Mưu Trí Thời Tần Hán

Chương 17

Thiếu phủ Chương Hàm có thể nói là người thuộc phái tương đối trung thành với nhà Tần nhưng đến cuối cùng anh ta vẫn phải đầu hàng. Từ đó, mọi người thấy được sức mạnh của việc lợi dụng mâu thuẫn để làm phân hóa tan rã.

Nguyên nhân bên trong khiến Chương Hàm dao động, đầu tiên phải nói đến sự nghi kỵ của Triệu Cao đối với anh ta và âm mưu hãm hại Chương Hàm của ông ta. Sau khi Trần Thắng khởi nghĩa, Chương Hàm được lệnh khẩn cấp tập hợp một đội quân với nòng cốt là những kẻ tội tù, quân hầu trong các quan phủ làm lá chắn chống cự ngoan cường cuối cùng cho nhà Tần. Tuy đây là đội quân không tinh nhuệ nhưng dưới sự quản lý, huấn luyện của Chương Hàm, rõ ràng vẫn phát huy được sức chiến đấu đáng kể. Đương nhiên đó cũng là do tài chỉ huy quân sự kém của Trần Thắng và Ngô Quảng. Song, cùng với sự uy hiếp ngày càng lớn của Hạng Vũ, sức chiến đấu của đội quân này cũng dần dần giảm sút, khó có thể ngăn nổi. Tin tức từ chiến trường sau khi lần lượt được báo về triều đình đều bị Triệu Cao giữ lại khiến Hồ Hợi không hề biết gì.

Ai mà ngờ được, có một hôm Hồ Hợi từ miệng một thái giám thân cận biết được Chương Hàm liên tiếp mất lợi thế trên chiến trường, thế là tìm đến Triệu Cao để tìm hiểu tình hình. Không hỏi thì thôi, vừa hỏi đến Triệu Cao vội vàng đổ hết cho Chương Hàm, còn nói dối rằng Chương Hàm không báo tin về. Hồ Hợi nổi giận hạ chiếu chỉ trích nặng nề Chương Hàm.

Chương Hàm nhận được chiếu thư vừa giận vừa sợ, lập tức sai trường sư Tư Mã Hân đến Hàm Dương trực tiếp báo cáo tình hình ở chiến trận. Sau khi Tư Mã Hân đến Hàm Dương, ông ta ở lại ba ngày nhưng Triệu Cao lại không gặp được ông ta. Tư Mã Hân thăm dò được tin tức từ một con đường nhỏ, bất giác giật mình, hóa ra Triệu Cao đã ngấm ngầm nghi kỵ Chương Hàm. Tư Mã Hân ngay trong đêm đó trốn về doanh trại báo cáo với Chương Hàm: "Triệu Cao chuyên quyền, tình hình rất bất lợi cho tướng quân. Cho dù có công hay không có công cuối cùng cũng không có kết quả tốt. Xin tướng quân hãy nghĩ cách".

Đúng vào lúc Chương Hàm tiến thoái lưỡng nan thì có một bức thư từ ngoài đưa vào. Chương Hàm giở ra xem hóa ra là thư dụ hàng do Trần Dư tướng của Sở gửi đến. Trong đó nói rằng Bạch Khởi, Mông Khoát đều là công thần của Tần nhưng đến cuối cùng đều bị giết hại: Tướng quân trong 3 năm phụng sự cho Tần đã làm tiêu hao hơn 10 vạn binh lính liệu có thể có kết cục tốt không? Trời muốn diệt Tần, Triệu Cao nhất định sẽ lấy tướng quân làm người chịu tội thay. Tình thế đã rất rõ ràng, tướng quân sao không quay giáo cùng các thế lực phản Tần kết thành liên minh chống lại nhà Tần?

Việc đến nước này, không đầu hàng thì không có lối thoát. Nhưng khi Chương Hàm sai Đổng ế đến trại của Hạng Vũ thương lượng, Hạng Vũ không chấp nhận vì vẫn ôm hận trong lòng chuyện Chương Hàm giết chú của anh ta là Hạng Lương. Đổng ế trong lúc nguy cấp nghĩ ra một cách, vội sau Tư Mã Hân đi làm thuyết khách. Trước đây Tư Mã Hân đã từng cứu Hạng Lương khi ông ta làm cai tù ở Nhạc Dương, có tình cảm rất sâu sắc với Hạng Lương. Được Tư Mã Hân và mưu sĩ Phạm Tăng khuyên bảo, Hạng Vũ mới đồng ý thu nạp Chương Hàm. Như vậy, Chương Hàm cuối cùng đã đứng về phía Hạng Vũ.

Trong cuộc đời con người, có một số mâu thuẫn là do con người gây ra nhưng có một số mâu thuẫn khác là do hoàn cảnh tạo nên. Cho dù là loại mâu thuẫn nào, chỉ cần có giá trị lợi dụng đều có thể lợi dụng nó. Trên thương trường hiện nay, đánh bại đối thủ bằng cách này có không ít ví dụ.

Ngành sản xuất đồng hồ ở Thụy Sĩ đã có hơn 400 năm lịch sử. Nó không chỉ dẫn đầu thế giới về sản lượng tiêu thụ mà còn nổi tiếng vì có nhiều chủng loại, chất lượng tốt. Chẳng bao lâu sau, đồng hồ của các hãng nổi tiếng ở Thụy Sĩ như Lashi, Omega, Kazia đã tạo nên cơn sốt trong giới quan chức, quý bà quý cô và sở hữu chúng là niềm tự hào của họ.

Nhưng đến cuối thập kỷ 70 của thế kỷ này tình hình trở nên xấu đi. Ngành sản xuất đồng hồ ở Thụy Sỹ từng chiếm 40% sản lượng thế giới hoàn toàn gục ngã. Đến đầu những năm 80, tỷ lệ tiêu thụ trên toàn thế giới đã giảm xuống một cách nhanh chóng, chỉ chiếm 9%, đến mức hơn một nửa công ty đồng hồ trong cả nước phải đóng cửa vì phá sản.

Vì sao lại có sự thay đổi này? Nguyên nhân khủng hoảng này là do sự phát triển nhanh chóng của ngành sản xuất đồng hồ ở Nhật Bản. Ngành sản xuất đồng hồ của nước này sau khi nghiên cứu kỹ thị trường đã dự đoán rằng trong vòng 10 đến 20 năm nữa, yêu cầu của thị trường đối với đồng hồ đầu tiên là độ chính xác, sau đó là giá cả rẻ.

Sự cạnh tranh trong giới công nghiệp ngày càng quyết liệt. Nhịp độ làm việc và sinh hoạt của mọi người nhanh hơn. Yêu cầu của người dân về độ chính xác của đồng hồ ngày càng cao. Nhưng ngành sản xuất đồng hồ của Thụy Sĩ lại không đáp ứng được yêu cầu khách quan này. Ví dụ, độ sai số hàng tháng của đồng hồ hiệu Lashi Thụy Sĩ là từ hai đến ba phút, trong khi đó, độ sai số hàng năm của đồng hồ hiệu Citizen Nhật Bản chỉ cá ba giây, hai cái này khác nhau một trời một vực. Nhật Bản chính là lợi dụng sự mâu thuẫn này nên mới dám đẩy mạnh sự cạnh tranh với đồng hồ Thụy Sĩ.

Về phương diện giá cả, đồng hồ Thụy Sĩ từ trước đến nay nổi tiếng thế giới nhờ vào sự quý phái, chất lượng bảo đảm. Trong xã hội hồi giữa thế kỷ này phản ánh thân phận và sự giàu nghèo của con người, vì thế nó rất được mọi người ưa chuộng. Nhưng trong xã hội hiện đại, cùng với sự thay đổi về quan niệm thì cái mà mọi người muốn là một chiếc đồng hồ giá rẻ và đa chức năng. Về mặt này đồng hồ Thụy Sĩ cũng không đáp ứng được nhu cầu thực tế. Ngành sản xuất đồng hồ của Nhật đã lợi dụng mâu thuẫn này để đưa ra thị trường một loại sản phẩm vừa kinh tế vừa ích lợi. Ví dụ đồng hồ Chicut có rất nhiều loại từ 65 đô la đến 350 đô la, có thể đáp ứng nhu cầu khác nhau của nhiều đối tượng tiêu dùng. Trái lại, đồng hồ Thụy Sĩ phần nhiều là hàng cao cấp đắt tiền nên có mâu thuẫn rất lớn với nhu cầu tiêu dùng của mọi người.

Ngành sản xuất đồng hồ của Nhật Bản đã lợi dụng mâu thuẫn không tìm tòi suy nghĩ, bảo thủ lạc hậu so với trào lưu thời đại của ngành đồng hồ Thụy Sĩ, không ngừng phát triển, sản xuất ra hàng loạt đồng hồ kiểu mới thích hợp với nhu cầu tiêu dùng trong xã hội hiện đại, nhờ thế đã phá vỡ được thế độc tôn của ngành đồng hồ Thụy Sĩ từ mấy trăm năm nay. Sau khi đưa ra đồng hồ Chicut họ lại áp dụng kỹ thuật thạch anh và kỹ thuật điện tử có độ tinh xác cao, khả năng chịu mài mòn tốt giá thành thấp. Sau đó họ còn sản xuất ra đồng hồ chạy bằng năng lượng mặt trời. So với những đồng hồ kiểu mới giá rẻ, chất lượng tốt này, đồng hồ cơ trước đây tỏ ra yếu kém, sức cạnh tranh thấp và việc nó bị thị trường đào thải, buộc phải rút khỏi thị trường là điều dễ nhận thấy.

Mâu thuẫn cũ được giải quyết, mâu thuẫn mới lại xuất hiện. Lợi dụng mâu thuẫn để phân hóa tan rã sẽ trở thành chủ đề bất tận trên thương trường. Cạnh tranh sinh ra từ trong mâu thuẫn và tan rã là kết quả tất yếu khi mâu thuẫn được giải quyết.