vừa nhận ra rằng mình đã đi sai đường. Hãy xem nó như một giấc mơ. Điều bạn cần làm bây giờ chỉ là tỉnh dậy.

Bởi cuộc đời này có quá nhiều điều thú vị mà chúng ta có thể trải nghiệm, nên việc chọn lựa không bao giờ dễ dàng. Đối với bất cứ ai. Thường thì để lựa chọn đúng, người ta cần một trong hai thứ: sự may mắn, hoặc là sự khôn ngoan.

Một người bạn vong niên từng nói với tôi rằng trí thông minh chưa chắc đã mang lại hạnh phúc. Nhưng sự khôn ngoan thì có thể. Khôn ngoan là biết cách phát huy tối đa năng lực và phẩm chất của bản thân để đạt được lợi ích một cách toàn diện, không chỉ về vật chất, mà còn về tinh thần, không chỉ danh lợi mà còn danh dự, không chỉ địa vị mà còn lòng tôn trọng và cả tình yêu thương. Khôn ngoan là biết tránh xa những gì có thể gây thiệt hại, cũng vậy, không chỉ về vật chất, hay danh lợi…

Sự thông minh mang tính bẩm sinh nên không phải ai sinh ra trên đời cũng thông minh. Nhưng tôi tin rằng ai cũng có thể trở nên khôn ngoan. Bởi sự khôn ngoan là điều chúng ta luôn có thể học, và luôn có cơ hội để học, bằng cách tích lũy từng chút một mỗi ngày, mỗi phút những kinh nghiệm từ chính cuộc đời mình. Hoặc, sẽ tốt hơn nhiều nếu chúng ta học được từ cuộc đời người khác. Từ lịch sử.

Thầy dạy văn của tôi từng nói rằng, mọi hỉ nộ ái ố của cuộc đời đều có trong thần thoại Hy Lạp. Đó là lý do vì sao đến tận bây giờ chúng ta vẫn đọc những tác phẩm cổ điển. Bởi vì nếu gạt bỏ những bối cảnh xã hội và tập tục có thể trở nên lạc hậu theo thời gian thì các nhân vật ở thời đại xa xưa kia không khác gì chúng ta cả. Công nghệ của chúng ta đã tiến xa nhưng những gì thuộc về bản chất con người thì dường như không hề thay đổi: tình yêu, hạnh phúc, lòng tham, sự đố kị, mưu đồ, tội ác, thất bại, thành công, hy vọng và sự tuyệt vọng…

Tôi từng nghe kể về một người. Một người bình thường. Anh suýt mất mạng khi nhảy xuống cứu hàng chục người lớn và trẻ em bị lật thuyền giữa dòng nước xiết. Bạn nghĩ người ấy làm điều đó vì ai? Vì những nạn nhân ư? Hay là vì tình yêu con người? Phải chăng anh đã hoàn toàn quên bản thân mình trong khoảnh khắc ấy? Khi mọi người xúm lại trầm trồ thán phục người đàn ông ấy thì anh làu bàu: “Có chi đâu mà nói. Nếu như dưới đó có cái thằng trộm đồ nhà tui thì tui cũng phải nhảy xuống cứu nó lên. Chớ không thì tui làm sao sống nổi với mình?”

Vậy đó. Đột nhiên tôi nhận ra rằng, rất nhiều người làm việc thiện nguyện hay một hành động dũng cảm đơn giản là vì chính họ. Và tôi mong tất cả chúng ta đều vậy. Chúng ta phải mang đến điều tốt đẹp cho người khác trước hết là vì sự thôi thúc của trái tim mình, thứ sâu kín thiêng liêng, ở bên ngoài danh tiếng và những lời hoa mỹ. Vì chúng ta không thể kìm lòng được, vì nếu không đến và xoa dịu nỗi đau của người khác, không đưa tay cứu lấy người khác trong lúc ngặt nghèo thì trái tim ta không thể nào thanh thản. Đó chẳng phải là một trong những phẩm chất nguyên sơ đẹp đẽ và kỳ diệu nhất của trái tim con người hay sao? Nếu lắng nghe lời chỉ dẫn từ nơi sâu thẳm đó, ta không thể nào đi sai đường được.

Chúng ta không thể mang lại hạnh phúc cho người khác, nếu chính bản thân chúng ta luôn hoang mang hoặc tràn đầy hối tiếc. Chúng ta cũng không thể thanh thản và hạnh phúc thực sự nếu chỉ sống, làm việc, học hành vì người khác - dù đó là những người ta vô cùng yêu quý - thay vì sống theo mong muốn của chính mình. Bởi thế, bạn thân mến, hãy luôn sống vì mình, và hãy sống vì mình một cách khôn ngoan.

Các chuyên gia tâm lý nói rằng 33 thợ mỏ Chilê sau khi được cứu sống sẽ phải đối mặt với rất nhiều thay đổi trong cuộc sống. Chẳng biết tốt hơn hay tệ hơn, nhưng chắc chắn đó sẽ là những thay đổi lớn. Bởi vì họ đã bị chôn vùi, đã tuyệt vọng, đã cận kề cái chết, và đã được cứu thoát. Họ như bừng tỉnh sau một giấc mơ dài và bây giờ họ tự hỏi “Ta đã làm gì với cuộc đời mình, suốt những năm tháng qua?”

Còn chúng ta thì sao? Lắm lúc chúng ta cũng sống một cách hoang mang bất định. Vậy tại sao chúng ta không tự hỏi mình câu hỏi đó, bây giờ? Chúng ta có chịu cúi xuống để nhặt lấy sự khôn ngoan rơi ra từ túi kinh nghiệm của người khác? Hay chúng ta cứ ngạo nghễ bước qua và đợi đến ngày chính mình bị chôn vùi rồi mới bừng tỉnh giấc?

Tôi muốn nói với bạn rằng, dù bạn còn trẻ và còn vô vàn cơ hội để trải nghiệm, thì cũng đừng bao giờ bỏ qua những hạt giống của sự khôn ngoan, đôi khi được giấu trong những điều vô cùng bé nhỏ, đừng bỏ qua những điều khôn ngoan trong lời nói của những người bình thường ở ngay xung quanh mình. Đôi khi, bạn không thể biết được, một lời nói tình cờ hoặc một câu danh ngôn được suy nghĩ đến đủ độ chín có thể làm thay đổi đời bạn ra sao.

Mấy ai biết được tôi đã học được nhiều đến thế nào từ câu nói bâng quơ của một người đàn ông dũng cảm vô danh. Tôi luôn vin vào hai câu hỏi đơn giản này để đi đến hết cuộc đời, để chọn lựa, để hành động, và để sống:

Nếu làm điều đó, sao ta sống nổi với mình?”

“Nếu không làm điều đó, sao ta sống nổi với mình?”