Một Quan Điểm Về Sống Đẹp

PHỤ LỤC 1

(…) Theo chỗ chúng tôi quan sát, nếu nước Trung Hoa muốn có nền pháp trị thật sự bình đẳng thì không gì bằng ai nấy vứt cho mất quách cái mặt đi. Một khi cái mặt đã mất, nền pháp trị tự nhiên sẽ thực hiện, nước Trung Hoa tự nhiên sẽ mạnh giàu. Thí dụ như ngồi xe hơi chẳng hạn: theo phép tòa Đô chính, người thường chỉ được chạy ba mươi lăm dặm một giờ thì ngài Bộ trưởng phải cho chạy năm, sáu mươi dặm một giờ mới “có mặt”. Muôn một có đè chết người, cảnh sát có chạy lại thì Ngài Bộ móc ví đưa ra một tấm danh thiếp rồi ngài ung dung bỏ đi, cái mặt ngài lúc đó phình ra to tướng. Nhỡ ra gặp thày phú lít, không biết nếp tẻ, cứ giữ Ngài lại, không cho Ngài đi thì Ngài há miệng ra ngài chửi: “Không biết thằng bố mày à?”, rồi Ngài bảo tài xế mở máy, một thày phú-lít thật hạt lẩm cẩm cứ bắt giam anh chàng tài xế của Ngài thì Ngài hầm hầm bỏ đi, gọi máy nói cho me xừ Cẩm và chỉ nửa giờ sau là chú tài xế được tha về, là thày phú lít lập tức bị bãi chức, là me xừ Cẩm thân chinh đến Bộ xin lỗi: lúc đó cái mặt ngài Bộ thật phình to không sao tưởng tượng nổi.

 

Có điều lắm lúc tôi thấy đi chung xe, chung tàu, chung máy bay với những con người “có mặt”, là điều khá nguy hiểm, không bằng đi chung xe, chung tàu, chung máy bay với những con người “không có mặt” lại hóa lợi hơn. Tỉ dụ năm ngoái, có một ông quyền có cái mặt to quá, không chịu nghe lời người mãi biện căn dặn, cứ nhất định hưởng cho bằng được cái vinh diệu hút thuốc lá giữa một căn lầu chất đầy diêm sinh. Người mãi biện sợ ông quyền hỏi mình “có biết thằng bố mày không” nên chịu nước lép, đành phải nể nang cái mặt ông quyền. Kết quả? Kết quả về sau con tàu Trường Giang bốc cháy. Ông quyền cố nhiên giữ vẹn được cái “mặt”, nhưng lại không giữ vẹn được cái thây nó bị cháy tiêu. Lại như năm nọ, ngài thị trưởng Thượng Hải đi máy bay, cái mặt Ngài cũng to quá, Ngài cứ bắt máy bay chất hành lý quá trọng tải ấn định. Viên phi công ngại cái mặt Ngài Thị Trưởng, nên cũng nể nang nó. Vì thế, lúc cất cánh, máy bay mới tròng trành. Ngài Thị Trưởng lại muốn cho những người đi tiễn được chiêm ngưỡng cái mặt to tướng của Ngài, nên Ngài bắt máy bay phải lượn quanh mấy vòng trước khi tiến kinh. Chẳng may máy bay bổ ngang, bổ ngửa, chúi đầu, chúi mũi, húc phải cột tàu mà ngã lăn đùng. Kết quả là Ngài Thị Trưởng giữ vẹn được cái mặt nhưng lại cụt mất cái đùi. Tôi nghĩ phàm bà con nào cho rằng cái “mặt” đủ để đảm bảo cho máy bay dù hành lý có chất quá trọng tải cũng không sao, bà con ấy đều nên cụt chơi một đùi và thừa nhận rằng đó là một hân hạnh được ông Trời nể nang cái mặt mình.

 

(…) Phương pháp lên mặt của người mình rất nhiều. Trên tàu, xe, cấm không cho khạc đờm thì cứ khạc đờm; bãi cỏ cấm không được giẫm lên thì cứ giẫm lên, hạm đội của hải quân thì cứ dùng mà chở thuốc phiện; ông Trưởng ty cấm thuốc phiện thì lại cứ đích thân xin mua thuốc phiện. Tất cả những cái đó đều có một vinh diệu tương xứng. Khốn nỗi những cái đó dù sao cũng chả ích lợi gì cho nhân quần xã hội, nhân quần xã hội có thể cóc cần những cái đó. Tụi dân đen nước ta vốn dĩ chẳng có mặt miếc gì hết, cho nên họ van xin các ông cả bà lớn hãy vứt quách cái mặt đi cho rồi để nền pháp trị được sớm thực hiện, để quốc gia mau đi tới cảnh thái bình.

 

Trích trong Ngã đích thoại

GIẢN CHI dịch

--------------

Trong tập Thả giới đình (tạp văn), Lỗ Tấn cũng có nói về cái mặt. Xin trích ra đây để quý vị độc giả cùng xem. (chú thích của Giản Chi).

 

“… Mà cái nghĩa “bẽ mặt” thì lại tùy người mà không giống nhau: Anh phu xe ngồi bên đường cởi trần bắt rận không sao, chứ ông rể nhà giàu mà ngồi bên đường cởi trần bắt rận thì “bẽ mặt”. Anh phu xe không phải không có “mặt” có điều lúc đó anh không cho là “bẽ”, kịp bị vợ đá cho một cái quay lơ ra khóc, bấy giờ mới thấy là “bẽ mặt” (…). Cái cơ hội “bẽ mặt”, hầu như trong giới “thượng lưu” tương đối có nhiều hơn; nhưng cũng không hẳn như vậy đâu: chẳng hạn anh phu xe ăn cắp một túi tiền bị người ta tóm được thì “bẽ mặt” mà người “thượng lưu” vét một mẻ ngọc vàng châu báu, lại hình như không thấy tí gì là “bẽ mặt”, họ lại có cái “xuất dương quan sát” làm phương thuốc hay để đổi cái “mặt” nữa kia.

 

Trích trong bài Nói về cái mặt.