MƯA MÙA HẠ

Chương 9

Chủ tịch huyện sung sức tuổi bốn lăm, mũ cối, mặt vuông vức, râu quai nón mờ mờ, vẫn nguyên trang phục bộ đội, đứng trước cái bàn mộc, giọng sang sảng:

 - Số một phải là tình báo. Mùa lũ vừa qua, tình báo làm ăn khá, đánh giá chính xác từng đoạn đê xung yếu. Số hai là tuần tra, túc trực cũng khá. Cụ Ruân trưởng điếm Nguyên Lộc có đây không ạ? A, chào cụ. Thay mặt ban chỉ huy chống bão lụt huyện, xin có lời tuyên dương cụ. Xin biểu dương

cả lực lượng thanh niên xung kích. Nữ đồng chí Thuận, Nguyên Lộc có ở đây không đấy?

- Có tôi đây ạ! – Một giọng nữ trẻ khe khẽ đáp.

 - Báo cáo đồng chí chủ tịch huyện, cô ấy giờ là chủ tịch xã ạ.

 Chủ tịch huyện quay lại phía có tiếng nói:

 - Tôi biết rồi. Đây là tuyên dương về phương diện tuổi trẻ. Được chưa nào. Giờ, tôi xin phát biểu tiếp nhân cuộc họp cụm tổng kết công tác đê điều mùa lũ vừa qua và xin có ý kiến riêng về xã Nguyên Lộc. Phải nói là ưu điểm thì nhiều, nhưng còn nhiều thiếu sót. Lúc này xin cho nhấn mạnh đến thiếu sót, khen nhau dài đuôi để lúc khác. Trước hết, phải kể xử lý giờ đầu rất kém. Thuỷ phá thổ nhanh lắm thế mà cứú ớ Việt gian... 

 Ồ lên một hồi cười vì cái nhóm từ ngữ ngồ ngộ của chủ tịch huyện. Ai cũng biết tác giả của nhóm từ ngữ ấy là một anh chàng thủ kho tính khí hơi bất thường nói năng hay dẫn chuyện kinh sách, anh này mới được bổ sung về đội bảo vệ của ông Ngoạn cuối mùa mưa vừa rồi. Chính chủ tịch huyện cũng bật cười, nhưng giọng ông lại vang lên mạnh mẽ, dứt khoát ngay sau khi ngắt đoạn. Rõ ràng ông là người của một thế hệ cán bộ huyện mới mẻ, trẻ trung, xông xáo, miệng nói tay làm, có văn hoá, hiểu biết kỹ thuật, táo bạo. Vừa rồi, chính ông chủ trì cuộc đấu tranh chống tiêu cực ở huyện. Cách chức một loạt chủ tịch xã, bí thư, chủ nhiệm ở các hợp tác xã có dính tay đồng tiền bát gạo của dân. Kỷ luật hạ tầng công tác một lúc bẩy trưởng phó phòng vì tội tham ô, vô trách nhiệm. Và vụ lũ vừa rồi, sùng sục đích thân đốc chiến ở các quãng đê hiểm yếu, đặc biệt là ở khúc đê Nguyên Lộc này.

 Giờ thì chủ tịch đang phê phán những thiếu sót của Nguyên Lộc. ý kiến của con người sâu sát công việc này quả là chính xác. Đến nỗi ngồi ở rìa cái dù xanh căng tròn như chiếc nấm trên đê, ông cụ Ruân râu cằm lơ thơ, cứ sau mỗi lời của vị quan chức đầu huyện này, lại gật đầu tán thưởng một câu: “ Chí phải!”.

 Nguyên Lộc có khá hơn vụ trước thật, nhưng đúng là còn nhiều khuyết diểm. Ông cụ Ruân chỉ cần lướt mắt một cái quanh đây là có thể vanh vách kể ra được, chứ chưa cần nói đến vị trí của người trong cuộc. Kìa, hàng tre chắn sóng sao xác xơ vậy? Hai cây số, mấy trăm bụi, bụi nào măng cũng bị đào, tre cũng bị chặt. Cái điếm canh có từ thời Gia Long – Tự Đức bé không bằng cái bếp, bọn trộm cắp cũng chẳng tha. Xểnh mắt một cái, nửa mái ngói đã bay biến. Lại còn hơn trăm khối sỏi, cát chôn ở chân đê phòng khi lâm sự thì hậu cần tại chỗ cũng bị bí mật khai quật, vét sạch. Tre, ngói, sỏi, cát chạy đi đâu? Chúng biến hoá và hiện hình ở cái móng, mảng tường, cây đòn tay, khúc xà gồ nhà ông nọ, ông kia thôi. Ai còn lạ! Rồi lại cái vụ vỡ cống, nước tuôn đầy đồng, phải xì xòm tát nước gần tháng trời cứu lúa. Tội tầy đình, rành rành đấy thôi. Không nói ra lúc này còn để lúc nào?

 - Này, cô Thuận – Gãi gãi cằm, ông cụ Ruân quay sang cô gái trẻ ngồi cạnh – Tôi nghễnh ngãng nghe không rõ, ông chủ tịch huyện nói về cái vụ vỡ cống chưa nhỉ?

 - Chưa cụ ạ.

 Cô gái đáp, lại ngẩng lên. Cái cằm xinh nhìn nghiêng hênh hếch một nét gẫy mềm, ở đó có một chấm nốt ruồi khiến cho gương mặt thêm duyên dáng, thanh cao.

 - Này, thế chi uỷ các vị kiểm điểm ông Long chưa?

 - Gửi cả biên bản kỷ luật lên huyện rồi, cụ ạ.

 Khuôn cằm vẫn hếch cao, hình như cô gái đang nhấp nghển đợi chờ. Quả nhiên, nửa tiếng sau, tràng vỗ tay hoan hô bài phát biểu của ông chủ tịch huyện vừa dứt, cô chủ tịch xã xinh gái đã đứng phắt dậy ngay:

 - Báo cáo với huyện là công việc di chuyển dân ở bãi Soi giữa sông vào trong đê vụ lũ vừa qua Nguyeen Lộc chưa làm được. Là bởi vì còn mắc míu về tư tưởng. Còn rất nhiều khó khăn.

 - Khó khăn gì nào?

 Chủ tịch huyện gõ ngón tay xuống bàn, nghiêng nghiêng mái đầu. Không giấu được cảm tình với khuôn mặt xinh xinh và giọng nói quyết đoán của cô gái, ông cứ gật đầu liên tiếp và chốc chốc lại cúi xuống ghi một hàng chữ vào cuốn sổ tay bìa cong vênh vì dính nước.

 - Tôi có ý kiến này.

 - Ơ kìa, cụ Ruân. Cô Thuận còn đang nói.

 - Tôi có ý kiến - Ông cụ Ruân đứng dậy, cao gầy như con hạc, mặc cho mọi người la, gọi - Ông chủ tịch khen tôi, tôi xin tặng lời khen cho chính ông.

 - Hà hà...- Chủ tịch huyện cười.

 - Tôi nói thật. Việc hộ đê là một việc của toàn dân. Ngày xưa, kể từ vương hầu quý tộc, con em Quốc Tử Giám cũng tham gia. Chính vua Trần Minh Tông cũng có lần đi hộ đê. Thấy vậy, quan Ngự sử đài liền tâu: “Việc hộ đê là việc của nông phu. Xin bệ hạ ngồi yên để sửa sang đức chính”. Nhưng quan Hành khiển Trần Khắc Trung nghe vậy, nói ngay: “ Sửa sang đức chính không gì to hơn việc ấy”. Vua khen chí phải. Ông là người đứng đầu huyện, vừa rồi ông cũng lặn lội với bà con...

 - Thôi cụ ơi...

 - Gớm, cứ vòng vo Tam quốc mãi, bố ơi...

 Đám thanh niên ồn ào. Hội nghị hình như đã quá dài. Nắng chưa tròn xoe bóng cái dù. Và trong bếp đã bay ra mùi các món ăn sào nấu. Hôm nay Nguyên Lộc tặng hội nghị cụm con lợn ngót một tạ kia mà.

 - Thôi nhé, chúng ta tạm dừng ở đây – Chủ tịch huyện dường như ngượng vì lời khen của cụ Ruân đứng dậy, đeo xà-cốt – Chiều chúng ta làm tiếp, sẽ góp ý kiến với các xã.

 - Tôi chưa nói hết... Chưa xong! Chưa xong được đâu!

 - Thôi thôi, cụ ơi.

 - Bố Ruân ơi, dĩ thực vi tiên cái đã!

 Nhốn nháo, hơn phần nửa số người trong cái dù đã đứng dậy vươn vai, cười nói. Ông cụ Ruân giằng ra khỏi tay một người, leo lên cái ghế đẩu.

 - Ô hay, tôi còn đang nói kia mà. Về Nguyên Lộc chưa xong đâu. Một giấc ngủ trị giá nghìn mẫu ruộng. Chuyện tày trời ấy sao không phanh phui ra cho rõ trắng đen. Ô kìa! Lạ nhỉ!

 Hình như chỉ có chủ tịch huyện và Thuận là nghe rõ lời ông cụ. Còn thì tất cả đã tuôn ra khỏi lòng chiếc dù.

 Đặt chân xuống đất, ông cụ Ruân hầm hầm bước ra ngoài trời.

 - Cụ Ruân, để chiều cháu nói việc ấy. Cụ ở lại liên hoan đã.

 - Không!

 Ông cụ vằng ra khỏi tay cô chủ tịch, phăm phăm đi.

°

 Nắng long lanh, mỏng mảnh. Mùa thu như một lời xin lỗi của đất trời về cái nắng lửa mưa dầu của mùa hạ. Lúc này, nhìn con đê như một sinh thể nằm ruỗi dài thư thái, thiu thiu ngủ trong yên lành. Nào ai có thể ngờ chính ở nơi đây, những ngày chưa xa đã xẩy ra những cuộc chiến trận hào hùng và quyết liệt. Những ngày ấy rầm rập tiếng chân người, ầm ã tiếng trống thúc, tiếng thét la. Những ngày ấy, con người phải nghiến răng, căng hết gân sức, phải vận dụng đến những năng lượng dự trữ cuối cùng, phải gồng lên và muôn người phải cùng chung đúc một ý chí quyết thắng; vì sự sống của vùng đất, của con người mà phải quyết thắng.

 Giờ thì nước đã rút. Kẻ thù đã trở về biên giới của nó. Con sông hung dữ đã biến hình và trở nên một dòng chảy hiền lành giữa đôi bờ đất định hình thành hai vệt cỏ cây xanh đằm. Mỗi một ngày qua, con sông lại một hẹp lại. Tới tháng này, nước nó trong ngần và ở chỗ dòng sông chẽ đôi ôm bọc bãi Soi, nước chảy le the, nông tới mức có thể lội qua được. Xóm bãi Soi nổi phềnh, dài hơn cây số, rậm rì bóng cây, như con tầu lớn buông neo, ngơi nghỉ sau một chặng đường dài.

 Nước rút, con đê như giật lùi ra xa, bỗng như trở nên một vật thể thừa thãi, không công năng. Láu cá thế! Con sông định đánh lừa người; nó làm cho con người mê mị, rồi bất thần đánh úp họ. Nhưng sông ơi, mi đã lầm. Con người đã khôn từ thời vua Hùng có nàng Mị Nương kết nghĩa với Sơn thần núi Tản rồi. Huống hồ bây giờ chiến tranh đã qua, họ đã bước vào thời kỳ xây dựng và đất nước đã có nhiều của cải cần được bảo vệ!

 Vượt qua một quãng đê vòng cung như cái vai bừa, ông cụ Ruân nhận ra ngay cái khôn của con người. Chớm vào mùa khô, một công trường gia cố đê đã thiết lập ở ngay khúc đê trước làng Nguyên Lộc.

 Bộ đội cử hẳn một trung đoàn đến tham gia đắp đê. Năm nhà máy của tỉnh, năm trăm tay thợ, con đẻ của công cuộc công nghiệp hoá cũng đã đến. Dòng gánh đất, dòng vác đá, dòng xe đẩy đang tuồn đất, đá từ chân đê lên mặt đê. Cờ đỏ loáng thoáng chỗ này chỗ nọ, phấp phới bay. Loa trên nóc điếm hát vang vang. Dưới hủm sâu, một tốp thợ đấu chuyên nghiệp đang hì hụi dùng kéo cắt từng thoi đất lớn. Đê cũ đạt cao trình mười một

mét. Trận lũ tháng bẩy vừa qua mới thấy lũ thuỷ quái hung tợn, chiến luỹ như thế chưa đủ vững. Vậy phải củng cố đê và đắp thêm con trạch.

 Nghe thấy tiếng máy cồn cào, ông cụ nhìn lên và nhận ra ở chỗ cống vỡ, một cái máy xúc loại nhỏ đang quay cánh tay gầu. Ba chiếc IFA mũi tẹt chở đất chạy vào chạy ra. Mấy anh thợ đang vần từ xa đến một khúc cống xi măng to bằng cái vại. Thấy máy móc, ông cụ vui. Nhưng thấy cái cống, ông cụ lại bực. Đó là lúc ông cụ đang đi đến cái điếm canh. Đứng lại trong bóng râm của nó, phẩy cái quạt mo, ông cụ như muốn xua bớt cái bực bõ trong người đi. Thì thình lình cái loa đang hát bỗng dừng phắt và lập tức rồi phát ra một tiếng đàn ông gắt gỏng:

 - Alô! Alô! Nhà máy Mồng một tháng Năm đâu? Yêu cầu nhà máy Mồng một tháng Năm cử người lên gặp Ban chỉ huy Công trường để nhận người của mình vừa đánh nhau bị bắt! Yêu cầu lên ngay! Nhà máy Mồng một tháng Năm đâu!

 Quái! Lại còn gây gổ với nhau lúc này. Ông cụ Ruân ngừng tay quạt, ngó vào trong điếm, nhận ra người vừa nói trên loa là ông đội trưởng Ngoạn quen thuộc.

 Quen thuộc lắm, nhưng hình như ông này cứ sau mỗi vụ lũ lại cao lớn thêm, đen cháy thêm thì phải. Ông đứng khuỳnh tay giữa hai gã đàn ông trẻ. Một cởi trần, tóc xoã như người thượng cổ, một đầu trọc lốc, nình nịch như xúc gỗ lim. Cả hai đều đang có cái hăng của anh gà chọi.

 - Này, hai cậu, điên hả! - Ông đội trưởng quát - Đang lúc mọi người cặm cụi làm việc lại muốn thử sức nhau, hả? Đánh nhau mà giải quyết được vấn đề thì đánh nhau đi xem nào.

 Nói câu cuối cùng, đội trưởng lánh sang một bên. Gã đầu trọc quay đi, vùng vằng:

 - Nhưng mà tôi không ăn cắp. Tôi đại diện cho xí nghiệp đến để đổi cuốc xẻng bị hỏng. Bảo nó, nó cứ đi đi lại lại lải nhải: “ Hết này dài lại đến đêm thâu. Chúng ta đi trên đất Phi Châu”. Tôi mới sục vào kho để tìm xe cải tiến, thế là nó túm lấy tôi, vu vạ.

 - Này, ú ớ Việt gian vừa vừa chứ. Già đòn non nhẽ rồi lại còn định chối hả?

 - Mày bảo ai Việt gian?

 - Hỏng thì chữa lấy chứ. Tôi vặn người rơm ra mà chữa, hả? Chơi nhau thì chơi. Ba năm võ Tầu không bằng một chầu củ đậu đâu, anh giai ạ.

Bật cười, đội trưởng đẩy gã tóc xoã ra một bên, và quát vào mặt gã đầu trọc: “ Về làm đi! Còn vớ vẩn nữa, tôi phạt”. Rồi bước ra cửa vì thấy ngấp nghé gương mặt ông cụ Ruân.

 - Chào cụ.

 - Thủ trưởng! – Gã tóc xoã đuổi theo, níu tay đội trưởng – Sao thủ trưởng lại thả nó? Thượng bất chính hạ tắc loạn!

 - Thôi đi, ông - Đội trưởng quay lại, giật tay - Để sức mà làm việc, ông ạ.

 - Tôi kể thủ trưởng nghe một chuyện đã ghi trong sử sách. Thủ trưởng phải biết rằng ngay từ thời xưa, luật đê điều đã rất là nghiêm. Ai cứ bẻ một ngọn măng, chặt một cây tre bảo vệ đê là xử trảm liền. Còn liên đới trách nhiệm làm vỡ đê thì từ quan đầu tỉnh tới chức hà đê ở xã dứt khoát là phải phạt, hạ chức và đi lao động suốt lượt.

 Ông cụ Ruân đứng ngây người. Đội trưởng gãi gãi gáy:

 - Chuyện sử sách ngày xưa...

 - Chuyện có thật rành rành hẳn hoi đây. – Gã xoã tóc được đà, dấn – Cụ và thủ trưởng có biết không? Một năm nọ vỡ đê Văn Giang, lý trưởng thì bị nọc ra đánh trăm trượng. Còn từ tổng đốc tới tri phủ, tri huyện vùng Văn Giang tuốt luốt đều bị giáng chức, đầy đi lao động khổ sai ở công trường hiệu lực, thủ trưởng và cụ ạ. Hạn là ba năm. Sau thời hạn đó cho về, phục chức. Riêng một viên tri phủ nọ không được phục chức vì y mới đi công trường hai năm sáu tháng. Viên tổng đốc thấy vậy lấy làm ái ngại, bèn làm tấu từ tâu lên vua, xin thể tất nhân tình phục chức cho viên tri phủ nọ vì lý do: y đang lao động thì phải về chịu tang mẹ sáu tháng, hơn nữa y đã bẩy mươi mốt tuổi. Cụ và thủ trưởng nhớ cho là bẩy mươi mốt tuổi. Cụ và thủ trưởng có biết vua trả lời thế nào không? Trả lời thế này: “ Trẫm đây tiếc chi một chức quan nhỏ mọn như vầy. Nhưng, như vầy là làm thành một tiền lệ. Còn đâu pháp luật. Vậy, khanh cứ phủ dụ để y lên công trường hiệu lực tiếp tục làm đủ sáu tháng nữa!” Luật thế mới nghiêm ngặt chứ. Thời xưa đấy các vị nhé!

 - Thôi thôi ông thủ kho ơi đừng lấy hiện tượng cá biệt để khen ngày xưa. Nhưng mà thôi, để lúc khác nhé, giờ tôi đang bận đây.

 Đội trưởng nói đoạn, nhè nhẹ gạt tay rồi quay lại ông cụ Ruân, vừa kịp hỏi: - Cụ vừa đi họp cụm về đấy à? Thì ông cụ dã bước tới trước gã xoã tóc thủ kho, hất hàm: Này anh! Anh phải kể câu chuyện vừa rồi cho ông chủ tịch huyện nghe.

 - Cháu xin sẵn sàng.

 - Này, ông thủ kho - Đội trưởng lại quay lại - Đến giờ nghỉ ông nhớ thu đủ dụng cụ và kiểm tra cẩn thận. Nhớ cho là xe cải tiến nào cũng là phải khoá. Nẩy nòi ở đâu ra lắm ăn cắp thế không biết!

 - Mất hơn hai chục cái trục rồi, thủ trưởng ạ.

 - Sao bảo tìm được thủ phạm rồi cơ mà.

 Gã xoã tóc ghé bên cụ Ruân:

 - Bố này, bố có biết lai lịch cái nhà tay Thưởng ở ngoài bãi Soi không? Cháu tìm được hai mươi cái trục xe cải tiến ở vườn nhà nó. Cái thằng ấy mặt ngang mũi dọc thế nào, cụ? Nhà nó bây giờ còn mỗi bà cụ già ú ớ Việt gian hết sức.

 Thấy ông cụ bật cười, gã tóc xoã trợn mắt, giọng nghê nga:

 - Cụ Ruân này, cháu sẽ gặp ông chủ tịch huyện ngay ngày hôm nay. Cháu đã làm xong một tờ khải, trong đó cháu đề ra 150 điều quy định hành chính của chính quyền. Luật ra luật. Tỉnh ra tỉnh. Huyện phải ra huyện nhé. Cháu vẽ cả mẫu công sở. Cả mẫu bàn ghế, quần áo cho công chức các cấp.

Chủ tịch, phó chủ tịch, uỷ viên, thường trực, toà án, kiểm soát đội mũ gì, đi giầy kiểu gì, mặc áo kiểu nào, màu sắc ra sao, cháu vẽ ra đủ hết. Rồi trách nhiệm của mỗi người đến đâu? Phạm lỗi phạt ra sao? Cháu đề nghị cả lương xướng cho từng loại cán bộ. Giả dụ như kỹ sư Trọng, ngày làm việc, ở nhà đã vậy, còn như đi điền dã bắt mối, đào mối ngoài nắng gió như mấy hôm nay phải có phụ cấp thêm. Cấp xã cũng vậy, cụ ạ. Tội ăn cắp trên công trường đê phạt thế nào, cháu có quy định cả. Xây dựng đất nước phải có luật cụ ạ. Tờ khải đây, cụ xem.

 Gã xoã tóc móc túi quần lấy ra một tờ giấy khổ to nhàu nát. Cụ Ruân ngó vào. Chữ anh chàng li ti như con kiến, lại lằng nhằng đủ các hình vẽ vuông vuông tròn tròn.

 - Cụ ạ, cái câu hát: “ Hết ngày dài lại đêm thâu. Chúng ta đi trên đất Phi châu” là trích dẫn ra vở kịch Hòn đảo Thần vệ nữ đấy mà. Nó có phải là vô nghĩa đâu. Nó vạch mặt bọn đế quốc Anh cáo già tham lam quỷ quyệt bá chiếm cả châu Phi rộng lớn. Chứ đâu có phải là làm nhàm lải nhải!

 “ Hừ, đang chuyện nọ xọ chuyện kia. Thật không hiểu cái lão này điên hay tỉnh nữa”. Đội trưởng phẩy tay, tủm tỉm cười, bước ra ngoài điếm. Cái loa trên nóc điếm vừa phát bản tin: Quân Trung Quốc bắn hai nghìn quả đại bác sang địa phận huyện Mường Khương, tỉnh Hoàng Liên Sơn.

°

 - Các cậu, đào ngay một đường rãnh bao vây tổ chính!

 Trọng hét vui vẻ. Hai cậu con trai giúp việc cho anh kỹ sư vội lao thuổng theo một vòng tròn vây quanh cái khối đất xốp bạc trắng hình cầu, to bằng cái nơm.

 Đội trưởng đội bảo vệ đê đã đến mà Trọng không biết. Ông ngồi chồm chỗm trên miệng hố, đầu đội cái nón lá già, ngó xuống. Hố to bằng cái giếng, sâu lút đầu. Dưới đó Trọng đang lúi húi chuyển quanh một cái tổ mối to lù lù. Tổ mối này là thủ phạm gây ra vụ ôtô khách sụt đít hôm rồi. Hôm đó, kéo mãi chiếc ôtô mới lên và lúc đó phải lấp, chèn chặt nhanh để củng cố đê, giờ mới có điều kiện khai quật. Công việc bắt đầu từ hai giờ sáng, làm liên tục cho tới bây giờ, mặt trời đã chếch về phía Tây. Dừng lại, bọn mối có thể thừa cơ khiêng mối chúa chạy trốn.

 Nắng ngưng trong lòng hố chật hẹp, oi ngột lên. Hai cậu con trai, áo dính đẫm mồ hôi. Trọng giành cái thuổng từ tay một cậu, đâm phầm phập vào thành hố. Phải xẻ rộng để có thể quan sát kỹ cái tổ mối điển hình này. Kéo cái xảo, Trọng hót đất bê lên. Anh quên, không còn nhớ cả hai cậu phụ việc đều ở dưới lòng hố. Nhưng, xảo đất vừa vượt qua đầu anh thì bỗng bị nhấc bổng.

 - ối, anh Ngoạn, anh đến từ lúc nào thế?

Đội trưởng hất đất, không đáp, trả lại cái xảo, lại ngồi xuống. Cái bóng to đổ một vùng râm mát xuống lòng hố, che nắng cho anh kỹ sư.

 Trọng ngồi xuống, nghiêng nghé, lại quên phắt ông đội trưởng. Cái khối đất luyện với nước rãi của mối kết tủa, chồng chất, là cả một toà kiến trúc tỉ mỉ, bí hiểm, giờ đã phơi ra giữa thanh thiên và thu hút toàn bộ tâm trí anh. Sau bước tìm được dấu vết sinh vật, xác định được nơi có tổ mối, đã sang bước tìm cách diệt mối có hiệu quả nhất. Và điều đó phụ thuộc vào sự hiểu biết của anh về kết cấu của tổ mối, các ngóc ngách của nó, nhất là biết được tổ chính của nó và cái gọi là hoàng cung-nơi mối chúa nằm, liên tục thực hiện chức năng sinh đẻ. Anh đã nắm được cái chìa khoá trong tay để mở cánh cửa bí mật vào lúc này? Chao ôi! Cái thời điểm vàng. Cái thời điểm kết thúc một chuỗi dài tiến trình, kết nối các khâu dây chuyền công việc, với bao công sức khó nhọc!

 Giờ đây, anh đã vào tận hang ổ kẻ thù. Cái điều anh muốn nắm bắt đang thấp thoáng hiện ra, rồi lại tựa như một ảo ảnh, chập chờn, tan biến, dẫn anh vào cuộc đuổi bắt cực kỳ mê say. Cái nóng oi ngột, cơn mệt nhọc, những ưu tư buồn phiền, vô nghĩa cả. Anh mất hết cảm giác, hoà hợp với xung quanh như tự nhiên vốn có khuynh hướng hoà nhập với tự nhiên. Cái trạng thái vô cảm với cơn nóng, lạnh, cái trạng thái cân bằng giữa con người và ngoại cảnh ấy, đã có lần Trọng bắt gặp ở ba anh. ấy là một thời đẹp đẽ của ba. Trọng bước vào căn buồng chật chội, nóng bức của ba, muốn ngạt thở, kêu: “ Trời, thế này mà ba chịu được!”. Vậy mà ba vẫn ngồi với cuốn sách. Lạ thế, mồ hôi không chẩy, hoàn toàn thanh thoát thoải mái. “ Trọng, con nghe câu thơ này nhé: Comme on voit sur la branche au mois de Mai, la rose”. Lúc ấy, ông Hảo cũng có mặt, bật cười một cách rất vô duyên và phá vỡ trạng thái cân bằng của cha anh bằng một câu nói hết sức tầm thường: “Tôi trông bác như đi tu. Yo-ga cũng là vậy đấy, bác Cần ạ”.

 - Tìm thấy rồi, các cậu ơi!

 Trọng chợt nhổm lên, reo, kéo cả hai cậu con trai đang nghển cổ xin thuốc lá ông đội trưởng, vào nỗi nao nức của mình:

 - Các cậu thấy chưa? Vấn đề là phải diệt được mối chúa và bít được các khoang rỗng. Nhìn xem, tổ chính nó nằm có sâu không? Chú ý này, càng gần tới tổ chính, số tổ phụ càng tăng, số mối phục vụ càng đông, càng mập. Con đường vào tổ chính đây. Có phải càng vào sâu, kích thước càng lớn không? Hình bán nguyệt, hình en-líp, rồi hình tròn. Điều này quan trọng hơn: Đường vào tổ chính đi dưới gầm các tổ phụ. Trời! Tuyệt quá! Từ nay, thấy tổ phụ, ta sẽ tìm ngay được tổ chính, sẽ diệt được ngay mối chúa. Hoan hô, hoan hô chúng mình!

 Chuyển quanh cái tổ mối, Trọng hét toang toang. Trong lòng hố tựa như vừa xuất hiện một gã trai vui tính. Kìa gã ta còn huýt sáo.

 Đội trưởng móc bao thuốc, châm ba điếu, đưa xuống hố và ngó xuống. “ à thằng này xưa rày có hút thuốc bao giờ! Há! Anh chàng ho. Kìa, hắn quẳng đi rồi. Hắn đang làm cái gì thế. à, đập cái hoàng cung. Chà, ả mối chúa bụng chửa ộ ệ bằng ngón tay trái, đầu chỉ bằng cái que diêm, trông mà phát tởm! Anh chàng đang phởn. Cái hôm đào hố nhử mối hắn bắt mình tìm bằng được một mảnh ván thôi rồi tẩm 666 để làm mồi, yêu cầu gì

mà kỳ vậy, rồi bọn mối ra ăn, hắn cũng reo ầm ĩ: “ Ông có thấy không, mối thợ mập, mối lính đen là tổ nó ở gần. Mối thợ vằn đen, mối lính vàng nhạt là tổ nó ở xa”. “Hừ, bố ai hiểu được chuyện mối với kiến của hắn. Cả cái hôm giông gió hắn kéo mình đi xem mối bay giao hoan cũng vậy. Ra thằng cha làm khoa học nào cũng hay có những cơn điên dại đáng yêu như thế!”

 Đội trưởng da đen sì, lòng trong sáng, dung dị. Hết lớp bẩy vào làm thợ cầu. Bị bom ép chuyển sang công tác bảo vệ đê, làm thợ lặn, rồi đi bộ đội, và lại trở về với con đê. Gốc con nhà thợ, sống thẳng thắn, trung thực, không ưa quắt quéo, thủ đoạn, nhưng đã va chạm nhiều, nên cũng chẳng khù khờ, ngờ nghệch.

 - Anh Ngoạn ơi, anh xuống đây mà xem. Thắng lợi rồi! Thành công rồi!

 Đội trưởng, theo tiếng gọi của anh kỹ sư, thò hai cái cẳng nghều ngào lông lá, xệt đít tụt xuống lòng hố. Hai cậu phụ việc tót lên miệng hố như trở về với đời, đuổi nhau, trêu chọc nhau về một cô bé mắt đen, tóc dài, ngực nở nào đó.

 - Ờ ờ... Mừng cậu! Này hút thuốc đi, Trọng.

 Đội trưởng chìa bao Tam Thanh. Anh kỹ sư rút một điếu, gài lên vành tai.

 - Hì hì...

 - Anh cười gì thế?

 - Hút đi chứ - Đội trưởng xoè diêm – Sau đây là việc gì?

 - Chỉ còn phụt vữa vào các hang hốc, đường trục, tổ chính, tổ phụ, diệt mối chúa là thanh toán triệt để toàn bộ. Anh có hiểu không? Xác định vị trí của nó, đào mấy đường đâm thẳng vào tổ chính, tổ phụ. Vữa phụt vào có pha hoá chất diệt mối và có tác dụng gắn trám luôn các khoang rỗng.

 - Phụt vữa bằng gì?

 - Máy!

 “ Ờ, mặt hắn sao bỗng ngẩn ra, ngờ nghệch thế! Nhà kỹ thuật khéo lại quên cái gì”. Đội trưởng tủm tỉm cười.

 - Anh cười cái gì thế?

 - Trông cậu... buồn cười bỏ xừ đi.

 - Lóng ngóng à?

 - Không hẳn. Này, sao có lúc trông cậu âu sầu, ảo não như ông cụ thế? Tớ nói thật là tớ chúa ghét mấy cậu trí thức cứ hay kênh kênh cái mặt ra điều ta đây quan trọng!

 - Khéo không lại Mao-ít.

 - Tớ mà là Mao-ít!

 - Mao Trạch Đông nói: Trí thức không đáng giá một cục cứt chó khô.

 Đội trưởng bật cười, liếm môi:

 - Tớ chỉ không ưa loại ương ương dở dở thôi. Còn người có tài năng thật sự, họ không thế, họ tự nhiên như đời sống.

 - Nhìn nội dung chứ đừng nhìn thái độ. Bọn họ cũng nhiều tâm sự lắm đấy.

 - Ai chả biết. Nhưng các anh chúa là hay vẽ rắn thêm chân. Đời đơn giản thôi. Cứ chân lý mà theo, mà hành động.

 - Nói như anh thật dễ quá!

 - Chứ còn gì. Tớ đếch vụ lợi, tớ đếch sợ. Thế đấy. Nói ví dụ, cậu đã thành công một bước, nay cậu sang một bước mới, tớ thấy cậu làm vì lợi ích chung, tớ ủng hộ. Tớ có một thằng bạn rất giỏi về máy móc, kỹ sư cơ khí mà, nó sẽ giúp cậu chế tạo một cái máy phụt vữa. ấy thế, việc gì mà phải rắc rối. Đúng, ủng hộ. Sai, phê, đấu!

 Hai con mắt bừng sáng, bất giác Trọng ngước nhìn lên cao.

 - Hờ hờ... Mấy chú này giỏi! Giỏi!

 Ông cụ Ruân đã tới, ngồi trên miệng hố, thả cái ấm sành xuống:

 - Uống nước đi, hai chú. Chú Trọng đánh theo lối đặc công hả? Dà dà... Mẹ cha cái tổ mối, to thế kia cơ mà! Ơ này, ông chủ tịch huyện đang ở trong điếm canh đấy. Ông ấy định đi xem các chỗ lở, sụt, lún, nước sủi, nước tràn năm rồi.

 - Để tôi lên tìm ông ấy.

 Đội trưởng leo lên miệng hố, kéo luôn cả Trọng lên theo.

 - Anh chàng thủ kho vớ được ông chủ tịch huyện như gái tơ vớ được nhân ngãi, đang trình tờ khải cho ông ta nghe - Ông cụ Ruân nói - Anh Ngoạn này, nói anh biết thôi nhé, anh ta như kẻ ngộ chữ ấy nhỉ. Nhưng mà đáo để, có ý tứ sâu xa cả đấy.

 Đội trưởng chụp cái nón lên đầu. Ông cụ Ruân rót một bát nước đưa Trọng, nhìn xuống hố:

 - Chú Trọng uống đi. Chặc chặc... Thế này thì có ngày tổ mối nhỏ sụt toang, đê vỡ. Có lẽ cái đận vỡ đê kinh hoàng năm 1915 ở xã tôi cũng là do cái tổ mối, chú Trọng ạ. Kinh thật! Nghĩ đến giờ vẫn còn sởn cả gai ốc. Đang tự dưng bỗng ùm một cái, nước bên sông quặt nghiêng đổ như thác, sôi sùng sục. Bây giờ, lắm đêm tôi đang ngủ lại giật mình tỉnh dậy, tưởng mình đang đứng giữa mỏm đất còn sót lại, ngửa mặt kêu trời. Hừ! Tổ kiến nhỏ sụt toang, đê vỡ! Sai một li đi một dặm như chơi. Thế mà cái vụ vỡ cống vừa rồi các ông ấy lại định ỉm đi, chú Trọng ạ!

°

 Cơm tối xong, hai cậu phụ việc đi họp chi đoàn, Trọng xách cái đèn pin đi ra cái tổ mối đang đào dở. Anh vẫn đang háo hức muốn xác minh một lần nữa những kết luận khoa học của mình. Bao giờ anh cũng cảm thấy thời gian quá chật hẹp với mình. Lúc nào anh cũng thấy mình còn làm được quá ít việc. Và quái lạ, linh cảm về một điều gì bất hạnh đang lấp ló ở đâu đó sẽ đột ngột xuất hiện và bứt anh ra khỏi niềm say mê của anh, khiến anh lắm lúc bỗng giật thột mình.

 Cái tổ mối mới đào lúc chiều nhỏ hơn và ở cách cái tổ mối anh đào lúc trưa có ông Ngoạn tới xem chừng hai chục bước chân. Khi anh đến cái tổ mối đó thì trăng vừa hé. Nhẩy xuống hố, thêm ánh sáng cây đèn pin, anh có thể nhìn thấy toàn bộ cơ cấu hoạt động của giống côn trùng này.

 Lúc ấy trên quãng đê Trọng đang làm việc có hai người đang đi. Đêm trăng thanh vắng, tiếng người vang rất xa, giọng người đàn ông vang trầm, giọng người phụ nữ trẻ thanh trong, ấm áp. Và vừa bắt được tiếng nói của người phụ nữ nọ. Trọng bỗng đứng ngẩn. Anh thấy nhớ Loan, Loan ở cái thời đã rất xa rồi.

 Lúc ấy, người phụ nữ trẻ đã đi tới cái hố mối lớn. Chị dừng lại, kêu sửng sốt.

 - Anh Thắng! Anh trông cái tổ mối có kinh không? Nó làm tùng bê một cái ô tô khách đấy.

 Người đàn ông ngồi xuống như lấy lệ, ngẩng lên, giọng bỗng trầm xuống.

 - Cô Thuận, tôi hỏi thật, vậy cái cản trở chính trong việc chuyển dân ở bãi Soi là gì?

 - Anh là chủ tịch huyện, anh phải biết chứ.

 - Tôi đang hỏi cô. Chiều nay ông Long khẩn khoản mời tôi sang bãi, về nhà ông ấy ăn cơm. Ông ấy là chú họ xa của tôi. Ông ấy là thương binh chống Pháp. Tôi biết ông ấy đang có nhiều điều tiếng. Nhưng, chẳng lẽ lại khước từ. Cũng chiều nay, gặp cậu thủ kho, cậu ta nói cho tôi nghe đủ chuyện, tôi biết cậu ta móc máy tôi. Cả tờ khải của cậu ta cũng hàm ý đó. Còn ông cụ Ruân nữa, tôi biết ông cụ bực.

 - Thế thì anh còn tỉnh đấy!

 - Cô Thuận, sao cô nói thế?

 - Ta lên xem chỗ cống vỡ đi.

 - Tôi biết rồi cô Thuận. Một giấc ngủ trị giá một ngàn mẫu lúa. Ông Long còn chặt tre, lấy ngói, ăn cắp sỏi... tội tầy đình. Có phải thế không?

 Người con gái im lặng và sự im lặng của người đàn ông còn nặng nề hơn. Họ đứng trên đê, mắt nhìn về bãi Soi.

 Cuối cùng, người đàn ông cất lời:

 - Cô Thuận ạ, cô còn trẻ. Cô chưa thấy hết sự phức tạp của cuộc đời.

 - Anh nói thế em không thể đồng ý được.

 - Tôi hiểu... nhưng cuộc sống rất không đơn giản. Vừa qua, cô biết đấy. Tôi thi hành kỷ luật một loạt cấp uỷ, cán bộ. Việc làm hoàn toàn vì lợi ích chung. Vậy mà đã lại có ý kiến: Khéo ông này quá tả, ông này đề cao cá nhân, xen tư thù vào việc công, ông này biết một mà không biết hai. Bao nhiêu là ý kiến, quan điểm, quan hệ, không dễ gì thống nhất với nhau được. Sống làm việc thế nào là đúng lúc này? Thời buổi như là dở trăng dở đèn này, có người bảo: Tốt nhất là nên một vừa hai phải thôi, cô ạ.

 - Anh sợ mất chức chủ tịch à?

 Người đàn ông kêu một tiếng khe khẽ. Người con gái nói vừa hết câu đã bước đi. Lát sau, Trọng nghe thấy tiếng chân hai người đi qua chỗ anh ngồi và giọng người con gái cộn trong hơi thở:

 - Anh Thắng ạ. ở quãng đê này, cái Lý, cái Hoà bạn em đã chết. Hôm ấy nước to, máy bay Mỹ tới ném bom, bọn học sinh cấp ba chúng em đang đắp đê. Cả anh Nhân, nhà em sau này, cũng có mặt ở đây. Đời người ngắn ngủi quá. định làm một việc gì cho ra việc cũng khó đủ. Huống hồ lại không dám cả quyết mà không phải chỉ là thế. Lúc này cái gì cũng lùng nhùng, trì trệ, không ai dám làm việc gì cho đến nơi đến chốn cả ư?

 Trọng leo lên mặt đê.

 Vòm trời anh ánh xanh. Mặt sông lấp lánh ánh trăng non. Và những chấm sao như quay vòng trên đầu anh. Hai người nọ đã đi xa. Nhưng vẫn như còn đâu đây tiếng người con gái ấy. Một tiếng nói hậu tình và nồng nhiệt, âm vang những nghĩ suy trăn trở giữa cuộc sống đang còn khó khăn này. Anh nhận ra mình đã lầm khi cảm thấy giọng nói của chị giống giọng nói của Loan.

 Anh đưa mắt nhìn về thành phố. ánh sáng điện từ thành phố phản quang lên vòm trời một vầng mây hồng dậng, hoà tan vào ánh trăng trong, tạo thành một khoảng trời nao nao niềm thương nhớ! Giờ là lúc thành phố tan buổi phim thứ hai. Trăng non gác trên mái gác cổ. Đường phố lung linh vệt lửa điện và tiếng người lao xao tan vào các ngõ hẻm của phố phường.

Trọng nhảy xuống hố mối. Phải săn tìm ngay con mối chúa. Mai viết tổng kết, liên hệ việc chế tạo máy làm vữa. Anh nghĩ, nhưng bỗng lại đứng ngẩn. Cồn cào trong anh lúc này là nỗi nhớ. Đã mấy tháng nay rồi anh xa thành phố.