Cha tôi giống y như con quạ. Tôi phát hiện ra điều này từ khi hãy còn là một đứa trẻ: có lần, khi thấy trong tạp chí Neva một bức tranh, vẽ Napoléon mặc chiếc quần chẽn, đi đôi ủng ngắn, đứng trên một mỏm đá nào đó với chiếc bụng phệ màu trắng của mình, tôi chợt nhớ tới những bức hình minh hoạ trong Những cuộc phiêu lưu Bắc Cực của Bogdanov và vui sướng phá lên cười, – nhưng sau đó liền buồn bã nghĩ bụng: còn cha ta thì chẳng khác gì con quạ...
Ở tỉnh lỵ chúng tôi, cha tôi giữ một chức vụ rất nổi tiếng, và điều đó càng làm cho ông hỏng thêm, tôi cho rằng, thậm chí ngay cả trong giới quan chức của ông, khó có người nào mà tính khí lại nặng nề, thâm trầm và ác nghiệt một cách lạnh lùng trong những lời nói và những hành động chậm rãi của mình đến mức như vậy. Không cao lớn, đậm người, lưng hơi gù, tóc đen và cứng, khuôn mặt tối sầm, râu ria nhẵn nhụi, mũi to, ông hoàn toàn giống hệt một con quạ – nhất là trong những cuộc dạ hội từ thiện của bà tỉnh trưởng phu nhân, khi ông mặc chiếc áo đuôi tôm màu đen, đứng khom người và vững chãi bên cạnh chiếc kiốt mô phỏng ngôi nhà gỗ kiểu Nga, vươn cái đầu quạ to lớn của mình, gườm gườm đôi mắt lấp lánh như mắt quạ nhìn các đôi bạn nhảy, những người đến gần kiốt, hoặc cô tiểu thư có nụ cười mê hồn đang trao mấy chiếc ly dẹt đựng thứ sâm banh màu vàng rẻ tiền vào bàn tay nần nẫn đeo đầy kim cương của một bà cao lớn mặc áo gấm, đội mũ ruybăng, với chiếc mũi trát phấn trắng hồng dày đến nỗi trông như mũi giả. Cha tôi goá vợ đã lâu, con cái chỉ có hai – tôi và đứa em gái Lilia bé bỏng, – nên căn hộ nhà nước mênh mông với nhiều phòng rộng, sạch bóng như gương của chúng tôi cứ choáng lộn một cách lạnh lẽo và trống trải trên tầng hai của một trong những ngôi nhà công vụ, với hàng cột ngoảnh mặt ra con đường có những cây dương, nằm giữa đại giáo đường và phố chính. May thay, hơn một nửa thời gian trong năm tôi học trường trung học Katkovskoye và sống ở Moskva, chỉ về nhà trong tuần Lễ Thánh và dịp nghỉ hè. Vì thế, tôi không thể ngờ rằng năm nay đang có một điều hoàn toàn bất ngờ đợi mình ở nhà.
Mùa xuân năm ấy, tôi vừa tốt nghiệp trường trung học, và khi từ Moskva trở về nhà, đơn giản là tôi đã vô cùng sửng sốt: đúng là mặt trời đang lấp lánh trong căn hộ lặng im như chết của chúng tôi, – khắp các căn phòng đều sáng bừng lên bởi sự hiện hữu của một người con gái trẻ trung, nhanh nhẹn vừa mới đến làm bảo mẫu cho Lilia, đứa em gái tôi, năm nay lên tám tuổi, thay chân một bà già, cao lênh khênh và khô đét như bức tượng gỗ của một vị thánh nào đó thời trung cổ. Người con gái đáng thương ấy, con của một công chức nhỏ dưới quyền cha tôi, trong những ngày đó đang vô cùng sung sướng vì mới tốt nghiệp trung học xong mà đã kiếm được một chỗ làm tốt, và sau đó, nàng rất mừng trước sự trở về của tôi, bởi từ nay trong nhà đã có một người cùng tuổi. Nhưng trong những bữa ăn trịnh trọng của gia đình tôi, nàng mới nhút nhát làm sao, mới sợ sệt làm sao trước mặt cha tôi, nàng lo lắng theo dõi cô bé Lilia mắt đen từng phút một, nó cũng ít nói nhưng tính khí rất bất thường, không chỉ trong từng cử động, mà ngay cả trong chính sự lặng lẽ của mình, như thể đang chờ đợi điều gì, cứ ngọ ngoạy cái đầu nhỏ nhắn màu đen của nó với một vẻ thách thức nào đó! Trong những bữa ăn ấy, cha tôi thành một người khác hẳn: ông không hề ném những cái nhìn nặng nề về phía ông già Gury đeo găng trắng đang dọn các món ăn, mà thường nói một chuyện gì đấy, – tuy chậm rãi, nhưng đúng là có nói, – cố nhiên là chỉ với mỗi mình nàng, trịnh trọng gọi nàng bằng tên và phụ danh, – “Thưa cô Elena Nicolaievna lịch thiệp”, – thậm chí còn tìm cách pha trò và nhếch môi cười. Còn nàng thì lúng túng đến nỗi chỉ biết đáp lại bằng một nụ cười đáng thương, khuôn mặt thanh tú và dịu dàng đỏ bừng lên từng đám một – khuôn mặt của một thiếu nữ gầy gò tóc bạch kim, mặc chiếc sơ mi trắng mỏng, với những vết mồ hôi nóng bỏng trẻ trung ướt sẫm dưới nách, sau lần vải áo bộ ngực nho nhỏ lờ mờ thoáng hiện. Suốt cả bữa ăn, nàng không hề dám ngước mắt nhìn tôi: ở đây, đối với nàng, tôi còn đáng sợ hơn cả cha tôi là khác. Nhưng nàng càng cố thờ ơ với tôi thì những cái liếc xéo mà cha tôi ném về phía tôi lại càng băng giá hơn: không chỉ riêng ông, mà ngay cả tôi cũng hiểu và cảm thấy rằng, đằng sau sự cố gắng nhức nhối không để ý đến tôi, mà chỉ nghe cha tôi nói chuyện và trông chừng cô bé Lilia tuy ít nói nhưng hiếu động và hay cáu giận, đang ẩn giấu một nỗi lo sợ khác, – nỗi sợ hãi sung sướng trong niềm hạnh phúc chung của chúng tôi là được ở bên nhau. Buổi tối, thông thường cha tôi vừa uống trà vừa giải quyết những công việc của mình, người hầu vẫn mang chén trà lớn có những đường viền bằng vàng vào bàn làm việc cho ông: bây giờ ông uống trà với chúng tôi ở phòng ăn, và nàng ngồi cạnh chiếc ấm samôva rót trà – vào giờ ấy Lilia đã đi ngủ. Ông khoác chiếc áo vét rộng có lần lót đỏ từ trong thư phòng bước ra, ngồi xuống ghế bành và chìa chiếc chén của mình cho nàng. Nàng rót một chén trà đầy đến miệng đúng kiểu ông thích, trao cho ông bằng bàn tay run run, tiếp đến rót cho tôi, rót cho chính mình rồi cúi xuống khâu vá một cái gì đấy, còn cha tôi thì chậm rãi lên tiếng – cũng là một điều rất lạ:
- Thưa cô Elena Nicolaievna lịch lãm, những người tóc bạch kim chỉ nên bận đồ hoặc là màu đen, hoặc là màu đỏ rực... Khuôn mặt của cô có lẽ sẽ rất hợp với một chiếc váy dài bằng xa tanh đen, cổ đứng, viền răng cưa theo kiểu Maria Stuart, hoặc một chiếc áo dài kiểu cổ bằng nhung màu đỏ thắm, cổ khoét hơi trễ một chút, với chiếc thánh giá hồng ngọc. Một chiếc áo khoác bằng nhung Lion màu xanh sẫm và chiếc mũ bêrê Venise có lẽ cũng rất hợp với cô đấy... Tất cả những cái đó, dĩ nhiên, chỉ là mơ ước mà thôi, – ông nói và nhếch mép cười khẩy. – Ở chỗ chúng tôi, mỗi tháng cha cô chỉ được lĩnh bảy mươi lăm rúp, mà ngoài cô ra, ông ta còn năm đứa con lít nha lít nhít nữa, – có nghĩa là cho đến hết đời cô sẽ phải sống trong sự nghèo túng. Thế nhưng cứ mơ ước một chút thì đã sao? Mơ ước làm cho cuộc sống sôi nổi hơn, nó đem lại cho người ta sức mạnh và lòng hi vọng. Và sau nữa, chẳng phải là đôi khi cũng có những mơ ước được trở thành hiện thực đấy sao?... Dĩ nhiên là hiếm lắm, nhưng cũng có những trường hợp như thế... Thì mới đây thôi, có một anh đầu bếp ở ga Kurski vừa trúng xổ số hai trăm nghìn, – một tay đầu bếp bình thường thôi đấy!
Nàng cố làm bộ coi tất cả những điều ấy như là lời nói đùa đáng yêu, cố gắng bắt mình nhìn ông và mỉm cười, còn tôi thì tráo bộ bài “Napoleon” như thể không nghe thấy gì cả. Có lần, ông còn đi xa hơn, bất chợt hất hàm về phía tôi và nói:
- Ấy, anh chàng trẻ tuổi kia chắc là cũng đang mơ tưởng: Chà, ông bố đến một lúc nào đó sẽ chết đi, và anh ta sẽ có một kho vàng nhiều đến mức gà mổ cũng chẳng hết! Thế nhưng rồi gà nó cũng chẳng mổ đâu, vì có gì mà mổ cơ chứ. Tất nhiên, ông bố cũng có một vài thứ, – một điền trang nho nhỏ độ chừng một ngàn disatin đất đen thuộc tỉnh Samara – nhưng ông con chắc gì đã được thừa kế, ông con có yêu quý gì bố mình lắm đâu, và theo như tôi hiểu, ngữ ấy rồi sẽ thành một tay tiêu hoang vào bậc nhất...
Lần nói chuyện cuối cùng ấy xảy ra vào buổi tối trước ngày lễ Thánh Pie, – đó là điều mà đến nay tôi vẫn không thể nào quên được. Sáng hôm ấy cha tôi đến giáo đường, rồi từ đấy đi dự sinh nhật của ông tỉnh trưởng. Nếu không kể đến lý do đó thì từ trước tới nay cha tôi cũng không bao giờ điểm tâm ở nhà, nên hôm ấy chỉ có ba chúng tôi ăn sáng với nhau, và đến gần cuối bữa, khi người nhà dọn món kisel[3] anh đào thay vì món bánh rán phồng mà Lilia thích, nó liền gào lên lanh lảnh quát mắng Gury, đấm bàn, hất đĩa xuống đất, lắc đầu quầy quậy và khóc nức nở đến nghẹn cả giọng. Chật vật lắm chúng tôi mới đưa được nó về phòng – nó đấm đá và cắn vào tay chúng tôi – van nài nó nín khóc, hứa là sẽ phạt đầu bếp rất nặng, và cuối cùng nó im dần rồi ngủ thiếp đi. Thật tình tứ và âu yếm biết bao khi hai chúng tôi cùng nhau kéo đứa em gái đi ngủ, chưa nói đến chuyện tay chúng tôi còn chạm vào nhau! Ngoài sân trời mưa như trút, trong những căn phòng lờ mờ thỉnh thoảng lại loè lên ánh chớp và những tấm kính run lên mỗi khi có tiếng sấm vọng đến.
- Trận mưa đã tác động đến nó như vậy đấy, – khi chúng tôi ra khỏi phòng, nàng sung sướng thì thầm và chợt chững lại lo lắng:
- Ô, có đám cháy ở đâu ấy!
Chúng tôi chạy vào phòng ăn và mở toang cửa sổ – đội cứu hoả đang phóng trên con đường có hàng cây trước cửa nhà tôi. Trên những hàng dương, trận mưa rào rơi nhanh trong tiếng ầm ầm của những cỗ xe ngựa dài chở những người lính cứu hoả đội mũ đồng, với những chiếc thang và những vòi nước, trong tiếng chuông reo trên bờm những con ngựa kéo màu đen đang gõ móng lách cách phi nước đại kéo những cỗ xe ấy phóng nhanh trên con đường lát đá, trong điệu tù và báo đường dịu dàng và nhí nhảnh như quỷ sứ của người lính thổi kèn... Sau đó tiếng chuông nhà thờ đổ nhanh trên tháp chuông Ivan ở Lavyi... Chúng tôi đứng sát cạnh nhau bên ô cửa sổ thoảng mùi tươi mới của nước mưa và bụi đường ẩm ướt, như thể chỉ nghe và nhìn một cách chăm chú và hồi hộp mà thôi. Cuối cùng, khi chiếc xe ngựa chở chiếc thùng đựng nước màu đỏ to tướng lướt qua, tim tôi càng đập dữ dội hơn, trán giật lên thon thót – tôi cầm cánh tay buông thõng dọc bên sườn của nàng, nhìn vào má nàng với ánh mắt cầu xin, và nàng tái mặt, hé môi, phồng ngực lên thở mạnh và ngoảnh cặp mắt màu sáng ướt đẫm nước mắt và dường như cũng có vẻ van lơn về phía tôi, còn tôi thì ôm lấy vai nàng và lần đầu tiên trong đời được ngây ngất trong hơi mát dịu dàng của làn môi thiếu nữ... Kể từ hôm đó, không có ngày nào trôi qua mà không có những cuộc hẹn hò dường như là bất chợt của chúng tôi, khi thì ở phòng khách, khi thì ở gian lớn, khi ở ngoài hành lang, thậm chí cả trong thư phòng của cha tôi, vì ông chỉ về nhà khi trời gần tối, – những cuộc gặp mặt ngắn ngủi và những nụ hôn dài không bao giờ chán và đã trở nên không chịu nổi vì chẳng có cách nào giải thoát. Và cha tôi hình như cũng đánh hơi thấy một điều gì đó, tối đến không ra uống trà với chúng tôi, mà lại trở nên lặng lẽ và cau có. Nhưng chúng tôi không còn để ý đến ông, và trong các bữa ăn nàng cũng trở nên bình tĩnh và nghiêm nghị hơn.
Đến giữa tháng bảy Lilia bị ốm vì ăn quá nhiều dâu đất, nó bình phục rất chậm, suốt ngày nằm trong phòng riêng dùng bút chì màu vẽ những thành phố thần thoại nào đó trên những tờ giấy lớn gắn vào bảng gỗ, nàng buộc phải ngồi cạnh giường Lilia, thêu chiếc áo sơ mi Tiểu Nga cho bản thân mình, không thể đi đâu một bước vì Lilia liên tục vòi hết cái này đến cái khác. Còn tôi thì chết mòn chết mỏi trong ngôi nhà trống rỗng và vắng lặng, thường xuyên dằn vặt đau khổ, chỉ mong được gặp nàng, được hôn và ôm nàng sát vào lòng, và thường ngồi trong thư phòng của cha, cố gắng đọc một quyển nào đó rút hú hoạ từ trên tủ sách. Lần ấy, trời đã về chiều, tôi cũng đang ngồi như thế thì chợt nghe tiếng bước chân nhẹ nhàng và mau mắn của nàng bước tới. Tôi vội ném quyển sách và nhổm dậy:
- Sao, nó ngủ rồi à?
Nàng phẩy tay:
- Chao ôi, không đâu! Anh không biết đấy – nó có thể thức hai ngày đêm liền mà vẫn không sao, như tất cả những người điên khác! Nó đuổi em đi tìm mấy cái bút chì màu da cam và màu vàng của bố...
Rồi bật lên khóc, nàng bước lại gần và ngả đầu vào ngực tôi:
- Lạy Chúa, biết bao giờ mới hết cái cảnh này! Anh hãy bảo ông ấy là anh yêu em, dù sao đi nữa thì trên đời này cũng chẳng có điều gì có thể chia cắt chúng ta được!
Và nàng ngước khuôn mặt đẫm nước mắt lên ôm chầm lấy tôi trong một nụ hôn dài đến nghẹn cả thở. Tôi ép nàng sát vào mình và kéo lại gần chiếc đivăng – tôi đâu còn hiểu và nhớ được gì trong giây phút ấy? Nhưng ngoài ngưỡng cửa thư phòng đã nghe tiếng hắng giọng khe khẽ: tôi ngó qua vai nàng – cha tôi đang đứng đó nhìn chúng tôi. Rồi ông quay ra, gù gù cái lưng và bỏ đi nơi khác.
Bữa trưa, không ai trong chúng tôi ra phòng ăn cả. Đến tối, Gury gõ cửa phòng tôi: “Ông mời cậu đến nói chuyện”. Tôi vào thư phòng. Cha tôi ngồi trên ghế bành trước bàn giấy, cất tiếng bảo tôi mà không hề ngoảnh lại:
- Ngày mai, anh sẽ về làng quê của tôi ở Samara và ở đó cho đến hết mùa hè. Đến mùa thu, anh sẽ đi Moskva hay Peterburg tìm việc. Nếu anh dám trái lời, tôi sẽ vĩnh viễn cắt quyền thừa kế. Chưa hết, ngay ngày mai, tôi sẽ đề nghị ông tỉnh trưởng áp giải anh về làng. Bây giờ thì anh đi đi, và đừng bao giờ làm rác mắt tôi nữa. Tiền tàu xe và một ít tiền tiêu vặt thì đến sáng mai anh sẽ nhận qua một người khác. Đến mùa thu, tôi sẽ viết thư cho phòng quản lý của tôi ở quê bảo người ta cấp cho anh một ít tiền để anh tiêu pha ở kinh đô trong thời gian đầu. Đừng có mà hy vọng gặp nó trước khi lên đường. Thế thôi, anh bạn thân mến của tôi ạ. Đi đi.
Ngay đêm hôm ấy, tôi bỏ nhà đến làng của một người đồng môn trường trung học thuộc tỉnh Yaroslavl và ở đó cho đến mùa thu. Sau đó, nhờ sự che chở của bố anh ta, tôi vào làm ở Bộ Ngoại giao và viết thư cho cha tôi rằng chẳng những tôi không nhận quyền thừa kế mà còn từ chối bất kỳ mọi sự giúp đỡ khác. Đến mùa đông, tôi hay tin cha tôi đã thôi việc và cũng chuyển đến Peterburg – “cùng với người vợ trẻ xinh đẹp”, người ta nói với tôi như vậy. Và rồi một hôm, khi vào khán phòng của nhà hát Mariinski vài phút trước khi vở diễn bắt đầu, tôi chợt nhìn thấy cả ông ấy và cả nàng. Họ ngồi ở khoang lô gần sân khấu, ngay cạnh tấm barie, nơi bên trên có để chiếc ống nhòm bằng xà cừ nho nhỏ. Ông mặc lễ phục, lưng gù gù như con quạ, đang nheo một mắt chăm chú đọc bản chương trình. Với mái tóc bạch kim được búi cao, với dáng vẻ nhẹ nhàng cân đối, nàng sôi nổi đưa mắt nhìn quanh: khoang khán phòng phía dưới xôn xao khe khẽ đang kín dần dưới ánh sáng ấm áp của những ngọn đèn chùm lấp lánh, váy áo dạ hội, áo đuôi tôm và quân phục của những người đang vào các khoang lô. Trên cổ nàng, cây thánh giá bằng ngọc rubi ánh lên một đốm lửa mờ tối, đôi tay trần thon nhỏ của nàng bắt đầu tròn đẫy, vai trái chiếc áo nhung đỏ thắm cũng được cài bởi chiếc móc bằng ngọc rubi.
(18 tháng 5 năm 1944)