Mưu Trí Thời Tần Hán

Chương 41

Từ khi Lục Cổ khuyên giải được Triệu Đà làm hầu vương của Nam Việt, Cao tổ Lưu Bang rất coi trọng ông, thăng chức làm đại trung đại phu. Lục Cổ cũng thường xuyên ra vào triều cùng gặp và đàm luận việc trị quốc an bang với Lưu Bang. Mỗi khi nói đến chỗ tâm đắc, Lục Cổ thường lôi “kinh Thư”, "Thượng Thư” và những kinh điển của nhà Nho để mà đàm cổ luận kim, rất lấy làm tự đắc. Lưu Bang rất ghét, lúc đầu còn nhẫn nại mà nghe, nhưng sau đó có lần phát cáu với Lục Cổ: "Ta trên lưng ngựa mà lấy được thiên hạ, cần gì đến "thi", "thư”. Lưu Bang vốn không ưa Nho giáo, năm đó khi Lợi Thực đến cầu kiến, biết rằng đó là một nho sinh, Lưu Bang cho gọi anh ta vào còn mình thì vẫn điềm nhiên ngồi rửa chân, thể hiện sự xem thường Nho gia. Lại còn có một lần, thậm chí Lưu Bang còn lấy mũ của nhà Nho làm bô đi vệ sinh. Thế mà Lục Cổ lại suốt ngày mang Nho giáo ra thuyết giảng làm sao không bị Lưu Bang chán ghét?

Thế nhưng, vị Lục Cổ này có một nội lực công phu thực giỏi. Ông không những không giận, không thấy việc bị hoàng đế chán ghét là việc quan trọng, mà rất bình tĩnh trả lời: "Trên lưng ngựa lấy được thiên hạ, nhưng có ngồi trên lưng ngựa mà giữ được thiên hạ không? Chu Vũ đều là nghịch đoạt nhưng thuận trị nên mới có thiên hạ đại trị. Còn Tần sau khi bình được sáu nước thì chỉ biết đến cực hình, giết hại, nên 20 năm đã bị diệt. Nếu như nhà Tần có được thiên hạ rồi lại thi hành nhân nghĩa, đại trị thì bệ hạ làm sao có thể diệt nổi Tần?”

Mấy câu hỏi này khiến cho Lưu Bang nghĩ một hồi mà vẫn không biết trả lời ra sao, cảm thấy cay mặt. Không ngờ cái tên nho sinh này ghê gớm thật. Lưu Bang thực là bị ông ta hỏi vặn đến chân tường rồi.

Thế nhưng Lưu Bang là con người vô tâm, thích nghe lời bàn luận. Sau khi biết mình đuối lý bèn thành tâm, thành ý thỉnh giáo Lục Cổ: "Ngươi nói nhà Tần làm sao lại thất bại? Ta làm sao mà có được thiên hạ? Ngươi hãy giải thích cặn kẽ cho ta, và đem sự thành bại của người xưa, gộp lại viết thành một cuốn sách có thể làm gương cho hậu thế”.

Lục Cổ phụng mệnh Lưu Bang, đóng cửa khổ công một thời gian, viết được 12 chương dâng lên vua. Lưu Bang đọc một cách tỉ mỉ, không ngớt lời khen, đặt tên cho sách là "Tân ngữ". Cuốn "Tân ngữ" của Lục Cổ trở thành lý luận cơ bản của tư tưởng chỉ đạo thống trị trong suốt bốn triều đại thời đầu Tây Hán. Căn cứ vào tư tưởng của "Tân ngữ" triều đình đã thay đổi tư tưởng thống trị từ tôn sùng pháp gia sang sử dụng học thuyết Hoàng Lão.

"Hoàng” là chỉ những hoàng đế trong thuyết, "Lão" chỉ Lão Tử người sáng lập ra đạo gia. Học thuyết Hoàng Lão là một hệ tư tưởng lấy đạo gia làm nòng cốt được hình thành sau Chiến quốc đồng thời nó cũng kết hợp với tư tưởng, trào lưu của các trường phái của học thuyết bách gia. Cuốn "Tân ngữ” của Lục Cổ lấy học thuyết đạo gia làm chủ. Nội dung chính của thuyết Hoàng Lão là chủ trương không nên "dùng pháp quá mạnh" mà "kết hợp văn võ", còn nhấn mạnh rằng đó chính là "kế lâu dài", vô vi mà trị. Nói theo cách ngày nay thì là không nên lạm dụng sự trấn áp của vũ lực, mà nên xem văn trị và võ công ngang hàng nhau. Trên chính trường cố gắng giảm can dự, trong kinh tế thuận theo tự nhiên mới là thượng sách trị yên xã tắc lâu dài. Có thể nói rằng tư tưởng của Lục Cổ phù hợp với thực tế lúc bấy giờ, áp dụng trong gần trăm năm của triều đại đầu nhà Hán quả là có hiệu quả.

Mệnh đề mà Lục Cổ đưa ra, có ý nghĩa rất quan trọng bởi vì cái mà nó đề ra là tổng thể tư tưởng thống trị của một thời đại. Tư tưởng thống trị là tư tưởng chỉ đạo cơ bản, các tư tưởng khác đều xuất phát từ nó mà ra. Nếu tư tưởng này không sáng suốt việc trị quốc, an bang không có phương hướng. Nhà Hán tránh được kết cục diệt vong nhanh như nhà Tần là điều có quan hệ mật thiết với mệnh đề tư tưởng thống trị đúng đắn mà Lục Cổ đề ra.

Trên thương trường hiện nay, cũng như vậy, đòi hỏi một tư tưởng chỉ đạo tổng thể. Không có con mắt chiến lược nhìn xa trông rộng, không có phương châm chỉ đạo chiến lược, thì bất luận là tập đoàn công ty nào, xí nghiệp nào không thể có tiền đồ phát triển xán lạn về sau.

Chủ tịch Quách Phượng Phượng của tập đoàn Phong Long ở Canada, năm 1982 từng được tạp chí "người đầu tư' của Mỹ bình chọn là ngân hàng lớn thứ hai trên thế giới. Bí quyết thành công của công ty là "làm kinh doanh phải có con mắt nhìn xa trông rộng, phải biết kết hợp với nhu cầu thời đại". Quách Phượng Phượng có dự cảm về thời cuộc rất nhạy bén, lại có những dự kiến đi trước thời đại. Năm 1945 khi chiến tranh thế giới lần thứ hai vừa kết thúc, ông có một dự cảm rằng sẽ có một cao trào tu sửa toàn diện những tổn hại sau chiến tranh. Cho nên cái cần đầu tiên là một lượng lớn vật tư xây dựng. Ông liền đầu tư một lượng tiền lớn kịp thời mua những vật tư còn thừa sau chiến tranh như vật tư, vật liệu xây dựng, hợp kim... Quả nhiên sau này giá cả vật tư tăng vọt, việc kinh doanh của ông phát đại tài.

Năm 1948, công ty Phong Long đã trở thành một công ty có tính thương nghiệp danh tiếng ở Canada. Quách Phượng Phượng lại đưa ra một dự đoán, tương lai phát triển của kiến trúc xây dựng sẽ tạo ra cơn sốt đất. Ông bèn đặt trọng tâm của kinh doanh chuyển dần sang thu mua bất động sản. Sau 20 năm, giá cả của số lượng bất động sản lớn nay tăng gấp vài lần và ông thu được mối lợi lớn.

Năm 1957, Quách Phượng Phượng lại dự kiến rằng cao trào xây dựng dẫn đến nhu cầu xi măng là cấp thiết nhất. Ông kịp thời đưa ra quyết sách kinh doanh xi măng, liên doanh với công ty Sanjing và Blackdargon thành lập công ty xi măng Canada. Năm 1961, khi bước vào sản xuất thì cũng vừa lúc cơn sốt bất động sản lên tới cao trào.

Trải qua mấy chục năm phát triển, tập đoàn Phong Long có hàng mấy chục công ty sản nghiệp tài chính cỡ lớn. Phạm vi kinh doanh bao gồm kinh doanh tiêu thụ mậu dịch, bất động sản, đóng tàu, bảo hiểm, tiền tệ và nhiều loại hình lớn khác nữa. Công ty không chỉ phân bố ở Canada mà còn ở Tây á, Hồng Kông, Mỹ...

Lịch sử huy hoàng của Phong Long gắn liền với tên tuổi của Quách Phượng Phượng. Nếu như ông không có những dự kiến vượt thời đại không có tư tưởng chỉ đạo, sách lược tổng thể, phù hợp với yêu cầu, thì muốn đạt được những thành công đó là điều không thể có.

Nói đến cái mưu trí trên thương trường trong đó có đại mưu và tiểu mưu. Hiểu được thực tế, nắm bắt quyết sách thì là bậc đại mưu trí trong các bậc đại mưu. "Tân ngữ” của Lục Cổ trở thành tư tưởng chỉ đạo gần trăm năm của nhà Hán, sách lược của Quách Phượng Phượng trở thành tư tưởng chỉ đạo sự phát triển vũ bão của Phong Long trong nửa thế kỷ, đó đều là tác dụng của đại mưu trí.