Mười Đại Mưu Lược Gia Trung Quốc

VII. Trương Lương - 1 -

Một hôm vào năm Tần Thủy Hoàng thứ 25 (218 trước công nguyên), một đoàn xe ngựa của Tần Thủy Hoàng được quân đội nhà Tần hộ vệ nghiêm ngặt, ồ ạt đi trên con đường quan đạo Bác Lãng Sa, thuộc Dương Võ (nay là vùng Đông Nam huyện Nguyên Dương thuộc tỉnh Hà Nam). Đột nhiên, từ trong rừng rậm nằm sát cạnh đường đi, có hai người mặc áo đen nhanh nhẹn nhảy ra, xông tới một cỗ xe có tàn lộng bằng lụa vàng. Sau một tiếng thét to, một người trong số hai người này tay cầm một trái chùy sắt nặng 20 cân, đánh mạnh vào cỗ xe đó. Xong, cả hai nhanh nhẹn chạy trở vào rừng, nhảy lên lưng hai con ngựa đã chuẩn bị sẵn, bỏ chạy như bay. Trái chùy sắt của họ đã đánh nhằm vào cỗ xe phụ, khiến cổ xe này bị đánh nát tan. Tần Thủy Hoàng do không ngồi trong cỗ xe này, nên may mắn thoát chết.

Sau khi biết được chuyện gì đã xảy ra, Tần Thủy Hoàng kinh hoàng thất sắc, bèn xuống lệnh truy nã thích khách. Nhưng, thích khách đã biến mất từ lúc nào. Tần Thủy Hoàng vẫn còn căm tức, nên xuống lệnh truy lùng khắp trong toàn quốc suốt mười hôm, nhưng vẫn không bắt được thích khách.

Việc Tần Thủy Hoàng bị ám sát, đây là lần thứ ba. Lần thứ nhất xảy ra khi nước Tần đang tiến hành tiêu diệt sáu nước, Kinh Kha đã lấy cớ hiến dâng bản đồ nước Yên, giấu một thanh đoản đao trong cuộn bản đồ, khi mờ bản đồ ra hết thì thanh đoàn đao cũng xuất hiện. Kinh Kha chụp lấy thanh đoản đao đuổi theo Tần Vương bỏ chạy quanh những cây cột trong cung điện. Người ám sát Tần Thủy Hoàng lần thứ hai là Cao Tiệm Ly, một người bạn thân của Kinh Kha tiến hành. Sau khi Kinh Kha chết, Cao Tiệm Ly muốn báo thù cho bạn, nên đã dùng thuốc xông hai mắt mình trở nên mù lòa, rồi cải trang thành một nghệ sĩ dân gian, thừa cơ Tần Thủy Hoàng đánh đàn trúc, ông đã tiến hành việc ám sát. Nhưng lần ám sát này cũng không thành công. Người chủ mưu ám sát Tần Thủy Hoàng lần thứ ba, chính là Trương Lương, nhân vật mà bài viết này sẽ giới thiệu. Một người mà về sau được người đời khen tặng là một nhà mưu lược ngồi yên trong triều đình để sách hoạch mọi thứ, và trở thành “bậc thầy của đế vương”.

Năm 202 trước công nguyên, cuộc chiến tranh giữa Sở và Hán đã kết thúc, Lưu Bang lên ngôi hoàng đế, tức là Hán Cao Tổ.

Đến tháng năm, Hán Cao Tổ thết tiệc quần thần tại Nam Cung ở Lạc Dương. Trong buổi tiệc, Lưu Bang đã hỏi các đại thần:

- Do nguyên nhân nào mà trẫm giành được thiên hạ? Còn Hạng Võ thì lại bị mất thiên hạ.

Quần thần nhao nhao bàn luận. Có người khen tặng do Lưu Bang đảm lược hơn người, thưởng phạt phân minh, lại sẵn sàng chia sẻ lợi ích với mọi người trong thiên hạ, cho nên đã giành được thiên hạ một cách dễ dàng. Cũng có người bảo Hạng Võ do đố kỵ với người hiền tài, nghi ngờ những người có tài đức, thưởng phạt không phân minh, cho nên mới bị mất thiên hạ. Nhưng, Lưu Bang cho rằng, điều quan trọng nhất là do mình biết phân xét người và biết dùng người, lại sẵn sàng theo lời khuyên đúng đắn. Lưu Bang nói:

- Việc ngồi trong triều đình để vận trù mưu lược, quyết định những sự thắng lợi ngoài xa nghìn dặm, thì trẫm không bằng Tử Phòng. Việc trấn thủ quốc gia, phủ dụ bá tánh, liên tục cung cấp quân lương, giúp trẫm khỏi phải lo đến những điều đó, thì trẫm không bằng Tiêu Hà. Còn việc chỉ huy hằng triệu binh sĩ, đánh là thắng, tấn công thành là hạ được thành, thì trẫm không bằng Hàn Tín. Ba vị này đều là nhân kiệt, và trẫm có thể dùng họ. Đấy là nguyên nhân khiến trẫm lấy được thiên hạ. Trong khi đó, Hạng Võ ngay đến chỉ một mình mưu thần là Phạm Tăng, mà cũng không thể sống chung được, cho nên thiên hạ mới lọt vào tay trẫm.

Tư Mã Thiên trước kia, tưởng Trương Lương là một bậc đại trượng phu có thân hình vạm vỡ to lớn, oai phong lẫm liệt, nhưng khi nhìn thấy bức họa Trương Lương, ông mới lấy làm lạ. Vì Trương Lương chỉ là một thư sinh nho nhã, yếu đuối, trông giống như đàn bà. Tại sao Tư Mã Thiên lại có sự ức đoán về hình tượng Trương Lương như vậy? Điều đó tất nhiên là có quan hệ đến việc Trương Lương là người sống trong thời loạn, thế mà không cam tâm chịu sống một cuộc đời tầm thường, để cuối cùng đã dấn thân vào cuộc chiến tranh Hán Sở đầy oanh liệt.

1. Nhận Sách Tại Hạ Phi

Trương Lương (? - 189 trước công nguyên), tự Tử Phòng, sinh tại Thành Phụ (nay là địa phương nằm về phía Đông Nam huyện Bặc, tỉnh An Quy) thuộc nước Hàn cuối đời Chiến Quốc. Ông xuất thân từ một gia đình quý tộc. Ông nội là Trương Khai Địa, từng làm Tể tướng cho Hàn Chiêu Hầu, Hàn Tuyên Huệ Vương, Hàn Tương Vương, thân phụ là Trương Bình, nối tiếp cha làm Thừa tướng cho Hàn Hy Vương, Hàn Hoàn Huệ Vương.

Năm Tần Vương Chánh (Thủy Hoàng) thứ 7 (230 trước công nguyên), Tần diệt Hàn. Lúc bấy giờ Trương Bình đã chết, Trương Lương còn nhỏ, chưa ra làm quan, trong nhà vẫn còn hơn ba trăm đầy tớ, vẫn còn phong độ của một thế tộc. Do thiên đường cũ đã bị hủy diệt, nên Trương Lương cũng như bao nhiêu thế hệ trẻ thuộc tầng lớp quý tộc sót lại, trong lòng bao giờ cũng cháy hừng hực ngọn lửa phục thù. Ông có ý đồ muốn ám sát Tần Thủy Hoàng để trả mối thù cho nước Hàn. Do vậy, mới có chuyện xảy ra như kể trên. Tuy nhiên, việc ông hăng hái hoạt động để trả mối thù riêng của mình, chỉ đưa đến thất bại và bản thân lâm vào một hoàn cảnh đầy nguy hiểm, chứ không thể làm thay đổi gì được cho đại cục trong thiên hạ. Đó là lẽ tất nhiên của lịch sử.

Nhưng, bất luận là thiên đạo hay nhân sự, trong tất nhiên bao giờ cũng đi kèm với rất nhiều trường hợp ngẫu nhiên. Giữa lúc Trương Lương sa vào cảnh cùng đường mạc lộ, thì ông lại may mắn gặp được Hoàng Thạch Công tại Hạ Phi. Chính do sự "ngẫu nhiên" đó, đã đưa đến một vận hội chuyển biến cho ông, giúp ông tiến bộ vượt bực trong vấn đề học vấn, để tạo vốn liếng cho mình phụ tá những bậc đế vương sau này. Vậy, chúng ta hãy nghe lại câu chuyện mang tính truyền kỳ này như sau:

Một hôm, Trương Lương rảnh rỗi, tản bộ đến đầu Cầu Hạ Phi trông thấy cụ già cởi giày và làm rơi xuống cầu. Cụ già quay lại gọi Trương Lương:

- Bớ thằng bé! Hãy xuống lượm giày cho ta!

Trương Lương cố đè nén sự bất mãn trong lòng, xuống cầu nhặt chiếc giày lên cho cụ già. Cụ già ngồi tréo chân trên cầu, bảo Trương Lương mang giày giúp cụ. Đứng trước một sự kiện có tính làm nhục như vậy, mỗi người có sự tu dưỡng khác nhau, tất nhiên cũng sẽ có sự phản ứng khác nhau. Ban đầu Trương Lương do ý thức quý tộc vốn có của mình, kết hợp với tính nóng nảy của tuổi trẻ, muốn vung tay tát cho cụ già một cái tát. Nhưng, cuối cùng do ông đã từng trải qua bao nhiêu tang thương biến đổi trong cuộc đời, chịu đựng bao nhiêu sự trui rèn qua những ngày sống phiêu bạt, trôi nổi, nên lòng dạ rộng rãi của một người thanh niên có chí, đã giúp ông giữ bình tĩnh trở lại.

Trương Lương khom người xuống, mang giày giúp cho cụ già. Xong, cụ già cười dài rồi bỏ đi. Nhưng đi được chừng một dặm đường, cụ già bỗng quay lại chiếc cầu khen tặng Trương Lương:

- Thằng bé nhà ngươi có thể dạy đỗ đấy.

Cụ già hẹn với Trương Lương, sáng sớm năm hôm sau trở lại chiếc cầu này để gặp nhau. Sau năm hôm, cụ già cố ý đi sớm đến cầu, rồi lên giọng giận dữ, quở trách Trương Lương:

- Cùng hẹn với một cụ già, thế tại sao lại đến chậm? Năm hôm sau trở lại đây một lần nữa!

Đúng năm hôm, Trương Lương thức giấc ngay từ lúc nửa đêm, đến cầu chờ đợi cụ già. Điều đó chứng tỏ Trương Lương là người chịu đựng được sự thử thách. Cho nên thái độ chân thành cũng như tinh thần ẩn nhẫn của Trương Lương đã làm cho cụ già cảm động, sẵn sàng tặng cho Trương Lương một vật quý báu vô giá, đó là quyển "Thái công binh pháp”.

Cụ già này chính là một nhân vật huyền bí trong truyền thuyết: Hoàng Trạch Công, một cao sĩ quy ẩn trong sơn động, được mọi người gọi là "Di Thượng Lão Nhân" (Cụ già trên cầu). Từ đó Trương Lương ngày đêm lo nghiên cứu binh thư, tạo được một bước tiến bộ quan trọng trong quá trình đào tạo cho mình trở thành rường cột của đất nước. Trong quá trình đó, sự gặp gỡ là bất ngờ, nhưng thiên tư thì không thể xem nhẹ. Riêng lòng “thành khẩn", chịu “khắc khổ” là những yếu tố cần phải có.

Trong mười năm đọc sách và làm hiệp khách, khiến Trương Lương có cơ hội tiếp xúc với nhiều mặt trong xã hội, và trở thành nguồn gốc để giúp ông hấp thu trí tuệ. Trong khi đó, nhân tình thế thái chuyển biến khó lường mà ông nhận thấy được, lại giúp ông lĩnh hội một cách sâu sắc những ý nghĩa thâm sâu trong quyển “Thái công binh pháp”. Trong mười năm đầy rẫy những biến động, bất ổn đó, thiên kiến quý tộc cũ của ông, có khi còn che chắn tầm nhìn của ông. Nhưng một nhân vật sáng suốt trong giai cấp thống tri, một khi thay da đổi thịt, từ trong doanh lũy cũ xông ra cuộc đời, thì đối với thế giới chung quanh sẽ có sự nhận xét càng sáng tỏ, tư tưởng cũng được trui luyện càng sắc bén hơn.

Năm 210 trước công nguyên, lịch sử nước Tần lại xảy ra một sự kiện trọng đại: vị đế vương kiệt xuất là Tần Thủy Hoàng bị bệnh và chết đột ngột. Tần Nhị Thế Hồ Hợi lên nối ngôi. Từ đó, việc triều chính của nhà Tần đã tuột dốc một cách nhanh chóng. Bao nhiêu mâu thuẫn xã hội đầy phức tạp đã xuất hiện cùng một lúc. Chỉ một năm sau, vào tháng bảy năm Tần Nhị Thế nguyên niên (209 trước công nguyên), một cơn bão tố chánh trị đã ập xuống. Trần Thắng, Ngô Quảng dựng cờ khởi nghĩa tại Thôn Đại Trạch. Giữa trận bão táp cách mạng đó, đủ thứ nhân vật đã đua nhau xuất hiện trên vũ đài chính trị. Trương Lương cũng dựa vào vũ đài xã hội rộng lớn đó để thi triển kỳ tài của mình.

Tháng giêng năm Tần Nhị Thế thứ hai (208 trước công nguyên), Cảnh Câu đã tự đứng lên xưng làm Sở Vương tại Lưu Huyện. Trương Lương dẫn một số đông đến định xin gia nhập. Không ngờ đi mới nửa đường thì gặp Bái Công Lưu Bang đang dẫn hằng nghìn người đánh chiếm Hạ Phi. Hai người gặp nhau đã tỏ ra rất hợp ý nhau, nên Bái Công gọi Trương Lương là Cứu Tướng. Trương Lương thường lấy "Thái Công Binh Pháp" để nói cho Lưu Bang nghe. Cứ mỗi lần nghe, Lưu Bang lĩnh hội ngay, và đã áp dụng kế sách trong binh pháp một cách tha thiết. Trương Lương thấy vậy không khỏi khen rằng:

- Bái Công chừng như là một vị minh chúa trời sai xuống, và có một sự thông minh bẩm sinh!

Lần gặp gỡ này, có thể nói là một lần gặp gỡ đặc thù, quyết định cho sự thành công trong đời của Trương Lương. Trong nước Trung Quốc cổ, mặc dầu có một câu nói nổi tiếng là: "Vua chọn bề tôi, nhưng bề tôi cũng chọn vua". Tuy nhiên do phạm vi hoạt động của mọi người quá hạn hẹp, cũng như tầm nhìn quá nông cạn, nên sự chọn lựa cũng bị giới hạn rất nhiều. Ở mức độ nào đó thì sự thành bại của một con người lại thường quyết định ở sự may mắn, hoặc như mọi người thường gọi đó là "số mạng" (nếu không giải thích “số mạng" theo chủ nghĩa thần bí thì cũng không nên xem đó là một thứ duy tâm luận thuần túy, mà nó có thể được coi là đại đanh từ cho sự "may mắn”). Chính nhờ ở sự may mắn đặc biệt đó, Trương Lương mới được theo giúp cho Lưu Bang, một nhà chính trị kiệt xuất đương thời, chứ không phải là Hạng Võ, một con người chỉ biết làm theo ý mình, hay là một nhân vật chỉ có hư danh rỗng tuếch nào khác. Từ đó, vua tôi họ rất tương đắc, chẳng khác nào cá với nước được gặp nhau. Một người có lòng dạ khoáng đạt, sẵn sàng nghe theo lời can gián tốt, còn một người lại thông minh tuyệt đỉnh, từng bày ra nhiều mưu lược rất hay.