Một tác phẩm dài, nhưng tình tiết và bất hủ như truyện ấy thì đứng về phương diện nào mà xét cũng có lí ít nhiều: khen cố nhiên là phải mà chê thì cũng được; hoặc có ý muốn lồng vào nó những ý kiến của riêng mình, những tư tưởng của thời đại mình, gán cho nó một nội dung mới để cho nó thành phong phú thêm thì cũng chẳng có gì đáng trách.
Đã chẳng có người khen Nguyễn Du khi viết: “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” là nắm được một chân lý huyền ảo: cái tâm gồm cả tam tài thiên, địa, nhân đấy ư?
Đó cũng là một cách trả ơn hoặc góp công với cổ nhân. Nhưng muốn định giá trị cho đúng thì không thể quên mục đích của tác giả.
Tác giả dùng nhan đề Đoạn trường tân thanh thì ta nên xét trước hết nỗi đoạn trường trong truyện đã, tức cái bi kịch thân phận hạng người tài sắc trước định mạng.
Ôn lại tất cả những việc thường và biến xảy ra trong đời nàng Kiều, ta thấy như có một bàn tay nào đó sắp đặt trước mọi việc một cách chu đáo và cay nghiệt để bắt nàng chịu một kiếp đoạn trường kéo dài tới mười lăm năm.
Sinh đôi với Thúy Vân mà tính tình nàng khác hẳn: Vân thì vô tình, vô tâm, gần như đần độn; Kiều thì sắc xảo, thông minh, đa tài, nhất là đa tình, đa cảm tới nổi đi tảo mộ, gặp một nắm mộ vô chủ cũng sụt sùi than:
Rằng: “Hồng nhan tự nghìn xưa,
Cái điều bạc mệnh có chừa ai đâu.
Rồi coi Đạm Tiên là chị em với mình nữa:
Hữu tình ta lại gặp ta,
Chớ nề u hiển mới là chị em.
Chính cái đa cảm khác thường ấy làm cho nàng nghĩ hoài tới Đạm Tiên, nằm mộng thấy Đạm Tiên và tin lời báo mộng của Đạm Tiên mà chuốc khổ vào thân sau này. Mà tính đó, nàng nhận của trời từ hồi mới sanh, nàng không được lựa chọn.
Từ cái buổi “đạp thanh” đó, biến cố dồn dập tới: nàng gặp Kim Trọng, hai người yêu nhau, rồi tới vụ thằng bán tơ gây vạ trong gia đình nàng, toàn những việc trời xui nên cả để đưa tới việc nàng bán mình chuộc cha, đầu mối của mười lăm năm đoạn trường.
Mới xét, ta tưởng việc bán mình chuộc cha ấy do tự nàng quyết định, nghĩa là không phải tại số, nhưng nhớ lại nàng đa cảm như vậy còn Thúy Vân vô tình như kia thì sự hy sinh cho gia đình về nàng chứ về ai? Tính tình nàng đã chỉ định hành động cho nàng, nàng đâu được tự do.
Nàng chỉ tự do – tới một mức nào thôi – khi nàng thề thốt với Kim Trọng và chính lời thề thốt đó mà nàng tính trước sẽ tự tử để báo nghĩa với người tri kỉ, nên dặn dò Thúy Vân:
Mai sao dù có bao giờ
Đốt lò hương ấy, so tơ phím này:
Trông ra ngọn cỏ lá cây,
Thấy hiu hiu gió thì hay chị về.
Hồn còn mang nặng lời thề,
Nát thân bồ liễu đền nghì trúc mai.
Dạ đài cách mặt khuất lời,
Rảy xin chén nước cho người thác oan.
Lần đó là lần đầu tiên nàng có ý chống với định mạng. Sợ làm lụy cho song thân, nàng chỉ thực hiện ý đó khi thấy rõ Tú Bà, Mã Giám Sinh âm mưu với nhau để lừa gạt nàng. Nàng rút dao đeo sẵn trong người để tự sát, nhưng không chết. Tự sát trước mặt Tú Bà, Mã Giám Sinh, và đông đủ mấy ả mày ngài, mấy khách làng chơi thì làm sao mà chết được. Như vậy là tại số hay tại nàng? Nghiêm khắc mà bảo là tại nàng thì cũng có lí: nếu quyết chí tự tử thì thiếu gì lúc, sao lại nhè lúc đó? Nhưng muốn vậy phải bình tĩnh, có nhiều nghị lực, rất can đảm.
Kiều đang từ nơi:
Êm đềm trướng rũ màng che
Mà đột nhiên bị đẩy vào cái nơi ong bướm qua lại:
Giữa thì hương lửa hẳn hoi,
Trên treo một tượng trắng đôi lông mày.
Rồi phải nghe những lời “lạ tai” của mụ Tú Bà thì làm sao bình tĩnh được, nhất là hạng người đa cảm như nàng thường hành động vì cảm xúc. Nghị lực về tinh thần, chắc nàng có; còn can đảm về thể chất thì chưa chắc đã đủ. Cho nên việc tự tử hụt ấy cũng dễ hiểu: tại định mệnh khiến cho hụt, chứ không phải tại nàng.
Huống hồ, sau đó, lúc nàng còn mê mang, Đạm Tiên lại hiện lên, khuyên nàng đừng cưỡng lại với định mạng:
… “Nhân quả dở dang
Đã toan trốn nợ đoạn trường được sao.
Số còn nặng nợ má đào
Người dù muốn chết, trời nào đã cho!
Lời là lời của Đạm Tiên nhưng xuất phát chính từ tiềm thức của Kiều.
Hồn ma Đạm Tiên này trước sau chỉ thoáng hiện ba bốn lần mà đóng vai trò quan trọng hơn hết những nhân vật khác trong đời Kiều. Nó là “chị em” với Kiều, nó là phần “u”, còn Kiều là phần “hiển”, nó là tiềm thức của Kiều, nó là tay sai của định mạng “đưa lối”, “đưa đàng”, xui nàng “tìm chốn đoạn trường mà đi”. Phần hữu thức, phần “hiển” của Kiều muốn chống với số mạng, muốn thoát cảnh đoạn trường thì phần tìềm thức, phần “u” đó ngăn lại, bắt nàng phải chịu cho hết nỗi khổ nhục mới thôi; và nàng nghe lời nó, cúi đầu thuận mạng:
Vả trong thần mộng mấy lời,
Túc nhân âu cũng có trời ở trong.
Kiếp này trả nợ chưa xong,
Làm cho thêm một nợ chồng kiếp sau.
Nhưng phần hữu thức vẫn còn le lói, nàng vẫn còn muốn vùng vẫy để thoát khỏi cái lưới của định mạng. Cơ hội đưa tới, Sở Khanh dụ nàng đi trốn. Lúc đó tuy nàng nhận được rằng thái độ hắn có phần mờ ám:
Nghe lời, nàng đã sinh nghi
nhưng lại không đủ sáng suốt để hành động một cách hợp lí, rốt cuộc chỉ biết “cũng liều nhắm mắt đưa chân” rồi sa vào cái bẩy của mụ Tú.
Vậy nàng như có một xu hướng tự hủy, càng vùng vẫy thì lưới càng thắt chặt lại. Thất bại lần nầy, nàng mất hết nghị lực, không còn phản kháng nữa, cam chịu tất cả:
Uốn lưng thịt đổ, giập đầu máu sa,
hơn nữa, còn năn nỉ Tú Bà cho nàng được sống nhục:
Nhưng tôi có sá chi tôi,
Phận tôi đành vậy, vốn người để đâu.
Thân lươn bao quản lấm đầu,
Chút lòng trinh bạch từ sau cũng chừa.
Đạm Tiên – tiềm thức của Kiều – đã hoàn toàn thắng. Thật não nùng. Bốn câu trên rât bình dị, không hề tô chuốt, như tự nhiên thốt ra, mà đưa được cái bi thảm trong thơ Việt
Sau đó, nàng lại gặp Thúc sinh, một người xứng đáng, tha thiết yêu nàng, lại đủ uy thế bắt Tú Bà phải thả nàng ra. Cơ hồ nàng có thể rút tên ra khỏi sổ đoạn trường rồi, nhưng định mạng lại chưa cho: anh chàng đó sợ vợ mà người vợ lại rất ghen và rất hiểm, cho nên mặc dù Kiều đã đoán trước tai vạ sau này, lần đầu nàng muốn từ chối cuộc vuông tròn với Thúc Sinh – “giấm chua lại tội bằng ba lửa nồng” -, lần sau lại khuyên Thúc Sinh về thú thực với vợ cả:
Xin chàng liệu kíp lại nhà[1]
Trước người đẹp ý, sau ta biết tình
nhưng Thúc Sinh nhu nhược, vẫn cứ giấu quanh, rốt cuộc, lưới định mệnh tạm lơi ra được một hai năm rồi lại thắt lại, và lần thứ nhì ta phải nghe tiếng đàn bạc mệnh của nàng:
Bốn dây như khóc như than…
Nàng xin Hoạn Thư được xuất gia. Lửa lòng tuy muốn tắt nhưng đường trần duyên nào đã tuyệt hẳn, vì Quan Âm các vẫn chỉ ở trong vườn họ Hoạn, Thúc Sinh lại mắc mưu vợ nữa, và Kiều quyết chí ra khỏi chốn “hang hùm nọc rắn” đó.
Nếu bình tỉnh, sáng suốt cứ viết thư trần tình như lần trước (khi xin được xuất gia) thì Hoạn Thư tất kiếm cho nàng một ngôi chùa nào đó ở xa để Thúc Sinh khỏi có dịp gặp, như vậy có thể yên được; nhưng nàng lại quá hoảng sợ, vội giắt mình mấy món đồ kim ngân trong Quan Âm các để hộ thân rồi bỏ trốn. Ta có thể hiểu cho hoàn cảnh nàng lúc ấy, nhưng hành động mù quáng ấy cũng một phần lớn do:
Ma đưa lới, quỉ dẫn đường,
Lại tìm những chốn đoạn trường mà đi.
nghĩa là do tìềm thức, do xu hướng tự hủy nữa.
Vì những đồ kim ngân ấy đã chẳng giúp cho nàng được gì mà lại đưa nàng vào thanh lâu một lần nữa: biết những đồ vật đó ở đâu, sư Giác Duyên không dám chứa nàng, khuyên nàng lánh qua nhà họ Bạc, không ngờ Bạc bà với Tú bà cùng “một tổ bợm già” với nhau.
Sau hai lần vào thanh lâu, trên mười năm “ong qua bướm lại”, gặp được Từ Hải là cái phúc lớn cho Kiều, ai chẳng tưởng từ nay nàng sẽ yên ổn, vinh hoa nữa là khác. Nhưng lại cũng không được lâu, cũng vẫn cái xu hướng tự hủy đó nó xui khiến nàng:
Ở không yên ổn, ngồi không vững vàng.
và khuyên Từ Hải ra hàng để rồi ta lại phải nghe khúc bạc mệnh thứ ba dưới màn Hồ Tôn Hiến.
Điều mà từ xưa tới nay người ta trách nàng Kiều nhiều nhất là sao không chết với Từ Hải mà còn nhục nhã hầu tiệc tổng đốc họ Hồ. Cay nhất là lời của Tản Đà[2]:
Hai hàng nước mắt hai làn sóng
Nửa đám ma chồng nửa tiệc quan
Hai câu đó chưa tàn nhẫn bằng hai câu sau:
Tổng đốc ví thương người bạc mệnh,
Tiền Đường chưa chắc mả hồng nhan!
Gay gắt thật, nhưng chính Kiều có linh thiêng e cũng lúng túng, không biết tự biện hộ cách nào cho được. Nhưng Kiều đã có người bênh vực cho nàng: Bùi Giáng. Trong tập Một vài nhận xét về truyện Kiều (Tân Việt 1957 – trang 14) ông viết:
“Nhiều nhà phê bình muốn rằng ở đây Kiều phải mắng vào mặt Hồ Tôn Hiến (…) Nàng chửi Hồ Tôn Hiến thì đã dễ rồi. Nàng có sợ đâu. Cái chết không còn sợ nữa là. Nhưng cái khổ đã đến cái độ mà con người không còn lên cái tiếng chửi mắng thông thường ấy của chúng ta nữa. Ta giận ta đập bàn, ta đỏ mặt, ta to tiếng, thì cái ấy đã thường.
“Nhưng ở đây cái cung đàn bạc mệnh phản chiếu một đời người có khác. Vâng, ông bảo tôi thị yến dưới màn. Ông bảo tôi vặn cung đàn bạc mệnh cho ông nghe. Ông bảo tôi lấy ông, tôi xin lấy. Ông gán tôi cho thổ quan, tôi xin gật. Vì than ôi, người ta đã hiểu giùm chưa? Từ nay đi đâu, ở đâu, đứng ngồi đâu, mang một hình người hay bóng quỉ, ở địa ngục hay trần gian, lòng tôi đã chết hẳn rồi. Tôi có nhảy xuống Tiền Đường chỉ là vì sợ Đạm Tiên trách sao lại sai hẹn mà thôi. Kể ra thì không cần phải nhảy”.
Vong linh của nàng Kiều cũng đã được thỏa mà lời thơ của Tố Như thật cũng đã được hiểu một cách thông minh.
Quả thật cái “tân thanh của đoạn trường” chưa lúc nào thấm thía bằng lúc nầy:
Một cung gió tủi mưa sầu
Bốn giây giỏ máu năm đầu ngón tay![3]
Nhưng đọc lại cả đoạn từ khi Từ Hải chết đến khi Kiều bị áp thẳng xuống thuyền thổ quan, tôi thấy tâm trạng nàng phức tạp, thay đổi chứ không một mực như người mất hồn, tuy còn sống mà như đã chết.
Trước hết, nàng muốn tuẩn tiết theo Từ Hải:
Mặt nào trông thấy nhau đây
Thà liều sống chết một ngày với nhau!
Dòng thu như xối cơn sầu
Dứt lời nàng cũng gieo đầu một bên.
Vậy thì đâu có phải chỉ vì sợ sai hẹn với Đạm Tiên mà Kiều tự tử. Tuy nhiên ta phải nhận ý muốn quyên sinh lần này không mạnh như lần trước. Hữu thức của nàng muốn chống lại lần nữa với định mạng, song chỉ chống một cách yếu ớt, chỉ “cũng gieo đầu một bên” thôi. Nàng như mất cả sinh lực rồi. Tất nhiên là như vậy không chết được.
Phản ứng đầu tiên đó qua, nàng lo chôn chồng; rồi mặc dầu “giọt ngọc tuôn dào”, nàng lại muốn sống, cũng chỉ muốn một cách yếu ớt thôi. Cho nên đêm đó, sau khúc đàn “gió tủi mưa sầu” nàng ngỏ ý với Hồ xin được về với cha mẹ:
Thân tàn được thấy gốc phần là may.
Vậy lời của Tản Đà tuy nghiêm khắc mà có phần đúng. Có thế mới hợp với tâm lí. Sau mười lăm năm hoa trôi nước chảy, nàng không còn cái nhiệt tình, cái thanh khiết buổi đầu nữa, nàng hóa ra tầm thường – con người, ai mà chẳng vậy? – nhưng trước sau ta vẫn thấy nàng hành động hoàn toàn do cảm xúc, có thiện tâm mà lại nhu nhược, nhiều khi mù quáng, bị tiềm thức đưa dắt, dù tính gì thì tính, rốt cuộc vẫn không chống nổi với định mạng.
Vì thực là chua xót! Chỉ còn một ngày nữa là sổ đoạn trường được rút tên ra, mà nàng rút ra vẫn không nổi, nhất định phải đúng hẹn với Đạm Tiên ở sông Tiền Đường mới được, nghĩa là lại tuân theo tiềm thức một lần nữa. Cái giá trị nhân bản của truyện ở đó mà bi kịch trong truyện cũng ở đó. Ở chỗ muốn chết mà chết không được.
Thành thử suốt mười lăm năm, nàng như sống trong một giấc mộng, bị hồn ma Đạm Tiên mê hoặc, bị tiềm thức chi phối, không lúc nào làm chủ được mình, bẩm tính thông minh mà mấy lần quyết định mù quáng, hai lần tự tử chỉ là để lún thêm vào cõi nhục, bốn lần vùng vẫy – khi trốn theo Sở Khanh, khi mưu hạnh phúc với Thúc sinh, khi trốn nhà Hoạn Thư, khi khuyên Từ Hải ra hàng – thì mỗi lần như chỉ để tự hủy thêm tấm thân, để cho lưới định mạng thắt chặt thêm nữa. Tiềm thức của chúng ta đôi khi hướng dẫn ta rất linh, có thể báo trước tai nạn để ta kịp thời tránh, tiềm thức của nàng chỉ đưa đẩy nàng vào những hoàn cảnh tủi nhục, ê chề, những tai biến vô lí, khiến cho nàng y như con thiêu thân, cứ đâm đầu vào chỗ chết. Ngay những đức đáng quí của nàng – như hiếu nghĩa, thông minh – cũng chẳng giúp gì cho nàng mà chỉ làm hại nàng: vì có hiếu nên mới bán mình, vì thông minh mới đoán được nghĩa hai chữ “tích Việt”, mới mấy lần tính cách vùng vẩy; và cũng vì hiếu nghĩa thông minh mới được Thúc Sinh, Từ Hải gắn bó, rồi chính vì cái gắn bó đó mà gặp thêm mấy bước đoạn trường.
Mà cái kiếp đoạn trường đã định lúc nào hết thì tới lúc đó mới hết, sớm một ngày cũng không được. Khi nó hết thì dễ dàng làm sao! Nàng bổng như tỉnh mộng:
Triều đâu nổi tiếng đùng đùng,
Hỏi ra mới biết là sông Tiền Đường.
Như lời thần mộng rõ ràng,
Này thôi hết kiếp đoạn tràng là đây!
Lần tự tử thứ ba này không định trước mà thành. Nàng bình tỉnh, đủ sáng suốt, nghị lực, can đảm sửa soạn cho lúc chết, viết bức tuyệt bút để lại, mở rèm, tạ tội với Từ Hải, nhìn trời nước rồi thản nhiên, gần như vui vẻ gieo mình xuống sông. Trước sau chỉ trong một lát. Ôi! Đạm Tiên, hồn nàng lúc này đã thỏa? Thực ra truyện kết thúc ở đây. Phần tái hợp ở sau chỉ là thêm vô cho có hậu và để răn đời “chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”.
Tôi chưa thấy một tác phẩm nào tả thân phận con người một cách bi đát như vậy. Chúng ta hoàn toàn bị trói chặt vào định mạng, nó nằm trong bản tính tiềm thức của ta, trói chặt ngay từ lúc mới sanh. Chúng ta tưởng được tự do hành động, mà thực sự là bị tiềm thức xô đẩy vào những bước đường ta muốn tránh.
Bắt phong trần phải phong trần,
Sao cho sỉ nhục một lần mới thôi.
Biết là mấy lần, chứ đâu phải một lần!
Bi đát nhất là cái định mạng đó cứ nhè các bực tài tình mà đầy đọa. Những hạng như Thúy Vân thì được sung sướng, hạng như Thúy Kiều mới bị chìm nổi:
Nhất phiến tài tình thiên cổ lụy (Phạm Quí Thích)
Nhưng chính cái lụy đó, cái nhục đó lại là cái vinh của con người. Đọc truyện Kiều, có ai yêu được Thúy Vân, hay chỉ có những người khóc cho nàng Kiều, làm thơ vịnh nàng Kiều, mơ mộng nàng Kiều, khấn vái nàng Kiều; và đồng thời với Nguyễn Du, biết bao người được cho “thanh cao” hơn tiên sinh, mà đến nay còn gì, có ai nhắc tới, nhớ tới? Vậy thì không bị cái “thiên cổ lụy kia, tất không có cái “tân thanh” này, cái “tân thanh” đã trên trăm rưởi năm rồi vẫn cứ mỗi ngày một vang thêm, vì tác phẩm của tiên sinh đã được dịch mấy lần ra tiếng Pháp, rồi tiếng Nhật, tiếng Trung Hoa, tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Anh… Hương hồn Tố Như tiên sinh có linh thiêng tất không còn thắc mắc về cái điều “tam bách dư niên hậu” nữa, có thắc mắc chăng, theo tôi, chỉ ở điểm này: cái định mạng đố tài kia, ta nên oán nó hay không nên oán?
Viết ngày 5-5-1965
nhân kỉ niệm hai trăm năm Nguyễn Du ra đời.
Chú thích
[1] Câu 1491 trong tài liệu nguồn in: “Xin chàng liệu kíp tại nhà”. Có lẽ do sắp chữ sai nên chúng tôi đã sửa lại. [Goldfish]
[2] Nguyên bài thơ của Tản Đà:
Thúy Kiều hầu rượu Hồ Tôn Hiến
Tiếng sấn ân tình bốn mặt ran,
Tướng quân chi tiếc cánh hoa tàn!
Đôi hàng nước mắt, đôi làn sóng,
Nửa đám ma chồng, nửa tiệc quan.
Tổng đốc ví thương người bạc phận
Tiền Đường chưa chắc mả hồng nhan
Trơ trơ nấm đất bờ sông nọ
Hồn có nghe chăng mấy giọng đàn? [Goldfish]
[3] Câu 2570 có bản ghi là “Bốn dây rỏ máu năm đầu ngón tay”, cũng có bản ghi là “Bốn dây nhỏ máu năm đầu ngón tay”. [Goldfish]