ái nhánh nhỏ của sông Sài Gòn này, bà con cũng gọi là sông- sông Thị Tính. Cái tên không rõ căn nguyên như gợi nhớ tời một người con gái nào đó xa xưa lắm. Có lẽ nó bắt nguồn từ núi Cậu hay núi Bà gì đó ở Tây Ninh, rồi xuôi chảy hết chiều dài của quận Bến Cát và một phần của quận Châu Thành. Nó nhập vào sông cái ở gần bến Bạch Đằng.
Tại thượng nguồn, nó bé như suối, hai bờ rậm rịt những khóm le. Càng về dưới càng béo ra. Đoạn rộng nhất chừng một trăm mét. Đã thấy nhiều cây cỏ lạ: chà là, sơn, móp, măng cụt, sầu riêng, vú sữa… Lác đác điểm những mảng đỏ bên bờ: những lò gạch, lò lu ngày trước còn sót lại, hoặc những cụm cây cháy khô vì bom pháo. Con sông đang chết. Cả ngày đêm chỉ nghe gió xào xạc trên lau lách, nghe ràn rạt nước lớn lại ròng. Tịnh không có một bóng người, bóng thuyền qua lại, ngoài mấy đám lục bình lững lờ dềnh lên dềnh xuống. Thảng hoặc ở một khúc nào đó thấy thấp thoáng đôi ba người lụi hụi trên bờ. Mấy cái tên ruộng, tên bưng nghe cũng buồn tẻ, lẻ loi, sũng nước: đồng Chèng Heng, đồng Tam Giác Ướt, đồng Sinh Tân.
Tìm một ngọn cây cao mà nhìn sẽ thấy hai bờ toàn một màu xanh hiu hắt của những dải rừng chồi hẹp mỏng và cỏ lậu sình lầy. Không có một vạt phù sa, một bãi mía, nương ngô như khúc sông quê xa. Một ngày vài bận, máy bay lên thẳng các loại từng tốp ba cái, sáu cái, bay là là dọc sông rồi vuốt nhỏ thành những chấm đen tan dần về hướng Biên Hoà. Âm thanh trầm đục của nó còn vẳng lại, lan toả như cái ngáp dài chán ngán cho công việc đều đều buồn tẻ này. Ở đấy làm gì có gì mà bay?
Những khi chiều xuống, nếu không có tiếng máy bay, tiếng súng nổ xã gần, thì dòng nước cứ gợi lên vẻ xa xưa, dĩ vãng buồn buồn.
Nhìn thấp xuống, vuốt ra xã: thấy những bóng người, bóng xe đan qua đan lại, mới nhận biết đó là lộ. Những con lộ nghe tên cứ thấy nao nao: lộ 13, lộ 2, lộ 16… chở theo những ấp chiến lược chia nhau mà kẹp lấycon sông hiền lành. Trong bạt ngàn cái đám lô nhô, lúp xúp đó lại thấy những cây cột nhỏ chụm hai, chụm ba, cao vượt lên, mới biết đó là đồn: đồn dân vệ, đồn bảo an, khu chủ lực, công sở nhà tề… Người non vía cứ tưởng những chòi gác cao lênh khênh giữa trời của nó như có mắt dòm về một hướng: sông. Và nếu có một du khách bay lững lờ trên cao, chắc sẽ quả quyết rằng: giữa vùng đất nửa đồng bằng nửa trung du này, đây chỉ là con sông nhỏ thơ mộng, nước trong xanh thay đổi theo con trăng hết ròng lại lớn, chứ đối phương làm sao mà tồn tại được? Xem chứng có lý: nếu có “cứ” Việt Cộng đi chăng nữa, thì khác chi một bát nước chấm nhỏ xíu trong mâm cỗ lớn. Chỉ xô nhẹ một cái, bát nước nhỏ cũng tan tành!
Lúc ấy có một chiếc ghe ba lá đang trôi sát bờ, lẩn khuất trong những vòm chà là nhoài ra mặt nước. Trên ghe có hai người. Người cầm giầm bơi, thân hình nhỏ bé, nước da đồng hun, miẹng cười thật rộng. Anh quạt giầm chầm chậm và khéo tới nỗi mũi ghe kẻ một đường thẳng băng trên mặt nước. Đôi lúc gặp những thân cây chằng chịt, ngại quành qua, chiếc ghe uốn éo luồn gọn như con lươn. Người ngồi mũi trẻ hơn, đôi vai rộng, có mái tóc bồng bềnh trước gió sớm và nước da hơi mét. Đôi môi tai tái nhẹ cười. Anh khoả tay xuống nước định ngắt một cánh hoa lục bình trôi ngược rồi lại đưa tay lên vuốt tóc, vuốt mặt khoan khoái. Có khi anh ngâm luôn bàn tay xuống nước như cái chân vịt, tạo thành luồng sóng nhỏ ngược lườn ghe.
Thấy người nhỏ bé cứ gật gù nhìn mình cười, người trẻ tuổi ngượng nghịu:
Cười gì tôi mà cười mãi thế, anh?
Người kia không trả lời, ngoảnh đi, tru miệng lại huýt gió nho nhỏ, đôi con mắt lim dim.
Anh cứ vậy tôi quăng lên bờ bây giờ?
Đừng nóng, chú em! Chút nữa biết mà! Rồi, vậy đó!
Cái ruột hôi rượu để ngoài da như ông mà cũng đòi bí mật?
Khà khà!...
Con sông này đẹp quá, anh Sáu ạ! Nhìn cái chố thoai thoải rợp bóng vú sữa kia, tôi ước mai mốt thắng lợi, xây một cái quân y viện thật xinh, sát ngay mí nước, để anh em ngày ngày bơi lội, câu cá thì… Nhất là những đêm trăng nhỉ? Thơ mộng quá!
Rồi! Vậy đó! Lãng mạn nữa! Thắng lợi thì về phố, về xóm mà ở, chứ bộ ở hoài đây, cha!
Người trẻ tuổi cười, thấy rạo rực bâng quơ: “Thắng lợi về phố…”. Nghe xa xôi quá!
Nè! Dòm ông bây giờ chả tưởng tượng nổi cái bữa người ta cáng ông về viện. Nghe nói nom ông như đứa chết rồi, quần áo sạch trơn, mồm thì lảm nhảm như say xị đế: “Cái gáy… Cái gáy...!"”Nè, gáy gì thế mày, Linh?
Linh phì cười. Cái “lão” Sáu Hoá này vẫn vậy. Ngay trong cuộc họp cũng đang “đồng chí” lại “ông ông, tôi tôi” thậm chí “mày mày” ngay được… Hồi còn là đại đội trưởng, gặp bữa đơn vị tập hợp học chính trị, Sáu Hoá đang định lảng lảng đi săn vịt thì thình lình tay chính trị viên vừa đôn ở quận lên chạy đến trước mặt anh, trịnh trọng báo cáo:
Báo cáo đồng chí đại đội trưởng, tôi, chính trị viên đại đội, tập hợp bộ đội xong, xin chỉ thị đồng chí!
Trước hàng quân, Sáu Hoá cũng lóng ngóng đứng thẳng người, mặt mũi đạo mạo trông tức cười lắm:
Được! “Ngoong” đó! Đồng chí cứ việc cho bộ đội mần đi!
Có tiếng cười khúc khích trong hàng. Tiếng cười ngày một lan ra như nồi nước sôi, khiến anh chính trị viên vừa ở phong trào lên, chưa kịp qua sở trường nào, nhăn nhó cả mặt mày. Sáu Hoá không hiểu gì, cũng ngoác ra cười, rồi lỉnh ra trảng…
Sáu Hoá quẳng cho Linh gói “Capstan”, mắt tinh quái:
Nè! Cầm lấy gói “Cho anh phát súng, tim anh nát” hút đỡ đi! Xuống sâu hút cỡ đó trở lên thôi…
Nén chờ cho Linh thở ra một khói tê mê, Sáu Hoá mới nói, giọng thờ ơ, có vẻ không quan tâm gì lắm:
Ông về với mình lúc này ngon quá! Cần một thằng chính trị mà gào rát họng, họ chả bổ sung. Còn tôi với ông, hai thằng quân sự cả, bảo nhau mà làm chứ biét sao? – Anh ta ngáp rất giả tạo- Chuyện đánh đấm nọ kia tôi lo hết trọi cho! Còn… còn anh chỉ cần ngồi nhà mần cho mình cái món chính trị, báo cáo báo mèo gì đó, nghe!
Giọng Sáu Hoà càng về cuối càng trơn truội đi, ngọt như dỗ kẹo trẻ con. Lại còn “anh anh, tôi tôi” nữa. Khôn ghê! Linh cúi nhìn đường sóng ở bàn tay, giấu đi một nụ cười.
Sau lần đập gáy thằng đại uý Mỹ tóc vàng đó, Linh đi viện. Nằm tới sáu tháng mới bình phục gọi là. Hôm sắp ra viện, Sáu Hoá bỗng ở đâu chạy xồng xộc đến, thoi liên tục vào vai, vào ngực, vào bụng Linh đau điếng, chân cứ nhảy choi choi:
Về! Về với tao, thằng nhỏ! Rồi! Vậy đó! Phân khu thưởng huân chương chiến công cho mày! Mày mắc gì mà mắt mở như ếch kẹt cạn vậy? Thưởng trận bắt sống cha đại uý Mỹ và mấy vụ vớ vẩn trước nữa. Ba láp thiệt đó! Chuyện quá trời như vậy mà chả ai hay biết gì cả? Bọn tao vừa rồi mới bắt liên lạc được với trên. Về tỉnh họp… Bây giờ gọi tỉnh chứ không gọi phân khu nữa nghen! Xé rồi… chuyện mày mới toé ra! Chui cha! Cái thằng Bảy Hoàng tham mưu trưởng tiểu đoàn bộ binh, cái thằng cha lém lốc đã chỉ huy tập kích vào cụm Mỹ, cái thằng đã nhìn thấy ông gục xuống cạnh bồng tạc đó, nó cứ ầm ầm lên như pháo cấp tập. Nào là: “Các anh làm ăn chả khác gì cái trò mèo!”… Nào là: “Người như thế mà mấy anh đối xử như tù binh!”… Nó nói mày đó! Nó lạ còn dứ dứ nắm đấm đồ nghề bằng trái sầu riêng về phía tao nữa: “Nếu bên mấy ông không xài thì đưa qua đây. Sang bên này làm đại đội trưởng ngon lành!".”. Thằng cha hộ pháp ấy càng chửi, tao càng khoái. Khác chi nó nịnh cánh đặc công chúng mình, hả? Tuy vậy, để giữ thế, tao cũng nhăm nhe nắm đấm lại, trong bụng lại nghĩ: “cẩn thận giữ miếng chứ nó đấm trúng một cú, dám đầu bay qua bên kia sông lắm!”.
Lúc ấy có một cô y tá đi qua, nhìn cái điệu bộ loi choi của Sáu Hoá, cau có:
Đồng chí ở đâu tới đây mà như ở chợ vậy?
Sáu Hoá thoắt im bặt như đứa trẻ bị bắt lỗi. Anh lấm lét nhìn cô y tá đi qua một đoạn rồi mới nói khẽ:
Thôi đi! Đi lẹ lên!
Đi đâu, anh Sáu?- Linh hỏi mà cứ bấm bụng cười. “Xuống tới đây mà ông ấy vẫn chưa hạp với đàn bà
con gái”.
Ủa! Quên nữa chớ! Tiểu đoàn cũng xé rồi! Thành ba “xe” trực thuộc luôn tỉnh. Vậy gọn nhẹ, phù hợp với địa bàn tác chiến hơn.
Anh lên trợ lý ban đặc công à?
Không! Mấy ông hẻo cán bộ, đưa mình xuống nắm một “xe”. Mày là phó của tao. Chịu hông?
Linh hơi lặng đi:
Đã mất mát nhiều thế rồi kia, anh?
Rồi, vậy đó! Đã nhằm nhè gì so với sáu tám, mày?
Anh Cầu còn đó không?
Ổng về ban chính trị làm tuyên huấn rồi!
Thế còn… ‘bê’ trinh sát của tôi?
Về “xê” mình hết!
Còn… còn Kiêu?
Thôi đi! Khắc đi khắc biết! Cái thằng bê bối ấy, tao giần cho nó một mẻ, nó biết lỗi rồi. Khai trừ đảng, hạ chức. Đang nằm ở Ban tham mưu. Ủa, chút quên! Thằng trời đánh hộ pháp nó gửi cho ông đây! Nó hẹn bữa nào tới thăm mày. Cái thằng! Mồm miệng thía lia mà có vẻ khoái mày lắm!
Sáu Hoá lôi trong bồng ra cỡ nửa tá đồ hộp Mỹ nhỏ, to:
Chiến lợi phẩm hôm ấy đó!- Anh lại vơ cả vào bồng- À mà thôi, đi đã!
Linh lóng ngóng quay vào định xin phép bác sĩ phẫu trưởng, nhưng bị Sáu Hoá kéo xệnh xệch:
- Khỏi, khỏi, đi đã! Đi về quê tao, tao hô bọn con gái bồi dưỡng cho. Mập mấy hồi! Dính dáng tới mấy thằng cha bác sĩ chú sĩ này lôi thôi lăm!
Và sau ba đêm liền lặn lội theo giao liên, sáng nay Sáu Hoá đang chèo thuyền chở bạn trôi lênh đênh trên con sông quê anh. Họ tới “cứ” xã hiệp đồng công tác. Hai “cứ” cách nhau chừng non nửa tiếng hú mà phải chờ lúc thuận lợi nhất mới dám thả ghe.
Sáu Hoá lại tủm tỉm cười. Cái miệng nhậu nhẹt của anh mà tủm tỉm thì trông không mê được. Nó như bà già trát phấn.
Rồi, vậy đó!
Lại “Rồi, vậy đó”. Kệ, cứ cho ông úp mở đi.
Sắp tới chưa ông?
Con rạch ở cuối khúc cua kia kìa! Rạch Bần đó!
Nắng đã ngập nửa sông. Nắng đã sáng nửa bờ, nửa hàng cây, nửa sình lầy. Nước đang lớn líp bờ. Cảnh vật như bức tranh tô màu dở. Linh hít sâu cái không khí sớm mai có lẫn cả cái vị tanh dìu dịu của gió sông vào ngực, rồi cởi áo:
Anh cứ chèo, tôi bơi một đoạn nhé! Thèm nước quá!
Nói rồi, Linh chao mình ra khỏi mạn thuyền.
Cái ghe ba lá mất đà lạng vào bờ rồi lại găm thẳng băng. Một lát thấy đầu Linh nhô lên ở trước ghe, há miệng phun ra một vòi nước lấp loáng, cái miệng nhoẻn cười, hàm răng trắng loá. Sáu Hoá thẩn thơ huýt sáo nho nhỏ nghe hoà vào gío. Ai cũng biết rõ: Khi nào anh vô cớ huýt sáo chẳng điệu nào ra điệu nào thế là trong lòng anh đang có xao động. Hồi thằng Tùng còn sống, nó hay trêu anh: “Để im, để im nghe tơ lòng tiểu đoàn trưởng đang kết tủa”.
Linh vẫn nhè nhẹ sải tay bơi, một bên má áp lên sóng, trườn đi. Âm thanh trong lòng nước nghe quen thuộc quá. Như có cả tiếng cá đớp bóng, tiếng tôm búng gió đâu đây. Anh úp sấp mặt, tay vờn trong lòng nước mà vẫn nghe nắng sưởi nơi lưng. Sau anh, nước xé ra thành muôn con sóng bé, lượn lờ tới giữa sông.
Chiếc ghe dừng lại bên một gốc chà là um tùm, có những trái tròn gia góc đung đưa. Linh nhìn qua vòm lá ken sít nhau, thấy có khoảng đất bằng, cũng lồi lõm những rễ cây và rãnh sình. Đâu, người đâu? Chả thấy dấu hiệu gì cả.
Sáu Hoá bẻ mấy cành lá che ghe, rồi nháy Linh bước lên. Đi lom khom được mấy bước, Linh mới thấy lấp ló vài bóng người đang ngồi trên mặt ván bắc qua những rễ cây, nước đang mấp mé liếm nhè nhẹ vào những đôi dép mềm đế mút. Trên đầu, một tấm ni lông đen đã lỗ chỗ, mắc thật sát. Trên ni lông, những cành lá đùng đình xoè ra phủ kín mít. Ăn ở kỹ thế này, người tới tận nơi còn không hay, huống hồ máy bay?
Linh vừa tò mò quan sát vừa khom thật thấp lưng bước theo Sáu Hoá vào lán. Một người đứng tuổi hơn cả, đầu húi cao, những ngọn tóc loè xoè phủ xuống vầng trán đã có nhiều nếp nhăn, đang nói cái gì nghe chậm rãi như đọc kinh. Ông có hàm răng rất đều và cái cằm vuông lấm tấm những chân râu bạc sớm. Khuôn mặt hiền hiền, hơi mệt mỏi đó lại nằm trên cái cổ gầy ngẳng có mấy vết lang ben trông tồi tội thế nào ấy. Ông này chắc nông hội hay kinh tài của xã đây. Người ngồi cạnh trẻ hơn, mặt mũi hồng hào, có cặp lông mày rậm và sắc như lưỡi mác, khuôn mặt cương nghị, cái miệng mím lại quả quyết. Từ con người, từ dáng ngồi, ánh mắt anh, người ta thấy toát lên một sức mạnh tiềm tàng và sự điềm tĩnh tới lạnh lùng. Một nhân vật có bản lĩnh và từng trải. Chắc cán bộ ở trên xuống? Còn người ngồi hơi xây lưng lại, cái đầu có mớ tóc trắng cúi sát xuống quyển vở. Linh còn nhớ: Chú Tư đi cùng với Năm Thuý… Không ngờ mình lại về hoạt động ở xã của chú!
Thấy động, người đang nói ngẩng lên. Bỗng ông nở một nụ cười hiền khô, làm đẹp cả khuôn mặt như suốt đời đau ốm:
Mấy tay đặc công có khác. Hèn chi vào tận nơi không ai hay. Mới tới, Sáu Hoá?
Dạ! Mạnh giỏi anh Tư? Xuống hồi nào vậy, ông Ba?
Sáu Hoá thoải mái bắt tay hết lượt. Anh quay lại, chỉ Linh:
Đồng chí Linh mới về đơn vị. Tôi dẫn xuống làm quen luôn.
Linh đang lóng ngóng chưa biết đứng đâu ngồi đâu thì Sáu Hoá đã kéo tuột Linh vào ván, giới thiệu om xòm:
Đây là anh Tư, tỉnh đội trưởng, biệt hiệu “Lãnh chúa rừng chồi”!
Linh hơi giật mình. Người đứng tuổi bắt tay anh rất chặt, mắt nhìn trìu mến như muốn nói: “Có! Tôi có biết đồng chí”
Còn đây là anh Ba! - NGười có khuôn mặt cương nghị và sang trọng ung dung gật đầu. Chắc đây là Tư lệnh phó quân khu miền đông quá - Quận trưởng, tiểu đàon trưởng mới chuyển qua đó! Sau này ta liên hệ nhiều. Rồi, vậy đó! Còn đây là chú…
Chú Tư giơ tay phẩy phẩy ra điều:”Rồi, khỏi giới thiệu. Chúng tôi biết nhau rồi mà!”.
Sáu Hoá làm xong công việc đó, sà ngay xuống rót trà uống chẹp khà vẻ thú vị lắm:
Trà khá đó! Những loảng nghẹt rồi! Pha bình khác mấy ông! Trà ai vậy? Mùi là lạ.
Tỉnh đội trưởng cười cười, mở bồng ra lấy gói trà vuông nhỏ xíu, amù vàng vàng:
Tay này biết thưởng thức dữ! Vừa họp ở Quân khu về, các anh ấy cho. Trà Hà Nội đó!
Hà Nội hả? Hà Nội thì ngon quá xá rồi!
Sáu Hoá gật gù có vẻ khoái lắm.
Linh bỗng thấy ngường ngượng. Chết thật! Cái ông Sáu này, ở đâu cũng vậy, chả kể lạ quen, trên dưới gì cả, cứ ào ào như ở đơn vị. Ở đây có cả thủ trưởng tỉnh đội mà… NHưng xem ý anh Tư ra chiều vui vẻ lắm. Cả anh Ba quận trưởng nữa, cũng bớt đĩnh đạc đi, vỗ vai vỗ vế ồn ào. Ừ, cái phong độ bên ngoài cũng qun trọng thật. Trước kia nghe đồn Sáu Hoá là công vụ cho ông Sư trưởng nào đó. Một ông sư trưởng nghiêm nhất miền. Vậy mà có tí thuốc men, trà đá, sữa đường tiêu chuẩn cao cấp nào thì ông cũng làm một điếu; ông làm hớp trà, Sáu Hoá cũng làm hớp trà… cấp chỉ huy trưởng các trung đoàn lên họp, giờ nghỉ, Sáu Hoá cũng xáp vô ngồi choi choi tán chuyện vui vẻ lắm. Tưởng vậy, ông sư trưởng sẽ lắm điều bực mình. Nhưng không, chưa ai thấy ông chau mày hay rầy la chú công vụ loắt choắt một lời. Tới khi đưa Sáu Hoá xuống đơn vị, ông tiễn ra tận cửa rừng rồi quay về, mặt buồn rười rượi. Người ta còn quả quyết trên khuôn mặt nghiêm dễ sợ của ông còn đọng lại cái ngấn của giọt nước mắt nữa. Con người hồn nhiên quá! Chả bao giờ thấy anh buồn. Ngay cả tâm sự nỗi buồn riêng tư cũng không có nữa. Có, thỉnh thoảng về ban đêm có bắt gặp anh nho nhỏ huýt gió trên võng. Cái buồn của người vô tư nó cũng dễ chịu.
Linh thu gọn người lại. Lần đầu tiên tiếp xúc với cán bộ địa phương anh cũng thấy hay hay. Chả biết ai vào ai cả. Nó có cái gì xuề xoà thoải mái như gia đình. Thì đó! Nếu không giới thiệu, khi bước vào dứt khoát mìn sẽ lễ độ chào anh Ba trước, rồi mới miễn cưỡng chào ông Tư tỉnh đội trưởng sau.
Sáu Hoá lại ngồi nhịp giò ầm ầm, chợt cất cao cổ lên, ngó qua ngó lại:
Ủa! Đâu hè! Thấy ghe ở đây rồi mà… À! Bếp hả? Chắc bữa nay có cá nhồi ruột khổ qua nhậu lai rai đây! Anh quay lại Linh, mặt thản nhiên – Nè Tám Linh! Cảm phiền xuống bếp lấy giùm ấm nước sôi coi!
Linh thở ra. THú thực anh ít tích chỗ đông người, nhất là những người lạ. Gò bó lắm! Anh bước qua những rễ cây nhẫy sình, xuống một cái lán vuông nhỏ xíu bằng chiếc tủ đứng. Mái lán có mấy làn khói nhạt vật vờ trong lá cây.
Một cô gái đang ngồi xây lưng lại chụm lửa, mái tóc buông xuống ngang lưng. Thấy che mất ánh sáng, cô gái quay nhìn lên. Linh đứng dừng lại, muốn ngạt thở. Anh thốt lên:
Chị Năm!
Anh Tám!...
Thuý từ từ đứng lên, cặp má ửng đỏ, mắt vời vợi nhìn anh, nét môi hơi tái đi, run run:
Tưởng anh không bao giờ về nữa! Giọng nói ấy thoáng rưng rưng. Rồi chị đứng im, nhìn và không nói được gì nữa. Giây phút ấy Linh thấy lòng bỗng dưng xao xuyến. Anh định nói một câu gì đó thật dịu để đáp lại cái nhìn kia. Nhưng anh lại im lặng. Phải rồi, trong lúc tôi gặp hoàn cản khó khăn, chị đâu có cần biết đến. Anh không dám nhìn thẳng vào đôi mắt ấy, quay đi, khẽ nhếch miệng cười rồi nói một câu bâng quơ:
Bếp không có chút khói nào. Nấu khéo quá!
Năm Thuý chớp chớp mắt, giọng thoang thoảng:
Anh ốm đi nhiều quá!
Linh chợt thấy lòng dịu đi… Ngay lúc đó tiếng Sáu Hoá váng lên:
Cái thằng! Nói đi lấy nước mà chắc dăng võng ngủ luôn dưới ấy quá! - Tiếp theo là tiếng cười khùng khục.
Linh vội vàng xách siêu nước lên. Một dòng nước sôi réo xèo xèo ngay dưới chân Thuý.
Thuý!... Tôi xin lỗi – Anh ngượng ngập chui ra.
Cặp mắt tinh quái của Sáu Hoá cứ lấp lé chiếu vào anh. Cả đôi mắt nghiêm nghị của anh Ba quân trưởng nữa, cứ hết nhìn Linh lại nhìn xuống bếp, rồi lại nhìn Linh như muốn thăm dò, đôi lông mày rậm chau lại.
Đặt ấm nước xuống, Linh ngồi im. Một cảm giác dễ chịu nhen lên trong anh. Anh Tám!... Tám Linh… Tám trinh sát… Cái tên gọi này, mới nghe sao bỡ ngỡ, gọi hoài thành quen. Nghe “Nam bộ” quá đi thôi! Cái dòng sông địch hậu âm thầm rờn rợn này cứ tưởng rằng làm gì có sự sống. Thế mà chỉ cần bóng dáng đậm đà của một cô gái đang lui cui bên bếp lửa, đã đủ để dòng sông mát mẻ, sáng sủa trở lại; làm yên tĩnh những tâm hồn đang trăn trở hoang mang. Linh thấy tan đi cảm giác bàng hoàng của sự lẻ loi, trống vắng, bị bỏ rơi những ngày đầu xuống đây. Anh bất giác ngồi xích lại Sáu Hoá… Thuý đẹp ra. Hình như cái nắng gió sông nước đồng bằng đã gọi dậy tất cả cái vẻ đẹp con gái đang còn ẩn tàng nơi chị. Sau cái lần nghe được những lời bình phẩm về Thuý, Linh thấy con người chị có cái gì hay hay thu hút, thấy hiểu hơn. Ừ, sao hôm nay thấy cái miệng có duyên lạ! Môi trên mỏng, môi dưới thu lại xinh xinh vừa vặn để đưa cái khuôn cằm thật tròn, thật mịn ra. Khoé môi hơi cong xuống khiến mỗi khi im lặng, cái miệng như nhõng nhẽo…
Một cái phát mạnh tới sụn vai:
Thấy “điểm" chưa? Người ta cứ nhắc tới cái anh có đôi mắt to hoài hoài đó!
Linh giật mình nhìn lảng đi, lại bắt gặp cái chau mày của anh Ba quận trưởng. Ơ hay! Sao thế nhỉ? Ông không thích bông phèng sao? Im! Xem nào… "… Tay tham mưu trưởng tán dóc nổi tiếng này, cha quận trưởng to con như Mỹ này, tất cả đều bị nàng cho bay nhè nhẹ…”. Có phải anh Ba này không? Linh nhíu mày. Bước đầu xuống không nên để người ta nghi ngờ nọ kia. Phiền lắm! Nhưng sao đôi mắt nhìn mình là lạ, lọ dầu vắt U.S và lời nhắn tìm hồi trước nữa… Thôi, đừng ngộ nhận! Mình là cái thá gì? Chẳng qua là nhớ công cứu nạn. Suy cho cùng, trong chiến tranh cái nào là công, là ơn?
Vừa lúc ấy có tiếng ghe ràn rạt luồn vào bờ. Một người trạc tuổi Sáu Hoá nhảy phắt lên. Anh ta vận cái quần cụt đen dài tới gối, ông rộng thùng như là quần bà ba cắt ra. Cái áo cũng đen, hai túi dưới căng phồng giấy tờ. Mạt mũi gầy nhom, rỗ hoa nữa hay sao ấy? Tóc húi cua thật cao để lộ cả mảng trán dô, nom ương bướng. Nhưng riêng đôi mắt lại sáng quắc lên như đang lên cơn sốt rét.
Nhìn thấy Sáu Hoá, anh ta cười. Cái cười có hàm răng khấp khểnh vừa xởi lởi vừa duyên duyên, dễ gây cảm tình. Sáu Hoá cũng cười, cười hết cỡ miệng. Hai cái cười vừa giống vừa khác nhau đầy vẻ thân mật. Trước đây có một lần được Sáu Hoá nhắc tới thằng bạn nối khố hiện nay là phó bí thư huyện uỷ ở quê. Dân chịu chơi số dách. Khều được lên đây làm chính trị viên tiểu đoàn thì tuyệt cú mèo! Chả lẽ lại là cái anh chàng này? Trông như tay giao liên lè phè.
Thằng “Sáu còi” hôm nay móc bà già được bộn tiền hay sao mà mồm miệng chèng bèng ra thế? - Người mới tới có giọng ấm và trầm thật bất ngờ.
Chờ mày ra bưng về xem có gì tươi không? “Đế” chứ, “Sáu Dô”?
Đôi bạn “Sáu Còi” – “Sáu Dô”! Khéo thật! Anh này lắc đầu rồi đưa cặp mắt tìm tìm… Đụng chú Tư, cặp mắt sáng hơi tối lại.
Từ dưới ghe lại bước lên người nữa. Người này cao lớn kềnh càng, cũng quần cụt đen. Mặt nửa già nửa trẻ, lầm lầm chả chào hỏi ai. Một bên mép ngậm điếu thuốc rê bằng ngón tay trỏ, mép kia hơi kệnh lên, khói từ đó phun ra ào ào. Anh đen thui như người Thượng. Đôi con ngươi đục đục nằm im như mắt giả. Tay xách cây M.79 với băng đạn vàng chói, nịt chéo qua ngực. Trông là biết tướng gan lì – Linh nhận xét.
Nhảy một bước tới người ấy, dù rướn chân, Sáu Hoá cũng chỉ đứng tới cổ. Anh hoạnh hoẹ:
Hứa cho cây M.79 mới lượm đâu, mày? Tao đổi cho mười trái cối tép, chịu không?
Anh ta không thjay đổi nét mặt, bấm lẫy an toàn cây M.79, giúi thẳng vào tay Sáu Hoá. Sáu Hoá nở mày nở mặt, nháy nháy với Linh:
Mười Đảnh, xã đội trưởng đó! Đừng tưởng nó cho cây súng mà mừng đâu? Tới đây làm ăn không ra gì, nó đòi lại hai cây đó! Thằng lù lì mà nghĩ chắc như ván đóng ghe!
Mười Đảnh vẫn không mở miệng. Anh ngồi bệt xuống một cái rễ cây, mồm mũi thay nhau nhả khói khét lẹt. Túi sau quần cụt có cục gì gồ lên như khói thuốc rê thì phải?
Sáu Hoá đang phởn phơ xoay ngược xoay xuôi cây súng, thỉnh thoảng hứng lên, anh tỳ báng súng vào đùi, lắp đạn, lên đạn bằng một tay như bọn xạ thủ Mỹ ưa làm, thì đầu ghe lạng đi: một cô gái cỡ tuổi Thuý, nhưng lực lưỡng hơn, bước lên. Sau Hoá bỗng luống cuống ra mặt, cái miệng cười thật xả láng của anh thu lại tự lúc nào. Anh len lét lỉnh ra sau, vô ý vấp rễ cây, tõm chân xuống hố, bùn bắn tới đầu. Không ai để ý thấy, ngoài cô gái ấy. Gò má cô bỗng ửng đỏ lên. Linh chút bật cười. Cái ông này xưa nay chả biêt sợ cái gì nhưng đứng trước con gái lại ngơ ngơ như bò đội nón, chân tay mồm miệng cứng queo như bị nắn gân.
Cô gái mới tới, nghe Sáu Dô gọi là Thanh, thứ hai – Hai Thanh – y tá kiêm xã đội phó. Chị cúi tấm lưng chắc lẳn xuống, gấu quần bà ba được thả ra từ từ che đi đôi bắp chân tròn trịa, nở nang, có đường gân nhỏ xanh xanh. Không hiểu giọt mồ hôi hay nước đang nhấp nhánh ở cái thái dương có lọn tóc dính bết vào cặp má bầu bầu, lấm tấm đôi vết tàn nhang? Chị đi xuống bếp, để Thuý lên họp.
Ghé sát tai Sáu Hoá, Linh trêu:
Anh tìm gì dưới hố bùn đó?
Vấp đó mà! – Anh nói phào phào như người xưa nay chưa hề biết nói lớn là gì, rồi ngồi vào góc ván trong cùng, huýt gió vẩn vơ – Cái gì thế nhỉ? Linh thoáng hỏi.
Gom lại mần đi, trễ rồi – Sáu Dô giở sổ ra – Anh Tư dự luôn chứ ạ?
Các bạn cứ làm đi. Mình đi hái nắm rau sơn, chút nữa ăn ghém chơi!
Ông cởi quần dài nhoài xuống nước. Cái đầu húi cao của đồng chí tỉnh đội trưởng nhấp nhô ở bụi sơn bên kia rạch.
Tôi đã đi rà lại mấy cơ sở. Dân tình không đến nỗi như đồng chí bí thư báo cáo đâu – Anh phó bí thư huyện uỷ xoáy cặp mắt rất sắc vào chú Tư – Cái “Việt Nam hoá” của nó tuy thâm độc thật, kìm kẹp gắt gao thật, nhưng bà con đâu đã đến nỗi nào. Thử hỏi các đồng chia đã chí cốt bám lưng bám ấp mà nhen lại phong trào chưa? Ngay cả đảng viên mật cũng nói, cả quý nay không nhìn thấy bóng cấp uỷ công khai đâu cả. Thế là thế nào? Nói thiệt - giọng Sáu Dô găng lên, sắc ngọt - thằng cán bộ cứ ngồi một chỗ mà nhận định tình hình, mà thủ tiêu tính cách mạng tiến công thì chỉ toàn thấy địch mạnh, ta yếu, địch lùa ta chạy thôi. Chi bộ mà thoát ly quần chúng thì còn gì là chi bộ nữa? Người dân sống giữa lòng địch họ cần được nhìn thấy các đồng chí, nghe tiếng nói các đồng chí. Điều này có phải mới nahức đây đâu. Thằng địch nó chỉ chờ mấy ông co lại là bày rượu nhậu chơi thôi! Càng co lại, nó càng được trớn nống ra, chứ bộ giữ được lực à?...
Chú Tư ngồi nghe lặng thinh, vẻ nhẫn nại, đôi lúc húng hắng ho. Khi Sáu Dô ngừng lời, chú khẽ nhìn Linh bằng con mắt mệt mỏi, rồi ậm ừ lên tiếng:
Đề nghị huyện uỷ giúp biện pháp cụ thể, chúng tôi thấy khó quá!
Anh Ba quận trưởng lúc ấy mới giụi mạnh đầu thuốc xuống ván rồi búng ra mặt nước. Anh nói nhỏ nhưng nghe cứ sang sảng:
Kế hoạch xã có rồi, thông qua rồi, thường vụ chỉ ra từng điểm cụ thể rồi, mà sao lại còn hỏi biện pháp?
Chú Tư lại ho nhẹ, cặp lông mày nhướng cao, dồn sâu nếp trán, nhưng mắt lại trĩu xuống. Nhìn chú Tư ngồi cạnh mọi người như cha ngồi bên các con, Linh thấy tồi tội… Cán bộ đảng ở đây họ làm sát sạt thật, nói không hề thương xót. Thường vụ huyện uỷ đang quần cấp uỷ xã đây! Anh Ba nghe nói cũng là phó bí thư huyện uỷ, phó bí thư một nữa kia. Trong chiến tranh, các cấp quận, xã ở đây không có cấp chủ tịch, người xã đội trưởng, quận đội trưởng kiêm nhiệm luôn thì phải. Gọi tắt là xã trưởng, quận trưởng, cũng có phần đúng.
Linh thoáng bắt gặp Thuý đang nhìn chỗ rách ở bả vai áo anh, Linh khẽ xoay người che đi nhưng vẫn cảm thấy ánh mắt ấy dán chặt vào người. Anh lại xoay lại và không nghe thấy gì nữa, cho tới khi anh Ba nói tới tên mình:
-… Đồng chí tỉnh đội trưởng rất quan tâm tới xã điểm của các đồng chí nên kiên quyết đưa đại đội đặc công của đồng chí Hoá, đồng chí Linh xuống đây hỗ trợ. Cấp uỷ phải dấn lên. Làm sao khẩn trương gây được chi bộ, chi đoàn mật, mở mảng mở vùng để tới đây làm ăn lớn nữa chớ! Thời kỳ bám trụ vĩnh viễn qua rồi. đã tới lúc phải quật lại từng đòn một. Lai rai rập rạp là mất thời cơ đó, các đồng chí ạ! Chúng ta hy sinh tổn thất quá nhiều rồi… - Giọng anh Ba lắng xuống – Lúc này nằm im là có tội lớn! Dần dần lớp già chúng mình chết đi, chẳng còn ai biết tới lịch sử, tới nguyên nhân cuộc kháng chiến, tới ta thù, tới tất cả những lý lẽ thiệt hơn, chỉ còn lại bọn trẻ đánh lộn nhau năm này qua năm khác sao?
Anh chém sống tay xuống ván, nói như mệnh lệnh:
Chính trị và vũ trang, hai bạo lực đều phải đấm một lúc, đấm dữ dội. Có sầy vẩy cũng cứ đấm! Làm thối ruột nó ra. Ngay từ chiều nay, các đồng chí pahỉ có ở địa bàn. Ngay cả đồng chí… Anh bỗng chuyển giọng nhỏ đi, mắt nhìn ra sông – Ngay cả đồng chí Thuý, quận cũng tăng cường xuống giúp các đồng chí đẩy mạnh mặt dân quân du kích lộ và mật. Phải đập mập mình chúng nó lên!
Thuý nhìn nhanh Linh rồi lại cúi xuống bẻ ngón tay. Con mắt ra ý nói: “Thế là tôi cũng sẽ sống cùng với anh, anh thích không?”. Còn Linh, anh đang rạo rực nghĩ tới trận đánh sắp xảy ra.
Sáu Dô mỉm cười hỏi anh xã đội trưởng:
Về mũi quân sự, đồng chí Đảnh thấy sao?
Mười Đảnh buông một tiếng khàn khàn:
Mần tới số thôi!.
Và điếu thuốc khác hình sâu kèn đã lại gắn lên môi anh.
Anh Ba xoa xoa tay có vẻ thích thú trước câu trả lời đó, trong khi chú Tư hơi liếc nhìn Đảnh rồi lại nhìn sang Linh, ngụ ý: “Anh là người mới tới. Rồi anh sẽ hiểu cả. Cuộc sống này khó lắm”. Linh nhìn vuốt lên, nắm tay siết chặt cọc lán, mắt nheo nheo. Coi thường hết! đánh đến cùng!.
… Khi mọi người đã xuống hết ghe, tỉnh đội trưởng cũng vừa mặc xong quần áo. Ông đứng trên bờ vuốt tóc, nhìn mọi người cười hiền hậu. Vẫn cái cười có hàm răng đều làm tươi tắn cả khuôn mặt tưởng như bệnh yếu quanh năm. Mãi tới lúc mái giầm khoét sâu xuống nước, ông mới rủ rỉ như cha dặn dò con đi chơi xa:
Ráng giữ lòng tin, các bạn nhé! Muốn tin ở thắng lợi trước hết phải tin mình, tin quần chúng. Vậy nghen!
Linh bám rễ cây leo lên ván, thở phì phò. đằng sau anh, dòng sông gần về sáng, nước dừng ăm ắp một màu trắng như sương. Trên mặt sông, sương phủ trắng như nước. Sương khuya và nước trồn hoà vào nhau. Linh vừa bơi một vòng ra giữa sông. Buổi sáng mát làm dịu những sự suy nghĩ căng thẳng, thấy sung sức, tự tin hơn. Ngay trong cái mỏng manh tưởng như thổi một cái là tan, con người vẫn bình thường hoá cuộc sống được mới là điều hết sức nên làm. Chả có gì quan trọng cả. Chết thì thôi. Sống, phải cho đàng hoàng, đỏm dáng một chút. Gian khổ cũng vơi đi.
Sau khi nhét võng vào trong bồng, nhét bồng vào túi nilông, rồi nhét cả cái túi đó vào một túi nilông lớn hơn, buộc chặt lại, Linh đứng lên chạc ba gốc cây, nhìn ra ngoài bưng. Đã thấy bóng mấy người dân mờ mờ đánh xe bò ra đồng. Tiếng bánh xe lăn ọc ạch ken két vang xa. Địa thế chênh vênh thật! Chỗ Linh đứng là dải cây thấp lúp xúp, dày chừng hơn mười thước. Tới nữa là đường bò, là bưng, là ấp chiến lược, là đồn bốt san sát. Gần lắm, tưởng như thằng lính trong đồn nhểu mũi to một cái, ở đây cũng nghe thấy được. Sau lưng là sông nước mênh mông, xa tít bờ trên kia là đất Củ Chi – An Phú Đông, lả lướt những hàng dừa. Địch ở bờ bên kia, địch ở bờ bên này, địch ở giữa sông. Nếu lộ, trên dập xuống, dưới hất lên, hết đường thoát! Chỉ còn ăn nhau ở cái kỹ càng của nghệ thuật ngồi “thum”. Ngồi im lìm hết ngày này sang ngày khác để chờ giờ hành động. Ngồi không được ho, không được nói chuyện, không được rung cây, không được để khói, không được hút thuốc thơm (thuốc rê thì được vì mùi khét của thuốc hoà với thuốc của người dân làm lụng, đi lại ngay đường bò). Xung quanh chỗ ngồi thum, xã đã gài dày đặc trái: trái pháo lép lượm ngoài gò, trái tác đạn, trái thủ pháo, trái ống bơ đồ hộp Mỹ to nhỏ, mang về xạc thành tự động hết. Gài trái nhưng không dám cắm bảng tự địa bằng những miếng can trắng xác có vẽ những chiếc đầu lâu hom hem để ngăn chặn dân, để dậm doạ lính sục bừa vào như ở “cứ” gò. Địa bàn này mà làm vậy khác nào “Lạy ông tôi ở bụi này”. Chỉ cần ba phi vụ trực thăng là tan xác pahó! Thật đúng là cuộc sống ở bờ ở bụi, trốn chui trốn nhủi, căng thẳng từng giờ, như cá nằm trên thớt. Liệu có kiểu bám trụ nào táo bạo hơn thế nữa không? Chắc chỉ còn cách ém hầm mật ngay trong lòng ấp nữa thôi. Có lẽ do đó mà không thể ở đông được. Tất cả chín người chia làm hai cụm để ém!
Cái thiết yếu bậc nhất là hầm, mà cũng đành chịu. đất ở còn không có, đất đâu mà đào? Hầm nổi đắp trên mặt ván bằng sình đáy sông để tránh miểng cũng không ổn. Bất cứ cái gì gồ lên khang khác một chút so với hàng cây thấp tè mọc sát bờ sông đều là mục tiêu của thám báo, của máy bay lên thẳng các loại, của tàu Mỹ tuần tra liên tục trên sông, của bộ binh với những cuộc càn hàng tiểu đoàn có cả xe bọc thép. Linh thầm cảm phục những con người hết lớp này tới lớp khác ăn dầm, ở dề tại dải đất mỏng tang này. Tuy vậy, cái “thế trứng để đầu đẳng” ấy lại khiến Linh vừa rờn rợn, vừa thích thú. để rồi xem, thiên hạ sống được, mình cũng sống tốt. Thế mới vỡ ra: Trên đời, chả có gì là con người không làm được. Cứ phải xông vào cơ, ngồi mà tưởng tượng chỉ còn cách bó tay.
Ở đây thấy tâm hồn thật đơn giản, sự suy nghĩ thẳng băng. Cả ngày đêm đầu óc chỉ tập trung lo lừa nhau với nó từng miếng trong trò chơi ú tim chết người, còn thì giờ đâu mà vẩn vơ cái khác? Mấy anh chàng trí giả, trí thức gì đó ở ngoìa đấy nếu muốn hết chán đời, chán sống, muốn đi tìm cái bất di bất dịch tạn cùng của sự sống thì xin mời vào đây. Chỉ một ngày thôi, ací đầu sẽ cụ thể lành mạnh ngay. Linh suy nghĩ điều này một cách thú vị.
Đang miên man, chợt có tiếng tróc lưỡi nho nhỏ ở dưới. Linh buông nhẹ cành lá khô che đầu, bước xuống cho Lang lên thay.
Giữa ván đã để sẵn gô cơm gạo mới thơm ngào ngạt và mấy lát đậu đũa, đậu xương rồng chiên dầu đậu nành rải lên trên. Bên cạnh là lọ mắm nêm thấp cổ, màu vàng vàng, có mấy chú cá nhỏ nằm chung với những miếng thơm, củ cải, đu đủ. Kế đó có đặt cái can năm lít. Anh cậy miếng nắp can cắt gần rời, gắp một cọng dưa móp õng vàng như đầu đũa đưa lên miệng. Chua chua, ngai ngái… Sao giống dưa cải mẹ hay để phần khi đi học về muộn thế? Sau này nếu còn sống nhất định phải kể lại cho mẹ nghe về một bữa cơm ở vùng ven đô nó ra làm sao…
Mọi người đã yên lặng ăn xong bữa sáng từ lúc nào. Nồi niêu, đũa bát, bếp rờ sô (bếp dầu nấu tránh khói), đồ ăn rau cỏ (ở kế ngay bưng, rau xanh đâu có hiếm) đã đem ém xuống hố, phủ lá lên trên.
Những thùng gạo đại liên đã đóng sẵn nắp sẵn sàng quẳng xuống nước, nếu có động. Quẳng xuống đó rồi, nếu quên, ba năm sau mò lên, gạo vẫn còn thơm. Mỗi người đang ngồi dựa vào gốc cây đã chọn sẵn, bồng, súng để ngay bên. Buổi sáng ngồi thum bao giờ cũng bắt đầu như thế. Xem ra thật thong dong, yên tĩnh, nhưng trong lòng mỗi người có biết bao điều ngổn ngang.
Dưa lạt quá, Linh gắp một con mắm đưa lên miệng. Con cá nhỏ mằn mặn cứng ở đầu lưỡi, ngợp nhanh cái vị tanh tanh, hôi hôi. Thuý đang nhìn anh chăm chú. Phải tập tất cả để thích ứng với cuộc chiến đấu mới mẻ này. Hãy bắt đầu từ con mắm nêm! Anh nhai mạnh răng. Ái chà!... Trong miệng ngầy ngậy tất cả các vị mắm tép, mắm tôm, đỗ tương, mắm cáy… Anh đệm miếng cơm to. Cũng hay! Thuý rụt rè đưa ra mấy lát khổ qua tahí mỏng, ruột trắng, vỏ xanh. Linh gườm gườm: Và bắt đầu ngay cả từ những khoanh mướp đắng nằm không giống thứ gì này nữa. Anh gắp cả khổ qua, cả mắm, cả dưa và một lèo… Thuý cúi xuống che một tiếng cười thật nhỏ, chỉ thấy mái tóc khẽ lắt lay. Trong lòng chị, miếng áo rách của Linh đã mạng sắp xong… Chị ngẩng lên, miệng còn mủm mỉm. Cười mỉm mà cái lúm đồng trinh cũng rõ thế? Linh đưa con mắm nêm thứ ba lên miệng…
Cùng ém với Linh có Sáu Hoá, chú Tư, Thuý và Ma Hồ Lang, liên lạc kiêm xạ thủ B40. Hai cậu kia cùng với Mười Đảnh và Hai Thanh ém ở cụm cây bên phải. Hai bên, nếu đứng dậy có thể quăng mạnh được thuốc cho nhau.
Linh chiêu một ngụm nước trong can rồi cũng ngồi dựa vào một gốc cây, đối diện với Sáu Hoá, mắt muốn thiu thiu… Còn phải ngậm tăm từ giờ tới ngọ, qua cái cao điểm lính ưa càn, máy bay ưa quần, mới tính chuyện nọ kia được. Dài quá! Có lẽ sau một năm ngồi thum kiểu này, mình sẽ trở thành kiên nhẫn ghê gớm (đứa tính của thiên tài mà!).
Khác với lần ém ở trên kai, nếu phải thum kiểu này là Sáu Hoá bực bội lắm. Như con cọp trong cũi nhỏ, anh ngọ nguậy liên tục, đang ngồi phệt, lại ngồi xổm, xổm chân lại xếp bằng tròn, đùi rung tít như đang nhậu, ngồi đã lại nằm xuống, tay chân co quắp như con tôm hơ lửa… Vậỵ mà từ hôm xuống đây, anh trầm hẳn đi, miệng hay huýt gió thầm (nhận được là do thấy cái môi dẩu ra và đầu lưỡi lo le giữa hai hàm răng ám thuôc). Anh hay ngó mòng về phía ấp, con mắt như có khói. Anh nói nhà anh ở đó, còn ông bà già trồng thuốc, xắt thuốc. Thằng em trai hy sinh năm ngoái ở chiến trường Cam-pu-chia, cánh đồng Đầm-be-oát-thơ-mây gì đó. Anh nói sơ sơ vậy thôi, chứ nếu muốn hỏi thêm, đừng hòng anh trả lời. Hỏi chuyện vợ con, anh càng khó chịu. Linh nghĩ: con người này sinh ra để cầm súng chứ không phải con người tình cảm, tình thương…
Gốc cây kia, chú Tư cũng đang lặng lẽ hút thuốc. Người già ưa sống bằng kỷ niệm, ngồi thum thế này chắc hạp lắm. Sao trong đáy mắt chú có gì đo phiền muộn? Anh Sáu đang cũng tâm trạng với người bí thư tuổi tác này sao? Linh vội xua ngay ý nghxi anỳ. Sống chết với nhau lâu rồi có phải ngày một ngày hai gì nữa? Hồi còn tập trung đánh lớn ở chủ lực, nhiều hoàn cảnh ứa nước mắt hơn nữa chứ. Dù cho ở đây dằng dai, căng thắnguốt ngày đêm nhưng anh đã tận đường tận lối đâu. Hay anh đang chán nản, bực bội vì trên điều xuống làm đại đội trưởng nganh hông. Trên, mấy ông “nhà nước” cũng sử dụng … ấy quá! Không! Không có lý. Người anh cả dễ tính, đại lượng của tiểu đoàn đặc biệt tinh nhuệ này xưa nay trưởng thành lên nhờ sự dũng cảm gần như abnr năng. Nhiều khi trong sanh hoạt, anh quên cả cương vị mình là cái gì, đang đứng trước ai. Thì vừa rồi, trước khi xuống đây, trên định giữ lại làm tham mưu phó trung đoàn, anh có chịu đâu. Được về quê hương làm thằng lính hay du kích du cót gì cũng khoái. Anh nói vậy. Có lần anh ngây thơ hỏi Linh:
Nè! Cấp tớ là tiểu đoàn bậc phó, giống như cái gì ngoải?
Thượng uý! Bằng đại uý hoặc thiếu tá bên nó!
Sáu Hoá tẽn mặt ra một lúc rồi cười lỏn lẻn:
Dữ hung! đại uý Sáu Còi! “Ngoong” quá ta, hè!
Một năm rười trời xuống đồng bằng, anh đã dẫn đơn vị len lách đi hầu hết các quận trong tỉnh. Tiểu đoàn đã làm ăn không kém. Hơn một chục mục tiêu hiểm hóc, ngoan cố bị san bằng. Trận sau ăn ngon hơn trận trước. Anh chỉ trầm đi mỗi lần ở trận về, thấy thiếu hụt dăm ba đồng đội. Nhưng cũng chỉ thoáng qua như oơn mưa rào trên sông. Anh lại vô tư lao vào sào huyệt bọn ác ôn như cậu bé Hoá “còi” say mê đi trâu đánh trận giả trên bờ sông Sài Gòn nhiều lau lách ngày nào. Bọn tiểu khu đã rải truyền đơn chiêu hồi, dậm doạ anh, đã hứa ai hạ thủ được tên tiểu đoàn trưởng “lọ lem” của việt cộng sẽ trọng thưởng. Bắt sống được, phần thưởng lớn hơn. Một bồng, một súng lặn lội hết gò này đến bưng khác, anh vẫn sống để chứng kiến đồng đội ngã xuống và kẻ thù gục ngã trăm lần hơn. Con người như vậy làm sao có thể… À, hay là… Một phán đoán chợt loé lên trong đầu Linh. Hay là con người ấy đang phải lòng ai? Có thể. Từ hôm Linh về đây, anh thấy giữ Sáu Hoá và cô y tá có gì là lạ. Anh đùa, anh trêu tất cả mọi người, nhưng đứng trước mặt cô gái vạm vỡ, anh lại xìu xuống như đứa trẻ con nhút nhát. Còn Thanh, mỗi lần đưa ký ninh bắt uống phòng, cứ ngồi chờ anh chiêu nước uống hẳn hoi rồi mới quay ra. Có lần thấy chị lén giặt quần áo cho anh trong khi Sáu Hoá còn ngáy vo vo trên võng sau một đêm lặn lội. Mà ánh mắt chị nhìn anh thế nào ấy: vừa như an ủi vừa như thương xót. Mỗi lần gặp ánh mắt ấy, Sáu Hoá lại lúng túng tới nổi nóng vô cớ, để cả quần áo nhảy ào xuống sông bơi đi đâu mãi một lúc mới về. Anh đang cố che giấu cái gì ẩn kín trong lòng? Có lần Linh mớm hỏi, anh cười ục một cái - Vẫn cái kiểu cười tạc đạn ném xuống bùn.
Rồi, vậy đó! Thằng nhỏ nói nghe sướng chưa? Người ta còn trẻ, còn đẹp hơ hớ thế kia, thân phận thằng loắt choắt, mồm thì rộng, mắt lươn này ai dám màng! Coi chừng không thì “người với ngợm dòm mắc ói mà bày đặt hỏi ý kiến hoài” thì lại quê một cục!
Hình như hai Thanh nghe lõm bõm được câu đó. Chị nguẩy người, quay mặt ra sông. Thế đó! Ở bụi, ở lùm kín bưng, mỗi khi có tâm trạng gì, ngoài sông ra còn chỗ nào thoáng để dàn trải tâm tư nữa.
À mà cũng nói vu vơ lạp xạp vậy thôi, chứ người như Sáu Hoá ai tin phải lòng ai. Suốt những năm tháng ở rừng, trong ngàn chuyện tâm sự, anh chẳng hé nửa lời bàn về đàn bà con gái, yêu đương này nọ. Anh như “kỵ” cái món đó.
Ông trung đoàn trưởng có lần đùa:
Đặt thằng Sáu ở cạnh phụ nữ hàng nửa tháng, nó cũng chẳng có cảm giác gì. Đối với nó, đàn bà hay đàn ông đều như nhau hết trọi, cũng chỉ đầu mình, chân tay…
Có những buổi liên hoan văn nghệ sau chiến dịch, các cô ở đoàn bộ thấy dạng cục kịch của Sáu Hoá, cứ thích trêu:
Đề nghị anh Sáu “bô trai” hát tặng chị em một bài đi!
Sáu Hoá lùi sâu vào góc tối, đai miệng ra làu bàu:
Hát tặng chị em…- Rồi anh lỉnh mất.
Thấy Sáu Hoá ngó mông ra đám lục bình đang dính đuôi nhau, trôi ra biển không dứt, Linh cười cười, xé miếng giấy cuốn thuốc, rút bút bic, ghi: “Anh thương Năm Thuý nhiều phải không?”.
Linh liếc nhìn Thuý rồi ném mảnh giấy sang. Sáu Hoá nhặt lấy, lẩm bẩm đọc, rồi lắc đầu, vo viên mảnh giấy búng ra sông. Viên giấy dập dềnh trôi dạt vào chỗ Thuý. Chị lơ đãng đưa tay ra… Linh vội khoả tay xuống nước đánh sóng ngầm: viên giấy lảng đi. Thuý ngước lên. Anh giả vờ vục cả hai tay xuống kỳ cọ, tau cứ nóng ran. Chút nữa thì mất mặt!
Nhìn viên giấy lặn mất trong sắc xanh bèo lục bình, Linh chột dạ: Mình trêu anh ấy hay chính mình đang… Ngắm những giọt nắng đang bướng bỉnh cưỡi lên muôn lưng sóng nhỏ, nhất định không chịu trôi theo, anh lan man nghĩ về những cô gái đang ém cùng. Từ hôm xuống tới giờ, lu bu quá, mình chưa có dịp chuyện trò nhiều với Thuý. Chỉ có lúc rảnh rỗi thì lại phải “câm”. Quái lạ! Sao đôi mắt cô ấy như là… gì nhỉ? Khó tả quá! Tại sao mình ngài ngại nhìn vào mắt Thuý? Cặp mắt Hương cũng đẹp lắm, thơ ngây lắm nhưng mình có thấy cảm giác này bao giờ đâu. Cái nhìn sâu thẳm, cái nhìn như biết nhắn nhủ, nó cứ hút hút như xoáy nước ấy! Thuý chưa chắc đã đẹp bằng Hương nhưng hình như bên trong cô ấy có cái gì làm mình… Ờ! Ai lại đi so sánh với một thiếu nữ Thủ đô, một cô sinh viên với một cô gái ngày đêm lặn lội với phong trào… Ừ! Hay chính cái chất dạn dày lăn lộn đó? Kìa! Bàn tay có những ngón trăng trắng xanh xanh đưa mũi chỉ khéo quá, miếng mạng cứ hiện dần ra như những nốt ren. đẹp quá! Thuý đẹp thật. Hèn chi mà thiên hạ chả dòm ngó! Tay quận trưởng nữa. Hắn cứ chau mày nhìn mình…
Thôi, dẹp chuyện vớ vẩn ấy ra một bên! Cuộc sống này phải cứng như thép mới tỉnh táo và tồn tại được. Dính vào ba cái đó yếu người. Nhưng mà… các dáng ngồi khâu kia nom hiền hoà duyên dáng làm sao! Như ngồi trong phòng nhỏ ấm cúng, chứ đâu phải ngồi giữ bốn bề nguy hiểm. Cai thân hình học trò kia đã có lần cũng lột quần áo, vận mỗi cái nịt ngực và quần đùi, chui rào theo con trai đấy ư? Thịt da trắng thế kia phải thoa tới hai cục pin đại chắc mới hoà được vào màu cây cỏ trong đêm? Giỏi thật! Linh thích nhìn Thuý khi nai nịt đi công tác. Khẩu K54 đựng trong cái túi vải bạt Mỹ may thật khéo, thắt chéo qua vai làm căng bộ ngực thanh xuân, khiến chị đẹp hơn lên – cái đẹp của cô lính chiến, cái đẹp của người có duyên thầm, càng ở lâu càng phát hiện thêm những nét mới mẻ. Một thứ… Ờ hay nhỉ? Linh tự cười mình. Làm cái gì mà cứ đi xét nét nhan sắc con gái như hồi còn ngồi ghê nhà trường vậy? Nhưng … cô ấy… khá đấy!
Linh chầm chậm nhìn tất cả các khuôn mặt. Chênh vênh hiểm nghèo thật đó, nhưng sao cảm thấy như được chiến đấu trong một gia đình: có trai tráng, có phụ nữ, lại có cả ông già; có nếp nhăn hằn sâu, lại có những đường khâu duyên dáng; có mắt nhìn mệt mỏi và có cả những mắt nhìn mượt mà… Giá có thêm một bếp lửa bập bùng, và giọng học bài trẻ con nữa…
Có hai đứa trẻ, con nhà ai đang chèo ghe đi hái rau móp, mũi ghe dồn sóng trào cả lên mặt ván. Bốn con mắt lay láy cứ sục sạo trong các bụi lùm sát ngay chỗ thum. Mọi người nép sát, thu thấp người lại, vin lá che đi. Tiếng cấu cuộng móp tanh tách. Nếu mấy em phát hiện ra chắc phải gọi lại nhắn dụ đừng nói ai hay rồi cũng thả ra. Nhưng ngay sau đó phải chuyển cứ, mệt lắm! Sống giữa lòng địch, biết ai hay, ai dở? Dù tin mười mươi cũng phải cảnh giác. Có khi chỉ một câu vui miệng khi về nhà mà ở đây đổ máu. Cũng may, chú Tư đã chu đáo tự hái hết móp non xung quanh cứ nên lát sau chiếc ghe lảng đi, những đôi mắt vẫn mải miết tìm tòi. Chà! Nếu được vẫy mấy đứa nhỏ lại nói chuyện chơi nhỉ? Thằng bé em trông ngộ quá! Ở rừng lâu ngày, thèm trẻ con đến ghê người…
Thuý vẫn níu cành lá che kín mặt, nhìn Linh cười như muốn hỏi: “Anh có ớn không?”. Chiếc răng lẫy nhỏ xíu ló ra làm sáng cả màu lá. Linh mỉm cười theo. Chuyện đổ máu có lúc lại thành trò chơi.
Trời có vẻ nóng bức rồi. Linh vừa định chợp mắt đi một chút thì cậu gác quay xuống, mặt tái đi, nói lập cập:
Lính! Lính… gần lắm!
Nhanh như điện, tất cả quay mặt lại bưng, lợi dụng thân cây, súng chuyển trên tay. Chú Tư lập cập rút khẩu K.54 ra. Sáu Hoá nhoài lên trước với trái tác đạn nằm lạnh ngắt trong tay. Anh đã trở về với cương vị chỉ huy của mình. Linh nhẹ lẫy cây M.79. Anh liếc sang: Năm Thuý đang áp mặt lên báng cây Ả.15 mái tóc che mất má, chỉ lộ ra con mắt nhìn mượt như không, cái miệng hé ra bình thản. Linh bỗng díu mắt lại, không nên căng thẳng thừa, dễ thành ngô nghê lắm.
Tiếng lạt xạt đến gần. Gần nữa. Cây lá rung động mạnh, rồi một đế giầy bốt-đờ-sô đỏ bùn hiện ra. Đôi thứ hai… Đôi thứ ba… thứ tư… Sau những vòm lá lẩn khuất, thấy những nét mặt căng thẳng và những con mắt lồi ra. Chúng bước rón rén như đi trên rào gai. Lá cành bật vào những chiếc nón sắt kêu coong coong. Những mũi tiểu liên lăm lăm…
Chưa bao giờ Linh thấy rõ mặt mũi, thể xác của bọn lính nguỵ như thế này. Đánh đêm, thấy cái bóng đen nào khang khác một chút là lao vào đánh, bắn, đâm túi bụi chứ có nhìn thấy gì đâu. Kẻ thù trừu tượng bao giờ cũng gây một cảm giác rờn rợn. Nó không có hình khối, không có con người cụ thể, mà chỉ là cái gì vượt lên, ám ảnh rất chung chung. Phải nổ súng gấp không nó chụp lên đầu! Vaỵa thôi. Lúc này kẻ thù bằng xương bằng thịt lần lượt diễu qua. Anh có thể đoán được tuổi chúng, phân được nước da đen hay trắng, phán đoán được đầu óc chúng nghĩ gì nữa. Rất người! Cũng như bọn Linh thôi, nếu không có những cái quần túi chéo chật chội tới khổ sở.
Thằng đi đầu bỗng cúi xuống gậy gậy lên mặt cỏ. Bọn đi sau ngồi thấp xuống, súng quay ra rặng cây. Tháng trung úy dong dòng cao lách lên, cũng ngồi xuống...
Lành lạnh hết người: chết, đêm qua đi nghiên cứu về, ngụy trang đường mòn không kỹ, để ngọn cỏ bì rạp xuống rồi! Anh ngoảnh nhìn Sáu Hóa mặt vẫn lạnh tanh. Con mắt hấp háy chuyển màu xám chì ghê sợ. Linh thấy vững dạ.
Thằng trung úy còn rất trẻ, ngẩng lên nhìn vào như thấy tất cả và cũng như chưa thấy gì. Sau đó, thằng diện đài PRC.25 đã đưa ống nói lên miệng. Và tên xạ thủ M.72 đã đặt cây súng chống chiến xa lên vai. Họng M.72 đen ngòm to dần ra như họng đại bác, phả hơi lạnh lẽo vào mặt Linh.
Anh nhích đầu M.79 cho gắm đúng thằng chỉ huy và điện đài. Ấy không được! Loại phóng lựu US này bắn gần quá không nổ. Anh nhẹ rút tạc đạn. Ném vượt qua ngọn cây chậm lắm, chúng nó tránh được. Phải để hai giây trên tay rồi quẳng ra. Dập được đầu thằng chỉ huy, thông tin và hỏa lực là nó trớn. Chúng nó đều như thế hết! Bị phủ đầu, chúng sẽ dang ra củng cố và dộng M.79, cối cầu vồng vào. Không có hầm, chui xuống gầm ván tránh miếng. Trừ khi cối thả đáo thì chịu chết chứ trật nửa mét nhưng xuống bùn ăn thua gì. Dập xong một loạt, chúng sẽ nhào vô. Đánh nữa, đành bằng tất cả các loại súng, tạc đạn, mìn trái chấm điện...
Thằng chỉ huy chắc mới ở trường võ bị ra, còn trơn lông đó da lắm, vẫn đừng sổng người, chưa ra dấu hiệu gì. Mặt nó dần tái đi, bàn tay cầm ống nhòm run run trên ngực. Ngon quá! Chỉ một trái tạc đạn hay B.40 là diệt gọn ngay tốp trước mặt. Phải nói là bắn như để đạn. Vậy mà chịu nhắm mắt làm ngơ! Ai cũng hiểu rằng: để làm ăn lớn, kẻ địch dù có dẫn xác tới ngay bên cạnh, giẫm lên đầu, đái lên cổ, cũng ráng chịu. Lộp chộp ăn xổi là mất địa bàn, bị hủy diệt như chơi.
Thằng trung úy hơi lùi lại, đặt tay lên khẩu "Côn". Nó sắp hô ”bắn” này! Mày chỉ hơi há miệng là ta nện trước. Nện quyết tử! Vừa nện vừa lủi theo bờ, chưa chắc đã làm gì được nhau. May mắn giữ được tới chiều thì sẵn túi in lông làm phao bơi qua sông, ém tạm trên đất bạn Củ Chi. Yên yên lại mò vè lam án nữa. Mày thử hạ mệnh lệnh đi!
Bỗng lại có tiếng tàu Mỹ rền rền sau lưng. Sóng rào rào xô vào ván. Chết hẳn rồi! Chúng bọc hậu! Chút nữa, nếu “cá rô” phành phạch trên đầu thì coi như bị đánh "điềm". Đánh điểm một nhúm người không hầm hố bằng tất cả các phương tiện hải, lực, không quân. Đánh điểm! Cái tên mới nghĩ đã thấy choáng váng. Bên Mười Đảnh thế nào? Chú Tư sao mặt đổ chàm thế kia? Cây súng nhỏ cứ chực rời khỏi tay. Linh thoắt nóng bừng: những khi cái chết đến kề cận quá, anh lại bất cần, coi khinh. Thúy đang nheo một bên mắt, lưng súng im phăng phắc... Trời đất! Phái đây là rừng, là đất thì bọn lúc nhúc kia ăn thua gì. Một chọi trăm vẫn ngon lành, thoát tốt. Chính lúc đó, một khoảng trống lâng lâng ùa vào đầu óc, anh không nghĩ gì nữa, chỉ còn thấy cái miệng thằng chỉ huy đang méo đi như bị phong giật. Anh thò ngón tay trò vào chốt tạc đạn...
Thằng trung úy đại đội trưởng bảo an giơ cao tay và há miệng. Không! Nó giơ tay về phía trước và há miệng gắt to:
- Đi! Mày lúc nào cũng dấu với vết! Đi lẹ không lại bấy xác bây giờ!
Linh nghe rõ cái giọng nói ấy hổn hển, dù là ra vẻ bình thường. Miệng nó quát nhưng mắt vẫn len lét dòm quanh... Những đế giày bốt-đờ-sô gồ ghề lấm bùn lại nhấc lên hạ xuống sát sạt trước mặt mọi người. Những lá cành lại bật vào nón sắt li lợm coong coong... Và phía sông, sóng đã trở về êm ả: chiếc bo-bo Mỹ mất hút từ lúc nào.
Linh nhét chốt tạc đạn lại, lau mồ hôi đã vã ra đầy trán. À, thì ra các "cậu” cũng xoàng thôi. Lợi thế như vậy mà còn gờm. Giá phải tay mình nhỉ? Xong rồi! Từ ngày bọn Mỹ cuốn gói dần dần, chỉ lảng vảng vòng ngoài, các "cậu” sinh ra uể oải tợn. Mà cũng đúng thôi. Thằng nào chả ma lanh chạy trốn cái chết mỗi khi có thể trốn được. Nếu "cậu" nhào vào thì "cậu” chết trước! Cho nên "cậu” phát hiện được cũng cứ làm ngơ. To ra biết, là phải càn, phải ăn đạn, phải nổ trái... Dại gì. Vợ con, quán tiệm đang chờ ở trong ấp. Tự nhiên Linh thấy lấp lánh niềm tin ở những trận đánh, những ngày tháng, những tình thế trước mắt. Phải dấn lên...
Bỗng nhiên như phải bỏng, Sáu Hóa nhào tới giật phắt trái tạc đạn trong tay Lang. Trong lòng bàn tay xòe ra của anh, trái tạc đạn M.26 xanh biếc đã bung cần; nằm lù lì dữ tợn. Sáu Hóa ngắm nghía cái cục thép tròn dó như xem một vật lạ rồi anh lắc lắc dầu, bỏ xuống ván, về chỗ ngồi im lặng. Lang mặt cắt không còn hạt máu, chân tay rụng rời, mắt nhìn vào trái tạc đạn lép cử dại đi. Chú Tư dúm mặt lại thở dài thườn thượt như sắp chết. Và Thúy, mặt cũng biến sắc, mắt rân rấn nước, nhìn Lang đầy trách móc. Linh cũng muốn xa xẩm mặt mày. Lạy trời! Nếu mà nó không lép thì... Anh thoáng nhớ tới tiếng nổ trong rừng và cái áo của Toàn dấp dính trên ngọn cây. Nhìn cậu ta lập cập nhét lại chốt tạc đạn và cặp mắt rất con nít của Thúy, Linh bật cười. Không sao, gặp thiếu gì trong cuộc sống. Tất cả sẽ quen đi và từng trải hơn. Vui đấy chứ?
Mặt trời đã lên cả rồi, cả dòng sông chan hòa nắng. Một thử nắng sánh sánh ươn ướt. Có con chim nào náu mình trong khóm chà là vừa chuyền cành kiếm mồi vừa hót vô tư. Qua cao điểm rồi. Các vầng trán thấy phẳng hơn, mắt nhìn nhẹ đi. Sau hoạn nạn thấy gần gụi, hiểu biết nhau nhiều quá!
Quan sát lại lần cuối kỹ càng, Linh nháy Lang đứng dậy ra hốc cây moi nồi, moi thau lên. Giờ này bọn lính đã gom lại ăn cơm trưa, dân cũng về bến tránh nắng. Giờ này, chúng ta sẽ làm chủ khúc sông. Linh rạo rực nghĩ tới hố bom đầy cá. Anh Sáu cũng đứng dậy định đi, nghĩ sao lại ngồi xuống.
Đã đi nhiều nơi, đã thấy nhiều cảnh lạ, nhưng đúng là chưa thấy ở đâu cá quá trời, quá đất như ở đây. Thuỷ triều lên, cá tràn, cá đổ bộ hàng đàn vào các hố bom ven bờ (mà hố bom thì thiếu gì, đủ các cỡ). Thủy triều rút, cá không kịp ra, nằm lại lúc nhúc hệt những ao thả cá thiên nhiên. Chỉ cần ba người dùng nồi niêu tát cật lực mấy hơi, cho nước giật sát đáy là thấy hằng hà lưng cá chen nhau nhủi vào bùn. Cá lòng tong: cá bé bỏng, bỏ qua một bên, cá bằng bàn tay cũng bắt được hàng chục ký, bắt tới quýnh quáng, bắt tới hoa mắt. Cá đủ loại: cá bông ít chịu ngạt, cá ngựa đuôi đỏ như vỏ chôm chôm chín, cá lăng có hai râu dài như cần ăng ten, chịu sục vào thành hố bom, lại moi ra được những chú lươn trùng trục, to khác thường như nuôi trong hầm. Thỉnh thoảng những chú tôm nhỏ lại nhảy tưng lên, búng giò tanh tách.
Cầm nhẹ lấy giò nó khỏa vào chỗ nước xạch cho trong suốt ra rồi đưa lên miệng ăn sống, mát ruột vô cùng! Lại nói con tôm: tôm xứ này cũng đặc biệt. Gặp bữa động, không ra tát cá được, chờ tới đêm, nước ròng sát đáy, gọi nhau dậy xuống mò. Hai tay rà nhè nhẹ sát đáy như rà mìn díp, thấy gờn gợn là chụp nhanh, con tôm kềnh kệnh nằm đầy lòng bàn tay, nóng hối, cứ oằn lên. Soi lên nền trời thấy trắng mum múp, cứ muốn cắn một cái cho đã. Thức trắng đêm bò rào, lạnh run, ngực bụng sây sát, về làm một ngụm ruợu, nhậu với cá lóc luộc, với tôm chiên dầu nành rồi dằn bụng bằng tô cháo cá lăng nóng ran thì mọi vất vả cũng tan đi. Nhớ trước kia, đi công tác sáng về nhệu nhạo nhai nắm gạo rang hay lương khô mà càng thấy cái vị say say của miền đồng bằng sông nước. Chỉ còn chuyện có chịu chơi nữa hay không?
Lúc nãy, chú Tư và Thúy đã lôi áo trắng trong hồng ra mặc rồi đội nón lá lẻn ra bưng. Nhìn theo bóng hai người lẻ loi bước trên bờ ruộng, Linh thấy nao nao... Ngoài ấy đâu chỉ có màu xanh của lá lúa, của đồ hàng bông1 (rau xanh) mượt mà đang kỳ chín trái, mà còn đầy cạm bẫy rình rập: bọn chỉ điểm nhan nhản, bọn lính giả dạng nằm phục khắp xó xỉnh. Những cán bộ nằm vùng đến với quần chúng ấy liệu có nắm thêm được tình hình phục vụ cho trận đánh tới, có nhen lên trong lòng người được tia hy vọng nào của thắng lợi cuối cùng không? Khó quá! Vùng ven giáp ranh thằng địch kìm kẹp tới trắng tay...
Nước đang ròng. Hai anh em lội xuống sình, lần tới một hố bom gần đó. Linh vừa ló đầu ra chỗ trống đã thấy một tốp người ở trần, mình tròn như cá trắm bết bùn, đang bì bõm dưới hố bom.
Linh thụt lại:
- Lính?
- Không. Đặc công nước đó! - Lang nói ra điều hiểu biết.
Linh mừng rơn. Thật thú vị, ngay ở cái vùng đất chết này cũng có đồng nghiệp. Ấm quá! Bọn nó có đồn bốt trên cạn, có bo-bo dưới sông thì mình cũng có "người nhái" dưới sông, "cọp đen" trên cạn, kém gì! Chi thiếu phi cơ trên trời nữa là đủ cả. Một chọi một Như một người lính đang bí bủa vây bốn bề, bỗng có tiếp viện, Linh thấy hăng hẳn lên. Được đấy. Mấy ông ở trên cứ lo bồi dưỡng, tập luyện cho ngon lành chờ bọn này khoét ruột nó rông bớt đi đã rồi mấy ông hãy kéo xuống, đáp cho thật mạnh một cú là gọn. Đánh từ ruột đánh ra, đánh từ ngoài đánh vào, cả chiến trường thiệt giống như một thủ đoạn tài tình của binh chủng. Vậy mà cứ tưởng mấy ông... đem con bỏ chợ.
Linh vừa cởi áo đứng ở miệng hố thì một người cũng vừa ở dưới hố leo lên. Anh này cỡ trạc tuổi Linh, nhưng rắn rỏi hơn nhiều. Hàng râu quai nón mới cạo phủ một đường xanh xanh trên khuôn cằm nở nang. Anh có một bộ ngực vuông vức vồng lên và cánh tay buông xuôi mà thớ thịt cũng cuộn như chão. Với cánh tay ấy, tưởng như cây B.41 có cả đạn nặng mười cân, anh cũng giương thẳng ngang dễ dàng. Phía dưới là thành bụng tròn lẳn, hằn múi và bộ đùi săn như đùi rế. Chà! Tay này trông ngon hết sức! Rất đàn ông. Mình trông còn mê nữa là con gái - Tự nhiên Linh cũng đứng thẳng người và hơi vênh khuôn ngực sau những ngày tập luyện, bơi lội, cũng đỡ hơn nhiều so với dạo trồng sắn ở sông Bé. Đứng ở hai bờ hố bom, hai người gườm gườm nhìn nhau. Rồi chả ai bảo ai, cả hai men theo bìa hố tiến lại nhau, mắt vẫn cứ lừ lừ như hai đô vật đang vờn thế. Cách một bước, họ bỗng đưa tay ra. Hai bàn tay siết chặt và hai cái miệng đều cười. Ánh mắt găm vào nhau như muốn nói:
- “Thủ lĩnh đặc công thủy đó hả? Dữ dội đấy!".
- “Thủ lĩnh đặc công khô đó hả? Láu lỉnh ghê!".
- “Nào! Chúng ta sẽ cùng làm ăn với nhau. Bắt đầu từ việc tát chung hố bom này!".
Họ cùng lội xuống. Ngang bắp đùi họ: những lưng cá mập mạp lại đang chen nhau nhủi vào bùn...
Xưa nay trong "gia đình đặc-biệt-tinh-nhuệ", vốn dĩ anh khô thường gờm anh thủy. Họ cho rằng "bọn” nước mới thực sự tinh nhuệ. Chắc phải gớm ghê, tài nghệ lắm mới dám tung hoành trong lòng nước đầy mìn trái, đầy cá sấu, cá mập và có cả hàng rào điện tử nữa. Ngược lại anh thuỷ lại vô cùng ngán anh khô. Minh ở dưới nước, còn có nước bao bọc, chở che, chứ tụi "lọ lem" ấy cứ lổm ngà lổm ngổm ở trên cạn, sáng tới đâu, hiểm hóc tới đâu cũng bò vào được thì chịu thật. Đó mới thực là tinh nhuệ. Anh này coi công việc của anh kia là huyền bí, là thế giới riêng không tài nào hiểu được nên cứ phục thầm nhau. Mỗi khi đối mặt là lầm lầm dò xét như đứng trước địch thủ lợi hại. Nhưng chỉ cần một tiếng cười bật ra là họ lao vào ôm nhau như anh em sanh đôi, lâu ngày gặp lại. Thú thật!
Giá mà con người ta cứ giữ mãi được cái kiêu hãnh về giá trị "tinh nhuệ" của mình thì quý quá. Nhưng tiếc thay, nhiều người chỉ nâng niu cái danh từ này trong cái thế đi lên, trên đường dây trùng điệp quân đi, hay chỉ trong trận đánh đầu đời, còn thì sau quá trình cọ sát với nhiệm vụ gay cấn, khắc nghiệt của nó, lại muốn quên đi mà lui về bộ binh, cơ quan hay hậu cần gì dó. Đúng là lửa thử vàng… Ngay mình cũng chả có lúc nghĩ thế là gì?
Cuối khúc sông, bọn lính ở tàu cũng đang đánh cá. Nhìn xa thấy mặt nước dựng cột rồi mới nghe tiếng tạc đạn nổ ùng ục. Trái ngược thật. Trong cùng một dòng nước, chúng nó kiếm cá ăn để lo thức đêm giữ đồn, và bên này cũng tát cá để ăn lấy sức phá đồn.
Mọi người đã cơm nước xong xuôi, đang ngồi chờ tối. Còn sớm quá. Nếu trời không mưa thì nắng vẫn còn chiếu sáng nửa dòng sông. Tổ Mười Đảnh cũng gom cả sang bên này. Mỗi người che một tấm ni lông ngồi nói chuyện rì rầm.
Linh âm thầm ngắm mưa. Mưa trên sông có cái vẻ riêng của nó mà bây giờ anh mới nhận biết. Dòng sông mênh mang mưa xóa mất bờ bên, trông như biển. Mặt biển trắng bạc lăn tăn như đang sôi, đang reo. Những sợi mưa mỏng trắng xô đuổi nhau, bay là là mặt sông chẳng chịu buông xuống, nhác trông như những làn khói trắng. Khói của nước sôi. Trời lại lạnh hắt hiu. Mưa ở đâu cũng gợi buồn. Mưa trước trận đánh cũng cứ thấy bâng khuâng. Dường như thiên nhiễn và cuộc đời không dính dáng gì đến nhau. Con người sắp lao vào lửa máu, đứng trước cảnh này cứ thấy miên man, thấy cái công việc kia sao xa lạ.
Mưa này mà có một mái nhà, một bếp lửa và một mâm cơm bình dị để sum họp thì tuyệt biết bao! Cuộc đời chến đấu sao cứ gợi nhớ, cứ đánh thức dậy tới khao khát những cái ngày xưa xem nhẹ, coi thường? Những gia đình trong kia đang nổi lửa nấu bữa cơm chiều, biết hay chăng ở khúc sông dăng mưa này, có những con người đang sắp sửa bồng súng lên vai...!
Ngoài kia, mấy cánh hoa lục hình đanh quấn quít với những dây mưa. Thằng Hải lúc này chắc cũng đang dăn đội lặn xuống, núp dưới những đám lục bình để tiếp cận bến tàu. Chắc chúng nó rét lắm! Mình ở trên khơi, dù cả đêm mưa gió cởi trần, vẫn có hơi ấm của đất sưởi cho. Lại còn những con người ngồi kia: xóm ấp ở ngay sau lưng, họ nghĩ gì? Chỉ cần mấy bước là họ sẽ sà vào với gia đình, cha mẹ, vợ con. Mình xa xôi lại là một nhẽ... Thúy nghe nói còn bà má già ở đó. Nếu cô nữ sinh hoa khôi của trường trung học An Mỹ ngày nào không ra bưng biền thì bây giờ cô đã... Cũng chưa biết được... Ừ, nếu mai ngày thắng lợi, được thảnh thơi chèo thuyền trên con sông này giữa chan hòa nắng gió... Ngày ấy sao...
Trời tối dần. Linh ngửa mặt lên, nhìn mãi vào khoảng không mờ mịt. Những hạt mưa li ti cù buồn buồn trên mí mắt anh. Lâu quá rồi! Hà Nội đâu, hậu phương nơi nào đâu? Liệu có một lần được trở lại dầm mình trong trận mư rào quê hương không?...
Tiếng Thúc bỗng reo lên:
- Má Sáu!
Linh ngơ ngác nhìn ra: một chiếc ghe nhỏ đã cạp sát ván. Trên ghe có bà má nhỏ bé, không hiểu tóc đã bạc nhiều chưa, nhưng dưới mưa trông cứ trắng xóa và một chị phụ nữ khoảng hơn ba mươi tuổi. Má nhìn khắp lượt, trong mắt như có mưa bay. Vẫn ngồi trên ghe, má nói khẽ:
- Lính hôm nay xuống ba GMC, đầy nhóc. Tao đoán thằng “sư năm" đổi về. Đi đứng coi chừng cho kỹ, mấy con!
Má quay lại chị phụ nữ:
- Con Út lấy thuốc đưa cho cậu Tư mày chia cho mấy đứa nó hút!
Chị tên Út thản nhiên đưa tay lên bụng, lấy ở cạp quân ra hai gói Ru-bi và cởi khuy áo ngực, thò tay vào xu chiêng móc ra hai gói nữa. Linh ý tứ quay đi. Mấy má, mấy chị gan quá! Lính đón ở cổng ấp khám xét thế mà vẫn mang ra được.
Má cui xuống, bới bới và lôi ở trong đống phân muối ra can rượu hai lít, đưa cho Sáu Hóa:
- Của thằng Sáu đây! Uống chút thôi. Ráng dẹp cải chuyện ấy đi, nghe con!
Đến lúc ấy Linh mới nhìn thấy bàn tay cầm can rượu của má co rút lại, cả cánh tay quặt quẹo như tật nguyền.
Chợt nhìn thấy Linh và mấy anh em trong đơn vị, má cười móm mém:
- Mấy đứa mới xuống hả? Có thằng nào người bắc không?
Linh "dạ" khẽ.
Má chắc lưỡi:
- Tội nghiệp! Mưa gió thế này... Thôi tao về đây kẻo chúng nó nghi. Mai tao ra mang cho mấy thằng bắc lạng cà phê uống chơi.
Thúy vội đặt xuống ghe má mấy con cá to nhất. Má quay lại, mắt nhấp nháy:
- Cha nội mày! Con nhỏ dòm càng ngày càng đẹp ra! Chồng con tính sao chưa, con?
Thúy nhõng nhẽo lắc đầu. Cuối ghe, Hai Thanh và chị phụ nữ đang trao đổi thầm cái gì, chốc chốc lại quay nhìn nhanh về phía Sáu Hóa. anh đang tìm chỗ ém can rượu.
Thúy vừa cài lại cái áo mưa cho má Sáu vừa rủ rỉ:
- Mai má nhớ mang cho con mấy đôi dép mềm nghẹn!
- Ủa! Mới mang rồi mà?... À, mua cho mấy thằng bắc hả?
- Đâu có!... - Thúy vẫn nhõng nhẽo, mắt nhìn trộm Linh.
Tấm bưng già nua của má mới khuất sau bụi móp thì đuôi ghe lại lùi lại. Má Sáu móc trong thúng phân ra một cái bọc giấy bóng nhỏ, trong đựng thứ bột đen đen, hỏi nghiêm khắc:
- Cái này của đứa nào?
Linh bỗng đỏ bửng mặt lên. Đúng là cái bọc than ngụy trang của anh đêm qua để rơi ngoài rào. Anh trả lời lí nhí:
- Dạ... của con...
- Phải kỹ một chút! May mà gặp người tốt họ thấy họ lượm cho, chứ lính nó thấy lại thiệt mạng.
Linh cứng lưỡi. Anh sượng sùng lén nhìn Thúy và nghĩ: Giá chui được xuống gầm ván mà trốn luôn!
… Chiếc ghe xiên chéo sang bờ bên kia rồi mờ dần về phía ấp Linh nhìn theo mớ tóc bạc của má, chớp mất... Sao giống mẹ ở nhà quá! Cũng phúc hậu, cũng hay thương người. Những năm xưa hoạt động bí mật chống Pháp, mẹ có chèo thuyền ra bưng thế này nuôi mấy chú và bố không? Hồi ấy mẹ còn trẻ lắm và ở ngoại thành Hà Nội làm gì có bưng biền, sông rạch?
Chú Tư nói má Sáu là đảng viên mật. Có hai đứa con trai hy sinh cả. Anh thứ hai là bí thư huyện ủy đầu tiên ở đây. Chị đi đó là chị Hai, vợ anh, về ở với má. Cánh tay tàn tật co rút lại là dấu vết nhưng đòn tra tấn trong tù...
Sáu Hóa đột ngột bật lên một tiếng cười khô khốc. Linh giật mình quay lại. Mặt Sáu Hóa đã lạnh tanh. Sao thế? Anh ấy vừa cười kiểu đó đấy à? Hồi nãy cái gì nhỉ?... Má Năm, can rượu... "Ráng dẹp cái chuyện ấy đi, con!". Hình như về xã nhà, anh ấy có tâm tư gì giằng xé lắm? Sao chả nghe anh thổ lộ một lời? "Hai người đàn bà thì thầm, thỉnh thoảng lén nhìn Sáu Hóa...". Ba má anh bị chúng làm khó dễ, hay cái điều xấu nhất đã xay ra? Có lý. Anh ấy là con người hiếu thảo...
Linh nhìn sang Hài Thanh. Cô ấy cũng có ve tư lự. Hai người cùng xóm: dám chắc chỉ có cô xã đội này hiểu được tâm sự thật của anh ấy. Thôi, chờ đánh đá xong, hỏi coi! Anh mà giữ mãi bộ mặt lành lạnh này thì đơn vị cũng găng lắm. Người lính vừng được, trước hết là tin vào phong độ, bản lãnh của người chỉ huy. Anh Sáu sao lạ quá! Sắp xung trận rồi!...
Lang thấy Sấu Hóa ngồi im như tượng, càng len lét không dám mạnh chân mạnh tay. Cậu ta lo. Con người suốt đời vui tếu mà bỗng dưng sầm lại như vậy là không thể coi nhẹ được. Cậu ta cũng ngồi im ra cái điều vô cùng hối lỗi. Cáu xạ thủ này mới về nên làm sao mà biết được cái tình đồng đội của anh cũng kỳ lạ lắm...
Hồi ấy, cà binh chùng ai cũng lưu truyền cái chuyện anh giáo dục chiến sĩ. Một cậu quê ở Hải Phòng, mới bổ sung vào tiểu đoàn, nổi tiếng hay gây gô đánh lộn nhau. Cán bộ các cấp nói đều không nghe. Cậu ta bỏ ngoài tai tất. Sáu Hóa đi công tác về thấy vậy nóng lắm. Anh cho gọi cậu ta lên, nói lục cục:
- Nào, bỏ dép ra, tôi với ông đánh nhau!
Cậu kia gườm gườm nhìn lại:
- Ai còn lạ gì thủ trưởng nữa mà thủ trưởng rủ? Tôi không dại gì để bị tháo quai hàm đâu.
Sáu Hóa vừa cười ầm ầm vừa nói tướng lên:
- Thế tại sao đồng chí lại đi đánh người khác? Rồi, vậy đó! Tiểu đội phó mà đi đánh chiến sĩ là... là cái gì hả? Là vi phạm bản chất người chiến sĩ cách mạng, ông hiểu chưa?
Cậu kia cãi bướng:
- Báo cáo, tôi hiểu, nhưng mấy đứa nó láo lắm nên tôi mới phải đánh cho nó sợ.
- Thế thì... - Sáu Hóa nhảy chồm qua bàn, mặt tái đi vì giận - Muốn sao thì sao, tao phải đánh cho mày mập mình mới được!
Cậu ta lao ra cửa lán, chạy mất... Và hài ngày sau, trong một trận đánh bị lộ, chính Sáu Hóa cố sống cố chết cõng cậu ta ra ngoài hàng rào. Ấy đấy! Chính cái cậu bị thương nặng mà Sáu Hóa vừa cõng chạy vừa khóc mếu máo đó. Trước lúc chết, cậu ấy còn nói: "Sau lần gặp anh, em định không bao giờ cãi nhau, đánh nhau với ai nữa. Em thề là em làm được. Không phải em sợ anh đâu. Nhưng lúc ấy nhìn những vết rào gai cào rách nát hai bắp tay, mặt mũi anh, em thương quá...".
Đã tới giờ.
Từng người nối đuôi, cách nhau hàng hai chục mét, cắt theo nhưng con đường bất ngờ nhất, bám vào ấp.
Tới bờ đê, họ sẽ chia làm hai cánh: chú Tư, Mười Đảnh và Năm Thúy đi vào các gia đình làm công tác tuyên truyền. Còn lại Hai Thanh sẽ đưa đường cho bộ phận điều nghiên cắt qua ấp bám vào mục tiêu.
Ấp chiến lược ở đây đột dễ quá! Hầu như chúng nó không gài trái, không kích cọt gì cả. Nắm tín hiệu đèn cơ sở cho ngon, mờ tối cứ đi sổng lưng vào cũng lọt. Thật trái ngược với các địa bàn phía trên: ăn ở thì thoáng hơn nhưng đột ấp lại cực kỳ kẹt. Đi ấp kiếm gạo đổ máu nhiều hơn đánh trận, tiêu hao bộn lắm. Nơi đây, ăn ở vô cùng gian nan nhưng đi ấp thì thật nhẹ nhàng. Cho nên, bám trụ vùng này, nếu không bị đánh điểm thì sống khá dai, ít chết vặt vãnh. Chắc chúng tin rằng ở sâu, ở sát đô thị, toàn vùng một màu trắng vành đai thế này, "Việt Cộng" sức mấy mà dám mò xuống, mà tồn tại được…
Người lính trinh sát ai cũng hiểu, càng xuống sâu, địch càng sơ hở, tác chiến càng chắc ăn nhưng cái sống chết là đường rút. Thông thường đánh xong một trận là ngay trong đêm phải rút một mạch về hậu cứ. Chậm chân nằm lại là sáng hôm sau bị chúng nó dùng toàn lực hủy diệt ngay. Cả ta và nó đều nhận biết điều này, nhưng kẻ thù không thể hình dung nổi đối phương của nó lại có sức lì quá trời vậy!
Một điều dễ chịu là dân ở đây cũng thuần hơn. Lâu lâu thấy cách mạng, họ mừng quýnh lên. Trong nhà có cái gì ăn được là đem cho hết. Một lần đột ấp trót lọt về, là một lần tải nặng đường sữa, mì cua, bánh
tráng, thịt hộp, thuốc rê... có thể một bán đội xài lai rai cả tuần.
Dân tốt, phải chăng sự kìm kẹp của nó ít gắt gao hơn? Có lẽ vậy. Càng thấy thấm thía rằng lòng dân ở bất cứ đâu cũng tốt, cũng hướng về điều hay lẽ phải, về cách mạng, nhưng cách mạng phải làm gì để bẻ cái kìm của nó lỏng ra, dân sẽ tin mà hết lòng. Trong trận cuồng phong khốc hệt này, ai giữ được lòng tin, người ấy sẽ thắng... Linh vừa đi vừa gỡ rối dần cái ý nghĩ vừa nảy ra trong đầu.
Trước anh, Hai Thanh vẫn đi từng bước thận trọng. Tới những đoạn có vẻ nguy hiểm, Sáu Hóa vượt lên, nói Hai Thanh chỉ hướng, anh bám đầu cho. Hai Thanh khẽ đẩy anh lùi trở lại. Trong bóng đêm, trông Hai Thanh có vẻ cao hơn anh.
Hình ảnh cô du kích vùng ven, người con gái vùng ven... đã nghe nói tới nhiều, đã nghe hát tới bao nhiêu lần. Nhưng đêm nay, dáng hình ấy vẫn thấy phong phú hơn, rung động hơn. Sao bắp chân Thanh trắng thế, sao dáng Thanh đi mềm mại thế? Ngay cả cây súng trên tay trông cũng duyên dáng nữa? Đàn ông trai tráng xông pha lê phải lẽ, nhưng một cô gái đang len lách dẫn mũi cho bộ đội đi trong đêm địch hậu, lúc đứng lên, khi đi nhanh, khi đi chậm, tránh từng vệt sáng đèn, từng tiếng chó sủa, từng cành củi khô... lại cứ thấy cuộc chiến đấu này đẹp quá!... Ráng cẩn thận, Thanh nhé! Chúng tôi có đổ máu, có ngã xuống là chuyện đương nhiên, nhưng những cô gái như Thanh, như Thúy mà rủi nằm xuống thì... không đành... Ở cánh bên ấy, Thúy đang làm gì? Có gặp khó khăn gì không?...
Đúng hai giờ sáng, hai mũi điều nghiên đã gặp nhau ở cái gò mả giữa ấp, nơi tập kết ngụy trang và để quần áo. Trời tối đen, người cũng tối đen, trần như nhộng. Họ nhìn sát vào tận mặt nhau để tìm ra một cái đầu, một khuôn mặt, một hàm răng quen thuộc. Họ sờ sờ mó mó vào người nhau như người mù tìm bạn. Thanh ngồi xa ra một chút canh chừng.
Gió lạnh, sương khuya, có tiếng răng va nhau cạch cạnh, hơi thở qua mũi dồn dồn. Những câu nói thào thào mừng rỡ:
- Sao rồi?
- Hết ráo. Rét quá!
- Mày sao?
- Sờ được cột ăng ten sở chỉ huy. Đói bụng ghê!
- Ngon!
- Chắc ăn rồi! Bọn lính ỉa tùm lum. Hướng nào cũng đụng cứt.
- Nghe tiếng trái nổ bên ấy, tôi lo quá!
- Con thú chạy máng dây đấy!
- Nó gác sơ hở thật!
- Suỵt! Khẽ chứ! Mấy rào?
- Bảy! Cả hàng rào ở bờ đê.
- Năm bùng nhùng?
- Năm! Toàn lưỡi lam. Mẹ nó!
- Trái quá trời!
- Có cả mìn díp. Chút toi mạng!
- Anh Sáu đâu?
- Đi sau.
- Thôi, mặc đồ vào! Thằng nào ho thế?
Tiếng mặc quần áo sột soạt.
Một người bò xổm tới ngay bên Thanh lúi húi đóng chốt tạc đạn, hỏi kháo kháo:
- Cô ấy đâu?
-!!!
- Này! Tao đánh một cái rắm ngay mũi thằng gác, mày ạ. Suýt chết!
Không thấy bắt chuyện, anh ta nhìn lên, cái người ngồi cạnh đang dịch ra bên kia gò mả. Nhìn nghiêng thấy mớ tóc dài, anh trố mắt một lúc rồi cứng người, cũng chuyển dịch ngược lại.
Có tiếng gắt bẳn:
- Thằng nào lộn xộn thế?
- Hoá đây!
Ở trần, mặc xi líp, đêm tối trông anh càng có chút xíu. Đúng là con người sinh ra để bò rào, bò như chuột chạy, lỗ rào nhỏ cỡ nào cũng lọt. Nghe tiếng Sáu Hoá, Hai Thanh thoáng nhìn lại, rồi quay đi.
Kể ra lần nào đủ cán bộ, anh không phải chui, chỉ cần ngồi ở hàng rào ngoài cùng, gỡ bí chung. Hai mũi đột đã có Linh và một cậu trung đội trưởng khá nhất đảm nhiệm rồi. Nhưng anh cứ nàng nặc tự chui lấy, bắt cậu kia ngồi ngoài. Cậu này không chịu. Thế là cả hai người cùng chui. Chắc anh muốn nhổ thật gọn cái ung nhọt ở ngay mảnh đất nhà mình.
Sáu Hóa chỉ vận thêm chiếc quần dài, phía trên vẫn ở trần. Anh chìa ra hộp thịt cây ba kí-lô dài như khúc cột nhà:
- Ăn lẹ đi rồi về!
Linh cười: “Lão” này lại mò xuống bếp lục đồ ăn của nó rồi! Quái thật, anh đã vào là cấm bao giờ ra không. Khi gói thuốc, lúc hộp thịt. Khì chiếc đồng hồ, lúc cây viết máy... Toàn đồ quân tiếp vụ vô thưởng vô phạt. Sáng ra, bọn linh tha hồ cắn cấu nhau là đồ ăn cắp, ăn vụng, đồ máu què...
Mọi người xúm lại ăn vã thịt nhóp nhép. Mùi thịt hộp thơm lừng như pa-tê gan. Đôi lúc lại có cái lưng oằn nảy lên vì muỗi chích. Sáu Hóa ngồi lặng im, không ăn. Mọi lần ấy à, chỉ ra cách hàng rào bốn năm chục mét là anh đã chuyện trò liến thoắng rồi. Vừa pha trò vừa chụm tay hút thuốc cho đã thêm rồi mới chịu đi.
- Xót quá! - Một giọng xuýt xoa.
- Mắc cỡ nhiều quá! Đêm nào cũng nát bấy cả người.
- Chốc về suối tắm, xát xà bông chắc chịu hết nổi!
- Xóa kỹ dấu vết, chuẩn bị đi!
- Bọc than, thằng nào cầm chưa? Xi líp tao đâu?
- Đây rồi! Móc sát ai rơi đây? Chết thật! Kiểm tra cẩn thận không bỏ mẹ bây giờ?
- Đi!
Họ xuống tay súng, bám theo đường cũ ra đê...
Tới một cái nhà tường gỗ, mái tôn, nhìn bên ngoài khá khang trang, có hàng rào mắt cáo bao quanh, có ánh đèn măng-xông vặn nhỏ hắt ra, Sáu Hóa có vẻ ngập ngừng. Đi được mấy bước, anh lại dừng... Cuối cùng, anh tróc lưỡi cho đội hình dừng lại và nói Linh bố trí canh chừng giùm, anh ghé vào đây có chút việc.
Hai Thanh khẽ gọi:
- Anh Sáu!...
Dường như không nghe, Sáu Hóa lẳng lặng lủi vào hàng rào. Chắc là việc cần. Linh nghĩ và anh cũng chọn một gốc chuối mập mạp nhất ngồi xuống. Đêm về sáng hơi tê tê. Những mái nhà im lìm, những khu vườn im lìm, những con đường đất nhỏ im lìm, cả xóm ấp đang im lìm trong giấc ngủ. Những tàu chuối lanh tanh như câu chuyện ân tình nói mãi không thôi với gió. Linh cảm thấy lòng mình trải ra. Anh thích cứ ngồi mãi thế này, không nghe, không nhìn gì cả, để tận hưởng hết cái thú của một con người ngồi giữa xóm làng.
Cũng như hồi chiều ngắm mưa trên sông, cái xóm nhỏ êm ả này, sao anh thấy nó không dính dáng gì tới chiến tranh như một vật thể tách rời. Trong một thoáng, như đứng trước đại dương rộng lớn, con người thấy nhỏ bé và mọi chuyện đều trở nên vô nghĩa. Nếu lúc này đây mà có tiếng súng nổ, tiếng chân chạy, tiếng la khóc thì thật giống như một giấc mơ hãi hùng. Chắc phải mất một lúc mới dứt được mình ra để trở về với vị tri người cầm súng!
Linh nhìn lên ngọn đèn dầu đặt trên cái giá cao ở giữa sân, đang cháy lắt lay. Bên cạnh, mấy nén nhang lụi sát gốc dang tỏa khói thơm thoang thoảng.
“Anh buồn còn có chỗ thở than
Em buồn như thể nén nhang lụi dần..."
Câu ca dao ấy ở đâu ấy nhỉ? Nghe chả hợp tình hợp cảnh ở đây chút nào cả. Linh vẩn vơ.
Phải chăng người dân ở đây, đêm đêm cầu nguyện cho hòa bình, cho đừng có tên bay đạn lạc vào mái nhà mình, nên trước cửa nhà nào cũng thắp nhang? Nhang lập lòe trước gió, nhang nhan nhản khắp nơi. Đang đi ngoài cánh đồng thoáng đãng, mới bước chân vào đây ngửi mùi nhang thấy ấm cúng, lại cũng thấy như cả cái xóm này đang trở thành nghĩa địa. Có một người dân đang cầm đuốc lầm lũi đi trên đường. Ngọn đuốc bùng lên như muốn nói: "Dân làm ăn thôi. Không phải bên ấy, cũng không phải bên này đâu. Đừng bắn tôi!"...
Linh thoáng thấy lạnh, cài thêm khuy áo ngực. Anh nhìn đồng hồ: thanh sáng nhỏ xíu đang trượt nhanh trên những chấm sáng hình tròn. Mười lăm phút rồi. Linh nhìn lên: Ơ kìa! Sao ông ấy vẫn đứng ở ngoài cửa? Nhà ai vậy? Sao không vào? Cơ sở à, hay người quen. Cái gì ở trong ấy? Vào đi đi mà còn về chứ. Cái ông này thật... Thêm năm phút nữa. Cái bóng đen nhỏ nhắn trước cửa vẫn bất dộng. Linh chui vào rào, bước qua sân tráng xi măng rồi đứng trên êm bên cạnh Sáu Hóa. Anh dòm qua khe ván: một gian phòng xinh xắn dang tỏa ra cái mùi nồng ấm của bàn ghế, của chăn màn, sách báo, của mùi tthuốc, mùi xà bông thơm…
Hương vị muôn thuở của một gia đình. Xung quanh tường có dán la liệt tranh ảnh tài tử Sài Gòn, tài tử phương Tây, đàn bà khỏa thân và bán khỏa thân... Giữa nhà có bày một bộ bàn ghế kiểu xa-lông bọc mút xanh. Sát tường là chiếc tủ kính có nhiều ly cốc lóng lánh. Trên tủ đặt chiếc máy truyền hình1 (Những gia đình giàu có thường xài máy phát điện) nhỏ có phủ ren trắng. Góc trong cùng, một bức rèm xanh cánh chả, che kín chiếc giường đôi bên trong. Ánh sáng trắng nhạt từ chiếc đèn măng xông tỏa đền khiến căn phòng mờ mờ ảo ảo. Chắc đây là tổ ấm của một đôi vợ chồng làm ăn khá giả, có vẻ mới cưới nữa. Có cả bình hoa giấy để trên bàn kia kìa... Nói đùa chứ, ở ngoài sông, ngoài rừng thì ít thôi, bước vào tới ấp thấy nhiều hơn, nhưng đứng trước căn phòng này, hít cái vị nồng ấm này, thấy nhớ nhà tới cồn cào. Nhất là nếu lại có một cô gái tóc chấm ngang vai đang ngồi đọc sách nữa thì...
Trong phòng im ắng, chỉ nghe tiếng ngáy đều đều của một người đàn ông và lâu lâu lại thảy tiếng thở dài nhẹ thoang của một người đàn bà sau rèm. Vậy thôi, chớ có gì dâu mà ông ấy lại đứng như trời trồng trước phòng ngủ của vợ chồng người ta thế này? Lỉnh nhìn sang: Sáu Hóa mắt vẫn mở trân trân như bị hút mất hồn. Anh chắc không biết có Linh đứng cạnh. Mỗi lần nghe tiếng thở dài, mặt anh dúm lại như người đang tới cơn đau bao tử.
Linh vừa định bấm anh thì chợt nghe cái giọng đàn ông khê như đang nhai cháo nát:
- Sao cô không ngủ đi... Đêm nào cũng vậy...
Im lặng. Chỉ có tiếng trở mình.
- Nằm xích dô!
- Bỏ tay ra!
- Cô nhớ nó à?
- Ngủ đi! - Giọng người đàn bà gắt gỏng.
- Rục xương rồi còn bày đặt nhớ hoài. Bết quá! Thôi nào, nằm...
- Anh im đi! - Tiếng bàn tay bị vất xuống giường.
Lại yên tĩnh.
Bỗng có tiếng khóc thút thít của người đàn bà. Tiếng khóc rất nhỏ, đứt quãng như bị nén trong chăn, nghe càng não ruột. Két!... Linh thấy bàn tay Sáu Hóa nghiến vào thành cửa, quai hàm hằn ra, có nấc.
Giọng người đàn ông dỗ dành đã bớt khê hơn:
- Thôi tôi xin. Người đẹp cho tôi xin. Ừ, đừng khóc nữa. Mai ngày lễ, tôi lấy xe đưa mình đi Sài Gòn chơi bời, sắm sửa ít bữa. Chịu hông?... Sao kỳ vậy? Chờ mai mốt tôi đi trận bỏ xác hãy khóc một thể. Mẹ kiếp!
Tiếng cựa mạnh. Cánh rèm xanh lay động, rồi người đàn bà bước xuống, quơ lệt xệt tìm dép. Chị còn trẻ, không tới ba mươi. Bộ quần áo ngủ bằng vải hoa màu tím nhạt ôm gọn lấy thân hình mảnh dẻ của chị càng phảng phất vẻ buồn buồn trên khuôn mặt tròn trặn thanh tú, có nước da mai mái mịn màng của người ít ra với nắng gió. Riêng đôi mắt đựng hai vũng tối như mắt người bị bệnh thần kinh lâu năm. Đôi gò má nhô cao nhanh nhánh nước. Một khuôn mặt đẹp nhưng tiều tụy. Với dáng đi phờ phạc, chị đến ngồi vào bàn máy may kê ở chân cột cái.
Bên ngoài, Sáu Hóa thở khó nhọc như người ngủ bị bóng đè. Anh bậm môi, con mắt nhỏ phản chiếu tia sáng đèn lóe lên như đốt cháy người thiếu phụ đó. Bàn tay vẫn lẩy bẩy trên thanh cửa chắc mạch. Cái đầu anh chúi nhao về trước, miệng há ra như sắp phá tung tất cả, sắp hét lên dữ dội.
Linh cứ đứng sững hết nhìn Sáu Hoá lại nhìn thiếu phụ nọ, không hiểu...
Rè rè... rè rè… Tiếng máy may vang lên nhè nhẹ như mưa rơi giữa đêm khuya, hòa tan vào âm thanh xào xạc trong vườn chuối, lại gợi lên câtt chuyện ân tình nói mãi không thôi với thời gian... Rè rè rè... Người đàn bà may lặng lẽ, đầu gục xuống sát ngực, tóc xõa che nửa dầu máy. Chị máy mà không nhìn đường chỉ. Rè... rè... rè... cái thanh âm vẫn đều đều lan ra. Sáu Hóa nhắm mắt lại, nét mặt thanh thản như đứa trẻ vừa mới khóc ré lên bây giờ đang được đung đưa ru ngủ. Trong kia, sau bức rèm xanh ấy người đàn ông cũng ngáy lại đều đều...
Sáu Hóa cứ đứng mơ màng nửa thức, nửa ngủ như vậy nếu không có một bàn tay nhỏ nhắn đặt êm trên vai. Anh giát thốt, quay lại, thấy đôi mắt Hai Thanh đang mở to chan chứa, anh bỗng cười ngẩn ngơ, rồi cúi đầu ngoan ngoãn đi theo chị ra khỏi hàng rào. Tiếng máy may vẫn day dứt đuổi theo như ẩn giấu một tâm sự gì...
Tới bờ sông, trong khi chờ ghe, Linh ngồi xuống bên Hai Thanh lúc ấy đang khỏa chân trong lòng nước, hỏi nhỏ:
- Ngôi nhà của ai đó, Thanh?
Thanh vuốt tầm mắt ra tới xa thẳm bờ bến, như nói một mình:
- Nhà riêng của tên đại úy chi khu phó.
- Còn người ngồi may đó là...
- Vợ của anh ấy đấy!... Tung tin chồng chết để mua chuộc vợ người ta...
- Chị ấy có biết chồng mình về đây không?
Thanh lắc đầu. Lát sau mới nói như một hơi thở dài:
- Không thế cho ai biết ảnh đã về cả. Ông già bà già ảnh sẽ bị làm khó dễ biết chừng nào.
- Ba má anh ấy cũng chưa biết nữa sao?
Thanh gật đầu:
- Tội nghiệp! Ông bà già cứ tưởng con mình chết thiệt rồi, đêm đêm cúng vái...
Linh lắng người lại, không hỏi được nữa. Anh phải kìm nén lắm mới không ra siết chặt lấy tay Sáu Hóa - người chỉ huy, người đồng đội thân yêu... Thật may cho thằng đại úy, nếu không vì mục tiêu trận đánh, anh ấy đã lượm nó ra vất xuống sông rồi.
Gió vẫn giạt sóng vào hai bờ nghe thật xa vắng. Thoáng như tâm tình sâu thẳm của những câu chuyện trong chiến tranh...
Đêm nay tất cả tổ công tác đều trở về hậu cứ. Động tác chuẩn bị xong xuôi, họ về đây hạ quyết tâm lần cuối trước khi dứt điểm mục tiêu. Linh thấy nhẹ hẳn người. Cái căng nhất của một trận đánh đặc công là công việc chuẩn bị. Điều nghiên trót lọt coi như đã thắng chín mươi phần trăm. Cái đồn bảo an cấp trung đội ấy chưa sờ mó tới thì thấy ngại ngùng, dễ nể. Vậy mà bây giờ, nó như đối thủ rỗng ruột, coi như chết rồi! Chỉ còn việc dập thủ pháo lệnh và giật nụ xoè nữa là xong. Đánh nhiều trận, Linh kết luận những lúc như thế này là say nhất. Nôn nóng hồi hộp như vở kịch sắp công diễn đêm đầu tiên. Đánh xong, dù có thắng chăng nữa, vẫn cứ thấy cái cảm giác chán chán. Lại tiếp những đêm lần mò dai dẳng. Trò trốn tìm chỉ thú vị khi sắp phát hiện ra nhau. Chà! Nếu mình ở vào địa vị chúng nó nhỉ? Vẫn nhởn nhơ, vẫn phè phỡn trong khi trái thủ pháo hợp chất đã cà thụt cà ló ở cửa hầm.
Buổi chiều Linh đã ra suối tắm sạch sẽ, mặc bộ quần áo đồng bằng mới nhất mà các chị, các má trong ấp may cho, đi đôi dép mềm còn thơm mùi mút Thúy mua hôm nào. Anh còn bắt chước lấy dao lam kẹp vào lược tự cắt tóc. Không ngờ kiểu cắt của những người quanh năm ngồi thum, ém hầm này lại đẹp tóc thế. Cứ nhẹ tay chải đầu, tóc ra mịn màng như bóc đi một lần mỏng. Trước khi lâm trận, phải đỏm dáng một chút mới thích.
Theo lệ thường, đêm trước khi xuất kích, họ bày ra khoảnh đất trước cửa hầm tệp bánh tráng, bịch thịt heo, can rượu nếp thang, đôi chút trà lá, bánh kẹo... Ngồi quây lại lai rai với nhau gọi là lấy hảo xuống đường. Có cái ngon ngọt nào mang ra ăn đi, vì sau trận đánh có thể có người không trở về. Những tay súng đã có một, hai lần siết cò, họ chấp nhận điều này như một sự thật bình dị.
Cái hố Đầu Lâu đã đông nghẹt người. Họ đang kết thúc cuộc họp mặt bằng mươi phút văn nghệ cây nhà lá vườn. Đường hố cạn dài gần trăm mét này gọi là Đầu Lâu, phải chăng bắt nguồn từ lời đồn: sau một trận đánh lớn trước Mậu Thân, người đi chém cá đã mò phải một cái sọ người thật to và dưới bùn là một đôi giày Mỹ cao cổ? Ở cái mảnh đất cửa ngõ Sài Gòn này đâu đâu cũng thấy những dấu tích của bao trận chiến đấu dữ dội dã qua. Chắc những tên gọi đó còn lại mãi với những thế hệ về sau.
Dưới ánh sáng chao đảo của mấy ngọn đèn chai treo lơ lửng trên cành cây, trong giọng hát con gái đang nhè nhẹ cất cao, loáng thoáng thấy có mặt cả Sáu Dô, anh Ba quận trưởng và anh Cầu chính trị viên tiểu đoàn cũ, nay là phái viên chính trị của tỉnh xuống nắm tình hình trận đánh. Anh ngồi sát bên Sáu Hóa, tay ôm vai bạn rù rì chuyện trò như đôi vợ chồng lâu ngày mới thấy mặt. Mười Đảnh và Sáu Dô tối nay cũng bận mỗi người một chiếc quần dài đen thẳng ly, tóc dấp nước chải ngược về đằng sau. Trông sáng sủa hẳn ra. Trong khi anh phó bí thư huyện ủy gầy gò, mặt rô hoa đang ẻo lả ôm đàn đệm cho giọng hát thì anh Ba quận trưởng vừa nháy mắt với mọi người vừa chúm hai ngón tay vuốt vuốt cái ly quần của Sáu Dô có vẻ trịnh trọng lắm. Các cô gái cười khúc khích. Đám chiến sĩ đặc công thích bóng tối đã lẩn vào chỗ kín ngồi, vừa không bị mời hát, vừa được thoải mái bình phẩm các cô gái mặt đang đỏ lựng lên vì bị ép nhấm chút rượu ngọt. Ngồi ở giữa, chú Tư cũng có vẻ trẻ lại, thỉnh thoảng ngón tay lại gõ gõ vào đùi điểm nhịp cho bài hát. Dưới bếp, ngọn lửa vẫn kín đáo cháy. Thúy dang đổ mẻ kẹo đậu phộng thứ hai. Riêng Sáu Hóa vẫn lặng lẽ nhậu nhâm nhi như ngồi ở chỗ không người. Thoáng thấy bàn tay Hai Thanh cất can rượu đi...
Người hát đã vãn. Họ đang đùn đẩy nhau. Anh Sáu huyện ủy bỗng ôm vai Sáu Hóa, kêu lên:
- Nhân danh những ca sĩ giọng khàn lừng danh, tôi đề nghị đồng chí Hóa, tức Sáu Còi, ca một bài khoá đuôi để phần kết thúc thêm... thêm... Ca đi mày! Nhậu gì nhậu hoài vậy, Sáu!
Mọi người rộ lên, vỗ tay tán thưởng câu đùa có duyên của Sáu Dô. Linh cũng phì cười: ông này bắt hát thì chắc chết! Không hiểu ra cái giọng ống bơ gì nữa? Có thấy anh hát bao giờ đâu mà lấy một bài cho thuộc? Các cô gái thấy cái dáng điệu lừng khừng, đôi mắt nửa nhắm nửa mở của Sáu Hóa, càng cười to:
- Ca đi!
- Ca nửa bài cũng được!
- Đó! Đó! Cái miệng chép chép ngon lành thế kia là sắp ca đấy! Chuẩn bị nghen!
Sáu Hóa ngọ nguậy toàn thân có vẻ khổ sở lắm, như ngồi trên kiến mụn nhọt. Hình như anh có ngước tìm Hai Thanh lúc đó đang đứng khuất ở xa, cũng nhìn anh không nói...
Thốt nhiên giữa đám đông nhộn nhạo, giữa hàng chục cặp mắt đang đổ dồn thích thú, trong cái cảm giác bực bội của Linh thấy mọi người đùa ác quá, Sáu Hóa từ từ đứng dậy, nói tỉnh khô như người mới ngủ dậy:
- Dạ! Mấy anh mấy chị có lòng đoái hoài, Sáu tôi cũng xin ca bậy một câu vọng cổ.
Mọi người càng rộ lên cười to hơn. Sáu Dô vỗ vế cái bốp:
- Thằng Sáu kỳ này có duyên quá ta!
Anh Ba bỗng quát khẽ:
- Im! Pháo đề-pa!
Tất cả im bặt, chuẩn bị tư thế nhào vào hầm. Trên không trung có tiếng roi quất vun vút rồi nhiều tiếng nổ rùng rùng ở mé trảng bên kia hố.
- Pháo bắn xa. Kệ má nó. Tiếp đi!
Lại ồn ào. Mọi người lại hướng về Sáu Hóa.
Linh tưởng thừa cơ hội này anh ấy sẽ ngồi xuống cho qua đi cái chuyện hát hò này, nhưng lạ thay, Sáu Hóa vẫn đứng im, mặt có vẻ rất trang nghiêm. Anh quờ tay bưng cây đàn ghi-ta nơi Sáu Dô, ôm gọn vào lòng mình. Những ngón tay đưa về phím, về dây không ngọng nghịu chút nào. Coi chừng... Linh thầm mong anh hát được, chỉ cần hát được, hát mấy câu thôi, anh Sáu ạ! Để cho thiên hạ hiểu rằng: bọn lính chiến chúng mình không những biết cầm súng, biết chui rào mà còn biết cách thể hiện tình cảm đang tràn đầy bên trong tâm hồn nữa. Hát đi, mạnh dạn đi, anh! Linh hồi hộp như chính mình sắp hát trước đám đông người.
Sáu Hóa đứng, đầu vẫn cúi xuống thân đàn như bất lực. Đột nhiên anh hơi rùng mạnh người: những ngón tay múa lên, những ngón tay vuốt nhanh theo những sợi dây mỏng manh. Một âm thanh vụt bổng lên cao lắm rồi bất thần như ngọn thác, chúng dồn đuổi nhau, quấn quít lấy nhau mỗi lúc một nhanh, mỗi lúc một thấp, cứ réo rắt ào ào. Cả thân hình anh ngả sát chiều nghiêng cây đàn, tóc rũ sát phím. Đám đông tự nhiên im phăng phắc, những ngọn đèn chai dường như cũng thôi không chao đảo... Những ngón tay trên dây đàn chậm dần, chậm dần, những nốt nhạc buông thong thả như mưa rơi trên lá, như dòng thác đang lao bất chợt gặp nước bằng, lại thoảng như vó ngựa khua nước kiệu ở đường xa. Tắt một giây. Bỗng anh hất cao đầu, mặt hơi tái đi, ánh mắt bay xa xăm. Anh hát. Giọng hát nhẹ thôi, nhưng sao trâm ấm, mộc mạc. Chất giọng từ trong lồng ngực vang ra:
“… Em gái đưa tôi qua dòng sông nhỏ
Vẫn mải nhìn những ánh hỏa châu xa
Cái dáng mềm như mái chèo đưa đẩy
Đêm hành quân mưa...".
Linh nổi gai người trong nỗi bồi hồi khó tả. Anh Sáu đó ư? Anh đang hát đấy à? Sao lâu nay... Hát đi! lát nữa đi, hát to lên một chút đi anh! Ơ kìa, có ai lau hộ cho anh giọt mồ hôi trên trán đi không?... Xung quanh Linh vẫn lặng như tờ. Đám trinh sát đã nhô ra chỗ sáng lắng nghe. Thúy cũng giụi tắt bếp, bước lên đứng lặng bên bờ suối. Anh Cầu cúi xuống xoay xoay ly rượu, mặt lộ vẻ xúc dộng. Chỉ có anh Sáu huyện ủy là ngồi nhịp tít giò. Anh vênh vênh nhìn mọi người như muốn hỏi: "Đó! Đã thấy chưa, các quí vị! Thằng Sáu nó là bạn chí cốt của tôi, tôi hiểu nó chớ! Tôi có giới thiệu đùa đâu. Sao quý vị lại trố mắt ra cả một loạt thế kia? Thường thôi! Người vùng sông rạch Sài Gòn hát vậy là chuyện thường. Ấy đó! Thằng nào dám dô nhịp ngọt như nó nào? Lại còn cái cách nó hát lối mới thiệt độc chứ. Im! Chú ý! Chú ý nghẹn! Nó hạ... Nó hạ... hạ... hạ xề này... Rồi! Lịm gà chưa?".
“… Chiều biên giới giữa rừng già sâu thẳm
Tưởng thấy em, cô giao liên nhỏ trên sông...".
Sáu Hóa thầm thì như không phải là hát nữa. Anh đang tâm sự anh đang gửi gắm điều gì vào dòng sông đó, cô gái kia?...
Có giọng nói con gái quen quen thảng thốt bên tai Linh như một lời tự sự:
- Thôi đừng... đừng hát nữa, anh Sáu... Người ta chẳng ai tin anh hát được. Người ta đâu có biết phải
không anh?... Anh ấy hồi nhỏ có đi theo gánh hát. Lớn lên anh vào lính Hòa Hảo đi chẳng biết bao nơi. Anh uống rượu từ đó. Sau này nghe nói anh ra chiến khu với đàng mình... Thế mà hôm nay anh lại đang hát ở đây?... Đừng... Em van anh! Sao giọng hát anh buồn thế?...
Linh khẽ nhìn lại, sau anh, Hai Thanh đang cúi xuống, môi vẫn mấp máy điều gì.
“… Chiến dịch lan ra anh trở về chôn cũ
Con sông xưa nay đã..."
Bằng giọng hát chân thật như kể chuyện, Sáu Hóa đưa mọi người vào một câu chuyện tình trong chiến đấu: đêm nọ, có cô gái giao liên chở đò cho anh Giải phóng qua sông. Đạn vãi đầy sông. Pháo sáng đầy trời. Cô gái áp người che chở cho anh, vì anh còn những trận đánh phía trước đang chờ... Một vết máu loang trên vai áo, có chiếc khăn rằn buộc vội thay băng... Phút chia tay, anh Giải phóng hứa sẽ cùng đồng đội trở lại con sông này. Năm tháng dần trôi, anh vẫn mang hình bóng cô gái chở đò vùng sâu đi suốt các trận đánh. Chiến dịch lan ra, anh trở lại dòng sông ấy. Cô gái kia đã ngã xuống trong một đêm chở thuyền đưa bộ đội công đồn....
“… Nơi em nằm: con sóng vỗ hàng lau
Nơi anh đi: có em trước anh sau…".
Mặt anh trở lại hồng hào rạng rỡ. Sau lưng anh, trảng cỏ đang mướt mượt dưới trăng non. Ngồi ngửa mặt nhìn lên, tưởng thấy bóng dáng anh đang lồng lộng đứng giữa thảo nguyên bao la. Ngọn lửa đèn dưới chân lại gợi nhớ tới đống lửa của anh con trai chăn cừu trên đỉnh núi.
Thấy thoang thoáng sau lưng, Linh biết rằng Thanh không còn đó nữa. Anh đưa mắt tìm: bên bờ suối nhỏ, người con gái cùng xóm với Sáu Hóa đang đứng tựa vào thân bằng lăng, xây lưng lại mọi người, đôi vai nhỏ rung rung... Cô ấy đang khóc. Đừng! Đừng ai nhìn, ai nói gì cả. Cứ để cho Thanh khóc. Những giọt nước mắt vì yêu, vì thương, vì... cái mất mát tìm đến nhau, cứ để cho nó chảy ra. Nỗi đau buồn sẽ vơi đi, cuộc chiến đấu này sẽ đẹp hơn. Linh xốn xang…
Có hơi thở của ai nong nóng phả vào má anh, gần lắm. Anh rợn người: Thúy... Thúy phải không Thúy tới lúc nào thế? Hơi thở sao ấm quá!... Sao đêm nay cứ thấy gần nhau hơn, muốn cởi mở với nhau những điều sâu kín nhất? Trận chiến đang kỳ gay go lại có những phút lắng lòng thế này ư? Hơi thở vẫn nóng ran. Linh thấy ngây ngấy trong đầu. Anh cố đưa luồng suy nghĩ của mình sang hướng khác... Ừ nhỉ? Trước giờ nổ súng anh Sáu có hát như thế này bao giờ đâu? Mọi lần anh toàn đùa thật gở:
- Tao còn bộ quần áo mới may trong bồng. Tao chết, thằng nào lấy sài đi!
- Nhớ nghe! Cây thuốc thơm để trong thùng đại liên giấu dưới gốc xăng máu đó! Cả cái đài nữa. Mình chán
sống không muốn về, xin tặng lại chi bộ. Rồi, vậy đó!...
Nhưng rồi lần nào anh cũng trở về với cái miệng cười cứ bắt người khác phải cười theo. Sao lần này... Hơi thở, cái hơi thở vẫn... Hồi chiều Thúy gội tóc bằng lá sả phải không? Thơm quá!... Nhắm bớt lại đi!... Đôi mắt ấy mà? Tôi... tôi biết đôi mắt đang ở sát lắm, đôi mắt thăm thẳm...
Linh ngồi cứng người, muốn ngạt thở. Anh thèm vô cùng được quay lại cầm lấy bàn tay mềm mại có những ngón tay trắng xanh kia. Và nhìn thật sâu vào đôi mắt ấy nữa... Nhưng chưa... Chưa được đâu! Còn... Đừng nhé! Linh nhé!...
Anh rút thuốc ra, đốt vội vàng. Thuốc sao đắng quá! Rít mạnh vào và quên đi... Giọng hát vẫn rì rầm, rì rầm như một lời tâm sự yêu đương...
Lúc ấy, ngay sau anh, chỗ hơi thở nóng ran ấy, cố tiếng thở dài...