Nắng đồng bằng

Chương ba

Docsach24.com

inh lại đứng trước bàu Con Gái. Mới gần một tháng mà nước đã ngập lênh láng. Thảm cỏ may vẫn vật vờ trước gió, nở bông trắng xóa. Bàu rộng ra, tròn hơn, lại càng đìu hiu. Chỗ suối lấy măng ở bên kia phải không? Đằng sau nó là "nhà" rồi! Nửa tiếng lội nước nữa là đến nơi, là gặp lại tất cả. Linh rưng rưng. Không! Chưa vội gì. Ngồi xuống đã! Ngồi xuống để cảm nhận hết cái ríu rít trong lòng đã! Thế là xong! Đến thật rồi! Tưởng không bao giờ thấy lại được mặt nước này, dải rừng xanh xanh kia. Trung đội lúc này đang làm gì? Mình đang ở bên cạnh các cậu đây! "Nhà" có gì ăn chưa? Anh Cầu chắc đã đi họp ở phân khu về. Anh Sáu Hóa… Những cái võng mắc thấp ở cửa hầm. Đêm đói meo vẫn cứ cười tươi. Có ai sốt rét thêm không? Vẫn còn đủ cả chứ? Đồng đội của tôi! Mới đó với đó mà đã nhớ thật nhiều. Nhớ ngay cả khúc suối kiếm măng, cái bàu Con Gái… Ngày trước các cô ấy ra tắm chắc nước cũng mênh mang dợn sóng như thế này…

Có tiếng "Ví!… Thá!…"1 văng vẳng đâu đây? Linh nhìn vượt qua hàng tràm ven suối: đôi ba người dân đang lầm lũi cày cuốc. Thật xa nữa: những mái tôn trăng trắng, hàng tre, con đường bò, cụm cao su, cái chuồng cu cao ngất nghểu… Cảnh vật mới gần gụi, thân thiết làm sao? Tất cả đều thoáng đãng, tất cả đều chan chứa nắng. Bên này ta, bên kia nó, ở giữa là những con người hiền lành đang mê mải làm ăn. Họ có nghĩ gì không? Chắc không đâu. Những vạt rau xanh dưới chân họ mới thật mượt mà. Thèm được đi thẳng người ra đó. Xin được cuốc giùm vài luống, ăn một trái dưa leo mòng mọng cho nước tràn tới kẽ răng, múc dăm gàu nước muội trong xanh giội từ đầu tới chân. Giặt hết quần áo phơi ngay trên cỏ, rồi cứ thế gối đầu lên một trái bí đỏ thật to mà ngủ một giấc. Cứ ngủ, kệ cho nắng soi đầy mặt… Muội kia kìa! Chỗ cây trâm bầu đang rụng lá. Nhìn thật gần mà không ra được. Thôi, chỉ cần ngồi ở đây cũng khoan khoái lắm rồi!.

Ở trên kia, sớm mở mắt ra: rừng! Hành quân cả ngày trời: rừng! Đêm ngủ: rừng! Toàn rừng là rừng! Buồn cũng rừng. Vui cũng rừng. Tâm tư chưa kịp ùa ra đã đập phải cây lá dội về… Còn ở đây, hãy tạm dẹp đi những phấp phỏng lo âu, trên đầu vẫn là cả một bầu trời khoáng đạt. Khoáng đạt cả nắng và gió.

Đồng bằng! Sắc màu mới đó mà đã thấy quen thân. Nhìn ra những cánh đống xa hút tầm mắt, thấy chói chang hy vọng. Mấy anh mấy chị trong xã chắc đang lặn lội ngoài đó. Tình hình không biết có gì mới hơn không? Kiên trì, nhẫn nại bám đất bám dân, họ giống như thân cây bồ cua kia, trải bao mưa nắng vẫn lồng lộng đứng giữa trời trầm tư suy nghĩ…

Một tốp máy bay lên thẳng đang lười biếng trôi dọc theo ấp. Ngay cả những con "óc nóc" đáng ghét kia nữa, lúc này cũng chỉ điểm thêm một nét động vào cảnh vật. Không nén được cái lâng lâng đang ngợp trong lòng, Linh đứng dậy định vượt qua bàu, nhưng anh bỗng lảo đảo, mắt hoa lên. Lại cái bệnh thiếu máu. Gần một tháng trời ròng rã trong rừng, về được tới đây là may mắn lắm rồi! Anh định thần nhắm mắt lại một chút, rồi cứ để nguyên quần áo, lội ào xuống nước.

Sau trận phản trái đó, bọn "kỵ binh bay" càng tức tối điên cuồng hơn. Đoán chủ lực ta vẫn còn lẩn quất, chúng bung quân ra phản kích các cánh rừng kết hợp với bom đạn tận diệt. Hai người cáng một người đã phải trải qua những ngày gian nan nhất. Đụng địch đâu tránh đó. Đêm tìm nơi có nước nghỉ lại. Ngày nhìn mặt trời, nhìn rêu trên thân cây, nghe tiếng súng nổ mà bước. Bước miết. Lúc đường mòn, lúc đường xe be. Khi cắt rừng, khi vượt trảng. Sáng đi theo bóng người bóng cây, chiều ngược lại bóng cây bóng rừng. Họ đi về hướng tây nam, đi ngược chiều biên giới. Nhất định sẽ tới đồng bằng!

Những ngày đầu ăn cơm. Hai bồng gạo vơi dần. Cơm chuyển thành cháo. Gạo cạn kiếm củ ăn. ở rừng không phải chỗ nào cũng có củ. Củ cũng đem nấu cháo ăn cầm hơi. Còn nhúm gạo đáy bồng dành dụm cho Toàn, cậu thương binh. Thật độc hại. Cái viên bi clây-mo nhẵn nhụi bóng láng khi khoét vào thân thể, chỉ để lại vệt tròn nhỏ màu tím sẫm, ngỡ chân một nốt mụn cơm vừa dứt đi. Vậy mà mới mấy ngày đường, đôi chân ấy đã không còn hình dạng. Toàn rên rỉ suốt dọc đường. Thấy dấu giày biệt kích, thương người khiêng, anh chỉ nghiến trèo trẹo hàm răng. Ngước nhìn đàn dọc quăng mình ào ào trên vòm lá, Linh nuốt nước bọt xót xa. Trong cái rừng già âm u này, tìm đâu ra một lá thuốc để chữa chạy cho Toàn? Thỉnh thoảng cái đòn cáng lại quật mạnh trên vai anh. Cậu ấy đang giãy mạnh. Toàn đau lắm phải không? Thằng lính nào không một lần bị thương, nhưng sao cái đau của người khác cứ quẫy mạnh trong đầu? Đường càng mờ mịt, đói mệt rã rời, đã có lúc Linh thoàng nghĩ thầm: đừng giãy giụa nữa, đừng nghiến nát hàm răng, khổ tâm lắm đồng chí ơi! Cứ nằm im, nằm im để cái chết đến dần dà lại nhẹ nhàng hơn… Tất cả đều nhẹ nhàng hơn… Người mẹ già miền đồi cọ… "Em ơi! Hãy trở lại đỡ mẹ vào nhà rồi hẵng đi…". Thôi! Hãy cắn răng, cắn răng lại mà chịu đựng, mà đi tới đích!

Linh lắc đầu thật mạnh như cố xua đuổi một con trùng đang bám nhằng vào tóc. Cái đòn cáng đập mạnh vào mang tai. Đằng trước, cái lưng gầy của Hài gù rút lại dưới sức nặng của đòn cáng. Đường gân gáy căng ra, và phía dưới, đôi bắp chân lẻo khoẻo, những đường gân xanh cũng hằn lên. Linh kéo xích nút võng gần lại phía mình.

Đêm đó, họ ngủ lại ở một cánh rừng gần trục đường mòn. Gần về sáng, đang thiếp đi mê mệt, chợt một tiếng nổ đánh thức Linh dậy. Mỹ tập kích chăng? Hay bom tọa độ? Sau tiếng nổ, rừng hoàn toàn im lặng. Tưởng mình mê ngủ, Linh ngả xuống võng định ngủ tiếp, nhưng bỗng thấy cái võng mắc bên anh lép kẹp, khẽ đong đưa. Chết cha! Toàn đâu rồi? Anh chồm dậy soi đèn nhìn kỹ. Có vệt máu dưới đất. Một lối cỏ rạp xuống trườn ra phía suối như dấu trăn bò. Linh lạnh người. Anh bươn theo con đường trăn bò. Dòng suối vẫn chảy róc rách khe khẽ. Một con chồn đang tỉa trái chín dưới gốc cây… Thoảng mùi lá cây trộn diêm sinh lờm lợm. Dấu nổ đây! Nổ tạc đạn. Linh thảng thốt nhìn quanh. Giữa đám cành lá rách tướp chỉ còn sót lại một mảnh vạt áo… Linh đứng chết trân, cổ họng khô khát, nhức nhói như có một bàn tay ai đang cào cấu trong ngực.

 - Sao chết dại chết dột thế, Toàn ơi!

Hài cũng đã theo Linh ra từ lúc nào chợt bật lên, mếu máo. Mắt Linh nhoè đi. Toàn ơi! Thảo nào tối qua thấy ánh mắt mày nhìn chúng tao khác lắm. Sao mày lại vội vã bỏ đi như thế hả Toàn? Sống cùng sống, chết cùng chết. Cái nghĩa của anh em mình lâu nay là thế. Mày sợ phiền đến chúng tao chăng? Cho đến chết. mày vẫn nghĩ đến chúng tao. Toàn ơi!… Nước mắt thấm vào môi Linh mằn mặn. Anh nắm chặt mảnh áo còn lại của Toàn trong tay, quay sang Hài, nói cộc lốc:

- Đi tiếp!

Hai người tiếp tục tiến về hướng tây - nam. Tiếp tục những ngày đói khát, mệt mỏi. Không ai kịp nghĩ suy về cái điều vừa xảy ra hôm qua. Những dải rừng già rậm rạp vẫn chắn lối họ. Và cái đói lại càng day dứt. Củ cũng không tìm ra nữa. Rừng nghèo tàn nghèo mạt. Miếng rễ cây đắng lè trong miệng. Cái nồi con mang theo đã bị pháo bắn nát. Họ phải nhét lá vào bi đông nấu ăn. Những ngày này lá rừng trở thành thức ăn chính của họ. Cốt nhất là không ăn nhầm phải lá độc.

Họ đã đi như thế bao nhiêu ngày? Không ai nhớ. Đêm nghỉ ngày đi. Trước sau rồi cũng tới, miễn là đừng nằm lại. Nằm một ngày thôi là nằm luôn. Linh luôn tự động viên mình như vậy và chính anh cũng không hiểu vì sao hai người đã vượt qua được chừng ấy đường đất, chừng ấy thử thách để trở về với cuộc sống.

Vào một ngày nắng ráo, họ đã tới được bờ sông Bé. Hài bị một cơn sốt rét ác tính quật ngã. Linh đành phải gửi Hài lại một tổ xe thồ…

Hết bàu Con Gái, Linh bật lên gò. Kia rồi! Cái đường tăng Tư Du quen thuộc kia rồi! Hết khúc quẹo đó rẽ vào là hầm tiểu đoàn… Hốc Bà Tó, đầm Ông Thậm, suối Kỳ Đà, trảng Mỹ Chết, đường tăng Tư Du… Sao lại gọi là đường tăng Tư Du nhỉ? Hồi mới về, Linh đã được nghe kể láng máng rằng Tư Du là tên của ông tham mưu trưởng phân khu. Kỳ Mậu Thân đợt 3, đang chém vè tại địa bàn Dĩ An, Thủ Đức, ông bị điệp báo, Mỹ xăm hầm bắt sống. Có tin là ông đã chiêu hồi, phản bội. Vì sau đó một tháng, B.52 và tăng đánh nặng vào toàn bộ khu vực trú quân của phân khu. Có một điều đáng ngạc nhiên là B.52 toàn đánh vào chỗ không người và xe tăng càn nát rừng nhưng lực lượng ta không hề tổn thất. Bán tín bán nghi không biết thế nào, nhưng người ta tạm gọi là đường tăng Tư Du để liệu bảo nhau mà đi đứng.

- Hết đường tăng Tư Du, quẹo tay mặt qua suối Bàu Gốc là tới bộ tư lệnh phân khu.

- Nè, trực thăng đang quần riết ở đường tăng Tư Du, bám cẩn thận kẻo mất mạng.

- Sao bẻ chà xanh tầm bậy vậy? Ra đường tăng Tư Du mà hái, thiếu cha gì…

Đại loại như vậy.

Sau đường tăng Tư Du là trảng Găng. Linh rẽ vào. Anh sựng lại trước con đường mòn bị rấp kín. Lính càn chăng? Những cành lá rấp đường đã khô quăn. Linh lách vào rừng. "Cứ" trống trơn. Xung quanh giếng, đất khô tơi, cái gầu nằm chỏng chơ trong bụi. Bếp Hoàng Cầm còn vệt tro ướt, đàn kiến mủ đang lặng lẽ bò qua. Cái bể nước ken bằng cành cây, ni lông lót còn nguyên nhưng đã cạn khô. Dưới đáy hằn rõ ngấn đất nâu. Dưới chân bể nước có cục cơm vắt ai đánh rơi, lâu ngày mốc rêu như cuộn len xanh xù lông… Đi thật rồi! Đi hết rồi! Linh ngồi phịch xuống. Lúc này anh mới thấy người rời rã, bải hoải. Thấm thía cái đói, cái mệt.

Nghỉ đã một lúc Linh lại bồi hồi ngắm nghía lại "cứ". Chợt mắt anh sáng lên: Gùi! Gùi đỏ gùi vàng. Chao ôi, gùi nhiều quá! Giống như đang khát gặp rừng mơ, Linh lính quýnh bẻ trái gùi cho vào miệng nhai ngon lành.Thịt gùi đẫm nước, chua chua với anh lúc này ngon tuyệt vời. Anh ăn háo hức không cần nhả hột. Cắn nhẹ một miếng vào cái vỏ vàng vàng đo đỏ cho nứt ra rồi dùng hai ngón tay bóp nhẹ. Thịt gùi đùn ra mướt mượt. Chưa kịp đưa lên miệng mà nước miếng đã ứa ra. Tiếc quá, không có Hài ở đây! Quả gùi ngọt hơn chay. Làm sao tìm được tiểu đoàn bây giờ? Chắc trung đội đang đánh sâu dưới đó. Chúng nó có nhắc đến mình không? Trái kia mọng quá! Linh kiễng chân vít cành cao trên ngọn. Chợt những ngón tay anh dừng lại: có tiếng cười nho nhỏ đâu đây. Tiếng cười ở bên kia đường tăng. Anh quýnh quáng xách bồng chạy ra, được một đoạn lại quay vào. Mặc kệ, ăn đã. Chả đi đâu mà vội. Kịp chán. Nào, làm một chùm nữa. Chua quá! Gớm, cười vui quá nhỉ? Dám chắc tiểu đoàn bộ ở đó lắm. Trái này ngọt như mật ong. Đang sốt rét mà gặp của này thì trời đánh không nhả. Mọi việc đâu sẽ có đó. Thôi vừa rồi. Khoan, trái này mới thật là gùi, gùi miền Đông thứ thiệt. Tiếng cười lại rộ lên. Linh gạt chà đi ra đường tăng.

Dưới mái tăng, anh thấy ba, bốn người mặt mày lạ hoắc đang ngồi quanh chiếc bàn tre. Tiếng cười không phải phát ra từ đây. Mấy người này có vẻ nghiêm trang, dáng điệu chững chạc, ăn mặc bảnh bao, sạch sẽ. Trên bàn bày bộ pha trà bằng ca, bi đông i-nốc Mỹ. Gói trà Blao giấy bạc tròn múp míp đặt bên cạnh những gói Ru-bi đầy sức hấp dẫn. Linh lặng người. Anh em mình đây rồi! Các anh ơi! Thế là tôi đã về được tới đây! Cứ tưởng chẳng bao giờ được gặp lại đồng đội nữa…

Người đứng tuổi cất tiếng nói, vẻ phiền muộn:

- Tối nay móc ráp kỹ một chút. Ráng đừng bỏ con như hôm rồi, cơ sở họ ngán không dám mang gạo ra.

- Vị trí phân phát gạo vẫn ở cụm một chứ, anh Chín?

Họ còn trao đổi gì nữa, Linh không nghe rõ. Người vừa hỏi anh Chín, rút một điếu thuốc gõ gõ lên mặt đồng hồ, rồi đưa lên miệng châm lửa. Mùi khói thuốc thơm làm Linh rùng mình. Những ngày vừa qua, đã có lúc anh phải cạo vỏ cây cò-ke hút cho đỡ nhạt miệng… Chắc đây là tổ hậu cần của phân khu? Linh run run bước vào.

- Ai đấy? Hỏi gì vậy? - Người đứng tuổi có bàn tay cụt ngón, ngẩng lên hỏi.

Cổ Linh tắc lại.

- Đồng chí ở đâu đến đây?

"Đồng chí…"- Nghe tiếng gọi thân thiết ấy, Linh đứng cười ngẩn ngơ, vẫn không sao trả lời được.

Người ấy đứng dậy, gay gắt:

- ủa! Hỏi hoài sao cứ làm thinh?

Linh giật mình như chợt tỉnh khỏi giấc mơ. Qua làn khói thuốc, anh thấy những ánh mắt lạnh lùng, xét nét, không có vẻ gì là thiện cảm đang chằm chằm nhìn mình.

- Tôi… tôi… các đồng chí…

Lắp bắp được mấy tiếng, Linh ngượng nghịu dừng lại. Đứng trước họ, chắc mình chướng lắm. Đã bao nhiêu ngày không tắm giặt, tóc tai, quần áo như thế này, họ lạ là phải. Mà sao họ lại nhìn mình như một kẻ… Linh đưa tay vuốt mạnh mớ tóc rối bù trước trán, rồi bật nói khàn khàn như không phải tiếng mình:

- Tôi ở "dê" đặc công đi công tác về. Đơn vị tôi đã chuyển "cứ". Nếu các anh biết "cứ" mới, nhờ các anh chỉ giúp. Tôi… tôi… đi ngay, không dám phiền tới các anh đâu… - Linh nói câu sau trong cái nhếch mép chua chát.

Người lớn tuổi ho húng hắng, lặng lẽ rót trà ra bát rồi nói gióng một:

- Đồng chí qua bên kia mà hỏi, chỗ có tiếng cười đó!

Linh xách bồng lên, nói gọn lỏn:

- Cám ơn!

Ra khỏi lều một đoạn, có tiếng càu nhàu sau lưng anh:

- Lính tráng gì mà ngơ ngơ ngáo ngáo như ngỗng đeo đài!

Linh đã thấy nong nóng mặt. Định quay lại cho cái bọn trịch thượng ấy một trận, nhưng anh lại thở dài, bước đi. Chuyện vặt vãnh ấy bực bội làm gì cho mệt người! Mình có quyền gì mà đòi hỏi sự săn đón, niềm nở ở họ? Anh rảo bước về phía có tiếng cười nói đang ngày càng rôm rả.

Trước mắt Linh, hơn chục người đang ngồi nằm lộn xộn vây quanh một anh chàng lực lưỡng điển trai, có bộ râu quai nón xanh rì, vai bên trái đeo cái dây lưng dù Mỹ óng biếc. Mùi thuốc rê khét lẹt, khói um như hun chuột. Anh chàng râu quai nón đang kể chuyện gì có vẻ hào hứng lắm, cặp mắt vừa sắc vừa hóm cứ đảo qua đảo lại:

- … Con mẹ họ! Sân sướng chi mà trống lốc như đầu sư! Mình nhìn tét cả mắt mới thấy một cái cục lù lù như hộc cây cưa dở, không, giống cái bịch thuốc rê ở ngay đầu nhà. Ngon rồi! Lợi dụng thằng cha gộc này mà đẩy B.40 vào cái bàn nhậu của mấy chú bình định thì chắc ăn như đưa bánh tráng cuốn thịt heo vào mồm. ý! Ngoải kêu bằng gì, bay? ừa, chắc như cua gạch!

- Trật rồi, cha! Chắc như nằm…

- Bậy bạ nào - Anh ta chau mày, trợn mắt nhưng cái miệng rộng lại toác ra - Mình rón rén mò tới êm re như mèo và ngồi xuống tựa chiếc lá rớt. Thiệt đó! Như chiếc lá rớt. Núp sau cục gồ đó, mình nhìn ngó khắp nơi. Êm re. Ngon nữa. Mình đang định mò tiếp bỗng dưng có tiếng heo ngáy. Ngáy như heo mà! ừa, thì ngáy như lợn…

- Bậy! Cúi!…

- ừa, thì cúi… Heo cúi nhà ai vầy nè? Mình dòm hoài không thấy. Lại thêm lép nhép, lép nhép. Thấy má, nó nhai. Heo cúi mà nhai như con lợn. Mình tự bảo: phải dè chừng. Vô phước đi qua chuồng, nó hộc một tiếng thì mệt cầm canh. ủa, nghe nè! Nó nhóp nhép gần quá. Ngay mang tai mình. Chuồn lẹ thôi. Mình đang định rút thì thấy cái cục gộc ngọ nguậy. Mình trố mắt: thôi má ơi, chết con! Không phải cục gộc mà là một thằng lính! Thằng lính đội nón hẳn hoi. Nó đang ngủ gục. Mình ghé sát vào thấy cái miệng nó nhộp nhoạp như đang nhậu. Nó mơ nhậu xị đế rồi, sướng chưa? Mình run quá xá! Tay mình đang đặt trên vai nó vẫn run lẩy bẩy. Rút tay ra, thấy nhẹ nó dậy thì phiền lắm. Mình toát mồ hôi hột. Nó vẫn cứ nhai nhóp nhép như bên cạnh nó không phải là mình mà là cái bàn nhậu. Thấy ghét quá. Nè! Nhậu nè! Mình tiện tay quơ luôn cái nón trên đầu nó tống vào mồm…

Đám người oà lên, cười nói ồn ào:

- Dóc tổ cha nội! Bộ nó là gộc thiệt sao mà ông ró ráy hoài vậy?

- Thiệt chớ! - Anh ta vươn cổ lên cãi.

- Vậy nó có bá vai hôn miệng ông không?

- Giỡn hoài!

Bộ mặt của người kể chuyện nhăn nhó tỏ vẻ vô cùng đau khổ vì không ai tin mình. Bất ngờ anh ta cúi gục xuống, ôm bụng cười sằng sặc.

Linh bật cười theo. Tay này nói chuyện có duyên quá! Nói dóc vậy là hết cỡ rồi đó! Linh vui vẻ bước tới trước mặt anh ta:

- Mấy anh cho hỏi đơn vị đóng bên kia đường tăng đi đâu rồi ạ?

Anh ta nhìn lên, mắt lấp lánh vui:

- Đi rồi! Đi chừng nửa tháng rồi! Xuống sâu lắm!

Thấy nét mặt Linh sa sầm, anh ta vội đứng dậy:

- Ông ở tiểu đoàn đặc công hả? Ngồi đây! Ngồi xuống! Làm sao mặt mày vêu vao vậy? Làm bậy hớp trà đi. Cơm canh gì chưa? Chưa hả? Rồi! Nấu cơm bay! Mổ hộp "Heo chồm" ra. Mới sốt dậy sao mà mét dữ vậy? Thằng y tá đâu rồi hề? Lại đây chút coi. Hút thuốc rê không? Con mẹ họ! Dạo này hẻo món "đầu bằng" quá! Mấy thằng cha hậu cần may ra còn. Quản lý đi chia bậy một gói về đây. Nói thằng cha Chín, mình có khách binh chủng đặc biệt tinh nhuệ nghen!

Linh ngồi im không nói năng gì. Ngồi giữa những anh bộ đội địa phương, nam có, bắc có này, anh thấy nghèn nghẹn nơi cổ… Anh xin lỗi được đi tắm sơ một cái.

- Hố bom đó! Nước thỏa mãn. Tắm lẹ vô ăn cơm. Chiều tối bọn mình cho người đưa ông lên phân khu. Phòng chính trị họ sẽ lo cho ông đàng hoàng. Cứ nghỉ đi. Tà tà ngày dài tháng rộng. Đánh Mỹ trường kỳ mà! Có xà bông chưa? Lấy bánh "ba bê" của mình nè!

 Linh vịn nhẹ vào những thân cây nhỏ đi ra hố bom. Đằng sau, mọi người lại cười tóa lên rồi. Vẫn tiếng nói bổng trầm của anh ấy…

Anh y tá đưa Linh ra hố bom nói: đó là bộ phận cán bộ đi nghiên cứu địa hình của tiểu đoàn bộ binh. Người nói chuyện là tham mưu trưởng Bảy Hoàng - cây tán dóc nổi tiếng toàn phân khu.

°

°   °

Linh về tới bộ tư lệnh phân khu tiền phương thì trời vừa sập tối. Cái tối ở vùng giáp ranh cũng nhạt hơn. Pháo bắn ở đâu bên kia hố Đầu Lâu. Đêm nào cũng vậy, cứ tầm này và tầm gần sáng là pháo bắn dữ nhất. Bắn theo tính toán căn ke sẵn. Nó tính ngăn chặn sự tiềm nhập của ta từ các khu rừng chồi mỏng dẹt.

Nơi ở của bộ tư lệnh cũng na ná như các đơn vị. Có khác là đào nhiều hầm thùng làm nơi hội họp. Hầm thùng là thứ hầm rộng không có nắp, nóc che bằng ni lông. Xung quanh vách hầm có khoét nhiều hàm ếch để nếu cần, chui vào tránh miểng. Hầm có nắp họp hành bí lắm. Với kiểu hầm này, pháo bắn cách một trăm, hai trăm mét coi như không. Trúng bóc mới chết. Mà mấy khi đã thả đúng lỗ.

Linh tìm tới được chỗ ở của phòng chính trị thì trán anh đã rìn rịn mồ hôi. Hết rét lại nóng, hết nóng lại chuyển sang rét. Ráng chút nữa hỏi thăm tình hình xong có gục hẵng gục. ở địa bàn "a beo" này, ba cơ quan tham mưu, chính trị, hậu cần cũng lụm xụm đóng sát nhau. Tìm được hầm ban cán bộ chắc cũng mệt. Không khí ở đây có vẻ trang nghiêm khác hẳn dưới các đơn vị. Tiếng ra-đi-ô mở râm ran.

Linh khom người rẽ vào một cái hầm đang có ánh đèn dầu mờ mờ hắt lên tấm ni lông nóc. Anh bỗng sững lại trên miệng hầm, mừng rỡ: Kiêu kia phải không? Sao lại ở đây? Đúng rồi! Bên ánh đèn, mái tóc ấy vẫn mượt, khuôn mặt vẫn sáng láng. Kiêu đang lượn đi lượn lại nói cái gì say sưa lắm với một người đầu sói, đeo kính trắng. Chắc đồng chí trưởng ban cán bộ? Kiêu vẫn khỏe mạnh, tươi tắn. Thế mà cứ tưởng anh ta đã nằm xuống ở một ngã ba nào rồi! Còn số anh em cắt về sau đâu? Chắc còn cả thôi… Nhìn thấy Kiêu lúc này, anh như thấy cả tiểu đoàn ở bên mình.

- Kiêu! Anh Kiêu! - Linh khẽ gọi.

Kiêu nhìn lên ngơ ngác giây lâu rồi hơi tái mặt, ngả người về sau như muốn trốn vệt sáng đèn. Liền ngay đó, Kiêu nở một miệng cười thật dẻo, anh ta gần như chạy lao về phía Linh:

- Linh! Tám Linh hả? Mèng đéc ơi! Mình tưởng ông làm mồi cho kỳ đà rồi! Vào đây! Vào đây!

Anh ta quay sang người đầu sói, nói sôi nổi:

- Đây là đồng chí Linh, cán bộ điều nghiên của tiểu đoàn tôi, đi công tác mới về… Ui chao! Sao ốm nhách thế, Tám Linh? Tội nghiệp!

Anh ta bỗng thở dài, cái miệng mỏng như lá tranh trễ xuống, đầy vẻ phiền muộn.

Linh lóng ngóng chả nói được gì. Kiêu có vẻ xúc động thực sự khi gặp mình. Vậy mà hôm ấy mình lại nỡ đối xử với Kiêu như thế… Anh nắm chặt lấy tay Kiêu. Cơn sốt tan biến đi từ lúc nào.

Người đầu sói nghe Kiêu giới thiệu, khẽ ngẩng lên gật đầu chào rồi lại cúi xuống ghi chép… Nhưng ngay sau đó lại ngẩng lên, tháo kính nhìn Linh chăm chú:

- Linh… Trần Hoài Linh phải không?

- Dạ!…

Linh nhấp một ngụm nước nóng của Kiêu đưa cho như uống cả cái ấm áp của gian hầm. Kiêu đứng lên có vẻ vội vã:

- Báo cáo anh Sáu, anh làm việc với đồng chí Linh… Tôi qua làm việc với tham mưu rồi còn kịp theo giao liên về tiểu đoàn…

Linh giật mình: ấy, sao đi sớm vậy? Còn bao nhiêu điều đã hỏi, đã nói được đâu… Thế anh em ta?… Thế Năm Thúy… Linh lật đật đứng lên định gọi nhưng bóng Kiêu đã mất hút ở cửa hầm… Anh run run ngồi xuống, thái dương kêu tăng tăng như có ai lấy búa gõ vào. Nếu không có người đeo kính trắng ngồi kia với vầng trán đáng vì nể thì Linh đã nằm vật ra ghế rồi…

- Thế này đồng chí Linh nhé! - Cái giọng nói vừa ấm vừa lạnh vang lên.

- Dạ!… - Linh trả lời mà mắt cứ trĩu xuống. "Nói nhanh đi ông. Đuối quá rồi!".

- Chúng tôi có nghe báo cáo về tình hình đồng chí đợt đi lấy gạo vừa rồi…

"Ôi giời! Nghe thì ai chả nghe…".

- Thật đáng tiếc! Chúng tôi chưa kịp xét kỹ, nhưng thật là chả hay ho gì…

"Đúng là chả hay ho gì! Chết người, mất gạo, có gì là hay ho?" - Linh cứ miên man… "Khó thở quá!".

- Đồng chí có vẻ bệnh?

Linh gượng lắc đầu. Hơi thở qua mũi nóng như lửa. Mắt như có ai đổ chì lên mi nóng nhức…

- Rất ít thời giờ, nhưng đồng chí Linh có thể báo cáo tóm tắt vụ tổn thất đó một chút được không?

"Chả có cái gì đáng phải báo cáo dài dòng. Tôi mệt quá rồi… Mọi việc đều rõ cả. Bây giờ nói là nôn mửa mất…" Anh vẫn lặng im, đầu gục xuống như ngủ.

Người sói đầu nhíu một bên lông mày:

- Nguyện vọng của đồng chí bây giờ là gì?

"Còn gì nữa? Hỏi buồn cười quá!". Anh bật nói đứt quãng:

- Báo cáo đồng chí trưởng ban cán bộ. Tôi, Trần Hoài Linh, giữ chức trung đội trưởng trung đội trinh sát đặc công thuộc D.73… xin được trở về vị trí cũ!

Gian hầm lắng lại. Chỉ còn nghe tiếng thở dồn của Linh. Trước mắt anh, ngọn đèn chai trên bàn cứ trượt đi trượt lại như đang nhảy múa.

Đồng chí trưởng ban gập gọng kính lại, nói với vẻ nửa kết luận, nửa còn cân nhắc:

- Nguyện vọng đồng chí sẽ xem xét sau. Lúc này lu bu quá! Sắp làm ăn lớn, không lúc nào rảnh. Phòng chính trị quyết định đồng chí ở lại tuyến sau giữ chức trung đội phó trung đội sản xuất. Đồng chí thấy thế nào?… Đây cũng là nhiệm vụ rất quan trọng, nó sẽ…

Linh choáng váng như bị lửa táp vào mặt. Anh không nghe thấy gì nữa, anh không hiểu gì cả. Cái gì thế? Tại sao lại như vậy? Sắp làm ăn lớn… Trung đội phó sản xuất… Sao người ta lại loại mình ra khỏi vòng chiến đấu sớm thế này? Mình hết xài, mình là đồ bỏ rồi sao? Không! Không thể như vậy! Hãy trả tôi về với tiểu đoàn! Tôi còn… Tôi sẽ… Linh đứng bật dậy, nhưng ngay lúc đó, như có một thanh sắt phang vào gáy, anh mất đà giụi vào vách hầm. Trước khi mí mắt ập xuống, anh vẫn còn mờ mờ ảo ảo thấy cái miệng mỏng như lá tranh của Kiêu nhệch đi trên miệng hầm và một giọng ai đó vang lên:

- Tay đào ngũ ở tiểu đoàn đặc công đó…

Tiếng nói dửng dưng ấy khiến anh quỵ hẳn.