Mùa thu của cây dương

Chương 2

Docsach24.com

hưng tôi càng cố gắng bao nhiêu, cơ thể tôi càng không nghe lời bấy nhiêu. Nhiệt độ chẳng cao hẳn, cứ lên l xuống, mẹ vì tôi mà phải nghỉ làm cả tuần liền. Trong khoảng thời gian ấy, tôi mơ thấy mình bị lỗ cống biết đi đuổi theo, cứ mỗi lần tỉnh giấc tôi lại chúi cái đầu ong ong nặng trịch cơn buồn ngủ vào tủ quần áo để thay đồ đến trường. Tôi thay đồ, bất kể lúc đó là nửa đêm. Cặp sách và túi sách tay vẫn như mọi khi, chắc chắn có tất cả sách giáo khoa và vở tập. Bút chì đã gọt. Tẩy, có. Quần áo thể thao, có. Túi đựng bữa trưa, có. Kèn harmonica, có. Bút chì màu, có…

Cuối cùng, bác sĩ đưa ra một thông báo đáng sợ: “Chị nên cho cháu nhập viện một thời gian.” Nhập viện, vừa nghe hai tiếng ấy tôi đã lắc đầu nguầy nguậy. Hơn nữa, tôi chẳng thích bị đưa vào một nơi lạ hoắc chút nào.

“Chiaki, nhập viện rồi con sẽ khỏe lại và đi học được.”

Mẹ thuyết phục tôi, vẻ mặt vô cùng khổ tâm.

“Mẹ nói dối.”

“Mẹ không dối con đâu.”

“Không cần nhập viện cũng được mà. Từ mai con sẽ đến trường.”

Thà con đi học còn hơn nhập việc, tôi khăng khăng bướng bỉnh. Nếu không chịu đến bệnh viện thì ở nhà sẽ tốt hơn, nhưng nếu nghỉ thêm nữa mẹ sẽ mất công việc mà khó khăn lắm mới kiếm được. Đúng lúc ấy, bà cụ chủ nhà lên tiếng.

“Tôi là chủ nhà, sự thể ra nông nỗi này tôi cũng phải có trách nhiệm. Tôi sẽ để mắt tới Chiaki khi cô đi làm.”

Bà cụ cho rằng tình trạng căng thẳng của tôi có liên quan đến vụ người lạ dùng lén máy giặt, bà cụ thấy mình phải chịu phần nào trách nhiệm. Cổng ngoài của trang viên Cây Dương lúc nào cũng mở, bà nói đáng ra không được để như vậy.

“Sáng nào mẹ đi vắng, Chiaki xuống chỗ bà nhé. Bà sẽ trải chăn sẵn cho Chiaki.”

Tôi không khỏi bàng hoàng trước những lời mẹ nói. Mẹ bảo tôi sẽ ngủ trong căn phòng chỉ mở mỗi một cánh cửa chớp, toàn sách cũ và dán đầy những lá bùa bí ẩn ấy ư? Với lại lúc đầu bà cụ chẳng bảo “cấm trẻ con” đấy thôi, vậy có nghĩa bà cụ không thích bọn con nít. Vậy có khác nào tôi bị tống vào hang ổ của ma nữ độc ác?

“Bà không lên nhà mình hả mẹ?”

“Dạo này đầu gối bà yếu rồi, lên xuống cầu thang khó lắm. Nếu có bà bên cạnh con mẹ cũng đỡ lo…”

Mẹ khẽ cười rồi chọc nhẹ ngón trỏ vào má tôi.

“Chỉ buổi trưa thôi.”

“Con ở nhà một mình được mà mẹ…”

“Mẹ xong việc rồi ta cùng về nhà. Thôi nào, đừng cứng đầu thế.”

Tôi buộc lòng phải nghe theo. Vả lại nếu không tới đó, thế nào bà cụ cũng tự ái cho mà xem…

Thế là từ hôm sau, tôi “đi làm” cùng mẹ.

Bà trải chăn cho tôi tại một phòng kiểu như phòng ở, thông theo hướng Bắc-Nam với phòng bếp bằng gỗ và nằm ở góc trong cùng từ sảnh vào. “Kiểu như phòng ở”, gọi như vậy nghe cũng hơi lạ. Nhưng, trong căn phòng đó, bà cụ thường xem tivi, uống trà, đọc báo hay ngồi bên bàn sưởi, thành ra nó cũng chẳng khác gì phòng ở cả. Song, như những gì tôi nhìn thấy khi lần đầu ngó vào từ ngoài hành lang thông với sảnh ngoài: nào là giá sách cố định trên tường chặt cứng sách cũ cao ngất đến trần nhà, rồi con rồng trang trí làm từ đá màu lục, cả những bức phướn với các con chữ hình thù kỳ dị trông như mớ tóc rụng của những linh hồn… thì căn phòng này quá bất thường để có thể gọi là phòng ở. Ngay cạnh cửa quét rác(3) là một cái tủ đen thui với các tay cầm màu vàng kim, chăn nệm được trải khít ngay cạnh cái tủ nặng nề ấy. Khi nằm xuống nệm và quay về phía đối diện cái tủ, tôi nhìn thấy ảnh một ông cụ đặt trên bàn thờ, bức ảnh cũ kỹ đã bị thời gian làm hư hại nhiều. Với chòm râu bạc phơ mọc dài che kín tới tận ngực và trên đầu không một cọng tóc, khuôn mặt ông hơi có vẻ nhút nhát nhưng điều đó không khiến ông trở nên bớt đáng sợ đối với tôi. Thật may là bà cụ đã mở hết các cánh cửa chớp ra, không biết là vì tôi hay chỉ đơn giản là do tiết trời thay đổi.

Mỗi sáng tôi dùng lược chải mái tóc hỉ nhi và mặc bộ đồ ngủ có họa tiết dâu tây đẹp mắt, bên ngoài choàng một áo khoác không cổ đan bằng len xanh sợi to rồi tới chỗ bà cụ. “Cháu chào bà,” nói rồi tôi chui vào tấm chăn bông nặng trịch mà bà cụ đã trải cho từ trước. Hai, ba hôm đầu tôi ngủ không yên. Còn bà cụ, chẳng biết vì nghĩ tôi đang ngủ hay vì không quan tâm mà ngoài những câu như “Đến giờ uống thuốc rồi,” hay “Cặp nhiệt độ đi! không nói gì với tôi nữa. Thế nên tôi chỉ nằm chong mắt lắng nghe tiếng tích tắc tích tắc phát ra từ chiếc đồng hồ treo tường.

Nhưng ngủ mãi cũng không được.

Buổi trưa, tôi ăn hai nắm cơm mẹ làm cho. Còn thực đơn của bà cụ bao giờ cũng vậy: ruốc tảo ăn với cơm nguội, kèm theo đó là món tủ - canh tương nấu củ cải. Bà cụ nấu cả phần tôi, nhưng vì ở nhà mẹ chưa nấu canh tương củ cải bao giờ, hơn nữa củ cải ninh đến nát bét cộng thêm nước canh mặn đắng làm tôi quả thật khó nuốt. Tôi nghĩ thầm, chỉ có bà cụ mới nấu được món như thế này.

Không chừa lại một giọt nước, bà cụ lúc nào cũng húp sạch canh tương, không hề để ý là tôi đang ngắc ngứ. Rồi bà cần thận dùng đũa gắp những lá cải còn sót lại trong bát canh đã uống và đưa lên miệng. Với cái miệng chỉ còn mỗi ba chiếc răng hàm dưới, bà cụ chén đủ mọi thứ, từ dưa muối cho đến bánh khô souka. Chẳng hiểu thế nào mà tôi lại cứ muốn nhìn bà cụ ăn, tới khi gần như bị hớp hồn bởi cái miệng bà cụ đang há to hết như cái hang, bà cụ sẽ trừng mắt lên nhìn tôi và nói:

“Này, cháu không ăn đi à?”

Tôi bèn vội vàng và lấy và để những gì còn trong bát. Nếu bà cụ nói với mẹ là tôi lười ăn thì còn lâu tôi mới thoát khỏi cảnh khổ này.

Kinh khủng hơn, bà cụ còn bắt tôi uống thuốc sắc. Đó là thứ thuốc mà bà cụ uống mỗi ngày nhằm giúp lưu thông khí huyết, vị thuốc rất kỳ dị, chẳng biết là ngọt, đắng hay chua nữa. Lần đầu uống thứ thuốc ấy, tôi hiểu ra ngay mùi kỳ lạ trong nhà bà là từ đâu mà có.

“Nếu cháu muốn khỏe mạnh thì phải chịu khó uống đi. Dần dần rồi sẽ quen.”

Mắt ngân ngấn nước, tôi cố kìm không khóc, mắt chăm chăm nhìn vào họa tiết hoa mơ vẽ trên chén trà đựng thuốc và nuốt từng ngụm. Lúc ấy tôi tự hỏi, không biết liệu khi về già như bà cụ, mình có quen được với cái vị kinh khủng này không?

Theo đúng nghĩa đen, tôi lặng lẽ tiêu hóa nhiều ngày thuốc sắc, canh tương củ cải và cả cái chăn bông nặng trịch. Tôi không biết nên nói gì, và lại nếu nói mà chẳng ra đâu vào đâu thì thà im lặng còn hơn, tôi đã nghĩ theo hướng tiêu cực như thế. Còn bà thì thế nào nhỉ? Chắc hẳn bà cụ nghĩ, bọn trẻ con đúng là vô tích sự.

Tôi vẫn nhớ như in cái ngày đầu tiên bà cụ thực sự trò chuyện với nhau.

“Bà tới bác sĩ khám mắt nhé. Sẽ về ngay thôi.”

Đó là lần đầu tiên bà cụ đi vắng kể từ khi tôi đều đặn xuống tầng một. Mặc dù những lúc chỉ có hai bà cháu tôi chẳng thấy thoải mái chút nào, nhưng nghĩ đến việc sẽ bị bỏ lại một mình, trong một khắc tôi bỗng muốn nói: “Bà như thế là không giữ lời hứa!” Song cái cách bà cụ điềm nhiên thông báo về việc đến bác sĩ khiến tôi chẳng thể làm gì khác hơn là im lặng gật đầu. Thế đấy, đến bà cụ cũng có việc để làm, có lẽ cả quả đất này chỉ mình tôi hết ngủ rồi lại dậy, cùng lắm là đọc sách cho qua ngày… Thấy buồn buồn trong lòng, tôi lặng lẽ nghe tiếng bà cụ đi về phòng, thay đồ và kiểm tra lại van đường ống gas.

Bà cụ đi vào trong cơn mưa phùn. Một lát sau, mưa đổ sầm sập và xung quanh dần trở nên tối sầm. Bà cụ bảo sẽ về ngay, nhưng “ngay” là bao giờ? Càng để ý thời gian, trong đầu tôi bắt đầu lởn vởn toàn tiếng tích tắc của đồng hồ treo tường. Khi mắt chòng chọc liếc sang cái đồng hồ, thì từ chỗ cái máng vỡ, tiếng nước mưa chảy tong tỏng xuống nền đất cứ đập vào tai khiến tôi thấy khó chịu vô cùng. Thấy như người nóng dần lên, tôi trở mình nhiều bận. Vừa trở mình tôi vừa lim dim phân vân, không biết nên nhắm chặt mắt lại để khỏi thấy những gáy sách ngả vàng vì nắng, tấm ảnh ông cụ trên bàn thờ, những bức phướn vàng vọt và cái nanh nhe ra của con rồng trang trí… hay nên căng mắt cẩn trọng dõi theo chúng.

Thế rồi, có lẽ tôi đã ngủ thiếp đi. Đến khi mở mắt ra, trong thoáng chốc, tôi choáng ngợp bởi ánh sáng, sáng đến mức tôi ngỡ như khắp nơi đang tỏa ra sách vàng. Đồng hồ đã chỉ quá trưa. Vậy là bà cụ đi vắng được chừng hai tiếng rồi. Thế mà bà cụ bảo sẽ về ngay cơ đấy. Mà mình đâu có đợi bà về, tôi nghĩ.

Thời tiết thay đổi đến bất ngờ, không thể tin nổi chỉ vừa mới đây thôi trời hãy còn sầm sì. Tôi chui ra khỏi đống chăn đệm, mở cửa kéo trông ra vườn.

Đó là lần đầu tiên trong đời tôi hiểu thế nào là tươi mới. Tôi hít căng lồng ngực làn khí thu se lạnh sau cơn mưa. Rồi tôi phát hiện ra nguyên do vì sao khắp xung quanh như thể sáng bừng và rực rỡ ánh kim, chính là vì cây dương giữa vườn.

Trong thoáng chốc, tôi quên cả lạnh, mắt dán vào cây dương to lớn đang vươn mình giữa bầu trời quang đãng. Cây dương khoác áo vàng, đón ánh sáng trong suốt từ trên cao đổ xuống. Chẳng biết cây thay màu lá như vậy từ bao giờ. Ngày nào trong hè tôi cũng say sưa nhìn ngắm cái cây, vậy mà… Rốt cuộc tôi đã làm gì vậy…

Đúng lúc ấy, từ ngôi nhà ở góc đường, ngôi nhà thứ ba tính từ trang viên Cây Dương, có tiếng chó sủa inh ỏi. Đó là một con chó lai chuyên sủa hóng, tôi đoán chắc phải có ai đó đi ngang qua. Quả nhiên, nhìn về phía hàng rào tôi thấy một chiếc ô màu xanh lá từ từ tiến lại. Ai đó đang gương ô và thong thả bước đi dù trời đã tạnh mưa. Đó là bà cụ chủ nhà.

Có lẽ là bởi cái lưng còng mà cả người bà cụ hết lắc sang trái rồi lại sang phải sau mỗi bước đi. Chiếc túi vải nhỏ bà cụ đeo vào tay cầm ô cũng đu đưa như quả lắc, thấp thoáng hiện ra phía bên kia hàng rào.

Chợt có tiếng kêu lảnh lót vang lên từ tán cây dương, rồi một chú chim nhỏ hơn bồ câu chút xíu vội vàng cất cánh, bà cụ liền đứng lại. Gác cán ô lên tấm lưng còng và khẽ thò cái cổ ra như một con rùa, bà cụ ngước mắt nhìn lên.

“Rõ là giống thủy thủ Popeye mà!” tôi nghĩ.

Nhưng không như mọi khi, vẻ mặt bà cụ khi ấy chẳng giống người xấu chút nào.

Thấy tôi đang đứng ngoài hiên, bà cụ tỏ ra hơi bất ngờ. Không khí bên ngoài giúp tôi thấy thoải mái, cộng thêm việc có thể khiến bà - một người luôn lầm lì và chẳng nói được lời nào ngọt ngào với trẻ con - phải bất ngờ, tôi cảm thấy thực sự dễ chịu.

“Bà ơi, tạnh mưa rồi đấy.”

Tôi cố nói thật to dù đang bị khản tiếng. Bà cụ chỉ cười nhe hàm răng móm. Mỗi khi cười kiểu đó, miệng bà cụ biến thành một nếp nhăn lớn chôn sâu dưới mũi. Nhưng bà cụ vẫn không cụp ô lại. Tôi xỏ chân vào đôi guốc còn ẩm nước mưa của bà cụ rồi đi qua vườn, hướng về phía cổng. Từ sau vụ máy giặt, cánh cổng luôn kêu cọt kẹt mỗi khi đóng mở lúc nào cũng được đóng kín. Tôi mở cổng cho bà cụ rồi nói thêm lần nữa:

“Bà ơi, tạnh mưa rồi đấy.”

“Tạnh rồi.”

Tôi còn đang chưa biết nói gì, bỗng bà cụ nhìn thẳng vào mắt tôi và nói:

“Bà đang hong khô cái ô.

“Ô đi mưa về phải hong khô chứ. Cháu không biết à?”

“Cháu biết,” tôi chẳng biết nói gì trước thái độ của bà cụ, dường như với bà, việc vừa đi đường vừa hong ô cho khô chẳng có gì lạ lùng.

“Vào nhà nhanh lên. Người ngợm thế này...”

Vừa nói, bà cụ vừa đi về phía mái hiên. Bà đặt cái ô vẫn còn hơi ướt lên chỗ hòn đá kê chân, “hây a” một tiếng rồi bước vào nhà qua cửa kéo. Bà cụ không quên cầm theo đôi guốc vừa đi và đem ra đặt ở cửa trước. Bị bỏ lại đằng sau, tôi hắt hơi một cái.

Đó là tất cả những gì tôi nhớ về lần trò chuyện thực sự đầu tiên giữa tôi với bà cụ. Ít lâu sau, có lần trời nắng tôi cũng thấy bà giương ô. Tôi bảo: “Cái ô vẫn khô mà bà.” Lần này, nghe xong bà thủng thẳng nói: “Thì dùng để che nắng.”

°

°

“Bà ơi, bà thích canh củ cải nấu tương ạ?”

“Ồ, thích chứ.”

“Tại sao ạ?”

“Đừng bao giờ thắc mắc tại sao thích, tại sao ghét.”

Lúc nào cũng thế, bà hiếm khi bắt chuyện trước, chỉ khi tôi hỏi bà mới trả lời. Và bà trả lời theo kiểu khá cụt lủn.

“Bà bao nhiêu tuổi rồi ạ?”

“Ừm.”

Bà cụ tỏ thái độ như muốn lảng sang chuyện khác.

Nhưng cũng có đôi lần bà cụ nói nhiều hơn. Như hôm tôi nhìn thấy chỗ hói sau đầu bà. Da mặt bà cụ hơi sạm, các nếp nhăn hằn sâu, mái tóc thì bạc trắng như cước và xù bông lên, tóc bà cắt ngắn tầm ngang với tóc tôi và được chải ra phía sau gọn ghẽ. Những khi suy nghĩ, bà cụ thường đặt lòng bàn tay lên gần đỉnh đầu. Đám tóc bạc nơi bà hay đặt tay hơi tẽ ra và tôi thấy thấp thoáng một mảng da bóng láng, bóng tới mức không thể hình dung nổi đó lại là phần tiếp nối với mặt nhăn nheo của bà.

“Bà ơi, phụ nữ cũng có người bị hói ạ?”

Tốt nhất là nên hỏi bóng gió thôi, tôi nghĩ. Làm vậy có lẽ bà sẽ không nhận ra tôi đang nói về bà, song bà hiểu ra ngay: “À, cái này,” rồi bà đưa tay lên tóc. Tôi tưởng như cả người mình co rúm lại. Nhưng trông bà cụ không có vẻ khó chịu.

“Hồi trẻ, bà khắt khe lắm, bất kể việc gì, nếu chưa thật đâu vào đó thì bà còn thấy bứt rứt khó chịu. Như khi búi tóc ấy, bà thít tóc chặt quá đến căng da dầu. Nên bây giờ mới bị thế này.”

“Búi tóc là gì hả bà?”

“Búi tóc là búi tóc thôi. Một kiểu đầu của người ngày xưa.”

“Trông nó có giống kiểu tóc của samurai trên tivi không bà?”

“Kiểu đó hơi cổ một chút nhưng cũng từa tựa vậy đấy.”

“Bà từng mặc kimono rồi chứ ạ?”

“Đương nhiên. Ngày xưa ai chả mặc.”

“...nếu buộc tóc chặt quá thì sẽ bị hói ạ?”

“Ừ. Cháu cũng cẩn thận đấy.”

“Vâng. Cháu sẽ cẩn thận.”

Khi ta mở lòng chuyện trò cùng thế giới bên ngoài, hẳn sẽ có biết bao điều từ thế giới ấy chảy vào ta, tôi nghĩ.

Tôi say sưa ngắm cây dương trút lá mỗi ngày. Lần nọ trông thấy một quả đỏ hiện ra giữa tàng cây mỏng, tôi hào hứng vô cùng.

“Đó là mướp qua lâu,” bà cụ bảo. “Dây mướp vươn ra quấn quanh thân cây rồi đấy. Chẳng bao lâu nữa chim sẽ bay đến mổ.”

Cũng vào khoảng thời gian này, mấy con mèo hoang thường lui tới khu vườn của bà cụ. Khi thì chúng chui vào những bụi cây thấp như rêu đại kích, cây đuôi diều... lúc lại trèo lên thành của cái lò than màu xanh đang nằm chỏng chơ trên nền đất, chắc hẳn chúng thấy khu vườn này là một nơi cư trú tuyệt vời. Sáng sáng, tôi cầm hai nắm cơm trư mẹ làm cùng chút sữa đựng trong cốc rồi xuống chỗ bà. Nào là: chúng nó ỉa, bẩn lắm; nào là: cứ thế này lũ chim không dám tới mất; dù càu nhàu như vậy nhưng bà cụ vẫn đưa cho tôi một cái đĩa mẻ. Tôi đổ sữa vào đĩa rồi đặt ra chỗ phơi đồ cạnh mái hiên.

Một hôm, tôi lại sốt, lại được bà cụ trải chăn đệm cho. Đang ngủ, chợt tôi nghe tiếng bà từ bên ngoài vọng vào.

“Không được. Không được.”

Tôi đứng dậy, mở cửa kéo ra. Trời sáng trong, nắng rải khắp nơi nhưng không khí thì lạnh buốt. Chắc đã sang tháng Mười một rồi.

Bà cụ đứng trong khu vườn đã bắt đầu ngập lá rụng, nheo mắt nhìn lên. Quanh bà là bốn, năm con mèo. Chúng nằm bẹp dí sát đất, mặt cúi gằm, miệng ngoác ra kêu liên hồi như phản đối. Bà cụ lại ngước nhìn lên và cố nói lớn, nhưng người già yếu sức, giọng nói vừa the thé thốt lên đã lại hụt hơi.

“Không được đâu cô Sasaki. Tôi đã nói với cô mãi rồi, cô cho lũ mèo ăn gì cũng được. Nhưng làm ơn thôi cái kiểu quẳng đồ ăn từ trên xuống như thế đi. Sao cô không xuống tận nơi và cho chúng ăn tại một nơi cố định hẳn hoi.”

Ở hàng hiên, tôi ngả người nhìn lên. Từ cửa sổ căn phòng phía Tây thò ra khuôn mặt trắng bệch còn ngái ngủ của cô Sasaki.

Cô Sasaki làm việc ở một công ty chuyên may trang phục cho nhà hát và các buổi trình diễn tại những tụ điểm vui chơi giải trí. Cô luôn mặc quần bò ống côn, còn vừa đi vừa hút thuốc. Tôi chưa thấy cô trang điểm bao giờ. Cô Sasaki chắc cũng ngang tầm tuổi mẹ nhưng chẳng hiểu sao tôi có cảm giác cô chẳng khác gì sinh viên.

Tôi đang cho lũ mèo uống sữa thì cô Sasaki bắt chuyện.

“Cháu là Hoshino à?”

Tôi im lặng gật đầu.

“Cháu mấy tuổi?”

Tôi bèn giơ sáu ngón tay lên. Liệu mình có bị mắng vì thái độ trẻ con thế này không nhỉ, tôi băn khoăn. Nhưng hình như cô Sasaki chẳng mấy bận tâm, cô ngồi xổm xuống trước mặt tôi rồi bất ngờ hỏi.

“Cô hỏi nhỏ cháu cái này nhé. Tóc cháu, có phải là bắt chước cấy?”

Cô Sasaki cũng để kiểu tóc giống như tôi. Trong đầu tôi chắc mẩm rằng cô ấy rất khó chịu khi thấy một đứa trẻ có kiểu tóc giống mình, người tôi cứng đờ lại như tảng đá, đến mức lắc đầu cũng không nổi.

“Cháu sao thế, cô chỉ muốn nói là hai ta có kiểu đầu giống nhau thôi mà. Cháu đúng là không biết đùa.”

Cô Sasaki nói, đoạn nhả khói thuốc, đứng dậy rồi thoăn thoắt leo lên cầu thang.

Bà cụ vẫn nhìn lên, bèn lớn tiếng quát. Chắc bà bực lắm.

“Cô Sasaki, được chứ, cô hiểu chưa? Khi cho mèo ăn, hãy nghiêm chỉnh...”

“Cháu xin lỗi.”

Cô Sasaki rụt đầu vào rồi nhẹ nhàng đóng cửa.

Từ chỗ mái hiên, nếu chú ý sẽ để ý thấy những mẩu thịt cá rải rác trên nền đất. Con mèo to nhất có bộ lông vằn như hổ rón rén lại gần và chén sạch. Những con còn lại ngước lên nhìn thèm thuồng, như thể chúng đang chờ đợi bữa tiệc khác từ trên trời rơi xuống.

“Ôi trời ơi, khỉ thật. Trông có thảm hại không.”

Bà cụ vừa tháo guốc vừa gầm lên.

“Trở lại chăn ngay! Lại sốt rồi đấy!”

Thấy bà có vẻ bực bội, tôi vội vàng chui vào trong chăn ngay lập tức. Ở trong chăn ấm sực, tự nhiên tôi rùng mình.

“Cái cô Sasaki đó, cứ thấy chán đời là lại bày trò dở hơi.”

Bà cụ lẩm bẩm một mình khi đã yên vị trước bàn sưởi.

“Tức là khi nào thấy chán thì cô ấy lại ném thức ăn xuống cho lũ mèo?”

Tôi thò mỗi mắt ra khỏi chăn và hỏi.

“Chịu.”

“Thì bà vừa nói thế còn gì

“Ừ, có lẽ.”

Suy nghĩ một lát, tôi bèn nói, “Không đúng.”

Bà cụ nhìn tôi, “Không đúng thế nào?”

“Cháu nghĩ cô ấy làm thế vì thấy vui thôi.”

“Người lớn đàng hoàng có ai làm thế không? Chẳng ra thể thống gì cả.”

Cách bà cụ nói “chẳng ra thể thống gì cả” nghe thật ngộ làm tôi bật cười khúc khích. Bà cụ bèn lườm tôi, mắt sáng quắc.

“Cháu mà định bắt chước thì liệu hồn!”

Hiển nhiên là cô Sasaki vẫn tiếp tục trò ném thức ăn cho lũ mèo, mỗi lần như vậy mặt bà cụ lại trở nên càu cạu. Có thể với bà, cô Sasaki khi đó thật kỳ cục, nhưng tôi lại thấy như vậy rất thú vị.

2

Vốn là người thích ăn ngọt, trên đường từ chỗ bác sĩ về, bà cụ thường mua đồ cho bữa ăn vặt buổi chiều. Luôn luôn là bốn cái bánh nếp đậu xanh Đại Phúc mua ở cửa hàng Nishigawa.

Bà cụ lấy ra hai trong số bốn cái bánh Đại Phúc đó rồi đặt vào mỗi đĩa một cái, một đĩa cho tôi, đĩa còn lại bà mang tới đặt trên bàn thờ. Đoạn bà đánh chiêng kêu “cheng” một tiếng, chắp tay làm lễ, sau đó hạ ngay cái đĩa vừa cúng xuống và bắt đầu ăn.

“Vẫn còn phần để cúng cơ mà bà...” Một hôm, tôi liếc mắt nhìn sang hai cái bánh Đại Phúc còn đựng trong hộp nhựa và nói.

“Vì thầy của bà không thích đồ ngọt nên cho thầy nhìn thôi là được rồi.”

Nói xong, bà cụ lại trệu trạo nhai. Bà gọi ông cụ râu dài bạc trắng trong bức ảnh trên bàn thờ là “thầy của bà”.

Nhưng khi đó, tôi đã gần như khỏe lại và cũng quan sát được khá nhiều về bà nên tôi biết, nói “không thích đồ ngọt” như thế thực ra chỉ là nói dối. Chẳng qua bà cụ thích sạch sẽ mà thôi. Bà cụ chán ngấy việc giặt giũ, dẫu là chạy máy giặt hay phơi đồ bà đều coi là phiền toái, bà còn ghét cả nấu nướng nữa, thế nên mỗi khi đứng bếp, cái lưng của bà vốn đã còng lại càng co rúm lại đến cả trăm lần vì khó chịu. Duy chỉ có dọn dẹp là bà làm luôn tay. Dù biết rằng năm phút sau có thể sẽ cần tới nhưng bà cụ vẫn không ngừng dọn dẹp: dẫu có là con dao, cái bấm móng tay, con dấu hay đồ vừa phơi khô. Những lúc không dọn dẹp, trong ánh mắt bà có gì đó cứ bồn chồn, day dứt không yên.

Vì thế mà tôi biết, đối với bà cụ, việc để mặc cho bánh nếp trên bàn thờ khô dần và bám bụi là điều không thể chấp nhận được. Đến cả cơm cúng hàng sáng bà cũng đổ lại nồi cơm điện ngay sau khi đánh một tiếng chiêng.

Trên căn hộ của mẹ con tôi cũng có một cái bàn thờ gia đình mới toanh. Nhưng chẳng hiểu sao tôi cứ thấy lạ lẫm, từ chính cái bàn thờ cho đến bức ảnh của bố đặt trên đó. Mẹ cũng giống tôi. Thi thoảng cũng có khi mẹ ngồi lơ đãng trước bàn thờ, nhưng dường như mẹ chỉ để thân xác mình nơi đó mà thôi. Hoa quả dùng để cúng lễ mãi một thời gian dài mới bị bỏ đi.

“Bà ơi, tại sao lại phải cúng hả bà?”

Bà cụ nhón tay lấy từ trong hộp ra cái bánh Đại Phúc thứ hai đưa cho tôi.

“Cháu cũng ăn thêm một cái đi.”

“Cháu không ăn nữa,” tôi lắc đầu. “Bà, tại sao ạ?”

“À thì...”

“Đằng nào hoa quả cũng hỏng cơ mà. Có cúng đi nữa cũng vậy.”

Bà cụ khẽ cúi đầu.

“Mẹ cháu chẳng bao giờ nhắc đến bố cả. Nhưng mẹ vẫn đặt đồ cúng lên bàn thờ.”

Tôi dùng vốn từ ngữ ít ỏi, cố diễn đạt với bà về những điều mình đang suy nghĩ. Rằng, quả chuối nằm lăn lóc trên bàn và quả chuối được cúng trên bàn thờ, cả hai rồi cũng sẽ thâm sì như nhau, điều đó chỉ cả chứng tỏ là hai mẹ con tôi đã xa cách bố vĩnh viễn rồi. Nếu thực sự bố đang theo dõi tôi, đúng như những người lớn tới dự lễ tang đã nói, thì tại sao bố lại làm ngơ trước đồ cúng của chúng tôi?

“Hẵng có điều kỳ diệu nào xảy ra cả bà ạ. Kiểu như hoa quả đột nhiên biến mất chẳng hạn, hoặc chẳng bao giờ bị thối...”

Bỗng nhiên, thấy như mình vừa chợt ngộ ra được điều gì đó, tôi liền im lặng. Thì ra kể từ ngày đó, từ cái ngày bố tôi mất đi, cả mẹ, cả tôi đều bị bỏ rơi, chẳng hề được đoái hoài gì đến, giống như đống hoa quả thối dần thối mòn trong tuyệt vọng...

“Bố cháu luôn dõi theo cháu đấy.”

Nghe bà cụ nói vậy, tôi bướng bỉnh đáp lại.

“Bà nói dối. Bà có biết gì về bố cháu đâu.”

“Bà không biết, nhưng bà hiểu.”

“Cho dù là bà chưa từng chết ư?”

“Dù là bà chưa từng chết, nhưng bà gần đất xa trời hơn cháu nhiều đấy.”

“Thế sao... mãi mà bà chưa chết?”

Lời nói đó quả thực nặng nề nhưng bà vẫn tỏ ra thản nhiên.

“Tất cả đều là số mệnh rồi cháu ạ.”

“Bà không phải là siêu nhân, một lúc nào đó bà cũng sẽ chết.”

“Lúc nào là lúc nào?”

“Đấy, vấn đề nằm ở đó.”

Bà cụ chỉnh tư thế trên ghế tựa rồi nở nụ cười “nhăn răng” như thường lệ.

“Bà không sợ một ngày nào đó mình sẽ chết. Có điều, bà còn có nhiệm vụ phải làm.”

“Nhiệm vụ ạ?”

“Đúng vậy.”

Đột nhiên, cơn bức bối khi nãy của tôi liền tan biến.

“Nhiệm vụ gì thế ạ?”

“Cháu giữ được bí mật chứ?”

“Được ạ.”

“Vậy nói cho cháu nghe cũng được, nhưng...”

Bà cụ nhấm nhấm đầu ngón tay, ra là bà đang nhặt những vụn bánh Đại Phúc rơi trên váy.

“... phải rút quần áo và trước đã, muộn rồi.”

Bà nhấp ngụm uống trà, cái cổ gân guốc phát ra tiếng xẵng giọng.

°

°

“Nhiệm vụ của bà là đưa thư.” Nghe bà cụ nói vậy, trong đầu tôi chợt lóe lên hình ảnh bà cụ ngồi trên chiếc xe máy màu đỏ mà người đưa thư chuyên dùng.

“Bà làm nghề đưa thư ạ?”

Bà cụ sụm lưng cười, phù phù phù.

“Ở thế giới bên kia cơ.”

“Dạ?”

“Bà nhận đưa thư sang thế giới bên kia. Khi nào sang đó, bà sẽ đem theo thư từ của thế giới này.”

“Dạo này trời chẳng mưa gì cả...” vừa nói bà vừa hỉ mũi vào tờ giấy thấm. Tôi kéo cái giỏ đựng giấy vụn lại để gần tay bà. Tôi ghét bị sai đi vứt những mẩu giấy thấm dính nước mũi đã khô óng lên.

“Khi cháu nghĩ rằng, mình còn có thể liên lạ với ai đó ở thế giới bên kia, mọi chuyện sẽ khác đi nhiều lắm. Chỉ cần những lá thư của cháu được chuyển đến đúng nơi.”

“Sẽ khác ạ?”

“Bởi vì những lá thư ấy thực sự sẽ tới nơi.”

Tôi vẫn chưa hiểu rõ những điều bà cụ nói. Trong đầu tôi lúc này hiện lên hình ảnh bà cụ với cái trán dô buộc mảnh vải trắng hình tam giác dành cho người chết, vừa há cái miệng móm mém ra cười ha hả vừa lái chiếc xe máy màu đỏ chạy lòng

“Khi bà của bà mất...”

Bà cụ vo tròn tờ giấy thấm, thả vào giỏ đựng giấy vụn rồi bắt đầu kể chuyện.

“... bà đã nhờ bà của bà đang nằm trong quan tài một việc. Bà nói: 'Bà mang thư này đến cho anh họ Kousuke giúp cháu nhé!'“

“Bà để thư vào trong quan tài ạ?”

“Đúng vậy.”

“Bà của bà hẳn phải già lắm nhỉ?”

“Ôi, già chứ. Nhưng có lẽ là trẻ hơn bà bây giờ.”

“Hồi ấy bà là trẻ con ạ?”

“Trẻ con. Hồi ấy bà chín tuổi.”

Tôi cố gắng tưởng tượng ra hình ảnh bà đeo cặp sách đi học trên vai nhưng đầu óc lúc đó cứ ong ong.

“Kousuke hơn bà khá nhiều tuổi nhưng vẫn hay chơi cùng bà, anh ấy hiền lắm.”

“Người đó chết rồi ạ? Bị bệnh hả bà?”

Bà gật đầu.

“Năm đó là cái năm tang tóc. Đầu tiên là bác của bà ngã xuống sông, sau đó anh Kousuke cảm nặng rồi qua đời, cuối cùng tới lượt bà của bà...”

“Bà đã viết gì trong bức thư đó?”

“Bà viết: hãy về gặp em một lần.”

Tôi thấy khó thở. Tôi nhớ tới cuốn truyện tranh đáng sợ đã đọc ở phòng chờ của nha sĩ. Đó là cuốn truyện tranh dành cho thiếu nhi được chuyển thể từ một câu chuyện nổi tiếng. Câu chuyện kể về hai vợ chồng nhà nọ mất con trai trong chiến tranh bỗng nhận được một bàn tay khỉ có thể biến ba điều ước trở thành hiện thực. Một đêm mưa bão, đứa con trai đã chết đội mồ đứng dậy tiến về phía nhà cha mẹ mình. Hai mắt anh ta lúc này chỉ là hai cái lỗ trống hoác, còn ẩn hiện sau lớp quần áo rách bươm là da thịt đang thối rữa

“Thế anh họ của bà có đội mồ sống lại không?”

Tôi hỏi, giọng hơi lạc đi.

“Đừng có cầm đèn chạy trước ô tô như thế,” bà nói, mắt chăm chăm nhìn vào cái bánh Đại Phúc còn lại.

“Thật là cháu không ăn nữa chứ?”

“Bà ăn đi ạ.”

“Thế cháu rót cho bà một cốc trà nhé?”

Bà cụ uống cốc trà do tôi lóng ngóng rót và ăn hết veo cái bánh Đại Phúc thứ ba. Thế rồi bà ho một tiếng thật lớn, ho xong, bà hỉ mũi, đưa tay vuốt lại tóc rồi nói: “Rót cho bà thêm cốc trà nữa.” Tôi bắt đầu thấy hơi bực mình, như thể bà cố tình nấn ná một lúc rồi mới chịu qua trở lại câu chuyện: “Giờ mới đến đoạn gay cấn này.”

“Từ sau khi anh họ Kousuke mất, bà sinh ra thói quen đi lại vật vờ trong đêm khi đang ngủ.”

“Vừa đi vừa ngủ ấy ạ?”

“Ừ.”

“Bà nói dối.”

“Bà nói dối cháu làm gì. Khi trời sáng, cả chân bà lẫn chăn đệm đều lấm lem bùn đất. Chẳng hiểu sao lại thành ra như thế. Mẹ bà dùng dây lưng buộc chân của bà và chân của mẹ lại với nhau, nhưng vì thương bà nên mẹ bà không nỡ thít chặt quá, thế nên bà tháo ra được dễ dàng rồi lại đi vật vờ khắp nơi. Lạ một điều là dù vừa đi vừa ngủ như thế nhưng chưa lần nào bà bị ngã từ trên cao xuống hay kẹt dưới hố phân.”

Bà tự gật gù với chính mình. “Đó là chứng mộng du. Hồi đó nó còn chưa có cái tên mỹ miều ấy.”

“Thế là bà bị bệnh à?”

“Đúng thế.” Trong câu trả lời ấy, có gì đó như là tự hào.

“Anh họ bà chết, bà đau lòng quá nên bị bệnh ạ?”

“Đau lòng chứ. Mà thực ra, buồn thì buồn thật đấy nhưng bà thấy hơi sợ. Là bởi người lúc nào cũng chơi đùa, ăn cơm cùng mình giờ đột nhiên không còn nữa.”

Bà nhắm mắt lại. Tôi bất giác gật đầu trước những lời bà vừa nói, như thể nhìn thấy điều đó, bà hỏi:

“Cháu hiểu chứ?”

“Vâng.”

Nhưng ngay sau đó, bà chìm vào một thế giới hoàn toàn khác với tôi.

“Đó là mối tình đầu của bà đấy.”

Mắt bà hấp háy như mèo gặp nắng, từ lỗ mũi, những tiếng “phừ, phừ, phừ, phừ...” phát ra liên hồi, nghe chẳng rõ là bà đang khịt mũi hay cười không ra tiếng. Tôi không mấy quan tâm đến chuyện mối tình đầu của bà nên hỏi sang chuyện khác:

“Làm thế nào mà bà khỏi bệnh được ạ?”

Bà sực tỉnh, vỗ vỗ vào đầu gối: “Chuyện đó à? Là sau khi bà của bà mang lá thư của bà sang thế giới bên kia, căn bệnh đó tự nhiên hết hẳn.”

“Gì cơ ạ?”

“Chắc chắn anh Kousuke đọc thư xong bèn giúp bà khỏi bệnh. Vì trong thư bà có viết về căn bệnh đó mà.”

“Có đúng thế không?”

“Đúng thế mà. Hơn nữa, không chỉ vậy, bà còn được gặp anh ấy hẳn hoi.”

Nghe đến phần gay cấn nhất của câu chuyện, tôi ngoài hẳn người về phía trước. Chắc chắn bà cụ đã gặp hồn ma trước mộ, tôi nghĩ. Và vì trải nghiệm kinh hoàng đó mà khuôn mặt bà mới trở thành như bây giờ...

Bà cụ chầm chậm chỉ tay, cánh tay bà khẽ rung lên nhè nhẹ. Tôi sợ hãi nhìn theo, rồi mắt tôi chạm phải tấm hình đen trắng của ông cụ. Với đôi mắt nhỏ có vẻ rụt rè, ông cụ râu bạc trông vẫn vậy.

“Lần đầu tiên gặp thầy của bà...”

“Vâng.” Tôi nín thở.

“... bà đã sững sờ. Người đâu mà giống đến thế. Kousuke đã run rủi để bà và thầy gặp nhau.”

“Họ giống nhau lắm hả bà?”

“Ừ.”

“Đến mức nào ạ?”

“Đến mức nào nhỉ, giống như bản sao vậy. Khuôn mặt này, vóc người này, cả hình dáng những móng tay nữa, tất cả đều giống hệt. Còn ở cổ thì...”

Bà cụ ngửa cằm lên rồi bất ngờ nắm lấy chỗ da cổ toàn những nếp nhăn. Từ hình dáng, màu sắc, độ lớn... phần da ấy trông giống hệt cái đầu tam giác của con mực khô.

“... chỗ này này, có cái bớt màu đen. Cả hai người đều có.”

“Dạ.”

Hóa ra không phải hồn ma ư? Điều này khiến tôi thất vọng đôi chút, nhưng tôi vẫn nhìn ảnh ông thêm lần nữa.

“Anh họ bà cũng bị hói ạ?”

“Cháu đang nói gì thế, con bé này. Khi thầy bà còn trẻ, tóc ông ấy tốt lắm.”

“A...”

“Thế rồi tóc ông ấy ngày càng rụng dần và chẳng bao lâu sau...”

Bà cụ “ừm” một tiếng rồi ngồi xuống trước bàn thờ, đánh chiêng kêu cheng một tiếng rồi chắp tay làm lễ. Trông cứ như bà cụ đang cầu nguyện cho những sợi tóc rụng của chồng mình vậy, tôi cũng chắp tay theo bà.

“Dù sao thì...” bà cụ quay về phía tôi.

“... thật tốt vì bà của bà đã mang thư đến cho Kousuke hộ bà.”

“Thế khi ông nhà mất, ông cũng mang thư của bà đến cho anh họ bà chứ?”

“Không.”

“Tại sao ạ?”

“Làm vậy thế nào thầy của bà cũng ghen. Hơn nữa

Bà cụ thận trọng đứng lên, quay rở lại thả mình xuống ghế tựa.

“... khi thầy mất, bà đã nghĩ rồi. Bà không cần là người gửi thư nữa. Từ giờ tới phiên bà đưa thư cho người khác. Nhiệm vụ mà khi nãy bà nói là như vậy đấy.”

Ra là thế, tôi ấn tượng quá. Không phải tôi đã hiểu được tất cả, nhưng những lời bà nói rất có sức thuyết phục.

“Ở cái tuổi của bà, một ngày nào đó mà có được sang thế giới bên kia thì cũng chẳng có gì là lạ cả. Còn giờ là lúc hưởng lệ phí.”

“Lệ phí? Bà thu tiền ư?”

Hai cánh mũi bà cụ nở ra như muốn nói: ô kìa, cháu phàn nàn cái gì nào? “Thế chẳng lẽ gửi thư không phải dán tem à? Làm gì có tem miễn phí chứ.”

“Cháu biết thế nhưng mà...”

Thấy tôi ngơ ngác không hiểu gì, bà cụ liền chỉ vào cái tủ màu đen có tay cầm màu vàng.

“Ở ngăn kéo trên cùng ấy. Trong đó, có rất nhiều.”

“Rất nhiều?”

“Đầy ắp,” bà cụ gật đầu dứt khoát.

Tôi tập trung vào cái ngăn kéo trên cùng. Tủ tiết kiệm của lão bà bà! Đầy ắp tiền cơ đấy! Quả là choáng váng. Cái ngăn kéo to đùng ấy phải nhét được hẳn mười cái áo len ấy chứ.

“Mẹ cháu cũng gửi tiền mừng tuổi của cháu vào ngân hàng đấy bà ạ.”

“Con bé ngốc. Thứ bà để vào ngăn kéo đó là những lá thư người ta gửi. Bà bắt đầu nhận chúng từ sau khi thầy bà mất. Suốt hai mươi năm trời, bà có nhiều khách hàng lắm.”

“Cháu mở ra xem thử được không ạ?”

“Cũng được thôi, nhưng nếu xem thư, cháu sẽ phải mang chúng tới thế giới bên kia đấy.”

Tôi dựng tóc gáy, sợ hãi rời mắt khỏi cái t

“Bà mang thư hộ những ai thế ạ?”

Bà cụ bất ngớ vươn cổ về phía trước, đôi mắt đen đã hơi mờ đục nhưng rất linh hoạt nhìn thẳng vào tôi với vẻ trấn an.

“Nghe kỹ bà nói này. Cái ngăn kéo đó, bà sẽ chưa chết chừng nào nó còn chưa chật cứng và không thể nhét thêm bất cứ lá thư nào nữa. Nghĩa là khi nào nó đầy chặt, bà sẽ chết. Vì vậy, bà không thể tùy tiện giữ thư của bất cứ ai. Ví dụ như...” bà hạ giọng, “... nhân viên bưu điện vừa tới khi nãy.”

“Cháu không trông thấy bác ấy.”

“Thực ra thì bác ấy không đến để đưa thư. Bác ấy đến gửi thư cho bà giữ hộ. Vì vợ bác ấy chết chìm trong bồn tắm.”

“Và?”

“Bà không thể nói thêm được. Tên của người nhờ gửi thư phải được giữ bí mật.”

Không chỉ miệng mà cả mắt bà cũng khép chặt, thậm chí lưng cũng gập lại tròn hơn mọi khi, trông bà cứ như một thứ đồ trang trí cổ lỗ trên chiếc ghế tựa. Đột nhiên, tôi hỏi bà.

“Gửi thư, hết bao nhiêu tiền hả bà?”

Tôi vờ như không thấy cánh mũi bà phập phồng. Song bà vẫn tỏ ra lạnh tanh.

“Chưa biết được. Còn tùy trường hợp chứ. Nếu là những người đã chết lâu rồi thì đắt đấy.”

“Tại sao ạ?”

“Để tìm được người đó ở thế giới bên kia, chẳng phải là rất mất thời gian hay sao?”

Sao bà lại biết những việc như vậy dù chưa chết lần nào nhỉ?

“Nhưng mà, nếu không là người mới chết gần đây thì bà sẽ lấy rẻ thôi. Bởi vì ngày trước, bà của bà cũng chuyển thư miễn phí cho bà.”

“Thế bà chuyển thư miễn phí cho cháu đi. Cháu sẽ viết.”

“Bà không hiểu, tà phải chuyển thư miễn phí cho cháu nhỉ?”

“Bởi vì nếu bà không chuyển miễn phí, cháu sẽ nói hết, với tất cả mọi người.”

Bà cụ nhìn vào mặt tôi như muốn “hừm” lên một tiếng.

Thực lòng, tôi thấy hoang mang trước điều chính mình vừa nói. Tôi quyết định người nhận thư sẽ là bố, nhưng cho tới tận khi đó tôi vẫn chưa một lần nghĩ rằng mình sẽ viết thư cho bố và cũng không biết nên viết gì. Thực ra, tôi chỉ muốn đòi bà chuyển miễn phí đi cho tôi. Như thể đột nhiên tính háo thắng của tôi bùng phát hơn là thực lòng muốn nhờ vả.

“Thế cháu cho mọi người biết nhé?”

“Tùy cháu thôi.”

“Cháu sẽ nói.”

“Những điều cháu nói, liệu sẽ có ai tin nhỉ?”

Bà cụ khịt khịt mũi. Rồi sau đó thản nhiên nhấp một ngụm trà. Giữa hai mắt bà cụ gần như không thấy sống mũi đâu, đã thế chỏm mũi lại hếch lên và bạnh sang hai bên. Nhìn chằm chằm vào cái mũi của bà cụ, tự nhiên tôi thấy tức điên lên được.

“Bà là đồ nói dối.” Tôi tuyên bố.

“Ơ hay. Bà đang nói dối cháu sao?”

“Đúng thế. Những kẻ nói dối xuống địa ngục sẽ bị cắt lưỡi.”

“Hmm...” Bà liếc xéo tôi một cái.

“Thôi được rồi, bà có nói dối hay không, chỉ cần xem bên trong ngăn kéo kia là biết ngay thôi, phải không nào?”

Tôi chợt lặng thinh không nói gì.

“Sao?”

“Bởi vì... chẳng phải bà bảo đấy là bí mật còn gì.”

“Thì đúng vậy.”

“Nếu là bí mật thì không được mở ra chứ?

Bà cụ không nói gì, chỉ đứng dậy, vươn cánh tay khẽ đẩy làm tay cầm của cái tủ lêu lách cách: “Xem nào, cái này nặng thật đấy.” Lưng bà còng, đấy là còn chưa kể bà thấp nhỏ hơn hẳn so với người thường, vì thế để mở được ngăn kéo trên cùng của cái tủ to đùng kia là một việc khá vất vả.

Lúc đó, tôi nhận ra một điều. Chắc chắn rồi bí mật của bà cụ vẫn sẽ được giữ kín. Bởi vì nếu nhìn vào bên trong ngăn kéo, tôi sẽ phải chuyển những lá thư ấy đi. Không chừng đã có vài người bị lừa nhìn vào trong ngăn kéo đó và phải chết thay cho bà cụ. Phải chăng vì thế mà bà cụ sống lâu?

“Không.”

Hết chịu nổi, tôi gục đầu xuống, hai tay ôm lấy mặt.

Tôi chúi mặt vào tấm đệm ngồi, xoạch - tiếng mở ngăn kéo tủ đập vào tai. Tiếng lục lọi, khua đồ lộc cộc, tiếng thở hơi gấp của bà cụ, rồi một mùi hương dễ chịu xông lên, hơi giống mùi lúc mẹ mặc áo kimono, tôi thấy như bà cụ đang tiến lại gần, bên tai tôi nghe thấy tiếng giấy sột soạt, sột soạt.

“Cháu xem không? Thư bà vừa mới nhận đấy, mới toanh nhé!”

Từ đôi mắt nhắm chặt, nước mắt tôi chảy ra. Bà cụ cười khùng khục.

“Nhìn này, mở mắt ra xem một chút đi chứ!”

Tôi vùi mặt thật sâu xuống tấm đệm ngồi đến mức ho sặc sụa. Một lát sau đã nghe tiếng bà bước ra xa, rồi có tiếng ngăn kéo tủ đóng lại.

“Ôi nhìn kìa, ló cái đầu rồng của cháu ra đi. Có gan gọi người khác là đồ nói dối cơ mà, ít ra cũng phải dũng cảm hơn chứ.”

Tôi ủ dột ngồi im lặng, mi mắt đỏ lên. Đúng lúc ấy, bà cụ bất ngờ nói.

“Bà chuyển miễn phí cho, thư của cháu ấy. Mang đến đây!”

“Không cần đâu.” Tôi lắc đầu, hằm hằm tức giận. “Cháu không viết những thứ như thế.”

“Bà hiểu mà

“Bà hiểu mà. Nên bà mới nói vậy.”

Bà cụ cười khoái trá. Nụ cười điển hình của kiểu cười mà miệng chỉ là một nếp nhăn.

Chú thích


3. Một loại cửa kéo nhỏ thường thấy trong căn phòng kiểu truyền thống của Nhật, được làm chạm sàn để có thể quét rác từ trong phòng ra ngoài.