Chào mọi người, mình là SQ.
Đây là lần đầu mình edit truyện nên sẽ có lỗi và sai sót. Mình edit song song với dịch bản raw, và mình đã cố gắng dịch sát nghĩa hết mức có thể. Nếu mọi người phát hiện chỗ nào không ổn thì hãy nhắn với mình nhé:D
Các bạn có thể bình luận thoải mái về tình tiết và nhân vật trong truyện (mình rất thích đọc bình luận/cảm xúc/cảm nghĩ của mọi người về truyện), chỉ là hãy đi nhẹ nói khẽ cười duyên, dùng từ ngữ văn minh, không được phép văng phụ khoa. Hãy cùng tạo một môi trường đọc truyện sạch sẽ và văn minh.
À, có thể mọi người sẽ thấy đâu đó bình luận của mình trong truyện, nhưng rất rất ít, và ngắn thôi, chỉ là mình muốn nêu cảm xúc lúc đó, nhưng mình chắc chắn không làm phiền các bạn đọc truyện đâu. Du di cho mình chỗ đó nhé:D
Ừm, mình chỉ có nhiêu đây lời nhắn nhủ thôi. Cảm ơn mọi người đã đọc truyện nhé~~.
谢谢我姐姐给我介绍这很可爱很温暖的故事。
**
Tô Khởi, nhũ danh Thất Thất, sinh ra ở Vân Tây, một thị trấn nhỏ ven sông, là con gái.
Vì sao lại đặt tên con gái là "Khởi", cái này là do mẹ Trình Anh Anh mà ra.
Trình Anh Anh sinh ra ở nông thôn vào thập kỷ 60, cũng như phần lớn người ở thời đại này, từ nhỏ đã ra đồng làm việc, không được học hành đầy đủ, tiểu học trung học đều là học cho có. Lúc đó, như thế cũng không tính là không đàng hoàng. Cô có vẻ ngoài xinh đẹp, tiếng hát lanh lảnh, như chú chim trên bầu trời. Nhiều chàng trai trong thôn ngày đêm thương nhớ, chưa đến mười bảy tuổi đã có bà mối đến nhà. Ấy vậy, cô lại thích chàng trai nhà nghèo kế bên – Tô Miễn Cần.
Bố mẹ Tô Miễn Cần mất sớm, anh học xong cấp ba cũng không học lên đại học. Khi đó, đa số người trẻ tuổi không có chí tiến thủ học hành. Không học cũng không sao, chỉ cần có tay nghề là có thể kiếm tiền sống qua ngày. Những nghề như thợ hồ, thợ mộc, thợ may hay thợ cắt tóc đều không khó để bắt đầu. Tô Miễn Cần đến Vân Tây bái sư học nghề thợ hồ. Anh thông minh lại linh hoạt, một năm đã học thành nghề. Tô Miễn Cần lăn lộn trong thành phố bấy lâu cũng bị nhiễm một vài nếp sống thời thượng, như áo sơ mi trắng, quần tây đen, tóc vuốt keo, giày da được đánh bóng bằng xi đánh giày. Theo lời của mẹ Trình Anh Anh, Trình Anh Anh là đứa con gái khờ, chọn đàn ông không nhìn vào điều kiện mà chỉ nhìn bề ngoài. Giống như xây nhà mà không cần nhìn vào gạch ngói, chỉ biết nhìn bức tường vôi trắng.
Cuối thập niên 80, kinh tế vùng nông thôn bắt đầu khởi sắc, những ngôi nhà cũ bị phá dỡ để xây thành nhà gạch. Tô Miễn Cần có tay nghề tốt, nhà nào cũng giao cho anh, không bao lâu liền kiếm được một khoản lớn đầu tiên trong đời. Anh không thể sống mãi ở nông thôn, bèn nhanh chóng đưa Trình Anh Anh đến Vân Tây. Lúc này vừa đúng lúc thành phố bắt đầu phát triển. Đầu thập niên 90, nhiều thứ đang trong quá trình phát triển, nhưng chỉ cần có khả năng thì đã có thể tìm một chỗ ở yên ổn trong thành phố.
Nhờ thầy của mình, Tô Miễn Cần tìm được một chức vụ không thuộc biên chế tại phòng Kế hoạch và Xây dựng của thành phố Vân Tây. Trình Anh Anh cũng vào làm tại nhà máy kéo sợi gai dầu. Hai người tích góp được 4000 tệ, mua một ngôi nhà gạch cũ ở hẻm Nam Giang, quảng trường Bắc Môn. Không cần thêm nhiều đồ nội thất: giường, tủ quần áo, kệ tủ. Các tủ gỗ đều được bố của Trình Anh Anh tự tay làm ở quê, đích thân đem đến tặng. Thêm một vài hành lý và bộ đồ giường thì cũng miễn cưỡng tính là một ngôi nhà.
Hẻm Nam Giang có địa hình trũng và thấp, cách sông Dương Tử một con đê ngăn lũ, nằm trên đường Bắc Môn – một xóm nghèo ở ngoại ô phía Bắc của Vân Nam. Nhà cửa ở đây lụp xụp, giá nhà thấp, phù hợp với gia đình nhỏ có kinh tế khó khăn. Khi hai vợ chồng Tô Trình (lấy họ của mỗi người) vào ở, họ nhanh chóng làm quen với hàng xóm, tất cả đều là những vợ chồng trẻ mới đến Vân Tây. Mọi người trạc tuổi nhau, lại có cùng hoàn cảnh nên rất hoà hợp.
Lương Tiêu và Khang Đề đều làm việc ở nhà máy kéo sợi gai dầu, là đồng nghiệp của Trình Anh Anh.
Lý Viện Bình và Phùng Tú Anh là tổ hợp văn hoá hoàn mỹ của bác sĩ và giáo viên.
Lân Gia Dân và Thẩm Huỷ Lan, một người là nhϊế͙p͙ ảnh gia tràn trề nhiệt huyết, một người là thợ may nhỏ tính toán vô cùng tỉ mỉ.
Còn lại Lộ Diệu Quốc và Trần Yến đã ở Vân Tây từ trước, mở một tiệm bán đồ ăn sáng.
Bọn họ đều là người trẻ tuổi, hai mươi tuổi mới trải đời, mang theo sự ngây thơ và nhiệt tình của thanh thiếu niên từ nông thôn đến thành phố, thèm khát tất cả những điều mới mẻ. Lúc đó, máy radio mới bắt đầu thịnh hành, karaoke cũng mới ra mắt, khắp phố lớn hẻm nhỏ đều nghe thấy những ca khúc nổi tiếng thời đó: "Nói gì mà, nhìn em như ~~" và "Khổ luyện mới thành tài ~". Sàn nhảy cũng bắt đầu xuất hiện. Vừa tan tầm, mấy cặp đôi trẻ tuổi liền đến sàn nhảy khiêu vũ vui vẻ. Ca khúc "Beyond" của Phụng Phi Phi đồng hành cùng nhóm người trẻ này trải qua năm đầu tiên ở hẻm Nam Giang.
Trình Anh Anh yêu ca hát, Khang Đề thích breakdance, Lâm Gia Dân và cô giáo Phùng Tú Anh chơi đàn, lập thành một nhóm tên "Phong Sinh Thuỷ Khởi".
(*Phong Sinh Thuỷ Khởi: 风生水起 – ý chỉ làm việc thuận lợi, phát triển nhanh chóng, giống câu "thuận buồm xuôi gió" của Việt Nam mình, nhưng vì cụm này có liên quan đến tên của mấy bạn nhỏ nên mình để Hán Việt luôn nhe.)
Họ đeo kính râm, uốn tóc xoăn lọn to, mặc quần ống loe, chân đi giày cao gót, rêu rao khắp nơi, là hình ảnh của sự ăn chơi phóng đãng nhất trong thời đại u ám lúc đó.
Tiếc là nhóm chưa có cơ hội ra ca khúc mới thì bốn gia đình đã lần lượt có những thay đổi.
Trình Anh Anh và Khang Đề lần lượt mang thai, giấc mơ "hát khắp Trung Quốc, nổi hơn Đặng Lệ Quân" trong sự nghiệp biểu diễn đành phải tạm dừng. Để kỷ niệm khoảng thời gian này, bốn gia đình quyết định đặt tên con mình theo "Phong Sinh Thuỷ Khởi".
Phải chia bốn chữ này thế nào đây? Họ chọn phương thức đơn giản và công bằng nhất – rút thăm.
Trình Anh Anh thích chữ "Thuỷ", trước khi rút còn niệm "A di đà Phật Thượng Đế phù hộ", kết quả rút được chữ "Khởi".
Khang Đề rút được chữ "Thuỷ" nói: "Có trách thì trách cái câu em mới vừa niệm ấy, Bồ Tát với Thượng Đế cãi nhau rồi."
Trình Anh Anh hỏi: "Chị thích chữ "Thuỷ" không?"
Khang Đề: "Cũng thích, chữ nào cũng được."
Trình Anh Anh: "Được lắm, vậy tụi mình đổi đi."
Khang Đề: "Không được, em thích "Thuỷ", chị càng muốn chữ này".
"......." Trình Anh Anh nói, "Chờ đi, sau này em bảo Tô Khởi đè đầu cưỡi cổ Lương Thuỷ nhà chị."
Khang Đề: "Đừng có nói sớm, chưa biết ai đè đầu cưỡi cổ ai đâu."
Tô Khởi dường như mang theo sứ mệnh "đè đầu cưỡi cổ Lương Thuỷ" và "bị Lương Thuỷ đè đầu cưỡi cổ" mà cất tiếng khóc chào đời.
Mùa hè những năm 1990, bốn đứa trẻ của hẻm Nam Giang lần lượt ra đời, trùng hợp theo thứ tự "Phong Sinh Thuỷ Khởi" – Lý Phong Nhiên, Lâm Thanh[ ], Lương Thuỷ, Tô Khởi.
[ ] Thanh (trong âm thanh) (声) và sinh (生) có cùng cách đọc là /sheng/.
Lý Phong Nhiên như cơn gió nhẹ, từ nhỏ đã an tĩnh trầm mặc. Lâm Thanh là tiếng thì thầm trong rừng, ngoan ngoãn hiền lành. Lương Thuỷ giống như nước, không bắt được, tuy nghịch ngợm hiếu động nhưng vẫn trong phạm vi của một cậu bé. Chỉ có Tô Khởi, cô bé có tên của con trai, từ bé đã không thể ngồi yên. Ban ngày ngủ khò khò, ban đêm thì khóc ầm ĩ, mới biết bò đã đánh nhau với con chó của hẻm kế bên, bứt mấy nhúm lông trên đuôi của chó con. Đến chó ở cách mấy dặm cũng phải khϊế͙p͙ sợ, ngửi thấy mùi cô bé từ xa thì quay đầu chạy mất dáng. Đến lúc cô bé biết đi thì con chó nào cũng xin thua. Tô Miễn Cần lúc này mới bảo hỏng bét rồi, đều do cái tên gây hoạ. Cô bé nghịch ngợm, ồn ào chẳng khác con trai. Lúc cười thì khúc khích như tiếng chuông trong gió, lúc khóc thì gào như heo bị chọc tiết, dỡ luôn mái nhà trong hẻm còn được. Trình Anh Anh hận không thể nhét cô bé lại vào bụng, vậy nên đổi tên thành Tô Thất Thất. Đáng tiếc, số mệnh giống như ngựa hoang đã phi nước đại, đổi tên cũng không thể thay đổi được gì, sau đó cô cũng mặc kệ.
Mà đương sự lại chẳng hề cảm thấy bản thân là một đứa nhỏ phiền toái. Trình Anh Anh nhớ đến thời thơ ấu của Tô Khởi là cảm thấy nóng cả đầu, mà ký ức của Tô Khởi thì hiển nhiên thiếu hụt hơn. Với cô bé, tuổi thơ chính là đơn giản và vui vẻ.
Thế giới của cô bé nhỏ xíu – cô bé lấy một chiếc ghế nhỏ ngồi dưới mái hiên nhà, cái đầu nhỏ ngước lên nhìn những mái nhà trong hẻm nối với nhau thành hình tứ giác – bầu trời trong xanh ở giữa chính là thế giới của cô bé.
Sau này, cô bé đi xa thêm một chút, ra ngoài hẻm để đến trường mẫu giáo phía bên kia đê. Nhưng hẻm Nam Giang vẫn là hình ảnh của "thế giới" trong tim cô bé.
Trưa mùa hè, tất cả bạn nhỏ trong nhà trẻ đều ghé vào bàn ngủ trưa. Cô bé luôn giả vờ ngủ, chờ đến khi cả thế giới yên tĩnh, cô bé lén mở mắt, nhìn Lâm Thanh chảy nước miếng, nhìn bầu trời vừa cao vừa xanh ngoài cửa sổ, nhìn lá xanh rũ xuống trên cây liễu, trời không có gió. Khung cảnh này giống với bầu trời cô bé nhìn thấy ở hẻm Nam Giang.
Cô bé vẫn thích hẻm Nam Giang hơn.
Hẻm Nam Giang chỉ có bảy, tám căn hộ, sâu chừng sáu bảy mươi mét. Trong tuổi thơ của cô, đây lại là một nơi thần bí vừa sâu vừa dài, đủ để cô dành rất nhiều thời gian khám phá.
Cây hoa dành dành và đống gạch trước nhà cô bé, giàn nho và hoa bóng nước của nhà Lâm Thanh, gác mái nhà Lương Thuỷ, vũng nước phía sau nhà dì Lộ, tất cả đều là báu vật của cô. Đặc biệt là mảnh đất trống bên cạnh nhà Lý Phong Nhiên, chính là thiên đường thám hiểm của riêng cô bé.
Nơi đó trước kia là một ngôi nhà đổ nát, rất lâu rồi không có người trông giữ, bị dỡ bỏ.
Xe ba bánh bị hỏng, tủ bị vỡ, trên tường mọc vài cây hoa dành dành. Khung bóng rổ treo trên tường dưới gốc cây, xung quanh đầy hoa trắng nở rộ. Sàn bê tông trong nhà bị vỡ nát từ lâu, dưới đất mọc dầy cỏ dại và hoa dại, vương vãi rác. Tô Khởi thường xuyên nhặt được những viên bi thuỷ tinh, tranh hình con cá và bộ học vần bằng gỗ. Một lần nọ, cô bé tìm thấy một cái tượng nhỏ cô tóc nâu mặc đầm công chúa màu vàng. Đó là món đẹp nhất mà cô bé thu hoạch được.
Đó là một người nước ngoài, vẻ ngoài không giống với bất kỳ ai xung quanh cô bé cả. Cô bé cũng không thấy quen thuộc. Nhiều năm sau Tô Khởi mới biết đó là Belle trong "Người đẹp và quái vật". Nhưng cô bé cũng không hiểu người đẹp hay quái vật là gì hết, cô chỉ biết Anh em Hồ lô, Na Tra và Đản Sinh.
(*Đản Sinh (蛋生) là nhân vật chính trong phim hoạt hình Quyển sổ thiên tào).
Cô bé rất thích "Anh em Hồ lô", ngày nào cũng hát: "Hồ lô oa hồ lô oa, bảy quả dưa trên dàn cây leo. Mình là hồ lô oa, mình biết tàng hình đó nha!"
"Thất Thất," Lâm Thanh sửa lại, "Anh em Hồ lô là con trai, lồi cái bụng ra đó, còn cậu là con gái."
Tô Khởi suy nghĩ hai giây, hái một bông hoa cúc cài lên tai. Đổi vai xong, cô bé lại hát: "Mình là nàng tiên hoa Lulu, đầu đội mũ hoa cánh bướm. Bồ công anh bay lượn, bay quanh thân mình, xuyên qua bóng đêm...."
Lâm Thanh nghi ngờ lần nữa: "Vậy... cái này là đại ba, tư cúc hả?"
Cô bé không biết chữ "Ba Tư" là chữ gì, nghe thấy "đại ba~tư cúc" này trong bài hát, cho rằng "đại ba" được dùng để miêu tả "tư cúc". Nhưng không sao cả, Tô Khởi cũng đâu có hiểu đâu.
(Hoa cánh bướm tiếng Trung là大波斯菊, Lâm Thanh nghe thành hai từ riêng đại ba (大波) và tư cúc (斯菊)).
Tô Khởi nói: "Tụi mình giả bộ đó là hoa cánh bướm đi. Thanh Thanh, cậu giúp tớ hoá trang nha?"
Giúp cái này dễ thôi mà, Lâm Thanh nhún nhún vai, vui vẻ đồng ý: "Vậy thì... được thôi."
Cô bé mới học được chữ "vậy thì" từ người lớn nên cứ lấy ra dùng.
Tô Khởi vô cùng cảm động, nói: "Cậu tốt quá đi! Khi nào tiên nữ tới đón tớ, tớ sẽ dẫn cậu theo, bay tới tiên quốc chơi."
"Thật hả?" Lâm Thanh kích động.
"Thật đó. Tớ nói cho cậu biết nhé, chỗ đó là một vườn hoa đẹp ơi là đẹp. Ở trong có quá chừng hoa luôn, có hoa dành dành, còn có... hoa màu đỏ, hoa màu xanh, hoa màu vàng, nhiều thiệt nhiều, còn có núi, có sông, có hươu chín màu nữa..." Từ vựng của cô bé không nhiều, không đủ để miêu tả thế giới trong tưởng tượng của mình, nhưng Lâm Thanh vẫn hiểu rõ ý của cô bé. Lâm Thanh mong đợi vô cùng, hỏi thêm: "Vậy thì, chỗ đó có hoa hồng không?"
Tô Khởi sửng sốt, có chút không vui vì bản thân không nghĩ đến chữ "hoa hồng". Vậy nên cô bé lờ mờ bỏ qua, nói: "Có rất nhiều hoa cánh bướm đó, y hệt như biển luôn!"
Cô bé chưa từng thấy hoa cánh bướm.
Cô cũng chưa nhìn thấy biển bao giờ.
Vì chưa từng thấy nên cảnh tượng này đặc biệt long trọng và đồ sộ, hoàn toàn vượt xa trí tưởng tượng của hai cô bé.
"Đẹp quá đi." Lâm Thanh cảm thán.
Hai cô bé cực kỳ cảm động nhìn đối phương, nhìn một hồi liền cười phá lên, cười mãi không dừng được.
Hai cô bé cũng không biết vì sao mình lại cười không ngừng.
Kể từ lúc đó, Tô Khởi cho rằng mình là nàng tiên hoa. Cô bé nói với Lý Phong Nhiên: "Phong Phong, cậu biết tớ là nàng tiên hoa không?"
Lý Phong Nhiên ngồi xổm trên mặt đất, lấy một nhành cây nhỏ đào hố. Cậu bé ngẩng đầu, im lặng nhìn cô, một lúc sau thì lắc đầu.
Tô Khởi cũng không giận, ôm chiếc đầm nhỏ ngồi xổm xuống bên cạnh cậu bé, cười tủm tỉm: "Vậy bây giờ cậu biết rồi đó, tớ là nàng tiên hoa. Tớ đi đến nơi nào thì nơi đó liền nở hoa."
Lý Phong Nhiên nhìn nụ cười toe toét của cô bé. Cô bị rụng mất một chiếc răng cửa, nói chuyện thều thào. Cậu im lặng liếc nhìn Tô Khởi, lại cúi đầu nhìn xuống đất, bên chân cô bé có một bông hoa bồ công anh màu vàng.
Cậu không nói chuyện, Tô Khởi cũng không để ý, tiếp tục nói: "Cậu biết không, tớ có một vương quốc đó. Một ngày nào đó, mẹ tiên hoa của tớ sẽ đến đón tớ."
Cuối cùng Lý Phong Nhiên cũng mở miệng: "Mẹ của cậu là dì Trình Anh Anh."
"Mẹ Trình Anh Anh là mẹ giả thôi. Hứ! Tớ lén nói cho cậu biết đó, cậu đừng nói cho người khác biết nhé." Tô Khởi nói với giọng cực kỳ nhỏ.
Lý Phong Nhiên không nói gì, mặt cũng không có biểu tình gì, nhìn cô bé.
"Đây là bí mật, mẹ đó là mẹ giả, mẹ tiên hoa mới là mẹ thật của tớ. Tớ cũng là nàng tiên hoa." Tô Khởi đứng lên, xoay một vòng, chiếc váy hoa xoè ra như chiếc dù, "Cậu nhìn nè."
"......" Lý Phong Nhiên cảm thấy hình như mình vừa nhìn thấy qυầи ɭót của cô bé, vì thế cúi đầu tiếp tục lấy nhánh cây đào hố.
Tô Khởi lại đi tìm Lương Thuỷ: "Thuỷ Tạp! Thuỷ Tạp ơi!"
Lương Thuỷ đang muốn đi tìm bạn chơi cùng nên không muốn trả lời cô bé. Cậu thích chơi với hai anh em Lộ Tử Hạo và Lộ Tử Thâm, thích cùng họ chạy ra ngoài hẻm chơi. Nhưng Tô Khởi không đi. Cô bé cảm thấy chơi trong hẻm vui hơn nhiều, hơn nữa cô cũng không muốn bị mẹ lấy roi đánh.
"Gì đó?" Lương Thuỷ nhíu mày hỏi.
"Tớ nói nhỏ cái này cậu nghe nè." Tô Khởi ra vẻ thần bí, mặt đầy mong chờ.
Cậu bé Lương Thuỷ cũng thấy hơi tò mò, vì thế cố ghé tai lại gần.
Tô Khởi khum tay ôm tai cậu bé, nói ra bí mật mình là nàng tiên hoa cho cậu nghe.
Nghe xong, Lương Thuỷ đáp lại: "Đồ thần kinh."