Mùa thu của cây dương

Chương 5

Docsach24.com

au khi tôi nhận được thư của anh Osamu ít lâu, bác Nishioka gặp chuyện. Vào trước hôm lập xuân.

Ngày hôm ấy, bác Nishioka cùng bạn đi uống rượu. Người bạn của bác trước là đầu bếp, sau có một dạo chuyển sang lái taxi; chính trong khoảng thời gian này hai người quen nhau. Gần đây, chú ấy quay trở lại làm đầu bếp tại một nhà hàng. Nhưng rồi lại sinh thói trốn việc nên bị sa thải. Hôm đó, chú ấy ỉ ôi, than vãn với bác Nishioka, rằng tôi đã tự hứa từ giờ nhất định phải chăm chỉ lên, nhưng nay lại bị tống cổ thế này, nhân gian thật quá vô tình.

Vốn là người tốt bụng, lại thêm hơi men kích thích, bác Nishioka tới cửa hàng nơi đã sa thải bạn mình. “Tôi sẽ đi nói chuyện phải quấy giúp chú!” Ban đầu bác còn định tỏ ra nhũn nhặn, sẵn sàng dập đầu để cầu xin. Nhưng bà chủ cửa hàng đó lại tỏ vẻ khinh thường, hơn nữa còn rủa xả bác Nishioka những lời độc địa chua cay, thế là bác ấy nổi điên xông tới. Bình thường, bác Nishioka không phải người dễ nổi khùng vì điều nhỏ nhặt như vậy, nhưng hôm đó, có lẽ chuyện anh Osamu đã khiến lòng bác rối bời.

Hôm sau, đồn cảnh sát gọi về nhà bà cụ. Nghe nói ban đầu, bác Nishioka có liên lạc với công ty taxi nơi bác đang làm việc nhưng bị lờ đi. Hôm đó, cô Sasaki tình cờ nghỉ làm nên bà cụ nhờ cô đưa tới đồn cảnh sát. Bà cụ lấy bộ kimono sặc mùi long não rồi thay đồ, đắn đo một lát xem có nên đeo răng giả hay không, rốt cuộc bà quyết định ra ngoài với hàm răng móm mém. Bà cụ dặn tôi: “Trông cẩn thận nhé!” rồi mới đi.

Bác Nishioka được thả về chóng vánh. Mặt bác tái mét, chân loạng choạng bước lên cầu thang như một hồn ma. “Say bí tỉ hai ngày rồi đấy!” Cô Sasaki nói với tôi, mắt vẫn nhìn lên theo lưng bác Nishioka, miệng chu lên.

Tôi biết được nội tình nhớ nghe lỏm bà cụ và cô Sasaki nói chuyện. Chẳng rõ là vì lòng nhiệt thành muốn giúp đỡ người khác hay bởi tính tò mò, cô Sasaki nhận ngay việc gọi điện liên lạc nhờ vả khắp nơi cho bà cụ. Nhìn bề ngoài thì chẳng ai biết, nhưng thực ra bà cụ bị nặng tai nên việc liên lạc điện thoại quả thực không hề dễ chịu đối với bà.

Mười bốn cái đĩa nhỏ, sáu cái đĩa lớn, ba lăm cốc thủy tinh, một bình gốm, một két bia, mười lăm chai whisky chưa khui, bốn khay đựng đồ ăn bằng thủy tinh, một bóng đèn… Bà cụ và cô Sasaki nhìn danh sách thiệt hại mà nhà hàng liệt kê rồi thở dài ra chiều thán phục lắm.

“Cái gã khùng dặt dẹo ấy, sức quái đâu ra mà làm được thế này nhỉ?”

“Chính gã đã làm đấy, hung hăng thật.”

Hai người họ nhỏ to: nhà hàng tính thế này chẳng phải giá trên trời sao, nhưng dù sao, người ta nhận bồi thường theo thỏa thuận thế này còn êm thấm chán, bằng không chỉ còn cách phải nhờ đến ông luật sư người quen cũ của bà cụ thôi. Dẫu vậy, bàn xong xuôi rồi hai người họ vẫn ngắm nghía mãi tờ danh sách.

Bà cụ còn tới cả công ty taxi nữa. Mặc công ty quay ra đối xử lạnh nhạt với bác Nishioka, nhưng ngày nào bà cụ cũng mang theo một hộp bánh ngọt, đến cầu xin công ty không sa thải bác ấy. Thực ra, giám đốc công ty ít nhiều cũng muốn lấy cớ để cắt giảm nhân sự, nhưng một người già cả bà cụ ngày ngày đội gió rét tới công ty trong bộ kimono cũ kỹ sặc mùi long não hẳn đã khiến ông mềm lòng.

Nghe tôi bập bõm kể xong chuyện, mẹ mang khoai lang hầm chanh xuống thăm bà cụ. Tối đó, tình cờ bác Nishioka cũng tới. Bác ngồi thu lu bên bàn sưởi, cái lưng thấp thoáng bên kia dãy hành lang tối mù. Hai mẹ con tôi chỉ định đứng ở cửa trước đưa khoai biếu bà cụ rồi về ngay, nhưng vừa lúc ấy, cô Sasaki trên đường đi làm về bỗng lướt qua chỗ cái cửa kéo vẫn đang mở sẵn. Không biết bác Nishioka đang ở đó, cô Sasaki vừa bước trên nền đất nện ở sảnh trước vừa hỏi bà cụ.

“Hôm nay bà cũng đến công ty taxi đó ạ? Thế nào rồi bà, người ta có cho ông khùng đó đi làm tiếp không?

Bác Nishioka từ trong nhà bước ra, đầu cúi gằm, miệng lúng túng.

“Làm mọi người phải lo lắng nhiều quá, thật là…”

“Ơ, bác ở đây à?”

“Vâng. Ơn trời, tôi vẫn được làm tiếp ở đó.”

“Tốt quá rồi còn gì?”

Cô Sasaki không cười, chỉ nói vậy rồi chạy biến lên cầu thang, để mặc mọi người còn đang ngơ ngác không hiểu chuyện gì. Lúc quay lại, mỗi bên tay cô là hai chai bia.

“Kỷ niệm chuyện vui, cả nhà uống mừng nào!”

Mọi người tụ tập ở phòng sinh hoạt của bà cụ mãi tới khuya. Đêm đó đã thành một buổi liên hoan, có món tsukudani và khoai lang hầm chanh. Trong suốt ba năm trời sống ở trang viên Cây Dương, đó là lần duy nhất tất cả mọi người quây quần ăn uống với nhau, ngoài ra không có lần thứ hai, cả trước đó lẫn sau này. Uống được nửa cốc bia, bà cụ nấc liên tục. Dường như khí huyết lưu thông mạnh, bà cụ khua tay sục sạo trong tủ tường lấy ra một túi bánh khô giấu kỹ từ lâu. Cô Sasaki và mẹ chuốc bia cho nhau ngày càng hăng, luôn miệng: “Nào, nào.” “Thôi, tôi chịu rồi.” Bác Nishioka ôm cây đàn Biwa cũ kỹ không biết moi đâu ra, ngồi gảy trong bộ dạng sầu thảm, rồi đột nhiên rên lên và bật khóc.

“Ơ kìa…” Cô Sasaki khẽ thở dài. Mẹ tôi trân trân nhìn bác Nishioka, bàn tay cầm cốc bia khựng lại.

“Tôi biết cậu khổ, nhưng…” Bà cụ nói được đến đây thì nấc lên, lời động viên chỉ đi được nửa đường thì dừng lại. Còn tôi cũng chẳng biết phải làm sao với miếng bánh khô nhét trong miệng.

Đầu vẫn cúi gầm, bác Nishioka rên lên những tiếng đứt đoạn, rồi đột nhiên, bác đứng phắt dậy. Mặt đỏ tía tai. Hai vai rung bần bật. Cô Sasaki, mẹ, tôi, cả đến bà cụ thường ngày còng là thế giờ đều thẳng lưng sững sờ.

“Bác Nishioka…”Mẹ nói, lo lắng nhìn sang bà cụ và cô Sasaki.

“Bác nên ngồi xuống đi. Vừa uống bia xong mà đứng lên như thế chóng say lắm

Chẳng rõ bác Nishioka có nghe được lời cô Sasaki nói hay không, chỉ thấy bác phăm phăm tiến về phía trước. Chân vấp phải tấm chăn phủ bàn sưởi, nửa thân trên trông như bù nhìn của bác liền lảo đảo. Rốt cuộc bác Nishioka lấy lại được thăng bằng, loạng choạng bước tới bồn rửa trong bếp, mở vòi nước cho tuôn xối xả. Cứ tưởng bác ấy định rửa mặt, nhưng hóa ra, bác chỉ lấy cốc múc nước rồi quay lại.

“Bị nấc. Uống nước là hết.”

Bà cụ nghiêm cẩn đón lấy cốc nước mà bác Nishioka đưa. Nhưng dường như, vì căng thẳng quá nên cơn nấc của bà cũng hết hẳn từ trước rồi.

Tôi không biết sau đó cô Sasaki phải trở đi trở lại bao lần giữa phòng cô và phòng bà cụ để lấy bia. Cô Sasaki bấy giờ đã say ngất ngư ép bác Nishiika tấu hài tiết mục Trống hỏa diệm. Chỉ có một mình mẹ cười, nhưng bác Nishioka vẫn tỏ ra rất vui, sau mỗi hớp bia bác liền lặp đi lặp lại mỗi đoạn: “Ôi đái ngồi, đúng là ông phỗng.” Nghe bà cụ hát Dạ khúc Tô Châu đều đều như kinh cầu, tôi chui vào bàn sưởi và thiếp đi lúc nào không hay.

°

°

Cuộc sống cứ thế trôi đi, trên các cành nhánh trơ trụi của cây dương bắt đầu lác đác xuất hiện những chiếc lá xanh bé xíu. Hương cỏ cây xộc vào mũi ngày một nồng đượm. Sau nhà kho, một cô mèo cái đã sinh hạ một đàn mèo nhỏ. Vì mèo mẹ rất dữ, chẳng thể nào lại gần được nên hằng ngày, tôi chỉ dám đặt đĩa sữa ở gần nhà kho.

Dạo đó, tôi bước vào thời kì nổi loạn. Hễ thấy tấm lưng của mẹ lúc đúng bếp, cơn tức giận điên cuồng trong tôi lại trào lên, tôi giận mẹ không mở lòng với tôi, giận mẹ không nói ra những điều nên nói.Tôi trách mẹ những chuyện nhỏ nhặt, chẳng đáng gì: như cộc lốc nói chúc ngủ ngon vào buổi tối, hay nghe tôi kể chuyện nhưng mắt cứ dán vào ti vi. Tự nhiên tôi thành một đứa hay sinh sự. Nhưng tôi càng làm thế, cõi lòng mẹ càng trở nên khó tiếp cận, lương tâm tôi thì càng day dứt giày vò. Tôi gần như không viết thư cho bố nữa. Tôi bất lực với chính mình. Thậm chí tôi còn không biết có nên biết cơn giận thành lời nói hay không, và nói ra liệu có ích gì.

Bởi thế, tôi đã rất bất ngờ khi một hôm mẹ đột nhiên chìa cho tôi một phong thư. Trên bì thư đề tên bố.

“Thư cho bố con. Con bảo có người sẽ mang đi giúp mẹ đúng không?”

Tôi nhớ lại những gì đã nói với mẹ ở nhà bà ngoại trong đêm giao thừa.

“Vâng ạ.”

“Vậy con đưa thư này cho người đó giúp mẹ nhé?”

Tôi gật đầu, nhận lấy phong thư. Trên phong bì màu kem, chạm vào là nghe thấy tiếng sột soạt khe khẽ, những con chữ người lớn của mẹ viết thật rõ ràng. “Gửi ông Hoshino Shunzo - từ Tsukasa”. Lá thư khá nặng, trĩu trong lòng bàn tay tôi, và dĩ nhiên phong bì được dán kín.

Mẹ đã chấp nhận lời đề nghị của mình nghĩ thế tôi lại thấy vui. Hôm sau, vừa từ trường về tôi tới ngay chỗ bà cụ và đưa bà lá thư của mẹ được tôi cất cẩn thận trong cặp.

“Cháu không thất hứa là giữ bí mật đâu bà. Cháu không nhắc gì đến bà cả.”

“Ừ, được rồi,” bà cụ đáp rồi nhận thư. “Bù lại, hôm nay cháu nhổ cỏ nhé?”

Chẳng biết mẹ nghĩ gì mà đưa tôi thư gửi bố nhỉ? Mẹ muốn nói chuyện với bố chăng, hay mẹ muốn dỗ dành cái đứa suốt ngày ca cẩm là tôi? Dẫu sao, sau chuyện đó, cơn tức tối trong tôi cũng tạm thời lắng xuống, khó tin như chuyện đùa.

Đến kỳ nghỉ xuân, ngày nào tôi cũng chạy đuổi theo lũ mèo con trong vườn nhà bà cụ. Tôi và bà cụ rất chăm nhổ cỏ. Mỗi chúng tôi ôm theo một cái bị cà thi xem bị của ai đầy cỏ trước. Trên nền đất đen đẫm sương già của mùa đông, những ngọn cỏ non giờ đây đã bắt đầu mọc lên xanh tươi. Để chắc chắn, chốc chốc tôi lại hỏi bà cụ: “Cây này có nhổ được không ạ?” Bà cụ lúc thì bảo “Đó là cây hoa păng xê,” rồi lại “Đó là cây bạc hà,” thành thử mãi mà tôi chẳng nhổ được mấy. Nhưng chốc chốc, bà cụ lại lén bỏ vào bị của tôi vài nắm cỏ bà nhổ được. Mùa xuân năm đó, giày của tôi đã lên cỡ 25cm, và để chuẩn bị cho kỳ học mới, mẹ mua cho tôi một chiếc váy màu xanh da trời thay cho chiếc váy màu đỏ giờ thành ra quá chật. Những bóng ma lỗ cống ngày nào giờ đã hoàn toàn biến mất, tôi hầu như không còn nhớ gì về những cái hố đen sì ấy nữa. Một ngày gió lớn đầu tháng Tư.

“Con đừng mở cửa ra, bụi vào nhà đấy.”

Nghe lời mẹ, tôi chỉ dám ngắm cây dương qua kính cửa sổ, những phiến lá non mới nhú vẫn kiên trì bám lấy thân cành trong gió thổi. Chốc chốc, gió quật vào tấm cửa kính tôi đang mơ màng dán mũi vào, khiến tôi bừng tỉnh.

Những đám mây màu xám tro lừng lững trôi. Tình cờ nhìn xuống dưới, tôi thấy bà cụ đang đi ra vườn. Mái tóc bà cụ bạc phơ tung bay trước gió, hai bàn chân quấn lần tất ló ra bên dưới cái váy hình ống đang cố bấm chặt xuống đất để khỏi bị gió thổi bay. Trong một ngày giông thế này, bà cụ làm gì ở ngoài ấy cơ chứ?

Liền đó tôi có câu trả lời tức thì. Hóa ra chậu cây cao su ở chỗ phơi đồ bị gió lay đổ. Bà cụ bước tới đó, dáng liêu xiêu như người lội nước, dồn sức vào cái lưng còng rồi dựng chậu cây kia lên. Quay lưng về phía mái hiên, bà cụ bắt đầu kéo lê chậu cây từng chút một.

Bà cụ muốn mang chậu cây vào nhà, phải xuống giúp bà cụ mới được. Nghĩ vây, tôi quay lưng lại cửa sổ, nhưng gió bất chợt giật mạnh hẳn lên, nghe thấy cả tiếng rít nữa. Tôi quay lại cúi nhìn, thấy lưng bà cụ cứng đờ ra. Bà cụ ngã nhào, tay vẫn ôm chậu cây cao su.

Thật không may, cả cô Sasaki lẫn bác Nishioka đều đi vắng. Tôi chạy ra vườn. Gió giật dữ dội, con chó ở góc đường tru tréo như lên cơn điên, chỉ có xung quanh bà là yên tĩnh đến khó chịu. Tôi vừa khóc vừa đập cổng nhà hàng xóm.

°

°

Ngày mẹ nghỉ làm, tôi theo mẹ vào viện thăm bà cụ chủ nhà. Đã ba hôm rồi kể từ khi bà cụ bị ngã. Lúc chúng tôi đến, bà cụ đang ngủ và phải thở ô xy. Hai con mắt thường ngày vẫn soi mói láo liên xung quanh giờ nhắm nghiền bên dưới cái trán rộng và dô, tấm chăn trắng phẳng lì xẹp lép. Cứ như thể đột nhiên bà cụ bị thu nhỏ đi vậy. Vẻ yếu ớt ấy khiến tôi sững sờ. Nhưng cảm giác sững sờ lúc này rất khác so với khi tôi trông thấy bà cụ ngã, tựa như tôi đang bị thứ gì đó lạnh buốt và ẩm ướt nhấn chìm.

“Bà sẽ chết phải không mẹ?”

Trên đường từ bệnh viện trở về, tôi hỏi mẹ. “Bà không sao đâu con,” mẹ trả lời, nhưng vẻ lo lắng lộ rõ trên mặt. Trước mắt tôi lại hiện lên hình ảnh một lỗ cống há ngoác cái miệng đen ngòm chờ đợi. “Đồ đáng ghét, biến đi” tôi thì thào, nhưng đáp lại chỉ có những tiếng cười hằn học.

Buổi chiều, mẹ xuống mở khóa cửa phòng bà cụ. Vào ngày nghỉ, mẹ và cô Sasaki thay nhau mang áo quần vào cho bà cụ, vì thế hai người luân phiên giữ chìa khóa nhà. Hôm đó, mẹ định ngày hôm sau trước khi đi làm sẽ ghé viện lần nữa để mang sẵn cho bà cụ ít đồ lót.

Nghe tiếng bước chân mẹ bước xuống cầu thang bên ngoài, tôi không khỏi nghĩ về cái ngăn kéo ấy. Liệu bộ dạng hiện thời của bà cụ, y như con búp bê gỗ bị hỏng, có phải là dấu hiệu cho thấy cái ngăn kéo đã đầy? Tuy nhiên, bây giờ vẫn còn có thể cứu được bà. Chỉ có lúc này, khi cửa nhà bà cụ không khóa, tôi mới có thể làm được gì đó có thể tránh cho bà khỏi bị cái hố đen sì kia nuốt chửng.

Tôi theo sau mẹ, lén lút xuống cầu thang. Thật may, cánh cửa kéo ở sảnh trước vẫn mở, còn mẹ đang ở trong phòng chứa đồ, đối diện phòng ngủ của bà, ngay trước phòng tắm. Tôi đánh liều đi rón rén qua cửa phòng chứa đồ rồi mon men tới phòng sinh hoạt riêng của bà. Có tiếng mẹ ngâm nga hát. May quá, vậy là mẹ không phát hiện ra tôi.

Tôi lấy ghế đẩu trong bếp ra, đặt trước cái tủ quần áo to màu đen rồi trèo lên. Ở độ cao ấy, chỉ cần nhón lên, tôi có thể nhòm được vào trong ngăn kéo trên cùng. Lướt qua thôi, thật nhạn, thế là xong. Chẳng phải bà cụ đã nói rồi sao, ai nhìn vào bên trong ngăn kéo ấy, người đó sẽ phải đi chuyển thư.

Đây đương nhiên không phải hành động quả cảm sẵn sàng chết thay cho bà cụ. Mà vì đâu đó trong đầu tôi lởn vởn một ‎ý nghĩ liều lĩnh, rằng có lẽ chỉ cần mở ngăn kéo ra và nhìn vào bên trong, tôi có thể đánh bại nổi sợ bị cái lỗ cống toang hoác kia nuốt chửng. Nhưng cũng còn một lí do thứ hai nữa. Tôi không chịu nổi ý nghĩ rằng bà cụ sẽ chết. Tôi muốn bà được sống.

Đứng chắc chắn trên ghế đẩu, tôi cố hết sức kéo ngăn tủ ra. Tuy nặng nhưng nó trơn hơn tôi tưởng, thành thử tôi mở được mà không gây ra tiếng động nào. Một mùi dễ chịu như mùi nhang thoang thoảng dậy lên, bất giác, tôi nhắm mắt. Rướn người lên. Nào, mở mắt ra đi! Như vậy mình có thể ngăn được cái chết của bà cụ. Nào, mở mắt nhanh lên!

Thế nhưng, đầu ngón tay tôi cứ run lên bần bật còn hai mắt thì vẫn nhắm nghiền.

“Con đang làm gì thế?”

Chợt có tiếng nói vang lên, tôi quay lại và bắt gặp cái nhìn của mẹ. Mới chỉ vài phút ngắn ngủi thôi mà. Có lẽ do tôi đã quá căng thẳng nên quên bẵng đi rằng mẹ cũng đang ở trong nhà bà, tôi sững sờ.

“Con đang làm gì thế hả? Ai cho con tự ‎mở tủ của bà?”

Mẹ đẩy một tay vào cái ngăn kéo, nó đóng kín lại cứ như bị nam châm hút. Từ trên ghế đẩu, tôi bước phịch xuống. Thế là hết. Buổi tối, mẹ sẽ đưa chìa khóa cho cô Sasaki. Vì tôi không mở mắt ngay nên cơ hội đã vuột xa mãi rồi.

Tối hôm ấy, tôi viết thư cho bố. Có đưa được lá thư đó cho bà cụ hay không đối với tôi không quan trọng nữa. Tôi chỉ nghĩ, nếu phải khẩn cầu ai đó cứu bà cụ thì chỉ có thể khẩn cầu bố mà thôi, chẳng thể là ai khác, kể cả Chúa Jesus. Thật kì lạ, khi viết lá thư ấy, hiện lên trong tôi không phải là hình ảnh bà cụ mà chính là bố tôi - dáng bố ngồi ăn cơm lặng lẽ, cách bố đóng cổng khi ra khỏi nhà và nói “Bố đi đây!” hay cách bố nói “Bố về rồi” lúc trở về, dáng tay bố cởi áo khoác ngoài ám mùi khói thuốc và không khí lạnh, rồi tiếng bố gọi “Chiaki ơi!” - vô số những hình ảnh, âm thanh như thế cứ hiện diện rồi lại tan biến đi.

Tôi nhét lá thư dưới gối rồi nằm xuống. Nhưng tôi không tài nào ngủ được. Tôi xấu hổ không để đâu cho hết và hối hận vì đã hèn nhát đến nỗi không thể mở mắt nhìn vào bên trong ngăn kéo.

Đến tận nửa đêm, khi ánh trăng đã nghiêng nghiêng chiếu qua cửa sổ, mắt tôi vẫn mở thao láo. Mẹ nằm ngủ yên lành bên cạnh. Dường như cả thế giới này chỉ còn mình tôi thức, cái gối tôi nằm ươn ướt và âm ấm từ lúc nào tôi cũng chẳng hay. Nếu có thể tua được thời gian, tôi sẽ chẳng ngại ngần gì mà không quay trở lại khoảnh khắc mở ngăn kéo tủ, và lần này chắc chắn tôi sẽ mở mắt ra… Dằn vặt mãi với ý nghĩ ấy, tôi cựa quậy trở mình suốt.

Đúng lúc đó, điện thoại đổ chuông. Âm lượng điện thoại đã được chỉnh xuống mức khá nhỏ, như thể thực ra cũng không cần thiết vì mẹ đã quá mệt nên chẳng hề động đậy. Tôi đứng dậy, ra bếp nhấc máy. Không nghe tiếng trả lời. Chỉ có những âm thanh khô khốc như tiếng gió, hay như tiếng điện thoại gọi đến từ một nơi xa lắc.

“Bố ạ?”

Chẳng kịp suy nghĩ, tôi thốt lên. Có lẽ vì âm thanh vọng ở ống nghe ra giống thứ tạp âm trong những cuộc điện thoại bố gọi về khi sang Anh hồi rất lâu rồi. Những tiếng tu tu tút tút và tạp âm nối tiếp nhau, rồi bụp, tín hiệu tắt ngúm. Tôi cúp máy, đứng thẩn thờ như trời trồng một hồi lâu. Âm thanh ấy vẫn kêu liên tu bất tận trong tai tôi.

Rồi liền đó, một dự cảm an lành chợt dấy lên trong tôi. Chắc chắn bà cụ sẽ được cứu sống. Vì cú điện thoại khi nãy hẳn là của bố là dấu hiệu cho thấy bố nhận lời cầu khẩn của tôi trong thư. “Hãy cứu bà cụ chủ nhà!” Cuối cùng, “điều kỳ diệu” mà tôi mong ngóng đã xảy ra. Dù hoa quả trên bàn thờ có héo rữa, thì bố vẫn sẽ luôn dõi theo tôi từng bước.

Tôi nghĩ vậy và hoàn toàn không mảy may ngờ vực. Khi quay trở lại phòng ngủ, ánh trăng mà vừa mới đây tôi chỉ cảm thấy sáng lạnh tàn nhẫn giờ tuôn chảy mới dịu dàng, thân thiết làm sao, như một người bạn cùng sẻ chia những điều bí mật. Còn cây dương, thấu rõ hết mọi chuyện, là một nhân chứng đáng tin cậy. Trong lúc nhón chân quay lại giường, cảm giác ân hận cay đắng ban nãy đã tan biến, tôi nhẹ nhàng chìm vào giấc ngủ.

°

°

Có lẽ cú điện thoại đêm đó đơn giản là chỉ là gọi nhầm hay trêu chọc mà thôi. Về sau, tôi cứ nghĩ thế. Nhưng là thế thật cũng chẳng sao. Vì tôi hoàn toàn có thể tin rằng đó là cú điện thoại từ bố. Và bởi vì, tôi thấy thanh thản khi tìm được miếng ghép hình mà bấy lâu nay mình tìm kiếm, tôi có thể yêu tâm rằng mình không bao giờ quên đi bóng hình của bố.

Bà cụ thể hiện khả năng bình phục đáng kinh ngạc bất chấp tuổi tác của mình. Một tuần sau cú điện thoại ban đêm kia, bà đã có thể ngồi trên giường bệnh và ăn bánh đậu Đại Phúc tôi mua ở cửa hàng Nishigawa. Hầu như ngày nào, trên đường từ trường về, tôi đều ghé bệnh viện thăm bà cụ. Tôi muốn được nhìn cho thỏa, dù chỉ tí chút, “điều kỳ diệu” ở trước mắt mình.

Bà cụ ra viện trong kỳ nghỉ kéo dài của tháng Năm. Bà đi taxi của bác Nishioka về khu căn hộ sau nhiều ngày vắng nhà. Thoạt tiên bà cụ ngước nhìn cây dương với những chiếc lá xanh vẫy gió giữa bầu trời quang đãng, rồi hấp háy mắt như bị chói. “Phù! Phù!” Bà cụ thở hắt ra đằng mũi. Sau đó, bà vào nhà, làm lễ trước bàn thờ chồng và chậm rãi nhìn khắp căn phòng. Khi có bà cụ ở đây, từ bức tượng con rồng đến những cuốn sách cũ và cả tấm phướng màu vàng mà tôi thấy có vẻ gớm ghiếc bỗng dưng đều trở nên rất phù hợp với căn phòng.

Trong phòng sinh hoạt, chăn đệm được trải sẵn ở đúng vị trí mà tôi v ngủ dạo bị ốm. Có lẽ là mẹ hoặc cô Sasaki trải chăn đệm ở đó vì thấy phòng này vừa có ti vi lại rộng rãi hơn phòng ngủ. Mẹ dặn tôi: “Khi nào bà thay quần áo xong và đi nằm, con cũng lên nhà luôn nhé.” So với bị người lớn quấy quả, thì chuyện một đứa trẻ con là tôi ở đây với bà cụ phải hơn, hẳn đó là suy đoán của mẹ hoặc cô Sasaki.

Nhưng mãi không thấy bà cụ định đi nghỉ. Bà mở tủ bát trong bếp, bới lộc cộc trong ngăn kéo nhỏ bên hông bàn thờ, moi ra cái giũa móng tay cũ rích, rồi còn vỗ bôm bốp vào lưng ghế dựa, miệng lẩm bẩm gì không biết. Tôi theo dõi bà với một thoáng bất an trong lòng.

Bà cụ vươn tay trượt các ngón đánh “roạt” một cái trên móc chiếc tủ đen. Rồi bà quay lại, đột ngột nhìn thẳng vào mắt tôi khi đó đang ngồi chiếu, cái trán hơi nhợt nhạt do phải nằm viện của bà nhướng lên. Mặt tôi thoáng đỏ bừng. Ánh mắt bà cụ nhìn như thấu suốt tất cả. Nhưng rồi bà bất ngờ quay đi và bắt đầu thay quần áo. Nhìn thẳng vào người khác lúc họ đang thay đồ là rất xấu, tôi bèn cúi đầu xuống. Bà cụ lên tiếng:

“Cái ngăn kéo ấy vẫn chưa đầy đâu. Tiếc thật đấy, nhưng còn khướt bà mới chết.”

“Thật ạ?”

Tôi ngẩng đầu lên tức thì. “Thực!” Bà cụ đáp và nghiêm trang trong tư thế như vị thần đứng canh cổng đền, với cái quần cộc năm phân và áo lót ngắn tay màu da người. Tôi cứ tưởng bà cụ sẽ thay sang quần áo ngủ, nhưng nhoáng một cái đã lại thấy bà mặc cái váy ống ở nhà màu xám tro như mọi khi.

“Còn khướt là bao lâu hả bà?”

“Còn khướt à, là còn rất lâu thôi.”

“Đến khi cháu lớn ạ?”

“À, đó lại là một chuyện xa xôi khác.”

Bà cụ không nói gì thêm. Rồi bà chậm rãi cài lần lượt từng khuy chiếc áo khoác len không cổ màu nâu đỏ quen thuộc. Sau đó, hai bà cháu cùng ăn chè đậu đỏ ăn liền sẵn trong tủ bếp.

“Ôi, thoải mái quá! Được ở nhà làm những việc mình thích thế này dễ chịu thật! thích ngủ lúc nào thì ngủ, thích dậy lúc nào thì dậy, thích ăn cái gì thì ăn.”

Bà cụ vừa ăn chè vừa nhăn nhó bộ mặt chằng chịt nếp nhăn sẵn. Nhưng tôi đang không có tí tâm trạng nào để hào hứng. Bà cụ nhìn chằm chằm khuôn mặt tiu nghỉu của tôi một lúc, rốt cuộc bà khơi chuyện:

“Cháu không có nhòm trộm vào bên trong ngăn kéo đấy chứ?”

Tuy muốn nói “Không ạ”. nhưng tôi không nói dối được.

“Cháu định xem, nhưng mắt cháu không chịu mở ra.”

Nghe vậy, bà cụ bật cười. Bà cụ cười ngặt nghẽo đến sụm cả lưng, cứ như thể đó là một chuyện quá sức khôi hài. Tự nhiên tôi muốn biến mất khỏi nơi này, vì xấu hổ, và vì tức giận. Chẳng lẽ bà cụ không biết mình đã khiến người khác lo đến thế nào hay sao?

Nhưng bà cụ nói thế này.

“Chỉ nghĩ đến việc phải sống đến khi cháu thành người lớn cũng đủ khiến bà sởn tóc gáy. Nhưng mà được, thử cố gắng một lần xem sao?”

Gió tháng Năm thổi ùa vào phòng qua cửa sổ mở toang. Bà cụ nhắm mắt như đang lắng tai nghe tiếng reo vui của những chiếc lá dương.

°

°

Bố có khỏe không? Hôm nay, bà cụ chủ nhà đã ra viện và về nhà rồi. Bà cụ sờ nắn tất cả mọi thứ trong nhà và có vẻ rất vui. Bà cụ vẫn còn phải nghỉ ngơi, thế mà mãi bà chẳng ngủ, khố lắm bố ạ. Mãi rồi bà cụ cũng đi ngủ. Khi ấy, bà cụ dạy con “câu thần chú giúp ngủ ngon” đấy. Thế này này:

“Được ngủ là sướng nhất đời

Chỉ những đồ ngốc mới thức làm việc.”

Bà cụ bảo, bà vượt qua được trận ốm lần này là nhờ trước khi ngủ đêm nào cũng niệm câu thần chú đó. Con cũng nói chuyện của bố nữa. Con kể rằng con đã cầu khấn bố là “Ước gì bà cụ chủ nhà khỏi bệnh” rồi sau đó bố gọi điện thoại về cho con. Nghe vậy bà cụ bảo: “Thế thì phải cám ơn bố cháu thật nhiều.”

Buổi chiều, con tới nhà thờ. Mới đây, con nhặt được một cá bật lửa màu vàng, không bật được lửa nữa nhưng vì nó rất đẹp nên con đem đến tặng ông Jesus. Sau một thời gian không gặp, con chẳng còn thấy ông Jesus giống bố nữa. Con nói với ông ấy: “Ông làm sao thế, ông không thích ạ?” Vẻ mặt ông Jesus trông cứ như người ngồi trên ô tô và bị say xe ấy.

Dạo này con rất nhớ bố. Thế mà ngày trước, con chẳng nhớ gì cả, lạ thật đấy. Bố không ở trên mặt trăng với con thỏ, cũng không biến thành cừu, bố nhỉ? Bố đang ở đâu đó, im lặng hút thuốc và đọc sách hoặc làm việc như hồi xưa, đúng không?

Con cũng muốn gọi cho bố nhưng không biết số điện thoại, thế là những lúc ấy, con lại gọi đến số dự báo thời tiết. Nghe dự báo thời tiết cũng vui lắm bố ạ. Đôi lúc con nghĩ thế này. “Chắc giá cước điện thoại ở chỗ bố cao lắm nên phải gọi điện về đây khó vô cùng. Nếu không phải dịp đặc biệt như vừa rồi thì bố không thể nào gọi điện thoại được.”

Hôm qua, đang trong giờ học, bạn Hashiguchi thấy trong người khó chịu. Con liền đưa bạn ấy xuống phòng y tế. Vì con là cán bộ y tế của lớp mà. Chỉ có con và bạn Hashiguchi đi trên hành lang thôi. Con lo lắm. Đúng lúc đó, có tiếng nhạc vọng ra từ phòng nhạc. Là một bài hát cũ, chắc chắn bố cũng từng nghe rồi. Con bỗng thấy hết lo lắng. Con bảo Hashiguchi: “Được rồi, bạn mà nôn ra được thì tốt.” Hashiguchi tỏ vẻ hơi ngạc nhiên. Thế rồi, bạn ấy nói: “Cảm ơn bạn, Hoshino.” Con nghe Hashiguchi bảo bạn ấy ăn bánh rán vào bữa sáng. Mẹ bạn ấy đã dặn: “Bánh rán rất ngậy nên hãy để đến bữa xế” thế mà Hashiguchi vẫn ăn. Nên giờ bạn ấy mới thấy khó chịu trong người. Hashiguchi làm thế là vì sợ lúc bạn ấy ở trường em trai bạn ấy sẽ ăn mất cái bánh. Hashiguchi bảo: “Biết vậy tớ để dành rồi ăn cùng em tớ thì hơn.” Con nghĩ mình sẵn sàng làm thân với Hashiguchi. Thật tuyệt khi được làm cán bộ y tế của lớp, con đã nghĩ thế.

Bố ơi, con sẽ ngừng viết thư cho bố một thời gian. Nếu viết tiếp, thế nào con cũng muốn đưa hết cho bà cụ giữ hộ. Mà như vậy, thư con viết sẽ chiếm quá nhiều chỗ trong ngăn kéo tủ. Bà cụ còn phải giữ hộ thư cho nhiều người nữa, con làm như vậy là không ngoan. Vả lại, vì bố vẫn luôn dõi theo con nên con sẽ ổn cả thôi.

Con quyết định từ giờ vẫn sẽ viết thư, nhưng là ở trong tim cơ. Con sẽ viết thật nhiều, thật nhiều, nhiều hơn cả từ trước tới giờ bố ạ. Nếu như vậy mà bố vẫn thấy buồn thì hãy gọi điện lại cho con bố nhé. Kể cả tối khuya cũng

Con chào bố.

2

Rẽ vào góc đường có trạm cứu hỏa và bắt đầu rảo bước trên con đường ven sông, trong giây lát tôi bị ảo giác xâm chiếm, tưởng như chưa phút giây nào tôi rời xa mảnh đất này. Mùi hương năm xưa vẫn dậy lên trong không khí. Tuy trước nhà ga, một trung tâm thương mại lớn đã mọc lên, khu phố mua sắm thay đổi khá nhiều nhưng cửa hàng Nishigawa vẫn bán bánh đậu Đại Phúc mà bà cụ thích ăn. Vì thế nên lúc này, tôi đang đi với một túi bánh Đại Phúc trong tay.

Dòng sông tỏa sáng lung linh dưới nắng thu trong trẻo, bóng tôi soi rõ trên mặt nước, cái dáng vóc mà mỗi khi nhìn thấy mẹ lại nhún vai ca cẩm: “Con gầy quá!” Những cây thủy sinh dưới đáy sông dập dờn lay động như say ngủ. Hồi trước, mặt con sông nhỏ này luôn nổi lềnh phềnh bọt xà phòng giặt, bây giờ xem ra nước sông có vẻ đã sạch hơn trước nhiều.

Cũng vào một ngày mùa thu như thế này, bà cụ tiết lộ với tôi về những lá thư gửi sang thế giới bên kia. Bây giờ nghĩ lại, tôi cảm thấy cái kiểu đó quả là đúng phong cách của bà cụ. Còn cách nào phù hợp hơn để khích lệ tinh thần một đứa trẻ sáu, bảy tuổi đây? Không thể phủ nhận vai trò của những lá thư ấy, nhờ chúng mà tôi có thể thoát khỏi chuỗi tháng ngày bất an kia, có thể tin rằng cú điện thoại không lời trong đêm tôi mất ngủ là của bố. Hơn nữa, suốt một thời gian dài, bà cụ đã giữ hộ tôi những lá thư ấy, số lượng không ít chút nào.

Nếu có thể, hôm nay tôi muốn nói với bà cụ. “Nhờ bà cháu mới được hạnh phúc như thế này.” Nhưng nghĩ tới đó, một cảm giác khó chịu xâm chiếm tôi, có gì như co thắt trong lồng ngực, tôi dừng bước.

Tôi đã làm gì với chính mình? Tôi yêu một người đàn ông quá kiệm lời, có quá nhiều thứ trong tâm trí anh tôi không biết. Anh là kỹ thuật viên xét nghiệm, làm việc cùng tôi ở bệnh viện cũ. Anh giống một đứa trẻ lặng lẽ đã quen thui thủi chơi một mình. Một thời gian, anh dần quen lui tới căn hộ của tôi. Trừ phi tôi hỏi thẳng kiểu “Lần sau bao giờ anh đến?” còn lại anh chỉ biết gật đầu với mọi câu nói của tôi.

Thật điên rồ khi yêu một kẻ mà ta không biết họ nghĩ gì. Nhưng tôi lại dễ chịu khi ở bên một người tự giam mình trong lớp v chắc chắn như anh. Tôi không thấy thoải mái khi phải giao tiếp với những người khéo ăn nói, giỏi ba hoa. Ở họ có gì đó khiến tôi vừa sợ vừa ngưỡng mộ.

Lý do khiến tôi thành ra như vậy rất có thể liên quan tới những ấn tượng về bố trong ký ức. Nỗi buồn do bất lực không bước được vào thế giới lặng yên của bố, và hơi ấm xa xăm có thể xoa dịu nỗi trống trải mà tôi từng nhận được ở bố cứ vấn vít quyện vào nhau trong lòng tôi. Phải chăng tôi sẽ không thể cảm nhận được sự dịu dàng, ấm áp nếu không có nỗi buồn lặng lẽ giống như khi ở bên bố?

Thời gian gần đây, mỗi khi nghĩ về bố, một thứ tình cảm phảng phất như oán trách cứ dấy lên. Lẽ ra trước đây bố nên trò chuyện với tôi nhiều hơn. Nếu được như vậy tôi đã không đến mức thiếu thốn và thèm khát lời nói để rốt cuộc lại đâm ra sợ hãi chúng. Tuy nói thế không phải là phỏng đoán vô căn cứ, nhưng cũng là một lời buộc tội ngớ ngẩn. Cố gắng diễn giải đời mình bằng cách gán lỗi cho một người đã chết gần hai mươi năm, làm vậy có khác gì khẳng định rằng điều duy nhất tôi nhận được khi sinh ra trên đời này chỉ là một-người-cha-kiệm-lời-chết-trẻ.

Phải rồi, thật quá nực cười khi quy mọi chuyện là tại bố. Việc chỉ có vậy, quên đi được thì tốt hơn, chẳng qua tại mình mù quáng mà thôi - nhưng dù có tự nhủ bao nhiêu lần đi nữa, một cơn mơ vẫn cứ ám vào tôi trong giấc ngủ: Tôi gào khóc lúc bị đưa vào phòng mổ. “Tôi rất tiếc, nhưng không giữ đứa bé này được nữa.” Bác sĩ nhìn tôi, tiêm thuốc gây mê, lặp đi lặp lại: “Mộôt…Haai…Baa…” rồi khuôn mặt của bác sĩ biến thành khuôn mặt người đàn ông đó, “Chuyện kết hôn để khi khác đi, sẩy thai có khi cũng là cái số.” Anh chỉ nói vậy. Thà cứ kiệm lời, thà cứ lẳng lặng rời bỏ tôi còn hơn bắt tôi phải nghe những lời ấy.

Tôi quyết định nghỉ việc vì không chịu nổi cảm giác nặng nề khi phải làm cùng chỗ với người đó, nhưng thực ra nếu lý do duy nhất là vậy, tôi chỉ cần chuyển bệnh viện là xong. Nhưng không đơn giản thế. Tôi trở nên hèn nhát, mất hết tự tin khi làm nghề y tá. Tôi chỉ muốn cuống cuồng bỏ chạy, rời thật xa cái nỗi ám ảnh khủng khiếp là thấy chính mình thành bệnh nhân trên bàn mổ.

Bọc thuốc mang theo đang nằm gọn trong cái túi du lịch nhỏ tôi xách bên tay phải. “Hay là mình nốc sạch thuốc,” ý nghĩ đó tiếp tục ám ảnh tôi. Lý do tôi chưa thực hiện được, hiển nhiên là vì hèn nhát. Song thật kỳ lạ, chính ý nghĩ rằng, “vẫn còn một con đường cuối cùng, là nốc sạch cả đống thuốc ngủ,” lại khiến tôi muốn trì hoãn, thêm một ngày nữa, rồi lại thêm một ngày nữa. Dạo gần đây, tôi chọn uống thuốc như là tương lai duy nhất của mình, cứ như thể đó là phương đặc biệt giúp tôi tận hưởng cuộc sống, đã trải qua như thế cũng mấy tuần rồi. Giá như tôi có thể gọi đó là tương lai.

Quá đủ rồi, phải dừng cái trò vờ vĩnh này. Tôi thấy lo lắng và sốt ruột, như một người bị bỏ lại bơ vơ ở quầy bán vé cho chuyến tàu đi xa đông nghẹt trên một đất nước xa lạ. Phải nhanh chóng quyết định ga đến, phải nhanh lên…Nhưng đến đâu thì tốt nhỉ?

Khi tôi ngẩng đầu lên, cây dương vẫn sừng sững nơi đó. Tắm mình trong nắng chiều, những chiếc lá vàng kim reo xào xạc. Không phải quá khứ, không phải tương lai, không phải trong những giấc mơ hay chuyện vờ nào đó, cây dương tồn tại thật vô cùng tận, đầu óc tôi thoáng bỗng rỗng không. Cây dương chẳng bao giờ bận tâm chuyện nó không có nơi nào để đến. Đơn giản, nó luôn ở nơi nó vẫn đứng. Và cả tôi, bây giờ tôi cũng đang đứng đây.

Tôi hít một hơi thật sâu rồi bước tiếp. Mắt không rời cây dương vẫn vẫy tay chào, y như ngày tôi tới đây lần đầu tiên.

°

°

“Chiaki, là cháu à? Vào đi!”

Đang mặc đồ tang, nhưng cô Sasaki đón tôi rộn ràng tới mức chẳng hề có cảm giác ai đó vừa qua đời.

“Lâu lắm mới gặp, cô Sasaki.”

“Đúng là lâu thật đấy. Cháu đã lớn thế này rồi cơ à? Nhưng cô vẫn nhận ra ngay.”

Tuy đã bước sang tuổi năm mươi nhưng cô Sasaki vẫn để kiểu tóc ngắn trên vai giống như ngày nào, đuôi mắt hơi có nếp nhăn nhưng làn da không trang điểm của cô nhìn còn khá tươi tắn.

“Ở đây chẳng thay đổi gì cả, nhỉ?”

“Vâng, đúng thế thật.”

Cả cánh cổng, khu vườn, cả cảm giác âm u nơi sảnh trước và mùi hương, mọi thứ vẫn như ngày xưa. Tôi chỉ kinh ngạc vì đống giày dép mấp mé tràn ra khỏi sảnh, hình như bên trong đang rất đông người.

Ông cụ râu bạc trông có vẻ nhút nhát, người mà bà cụ gọi là “thầy tôi”, hồi trẻ đã bỏ rơi vợ con để chạy theo bà. Khi đó, một giáo viên tiểu học. Hai người không có con và bị họ hàng từ mặt, cắt đứt quan hệ. Chuyện này tôi biết ra từ lần bà cụ ngã bệnh đó, vì thế tôi cứ đinh ninh đám tang này sẽ rất lặng lẽ.

Tôi còn đang ngơ ngác đứng ở đầu sảnh trước thì cô Sasaki giục:

“Nào cháu, vào mau đi. Đều là bạn cả mà.”

Bạn là sao? Tôi bước vào, trong bụng không khỏi thắc mắc. Trong nhà, chật cứng những người là người. Ngay từ sảnh đã thấy đàn ông đàn bà ngồi trò chuyện đầy trong các phòng bếp, phòng sinh hoạt, cả trong căn phòng kiểu Nhật trước bà cụ vẫn ngủ nữa. Hầu hết đều già hơn tôi. Không ai có bộ mặt nghiêm nghị hay tỏ ra tất tưởi lo toan như thường thấy trong hoàn cảnh này. Cũng không ai than vãn hay khóc lóc. Các ô cửa sổ mở toang, toàn bộ khung cảnh tắm đẫm trong ánh sáng màu vàng kim lọt xuống qua tán lá dương đã nhuốm vàng. Mọi người ngồi đó, uống trà trong làn ánh sáng, nét mặt bình thản.

Trong phòng sinh hoạt, đổi diện với tủ quần áo màu đen, trước cái giá sách đóng cố định trên tường, một bàn thờ nhỏ mới lập, quan tài của bà cụ được để ở đó. Tôi cúng cho bà cụ vàng hương và một gói bánh đậu Đại Phúc, vừa định ghé mắt qua ô kính trên nắp quan tài để nhìn mặt bà cụ, thì một người đàn ông bước tới mở hẳn cái nắp ra. Một mùi quen thuộc phảng phất bay ra. Chính là thứ mùi tôi đã ngửi thấy khi mở cái ngăn kéo hồi nào.

“Ồ…” Tôi ngỡ ngàng.

“Cháu ngạc nhiên à, thật khó tin nhỉ?”

Người đàn ông vừa mở nắp quan tài giúp tôi mỉm cười. Ông trạc sáu mươi, mái tóc bạc trắng chải hất ra sau để lộ khuôn mặt tròn lịch thiệp.

“Vâng, cháu không nghĩ nhiều thư đến thế, quả là rất bất ngờ.”

Bà cụ nằm trong quan tài, diện bộ kimono tím nhạt rất đẹp, hàng trăm lá thư rải kín xung quanh. Người đàn ông khẽ huơ lòng bàn tay phía trên chân bà cụ.

“Thư của tôi để đây này.”

“Vậy ra…” tôi bối rối, không nói được hết câu, “cả bác nữa ạ?”

“Ừ, đúng thế.

Người đàn ông ngượng nghịu gật đầu như một cậu bé hơi yếu đuối, khuôn mặt đầy đặn khiến tôi liên tưởng tới trăng tròn.

“Thật không phải, bác quên chưa tự giới thiệu. Bác là Yamane ở Công ty Tang lễ Yamashira.”

°

°

Tôi thực sự bất ngờ vì vẫn đinh ninh rằng chuyện đưa thư sang thế giới bên kia chỉ là trò đùa bà cụ bịa ra để an ủi một đưa trẻ con như tôi mà thôi.

Khuôn mặt bà cụ lúc này nhỏ đi rất nhiều, nhưng vầng trán vẫn rộng y như trong ký ức của tôi. Mắt bà nhắm, miệng mím chặt hình chữ V ngược, khóe mép hơi nhếch lên nom như thoáng mỉm cười. Bà cụ đang ngủ, khuôn mặt giống thủy thủ Popeye gian ác khi còn nhỏ. Tôi nhìn bà chăm chú, đột nhiên nước mắt trào ra. Mặc dù chúng tôi đã đi hoàn toàn có thể tự đến thăm bà bất cứ lúc nào kia mà…

“À, cái này là của cháu, Chiaki.”

Cô Sasaki đặt bộp lên đầu gối tôi một xấp thư khá dày. Những chữ viết của chính tôi ngày bé đập vào mắt: “Gửi: Bố - Từ: Chiaki.” Hầu hết đều là phong bao màu nâu xỉn thô kệch, bên trên cả xấp thư có một tờ phụ lục in hoa thủy tiên tôi cắt từ tạp chí. Dấu vết tôi tẩy xóa rồi viết lại tên mình cho đúng vẫn còn.

Đầu hơi choáng váng, tôi toan để xấp thư xuống chân bà cụ thì bác Yamane nhẹ nhàng cầm lên và đặt giúp tôi xuống dưới ngực bà một chút. Rồi bác lẳng lặng đóng nắp quan tài bằng một thao tác vô cùng điệu nghệ.

“Lần đầu tiên bác gặp bà cụ…”

Bác Yamane nhấp tách trà cô Sasaki đưa, bắt đầu kể chuyện.

“…là ở một đám tang. Người chết là học sinh của chồng bà cụ. Một trí thức nghèo, và gia đình khá chật vật với chi phí tang ma, bà cụ liền gọi bác ra và nói về những lá thư. Bà cụ bảo khi nào chết bà sẽ giúp bác chuyển thư cho người ở thế giới bên kia và đề nghị bác giảm giá dịch vụ. Nghe thật vô lý.”

“Lúc ấy, bà cụ có kể cho bác nghe chuyện người anh họ đã mất của bà không?” tôi xen

“Không, chuyện khác. Chuyện về người chị gái đã chết của bà ấy. Một câu chuyện cảm động.”

Thấy tôi có vẻ không hiểu, bác Yamane cười khẽ rồi kể tiếp.

“Đầu tiên, bác nghĩ bà già này nhiễu sự quá. Sau khi đứa con trai duy nhất của bác bị tai nạn chết, bác đâm ra chai lì trước những nỗi đau phải chứng kiến trong công việc này. Đã từng bất hạnh, bác cứ ngỡ mình có thể bình thản tiếp xúc với nỗi đau của người khác, nhưng không phải vậy, chuyện này thật đáng sợ. Có lần bác còn cau mày nói với một đồng nghiệp rằng người chết cũng chẳng khác gì lũ vịt trời. Thật xấu hổ, nhưng đúng là bác đã nói vậy.

Thế là bác viết thư. Không hiểu sao bác bị ý tưởng của bà cụ cuốn hút, chẳng những giảm chi phí tang lễ, bác thậm chí còn không lấy tiền. Đêm hôm đó, bác viết rất nhiều. Bác đã viết ra mọi điều bác muốn nói với con trai, về cảm giác tội lỗi, về nỗi đau đớn, cả về rất nhiều dự định bác muốn cùng con thực hiện - nếu có điều gì khiến bác thấy cay đắng thì đó chính là cảm giác dường như bác lại thấy tương lai. Bác đã viết, viết ra toàn bộ, viết cả về cái tương lai giả định mà dù đã bao lần bác cố gắng gạt đi nó vẫn cứ hiện ra - là nếu con trai bác còn sống, cả về nỗi tức giận không ghìm nổi trong lòng mình. Viết đến đó bác dừng lại, cầm một bì thư dày nặng tới đây, đưa cho bà cụ. Ba ngày ròng sau đó bác không viết gì, cảm giác đau đớn trở về, vậy là bác lại viết thư thâu đêm rồi lại đem thư tới…Chuyện này lặp đi lặp lại suốt một thời gian. Cho đến một hôm, bác nghe có tiếng nói “được rồi đấy, ổn rồi, không còn phải chịu đau đớn nữa đâu.”

Bác Yamane cúi đầu, môi mím chặt thành một đường kẻ.

“Hôm nay đến đây đều là những người được bà cụ nhận giữ hộ thư. Mọi người, đều được bà cụ giúp đỡ.”

Như bị bác Yamane thôi miên, tôi ngoảnh nhìn quanh. Đám người trò chuyện rì rầm này, có phải bà cụ đã gặp gỡ với từng người, từng người trong số họ? Ở ven đường, trong phòng chờ của bác sĩ khoa mắt, phía trước cửa hàng bánh kẹo truyền thống, trên tàu điện, ở lễ tang của một người nào đó, trên ghế công viên, trên tầng thượng khu bách hóa tổng hợp, trên cầu…với một người đang khóc, một người bộ dạng thẫn thờ, người vẻ mặt đanh lại căng thẳng, những người âu lo, những người không còn để lọt nổi vào tai cả tiếng khóc thét của con trẻ, những người sợ hãi, lẽ nào bà cụ đã nói chuyện với từng người một trong số những kẻ

Một cơn gió thổi bất ngờ làm đung đưa những nhành dương. Các phiến lá đã nhuốm vàng phấp phới dịch chuyển, và dòng ánh sáng màu vàng kim trên cao đổ xuống chợt rung rinh.

“Khi nãy, cháu bảo bà ấy kể chuyện người anh họ quá cố à?”

Giọng bác Yamane nghe thoáng nửa như một tiếng thở dài lại có chút gì như đùa. Tôi gật đầu.

“Còn với bác bà cụ lại kể chuyện chị gái ạ?”

“Đúng thế. Với mỗi người bà ấy kể một câu chuyện khác nhau.”

“Tất cả mọi người ư?”

“Ừ. Với ai cũng thế, bà ấy luôn kể một câu chuyện xảy ra với mình, nhưng mỗi câu chuyện đều về những người thân khác nhau. Người chết có khi là cha bà ấy, có khi là một cô bé cùng tuổi, có khi lại là đứa em trai mới ba tuổi đã biết đọc…”

“Vậy sao?”

“Bác đến đây từ hôm qua, đã nghe rất nhiều chuyện, chẳng chuyện nào giống chuyện nào.Giả sử, chỉ là giả sử thôi nhé, liệu có phải vì bà ấy đã trải qua quá nhiều đau khổ nên mới không thể kể chuyện thật không nhỉ?”

Liệu có phải thế không? Tôi còn chưa kịp nghĩ gì, bác Yamane đang cúi xuống đã ngẩng đầu lên bảo:

“Nhưng biết đâu bà ấy rỗi việc cũng nên. Ai chứ bà ấy thì bác nghi lắm, không chừng là vì bà ấy thích bịa đặt và thích làm người khác chú ý ấy chứ. Cháu thấy sao, có đúng bà cụ là người kiểu đó không?”

Tôi mường tượng cảnh bà cụ cười nhăn ra. “Cái nhà tang lễ ngu ngốc này nói nhảm đấy.”

“Vâng ạ, cháu cũng nghĩ thế. Bà cụ thì có thể lắm.”

Nghe thế, bác Yamane thở phào như trút được gánh nặng, bác nhoẻn cười, đôi mắt nheo nheo.

Trời càng tối, người đến viếng thăm càng đông. Cô Sasaki và tôi bận túi bụi, nào là gọi điện thoại đến quán sushi, quán rượu để đặt món, nào là thổi cơm để làm cơm nắm và pha trà. Nhưng, c và tôi, đều không so được với những bà đứng tuổi ban nãy vẫn còn thong thả uống trà, toàn những người kinh nghiệm đầy mình cả. Họ nhanh nhẹn đeo mớ tạp dề kiểu Nhật lên người, tất cả đều trắng tinh như là được giặt sạch chỉ để dành cho đúng dịp này, ngoài ra có một số cái màu đen viền ren đen chuyên dùng cho tang lễ. Họ làm việc vô cùng khéo léo, gọn gàng và ăn ý như một nhóm bạn đã kết thân với nhau hàng chục năm trời. Cô Sasaki rất kinh ngạc. “Đúng là không ai sánh được!” Cô thốt lên rồi đưa tôi cái túi xách tay lớn màu đen của bà cụ và giao nhiệm vụ quản tiền. Sau đó cô tất bật đạp xe đạp xuôi ngược vô số lần giữa siêu thị với trang viên Cây Dương, cố mua đầy đủ các thứ còn thiếu theo lệnh của các bậc đại tiền bối đáng kính: dưa muối, rong biển, hoa quả, trà, giấy vệ sinh…

Khi lễ đọc kinh qua đêm sắp kết thúc, trong nhà đã quá chật, bác Yamane mang những chiếc bàn gấp chuẩn bị từ trước ra kê ngoài vườn. Cái bếp dầu đặt ở chỗ phơi đồ cháy đỏ rực, trên bàn bày la liệt sushi, gà rán, dưa muối, cơm nắm kẹp giăm bông…Cô Sasaki và tôi quán xuyến cả bếp và vườn, hết ra rồi lại vào phục vụ rượu, người hâm nóng rượu giúp chúng tôi là ông cụ “đã sống ở khu này những bốn mươi năm”. Ông nhỏ thó, chỉ cao đến tầm vai tôi, chẳng biết vì uống nhiều rượu hay vì ám hơi nước mà da cứ bóng nhẫy lên. Ông nhìn những chai rượu đang ngâm trong nồi hấp âu yếm như nhìn những đứa cháu đang tắm trong bồn vậy. Nghe nói ông có thâm niên nhiều năm làm việc hâm rượu tại một cửa hàng truyền thống cao cấp, căn cứ vào số lượng người, đoàn khách loại nào, món ăn ra sao mà ông có thể tính toán chính xác thời điểm để rượu không bị nóng quá và khách không phải chờ. Mặc dù có vẻ chưa vừa lòng vì tôi mời rượu quá vụng, nhưng mọi người vẫn luôn miệng vui vẻ khen ngợi: “Ngon quá, rượu này đúng là tuyệt hảo.”

Dưới bầu trời sao, những vị khách đã ấm người lần lượt từng tốp ba người, năm người ra về cả. Còn khoảng mười người có tuổi ở lại sau cùng giúp chúng tôi dọn dẹp. Họ định sẽ ở cạnh bà cụ cả đêm. Nhưng trong số họ có những người đã ở đây từ hôm qua, nên cô Sasaki và tôi lên tầng hai trải khắp các phòng trống những tấm chăn họa tiết khá sặc sỡ mà cửa hàng cho thuê chăn đệm mang tới. Bây giờ chỉ còn một mình cô Sasaki sống trên tầng hai thôi.

Đứng trước căn hộ mẹ và tôi sống ngày xưa, tôi có cảm giác bất ngờ nhiều hơn là xúc động. Chúng tôi đã sống ở một nơi chật chội lẹp xẹp thế này sao? Tuy nhiên, mở cánh cửa chớp xộc xệch ra, tôi thấy cây dương vẫn đứng đó, dáng như đang ghé qua khung cửa nhìn tôi. Vậy là tôi bắt đầu thấy hiện lên những hồi ức cũ. Là dáng tôi ngồi kê cái mông nhỏ trên bệ cửa sổ; là bóng mẹ đang ghi chép trên bàn trong bếp.

“Khoảng hai năm trước, phòng này bị bỏ trống, nó cũ rồi và chẳng ai thuê nếu không sửa chữa. Năm ngoái, phòng bên cạnh - phải rồi, phòng mà bác Nishioka từng sống ấy, cháu nhớ không, khi phòng đó trống, bà cụ không muốn cho thuê mới nữa. Không chừng bà cụ biết trước rồi.”

Vừa kể chuyện cho tôi nghe, cô Sasaki vừa vất vả loay hoay không biết làm sao để trải tấm ga giường hồ quá dày cứng ngắc.

“Nơi này, bà cụ đã quyết định là sẽ dành để cho quyên góp từ thiện đấy. Cho cái hiệp hội gì đó nhỉ…hội gì của những người nghiên cứu văn học Trung Quốc ấy, ngày xưa ông nhà bà cụ đã được họ giúp đỡ nhiều. Vì vậy, khi biết người ta quyết định lập một quỹ phần thưởng mang tên ông nhà, bà cụ phấn khởi lắm.”

Rồi cô Sasaki lẩm bẩm như nói một mình, bàn tay cử động càng luống cuống hơn: “Chẳng kiếm đâu được chỗ nào sống thoải mái như chỗ này. Cô nghĩ tốt hơn hết cô nên về quê thôi…”

Nửa đêm, khi việc đã vãn hẳn, cô Sasaki và tôi pha trà nóng cùng ăn bánh đậu Đại Phúc. Những vị khách ở lại có lẽ đã quá mệt, hầu hết chẳng buồn thay đồ, cứ mặc nguyên quần áo ngủ ngon lành trong chăn. Bên quan tài là hai ông cụ vừa hồi nãy còn thầm thì trò chuyện giờ đã gà gật. Cô Sasaki và tôi ngồi đối diện nhau bên bàn trong bếp. Tất cả chỉ có ngần ấy người.

“Ôi, nhiều việc quá! Chiaki mà không đến thì cô không biết phải xoay xở thế nào nữa.”

Ăn xong cái bánh Đại Phúc, cô Sasaki uống một hơi cạn tách trà rồi châm thuốc hút, “Lo lễ tang ngày mai chắc vất vả lắm đấy.”

“Chính cô đã báo cho tất cả mọi người đến đấy ạ?”

“Cô chỉ gọi điện thoại thôi mà cũng vất lắm rồi,” cô Sasaki lắc đầu cười.

“Không phải bà cụ nhờ cô gọi, nhưng hồi còn sống bà cụ đã giúp đỡ cô rất nhiều, nên cô nghĩ, sao mình không làm việc này cho đến nơi đến chốn được chứ. Bà cụ ghi chép rất chi tiết trong một cuốn sổ địa chỉ. Về những người bà giữ hộ thư.”

“Thế cơ ạ?”

“Cẩn thận lắm. Lại còn chi tiết ngày nhận, còn có cả ghi chú như ‘cá hồi muối, một khoanh’ hay ‘chăn len’ nữa. Có lẽ đó là những món đồ bà cụ đã nhận. Bà cụ chắc chắn quá thể.”

“Cô Sasaki cũng…” hơi bối rối một chút, rồi tôi cũng cố hỏi rõ, “cô cũng nhờ bà giữ hộ thư ạ?”

Không, cô Sasaki lắc đầu rồi dụi điếu thuốc lá xuống cái gạt tàn. Cách cô dập điếu thuốc hãy còn quá nửa mà không làm nó bị gãy gập vẫn y như ngày xưa.

“Cô nghe chuyện đó đâu khoảng nửa năm trước thì phải. Cô bất ngờ lắm, vì cũng thực khó tin. Bà cụ bảo: “Sau khi tôi chết, cô mặc cho tôi bộ kimono này nhé, sau đó lấy toàn bộ thư từ trong cái ngăn kéo ở đây bỏ vào quan tài giúp tôi’. Rồi bà cụ tặng cô một chuỗi vòng cổ bằng ngọc bích rất to. Cô bảo không cần đâu nhưng bà cụ nói: ‘Gớm, có tặng cô cái gì đó thì cô mới giúp tôi việc lúc cần chứ’. Ghê gớm quá thể, cái bà cụ ấy”.

Rồi cô Sasaki kể tỉ mỉ hơn về thời gian trước khi bà cụ mất. Tới tận phút cuối bà cụ vẫn còn khá khỏe và tự làm hết mọi việc, nhưng dần dà bà chỉ toàn ăn ô mai với đậu ninh nhừ; khoảng hai, ba năm gần đây mắt bà cụ lòa hẳn không thể đọc được tờ báo yêu thích nữa. Bà cụ thường nói: “Bẩn một tí thôi là tiêu đời. Dấu hiệu của sự ra đi đấy!” nên dù cho có phiền não cỡ nào bà cũng phải tắm ba ngày một lần. Cả những khi đau yếu như bị cảm gió, bà cụ vẫn kỳ cọ người thật sạch bằng nước nóng. Điều này khiến tôi buồn vô kể. Cũng có thể chỉ vì bà cụ quá vương vấn thế gian này, nhưng đúng là bà cụ đã cố gắng sống thật lâu, vậy mà đến cả một lần về thăm bà tôi cũng không, làm sao tôi có thể tha thứ cho mình được.

Khi mẹ quyết định tái hôn và rời trang viên Cây Dương, tôi lên mười. Trong lòng tôi không hề muốn rời đi nhưng chẳng thể nói được với ai. Vài ngày trước khi chúng tôi chuyển nhà, bà cụ bảo:

“Này, cái con mèo béo ú mà cháu hay cho uống sữa đó. Cái đồ tham ăn, phì nộn ấy nhìn tưởng gấu lắm thế mà lúc cắn nhau thì chả ra sao. Chỉ biết gằm gừ khàn cả tiếng thôi. Có được cái tích sự gì đâu. Nhưng vì cháu thích nó, nên dù cháu có đi đâu đi nữa, nó vẫn là mèo của cháu đấy. Chừng nào cháu vẫn còn mê con mèo gian manh đó”.

“Bức ảnh đó trông ngộ đúng không?”

Cô Sasaki nói. Tôi ngẩng đầu lên, thấy cô đang nhìn ảnh bà cụ trên bàn thờ.

“Tấm ảnh đó bà cụ cũng tự chuẩn bị đấy. Bà cụ diện kimono rồi tự ra tiệm chụp ảnh. Mà lại chẳng bao giờ đeo răng giả vào”.

“Nhưng khi ra ngoài bà cụ thích chưng diện cơ mà”.

Tôi tiếp lời cô, rồi cả hai bật cười. Tôi và cô Sasaki liếc cái quan tài, cố nín cười. Hai ông cụ đang ngủ gật. Trong tấm ảnh, trông bà cụ như tức giận hằm hằm.

“Này, giờ cháu làm gì? Cô thì vẫn thế, vẫn chuyên làm đồ hóa trang bằng bông với áo váy công chúa, chỉ có vậy thôi”.

Bị cô Sasaki hỏi, tôi đành kể mình đã trở thành y tá nhưng đang thất nghiệp.

“Cháu bỏ nghề à?”

“À, đại khái thế”, tôi nói qua quýt. Cô Sasaki chăm điếu thuốc mới.

“Mẹ cháu, có vẻ vẫn khỏe nhỉ?”

“Vâng”.

“Giọng mẹ cháu qua điện thoại nghe chẳng khác xưa chút nào. Vẫn cách nói chuyện điềm đạm đó. Mẹ cháu tái hôn rồi phải không?”

“Mẹ cháu tái hôn ngay sau đợt chuyển đi cô ạ. Bố dượng cháu kinh doanh một công ty xây dựng…”

Đến đây, tôi im lặng một lát. Cứ nghĩ về dượng và các anh chị con của dượng, tôi lại có cảm giác bức rứt. Họ đều là người tốt, họ làm nhiều điều cho tôi, vậy mà tôi không bao giờ nghĩ mình không thuộc về cái gia đình đó.

Đang gà gật như người chèo thuyền, chợt một ông cụ va đầu vào kính cửa sổ nghe “cốc” một tiếng khô khốc. Cô Sasaki đứng dậy, sang phòng bên cạnh lấy chăn. Cô đưa một tấm cho ông cụ đang cười bối rối. “Trời lạnh rồi bác nhỉ?” nói rồi cô cẩn thận phủ một tấm chăn nữa lên vai ông cụ đang ngủ say, mặt gục xuống ngực. Sau đó cô mở ngăn kéo tủ bếp sau lưng tôi, lấy dưới đống khăn mới lèn chặt ra một lá thư.

“Cái này, mẹ nói để cho Chiaki đọc”.

Tôi nhìn chằm chằm. Những con chữ quen thuộc. Lá duy nhất mẹ viết cho bố mà chính tay tôi đưa cho bà cụ hồi trước.

“Hôm qua, nói chuyện với mẹ cháu xong cô cúp máy, một lát sau mẹ cháu đã gọi lại

“Mẹ cho phép cháu đọc lá thư này ạ?”

“Ừ”.

Vậy là mẹ biết tôi gửi lá thư này chỗ bà cụ. Mẹ cho tôi đọc nó có nghĩa là gì vậy nhỉ? Tại sao lại vào thời điểm này?

Tôi lặng đi. Cô Sasaki vỗ vai tôi.

“Cháu đọc xong rồi mai nói với bác Yamane, nhờ bác ấy để vào trong quan tài bà cụ là được mà, nhỉ?”

“Cô đi nghỉ, khoảng hai tiếng nữa quay lại nhé”, cô Sasaki nói rồi lên tầng. Tôi thẫn thờ cầm phong thư màu kem trên tay một lúc. Mẹ đã viết những gì trong này, nên chuẩn bị tinh thần nào để mở đọc nó đây, tôi cảm thấy hoang mang, mông lung quá. Lúc nào mẹ cũng như vậy. Đúng lúc cứ tưởng mẹ bẵng đi không để tâm, thì bất thình lình mẹ sẽ tự ý làm một việc gì đó chẳng ai ngờ được.

Mắt vẫn dán vào phong thư, sự kiên nhẫn trong tôi vơi dần, tôi liền mở ngăn kéo nằm ngay trên cái ngăn mà khi nãy cô Sasaki vừa lấy thư ra.

Đúng như tôi nghĩ, mọi thứ vẫn hệt như xưa. Ruy băng và dây dợ các loại nằm gọn một góc, trong cái hộp kẹo dẹt có một chiếc kéo để cạnh lọ hồ dán, thước dây, cuộn băng dính… Lòng dần lắng lại, tôi cầm cây kéo cùn ấy lên và mở thư.