Mưu Trí Thời Tần Hán

Chương 67

Đứng trên phương diện quan điểm chính trị của giai cấp phong kiến thì việc Vương Mãng đoạt quyền lập ra "tân triều” là việc làm nghịch đạo, là kẻ dã tâm. Nhưng với con mắt ngày nay nhìn lại thì việc họ Lưu hay họ Vương làm hoàng đế cũng như nhau cả thôi. Quan trọng là xem ông ta có đưa ra được các chính sách, bước đi theo kịp với xu hướng phát triển của thời đại và trào lưu hay không? Nhưng thật đáng tiếc cái "cải chế” mà Vương Mãng thực thi lại đẩy bánh xe lịch sử lùi về quá khứ của thời nhà Chu. Do đó mà "tân triều” của ông đoản mệnh và bản thân ông thì nhận một kết cục bi thương.

Vương Mãng tôn sùng đến mức mê muội các trước tác của thời cổ đại như "Chu Lễ", "Lục Kinh". Ông cho rằng triều đại nhà Hán suy yếu là bởi không tuân theo chế độ lễ nhạc trong "Lục Kinh". Thế là ông ra sức bắt chước cổ nhân. Khi tiếp kiến nhân sĩ phải tắm gội sạch sẽ. Lúc tắm ba lần nắm tóc, khi ăn ba lần nuốt không trôi để biểu thị lòng tôn kính văn sĩ.

Một trong nội dung quan trọng nhất của cải chế là đem toàn bộ đất đai của thiên hạ thống nhất gọi là "vương điền", cấm được mua bán. Đổi tên tất cả nô tì thành "tư thuộc", cấm mua bán nô tì. Đây là biện pháp cứng nhắc. Mục đích là phòng trừ việc thôn tính đất đai và việc tiểu nông biến thành nô tì như thời hậu Tây Hán. Trước đây, trong triều đã có nhiều ý kiến của các bậc nho sĩ, học giả cho việc giải quyết vấn đề này nhưng đều không có kết quả. Đến lượt Vương Mãng tiến hành cải cách theo đường lối cũ của Tây Chu thì gặp phải sự phản đối kịch liệt. Tư hữu ruộng đất đã có hàng trăm năm, làm sao có thể xóa bỏ bằng một tờ chiếu. Còn nô tì chẳng qua là hướng giải thoát của tiểu nông phá sản. Nay không cho mua bán nô tì thì số tiểu nông này chỉ còn cách ngồi nhà đợi chết. Đương nhiên chính sách xa rời thực tế "vương điền" và "tư thuộc" tự nó sẽ bị xã hội loại trừ sau 3 năm thực thi không kết quả.

Còn một nội dung khác trong cải cách của Vương Mãng đó là quan phủ khống chế mọi hoạt động của thị trường thương phẩm. Chính phủ kinh doanh và lũng đoạn. Biện pháp này cũng là học từ Chu lễ. Mục đích là hạn chế quyền và lợi nhuận của tư nhân. Không ngờ vừa mới thực thi, bọn thương nhân tìm cách câu kết với quan phủ cùng lộng hành bóc lột người mua. Tình hình càng trở nên tồi tệ hơn trước.

Sai sót lớn khác của Vương Mãng là cải cách về tiền tệ. Bản thân ông không hiểu một chút gì về tính chất và tác dụng của tiền tệ. Ông cho lưu hành 28 loại tiền tệ: vàng, bạc bối (tiền cổ bằng vỏ sò), giáp (tiền cổ bằng mai rùa), vải... Giá trị của các loại đồng tiền cứ thay đổi liên tục, dẫn đến sự phá giá, vật giá tăng cao, hàng loạt thương nhân, tiểu nông bị phá sản. Cả xã hội lâm vào cảnh bất ổn, hỗn loạn. Tại sao Vương Mãng lại chọn phương pháp này? Thì ra đó là kết quả của việc mô phỏng chính sách tiền tệ "tứ mẫu đồng quyền" của nhà Chu.

Vương Mãng còn học theo "Chu lễ" thay đổi toàn bộ tên các khu vực hành chính cũ và các chức quan. Mọi người không thể nhớ hết được cái tên mới này, thế là lại xảy ra cảnh hỗn loạn, hoang mang nơi quan trường và trong sinh hoạt của người dân.

"Cải chế” nên phù hợp với thực tế của thời đại, như vậy mới thành công được. Còn như Vương Mãng đẩy lùi bánh xe lịch sử lấy cái cổ xưa để làm kim chỉ nam cho cải chế thì chỉ thu được một thảm họa mà thôi. Làm chính trị, việc đầu tiên là phải tinh tường đại cục. Kinh doanh cũng như vậy. Nếu đi ngược lại đại cục và trào lưu thì 10 người sẽ thất bại cả 10.

Ngày 24 tháng 5 năm 1989 tàu chở dầu mang trọng tải 8 triệu tấn của hãng Akelin (Mỹ) đã bị rò rỉ một lượng dầu lớn tại vịnh thái tử William là một cảnh đẹp nổi tiếng, nước trong vắt, nguồn tài nguyên hải sản, cá, tôm, các loại tảo phong phú. Vệt dầu loang trên mặt vịnh rộng tới 1 km, dài 8 km khiến cho các loại cá, tôm, rong tảo đều bị ảnh hưởng, có loài không chịu nổi bị chết. Cả một quần thể sinh vật, sinh thái bị ô nhiễm nặng.

Xảy ra một việc lớn như vậy công ty Akelin nên xin lỗi chính quyền và nhân dân địa phương, nhanh chóng tìm biện pháp khắc phục. Nhưng công ty này cho rằng mình là công ty xếp hàng sau hai công ty lớn là công ty xe hơi Ford và General (ba công ty này cùng thuộc một tập đoàn) nên hết sức chậm chạp, thờ ơ, không hề xử lý hậu quả do mình gây ra. Do đó vệt dầu ô nhiễm ngày một lan rộng, làm cho hệ sinh thái ngày một xấu đi trầm trọng.

Quan chức của địa phương vùng bị ô nhiễm Mỹ và Canada liên tục phát biểu ý kiến chỉ trích sự vô trách nhiệm của Akelin. Các tổ chức bảo vệ môi trường phát động phong trào "phản đối Akelin" trên các phương tiện thông tin báo chí. Họ còn tổ chức một nhóm điều tra. Kết quả điều tra cho thấy đây là tai nạn do sự vô trách nhiệm của tàu trưởng. Ông này uống rượu say nên mới để xảy ra sự cố.

Đến lúc này công ty Akelin không thể không tìm biện pháp can thiệp. Họ cho làm sạch mặt nước khu vực bị ô nhiễm, bồi thường thiệt hại, nộp các khoản phạt. Tổng chi phí lên tới hàng trăm triệu đô la. Sớm biết như vậy mà công ty không kịp thời nhận trách nhiệm, khắc phục hậu quả.

Lòng dân chính là đại cục, mà đại cục thì khó lòng mà xoay chuyển được. Ở đời vẫn vậy, khi bạn làm việc gì mà sinh ra hậu quả xấu thì người ta quy kết là bạn xấu, những việc tốt mà bạn làm trước đây họ đều quên hết. Akelin công ty chẳng phải là có một kết cục như vậy sao?