Mưu Trí Thời Tần Hán

Chương 91

Trịnh Thái là người nghĩa khí cương trực. Hậu kỳ Đông Hán, hoạn quan chuyên quyền nên rất nhiều thái úy, tư đồ, tư không, những người nắm giữ chức vụ hành chính cao nhất mời ông ra làm quan, ông đều từ chối. Mãi đến khi đại tướng quân Hà Tiến ra phò tá triều đình, ông mới ra làm thị lang thượng thư sau này là thị ngư sử với hy vọng Hà Tiến sẽ diệt được thế lực hoạn quan.

Thế nhưng để làm việc này, Hà Tiến lại dự định mượn tay của Đổng Trác. Trịnh Thái biết con người Đổng Trác bèn khuyên Hà Tiến thay đổi chủ trương: Đổng Trác cường bạo, tàn nhẫn, không có đạo nghĩa, hiện nay hắn đang có nhiều dã tâm, tham vọng. Nếu đem việc triều chính giao phó cho hắn thì chẳng khác nào mở đường cho chí vọng hung tàn ấy, việc này sẽ đem đại họa đến cho triều đình. Nếu muốn tiêu diệt hoạn quan thì quyết không mượn tay loại người này". Sau đó Trịnh Thái còn chỉ rõ cho Hà Tiến thấy những nguy hiểm, vạch ra những việc cần làm gấp rút để thay đổi tình hình.

Đáng tiếc là Hà Tiến không nghe, Trịnh Thái rất thất vọng đành từ quan ra đi, ông nói với mưu sĩ thân cận của mình: "Con người Hà công thật không dễ phò tá". Sự việc xảy ra sau này quả đúng như lời Trịnh Thái. Bằng con mắt tinh tường ông đã nhìn trước được kết cục của sự việc.

Bất luận là lĩnh vực chính trị, kinh tế, hay quân sự, sự đánh giá, dự kiến trước những điều sẽ xảy ra là rất quan trọng. Trên thương trường việc quan sát tinh tường đôi khi giúp các nhà kinh doanh đoán trước được những yêu cầu thị trường để kịp thời điều chỉnh sách lược của mình.

Hami là nhân viên thông tin của một công ty dệt ở Indonesia. Ông là một tay kinh doanh có con mắt tinh tường, độc đáo. Có lần, ông đi công tác miền Nam, ngồi trên thuyền ông nhìn thấy có một cô gái khóc rất thương tâm, ông bèn lên bờ hỏi nguyên do. Cô gái nói, anh trai cô ở Thụy Sĩ gửi về cho cô một chiếc áo ngủ mùa hè làm bằng sợi kim tuyến vàng. Chiếc áo này không biết ai sơ ý làm cháy một lỗ nhỏ, cô đã đi khắp nơi, thậm chí nhờ người ra nước ngoài mà vẫn không tìm mua được chiếc áo giống như vậy. Nghe xong câu chuyện, Hami liền lấy 40 đồng ra đưa cho cô gái làm tiền cược và nói: "Cô tạm thời cho tôi mượn chiếc áo này, ba tháng sau tôi sẽ tặng cô một chiếc như thế này nhưng lành lặn". Cô gái kia bèn đồng ý.

Hami lập tức lên bờ, dùng đường vận chuyển bằng hàng không nhanh nhất gửi chiếc áo về công ty và thông báo với công ty trong vòng ba tháng phải sản xuất ra loại áo giống như thế, và trong vòng 80 ngày công ty của ông đã cho ra đời 2.000 chiếc áo ngủ mùa hè dệt bằng sợi kim tuyến, vừa tung ra thị trường đã bán hết sạch. Còn cô gái nọ thì cũng được Hami gửi tặng một chiếc áo mới. Thông qua quảng cáo, nhiều người lúc đầu định ra nước ngoài mua loại áo này đã tìm đến với công ty. Một lần khác, Hami đến vùng sơn trang của Indonesia, tại đây ông thấy rất nhiều nông dân đang vội vã dùng phương pháp thủ công để dệt các túi hương dùng cho nhà chùa thờ Phật. ông vội dò hỏi thì được người dân cho biết: ở vùng này mỗi năm lại tổ chức một lần lễ hội nhà chùa với quy mô rất lớn. Lễ hội phải dùng một lượng lớn các túi hương. Già trẻ, trai, gái trong làng dù có thay nhau làm cũng chỉ đủ một phần nhỏ cho người dùng. Hami đi đến làng bên cạnh, cũng thấy dân ở đây đang vội vã dệt túi hương.

Ông lập tức báo tin này về công ty. Công ty vội tập trung lực lượng, dùng máy móc sản xuất một lượng lớn các túi hương. Không đầy bảy ngày cho ra đời 100.000 chiếc kiểu dáng tinh xảo giá rẻ. Sau khi tung ra thị trường chưa đầy 10 ngày số túi hương này đã bán hết.

Tin tức, thời gian là tiền bạc. Làm thế nào nắm được thông tin, đua với thời gian vẫn luôn là mơ ước làm đau đầu các thương nhân. Thực ra, trước mắt bạn có lẽ có rất nhiều tín hiệu thông tin, vấn đề là bạn có con mắt nhạy bén để tận dụng và khai thác nó hay không?

Những năm giữa của thập kỷ 60, sapiphu là một trong những đại phú gia Hương Cảng. Ông làm ăn rất phát đạt trong ngành điện ảnh. Trong tay ông có hàng loạt các biên kịch, đạo diễn đã từng dựng nhiều bộ phim nổi tiếng, đào tạo ra những minh tinh sáng giá.

Mặc dù đang trong sự nghiệp huy hoàng, ông vẫn từng bước chuyển trọng tâm sang ngành truyền hình. Lúc đó truyền hình là lĩnh vực mới phát triển, chính phủ Hương Cảng tổ chức mời thầu kinh doanh cho loại vô tuyến không cáp. Mọi người không mấy quan tâm, nhưng với con mắt nhạy bén Sapiphu đã biết trước được tương lai phát triển mạnh mẽ của ngành này và theo ông nó sẽ còn vượt xa ngành điện ảnh. Nhiều người không thể lý giải được điều này, nhưng Sapiphu thì thấy rất rõ và ông quyết định bỏ thầu. Kết quả là ông và người hợp tác đã trúng thầu và trở thành ông trùm của ngành truyền hình Hương Cảng.

Cùng với sự thay đổi của thời gian, mọi người ngày càng khâm phục tài dự đoán của Sapiphu, "Tuần báo Á châu” kỳ đầu tiên năm 1990 đã có một bài viết về ông: "Từ ngày nay, nhìn lại sự chuyển mục tiêu sang truyền hình của Sapiphu có thể thấy đó là việc làm sáng suốt. Thời kỳ cực thịnh kéo dài suốt sáu bảy mươi năm của ngành điện ảnh đã bắt đầu đi xuống ở những năm 80". Sự vật nào cũng vậy, khi phát triển đến thời khắc huy hoàng nhất thì cũng là lúc bắt đầu tàn lụi. Ngược lại khi nó đang khởi động những bước đầu tiên, chỉ cần có tiền đồ phát triển, thì nó nhất định sẽ bước đến chỗ cực thịnh.

Cái gọi là "quan sát tinh tường" phải có được bởi một năng lực phi phàm và một con mắt nhìn thấu suốt. Trịnh Thái, Hami, Sapiphu là những con người như vậy. Trên thương trường ngày nay, ai có con mắt như thế thì sẽ đi đến đích chiến thắng trước.